Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Đầu tư vào hạ tầng nào? 

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2013-06-26
000_Hkg8714995-305.jpg
Công nhân Trung Quốc vận chuyển thép tại một bến tàu ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc hôm 15/6/2013.
AFP photo



Biến động tài chính gần đây tại Trung Quốc, khi đà tăng trưởng sẽ còn giảm, khiến người ta nêu câu hỏi về chiến lược phát triển dựa trên đầu tư và tín dụng của nền kinh tế hạng nhì thế giới. Tìm hiểu về câu hỏi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa đề nghị một cách nhìn khác vào đối tượng của đầu tư.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thế hệ thứ năm vừa lên lãnh đạo Trung Quốc đã đối mặt với một viễn ảnh là đà tăng trưởng kinh tế hết còn như xưa, trong khi ấy, núi nợ tín dụng tích lũy từ năm năm nay để kích thích tăng trưởng lại dẫn đến khủng hoảng tài chính vào mấy năm tới. Ngay trước mắt thì nạn ách tắc tín dụng vì ngân hàng thiếu thanh khoản và lãi suất tăng vọt đã đánh sụt giá cổ phiếu Trung Quốc và đang gây chấn động toàn cầu.
Thưa ông, từ nhiều năm nay, ông thường nêu ra những hiện tượng tiêu cực của kinh tế Trung Quốc như tình trạng nợ nần hay đà tăng trưởng chỉ có lượng mà thiếu phẩm để cảnh báo Việt Nam. Kỳ này, chúng tôi xin nêu câu hỏi là vì sao xứ này lại gặp trở ngại như vậy khi mới vượt qua Nhật Bản để là nền kinh tế hạng nhì thế giới? Hỏi cách khác, phải chăng là chiến lược tăng trưởng bằng đầu tư rất mạnh đã đi hết sự vận hành của nó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là chúng ta phải đi lại từ đầu để nhìn thấy vấn đề cơ bản của Trung Quốc, trước khi phê phán sự hay dở của chiến lược kinh tế mà lãnh đạo xứ này áp dụng sau khi tiến hành cải cách từ đầu năm 1979. Vì địa dư hình thế, Trung Quốc có khu vực duyên hải dễ tiếp xúc với bên ngoài nên tương đối trù phú hơn và là nơi sinh hoạt của 450 triệu người. Còn lại là các tỉnh nội địa nghèo khổ lạc hậu, là nơi sinh sống của 900 triệu dân.
Vì luật pháp vẫn mơ hồ, nạn bội tín, xù nợ và không tôn trọng hợp đồng là quy luật phổ biến và cần sự xử lý của xã hội đen. Do đó, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ có lượng mà thiếu phẩm.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Thật ra, xứ này còn nghèo và khi cải cách thì dễ đạt tốc độ cao như các nước khác. Với dân số hơn một tỷ ba trăm triệu người, mức tăng trưởng ấy có thể khiến Trung Quốc có sức nặng kinh tế đáng kể. Nhưng, khi ra sức đầu tư rất mạnh bằng công chi và tín dụng họ vẫn chưa giải quyết được bài toán nguyên thủy về địa dư hình thể và lại duy trì một chế độ chính trị tập quyền, nên càng gây khó khăn cho yêu cầu phát triển hài hòa.
Vũ Hoàng: Hình như ông vừa tóm lược định đề khách quan của hoàn cảnh vật chất rồi nói đến sự bất toàn của hệ thống chính trị Trung Quốc. Bây giờ, trở lại chiến lược tăng trưởng bằng đầu tư thì ta có thể rút tỉa được bài học gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, về đại thể khi xét đến thành tố của Tổng sản lượng kinh tế qua ngả chi phí thì đấy là kết số của đầu tư, tiêu thụ và cán cân thương mại, là sai số giữa xuất khẩu trừ nhập khẩu. Trung Quốc chọn hai đầu máy tăng trưởng là đầu tư và xuất khẩu, còn tiêu thụ lại quá ít, chỉ ở khoảng 35-37% so với khoảng 50% là tỷ lệ được coi là cân bằng hơn. Vì sức mạnh chính của mức tăng trưởng là đầu tư, có khi lên tới 48% Tổng sản lượng, người ta mới nói là Trung Quốc đầu tư quá nhiều để đạt một kết quả thật ra là không tương xứng. Nôm na là phải đầu tư gần bốn ngàn tỷ mà chỉ để nâng sản lượng được 640 tỷ thì quả là quá tốn kém.
Nhưng ta có thể nhìn vào lượng đầu tư qua cách khác. Nếu lấy tổng số tài sản cố định hay tư bản dành cho sản xuất mà chia cho dân số lao động thì ta thấy sức đầu tư bình quân của Trung Quốc còn quá ít, chỉ bằng 7-8% của Mỹ hay Nhật mà thôi. Vì vậy, bảo rằng họ đầu tư nhiều quá hay ít quá vẫn chưa làm sáng tỏ vấn đề. Vấn đề ở đây là Trung Quốc còn quá nghèo, cho nên dù có giành lại một số đầu tư rất lớn thì loại phương tiện sản xuất ấy chưa thể so sánh với các nước tiên tiến, hay thậm chí một nước tân hưng như Hàn Quốc. Chính vì vậy mà mình mới phải nói đến phẩm chất hay hiệu suất của đầu tư.
Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu ra cách đặt vấn đề của ông. Nếu lấy tổng số thiết bị và vật liệu cho sản xuất mà chia cho lực lượng lao động, giả dụ như 800 triệu người tại Trung Quốc thì bình quân một công nhân xứ này chỉ sử dụng mức đầu tư có vài nghìn bạc so với cả chục vạn của người Nhật, người Mỹ. Phải chăng vì thế người ta mới cần chú ý đến phẩm hơn là lượng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, và vấn đề thật của Trung Quốc là đã nghèo mà còn xài hoang và gây lãng phí trong đầu tư. Tôi xin được lần lượt giải thích vì đấy cũng là một tệ nạn của kinh tế Việt Nam.
Khi theo đuổi chiến lược đầu tư mạnh nhờ công chi và nhất là tín dụng như chúng ta nhắc đến trong chương trình tuần trước, Trung Quốc lần lượt dồn phương tiện cho các tập đoàn kinh tế nhà nước, rồi các tỉnh và các đại gia có quan hệ với giới chức cầm quyền để thực hiện cả triệu dự án được ghi vào thống kê như sản lượng làm thế giới khâm phục. Nhưng kết quả thực tế là gì?
Là các tập đoàn công nghiệp nhà nước có tiền bèn áo dạt đổ ra những phương tiện sản xuất dư thừa như xi măng, sắt, thép, v.v.... được bút ghi là sản lượng mà để chất đống vì bán không chạy. Thứ hai, là các tỉnh ráo riết xây dựng hạ tầng vật chất như cầu đường, phi đạo, sân vận động, thiết lộ, đường xe lửa cao tốc vắng khách và không sinh lời. Kết quả khác là tín dụng quá rẻ đã trút các dự án gia cư hay bất động sản, tức là thổi lên bong bóng địa ốc với những thương xá ế ẩm hay các biệt thự quá đắt và vắng như chùa Bà Đanh. Trong ý nghĩa đó thì quả là Trung Quốc đầu tư quá nhiều, lại còn gây ra nạn tham ô, lãng phí và làm hư hại môi sinh....

