Nguyễn Thành Công - Thử nhìn lại thời kỳ 1954-1963 ở miền Nam Việt Nam
Nguyễn Thành Công
Cựu chiến binh QĐND Việt Nam
Cựu chiến binh QĐND Việt Nam
Người xưa nói “Còn là hòn đất, mất là cục vàng”, con người thường hoài niệm về quá khứ khi muốn chối bỏ hiện tại. Nhưng cuộc sống vốn là dòng chảy liên tục, không đứt đoạn nên những hoài niệm, tiếc nuối về quá khứ không làm người ta mạnh lên trong hiện tại. Con người sẽ mạnh mẽ hơn nếu biết chắt lọc quá khứ thành những kinh nghiệm, bài học cho hiện tại và tương lai.
Nhìn lại xã hội Việt Nam giai đoạn 1954-1963, ngày nay nhiều người thấy đáng tiếc cho dân tộc, cho đất nước. 9 năm ấy là thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ của đời sống xã hội trên hai miền Nam-Bắc. Ở miền Bắc, đấy là những năm xây dựng theo mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Lênin, với ước nguyện biến Việt Nam thành tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á. