Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Trung Quốc lại mời thầu 26 lô dầu khí, đa số tại Biển Đông 

Trụ sở tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 25/07/2012.
Trụ sở tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 25/07/2012.
REUTERS/Jason Lee/Files

Trọng Nghĩa
Theo hãng tin Reuters vào hôm nay, 28/08/2012, Tập đoàn dầu khí hàng đầu Trung Quốc CNOOC, đang tìm đối tác ngoại quốc để thăm dò dầu khí tại 26 lô ngoài khơi, trong đó có 22 nằm trong vùng Biển Đông. Tuy nhiên, trái với lần gọi thầu vào tháng Sáu, một chuyên gia phân tích cho biết là không có lô nào nằm trong khu vực tranh chấp với các nước Đông Nam Á.

Theo thông tin trên trang web của CNOOC, một trong các lô mời thầu nằm ở phía bắc Vịnh Bột Hải, ba lô khác nằm trong vùng biển Hoa Đông, 18 lô ở khu vực phía Đông của Biển Đông) và 4 lô còn lại ở phía tây Biển Đông. Tổng diện tích các lô lên đến khoảng 73.754 km vuông, với ba lô ở phía đông Biển Đông nằm ở độ sâu từ 700 đến 3.000 mét. Cũng theo nguồn tin trên, các công ty nước ngoài quan tâm đến thông báo gọi thầu này có thể tham khảo các dữ liệu liên quan từ nay cho đến ngày 30/11.
Theo ông Hoàng Tân Hoa, chuyên gia địa chất thuộc công ty tư vấn năng lượng IHS, đây là đợt gọi thầu lớn nhất về số lượng của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc từ thập niên 1990 đến nay, cho thấy là CNOOC thực sự muốn tăng cường công việc khai thác nguồn dầu khí ngoài khơi với sự giúp đỡ của các công ty quốc tế.
Theo giới quan sát, hai tháng sau khi gây căng thẳng do mời các tập đoàn quốc tế vào đấu thầu 9 lô trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ, Trung Quốc lần này không đụng chạm đến các vùng biển đang có tranh chấp. Theo chuyên gia của IHS, có vẻ như là không có lô nào trong số 22 lô ở Biển Đông vừa được CNOOC chào mời nằm trong vùng tranh chấp.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp cho biết là thông báo mời thầu các lô nằm trong thềm lục địa của Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều công ty ngoại quốc, trong đó có các hãng dầu Mỹ. Thế nhưng, theo nhận xét của giới phân tích, các đại tập đoàn quốc tế sẽ tránh can dự vào các vùng đang tranh chấp do các rủi ro tiềm tàng.
Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, một khu vực được cho là dồi dào tiềm năng dầu khí, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng Đông Nam Á từ Việt Nam, Philippines cho đến Malaysia, Brunei, không kể đến Đài Loan.
nguồn:http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120828-trung-quoc-lai-moi-thau-26-lo-dau-khi-da-so-tai-bien-dong
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
CNOOC tiếp tục mời thầu ở Biển Đông

