Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

1835. Vô cảm quan chức và cái chết vì nghèo 

Posted by adminbasam on June 11th, 2013

BBC tiếng Việt
Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 06:18 GMT – thứ ba, 11 tháng 6, 2013
1
Từ mấy năm qua, xã hội Việt Nam như bị tê liệt trong cơn động kinh khốn quẫn của cái chết người nghèo. Chưa bao giờ từ khi đất nước được thống nhất cho đến nay, mật độ tự tử vì cùng khổ dân sinh lại dày đặc như hiện thời.
Tháng 6/2013. Giữa lúc Thủ đô đang ngột ngạt trong cơn bức bối thời tiết chực chờ sấm nổ, người Hà Nội lại sôi lên bởi một câu chuyện thương tâm đột ngột xảy ra: một người mẹ cùng đứa con trai treo cổ chết trong nhà. Nguyên do ban đầu: quẫn bách về tiền bạc.
Sự việc quá đau lòng trên xảy đến ở xóm Chùa, huyện Từ Liêm vào ngày 7/6/2013.
Trong cái khó ló cái khôn – như một câu tục ngữ của người Việt. Nhưng có lẽ ý nghĩa ấy chỉ ứng với hoàn cảnh con người vẫn giữ được ý chí vươn lên. Còn trong tâm thế cộng hưởng cả bức bách vật chất lẫn bế tắc tư tưởng, không động lực nào còn có thể níu kéo người ta ở lại với kiếp khổ trần gian.

Vụ quyên sinh trên lại xảy ra trùng với thời gian diễn ra kỳ họp của Quốc hội Việt Nam.

Tương phản thói đời

Trước kỳ họp trên một tuần, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa đã thản nhiên: “Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”.
Như thường lệ, phát ngôn của giới chức chính quyền không được kèm dẫn bởi bất kỳ dẫn chứng của một chuyên gia nào.
Nửa tháng sau phát ngôn của thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, cấp trưởng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là bà Phạm Thị Hải Chuyền lại thuyết trình trước các đại biểu Quốc hội: Với lý do phần lớn doanh nghiệp giải thể có quy mô nhỏ, việc các cơ sở này đóng cửa ít ảnh hưởng tới thất nghiệp chung, khi các dự án mới đều thu hút một lượng lớn lao động.
Cũng không có bất kỳ thuyết minh nào về số doanh nghiệp mới đã thu hút được bao nhiêu lao động, trong khi đại biểu nhân dân Phạm Thị Hải Chuyền đã không hoặc không muốn làm rõ tác động “ít ảnh hưởng đến thất nghiệp” bằng hoạt động số liệu đậm nét cảm tính của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
2Thời gian luôn lao đi, và lời hứa hẹn “sẽ giải quyết việc làm ổn thỏa” của những người phụ trách Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng vì thế luôn gắn liền với gia tốc suy thoái về chất lượng sống và cả với nhiều vụ tự tử của người dân.
“Cuộc sống không lối thoát, đi đến con đường chết… Mấy năm mẹ nuôi các con đi học, mẹ đi van xin cho gia đình mình được sổ nghèo và cực nghèo mà không được… Xin các cấp chính quyền ấp 5, vì hoàn cảnh gia đình quá khổ không lối thoát, mong các ông giúp cho chồng con tôi được sổ nghèo để sống ngày tháng còn lại trên đời” – những giọt nước mắt nuốt vào đáy tim trong lá thư tuyệt mệnh của một người phụ nữ 48 tuổi có cái tên thật đẹp – Nguyễn Thị Mỹ Nhân – ở ấp 5, xã An Xuyên, TP. Cà Mau.
Lá thư tuyệt mệnh trên không đề ngày tháng, được người phẫn uất viết liền một mạch không dấu chấm câu vào những ngày cuối tháng Tư năm 2013, sát thời điểm kỷ niệm 38 ngày thống nhất đất nước.
Những cái chết của người nghèo, chua chát thay, lại thường chẳng mấy khác biệt về cách thức tự gây đau đớn thêm một lần nữa.
Tương tự trường hợp hai mẹ con ở Hà Nội, chị Nhân đã treo cổ tại nhà riêng, bỏ lại chồng và ba đứa con đang tuổi đến trường. Cái chết thương tâm của người phụ nữ tuyệt vọng này đã khiến rất đông người dân xung quanh phải giật mình thảng thốt.
Theo lời kể của người chồng, chị Nhân bị bệnh viêm dây thần kinh số 7, giật méo miệng, lại thêm bệnh suy thận, suy tim, mỗi ngày tiền thuốc hết 140.000 đồng. Cái nghèo, cái khổ đeo đuổi – cay đắng thay – đó là khi mà con người ta đi đến quyết định rằng cái chết sẽ tiết kiệm được phần nào khoản tiền thuốc thang, chồng con sẽ không phải chịu gánh nặng.
“Thấy học phí nhiều quá, vợ tôi mới ra ấp và xã xin cấp sổ hộ nghèo để con vay tiền đóng học phí. Trước đó, khi làm giấy xác nhận gia đình khó khăn, Ngân hàng chính sách xã hội không cho vay. Còn vợ tôi xin sổ hộ nghèo không phải vì muốn được hưởng trợ cấp mà muốn được vay tiền cho con đi học, nhưng mấy anh chính quyền địa phương chỉ hứa chứ không giải quyết cấp sổ hộ nghèo” – chồng người quá cố ôm ngực, nói không thành tiếng.

