Ngô Nhân Dụng - Phản đối Viện Khổng Tử
at 11/06/2013 11:46:00 AM
Ngô Nhân Dụng -
Giới trí thức Việt Nam, qua các mạng Internet, đã phản ứng mạnh mẽ trước
dự tính thành lập các học viện mang tên ông Khổng Tử, như thỏa thiệp giữa hai
ông Lý Khắc Cường và Nguyễn Tấn Dũng trong tháng trước. Tất cả mọi người đều
nêu lên mối nguy hiểm khi đảng Cộng sản Việt Nam nhượng bộ trước áp lực của
Trung Cộng.
Có nhiều lý do khiến mọi người phải lo ngại; nhưng chúng ta cần phân biệt những
mối lo thật và mối lo không cần thiết.
Trước hết, không ai phải lo gì về ông Khổng Tử. Dân tộc Việt đã bị đô hộ một
ngàn năm nhưng không mất nước. Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo,
nhưng không phải vì nước mình bị đô hộ. Như chúng tôi đã trình bày trong cuốn
Ðứng Vững Ngàn Năm, ngay sau khi giành được quyền tự chủ, các triều đình Việt
Nam trong các thế kỷ đầu tiên không dùng Khổng Giáo trong việc cai trị. Từ thời
nhà Ðinh tới đời Lý, đời Trần, Phật Giáo vẫn chiếm ưu thế. Việc đưa Khổng Giáo
lên địa vị độc tôn chỉ bắt đầu ở nước ta từ cuối thế kỷ 15, và lên cao nhất
trong thế kỷ 19. Hơn nữa, trong vùng Á Ðông, những quốc gia không hề bị đế quốc
Trung Hoa đô hộ, như Nhật Bản, vẫn chịu ảnh hưởng của văn minh Khổng Giáo; cho
tới bây giờ họ vẫn còn dùng nhiều chữ Hán, học sinh tiểu học đã phải học đọc và
viết chữ Hán. Các nước phát triển cao nhất ở vùng này, như Nam Hàn, Nhật Bản,
Ðài Loan, Singapore đều duy trì nền nếp đạo lý, chỉ xóa bỏ các lý thuyết chính
trị Khổng Mạnh lỗi thời.
Khổng Tử thật sự không chịu trách nhiệm về tình trạng suy đồi diễn ra trong bốn
thế kỷ sùng thượng Khổng Giáo ở nước ta. Lỗi lầm là do người mình đã học tập
các lý thuyết “Nho Giáo Mới,” xuất phát từ đời nhà Tống bên Trung Quốc. Ngoài
ra, còn áp dụng các hủ tục của các triều đình Trung Hoa bóp méo Khổng Giáo để
củng cố quyền hành của vua quan. Nếu người Việt bây giờ có dịp phục hồi lại
những giá trị đạo đức Khổng Mạnh, như Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, Trung Tín, Chính
Tâm, Thành Ý, vân vân, thì không có gì đáng lo ngại. Thí dụ, có thể nghiên cứu
tìm xem sách giáo khoa ở các nước Ðài Loan, Nhật Bản dạy trẻ em về đạo đức như
thế nào mà người dân nước họ sống đàng hoàng, tử tế. Nếu người Việt Nam bây giờ
biết giữ tín nghĩa với nhau, như người Nam Hàn, người Singapore, thì đó là điều
đáng mừng! Nhưng, công việc phục hưng đạo lý, văn hóa này, phải do người Việt
Nam đóng vai chủ động. Tuyệt nhiên không nên dựa vào người nước ngoài, nhất là
những chính quyền ngoại quốc đang có các hành động thao túng và thôn tính nước
ta. Nói như Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, “Nếu có một cuộc nghiên cứu có hệ thống về
Khổng Giáo trong đời sống xã hội, văn hóa tinh thần của người Việt thì rất tốt,
nhưng tôi cho rằng việc ấy nên để cho người Việt làm.”
Không cần lo về ông Khổng Tử; chúng ta cũng không phải lo ngại gì về âm mưu
dùng “Sức Mạnh Mềm” (hay Quyền Lực Mềm) mà chính quyền Trung Hoa có thể đem ra
thi triển qua các Viện Khổng Tử. Như đã trình bày trong bài trước, nước Trung
Hoa cộng sản bây giờ không có chút Quyền Lực Mềm nào cả. Blogger Huỳnh Ngọc
Chênh giải thích đầy đủ nhất về điểm này. Ông thấy “những thành tựu lớn nhất (về
văn hóa của Trung Quốc) vẫn là thuộc về quá khứ.” Khi nhìn kỹ thì thấy, “Văn
học nghệ thuật hiện đại của Trung Quốc,” nếu được tự do sáng tạo trong nhiều
thế hệ nữa, mới có “sức hấp dẫn,” để ảnh hưởng trên các nước khác. Ông cho đó
là lý do khiến Cộng sản Trung Hoa muốn truyền bá văn hóa ra nước ngoài, mà
chẳng có gì để đem khoe cả; cho nên họ đã chọn nhân vật Khổng Tử: “Bởi trong
thời điểm hiện đại, Trung Quốc có gì đâu để quảng bá về mặt tư tưởng, triết
học? Trung Quốc có gì để chứng minh “sức mạnh mềm” của mình?”
