Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

TS Lê Đăng Doanh: nợ công nợ xấu đáng lo ngại

TS Lê Đăng Doanh: nợ công nợ xấu đáng lo ngại 


Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-11-27
Thủ tướng Chính phủ đọc báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội
Thủ tướng Chính phủ đọc báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội
Courtesy VOV.vn

Nghe bài này
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an Quốc hội là nợ công trong giới hạn an toàn, nhưng áp lực trả nợ rất lớn. Thủ tướng cũng lạc quan về dự báo kinh tế của Việt Nam, trong khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có những nghiên cứu cho kết quả khác biệt. Nam Nguyên phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương về vấn đề này. Từ Hà Nội, trước hết TS Lê Đăng Doanh nhận định:
Bề trái của nợ công và nợ xấu
TS Lê Đăng Doanh: Thủ tướng công bố con số nợ công là theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong đó chỉ tính đến những số nợ nước ngoài và nợ trái phiếu chính phủ ở trong nước, chứ không xem xét đến những khoản nợ của các Doanh nghiệp Nhà nước mà các khoản nợ này thì ít nhiều đều có liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước. Thí dụ như trường hợp của Vinashin, khi Vinashin không trả nợ được thì chính phủ đã phải phát hành trái phiếu để trả nợ cho Vinashin và nếu như trong vòng 5 năm Vinashin không trả được nợ, theo luật pháp quốc tế nợ đó chính phủ là người phát hành và sẽ phải trả nợ đó.
Vì vậy cho nên một số chuyên gia kinh tế đã đi đến một con số nợ đó là cộng nợ của Doanh nghiệp Nhà nước với nợ của chính phủ thì tất cả đã đi lên tới 95% GDP tức là vượt qua giới hạn an toàn mà Ngân hàng Thế giới đã đề ra cho các nước là 65% GDP. Ngoài ra, TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia của Cơ quan Thống kê Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra một con số thì số nợ đó có thể lên tới 105% GDP. Đấy là những con số mà chúng ta cần tham khảo cho những cách tính và cách tiếp cận khác nhau
Thủ tướng công bố con số nợ công là theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong đó chỉ tính đến những số nợ nước ngoài và nợ trái phiếu chính phủ ở trong nước, chứ không xem xét đến những khoản nợ của các Doanh nghiệp Nhà nước
TS Lê Đăng Doanh
Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ như vậy thực tế tình hình nợ công có thể nguy hiểm?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi vấn đề nợ công rất là phức tạp, hiện nay cứ mỗi ba tháng ngân sách Nhà nước phải trả nợ nước ngoài khoảng 1 tỷ USD. Đấy là một khoản nợ không phải là nhỏ và số nợ công trong những năm gần đây đã tăng lên một cách nhanh chóng. Đấy cũng là một yếu tố rất đáng chú ý và rất đáng lo ngại.

Một công trình xây dựng bị tạm ngưng ở Hà Nội, ảnh chụp hôm 28-07-2012.
Một công trình xây dựng bị tạm ngưng ở Hà Nội, ảnh chụp hôm 28-07-2012. RFA

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, Thủ tướng hôm 21/11 trước Quốc hội đã nhấn mạnh là nợ công tuy an toàn nhưng nợ xấu vẫn còn cao, xử lý khó và Thị trường Chứng khoán phục hồi chậm. Những điều này có ý nghĩa gì?
TS Lê Đăng Doanh: Nợ xấu thì chính phủ đã có các nỗ lực để giải quyết, như thành lập Công ty Quản lý Tài sản VAMC và trong thời gian ngắn công ty ấy đã mua được khá nhiều nợ. Đấy là các nỗ lực đáng ghi nhận, tuy vậy vấn đề nợ xấu của Việt Nam tương đối phức tạp.
Thứ nhất, tổng số nợ xấu là bao nhiêu thì cho đến nay chưa chính xác, những con số khác nhau thì cách xa nhau rất nhiều.
Thứ hai nữa, số nợ xấu mà gần đây Ngân hàng Nhà nước công bố thì gần đây lại tăng lên chứ không phải là giảm đi. Nợ xấu của các ngân hàng thương mại có chiều hướng tăng lên chứ chưa phải giảm đi.
Theo tôi vấn đề nợ công rất là phức tạp, hiện nay cứ mỗi ba tháng ngân sách Nhà nước phải trả nợ nước ngoài khoảng 1 tỷ USD. Đấy là một khoản nợ không phải là nhỏ và số nợ công trong những năm gần đây đã tăng lên một cách nhanh chóng
TS Lê Đăng Doanh
Thứ ba, VAMC có thể mua nợ xấu ào ạt như một phó Tổng giám Đốc VAMC nói là có thể mua tất cả nợ xấu trong một thời gian ngắn. Thế nhưng vấn đề là các món nợ xấu mà VAMC mua là nợ xấu có bảo đảm,  VAMC sẽ bán tài sản bảo đảm ấy như thế nào để thu hồi lại vốn. Nếu như không giải quyết được nợ xấu thì sau 5 năm VAMC sẽ giải quyết nợ xấu ấy như thế nào? Hay lại bàn giao lại cho Ngân hàng Nhà nước? Như vậy tức là thay vì giải quyết thực chất về nợ xấu thì đấy chỉ là một thủ thuật bút toán. Tức là chuyển nợ xấu từ sổ kế toán của ngân hàng thương mại có nợ xấu sang sổ kế toán ghi nợ của VAMC và sau một thời gian sẽ hoàn lại, tất cả những câu hỏi đó hiện nay đang còn ở trước mặt và chúng ta đang chờ xem VAMC sẽ giải quyết thế nào.
Điểm cuối cùng, VAMC chỉ có số vốn 400 tỷ đồng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước cấp, vì vậy cho nên thực lực tài chính của VAMC rất là thấp. Nếu VAMC mua quá nhiều nợ thì tỷ lệ nợ trên vốn điều lệ của VAMC sẽ vượt qua hệ số an toàn; lúc bấy giờ việc xử lý nợ của VAMC sẽ diễn ra như thế nào, cũng là một câu hỏi cần được quan tâm giải quyết.