Số 0 kiên định

Bất chấp nhiều cuộc đời người nghèo bị hủy hoại, những người sống vẫn ung dung thói đời quan chức.
Cho đến tận lúc này, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên phải chính thức thừa nhận con số doanh nghiệp phá sản và giải thể đã lên đến hàng trăm ngàn kéo theo nạn thất nghiệp rộng khắp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn sắt son với tỷ lệ thất nghiệp được tân trang ở mức 1,99%.
Với con số quá tốt đẹp như thế, thảm họa đã trở nên thành tích, khi tỷ lệ thất nghiệp được đánh giá “liên tục giảm trong những năm gần đây, với năm 2011 là 2,22% và năm 2010 là 2,8%”.3
Thế nhưng trong thực tế “thụt lùi sâu sắc” về tỷ lệ thất nghiệp như vậy, đã không có nổi một kiểm chứng đáng tin cậy nào về lòng tin gia tăng của người dân và người nghèo đối với Đảng và Cách mạng.
Cũng chẳng có lấy một sắc thái cách mạng nào đối với người nghèo và những người bị nạn thất nghiệp kinh niên đàn áp.
Trong khi giới phản biện độc lập, báo chí phải cố kìm nén phẫn nộ của mình trước thái độ vô cảm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và chính quyền một số địa phương, bản thân một quan chức có vai vế cũng phải thừa nhận “Tỷ lệ thất nghiệp thêm vào một số 0 vẫn đúng”.
Số 0 đó lại có thể ứng nghiệm với tình trạng thảm thương của Tây Ban Nha hay Hy Lạp, với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 26-27%.
Nhưng ở Việt Nam, những con số vẫn luôn “đá” nhau một cách khó tưởng tượng, đồng thời lại có vẻ hết sức bài bản.
Luôn kiên định giữ vững quan điểm “Quan tâm, hỗ trợ người nghèo là mục tiêu của Đảng và Nhà nước”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền còn thuyết minh thêm về công tác an sinh xã hội với những số liệu dường như rất sâu sát: tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước cuối năm 2012 còn 10%, giảm 1,76% so với cuối năm 2011.
Trong khi giới quan chức vẫn điềm nhiên với bình luận về tỷ lệ nghèo “năm sau thấp hơn năm trước” và còn vận dụng đến mức tối đa lời khen ngợi đầy tính ngoại giao của một vài tổ chức lao động quốc tế, báo chí và dư luận trong nước lại không muốn và cũng không thể chôn vùi bức tranh thảm thiết những cái chết tức tưởi xảy đến liên tục với người nghèo.