Rào cản "Độc tài"


000_Hkg8730222-250.jpg
Người dân Trung Quốc trên đường phố ở Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 6 năm 2013. AFP photo

Vũ Hoàng: Đã thế, như một lần diễn đàn của chúng ta đã nói tới, nhiều gia đình Trung Quốc lại khó tìm trường cho con em. Mà khi đã có thì phải trả học phí rất cao và còn phải đem bàn học vào lớp vì trường thiếu phương tiện. Thưa ông, đấy có phải là một thiếu hụt đẩu tư không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ông vừa nêu ra một vấn đề điển hình về nhược điểm của Trung Quốc.
Trước hết, ta nên phân biệt hai loại tư bản hay đầu tư. Một đằng là đầu tư vào hạ tầng vật chất hoặc tư bản vật thể. Đằng kia là hạ tầng cơ sở tinh thần hay tư bản xã hội. Xây dựng cầu đường, cống rãnh, hệ thống hủy thải phế vật, v.v... là đầu tư vào hạ tầng vật chất thì Trung Quốc làm quá nhiều nên mới có biểu hiệu của tăng trưởng mà thật ra lại dư dôi. Nhưng hạ tầng cơ sở tinh thần hay tư bản xã hội như luật lệ, quyền tư hữu, như giáo dục, kể cả công dân giáo dục hay quy ước sử dụng hạ tầng vật chất thì bị xao lãng. Do tâm lý cha chung không ai khóc, công ốc xây lên có thể biến ra đống rác, nhà máy là trung tâm ô nhiễm, đường phố là nơi khạc nhổ tự do.
Quan trọng nhất, vì luật pháp vẫn mơ hồ, nạn bội tín, xù nợ và không tôn trọng hợp đồng là quy luật phổ biến và cần sự xử lý của xã hội đen. Do đó, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ có lượng mà thiếu phẩm. Việt Nam cũng bị nguy cơ này.
Vũ Hoàng: Nhìn như vậy thì ta có thể thấy ra yêu cầu đầu tư về dân trí hay dân khí. Xây dựng hạ tầng vật chất mà thiếu luật lệ, định chế hay quy ước sinh hoạt văn minh thì quốc gia vẫn chưa thể phát triển được. Bây giờ, ta trở lại bài toán địa dư hình thể Trung Quốc là các tỉnh bên ngoài và bên trong, thưa ông, họ đầu tư để giải quyết bài toán này ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ 15 năm nay, ba thế hệ lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra nan đề địa dư này mà giải quyết không được. Lý do thứ nhất là đầu tư vào vùng duyên hải thì sớm có kết quả hơn là vào các tỉnh hoang vu lạc hậu trong lục địa nên họ lại bị cảnh nước chảy chỗ trũng ở miền Đông và gây thêm bất công và dị biệt địa phương. Lý do thứ hai là ngày nay, nếu muốn nâng sức tiêu thụ của thị trường nội địa thì làm sao giúp cho 900 triệu người bên trong có thêm lợi tức? Khi trung ương muốn tập trung quyền lực để tái phân lợi tức cho dân nghèo thì đấy cũng là một cách đầu tư như rót tiền vào bên trong. Nhưng cách ấy không bền vì hết đầu tư là hết tiêu thụ và còn bị một trở ngại lớn của hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Thưa ông trở ngại đó là gì?

