Khiếu kiện đất đai: Ung thư mãn tính
Sat, 06/22/2013 - 21:20 — ledienduc
Lê Diễn Đức
Quốc hội Việt Nam khóa 13 đã kết thúc kỳ họp thứ 5 chiều 21/06/2013 và hoãn thông qua Luật Đất đai sửa đổi.
Có đến 292/348 đại biểu Quốc hội đề nghị lùi thời hạn thông qua
Luật Đất đai sửa đổi dời sang kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.
Quốc hội cũng thông qua ba nghị quyết, trong đó có “Nghị quyết kéo dài
thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và làm
muối của hộ gia đình, cá nhân”. Như vậy, những người đang sử dụng đất
nông nghiệp mà đến năm 2013 này tới hạn 20 năm quyền sử dụng, có thể
tiếp tục khai thác cho đến khi Quốc hội có quyết định mới.
Cuộc thảo luận về quyền sở hữu đất đã cho thấy sự lúng túng trong
chính sách của nhà nước Việt Nam. Đa dạng hoá quyền sở hữu đất trở thành
nhu cầu bức thiết của xã hội.
Theo RFA, trong bài "Khi đất đai là gắn bó máu thịt", "báo cáo
trình trước Quốc hội, có gần 7 triệu lượt ý kiến nhân dân góp ý dự thảo
luật đất đai sửa đổi và khẳng định sự đồng tình với quy định “sở hữu
toàn dân,” thế nhưng đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) lại tỏ rõ
sự băn khoăn khi ông nhấn mạnh rằng, khi tiếp xúc với cử tri thì đa số
nhân dân lại đề nghị quyền sở hữu về đất ở, không giống với những gì mà
báo cáo tổng hợp.
Ông Thuyền khẳng định “báo cáo tổng hợp nói đa số nhân dân đồng
tình, nhưng theo tôi không phải như thế. Chúng ta viết như thế hơi chủ
quan, bởi đa số nhân dân người ta muốn sở hữu về đất ở, chứ không phải
như chúng ta tổng hợp”.
Đất đai trở thành nguồn tài nguyên, phương tiện hiệu quả nhất trong
những năm qua. Các quan chức có quyền cùng các nhóm thân hữu, tranh
nhau chiếm đoạt và giàu có bất ngờ nhờ đầu cơ, trục lợi từ bất động sản.
Với độc quyền lãnh đạo ĐCSVN đã thâu tóm toàn bộ đất đai của cả
nước vào tay mình mà thực chất là vào một nhóm quan tham và toàn quyền
định đoạt.
Bài "Vietnams Bauern wehren sich", đăng trên tờ "Neue Zürcher Zeitung" ngày 03/04/2012 viết:
"Các quan chức tham nhũng khó có thể chống lại sự cám dỗ là nhượng
đất cho các công ty tài chính nhiều tiền hoặc các nhà đầu tư thay vì
phân bổ đất cho nông dân. Tiền hối lộ cho họ rất hậu do giá đất tăng
nhanh chóng. Những ai muốn thưa kiện tại tòa án đều có nguy cơ là đơn
kiện bị từ chối bởi ngành tư pháp thiên vị, hoặc bản án không được thực
hiện. (...) Một điều không ít xảy ra là các cơ quan nhà nước cũng đã sử
dụng một lý do không rõ ràng là vì "lợi ích công cộng" nhằm kết thúc
quyền sử dụng đất (của người dân) một cách nhanh chóng".
Cứ tưởng rằng, hết lòng theo đảng, người nông dân cam chịu nặng nề
nhất trong cuộc chiến giữ nước và dựng nước, sẽ có được sự đền bù xứng
đáng trong tinh thần "người cày có ruộng". Nhưng với những "chồng đơn
khiếu nại, nặng hơn cả dãy Trường Sơn", người nông dân đã phải khoả thân
phản kháng, tự thiêu và vật vã ăn nằm trên các vườn hoa Mai Xuân
Thưởng, Lý Tử Trọng. Không những thế họ còn bị đánh đập, bị hốt và bắt
giữ một cách thô bạo, dã man.
Mất đất, nguồn sống duy nhất, họ đã phải bỏ quê hương, từ các miền
quê nghèo Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình lên Hà Nội kiếm sống, hình
thành những làng lao động giữa thủ đô.
"Dân cày bị mất ruộng
Biết kiếm việc gì làm
Nhìn cao ốc ngất ngưởng
Mà ruột tím gan bầm!"
