Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

1840. NHÌN LẠI SỰ KIỆN THIÊN AN MÔN 


Posted by basamnews on June 12th, 2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Hai, ngày 10/6/2013
TTXVN (NiuYoóc 9/6)
Tờ “Thời báo Niu Yoóc” của Mỹ ngày 5/6 cho biết trong 4 ngày diễn ra hội nghị vào tháng 4/1989, hơn 400 nhà hoạt động chính trị uy tín của Trung Quốc tập trung tại hội trường của một khách sạn ở thủ đô Bắc Kinh để tranh luận về tương lai của đất nước. Sau một thập kỷ chuyển đổi kinh tế, Trung Quốc đối mặt với những đòi hỏi tự do hóa chính trị. Sau đó mấy ngày, các cuộc biểu tình nổ ra ở Quảng trường Thiên An Môn và cuộc sống của những người có mặt trong cuộc họp đã hoàn toàn đổi khác.

Một số người hiện nay là các nhà lãnh đạo quốc gia, trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Những người khác đã mãn hạn tù hoặc sống lưu vong vì bị cáo buộc ủng hộ các cuộc biểu tình làm rung chuyển Đảng Cộng sản và chấm dứt sau khi lực lượng quân đội và xe tăng tràn ngập thành phố ngày 4/6/1989, bắn chết hàng trăm người biểu tình không vũ trang và những người xung quanh. Ông Trần Nhất Tư, người giúp tổ chức hội nghị, nói: “Không khí chung tại hội nghị đó là hãy để một trăm bông hoa đua nhau nở và hàng trăm trường phái đấu tranh. Sau này không thể tổ chức một hội nghị kiểu như vậy để tất cả mọi người sẵn sàng tranh luận về các quan điểm khác nhau”.
Năm 2013 là năm kỷ niệm lần thứ 24 sự kiện đẫm máu ở Quảng trường Thiên An Môn và cũng là năm đầu tiên Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chủ yếu gồm các quan chức có quan hệ hai chiều và thân mật với sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao đã trải qua giai đoạn học làm chính trị trong những năm 1980, lúc đó ranh giới giữa những gì được phép và bị cấm không chặt chẽ và nặng nề như hiện nay. Sự nghiệp, tình bạn và đôi khi quan điểm của họ giống như của các nhà trí thức, các quan chức và các cố vấn chính sách – những người bị bỏ tù hoặc bị sa thải sau cuộc đàn áp ngày 4/6. Rất ít hy vọng các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc lật ngược phán quyết chính thức cho rằng các cuộc biểu tình Thiên An Môn là cuộc bạo loạn phản cách mạng nên phải bị nghiền nát. Nhưng ảnh hưởng sâu sắc của các nhà lãnh đạo hiện nay đối với cuộc thử nghiệm chính trị của những năm 1980 đặt ra câu hỏi liệu họ sẽ cởi mở với những ý tưởng mới và các cuộc thảo luận hơn những người tiền nhiệm trong chính phủ. Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc công khai tranh luận các biện pháp cạnh tranh trong nền kinh tế, nhưng những đề nghị tự do hóa chính trị của họ ngày càng trở nên hiếm hoi. Hiện nay dường như bất cứ ai theo đuổi tinh thần tự do của những năm 1980 đều bị ngăn cản bởi chủ nghĩa tuân thủ của hệ thống cấp bậc và họ lo sợ bị cáo buộc có tư tưởng khác biệt. Nhưng ông Wu Wei, cựu trợ lý của ông Triệu Tử Dương – một trong các nhà lãnh đạo Đảng có tứ tưởng cải cách bị lật đổ ngay trước khi xảy ra cuộc đàn áp, cho rằng những bài học của ngày 4/6 và hậu quả của cuộc đàn áp có thể ảnh hưởng rất lớn đến các nhà lãnh đạo mới, đặc biệt nếu họ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy chính trị nữa. Ông Wu nói: “Đối với những người trong chính quyền hiện nay, ngày 4/6 vẫn là một gánh nặng chính trị, mặc dù đó chỉ là một sự kiện mà họ không bao giờ có thể nhắc đến một cách công khai. Hiện nay, những người tham gia các cuộc biểu tình ở thời điểm đó đã trở thành những người trung niên hoặc già hơn, nhưng sự kiện đó vẫn là một nỗi đau trong trái tim của họ”. Ông Zhong Dajun, biên tập viên của Tân Hoa Xã ở thời điểm đó, cho biết Thủ tướng Lý Khắc Cường, 57 tuổi, một trong sáu thành viên hiện nay của Bộ Chính trị gồm 25 ủy viên ưu tú nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã tham dự hội nghị tháng 4/1989. Những người khác tham dự hội nghị gồm: Lí Nguyên Triều, phó Chủ tịch; Vương Kỳ Sơn, trưởng ban điều tra chống tham nhũng; và Du Chính Thanh, phụ trách chính sách đối với các nhóm tôn giáo, các dân tộc thiểu số và các nhóm phi đảng phái. Nhiều người trong số các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai nằm trong số hàng trăm nghìn sinh viên ở các trường đại học bắt đầu cuối những năm 1970 mong muốn hiểu rõ sau nhiều năm học vẹt tư tưởng Mao Trạch Đông trong cuộc Cách mạng Văn hóa, khi đó hầu hết các trường đại học bị đóng cửa hoặc bị tê liệt bởi chiến dịch ý thức hệ. Các bức ảnh cho thấy họ mặc áo bông màu xanh lá cây của kỷ nguyên Mao Trạch Đông, một kỷ niệm của sự tuân thủ mà họ mong muốn thoát khỏi. