Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Đàn ông Việt 'lười, ham nhậu' trong mắt người nước ngoài
"Tôi đến TP HCM bất kể giờ tan sở hay trước khi tan sở cũng thấy trong những quán cafe, quán nhậu, quán cóc, nhà hàng đều đầy ắp đàn ông ngồi túm 5 tụm 3 uống bia", Alex (người Australia) phản ánh và nhận xét "đàn ông Việt Nam lười quá".
Là một doanh nhân và thường xuyên sang Việt Nam công tác, Alex cho biết đây không phải lần đầu mà hầu như lần nào đến TP HCM ông cũng thấy cảnh những người đàn ông bù khú nhậu nhẹt với nhau, bất kể là giờ nào.
Ông kể: "Có hôm nhìn đồng hồ đã 6h chiều, lúc này là lúc cần ở nhà để xem có phụ giúp được gì cho vợ con không. Nếu vợ có con nhỏ thì mình nên giúp nhiều hơn, tại sao họ lại rảnh rỗi ngồi nhậu với nhau như vậy?".
Theo một nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng và lạm dụng bia rượu tại Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành, 63% người sử dụng rượu bia là nam giới, trong đó trí thức lại là nhóm có tỷ lệ sử dụng cao nhất.
Người Việt tiêu thụ 1,3 tỉ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu hằng năm, tức là bỏ ra hàng trăm nghìn tỉ đồng. Đó là chưa kể phí tổn điều trị các bệnh và tai nạn giao thông do lạm dụng rượu bia gây ra.
Sau gần một năm định cư ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Henry (người Pháp) kể, cho đến giờ anh vẫn chưa hiểu rõ lý do tại sao đàn ông Việt lại thích "ngồi đồng" nơi này nơi kia hơn là về tổ ấm. Hiện là giám đốc một resort có tiếng ở Long Hải, Henry cho biết, bản thân anh vì công việc nên cũng thường xuyên đi gặp đối tác ăn uống xã giao nhưng luôn ý thức vợ con đang chờ ở nhà nên cố gắng về sớm và phụ vợ một số việc lặt vặt trong nhà.
"Tôi thắc mắc thì nhiều người bảo ở Việt Nam đó là chuyện bình thường. Trong khi phụ nữ có nhiệm vụ lo cho gia đình, con cái thì người chồng chỉ lo kiếm tiền. Nhiều ông còn viện cớ đi nhậu để xã giao làm ăn đến đêm mới về, vợ mà hỏi thì bị chửi, thậm chí còn bị đánh", Henry (37 tuổi) tròn mắt nói.
Chàng giám đốc 37 tuổi cho biết, anh có một số bạn nữ là người Việt Nam hiện đã có chồng và con. Mặc dù các cô ấy lúc nào cũng hết mực chăm lo, hy sinh cho chồng con nhưng gia đình cũng vẫn không mấy hạnh phúc.
"Tôi thấy người đàn ông nào lấy được họ thì thật là có phước vậy mà cô bạn vẫn phàn nàn chồng chẳng mấy khi có mặt ở nhà, mà có về nhà cũng chỉ lăn ra ngủ, chẳng bao giờ quét nhà hay rửa chén phụ vợ. Chẳng lẽ trong mắt họ, gia đình là của riêng phụ nữ?", anh băn khoăn.
Sài Gòn được mệnh danh là "thành phố không ngủ", ban ngày đường xá đông nghẹt người, nên đến đêm là lúc các quán nhậu làm ăn tấp nập nhất. "Ngồi đồng" ở quán nhậu đa phần là cánh mày râu. Chỉ cần vài con mực khô làm "mồi", các ông có thể tha hồ "chén chú chén anh" đến khuya lắc khuya lơ mới chịu về.
Trời đã khuya mà tiếng "dô dô... trăm phần trăm" và tiếng cụng ly keng keng vẫn không ngớt ở một quán ốc trên đường D2 (Quận Bình Thạnh, TP HCM).
Bà chủ quán tên Thủy cho biết, quán mở cửa từ 16h chiều đến 2h sáng hôm sau. Mỗi đêm ở đây đón tiếp khoảng 300 khách đến ăn uống. "Không chỉ riêng nhà tôi mà ở đây quán nào cũng như thế. Lâu mấy ông nhậu say ngà ngà còn bỏ ra đánh nhau, thậm chí chồng đi nhậu mà vợ đến gọi không về lại xảy ra ẩu đả", người phụ nữ kể.