(Thơ trái luật - thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh)
Theo Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ, từ năm 2008 -
2011 đã có trên 1.571.500 lượt người đến khiếu nại tố cáo và cơ quan nhà
nước tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư. Có tới 70% khiếu nại của công
dân có liên quan đến đất đai mà nhiều nhất là khiếu nại về bồi thường,
hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Trong bài "Thâu tóm đất đai", nhà văn Phạm Đình Trọng viết:
"Thâu tóm đất đai đã tạo ra dòng người dân oan khiếu kiện đất đai
kéo dài vô tận trên cả nước và kéo dài vô tận trong thời gian, đã làm hư
hỏng nhiều quan chức trong bộ máy nhà nước. Thâu tóm đất đai, một người
đơn độc không thể làm được mà phải là cả một hệ thống quyền lực nhà
nước. Thâu tóm đất đai đã làm cho cả một hệ thống quyền lực nhà nước đối
lập với dân, làm tha hóa bộ máy nhà nước, gây mất ổn định xã hội, thủ
tiêu thế mạnh của những vùng đất đặc thù, làm mất mát, hao hụt, hoang
phí rất lớn đất vàng, đất bạc của nông nghiệp, đẩy nhiều gia đình nông
dân vào cảnh khốn cùng, không còn đường sống.
Thâu tóm đất đai đã tàn phá cả cơ cấu, nền tảng xã hội, phá nát cả
qui hoạch tổng thể, hợp lí của đất nước, gây nguy hại lớn lao và lâu dài
gấp nhiều lần thâu tóm ngân hàng lại chưa được coi là tội phạm nên thâu
tóm đất đai đã ngang nhiên diễn ra từ hàng chục năm nay và đang diễn ra
quyết liệt, rộng khắp trên cả nước".
Bài học từ Tiên Lãng, Hải Phòng vẫn còn nóng. Phiên toà phúc thẩm
vẫn bỏ ngỏ. Những người nông dân bám đất, quyết tâm bảo vệ thành quả của
mình trước một vụ cưỡng chế hoàn toàn sai pháp luật đã phải chịu án tù
nặng nề, bất công hơn cả giai đoạn thời thuộc Pháp. Sự tranh chấp đất
đai vì bất công và phi lý điễn ra hàng ngày, dường như khắp trên mọi
miền đất nước.
Phản đối việc đưa hàng ngàn công an, cảnh sát cưỡng chế đất của
nông dân ba xã huyện Văn Giang, Hưng Yên, giao cho doanh nghiệp tư nhân
xây dựng dự án Ecopark, hồi tháng 4/2012, bà Lê Hiền Đức, công dân chống
tham nhũng nổi tiếng trong bài "Phản cách mạng đã rõ ràng" viết:
"Đảng cộng sản và Nhà nước CHXHCN Việt Nam thừa nhận ở Việt Nam,
hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai rất chồng chéo, rắc rối,
có nhiều thiếu sót và mâu thuẫn nhau. Nhưng ai là tác giả của chúng?
Chính là họ. Ai được hưởng lợi từ chúng? Cũng chính là họ".
"Cuộc cách mạng mà lớp người chúng tôi đã tham gia 60-70 năm trước
nay đã bị phản bội một cách trắng trợn, triệt để. Công hữu, sở hữu toàn
dân chỉ là chiêu bài để tư hữu hoá, tư nhân hoá, biến của chung thành
của riêng".
Vụ án bà Trần Thị Sương, anh hùng lao động của Nông trường Sông
Hậu, là biểu hiện của tình trạng cướp đất và bất chấp công lý. Nó không
phải là bài toán của quan lại địa phương mà là mưu toan chung của cả
nhóm lợi ích từ trung ương, chà đạp lên đạo đức, sẵn sàng đẩy nông dân
vào đường cùng bằng những thủ đoạn bỉ ổi và gian trá nhất.
Việt Nam hiện có khoảng 60,4 triệu người ở khu vực nông thôn. Theo
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc thu nhập của hai phần ba
dân số từ 88 triệu người Việt Nam lệ thuộc vào ngành nông nghiệp.
Vì thế, cũng theo RFA, bà Phạm Chi Lan, nói:
"Tôi rất tiếc là trong bản dự thảo hiện nay Nhà nước vẫn còn khuynh
hướng duy trì quyền sở hữu của Nhà nước về đất đai, tôi là một trong
những người đã có đề xuất khi sửa đổi luật đất đai, nên công nhận nhiều
hình thức sở hữu khác nhau. Nhà nước nên cần chấp nhận một loại hình sở
hữu tư nhân cho đất đai, thí dụ như của nông dân, vì Việt Nam vẫn là một
nước vẫn dựa rất nặng vào nông nghiệp, nông dân là một lực lượng rất
lớn trong xã hội, kể cả trong lực lượng lao động của VN. Vì thế tôi rất
thiên về hướng công nhận sở hữu tư nhân về đất đai cho nông nghiệp hoặc
cho mục đích canh tác".
Tôi không tin nếu kỳ họp này Quốc hội vẫn cứ thông qua Luật Đất đai
sửa đổi, "thì có nguy cơ chế độ sẽ sụp đổ vì sự phẫn nộ của nông dân",
như nhận định của luật gia Lê Hiếu Đằng, nhưng sự bế tắc trong vấn đề
khiếu kiện đất đai sẽ kéo dài vô tận và là thách thức rất lớn với chế
độ. Nó đã trở thành căn bệnh ung thư mãn tính từ hai thập niên nay, sẽ
vắt kiệt toàn bộ lòng tin và một cuộc nổi dậy như ở Thái Bình năm 1997
có thể là tất yếu.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog
nguồn:http://rfavietnam.com/node/1671
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001