Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

William Naythons - Đi chôn Tướng Giáp

William Naythons - Đi chôn Tướng Giáp 



Diên Vỹ chuyển ngữ

Giáp vào năm 1984. Ảnh: Alex Bowie/Getty.
Tôi viết bài cho một tờ báo ở Việt Nam, một trong bảy trăm tờ báo trong một đất nước với khoảng chín mươi triệu người. Trong lúc làm việc muộn vào tối 4 tháng Mười tại văn phòng phóng viên có gắn điều hoà ở Sài Gòn, người Tổng Biên tập của tôi, trạc tuổi bốn mươi, bất thình lình ngồi xuống ghế và yêu cầu mọi người im lặng. “Giáp chết rồi,” anh ta nói một cách cộc lốc. Theo phản xạ, tôi hỏi “Chúng ta sẽ đăng bài cáo phó chứ?” Anh ta nhìn tôi một cách diễu cợt.
“Một bản cáo phó? Cho Tướng Giáp? Ý anh là một bài với lời mở đầu đại loại như ‘Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng Tám, 1911 tại tỉnh Quảng Bình, dưới chế độ thực dân Pháp, trong một gia đình nông dân,’ vân vân? Bất cứ ai ở Việt Nam đều biết những thành tích của Giáp - mọi trận chiến, mọi thất bại và thành công, cả tiểu sử đời ông. Chúng tôi có thể lặp lại nó như người Mỹ các anh hát thánh ca vào ngày Chủ Nhật.” Nói xong anh ta vỗ vỗ vai tôi.
Sáng hôm sau cũng như gần ba tuần lễ kế tiếp, chân dung Giáp chiếm lĩnh toàn bộ các trang chính với những tiêu đề như “Tướng Giáp và Người dân Tây Nguyên chia sẻ những Kỷ niệm Vinh quang,” “Nhớ Lần Đại tướng Bất ngờ đến dự Cuộc họp Phụ huynh,” hoặc “Nhân cách Cao cả và Lòng Dũng cảm Vô lượng của Đại tướng Sống mãi với Dân tộc.”
Tôi đến Hà Nội vào ngày đầu tiên của những ngày mọi người đang than khóc ông. Người dân thủ đô dường như thương tiếc không nguôi. Những ông bà tuổi trung niên gạt nước mắt than vãn, các đài truyền hình ngưng phát sóng, và các địa điểm giải trí bị đóng cửa. Cả chục nghìn người tập trung tại những con đường chính mang phong cách thuộc địa của Hà Nội, xếp hàng đến chín tiếng đồng hồ để được thăm viếng thi thể của ông đang đặt tại nhà an táng ở đường Phùng Hưng. Vào ngày an táng, tôi theo dòng người đưa tiễn, luồn qua hàng rào những người lính trẻ mặc quân phục rộng thùng thình để thoáng nhìn được chiếc quan tài được kéo bởi chiếc xe jeep quân đội thời Chiến tranh Lạnh vừa được phủ một lớp sơn mới.
Giáp sử dụng năng khiếu quân sự của mình để chống lại những quôn đội lớn mạnh hơn rất nhiều trong cuộc chiến giành độc lập từ người Pháp từ 1946 - 1954 và chống lại Hoa Kỳ từ 1955 - 1975, một cuộc tương tàn đã giết chết khoảng hai triệu người dân, khiến cho nhiều tỉnh lị bị bỏ hoang trong nhiều năm và vô số những vùng đất bị nhiễm chất Da Cam. Sau khi đánh bại người Mỹ, quân đội Giáp đã giải phóng Cambodia khỏi chính quyền Pol Pot và sau đó đẩy lui quân Trung Quốc vào năm 1979 trong một cuộc chiến kéo dài ba tuần, trong đó những người lính Việt mệt mỏi vì chiến tranh, với quân số và đạn dược ít hơn đã đối đầu với khoảng năm mươi nghìn lính Quân đội Giải phóng Nhân dân. Rõ ràng là Giáp, qua đời ở tuổi 104, đã có nửa thế kỷ đầy bận rộn.