Cảnh tượng sau giờ tan tầm tại một quán nhậu trên phố Sơn Tây (Hà Nội) chiều 13/8. Trong quán chỉ toàn đàn ông. Ảnh: Phan Dương.

Cảnh tượng đàn ông đầy ắp các quán nước, quán nhậu sau giờ tan tầm cũng quá quen thuộc tại Hà Nội. Khoảng 4h chiều 13/8, các quán bia, nhậu dọc đường Tây Sơn (Đống Đa) đã bắt đầu hút khách. Vài thanh niên choai choai đứng xuống lòng đường vẫy gọi. Trong các quán, bàn ghế đã bày la liệt. Bà chủ liên tục hối nhân viên dọn dẹp nhanh để chuẩn bị đón khách. Lúc này, dù chưa tới giờ tan tầm nhưng hơn hai chục người đàn ông sơ vin chỉnh tề đã ngồi chúc tụng nhau. Trên mỗi bàn, 5, 7 cốc bia, đĩa lạc rang, mực nướng đã vơi quá nửa.

Từ 5h chiều trở đi, đàn ông đến quán càng đông hơn. Bước vào quán trên tay mỗi người đều xách một chiếc cặp, nhiều người vẫn còn đeo thẻ nhân viên. Khi có chút hơi men câu chuyện của họ càng trở nên rôm rả, họ cởi mở cả những chuyện bồ bịch, giường chiếu.
Hơn 6h tối, không khí trong các quán nhậu dọc đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình) cũng trở nên cực kỳ sôi nổi. Đây là thời điểm khách hàng đổ bộ vào quán. Khu vực quảng trường Mỹ Đình cạnh đó cũng bước vào giờ làm ăn. Ngoài một số lớn là nam sinh viên thì dân công sở cũng chiếm lượng không nhỏ. Họ thường chọn một chiếc bàn, hay chiếu gọi vài cốc nước, đĩa hướng dương, hoa quả rồi tán chuyện đến tối mịt mới ra về.
Tại một chiếc chiếu trên bãi cỏ ở quãng trường Mỹ Đình, 5 người đàn ông ngoài 30 gọi một chai rượu, một con mực và cá bò nướng hàn huyên. Một anh mở đầu bằng việc công ty vừa kí được một hợp đồng cung cấp cửa kính với số lượng lớn, rằng anh sẽ được hưởng bao nhiêu hoa hồng từ dự án này. Ngay sau, anh khác lại tiếp lời bằng một nhóm thực tập sinh mới về công ty, trong đó anh nhận hướng dẫn một em khá xinh...
Câu chuyện tưởng như không có hồi kết thì đột nhiên, hai chiếc điện thoại cùng kêu. Giọng bốc đồng khi nãy tắt vụt, thay vào đó là tiếng nhỏ nhẹ "anh làm nốt việc nên về muộn", "anh bị tắc đường, gần về đến nhà rồi"... Nghe tiếng bà vợ, một anh giật nảy vì quên không đón con... Cả đám nháo nhác rời khỏi quán.
Trên một số báo “Tuổi trẻ Chủ nhật”, tác giả Danh Gia đã đưa ra một vài nhận định nhỏ về đàn ông phương Tây, cũng là bức tranh đối lập với đàn ông Việt, như sau: “Đàn ông các nước công nghiệp, tức các nước kinh tế thị trường nhất, đến giờ tan sở mệt nhoài vì công việc chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, ba chân bốn cẳng leo lên tàu điện, đổi dăm ba tuyến đường mới về được đến nhà phụ vợ con dọn cơm, rửa chén rồi đi ngủ sớm, đến cuối tuần cần tranh thủ sửa sang nhà cửa, chở vợ đi chợ. Xu hào đủng đỉnh lắm thì tối thứ sáu đưa vợ, đưa con đi ăn tiệm hoặc đưa vợ con đi nghỉ mát cuối tuần, chứ không ai rỗi hơi nát rượu tối này sang tối khác với bạn bè.
