Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Jonathan London - Sợ cái gì? Những câu hỏi về Internet và dân chủ hóa 


Jonathan London

Trong những tuần lễ vừa qua tôi có nhận xét rằng nền văn hóa chính trị của Việt Nam đã có một số thay đổi rõ nét. Và chẳng có gì tranh cãi nếu khẳng định một yếu tố quan trọng trong quá trình này là vai trò của mạng Internet và các nền tảng công nghệ của mạng xã hội như các trang blog và Facebook.
Cho nên ở phía sau hiện tượng này cũng có hai câu hỏi thích thú và quan trọng. Một là những thuận lợi và hạn chế của mạng trong việc đấu tranh cho một xã hội đa nguyên hơn, dân chủ hơn tại Việt Nam. Hai là một câu hỏi quan trọng nhưng có vẻ ít khi được đề cập đến, đặc biệt chính trong những cuộc dư luận trên cộng đồng mạng là vai trò của Đảng và Nhà nước đối với việc kiểm soát mạng.
Sau khi bàn về hai câu hỏi này tôi sẽ đặt một vài câu hỏi mà cá nhân tôi rất muốn hỏi về tương lai và nội dung của quá trình đấu tranh để xem ý của bạn từ mọi khía cạnh là như thế nào.
Hai câu hỏi này khác nhau. Một câu hỏi về lực lượng đấu tranh và câu thứ hai về lực lượng kiểm soát (kiểm soát) mạng (gồm không chỉ là đàn áp mà còn có những yếu tố quản lý hầu như “không hại” hoặc có giá trị thực tiễn).
Đối với câu hỏi thứ nhất, thì rõ ràng mạng là một phương tiện cốt lõi, đã tạo ra nhiều thay đổi trong không gian công cộng tại Việt Nam. Nhưng, cũng rõ là chính phương tiện này có một số rủi ro và hạn chế nhất định của nó. Vì chính trong quá trình bày tỏ chính kiến trên Web mà những người “nói gì,” viết gì” có thể đặt chính mình vào tình thế dễ bị đàn áp hoặc bị cô lập… trong đó có chính tôi (J. L.). (Trong tương lai gần, tôi sẽ chia sẻ một số ý nữa về những vấn đề này.)
Có vẻ những người Việt Nam có tính toán đến những rủi ro này và một dấu hiệu đáng hứa hẹn là đại đa số người Việt Nam lên mạng viết một cách tự tin.
Thế nhưng nếu chúng ta đến với câu hỏi về sự tổ chức quá trình đấu tranh thì lại có một câu hỏi phát sinh là: Sự hạn chế của mạng hiện nay là như thế nào? Bởi vì trong môi trường xã hội của Việt Nam, công khai quan điểm của mình đối với quan điểm đấu tranh (tôi không thích từ “chiến lược” vì nó có từ “chiến”!) chưa chắc là khôn ngoan. Chắc là những người (trong và ngoài bộ máy) khi đề cập đến cách đấu tranh vẫn nói nhẹ nhàng, cẩn thận, và tránh đụng chạm và tôi cho rằng đó cũng là hành vi thận trọng thôi. Dư luận trên mạng hiện nay nhiều khi là một không gian để “nói bằng loa.” Và chính vì thế chất lượng của những bài viết, những bình luận vẫn rất không đồng đều.
Thật ra, ở các nước khác, mạng cũng vậy. Thế nhưng, tôi giả định, nếu mạng không bị “đóng cửa” thì vấn đề này sẽ bớt đi… Ở các nước thật sự có tự do ngôn luận thì mạng là không gian nói cái gì đều được trừ việc đe dọa những người khác. (Ở đây tôi xin đề nghị các Ông Công An bỏ lý cớ ‘đe dọa an ninh trật tự.’ Vì số người thật sự muốn phá hoại trật tự là rất ít.
Câu hỏi thứ hai, về vai trò của bộ máy trong quá trình điều tiết không gian mạng, là thật phức tạp mà quan trọng. Xin nhấn mạnh ở đây, tôi không có ý nói về chuyện CAM chui vào FB hay chuyện bắt giữ, đe dọa, v.v. và v.v. dù các vấn đề này là “nghiêm trọng chết người.” Mà chính là vai trò xây dựng và điều tiết không gian trên mạng.
