Hạ Đình Nguyên
Vụ “bầu Kiên” là khúc dạo đầu cho
một sự chuyển động. Nhưng chuyển động về hướng nào, là một câu hỏi với nhiều
luận bàn ý kiến khác nhau, phát xuất từ nhiều chỗ đứng của các tầng lớp dân
chúng trong nước và chính khách nước ngoài, trong mối liên hệ lùng nhùng giữa
tình hình kinh tế và chính trị hiện nay.
Đấu tranh phe phái nội bộ của giới
lãnh đạo chóp bu để tranh giành quyền lực, hay đấu tranh chống thế lực tiêu cực
tham nhũng đang khuynh loát nền kinh tế quốc gia, cái nào là mục tiêu chính, do
thế lực nào trong Đảng dẫn dắt, nó sẽ diễn biến tới đâu là điểm dừng, và chịu
sự tác động nào trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước miệng hùm Bắc Kinh...là
những câu hỏi cần được giải đáp ! Trước nhiều dự đoán và quan điểm khác nhau,
người dân thì cũng có cái nhìn từ chỗ đứng của mình mặc dù các luồng thông tin
đang bị khép chặt, bưng bít và tù mù, theo định hướng của nhà cầm quyền !
Dư luận từ phương Tây--Báo Wall
Street Journal (qua BBC), đặt dấu hỏi về vụ bắt ông bầu Kiên, xem đây là sự
kiện mở đầu cho : “ Sự thù địch với giới đại gia hay các thế lực chính trị đang
đánh nhau ?” Bài báo đã đưa ra những lời lẽ sau đây : “làn sóng bức xúc với
giới giàu có”, “sự khó chịu của dân chúng về giới có của”, từ các khu vực tập
đoàn Nhà Nước, đang “lan ra khu vực tư doanh”, làm cho kế hoạch “tư nhân hóa
chựng lại”. “Tranh chấp nội bộ làm hại cho cuộc cải cách giải quyết nợ xấu đang
tác hại nghiêm trọng cho tương lai cuộc cải cách kinh tế, để bắt kịp nhịp tăng
trưởng cần thiết nhằm đưa VN trở thành một thị trường hấp dẫn thế giới...” Và
báo này kết luận : “ Các lãnh đạo chóp bu không thích nghi được với
tình hình thực tế là nền kinh tế thị trường ngày càng trở nên toàn cầu hóa
ở VN, (làm trở ngại) một số nỗ lực cải tổ các công ty quốc doanh và chống
tình trạng địa phương cục bộ…”. Hình như “sự giận dữ đang dồn về TT NTD,
người có quá nhiều quyền lực trong tay mình, ưu ái một nhóm nhỏ các tập đoàn tư
nhân và công ty NN”. Trong bài viết ám chỉ nhẹ nhàng về TT Nguyễn Tấn
Dũng như là người có công trong việc cổ xúy và thực hiện được một bước đổi mới
kinh tế thị trường, chúng ta có thể cảm nhận qua bài báo, có vẻ không có cái
nhìn tích cực lắm về cuộc vận động chống tiêu cực trong Đảng nầy, ngoài
vấn đề tiêu cực, phải chăng có e ngại nào đó về xu hướng chính trị ngấp
nghé đằng sau nó ? (ví dụ là co lại theo hướng bảo thủ hay hướng mở rộng hướng
kinh tế thị trường).
Đúng vậy, một bộ phận nhân dân có
ghi nhận điều nầy một cách công bằng, về ông Thủ tướng, trước khi xảy ra đợt
suy thoái có tính chất trầm trọng đang diễn ra. Và chắc rằng những nhận định
trên đây của bài báo không sai, cuộc đánh phá vào hệ thống tham nhũng không
tránh khỏi những mặt trái gây nên trì trệ, có thể còn là tác động tiêu cực mức
nào đó cho nền kinh tế, làm chậm đà hội nhập, thậm chí gây ảnh hưởng không tốt
cho tiến trình dân chủ hóa đang vô cùng cần thiết đối với VN.