Không tin, nếu có dịp đi tây, chiều tối cứ xuống các trạm xe điện ngầm ở Paris chen chúc với bốn triệu người, ta sẽ thấy rõ thế nào là nếp sống kinh tế thị trường đích thực. Chớ tưởng dân đi chơi tối giữa Paris, Luân đôn…là người dân bản xứ. Trừ một thiểu số nhung lụa hoặc của 'thế giới về đêm', người lao động lĩnh lương trong tháng, cho dù có là giám đốc, chẳng mấy khi đến quán xá vào những tối trong tuần.
Khi người ta phải đóng thuế thu nhập giá chót cũng 30%, khi người ta ở nhà thuê hay mua trả góp mỗi tháng cũng phải đóng từ 1/3 đến 1/5 lương cho tiền nhà, khi người ta sắm cái xe hơi, cái máy giặt, cái máy sấy khô quần áo…sao cho cuộc sống gia đình tiện nghi hơn, để rồi cuối tháng bị ngân hàng tự động trừ nợ, người ta mới không dám vứt thì giờ và tiền bạc cho các độ nhậu triền miên vì sợ ngày mai dậy không nổi, mất năng suất, mất óc sáng tạo dễ có ngày thất nghiệp".
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Thi Trân - Phan Dương
Admin gửi hôm Thứ Ba, 14/08/2012          
nguồn:http://danluan.org/node/13789
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trần Thị Ngự - Đàn ông Việt "lười, ham nhậu" liên quan đến văn hóa "trọng nam khinh nữ" [*]
        Trần Thị Ngự
Bài viết được gửi tới Dân Luận dưới dạng một phản hồi, chúng tôi tách riêng thành một bài với tựa đề do BBT Dân Luận đặt.
Bài báo nhận xét về tật nhậu nhẹt của đàn ông ở Việt Nam rất hay, hay hơn các nhận xét về "đàn ông Việt Nam" của cô nghệ sĩ Phạm Ngà. Viết ra các hiện tượng xã hội tiêu cực như thế này là tốt, nhưng chưa đủ vì cần có các bàn luận về cách "giải quyết" các tiêu cực.
Trong vấn đề này thì không nên vội vàng đổ thừa tất cả do "đảng lảnh đạo" vì tình trạng đàn ông la cà bù khú với bạn bè sau giờ làm việc mà không về nhà ngay không phải xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước kỹ nghệ phát triển ở Á Châu, như Nhật Bản và Nam Hàn. Gần đây ở Nhật Bản người ta tìm ra cái gọi là "retired husband syndrome," một hiện tượng đau bệnh nơi các phụ nữ có chồng nghỉ hưu (http://en.wikipedia.org/wiki/Retired_husband_syndrome). Người ta giải thích rằng sở dĩ có hiện tượng trên vì người chồng khi còn làm việc thường rời nhà từ sáng sớm và sau khi tan sở lại bù khú đâu đó nên chỉ trở về nhà vào buổi tối. Do đó bà vợ được tự do gần như suốt ngày. Nay khi ông chồng về hưu thì coi như họ có dịp tiếp xúc với nhau gần như suốt ngày, mà theo phong tục ở Nhật thì đàn bà phải phục tùng và phục vụ chồng, cho nên nhiều phụ nữ có chồng nghỉ hưu cảm thấy bị gò bó, lo lắng và trầm cảm (depressed).