Nhiều người hỏi làm sao ở Việt Nam không áp dụng những biện pháp đàn áp tương tự như Trung Quốc? Có giả thuyết là kỹ thuật kém và kinh phí không cho phép. Tôi nghĩ đó cũng là một yếu tố, nhưng thực tế rộng hơn thế: Một phần vì những hạn chế này và một phần vì quan điểm trong Đảng có quyết định là không cố gắng bóp cổ mạng hoàn toàn, hoặc chỉ bóp một số cái cổ khi thấy có đe dọa cụ thể đến bộ máy hoặc là một người cụ thể trong bộ máy…
Chắc có nhiều người đã và đang tiến hành nghiên cứu về vấn đề này và tôi chỉ viết một cách khiêm tốn để chia sẻ vài ý tưởng ‘chưa chín’ của riêng tôi… và đặt ra một số câu hỏi tôi thấy là vừa thú vị vừa quan trọng.
Bây giờ xin đề nghị một ý tưởng có thể là “khiêu khích” hơn: Ngay trong TW Đảng có một “cuộc chiến đấu” giữa những người dám có một xã hội thực sự tự do hơn (ở đây không nên phóng đại) và những người giữ quan điểm bảo thủ lạc hậu.
Cách đây sáu tuần tôi có cơ hội nói chuyện với một người biết nhiều về Ban Tuyên giáo TW Đảng và qua thảo luận đó tôi biết những người làm trên ban nay biết rất rõ Việt Nam chẳng nên áp dụng những biện pháp như TQ và thật sự muốn Việt Nam có một văn hóa chính trị thoáng hơn. (Một lần nữa tôi không phóng đại vì biết những người này giữ quan điểm “đi từ từ…” Riêng tôi lo ngại là như từ trước đến nay đã cho thấy, “từ từ” liệu có quá dễ thành “chẳng thay đổi gì cả”?)
Thế nhưng dù yêu hay ghét Đảng, không ai có thể phủ nhận việc cho đến giờ một số người có thể bày tỏ chính kiến hầu như vô tư trên FB (chưa nói đến blog riêng) là nhờ một phần nhất định (ngoài hạn chế kỹ thuật) của những quyết định có ý thức (concious decisions) trong Đảng.
Ở đây tôi kết thúc với một câu hỏi về con đường cải cách sắp tới. Theo tôi, muốn thành công Việt Nam phải phát triển một liên minh rộng, gồm những người ở bên trong và ngoài bộ máy. Tôi biết nhiều người bác bỏ ý tưởng này của tôi và tôi vẫn tôn trọng họ. Như đã nói trước, kinh nghiệm lịch sử cho thấy rất khó đoán hành vi của những người trong một bộ máy một Đảng trong quá trình chuyển biến và mất ổn định, chính vì những người trong bộ máy che giấu quan điểm thực sự của mình cho đến lúc họ bị bắt buộc phải chọn hoặc họ nhìn thấy một cơ hội nhất định.
Ở phương Tây, có một thuật ngữ là “lều lớn” có được sử dụng khi đề cập đến ‘chính trị liên minh”, hàm ý là môt không gian đủ rộng để phát huy đầy đủ những lực lượng cải cách trong xã hội. Chú ý, “big tent” trong trường hợp này không có nghĩa là “rạp xiếc.” Những người sợ dân chủ có nhiều loại. Có người sợ mất ghế (hoặc nay là sợ mất xe Bentley, vài căn hộ). Có những người khác vì học đường lối lâu quá mà đi đến giả định một xã hội dân chủ sẽ mất trật tự, thành ra một rạp xiếc như Philipin chẳng hạn.
Thế nhưng đối với riêng tôi, tôi tin rằng cũng có thể ở Việt Nam có một quá trình xuất phát từ ngoài lẫn trong bộ máy, cho phép Việt Nam có một trật tự xã hội dân chủ, minh bạch, có trách nghiệm giải trình cao. Muốn cái đó thì phải lo những cách tốt nhất để đấu tranh cả trong lẫn ngoài bộ máy. Phải có lòng dũng cảm. Phải có trí tưởng tượng. Phải có một đầu óc sáng suốt và cởi mở. Mạng, dù quan trọng, chỉ là một phương tiện.
JL, Hà Nội
Admin gửi hôm Thứ Năm, 06/06/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130606/jonathan-london-so-cai-gi-nhung-cau-hoi-ve-internet-va-dan-chu-hoa
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001