Nhưng trước hết, không thể trách
cứ sự phẩn nộ của người dân, cũng giống như người dân ở bất cứ quốc gia nào, kể
cả ở nước Mỹ. Có người dân nào lại hài lòng hay bàng quang trước sự làm giàu
phi pháp, trắng trợn, đầy hãnh tiến của một bọn người tham lam cấu kết với các
thế lực cầm quyền, luôn ưu ái dành riêng cho họ những đặc quyền bên trong, thậm
chí bên trên của luật pháp ? Người dân không ganh ghét với những ai giàu có do
làm ăn chân chính bằng tài năng của mình, trên cơ sở cạnh tranh công bằng, vốn
là nguyên tắc căn bản của các thể chế dân chủ mà các nước có nền kinh tế
phát triển hằng chủ trương. Người dân cũng không thể không bất bình trước cách hành
xử thiếu công bằng, thiếu minh bạch và nhiều khuất tất của tập đoàn cầm
quyền, quản lý và điều hành cấp vĩ mô. Bài báo cũng trích lời ông Đặng Hùng Võ,
như bày tỏ sự đòi hỏi xa hơn của một đợt chỉnh đốn : “Rất khó mà giảm
được nạn tham nhũng bởi các nhóm có quyền lợi gồm cả các quan chức nhà nước,
các lãnh đạo cấp tỉnh và các nhà đầu tư”.
Chính GS Carlyle Thayer, nhà
nghiên cứu nổi tiếng, có xu hướng bênh vực, cổ xúy cho kinh tế thị trường hội
nhập, đã nhận xét : “Không ai ở VN có được tài sản lớn mà không có quan hệ mật
thiết với các thành viên quyền lực của Đảng CSVN” Như vậy, còn lý do gì để
nghi ngờ tính chất cần thiết của cuộc chống tham nhũng nầy, dù nó có ẩn chứa
một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, hoặc làm chựng lại sự phục hồi của nền
kinh tế đi nữa ! Tình thế bắt buộc không con đường nào khác, người dân phải
tích cực đứng lên, tham gia mạnh mẽ vào công cuộc chống bọn quan tham và nhóm
"mafia" lợi ích, qua đó sức mạnh dân chủ của nhân dân có thể lớn
mạnh, để rồi hy vọng một cơ may nào đó, thay vì chịu đựng nằm dài trong tấm
chăn bùng nhùng của một thứ cơ chế ngột ngạt hiện hữu. Về mặt nầy, ông CTN
Trương Tấn Sang có lý, như trong bài viết của ông : “Cố gắng như những năm vừa
qua không còn đủ nữa”. Phải “Đổi mới quyết liệt, theo kịp thời đại, giải
pháp đồng bộ mọi lãnh vực. Bất cập về quản lý kinh tế có nguy cơ chuyển sang
căn bệnh khác nguy hiểm không kém, trong khi đó phải đối mặt với áp lực
mới.” (bọn xâm lược Bắc Kinh?). Đấy là điều ông Chủ tịch viết, dân đọc, nói,
dân nghe. Nhưng dân đòi hỏi phải nhìn thấy hành động cụ thể. Vì đã có quá nhiều
lời nói sáo rỗng của các vị lãnh đạo, chỉ nói theo những từ ngữ giáo điều và
tối nghĩa vòng vèo rất chán tai.
Hành động của nhà nước hay là
sự tranh giành quyền lực? GS Carlyle Thayer đưa ra nhận xét : “Kể từ khi
theo đuổi chính sách đổi mới với mức tăng trưởng kinh tế cao, Nhà nước trở nên
mạnh hơn Đảng. Tăng trưởng cao do TT NTD cổ xúy, kéo theo sự bùng nổ các hoạt
động thương mại vượt quá tầm và khả năng quản lý hiệu quả. Sự suy yếu bộc lộ
rõ, ít nhất là trong lãnh vực tài chánh, ngân hàng. Mặt trái đó của chính
sách khiến nhiều người trong đảng sợ mất kiểm soát để ổn định chính trị.