Không thấy nói đến "retired husband syndome" ở Nam Hàn mặc dù phụ nữ Nam Hàn có chồng ít khi đi làm, dù có bằng cấp cao, và các ông chồng, kể cả trí thức lẫn trí ngủ, cũng lê la bù khú đâu đó sau giờ làm việc, chứ không về nhà ngay. Hồi tôi còn đi học có mấy người bạn cùng lớp đến từ Nam Hàn. Họ mang cả vợ con sang Mỹ. Khi học xong (tiến sĩ), các bà vợ đốc thúc các ông chồng tìm việc ở Mỹ, nhưng đám đàn ông đa số thì thích về nước. Một tên học cùng lớp nói với tôi, đại khái như sau: Mày thử nghĩ coi, nếu tao ở đây (Mỹ) thì tao sẽ làm gì sau khi tan sở? Ở đây tao đâu có bạn bè để mà hội họp đấu láo sau giờ làm việc nên phải đi về nhà. Sống như thế thì thật là chán.
Nói như vậy để cho thấy là cái tật đàn ông ở Việt Nam bù khú la cà sau giờ làm việc một phần lớn là do cách suy nghĩ về trách nhiệm và bổn phận của đàn ông và đàn bà trong xã hội và trong gia đình. Quan niệm cho rằng việc bếp nước, nhà cửa trông coi con cái là của đàn bà vẫn còn phổ biến ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước Á Châu, và là hệ quả của quan niệm trọng nam khinh nữ từ thời phong kiến khi phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc vào người chồng cả về phương diện tài chánh lẫn địa vị trong xã hội, và quan niệm cho rằng chỗ thích hợp cho phụ nữ là ở trong nhà (có khi chỉ là trong bếp), còn chỗ thích hợp cho đàn ông là ở ngoài xã hội.
Vào thập kỷ 1970s, các nhà Bảo vệ Nữ quyền (feminists) ở Mỹ đã dùng từ "double days""tripble days" (ngày làm việc gấp đôi - gấp ba) để chỉ tình trạng phụ nữ sánh vai với đàn ông trong thương trường, trong hãng xưởng để kiếm tiền đóng góp vào kinh tế gia đình, nhưng khi về nhà lại phải lo việc nhà và nuôi dạy con cái.
Ngày nay, việc đàn ông phương Tây cùng chung sức với vợ lo việc nhà và nuôi dậy con cái là kết quả của đấu tranh không ngừng (của giới feminists) và giáo dục về giới tính (gender - không phải là sex hay sexuality). Quan điểm về người đàn ông mới (the new man) và tính cách của đàn ông tính (masculinity) được tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, trong các hình thức phương tiện truyền thông (media) và trong trường học. Ngày nay, trong các phim ảnh ở tây phương, người ta ít thầy cảnh đàn ông bạt tai vợ hay người tình như trong những phim làm trước 1960s (như phim Gone With the Wind). Trái lại là hình ảnh đàn ông bế con, đầy xe cho con, và đàn ông nấu bếp.
Khi quan niệm về sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà cũng quan niệm về hai lãnh vực riêng biệt (separate spheres) của đàn ông và đàn bà vẫn còn phổ biến thì vẩn chưa có thuốc chữa cho việc đàn ông la cà nhậu nhẹt sau giờ làm việc.
Admin gửi hôm Thứ Ba, 14/08/2012
nguồn:http://danluan.org/node/13803
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
"Chuẩn men", anh ở đâu?