Là một anh hùng lập quốc, ông chỉ đứng sau Hồ Chí Minh dưới cái nhìn của thế hệ trước chiến tranh, đặc biệt là những người nằm trong chính quyền và ngành công an (chiếm ⅙ lực lượng lao động Việt Nam), và trong giới trẻ theo chủ nghĩa dân tộc. Giáp có nhiều danh xưng đầy vẻ vang nhưng biệt danh mà ông thích nhất là “Napoleon Đỏ”. Đã có những thảo luận về việc biến Đảo Yến ở Quảng Bình - một địa điểm thu thập tổ yến gần bờ biển của ngôi làng mà ông sinh ra - thành một viện bảo tàng khổng lồ về Giáp.
Nhưng sáu mươi lăm phần trăm dân số Việt Nam được sinh ra sau cuộc chiến, và thái độ của giới trẻ đối với Giáp, cả ở miền nam lẫn miền bắc, nói chung là lãnh đạm. Chính sách cấm vận sau chiến tranh của Hoa Kỳ khiến kinh tế Việt Nam bị kiệt quệ đã chấm dứt mười tám năm trước, và chẳng ai còn muốn bám víu vào thời kỳ thời kỳ thiếu thốn và hi sinh mà đất nước phải chịu đựng lúc ấy và trước đó. “Quá đủ về Giáp rồi!” một sinh viên 20 tuổi tên Carot Phương nói, cô đang lật những trang báo lá cải để tìm đọc câu chuyện về những vụ sai sót trong giải phẩu thẩm mỹ. Nguyễn Thị Minh, một xướng ngôn viên truyền hình đã tóm tắt thái độ của những người cùng thế hệ mình: “Chúng tôi không có tình cảm gì đối với ông, nên chúng tôi chẳng có ý kiến gì,” Nhưng vào đêm chôn cất Giáp, một người lái taxi ở Hà Nội lại có ý kiến: “Ông ấy đã quá già, và người già thì phải chết. Đúng, chắc chắn là tôi sẽ đi đến đám tang - để bắt khách.”
Vài ngày sau khi tôi về lại Sài Gòn, một nhóm những người bán rong và xe ôm lớn tuổi đang tụ tập trước chung cư tôi ở. Họ là những cựu binh Việt Nam Cộng Hoà thuộc Nam Việt Nam trước đây, những người từng về phe người Mỹ.
Đấy là một đêm nóng nực khiến những người đàn ông phải cởi trần. Họ đang chia nhau một túi đậu phộng luộc và những trái ổi xanh được cắt bởi con dao nhíp, họ đưa cay bằng rượu đế và hát một ca khúc cũ của nhạc sĩ lừng danh Trịnh Công Sơn:
Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một rừng xương khô
Gia tài của mẹ, một nước Việt buồn.

Thái độ ít lạc quan của họ tiêu biểu cho một thế hệ chuyển đổi từ chiến tranh sang hoà bình nhưng không được gì cả ngoại trừ có lẽ là sự thấu suốt. Một người tên Đức, một người lính bộ binh cũ hiện là một kẻ đạp xích lô rụng hết răng với khuôn mặt rỗ hoa, nâng ly tưởng nhớ Giáp: “Ông là bác của mọi người.”
Tôi ngồi xuống và uống với họ. Rượu đế là thứ đưa cay tốt cho những câu khẩu hiệu. Một giờ sau, tôi hỏi lại, “Ông nghĩ sao về Giáp?”
Giờ đây thái độ của Đức trở nên ít dè dặt hơn.
“Ông ấy là người bảo vệ và cũng là kẻ phá hoại. Những gì ông ấy đem lại, ông ấy cũng tước đi.”
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Bảy, 09/11/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131108/william-naythons-di-chon-tuong-giap
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001