Sơ đồ các nước tham gia TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương)
Sơ đồ các nước tham gia TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương)

Tiên đoán lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam?
Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, hôm ra trước Quốc hội Thủ tướng có vẻ lạc quan nói là, 2014 tăng trưởng 5,8%, 2015 tăng trưởng 6%. Như vậy kinh tế Việt Nam đã thoát đáy hay chưa, nhất là  hiện nay tình hình cũng chưa có gì sáng sủa rõ rệt.
Tôi cũng thừa nhận nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội rất tốt nếu như vòng đàm phán TPP kết thúc được sớm, thì lúc đó đầu tư nước ngoài sẽ đổ mạnh vào Việt Nam và rất có thể Nhật Bản sẽ đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp Việt Nam
TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh: Tôi hy vọng và rất là mong đợi những lời tuyên bố của Thủ tướng sẽ thành hiện thực vì điều ấy sẽ tốt cho người dân và nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy điều ấy có biến thành hiện thực hay không thì vẫn có nhiều câu hỏi. Bởi vì những khó khăn và những vấn đề của kinh tế Việt Nam thì vẫn đang còn ở phía trước chưa giải quyết được. Thí dụ như vấn đề tái cấu trúc đầu tư công cũng chưa giải quyết được, rồi vấn đề tái cấu trúc các Tập đoàn và Doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa giải quyết được. Con số gần đây cho thấy là các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước có món nợ tổng cộng lên đến một triệu năm trăm tám mươi tám ngàn tỷ đồng (1.588.000.000 đ), tức là một con số cực lớn và chưa biết số nợ đó sẽ được giải quyết như thế nào.
Ngoài ra về bất động sản, chúng ta được biết gói 30 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết bất động sản nhưng sau 6 tháng mới giải ngân được có 1,1%. Như vậy để giải ngân hết số tiền đó thì chúng ta cần 100 lần của 6 tháng, tức là cần 30 năm. Đó là một viễn cảnh không mấy sáng sủa đối với việc giải quyết bất động sản đó. Ngoài ra ngân sách Nhà nước cũng gặp khó khăn rất lớn và có lẽ cũng phải điều chỉnh lại. Và Nông nghiệp Nông dân Nông thôn Việt Nam cũng đang rất cần cuộc cải tổ và điều chỉnh để bơm thêm tín dụng vào cho nông nghiệp và nông dân có thể phát triển được mạnh mẽ hơn.
Mặt khác tôi cũng thừa nhận nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội rất tốt nếu như vòng đàm phán TPP kết thúc được sớm, thì lúc đó đầu tư nước ngoài sẽ đổ mạnh vào Việt Nam và rất có thể Nhật Bản sẽ đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp Việt Nam để sản xuất nông sản và xuất khẩu lại Nhật Bản với thuế suất bằng 0. Bởi vì cả Việt Nam và Nhật Bản lúc đó là thành viên TPP (* Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương). Vì vậy cho nên cơ hội và khó khăn hiện nay đang chen lẫn nhau, chúng ta nên thúc đẩy nỗ lực cải cách để cho những lời Thủ tướng tuyên bố sớm trở thành hiện thực ở Việt Nam.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã trả lời Đài RFA.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/questi-abt-public-deb-11272013070351.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001