Đợt phê bình và tự phê bình hy vọng kéo lại quyền lực cho đảng để kiểm
tra, giám sát chính quyền hiệu quả hơn”.
Nếu không phải là cuộc đấu đá của
các cá nhân trong giới chóp bu, thì chính là sự đấu tranh quyền bính giữa các
thế lực trong đảng và trong chính quyền.
Đương nhiên sự mâu thuẩn là có sẵn
trong mọi sự việc, nói chi trong Chính quyền hay trong Đảng, đặc biệt khi chỉ
có một đảng thì phải đấu tranh với nhau chứ còn với ai khác ! Các quốc gia trên
thế giới đều có mâu thuẩn và đấu tranh nội bộ gay gắt, không nơi nào không có,
thậm chí “đấm” nhau trong nghị trường, nhưng khác VN ở chỗ, nó diễn ra công
khai, có cơ quan độc lập làm trọng tài, rộng hơn nữa là trọng tài dân chúng
giám sát và phản ánh qua lá phiếu tín nhiệm trong bầu cử. Họ đấu tranh
với nhau trên những đường ray pháp lý thiết lập sẵn, không ai được phép đi
trệch khỏi đường ray đó. Vì thế không sinh ra những tay sát thủ trong bóng tối,
những cuộc thanh trừng hàng loạt của phe cánh, kéo theo các đổ vỡ xáo trộn xã
hội. Động thời cũng không có sự nhập nhằng đổ vấy trách nhiệm cho nhau. Một
quan chức cao cấp trong Đảng nói (cũng theo bài báo Wall Street Journal): “Khi
kinh tế khó khăn, mọi người mất tiền, thì Đảng sẽ biết mình bị đổ lỗi”. Với
nhân dân, thật sự không quan tâm việc quyền lực nằm trong tay ai, Đảng hay
Chính quyền, vì một lẽ dễ hiểu, bởi dân không thể phân biệt là ai giữa “hai
người” đó. Sự đổi chỗ cho nhau tùy tình huống, cũng có khi đó là một loại nghệ
thật có tính toán. Lúc nào thì cũng có hai cụm từ đi đôi nhau : Đảng-Nhà nước /
Nhà nước-Đảng. Và đảng lãnh đạo toàn diện. Vị quan chức cao cấp nào đó nói nghe
hay! “Bị đổ lỗi” vì lẽ gì chứ, khi thắng lợi thì "vinh quang" và
"lợi lộc" thuộc về ai ? Trong cuộc đấu tranh quyền bính giữa Đảng và
Nhà nước, người dân không tham gia, đứng ngoài cuộc. Nhân dân chỉ đi theo lực
lượng nào giữ được độc lập dân tộc và đưa đất nước đến dân chủ, tiến bộ .Việc đấu
tranh chống tham nhũng luôn luôn đúng, đặc biệt là đối với người dân. Nhưng nó
không thoát được ảnh hưởng của đấu tranh nội bộ. Bên trong và đằng sau của sự
chỉnh đốn nầy là gì ? Cái khác nhau cơ bản của các phe phái trong bóng tối là
gì ? Hay chỉ là sự đổi ngôi nhóm quyền lực cai trị ? Xu hướng nào đấu tranh cho
độc lập và dân chủ ? Xu hướng nào có nguy cơ đưa đất nước đến độc tài lệ thuộc,
mất chủ quyền vào tay ngoại bang ? Nếu không giải quyết dứt khoát về một cơ chế
xã hội tiến bộ, thì cả xương máu của nhân dân đều đổ sông đổ biển, chỉ là thay
nhóm nầy bởi nhóm tiêu cực khác không hơn kém. GS Adam Fforde, thuộc Đại Học
Victoria(Australia) nêu lên nhận xét rất đáng chú ý : “Có một khoảng trống
chính trị trong giới chóp bu Việt Nam và sự coi thường (của nhân dân và cấp
dưới ?) đối với giới lãnh đạo, không dễ gì họ thoát khỏi tình thế
nầy”. Nhìn sang Trung Quốc, chúng ta cũng thấy một tình trạng rối
rắm, có thể tương tự. Nhân dân TQ đang chịu đựng, đang đau khổ và không
ngừng sự kháng cự mãnh liệt bộ máy cầm quyền độc tài của họ. Bộ máy cầm
quyền đó, thêm nữa, hiện đang là kẻ thù xâm lược VN. Đó là phương hướng mà
nhân dân VN quyết không đi theo.
