Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Hoàng Hường - Khi báo chí tự tước bỏ quyền lực của mình

Hoàng Hường - Khi báo chí tự tước bỏ quyền lực của mình

Hoàng Hường
Trong thời đại những cụm từ ‘toàn cầu hóa’ ‘thế giới phẳng’ được thường xuyên nhắc đến, cũng có nghĩa người ta đang nhắc đến một thế giới mà cả cơ hội và nguy cơ tiếp cận nó được chia đều, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông.

Chỉ bằng một cú click, bất cứ người nào cũng có thể tiếp cận với kho tri thức – thông tin đồ sộ của nhân loại; cũng như dễ dàng đóng góp phần của mình vào kho tri thức đó.
Ở nghĩa này, khẩu hiệu ‘Thế giới trong tầm tay’ được hiểu theo đúng nghĩa đen của nó. Thế giới vận động không ngừng, cuốn theo mọi thành tố trong nó – bao gồm con người, đương nhiên – thay đổi theo, dù có muốn hay không.

Ảnh: báo in đã từng là nguồn thông tin duy nhất cho độc giả (nguồn: internet)

Nhìn lại thời điểm cách đây vài thập kỷ: Di tích lịch sử ATK (An toàn khu) Định Hoá vẫn lưu giữ di tích Thông tấn xã và báo Quân đội Nhân dân ra số đầu tiên.
Trong một thời kỳ lịch sử, những trang báo được xuất bản trong rừng là nguồn thông tin quý giá và gần như duy nhất tới nhân dân và chiến sĩ cả nước. Những bản tin chiến thắng, những tấm gương hy sinh anh dũng… đã kích thích, thúc đẩy tinh thần chiến đấu, hăng hái ra trận.
Những tờ báo này đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền của mình ở những thời điểm nhất định.
Chiến tranh kết thúc. Công việc làm ăn kinh tế và phát triển của một đất nước không chỉ cần những bản tin chiến thắng, anh dũng nức lòng; mà còn cần những thông tin phong phú, chính xác để lãnh đạo và nhân dân đưa ra được những quyết định đúng đắn.
Các trang báo cần thêm ‘những nhân vật tranh cãi’ (vào từng thời điểm của sự vận động) như Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú, Kim Ngọc, để tạo những bước đột phá và thay đổi để phát triển. Vẫn biết những người tiên phong luôn là người hứng chịu bão tố, như bản thân nhân vật Kim Ngọc, cũng như những người ủng hộ ông.
Ký sự Cái đêm hôm ấy, đêm gì? của nhà văn Phùng Gia Lộc có thể coi là một trong những ‘tuýp mù-tạt’, cay xộc lên sống mũi, nhưng sau đó thức tỉnh được nhiều điều. Tất nhiên, không thể thiếu sự dũng cảm của người làm truyền thông.
Internet ào đến, mạng xã hội nở rộ, báo chí mất vị thế độc tôn. Về mặt kỹ thuật, báo chí chính thống, đặc biệt khu vực báo in, đã nhanh chóng bị tụt hậu trong sự tấn công ào ạt của tiến bộ công nghệ. Di chuyển một ngón tay trên màn hình điện thoại, đương nhiên tiện lợi hơn rất nhiều lần chạy ra sạp mua một tờ báo, với thông tin chậm hơn.
Về nội dung, báo chí cũng đã thể hiện sự ‘đuối hơi’ trong việc nhanh, nhạy, phong phú trong việc đưa thông tin đến độc giả. Ví dụ gần nhất và điển hình nhất chính là tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Báo chính thống chạy sau mạng xã hội 12 tiếng.
Vì sao các tờ báo có các phóng viên, biên tập viên được cấp phép để tiếp cận các nguồn tin, lại đưa tin chậm và đôi khi không đầy đủ bằng các trang mạng? Có vô số lý do để giải thích cho hiện tượng (xảy ra khá thường xuyên) này, nhưng mấu chốt lớn nhất phải chăng ở tư duy.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn từng phát biểu rằng “Trong một xã hội mở, một thế giới phẳng, nếu chúng ta không thông tin thì các trạng mạng xã hội sẽ thông tin”
Nhìn sang một nước láng giềng: Myanmar đang thay đổi rất mạnh mẽ, một trong những điều thay đổi đó là việc đậy nắp bút của người kiểm duyệt báo chí vì “độc giả chính là người kiểm duyệt tốt nhất”.
Một tờ báo có chỗ đứng trong lòng bạn đọc hay không, tất nhiên phụ thuộc vào độ tin cậy và hấp dẫn mà tờ báo đó tạo ra, uy tín của tờ báo bảo đảm sản phẩm của họ có được tiếp nhận hay không. Hẳn nhiên, tờ báo phải làm tốt nhất để độc giả đón nhận, đặc biệt trong thời đại Internet, chỉ một cú click có thể kiểm tra được độ tin cậy của thông tin đến đâu.
Hơn nữa, báo chí hoạt động theo Luật báo chí và những tôn chỉ đạo đức nghiệp vụ chung; vi phạm luật và đạo đức; tờ báo và nhà báo không chỉ bị tẩy chay mà còn đối mặt với pháp lý.
