Tiến thoái lưỡng nan
Tô Văn Trường
Nền
kinh tế đất nước đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn cho nên các
quyết sách của Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng. Mặc dù đã nghe giải
trình nhưng nhiều vấn đề vẫn rối như “canh hẹ” khiến cho các đại biểu
Quốc hội tiến thoái lưỡng nan không bấm nút không được mà bấm thì lại
thấy không tự tin và tự vấn thấy có lỗi với sự tin cậy của cử tri!
Ngay
từ khi sự kiện Vinashin bị tiết lộ trên công luận, tôi đã viết bài
“Vinashin đừng đánh bùn sang ao”! Lần này, các đại biểu Quốc hội và
người dân được biết Vinashin đã được “phù phép” biến thành một công ty
mới không có nợ xấu. Chỉ có người trong cuộc mới rõ nội tình cuộc “lột
xác” vô tiền khoáng hậu không giống bất cứ ai bởi vì chỉ có thể dự đoán
là: (1) Bắt tất cả các doanh nghiệp Việt Nam kể cả ngân hàng cho
Vinashin vay xóa nợ cho nó. Là quốc doanh nên các doanh nghiệp kia phải
ngậm bồ hòn, làm ngọt!; (2) Phát hành trái phiếu Chính phủ trả nợ cho
Vinashin; và (3) Bắt ngân hàng quốc doanh cho công ty mới vay để có vốn
tiếp tục hoạt động dưới tên mới, v.v. Toàn bộ giải pháp này tốn kém cho
các doanh nghiệp bao nhiêu và Nhà nước bao nhiêu, ngay các đại biểu Quốc
hội cũng tù mù không thể biết được dù đó thực chất là sử dụng tiền thuế
của dân và con cháu chúng ta phải è cổ ra trả nợ cho “quả đấm thép”
VINA!
Trên diễn đàn Quốc
hội, nhiều người nhận ra vấn đề, nhưng do thời gian hạn chế và nhiều
nguyên nhân khác nhau nên chủ yếu chỉ nói theo kiểu hô khẩu hiệu chung
chung không chỉ ra được cụ thể phải làm cái gì, làm như thế nào, khi
nào. Với trách nhiệm của cử tri, tôi đã phản ánh các suy tư, lập luận và
dẫn chứng qua các bài viết như “Ai ăn mặn ai khát nước”; “Nguy cơ vỡ
trận tài chính”; “Thế là xong, miễn bàn!”. Trong phạm vi bài viết này,
tôi đi vào một dự án cụ thể đó là Quan Chánh Bố đã được Bộ trưởng Bộ
Giao thông Vận tải Đinh La Thăng giải trình chiều ngày 1/11 cho là cần
thiết, hiệu quả, cần tiếp tục đầu tư.
Phác họa vài nét chính của dự án
Do
nguyên nhân độ sâu luồng Định An bị bồi lắng, hàng năm phải nạo vét tốn
kém, không tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn, cho nên phải tìm một
lối đi khác đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố Cần Thơ và khu vực
đồng bằng sông Cửu Long. Đây là yêu cầu chính đáng. Cuối năm 2009, dự án
luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh tắt Quan
Chánh Bố được khởi công xây dựng tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Đây
là dự án trọng điểm quốc gia, với mục tiêu xây dựng luồng tàu biển ổn
định cho tàu có trọng tải 10.000 DWT đầy tải và tàu 20.000 DWT giảm tải
ra, vào các cảng trên sông Hậu.
Ngay từ năm
2008, GS Lương Phương Hậu chuyên gia hàng đầu về cảng đường thuỷ Việt
Nam đã viết bài “Chỉnh trị cửa sông có khi phải chấp nhận trả giá”, có
đoạn chính như sau: “Tuyến luồng qua kênh Quan Chánh Bố là phương án
đã có ý tưởng từ nghiên cứu của Haecon (Bỉ), sau đó được chính thức đề
xuất bởi tư vấn SNC - Lavalin (Canada). Các tư vấn trên là những tổ chức
chuyên sâu về công trình cảng - đường thủy nổi tiếng trên thế giới.