Thứ ba, 14/08/2012, 09:30 PM (GMT+7)

(Eva tam chuyen) - Đã đến lúc nên nhận diện một sự thật! Đàn ông Việt đang thừa về số lượng nhưng thiếu chất lượng.
 Đàn bà hoàn hảo sẽ hiếm khi gặp đàn ông đích thực.

Các cô hoa hậu hay trả lời sao nhỉ? Tôi sẽ chọn người yêu (chồng) của tôi là một người cao hơn tôi một cái đầu.

Trả lời như vậy cực hợp lý. Vì cái đầu của (một số lớn) các cô thấp lè tè. Ai ai cũng muốn chở che, thương xót. Nhưng với mẫu đàn bà hoàn hảo đầy đủ cả công dung ngôn hạnh thì rất hiếm trang nam nhi quân tử muốn bao bọc. Mà họ đâu cần bao bọc. Hiếm tìm được ý trung nhân là vì vậy. Chảy máu chất xám không nguy bằng chảy máu hôn nhân.

Cuối cùng, đàn bà Việt giỏi giang toàn bị đùn cho Tây. Ở bển dễ thở hơn. Đàn ông đích thực nhiều hơn. Chí ít họ không tự ti, không yếm thế và biết tôn trọng phụ nữ hơn đàn ông Việt. Một cô bạn thân khác cũng trong nhóm chúng tôi chưa chồng lại giương cao ngọn cờ tự do. Nên cô chỉ hợp với Tây. Dù thật lòng thâm tâm cô mong tìm một ý trung nhân hay chí ít một người yêu cùng màu da, cùng nền văn hóa. Chảy máu yêu đương, chảy máu hôn nhân là vì thế.

Đã đến lúc nên nhận diện một sự thật! Đàn ông Việt đang thừa về số lượng nhưng thiếu chất lượng. Đấy chưa kể do giới tính bị biến đổi. Phần nữa do các phẩm chất đạo đức, phẩm tính cách, tri thức và quan trọng nhất là văn hóa ứng xử, quan niệm về tình yêu, hôn nhân của đa số đàn ông Việt.
"Chuẩn men", anh ở đâu? - 1
Cuối cùng, đàn bà Việt giỏi giang toàn bị đùn cho Tây. Ở bển dễ thở hơn. Đàn ông đích thực nhiều hơn. (ảnh minh họa)
Bình thường và tầm thường

Mẫu phụ nữ "cổ điển" (thậm chí là... cổ hủ) đang chiếm 85% ở Việt Nam hiện nay. Nội trợ, kinh doanh, công nhân, viên chức... Ta gặp họ ở bất cứ đâu với các đặc điểm tiêu biểu cho phụ nữ Việt: nào phải đảm đang việc nhà, giỏi việc cơ quan. Và giờ thêm những đặc tính "thời sự" hơn: phải là bạn, là người tình của chồng, là con ngoan của bố mẹ hai bên, mẹ giỏi của các con mà làm gì làm, công trên việc dưới gì vẫn phải tươi đẹp, lộng lẫy, mỉm cười nhẹ nhàng, cấm cáu gắt, cằn nhằn. Và đòi hỏi từ đàn ông ngày một ít đi. Chỉ cần đôi khi về nhà ăn cơm. Nếu chồng có ngoại tình, lập tức phải xem lại mình. Lỗi ở mình. Và rỉ tai nhau câu thần chú mầu nhiệm: mắt không thấy, tim không đau, miễn sao không sao nhãng vợ con. Không biết phụ nữ Việt Nam còn tiếp tục gia giảm mình đến điểm nào nữa thì mới chịu dừng lại.

Khi một người đàn ông ngoại tình, phụ nữ ngơ ngác trào lên các diễn đàn giãi bày thì lập tức cũng nhận về vô số các lời khuyên đại loại như hãy thay đổi chiến thuật, nhẹ nhàng, dịu dàng, quyến rũ, nóng bỏng. Đó là những lời khuyên thiện ý còn thì người vợ nào không có khả năng diễn đạt sẽ nhận được vô số lời ném đá rằng bị như vậy là đáng, rằng ông chồng nào cũng cần trở về ngôi nhà mà vợ không phải là con quỷ dữ hay sư tử lắm điều.

Các nhân vật đáng thương khóc rống lên vì mình đã sai, sai nặng quá mà không hiểu từ đâu. Còn ông chồng mặc nhiên được đòi hỏi cao hơn, cao hơn nữa, cao đến không có đỉnh dừng từ các bà vợ. Suy cho cùng phụ nữ đức hạnh luôn thiệt. Tôi vừa mất cả buổi sáng để đưa một cô bạn đi hút mỡ bụng. Dù tôi giải thích bao nhiêu cũng không làm cô nhụt chí khi dành lại chồng từ tay tình địch. Người phụ nữ đã ba lần sinh nở. Hai cô công chúa và cố một hoàng tử sau cùng thì nghĩ là đã hy sinh toàn toàn vì... nhiệm vụ cách mệnh. Nhưng nào yên. Người đàn ông đó bị vợ bắt gặp toàn nhắn tin... xin con. Và anh ta hàng đêm xem trên lằn bụng vợ những vết tích sinh đẻ và sỉ vả như một thú vui. Vậy mà người đàn bà bụng tròn gợi cảm đấy vẫn phải tìm mọi cách giữ bố cho con. Phụ nữ tự làm khổ mình, tự nhún mình đến thế là cùng...