Nói cách khác, đây cũng chính là mặt mạnh của báo chí, ở sự ‘chính thống’. Thông tin đưa ra phải đảm bảo những yêu cầu, tiêu chí khắt khe; không chỉ đúng luật mà phải đáp ứng được tiêu chí nghiệp vụ: khách quan, trung thực, chính xác; vì sự thật và chỉ có sự thật mà thôi!
Đó là tiêu chí chung của báo chí toàn cầu, vượt qua mọi biên giới về chính trị, quốc gia, văn hóa… Ngược lại, thông tin tự do có thể nhanh nhạy, phong phú hơn; nhưng hoàn toàn có thể bị chi phối bởi những mục đích chính trị, kinh tế, tôn giáo, lợi ích nhóm hoặc thậm chí lợi cá nhân người đưa thông tin.
‘Báo chí là quyền lực thứ tư, sau các cơ quan lập pháp và hành pháp’, là một cách nói; chính xác hơn: báo chí có một quyền lực mềm, chính là uy tín và tác động xã hội ở thông tin được đưa ra. Khi những thông tin đó không được tin cậy, không đầy đủ hoặc không được đón nhận, nghĩa là báo chí tự tước bỏ quyền lực của mình.
Như vậy để thấy rằng “các quy chế báo chí cần được thay đổi” như Thứ trưởng Doãn nói chắc chắn cần thiết, tuy nhiên chưa đủ.
Điều quan trọng nhất, không phải ở việc thay đổi quy chế, mà thay đổi tư duy. Chúng ta không thể có một xã hội văn minh – trưởng thành, nếu không có sự độc lập tư duy.
Người đưa thông tin được độc lập đưa thông tin của mình, người tiếp nhận được độc lập tiếp nhận và thẩm định thông tin ấy. Cả hai phía cần sự tin tưởng và tự do thực hiện phần việc của mình.
Những người lãnh đạo cần chấp nhận rằng đã qua thời báo chí là nguồn tin duy nhất, được xác lập từ những tín hiệu ‘tạch tè’ trong rừng như xưa. Giờ là thời đại của đủ loại nguồn tin, và bất kỳ ai cũng là một người đưa thông tin.
Nhiều trang blog, mạng cá nhân đã vượt báo chí chính thống về uy tín và lượng truy cập của độc giả. Nếu tiếp tục bị kiểm soát như ở thời đại ‘tạch tè’, báo chí chính thống sẽ mất vị thế hoàn toàn.
Thiệt hại tiếp theo là cho xã hội và Nhà nước. Khi người dân không được thoả mãn về nhu cầu thông tin trên báo chính thống, họ tìm kiếm nhưng nguồn tin khác. Tính hai mặt ở đây là ngoài sự nhanh nhạy phong phú, những nguồn thông tin không chính thống có thể bị sai lệch hoặc bóp méo theo sự chủ quan và mục đích của người đưa ra thông tin. Trong khi báo chính thống tự tước vị thế của mình, thì kiểu thông tin này sẽ lên ngôi.
Một số tờ báo thường là đi sau phản biện những thông tin được đưa ra trên mạng.
Chưa nói về hiệu quả lập luận và tư duy, qua số liệu thể hiện qua các phương tiện kỹ thuật có thể tổng hợp được, thì số người đọc ‘thông tin tự do’ nhiều gấp cả chục lần người đọc phản biện. Đây chính là thiệt hại lớn nhất.
Thay vì chủ động cởi mở, chia sẻ, đưa những quan điểm và thông tin đầy đủ chính thống; thì báo chính thống lại làm chức năng đi cải chính cho những thông tin không chính thống.
Nhiều vụ việc trong quá khứ cần phải được gỡ bỏ cấm kỵ để báo chí, các nhà sử gia và chính khách chia sẻ góc nhìn đa chiều. Trên thực tế, những thông tin về các vấn đề này đã được đề cập trên các trang thông tin tự do.
Người đọc sẽ thấy sự mạnh mẽ của người lãnh đạo: tự hào vì thành công, đồng thời thừa nhận những sai lầm; đó là biểu hiện của một tư duy trưởng thành, một xã hội trưởng thành.
Trong thời đại toàn cầu hoá, Internet phá đi mọi rào cản và sự cấm địa. Nếu người đọc chỉ có thể tìm thấy thông tin họ cần ở bên ngoài; một cách tự nhiên, họ sẽ hướng ra bên ngoài và quay lưng lại với các thông tin bên trong. Sự mất niềm tin vào thông tin, sẽ dẫn tới mất niềm tin vào giá trị và niềm tin vào hành động cương lĩnh
Khi người lãnh đạo mạnh mẽ hơn, tin tưởng vào người dân của mình hơn, biết lắng nghe và tiếp thu, sẽ nhận được sự phản hồi tương tự của dân.
Đừng nghĩ thay họ, lo thay cho họ, cấm cản họ, điều khiển cách tiếp cận thông tin của họ; và thực tế là không cấm được, đã xa rồi thời của những tín hiệu tạch tè, hãy bỏ chúng lại sau lưng.
Khách gửi hôm Thứ Năm, 21/11/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131121/hoang-huong-khi-bao-chi-tu-tuoc-bo-quyen-luc-cua-minh
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001