Những nghiên cứu của họ về cửa sông Hậu khá bài bản, có sự tham gia của
các viện nghiên cứu lớn như Viện Nghiên cứu thủy lực Đan Mạch (DHI),
Haskoning (Hà Lan).
Giải pháp kênh vòng
tránh (by pass) cửa sông đã được sử dụng khá nhiều trên thế giới, thành
công nhiều, nhưng thất bại cũng có. Giải pháp này không xa lạ ở Việt Nam
vì chính luồng tàu vào cảng Hải Phòng cũng đã đào kênh Đình Vũ (1897¸
1902) để chuyển luồng từ cửa Cấm sang cửa Nam Triệu và gần đây đào kênh
Hà Nam (2004¸2006) để chuyển luồng từ cửa Nam Triệu sang cửa Lạch Huyện.
Tuyến qua kênh Quan Chánh Bố chỉ có thể thành công nếu giải quyết tốt được hai vấn đề khó sau đây:
-
Xác định được vị trí, kích thước hợp lý cho cửa Đại An lấy nước từ sông
Hậu. Cửa sông này nằm trên bờ bồi, rất nông và hứng nhận dòng bùn cát
từ bờ xói đối diện. Làm sao để khi đào sâu, dòng nước vào kênh vừa phải
để không quá ít, dẫn đến bồi lắng trở lại quá nhanh, cũng không quá
nhiều dẫn đến sự suy thoái của cửa Định An và tạo ra một cửa Định An
mới. Hiện nay, tư vấn không bố trí công trình gì ở đây sẽ không thể kiểm
soát được sự phát triển của thế sông.
-
Xác định được vị trí, quy mô, phương hướng của các đê ngăn cát ở cửa
kênh tắt ra biển, ổn định được đoạn luồng biển. Chiều dài 2.500m của đê
Đông, 1.500m đê Tây như dự án đề ra chắc chắn là không đủ. Theo tính
toán của chúng tôi, chiều dài đê có thể phải tăng lên 3-4 lần.
Những
tính toán của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển
(PortCoast) trong giai đoạn dự án đầu tư đúng là còn một số bất cập,
chưa đủ sức thuyết phục. Trong quá trình thẩm tra, các chuyên gia Hội
Cảng - Đường thủy – Thềm lục địa đã trao đổi trực tiếp, thẳng thắn với
các tác giả dự án. Nhưng chúng tôi cho rằng, trong giai đoạn hiện nay,
mở luồng theo kênh Quan Chánh Bố là giải pháp khả thi và ít mạo hiểm
hơn, vì vậy Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư là đúng đắn.”, v.v.
Tháng
10 năm 2009 công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Chính phủ và Bộ Giao thông
đã phát lệnh khởi công nhưng trong quá trình đang thi công đã phải tạm
dừng vì nhận thấy trong điều kiện các phương án phân kỳ đầu tư không đảm
bảo mục tiêu khai thác luồng tàu theo dự án được duyệt, cũng như không
đảm bảo hiệu quả đầu tư nên đã báo cáo Thủ tướng rà soát để điều chỉnh
dự án với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 10.042 tỷ đồng và giãn tiến độ
thực hiện sau năm 2015.
Ý kiến phản biện
Trong
quá trình chuẩn bị cũng như kể cả khi đang thi công dự án có nhiều
luồng ý kiến ủng hộ và phản đối dự án Quan Chánh Bố cũng là điều dễ hiểu
vì đây là dự án khá phức tạp tùy thuộc vào nhận thức, góc nhìn của mỗi
người.
Mới đây, ngày 27/10/2013 GS Nguyễn Ngọc
Trân viết bài “Đừng để đất nước đến nguy cơ vỡ nợ” chủ yếu bàn về hiệu
quả đầu tư, trong đó có đoạn đề cập đến dự án Quan Chánh Bố như sau: “Thời
sự nhất là dự án luồng hàng hải cho tàu trọng tải vào sông Hậu qua kênh
Quan Chánh Bố. Tổng dự toán lúc được khởi công tháng 11-2007 khoảng
3.150 tỉ đồng, nay năm 2013 được nâng lên 10.320 tỉ đồng. Cần nhấn mạnh
thêm là dự án này đã bị Ngân hàng Thế giới từ chối cho vay 200 triệu USD
vì lý do khả thi không bảo đảm trước sóng, triều và biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cũng đã cảnh báo. Bất chấp, dự án vẫn được khởi công
cuối năm 2007 với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nay dự án này được
đưa vào diện đầu tư từ trái phiếu chính phủ mà Quốc hội đang bàn để
thông qua”, v.v.