Nhờ nạn độc tài, thiểu số ở trên có quyền trưng thu bất chính theo lối kinh doanh "tầm tô", hoặc phát triển hệ thống tư bản thân tộc cho tay chân và mạng lưới móc ngoặc ấy trở thành những nhóm lợi ích.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta vừa nói đến việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở luật pháp, vào các định chế xã hội để nâng cao trình độ dân trí một cách đồng bộ với hạ tầng vật chất. Nhưng Trung Quốc và cả Việt Nam đều có nhược điểm chung là nạn độc tài. Nhờ nạn độc tài, thiểu số ở trên có quyền trưng thu bất chính theo lối kinh doanh "tầm tô", hoặc phát triển hệ thống tư bản thân tộc cho tay chân và mạng lưới móc ngoặc ấy trở thành những nhóm lợi ích. Quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước hay đảng ủy ở cấp tỉnh thành đều là đảng viên cao cấp, có vây cánh lên tới Bộ Chính Trị. Họ không chỉ cản trở cải cách mà còn tác động vào chính sách để duy trì nguyên trạng có lợi cho họ. Chính là do tác động của thiểu số có chức, có quyền và có thế lực tiền tài như vậy mà Trung Quốc cứ trút tiền vào loại hình đầu tư vật chất và gây lãng phí cho quốc dân.
Vũ Hoàng: Thưa ông, câu hỏi cuối cho một đề tài phức tạp, có phải là hệ thống chính trị hiện hành của Trung Quốc hay Việt Nam mới gây ra nạn thất quân bình trong đầu tư hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi nói đến đầu tư và cần so sánh giá trị của từng giải pháp hay dự án thì ta nghĩ đến hiệu suất của đầu tư, nôm na là tốn kém những gì để được những gì, bao giờ được và ai được, v.v.... Khởi đi từ trình độ thấp của một nước nghèo, các dự án đầu tư đều có kết quả dễ thấy như khi ta hái những trái chín ở cành thấp nhất nên tạo ra ấn tượng tăng trưởng và phát triển. Thế rồi chỉ mươi năm sau thì loại dự án đó đã có đủ và người ta cần lên cấp cao hơn nhờ loại dự án tinh vi khó khăn như khi phải bắc thang hái những trái chín ở cao hơn. Đấy là khó khăn chung của các nước đang phát triển và họ phải vượt qua bằng đầu tư vào hạ tầng xã hội để đạt hiệu suất cao hơn.
Nhưng tại các nước độc tài, thế lực của thiểu số đã trở thành những nhóm phản động, tức là cản trở sự tiến hóa, để trục lợi. Vì thế, đầu tư vào tư bản xã hội và hạ tầng cơ sở luật pháp hay giáo dục vẫn bị lãng quên. Do tình trạng này, Trung Quốc không thể đạt mức tăng trưởng 7-8% như trước đây và rất dễ bị loạn khi mà khủng hoảng tài chính và kinh tế bùng nổ. Việt Nam nên nhìn thấy nguy cơ đó mà rút tỉa bài học cho mình.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lối phân tích này.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/physical-vs-social-capital-invest-nxn-06262013112252.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001