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc bạo động Thiên An Môn, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc hiện nay, là một quan chức địa phương ở tỉnh Phúc Kiến thuộc phía Đông Nam Trung Quốc, cách xa các cuộc biểu tình tại Bắc Kinh. Nhưng bố ông Tập Cận Bình là ông Tập Trọng Huân, một cựu đảng viên Cộng sản quay sang ủng hộ cải cách kinh tế và cũng là bạn của ông Hồ Diệu Bang, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc bị giáng chức năm 1987 do có xu hướng tự do và cái chết của ông vào năm 1989 đã cổ vũ hàng nghìn người tràn đến Thiên An Môn để nói lên nỗi đau của họ và đòi tiến tới dân chủ.
Ông Warren Sun, nhà sử học của Đại học tổng hợp Monash ở Ôxtrâylia, cho biết có một số bằng chứng cho thấy ông Tập Cận Bình gián tiếp phản đối lệnh thiết quân luật của Chính phủ nhưng tuyệt đối im lặng ngay sau ngày 4/6. Ở thời điểm đó, Trung Quốc đã từ bỏ tư tưởng của kỷ nguyên Mao Trạch Đông và tiến hành các cải cách thị trường do Đặng Tiểu Bình khởi xướng cho phép nông dân, nhà máy và các nhà kinh doanh thoát khỏi các xiềng xích của nhà nước. Những thay đổi kinh tế đi cùng với những ý tưởng mới và kêu gọi cởi mở chính trị và đổi mới văn hóa, bất chấp các cuộc phản công của những người bảo thủ chống lại những người bị “ô nhiễm tinh thần”. Ông Trần Tử Minh, một nhà văn và là nhà phân tích chính trị Trung Quốc, nói: “Tất cả chúng tôi tin rằng Trung Quốc phải cải cách và cải cách khẩn trương. Chỉ có một mâu thuẫn thực sự giữa các sinh viên và học giả là Trung Quốc nên cải cách kinh tế trước hay cải cách chính trị trước hay tiến hành cả hai cùng một lúc”. Nhiều người trong số các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc bắt đầu leo lên bậc thang chính trị trong bầu không khí nóng bỏng đó, vì các quan chức cảm thấy không có gì bất thường nếu ủng hộ những người có tư tưởng thay đổi triệt để và thậm chí bày tỏ sự cảm thông với họ. Là một sinh viên, ông Lý Khắc Cường có quan hệ với Hồ Bình và Vương Quân Đào – hai nhân vật xúi giục bạo động và cũng là những người lao vào các cuộc bầu cử không bị hạn chế của sinh viên năm 1980. Những người bạn của ông cho biết Lý Khắc Cường đôi khi tham gia các cuộc họp của trường – nơi sinh viên thức rất khuya để tranh luận chính trị bầu cử, triết học phương Tây và sự thái quá của chế độ độc tài. Sau này bạn bè cho biết ông Lý Khắc Cường bị các quan chức Đảng Cộng sản thuyết phục từ bỏ cơ hội học tập ở nước ngoài và thay vào đó trở thành một cán bộ trong Liên Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ông Vương Quân Đào, bị bắt giam sau ngày 4/6 và đến định cư ở Mỹ vào năm 1994, nói: “Vào thời điểm đó, chúng tôi có rất nhiều quan điểm chung”. Các nhà lãnh đạo tương lai khác đều có nền tảng tương tự, Ông Vương Kỳ Sơn, hiện là chủ tịch ủy ban Chống tham nhũng và nổi tiếng vào đầu những năm 1980, là một trong “4 nhà cải cách” của các trí thức trẻ chủ trương từ bỏ nền kinh tế kế hoạch cứng nhắc. Sau thập kỷ đó, ông Sơn có mặt trong ban biên tập của nhà xuất bản “Hướng tới tương lai” phát hành hàng loạt cuốn sách phục vụ sinh viên, ông Trần Nhất Tư, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu cải cách cơ chế kinh tế nhà nước thuộc Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Bắc Kinh, từng có các cuộc trò chuyện dài với ông Vương Quân Đào và một cuộc trò chuyện dài với ông Lý Khắc Cường năm 1988. Đề cập đến các nhà lãnh đạo mới nghỉ hưu gần đây của Trung Quốc, ông Trần Nhất Tư cho biết: “Thế hệ lãnh đạo hiện nay được giác ngộ nhiều hơn ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng như thế hệ của họ”. Năm 1989, có nhiều bất đồng ảnh hưởng đến giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mặc dù Trung Quốc có một thập kỷ tăng trưởng kinh tế, nhưng giới sinh viên và trí thức rất thất vọng trước tình trạng tham nhũng và sự do dự của Đảng trong việc thúc đẩy thay đổi sâu rộng ở trong nước và khối Liên Xô. Công chúng cũng tức giận về các cải cách giá cả và đặc quyền của quan chức dẫn đến lạm phát tăng. Những căng thẳng đó nổi lên sau cái chết của ông Hồ Diệu Bang, khi đám tang ở Quảng trường Thiên An Môn phát triển thành các yêu cầu giảm bớt quyền lực và đặc quyền của các nhà lãnh đạo Đảng thông qua các biện pháp tiến tới dân chủ và tự do ngôn luận.