(ThuVienBao.com)
CNOOC đang mời công ty nước ngoài tham gia khai thác
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) lại mời thầu quốc tế ở 26 lô, trong đó có nhiều lô nằm gần khu vực mà Việt Nam và Nhật Bản đòi chủ quyền.
Theo bản tin của Reuters, thông báo mời thầu ở biển Bột Hải ở phía Bắc Trung Quốc và biển Hoa Đông có thể là lần mở thầu lớn nhất của CNOOC kể từ thập niên 1990.
Thông báo đưa ra hai tháng sau khi CNOOC mời các công ty nước ngoài tham gia khai thác ở chín lô, khiến Việt Nam cực lực phản đối.
Huang Xinhua, một nhà địa chất ở công ty tư vấn IHS, nói với Reuters rằng 26 lô mới nhất ”có vẻ” kông nằm trong vùng tranh chấp.
Một lô nằm ở Vịnh Bột Hải, ba lô ở biển Hoa Đông, 18 ở mạn phía đông của Biển Đông và bốn ở phía tây Biển Đông, theo thông cáo của CNOOC. Toàn bộ diện tích lên đến 73,754 mét vuông.
Trong khi đó, tin của Bloomberg cho biết lô 65/12 nằm cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 50 cây số, gần lô 65/24 mà Việt Nam từng đề cập hồi tháng Ba, cho rằng nó vi phạm chủ quyền.
Một lô khác, 41/08, nằm gần quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
‘Xác lập chủ quyền’
Mới hôm 27/8, Nhật Bản nói ô tô chở đại sứ Nhật Bản ở Trung Quốc đã bị tấn công khi một người đàn ông xé lá cờ Nhật cắm trên xe.
Vụ tấn công xe đại sứ Nhật diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống Nhật lan rộng ở Trung Quốc xung quanh tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Hồi tháng Sáu, Việt Nam phản đối việc CNOOC thông báo chào thầu quốc tế tại các lô dầu khí trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Việt Nam nói rằng khu vực thông báo mở thầu quốc tế này "nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982" và "hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp".
Ông Gordon Kwan, từ công ty Mirae Asset Securities ở Hong Kong, nói về thông báo mới nhất của CNOOC: “Trung Quốc phải xác lập chủ quyền ở các lô này vì các đánh giá địa chất ban đầu cho thấy tiềm năng dầu khí khổng lồ.”

Theo BBC Vietnamese

nguồn:http://thuvienbao.com/forum/showthread.php?243936-CNOOC-tiep-tuc-moi-thau-o-Bien-Dong&p=344086
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Mời thầu dầu khí : Trung Quốc lại gặm nhắm vùng biển của nước khác?

Trọng Nghĩa

Trước trụ sở tập đoàn CNOOC ở Bắc Kinh. Ảnh tư liệu. Reuters
Trước trụ sở tập đoàn CNOOC ở Bắc Kinh. Ảnh tư liệu. Reuters
Sau thông tin loan tải hôm qua, 28/08/2012, là Tổng công ty Dầu khí Hải dương của Trung Quốc quyết định mời các tập đoàn ngoại quốc đến thăm dò 26 lô dầu khí ngoài biển, trong đó có 22 lô ở vùng Biển Đông, thoạt đầu đã có chuyên gia ghi nhận rằng “có vẻ” như các lô này không nằm trong các vùng biển có tranh chấp. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số phân tích khác lại thấy rằng có hai lô có thể ăn vào vùng biển của Việt Nam và Nhật Bản.
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, một trong các lô được chào mời mang ký hiệu 65/12, chỉ cách quần đảo Hoàng Sa - mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền – khoảng 50 km (31 hải lý). Lô này gần lô 65/24 trong số 19 lô mà CNOOC đã gọi thầu khai thác vào năm 2011, nhưng đã bị Việt Nam phản đối vào tháng Ba vừa qua là đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Theo phía ViệtNamlô 65/24 đó chỉ cách một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa vỏn vẹn một hải lý.
Giới quan sát đang tự hỏi là liệu chính quyền ViệtNamcó sẽ phản đối Trung Quốc về quyết định gọi thầu kể trên hay không.
Cũng theo Bloomberg, một lô gọi thầu khác mang ký hiệu 41/08, thì tọa lạc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, nhưng lại bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Theo hãng tin Mỹ, lô này nằm bên trong vùng 200 hải lý bao quanh quần đảo.
Trả lời Bloomberg, một chuyên gia phân tích tại Hồng Kông nhận định rằng sở đĩ Trung Quốc phải thúc đẩy thêm việc khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên các vùng biển này, đó là vì những khảo sát địa chất ban đầu cho thấy là khu vực có thể có một tiềm năng dầu khi to lớn.
T.N.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120829-trung-quoc-lai-tiep-tuc-gam-nham-vung-bien-cua-nuoc-khac-voi-dot-goi-thau-moi-tai-bi
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/40736
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001