Tóm lại, có hai “mối lo giả” không cần thiết: Không lo ngại về luân lý Khổng
Giáo, cũng không lo Cộng sản Trung Quốc có thứ Sức Mạnh Mềm nào để tấn công vào
dân Việt Nam bây giờ.
Vậy có mối lo nào là đáng lo thật hay không?
Chính quyền Trung Cộng chắc sẽ không nhắm truyền bá Khổng Giáo ở Việt Nam qua
các Viện Khổng Tử (ở chính trong nước họ, họ vẫn suy tôn các giáo điều Mác, Lê
và Mao, hoàn toàn trái ngược với Khổng giáo). Cũng không lo họ đem các “mô hình
văn hóa mới” của Trung Quốc sang dùng như Sức Mạnh Mềm quyến rũ dân Việt Nam.
Bởi vì họ chẳng có gì hấp dẫn được ai cả.
Nếu các Viện Khổng Tử không giúp gì cho hai công việc đó, thì họ dùng làm gì?
Họ chắc chắn sẽ dùng cái vỏ ngoài của các Viện Khổng Tử để che đậy các âm mưu
chính trị. Sẽ có rất nhiều thứ âm mưu, không thể đoán trước tất cả được. Như
Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận xét, việc xây dựng viện Khổng Tử tại Việt Nam
mang ý nghĩa khác hẳn so với bất kỳ một học viện Khổng Tử nào trên thế giới.
Hiện nay đã có ít nhất 400 học viện mang tên ông Khổng Tử, trong hơn 90 nước.
Họ còn trù tính đến năm 2020 sẽ đạt tới một ngàn học viện Khổng Tử trên khắp
thế giới.
Thái Lan, một nước không theo truyền thống văn hóa Khổng Giáo như Nhật Bản hay
Việt Nam, nhưng hiện nay Trung Cộng đã lập 13 học viện Khổng Tử; riêng thủ đô
Bangkok có ba viện. Chính quyền Trung Cộng “tấn công” vào Thái Lan mạnh như
vậy, vì những mưu đồ chính trị. Một âm mưu là họ nhắm “cải tạo” những người
Thái gốc Hoa. Họ muốn biến họ thành những người “thân Tàu” hơn, và hy vọng qua họ
sẽ ảnh hưởng trên chính nước Thái Lan.
Tại Thái Lan, từ nhiều thế kỷ con cháu các Hoa kiều thường hội nhập rất nhanh.
Chỉ hai, ba thế hệ là họ biến thành người Thái Lan: Gọi tên bằng tiếng Thái,
nói tiếng Thái, học từ tiểu học lên đại học bằng chữ Thái và chữ Anh. Dân gốc
Thái chấp nhận các di dân hội nhập này theo tinh thần cởi mở hiếm có trong vùng
Ðông Nam Á. Ba vị thủ tướng gần đây nhất của nước Thái Lan, kể cả bà đương kim
thủ tướng, đều là người Thái gốc Hoa. Tổ bốn đời của họ mới di cư từ Quảng Ðông
sang vùng Cheng Mai vào thế kỷ 19. Trong hai chục năm qua, người Thái không ai
đặt câu hỏi về gốc tích Hoa kiều của họ cả. Gần đây, Trung Cộng đã tìm cách xâm
nhập cộng đồng người Thái gốc Hoa. Họ khuyến khích dân gốc Hoa phục hồi các
sinh hoạt văn hóa cũ: Ăn Tết theo lịch Tàu, tổ chức lễ Trung Thu, tập các trò
múa lân, múa rồng, vân vân.