Ông CTN Trương Tấn Sang, trong bài
viết của ông, có ý như một thông điệp gởi gắm một cách kín đáo, người đọc có
cảm nhận ông là người biết lắng nghe và có tinh thần đối thoại, không giáo
điều, mang nhiều trăn trở thực tế, (khác với trăn trở trong mớ bòng bong lý
luận giáo điều) : “những vướng mắc chằng chịt, níu bám, kìm giữ, căng kéo như
tấm chăn…Lại có có tư tưởng rình rập mọi sơ hở để chống đối, thọc gậy bánh xe,
thậm chí cỏng rắn cắn gà nhà..” Nhưng tiếc thay, tất cả những điều ông Chủ Tịch
nói là tình hình, là não trạng có thật, từ cấp cao đến cấp thấp, trong mọi cơ
quan ban ngành, và đã tồn tại từ lâu. Tình trạng xâu xé quyền lực không chỉ
diễn ra ở VN, mà cả ở mô hình TQ từ khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền đến ngày
nay. Đó là hậu quả của một cơ chế không có pháp quyền. Mao đã nói gì, từ hội
nghị Bắc Đới Hà ngày 21-8-1958 ? Rằng “Mỗi bản Nghị Quyết của chúng ta là luật,
hội họp cũng là luật”. Thế mà các nghị quyết ấy chỉ có khả năng đem lại những
cơn sóng thanh trừng bạo lực man rợ với cảnh đầu rơi máu chảy, vô hạnh thay khi
thấy được nhân dân TQ chưa một ngày được sống trong tự do pháp quyền, dưới sự
cai trị tàn khốc của đảng CSTQ. Ông Chủ Tịch TTS nghĩ gì để thoát ra khỏi
tấm mạng nhện “những vướng mắc chằng chịt…” đó không, khi mà cái màn chằng chịt
nầy, người dân nghĩ có bàn tay gia cố của Bắc Kinh ?
Ông TBT Nguyễn Phú Trọng và ông
CTN Trương Tấn Sang đều dùng từ “quyết liệt” và “kịp thời đại”. Sẽ quyết liệt
tới đâu, và quan trọng hơn, là kịp “thời đại”nào ? Chắc chắn không phải là thời
đại của quá khứ mà lịch sử đã bước qua !
Những “đau đớn” mà nhân dân cả
nước đang phải gánh chịu từ sự suy thoái và đổ vỡ ngày hôm nay sẽ có được bù
đắp bởi một tình hình sáng sủa hơn, trong chủ đích bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn
lãnh thổ, tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ và phát triển bền vững ?
Dân tộc và dân chủ là ý chí của toàn dân trong suốt lịch sử và càng bức thiết
của thời đại hôm nay. Nếu không nhìn tận căn cơ của hai chữ thời đại và hội
nhập toàn cầu, thì muôn lời nói đều trống rỗng, và cả cuộc đời còn lại của
quý ngài cũng rỗng rang không kém.
Và, “không dễ gì họ thoát khỏi
tình thế nầy”, như lời nhận xét ở trên của Adam Fforde./.
Hạ Đình Nguyên
Theo Người lót gạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001