Có một thời đại thoái trào đã đi qua cách đây không lâu. Phụ nữ Việt Nam có vẻ chểnh mảng với các giá trị truyền thống ở chữ Công. Hiện tại điều này đã được khắc phục. Phụ nữ thời nay giỏi đủ thứ. Họ cũng chịu khó theo học các lớp nấu ăn, thêu thùa, làm bánh, cắm hoa, học trang điểm, học cách chăm con. Mà họ muốn là họ làm được. Nhưng đàn ông thì chả học gì sất. Đàn ông nướng mình trong bia cỏ, bia tươi sau giờ làm. Chưa kể lên mạng truy tìm xem em này, em kia giá bao nhiêu. Đủ tiền thì mơ màng, dò dẫm, chưa đủ thì chém gió ào ào, mơ tưởng. Họ đem những thói quen đó sau khi lập gia đình luôn. Họ gọi vợ là lợn sề, mái tã đủ thứ để ruồng rẫy đến xót xa.
"Chuẩn men", anh ở đâu? - 2
Có một thời đại thoái trào đã đi qua cách đây không lâu. Phụ nữ Việt Nam có vẻ chểnh mảng với các giá trị truyền thống ở chữ Công. (ảnh minh họa)
Kiêu hãnh và... đơn thân

Tuy nhiên, tôi cũng phải thừa nhận rằng, phụ nữ đẹp, giàu và thông minh, đang như là một "tội đồ" của hôn nhân. Bởi vì làm đàn bà hoàn hảo khổ trăm bề. Hay là cứ như Ngọc Trinh phát biểu phải giả vờ hoặc ngốc nghếch thật sự, yếu đuối, mong manh để đàn ông sẽ tự biết và dâng tất cả. Tôi cũng xin thưa với cô Trinh rằng không phải phụ nữ nào cũng thích làm thợ vác đá nghe hiệu lệnh vứt đá rào rào để về dưới bóng râm và cũng không phải đàn ông nào cũng "dễ ăn" đến thế. Chúc mừng vì cô đã may mắn nhưng trong trường hợp những phụ nữ "có đầu" cũng có những lựa chọn khác.
Trong tháng này tôi nhận được bốn tin bạn bè làm mẹ đơn thân và đọc báo hoặc gặp 5 người có quen biết tuyên bố làm mẹ đơn thân. Một phụ nữ khác đang làm một tiệm may váy cưới và chụp hình cho cô dâu, một bà chủ thành đạt, ngoài ra cô còn nuôi thêm niềm đam mê họa sĩ thiết kế cho các phim nhựa. Trong khi cô chuẩn bị là single mom. Em bé được 4 tháng. Cô ăn mặc rất thời trang, yêu đời, xinh xắn. Cô trải lòng, thật ra chẳng ai muốn làm mẹ đơn thân, đàn ông đáng yêu nhưng xu hướng đàn ông như những cậu bé ham chơi ngày càng nhiều. Vậy thì đám cưới có cần không? Câu hỏi này gây nhiều tranh cãi. Đa phần sẽ bảo đó là một lối sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Trong khi đứa bé ra đời cần một sự cân bằng về mặt gia đình. Tức là một gia đình lý tưởng phải có ba và mẹ. Hôn nhân vẫn là giá trị vĩnh cửu chẳng qua là phụ nữ như một cách vô thức chống lại sự mất cân bằng đó. Họ kiêu hãnh vì chưa tìm được người xứng đáng. Vì họ tôn trọng bản thân họ và trong sâu thẳm họ thèm khát biết bao có ai đó cũng tôn trọng những giá trị của chính họ, hiểu họ và đồng tâm hiệp lực xây dựng cuộc đời chung.