Tôi chia sẻ với tâm tư,
trăn trở của GS Trân nhưng có thể do khuôn khổ hạn chế của bài báo hoặc
do không phải là chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực chỉnh trị sông nên
vẫn chưa vạch rõ ra được các “lỗ hổng” vẫn còn tồn tại của dự án Quan
Chánh Bố.
Các “lỗ hổng” cần giải đáp
-Dự
án chưa xét đến tác động đến môi trường sinh thái do yếu tố tổng hợp
của ba dự án liền kề nhau là dự án Quan Chánh Bố, dự án nhiệt điện Duyên
Hải, và dự án nạo vét cửa Định An. Đây là tác động tổng hợp, đồng thời
diễn biến rất phức tạp, phải xác định một cách định lượng.
-Sự
phân chia lưu lượng tại cửa Đại An, là cửa kênh Quan Chánh Bố lấy nước
trên bờ trái sông Hậu sẽ diễn biến ra sao? Dự án có đánh giá cho rằng
không thay đổi nhiều, nhưng không thuyết phục vì mô hình toán không mô
tả được chính xác kết cấu dòng chảy và chuyển động bùn cát ở đây.
-Biến
động đường bờ lâu dài ở vùng cửa Kênh Tắt có tác động như thế nào đến
khu Du lịch Ba Động và vùng Cửa Định An chưa được nghiên cứu bài bản và
khoa học. Bởi vì ở đây, có hai loại luồng tàu song trùng, luồng tàu nhà
máy nhiệt điện có đáy -9,0m; luồng tàu sông Hậu có đáy -6,5m.
-
Cần bổ sung tính toán việc sạt lở bờ sông Hậu do sóng chạy tàu lớn gây
ra sẽ tác động mạnh trên suốt chiều dài từ cửa sông đến Cảng Cần Thơ.
-
Chưa xét đến ảnh hưởng của biến động chế độ thủy văn, thủy lực khi trên
thượng nguồn Mekong xây dựng các hồ chứa nhà máy thủy điện.
- Cửa Kênh Tắt làm phá vỡ một đoạn đê biển Trà Vinh, việc khép kín tuyến đê chưa được xem xét.
-Báo
cáo đã sử dụng gồm 8 phương pháp gồm: Phương pháp đánh giá nhanh;
Phương pháp so sánh; Phương pháp mô hình hóa; Phương pháp kế thừa;
Phương pháp khảo sát thực địa, đo đạc hiện trường và phân tích trong
phòng thí nghiệm; Phương pháp điều tra xã hội học và Phương pháp phân
tích đánh giá tổng hợp. Đánh giá xâm nhập mặn dùng MIKE11, nhưng mạng
lưới sông rất sơ sài. Đánh giá xói bờ, diễn biến đường bờ dùng MIKE 21FM
nhưng sau thời gian thi công một đoạn kênh, dừng lại đã bị bồi lấp, các
điều kiện đầu vào bị thay đổi chưa được cập nhật bổ sung trong tính
toán. Đánh giá lan truyền ô nhiễm dầu, không rõ dùng mô hình gì?, v.v.
Thay cho lời kết
Từ
bài học bất cập của dự án Quan Chánh Bố, Bộ Giao thông Vận tải cần phải
thức tỉnh, kịp thời dừng lại đánh giá một cách toàn diện từ quy hoạch
đến phương án cảng Lạch Huyện kể cả thiết kế cầu Tân Vũ vì tác động đến
môi trường của dự án Quan Chánh Bố (22 triệu m3 nạo vét đổ vào vùng trũng, chỉ có 5 triệu m3 đổ ra ngoài khơi xa) chưa nghiêm trọng bằng cảng Lạch Huyện đổ tất cả 40 triệu m3 ra ngoài khơi tác động lớn đến môi trường sinh thái kể cả khu vực di sản thiên nhiên.
T. V. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/11/tien-thoai-luong-nan.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001