Thành phố gây khó cho người nhập cư
Anh Vũ, thông tín viên RFA
2013-11-04
2013-11-04
Vi phạm Quyền con người
Xu hướng một số đông người lao động nghèo từ ngoại tỉnh do công việc làm ruộng ở nhà không đủ sống nên phải ra thành phố kiếm ăn đang trở nên phổ biến. Ở Việt nam tuy đã có Luật Cư trú, song bộ luật này còn nhiều điểm hạn chế và đây là một điều đã gây không ít khó khăn cho những người lao động từ ngoại tỉnh đến các thành phố để kiếm sống. Việt Nam cũng là một trong số ít nước trên thế giới mà ở đó người dân khi có nhu cầu sống tại những nơi khác, thì họ phải đăng ký và được chính quyền cho phép để được cư trú.Việc này chỉ đáp ứng được một yêu cầu là yêu cầu quản lý nhà nước, mà hầu như chưa quan tâm đến quyền lợi của người dân. Từ Hà nội, Cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng, nguyên giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế Hà nội cho chúng tôi biế:
"Theo quy định của nhà nước Việt nam hiện nay người dân sống ở đâu phải đăng ký hộ khẩu, thì trong đó quy định hộ khẩu KT1, KT2 là đối với những người có hộ khẩu chính thức. Còn những người tạm trú thì có thời hạn. Nhưng mà đối tượng này không có tiền, do đó họ chủ yếu tá túc có tính chất thời vụ, có thể thuê tạm một nơi nào đó rất rẻ mạt để kiếm ăn. Cái chính sách của nhà nước đưa ra nhằm hạn chế việc nhập cư thì đây là một biện pháp tình thế. Thực tế ra mà nói, ngăn cản thì họ sẽ không ngăn cản nổi, vì số người lao động là số đông. Cho dù nhà nước có cấm đi chăng nữa thì người ta vì mưu sinh vẫn cứ phải ồ ạt đổ về thành phố thôi.”
Trước hiện tượng xã hội này, các thành phố lớn như Hà nội, Đà nẵng, Sài gòn… đã ban hành các quy định nhằm “siết” nhập cư. Trong đó có những yêu cầu như: người nhập cư phải chứng minh đã sinh sống trên 3 năm, có diện tích nhà ở bình quân đầu người là 15 m2 v.v... , trong khi mức bình quân ở Hà nội chỉ là 6,5 m2/người. Không những thế, chính quyền đang gia tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người nhập cư trái phép v.v...
Trong khi những cư dân có hộ khẩu ở các thành phố có quyền sở hữu tài sản và được tiếp cận với trường học và dịch vụ y tế công. Ngược lại những người nhập cư lại không được hưởng và bị coi như công dân hạng 2. Họ phải trả gấp đôi chi phí điện nước vì không được hưởng một số ít chính sách trợ cấp, mà theo quy định đòi hỏi phải có hộ khẩu. Đây là những việc làm vi phạm pháp luật Việt nam và Công ước quốc tế về Quyền con người.
Việc hạn chế người nhập cư bằng các chính sách như phải có diện tích bình quân trên đầu người là bao nhiêu, thì đó là việc vi phạm quyền con người.
- Ông Lê Thăng Long
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Phượng quê ở Thái bình, đang làm việc ở Khu công nghiệp Bắc Thăng long cho biết cuộc sống tại thành phố cũng không dễ dàng gì:
"Tháng thu nhập chỉ được 6 triệu hay hơn 6 triệu một tý thôi, nếu hai vợ chồng sống chưa có con thì còn có thể sống được. Giờ nếu có con thì phải thuê cái phòng rộng hơn, khi mà cho con xuống đây thì phải có bà nội hay bà ngoại xuống trông đỡ nữa. Cộng với tiền mua sữa thì không đủ… ”
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thoa ở Hoàng hóa, Thanh hóa đang đứng chờ việc ở chợ lao động chợ Bưởi, Hà nội nói về khó khăn của người lao động ngoại tỉnh cho biết:
“Nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu chỉ có chồng đi làm thôi. Mà chồng ra đây đi làm thất nghiệp thì cô con gái đói rồi. Học hành chi phi thì nhiều, thậm chí nhiều lúc trong nhà không có tiền được khoảng ba tạ lúa thì bán bớt đi. Rồi mình lại ăn bớt đi, thịt không có thì rau với nước mắm qua ngày là xong.”
Cơ hội cho tham nhũng
Từ Sài gòn trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thăng Long người khởi xướng phong trào Con đường Việt nam cho chúng tôi biết: "Việc hạn chế người nhập cư bằng các chính sách như phải có diện tích bình quân trên đầu người là bao nhiêu, thì đó là việc vi phạm quyền con người. Và điều này một mặt chỉ có các quan chức, những người có tiền ở các địa phương có thể nhập cư vào các thành phố. Một mặt đã làm hạn chế những người nghèo, những người đang cần phải có những điều kiện để làm việc ở thành phố để có thể có cái cuộc sống của mình. Theo tôi đây là sự vi phạm quyền con người, vì theo các Công ước quốc tế về Quyền con người, thì mọi người dân có quyền sống, quyền di chuyển và cư trú bất kỳ ở đâu. Và Hiến pháp Việt nam cũng quy định những điều này.”Tương tự, họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử do quan chức địa phương thường đổ lỗi cho họ về tình trạng tội phạm và vệ sinh môi trường ngày càng xấu đi. Song ngược lại nếu họ “biết điều” với những người quản lý thì sẽ mặc nhiên được bỏ qua. Cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng cho biết:
“Cái chính sách họ đưa ra, ví dụ tạm trú là một năm, cho hạn một năm thôi hết lại xin lại, thì thực ra đây là một kẽ hở cho tham nhũng phát triển. Bởi vì nếu tôi là một ông A, nếu tôi xin tạm trú một năm. Hết một năm rồi, tôi chứng minh – chưa biết chứng minh hay không, nhưng tôi muốn ở lại thì thủ tục đầu tiên là tôi phải hối lộ. Đây là một kẽ hở rất lớn để cho cái cơ quan đăng ký hộ khẩu người ta làm tiền.”
Trong khi hiện nay, ở những phần còn lại của đất nước, người nhập cư chỉ cần chứng minh là họ đã sống ở đâu đó chỉ một năm để xin cấp hộ khẩu thường trú ở đó. Điều đó cho thấy sự bất cập không đáng có của chính sách quản lý hộ khẩu ở Việt nam hiện nay. Ông Lê Thăng Long cho biết:
Cái chính sách họ đưa ra, ví dụ tạm trú là một năm, cho hạn một năm thôi hết lại xin lại, thì thực ra đây là một kẽ hở cho tham nhũng phát triển.
- Ông Nguyễn Anh Dũng
“Theo tôi với sự phát triển của thế giới hiện nay thì chúng ta không cần duy trì việc quản lý hộ khẩu nữa. Vừa rồi Quốc hội và các tổ chức liên quan cũng đã trao đổi về cái vấn đề hiện nay là một người dân có rất nhiều giấy tờ để quản lý mình. Và nó gây ra những cái nhũng nhiễu, những cái cản trở cho việc cải cách hành chánh của Việt nam. Mà từ đó nó cản trở sự phát triển của đất nước, đồng thời tạo điều kiện cho các quan chức tham nhũng.”
Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của ông Hồ Chí Minh có viết rằng:“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Vậy mà đã hơn 68 năm qua đất nước đã độc lập, thống nhất song nó vẫn chưa trở thành hiện thực.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/migrant-laborer-face-diffic-citie-av-11042013075155.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001