Ông Triệu Tử Dương và các thành viên tương đối ôn hòa khác trong các tổ chức Đảng chủ trương ủng hộ tự do chính trị và tự do báo chí để xoa dịu sự bất măn của học sinh sinh viên, trí thức và công chúng. Nhưng các quan chức theo đường lối cứng rắn trong Đảng cho rằng tự do hóa là mối đe dọa chứ không phải phao cứu sinh. Họ ủng hộ mạnh mẽ ông Đặng Tiểu Bình – người chủ trương cải cách kinh tế nhiều hơn thỏa hiệp chính trị. Ông Vương Quân Đào, người ủng hộ dân chủ, nhớ lại cuộc họp mà ông Lý Khắc Cường, người quen cũ trong trường đại học của ông, tham gia lần cuối vào giữa tháng 5/1989, lúc đó ông Lý Khắc Cường là một trong số các quan chức tìm cách thuyết phục học sinh chấm dứt tuyệt thực và trở lại lớp học. Ông Vương Quân Đào nói: “Là một sinh viên, ông Lý Khắc Cường thường nói về những ý nghĩ của bản thân. Hiện nay một số tư tưởng tự cao đó của ông đã biến mất. Ông đã trở thành một quan chức cấp cao, nhưng tôi vẫn nghĩ ông có ý thức về sự công bằng”. Ở thời điểm chính phủ tuyên bố thiết quân luật tại Bắc Kinh ngày 20/5, quyền lực của ông Triệu Tử Dương đã bị đổ vỡ và ông Đặng Tiểu Bình và những người bảo thủ trong Đảng chuẩn bị phản ứng mạnh tay hơn đối với sinh viên gây tắc nghẽn Thiên An Môn. Sau đó 2 tuần, các quân nhân và xe tăng được điều động đến quảng trường và Trung Quốc đã trải qua một cơn biến động do cuộc thanh trừng và bỏ tù. Những người quen cũ cho biết để đảo ngược tình hình, ông Lý Khắc Cường và các quan chức khác của Liên đoàn Thanh niên Cộng sản đã thể hiện chủ nghĩa thực dụng tàn nhẫn để tránh sự nghi ngờ không trung thành bằng cách áp dụng các biện pháp như tham dự các cuộc họp để lên án các cuộc biểu tình là phản cách mạng, Ông Vương Quân Đào cho biết: “Để tồn tại trong Đảng, họ phải trở thành những kẻ cơ hội”. Ngay sau vụ đàn áp đẫm máu ngày 4/6, vợ ông Tập Cận Bình là bà Bành Lệ Viện, một ca sĩ trong quân đội, là một trong những nghệ sĩ đến biểu diễn cho các quân nhân làm nhiệm vụ ở Thiên An Môn. Những tấm ảnh về chương trình biểu diễn của bà đã được đăng trên một tạp chí của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc năm 1989 và năm nay được đưa lên mạng Internet của Trung Quốc trước khi biến mất vì lo sợ hình ảnh đó của bà sẽ gợi lại sự kiện nhạy cảm của thời điểm năm 1989. Ông Wu Wei nói: “Hệ thống Đảng thay đổi nhân sự. Một khi đi theo con đường đó, các đảng viên biết rằng để bảo vệ bản thân, họ phải bảo vệ chế độ. Nhưng tôi không tin các nhà lãnh đạo mới có thể quên kỷ nguyên đó”./.
nguồn:http://www.basam.info/2013/06/12/1840-nhin-lai-su-kien-thien-an-mon/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001