Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Hoàng Nhất Phương - Niềm Tin

Hoàng Nhất Phương - Niềm Tin 



Tác giả gửi Dân Luận

Không biết từ bao giờ nhưng có lẽ từ khi con người xuất hiện trên trái đất, cũng là lúc niềm tin bắt đầu xuất hiện. Trước hết là niềm tin vào chính mình, sau đó là niềm tin vào thần thánh, vào tín lý nhiệm mầu. Những nghi thức thờ phượng, chiêm bái đầu tiên liên quan đến thời tiết, mùa màng, lễ hội, sinh hoạt đời thường, như phong tục thờ thần sông, thần mây, thần nước, thần gieo gặt, thờ ông bình vôi, ông táo, cây đa, cục đất, cây búa, lưỡi liềm…v.v… vẫn lưu dấu tích đến ngày nay. Ngoài ra còn phải kể đến thói quen thờ các linh vật như Hổ, Rắn, Rồng, Voi; những nhân vật trừu tượng như tiên đồng, ngọc nữ, thánh mẫu; hay những hình ảnh dị thường như thuồng luồng, ma quái, qủy sứ…v.v... Thật khó lý giải vì sao người đời xưa (và có lẽ cả người đời nay cũng thế), lại thờ nhiều hình tượng và ngẫu tượng đến như vậy. Hình như tất cả mọi tôn giáo đã xuất hiện, chỉ vì nhân loại sợ phải một mình đối diện với trăm năm cô đơn, ngàn năm độc hành, không biết bám víu cậy dựa vào đâu. Thời nào cũng vậy, chẳng ai muốn tự giam hãm bản thân trên hoang đảo, hay tách biệt cái tôi ra khỏi cộng đồng xã hội. Một vấn đề được đặt ra: Con người có cần chỗ dựa tinh thần hay không? Câu trả lời dứt khoát là CÓ. Sự cần thiết của chỗ dựa tinh thần ghi đậm dấu ấn trong những câu thành ngữ tục ngữ, còn lưu truyền đến bây giờ, như "trẻ cậy cha già cậy con," "chị ngã em nâng," "lá lành đùm lá rách," "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ," "tay đứt ruột xót," …v.v… Xem thế đủ biết chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong cuộc đời này.
Hiểu theo nghĩa hẹp,chỗ dựa tinh thần gần gũi nhất là gia đình, là niềm tin giữa cha mẹ và các con, giữa anh chị em với nhau. Bước ra ngoài xã hội, chỗ dựa tinh thần ấy chính là sự tín nhiệm nhận được từ bằng hữu chung lớp chung trường, từ mối tương giao giữa các đồng nghiệp, giữa các cộng sự viên hay giữa các đối tác. Nếu tách rời tập thể người ta sẽ bị cô lập, không thể phát huy sở trường. Chính vì thế chỗ dựa tinh thần là điều quan trọng và cần thiết. Người ta khó có thể chu toàn trách nhiệm được giao, nếu cảm thấy những người có liên quan không tín nhiệm mình, hay tỏ thái độ mặc-kệ-nó muốn làm gì thì làm. Cũng giống như vậy, người ta sẽ nghi ngại, không dám ký thác một vấn đề nào đó cho bất cứ ai, nếu không tin rằng cá nhân ấy có khả năng chu toàn sứ mạng. Tin mình thôi chưa đủ, phải biết tin người và bảo vệ niềm tin đến cùng. Thực tế hơn một lần chứng minh: Những ai không có niềm tin hay không biết giữ trọn niềm tin, khó có thể hoàn tất bất cứ điều gì, nếu không muốn nói là sẽ cản trở hay phá hoại những dự tính tốt đẹp ban đầu.
Hiểu theo nghĩa rộng, chỗ dựa tinh thần chính là tôn giáo. Trong cõi người ta có rất nhiều tôn giáo. Tùy theo truyền thống gia đình, tùy theo cảm nhận của từng cá nhân, mỗi người tự lựa chọn cho mình một tín ngưỡng để an định tâm hồn, để thêm lòng can đảm khi phải đương đầu với mọi biến cố xảy ra trong đời. Có người theo đạo thờ ông bà, tin vào những giá trị truyền thống do tổ tiên khởi nghiệp lập thành. Họ áp dụng gia quy sẵn có của ông cha để giáo dục con cháu, theo đúng nguyên tắc và di nguyện của người xưa. Có người là Phật Tử tin rằng vạn vật vô thường, sắc sắc không không. Họ hiểu đời như bào ảnh nên khuyến khích người thân buông xả, chủ trương tâm bất biến giữa giòng đời vạn biến, xem nỗi thăng trầm được mất có trong đời như mây bay gió thoảng, để thân tâm an lạc. Có người là Kitô Hữu tin rằng mỗi người được sinh ra trên cõi đời này, để yêu thương và chia sẻ mọi điều với nhau. Họ vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu, sẵn sàng hy sinh vì chân lý. Dù khác nhau về quan điểm thần học, nhưng tất cả mọi tôn giáo đều có chung một chủ trương là từ bi, là bác ái và phụng sự tha nhân. Cùng đứng chung một bệ phóng, nhân loại đã nối vòng tay lớn sẵn sàng trở thành điểm tựa tinh thần, cho bất cứ ai cần đến sự tương trợ.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng tốt đẹp như ý nguyện. Thiên tai thảm họa có thể khiến nhiều người bỗng dưng trắng tay, phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Mầm mống bệnh tật có thể khiến nhiều người phải chịu tật nguyền, phải ngồi yên một chỗ, không thể thực hiện mộng tưởng như lòng họ mong muốn. Chiến tranh hay chế độ độc tài độc đảng có thể khiến nhiều người hoạt động vì tự do, hoà bình, công lý bị bách hại, phải vướng vòng lao lý. Những lúc thất chí và đau đớn như vậy, nếu không có chỗ dựa tinh thần, nếu không có niềm tin, người ta dễ hoảng loạn, dễ phẫn nộ, thậm chí dễ có những quyết định sai lầm. Chínhchỗ dựa tinh thần, chính niềm tin vào gia đình, vào tập thể, vào tôn giáo đã mách bảo cho người ta biết: Trong cõi đời nhị nguyên này không có sự tuyệt đối; thế nhưng nhân loại vẫn luôn hướng thượng và cầu toàn, với hy vọng và ước mong cuộc sống của mọi người khắp năm châu bốn bể được thăng hoa, được vui vẻ, được hạnh phúc, được sung sướng. Điều quan trọng nhất là ai cũng có thể tìm thấy sự bình yên sự lạc quan ở trong lòng, cho dẫu đường đời còn nhiều chông gai, còn nhiều ngăn trở, còn nhiều cạm bẫy. Đây chính là giá trị đích thực mà niềm tin - chỗ dựa tinh thần - mang đến cho bất cứ ai đang sống trên địa cầu. Bởi vì sống đồng nghĩa với hy vọng. Hy vọng đồng nghĩa với niềm tin. Dù phải hứng chịu và đón nhận hiểm họa nhiều đến đâu đi nữa, nhân loại đồng tâm nhìn về cùng một phía, vì vẫn còn đó niềm tin vào chân thiện mỹ, vào lòng tử tế của cõi người ta.
Hoàng Nhất Phương
5:38am Thứ Sáu ngày 8 tháng 11 năm 2013


Diên Vỹ gửi hôm Thứ Hai, 09/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131208/hoang-nhat-phuong-niem-tin
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001