Các học viện Khổng Tử ở khắp nước Thái Lan chắc sẽ đóng góp trong kế hoạch xâm
thực văn hóa này. Ðây chỉ là một trong nhiều hành động mà các viện Khổng Tử
đang làm; chắc chắn khi họ mở “túi gấm; cẩm nang” của họ, trong đó sẽ còn nhiều
“diệu kế” khác để xâm nhập vào xã hội Thái Lan. Nếu họ thành công, thì sẽ gây
chia rẽ và xung đột chủng tộc ngay trong nước này, hậu quả không đoán trước hết
được. Hậu quả sẽ phải hàng thế kỷ mới biết có xẩy ra hay không; nhưng các chính
quyền cộng sản Trung Quốc rất kiên nhẫn. Hồi 1970 có người hỏi ông Chu Ân Lai
nghĩ gì về kết quả của cuộc Cách mạng Pháp (1789), ông thản nhiên trả lời: “Còn
mới quá, phán đoán bây giờ là quá sớm.”
Tại Việt Nam, các viện Khổng Tử chắc chắn sẽ đóng vai trò nguy hiểm hơn là cổ
võ múa lân và ăn Tết theo lối Tầu. Những âm mưu có đến “thiên hình, vạn trạng.”
Họ có thể dùng các viện Khổng Tử làm như ở Thái Lan: “Kế hoạch trăm năm” không
gì băng trồng người, (Bách niên chi kế mạc như thụ nhân, Quản Tử). Nhưng họ có
thể có những kế hoạch trồng người ngắn hạn, nhanh chóng hơn, qua các chương
trình cấp học bổng và mua chuộc khi đi du học. Họ có thể đem tiền trợ cấp các
nhà văn, các báo, đài, các trường học, để tuyên truyền cho chính sách của Cộng
sản Trung Quốc.
Chuyện này sẽ dễ dàng xẩy ra nếu lại có người Việt Nam đứng ra hỗ trợ họ.
Bởi vậy giới trí thức Việt Nam đã thấy thực sự đáng lo. Tiến Sĩ Nguyễn Xuân
Diện nói thẳng: “...những học viện Khổng Tử sẽ là cuộc xâm lăng về mặt văn hóa.
Văn hóa là một nền tảng của đất nước, một khi văn hóa bị thuần hóa (sic) thì đó
là một điều nguy hiểm.” Theo ông, đáng lo nhất vì trong chính quyền cộng sản
nước ta những người lãnh đạo tư tưởng và văn hóa thiếu hiểu biết, không có bản
lĩnh vững vàng. Trung Cộng hiện có hai lợi thế: Thứ nhất, đảng cộng sản Việt
Nam đã bị ràng buộc với “mười sáu chữ vàng” và “bốn tốt” nên không thể nào
chống đối các kế hoạch của họ. Thứ hai, họ sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền chi
cho việc thực hiện các kế hoạch đồng hóa lâu dài.
Về lợi thế thứ nhất, Blogger Huỳnh Ngọc Chênh vạch ra: “Kể từ khi hai đảng cộng
sản ra đời, sự tương đồng giữa hai nước ngày càng lớn hơn, do mô hình thể chế
chính trị giống nhau, cộng với việc nhà nước cộng sản Việt Nam nhất nhất học
theo từng đường đi nước bước của nước láng giềng.” Có lẽ trong lịch sử nước ta
thời kỳ chính quyền Việt Nam nô lệ nặng nề nhất về văn hóa, tư tưởng, cho tới
định chế và chính sách chính trị, là kể từ năm 1951, khi đảng Cộng sản Việt Nam
(lấy tên Ðảng Lao Ðộng) đề cao Tư tưởng Mao Trạch Ðông như là đường lối của cả
nước. Quyết định đó đã đưa tới việc thực hiện cuộc Cải cách Ruộng đất, và cuộc
đàn áp phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Ðến nay, cả quá trình đổi mới kinh tế của
đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chỉ là những bước đi theo một cách vụng về theo gót
Cộng sản Trung Quốc.
Cho nên chúng ta cũng chia sẻ mối lo của Huỳnh Ngọc Chênh. Ông đã thấy “cơ chế
chính trị của Việt Nam và Trung Cộng như hai anh em song sinh!” Trong khi đó
“với những người lãnh đạo đất nước (Việt Nam) vừa thiếu bản lĩnh, thiếu tầm cỡ,
lại mang cái tâm lý nô lệ Tàu nặng nề như hiện tại, thì nguy cơ càng lệ thuộc
nặng nề hơn về văn hóa là điều dễ thấy trước.”
Trước mối lo chung này, người Việt Nam, nhất là giới trí thức, phải phản ứng mạnh
mẽ; vì chính những người cầm đầu đảng và chính phủ cộng sản không hề quan tâm
những đe dọa văn hóa khi Trung Cộng thành lập các Viện Khổng Tử.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/11/ngo-nhan-dung-phan-oi-vien-khong-tu.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001