Tận cùng là cái chết

Tự tử vì nghèo đã trở thành một hiện tượng mãn tính trong xã hội được mô tả là chịu ăn chơi bậc nhất thế giới.
4
Một bà mẹ xấu số nguyện dùng tiền phúng viếng của mình để trả nợ và nộp học phí cho con… Hai cô gái đang tuổi xuân xanh rủ nhau uống thuốc diệt cỏ tự vẫn vì không có tiền nộp phạt vi phạm giao thông… Một chàng trai vừa bước vào tuổi trưởng thành dùng dây cáp internet treo cổ tự tử vì mắc bệnh nan y không có tiền chữa trị… Còn rất, rất nhiều những vụ tương tự mà nguyên nhân chỉ bắt nguồn từ hai chữ “quá khổ”.
Báo chí và người dân hẳn cũng chưa quên câu chuyện của chị Lê Thị Ngọc N. cũng xảy ra tại TP. Cà Mau cách đây không quá lâu. Trước khi chết, N. đã từng thổ lộ muốn tìm đến cái chết vì nghèo khổ quá. Dù gia đình khuyên bảo nhưng người phụ nữ ấy vẫn khăng khăng: “Thà chết đi, các con được đưa vào cô nhi viện còn hơn, chứ sống mà nhìn con bữa đói bữa no chịu không đặng!”.
Người dân cũng mô tả một cảnh tượng đau đớn khác – cảnh đầu bạc khóc đầu xanh của vợ chồng ông bà Trần Ngọc Quang ngụ ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa – Phú Yên. Vào năm 2012, vợ chồng người con trai của ông Quang cùng đứa con mới 5 tuổi đã ôm nhau trầm mình dưới sông. Nguyên nhân cũng chỉ bắt nguồn từ quá nghèo khổ.
Nhưng còn giới chức chính quyền từ cấp trung ương đến các địa phương thì sao?
Nếu không thể hồi âm về thói vô cảm, họ vẫn còn một chỗ để dàn hòa trách nhiệm: cơ chế.
Bởi khi giới có trách nhiệm như thể câm lặng, những người chẳng có chức vụ gì lại buộc phản lên tiếng.
Theo ông Lê Minh Tiến, giảng viên xã hội học Đại học Mở TP.HCM, trong giai đoạn 2011-2015, chuẩn nghèo ở nông thôn là dưới 400.000 đồng/người/tháng và ở đô thị là 500.000 đồng/người/tháng. Rõ ràng việc xác định ngưỡng nghèo tại Việt Nam thấp hơn so với chuẩn nghèo do Ngân hàng Thế giới ấn định (60 USD/người/tháng, tương đương 1,2 triệu đồng/người/tháng).
Với chuẩn nghèo quá thấp như vậy nên những người được xác định là vượt nghèo (chẳng hạn như có thu nhập 1 triệu đồng/người/tháng) thật ra vẫn còn thuộc diện nghèo theo chuẩn thế giới.
Hơn nữa, với tình hình lạm phát như hiện nay thì việc xác định chuẩn nghèo cho cả giai đoạn 2011-2015 là chưa hợp lý. Lẽ ra phải điều chỉnh theo mức trượt giá hằng năm mới đúng… Có như thế mới không còn xảy ra những chuyện đau lòng như trường hợp chị Mỹ Nhân “chết để con được học”.

‘Còn Đảng còn mình’

Nhìn về bên kia thế giới và đỡ tồi tệ hơn rất nhiều, ở nước Mỹ đã chưa có ai phải “chết để con được học”.
5Martin Wolf – một cây bình luận sắc sảo của tờ Financial Times – đã nêu ra nhận xét: đúng là ngân sách nước Mỹ có vấn đề trong dài hạn, nhưng chủ yếu là do chi phí y tế tuy thiếu hiệu quả nhưng tăng quá nhanh.
Y tế và an sinh xã hội, cho dù bị lên án là những mầm mống gây ra khủng hoảng ngân sách nước Mỹ, nhưng rõ ràng đã làm cho phần lớn người dân Mỹ an tâm hơn khi bước chân vào bệnh viện. Cho dù họ bị thất nghiệp. Cho dù Hợp chúng quốc Hoa Kỳ mới lọt lòng chưa đầy 300 năm…
Còn ở đất nước “bốn ngàn năm văn hiến” thì sao?
Lại nhớ đến tâm tưởng trong một cuốn tiểu thuyết về “những người đã chết và những kẻ đang sống”…
Còn bao nhiêu cái chết nữa chưa thành hình nhưng đã nằm lòng bản chất bị định đoạt? Còn bao nhiêu kẻ đang sống thờ ơ, vô trách nhiệm và lợi dụng đồng loại nhưng được ngụy trang bởi cái áo “còn Đảng còn mình”?
Gần đây, Nông nghiệp Việt Nam – một tờ báo chuyên về nông thôn và đời sống người dân, đã làm một loạt phóng sự về “Mối lo làng quê” và “Vỡ làng”. Không thiếu cảnh đau thương, tang thương đã dội lên từ con suối, cây tre, cánh cò và đồng ruộng hoang hóa lòng người như thế.
Những giọt nước mắt bất lực của độc giả cũng bởi thế đã tràn chảy trên trang báo.
“Bi kịch không được nghèo!” – như một lời trần thuật của báo chí Việt Nam – vào lúc thời kỳ “quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội” đã kéo dài mòn mỏi hơn nửa thế kỷ qua.
Chẳng lẽ cần phải nói toạc ra: Đảng và Nhà nước đừng để người dân nào phải tự tử vì cùng khổ!
Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, một nhà báo tự do ở TP HCM.

Nguồn: BBC tiếng Việt
nguồn:http://www.basam.info/2013/06/11/1835-vo-cam-quan-chuc-va-cai-chet-vi-ngheo/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001