Chứ nào ai mong muốn sau khi trả lời về nghề nghiệp thì cô diễn viên nổi tiếng tài sắc đã coi như một cách công bố với khán giả yêu quý của mình trong thời gian cô vắng mặt: "Đúng, tôi đã nghỉ hai năm để sinh một em bé cho riêng mình, phải, một em bé cho riêng mình thôi". Câu nói thản nhiên nhưng đọng lại dư âm của sự không vẹn tròn mà người trong cuộc kiêu hãnh, tự hất mặt lên trời để ngăn những giọt nước mắt vui mừng và cả xót xa cho sự lựa chọn của mình. Một thế hệ hoang mang trước cả sự chọn lựa của mình.
Những cách nghĩ sai lầm
Coi chồng như thượng đế

Một cô Hoa hậu của Việt Nam cho rằng, cô lấy chồng là để coi chồng như Thượng đế và để cô chăm sóc từng li từng tí vì bổn phận cô là thế. Suy nghĩ đó chỉ hợp lý với thời... phong kiến và sẽ dẫn đến sự lệch lạc trong hôn nhân khi thiên chức làm vợ, làm mẹ không được đặt đúng vị trí. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách nhìn nhận của những đứa con về mẹ của chúng nói riêng và phụ nữ nói chung.

Cứ "giả ngoan" cho đàn ông yêu


Điều đó chẳng có gì đáng tự hào cả, trừ khi bộ não của bạn không đủ lớn để làm được những điều lớn lao hoặc bạn muốn mình là tầm gửi, chấp nhận sống phụ thuộc. Hôn nhân không phải là một màn kịch và "nữ diễn viên" không thể diễn mãi một vai diễn nhàm chán. Khi hôn nhân còn giống một vở kịch thì không có một điều gì là thật ở đó. Và điều này đúng nghĩa một vở bi kịch.

Coi thường đàn ông


Thực tế, đàn ông Tây hay đàn ông Việt đều có những điều tuyệt vời riêng. Vấn đề nằm ở chỗ là thời này nhiều người này hơn, ít người kia hơn mà chúng ta không nên vơ đũa cả nắm. Chảy máu hôn nhân trong các gia đình Việt Nam đang là một thực tế và trong đó, phần lớn lỗi là do đàn ông nhưng không vì thế mà chúng ta đánh đồng tất cả đàn ông Việt đều xấu.

Níu giữ mù quáng

Khi người đàn ông đã hết yêu thương bạn và coi thường các giá trị gia đình, giá trị hôn nhân và sao nhãng trách nhiệm của người cha, người chồng, tốt nhất bạn không nên núi giữ. Đừng cố phải gồng lên, làm những điều bạn không thích chỉ để giữ một người đàn ông không còn là của mình. Đành rằng, luôn phải làm mới hôn nhân và hâm nóng tình yêu, nhưng bạn hãy nhớ, chỉ cứu vãn những gì còn có thể mà thôi.

Nghe quá nhiều lời khuyên


Nguyên tắc cơ bản, bạn phải tự giải quyết được các vấn đề của bạn vì bạn hiểu vấn đề nhất. Khi có "sự cố hôn nhân" bạn hãy tìm một người đáng tin với lời khuyên xác đáng, nhưng bạn đừng phụ thuộc và điều đó 100%. Bạn có biết đa số những người tư vấn hôn nhân trên báo hay một số chuyên gia hôn nhân gia đình đều là những người hay... bỏ chồng bỏ vợ? Và tuyệt đối không kể lể cho tất cả mọi người về tình cảnh của bạn. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp và chuyện của bạn sẽ trở thành mồi nhậu cho những kẻ nhiều chuyện.

Theo Dương Nữ Khánh Thương (TGNNT)
nguồn:http://www.eva.vn/eva-tam/chuan-men-anh-o-dau-c66a107320.html
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001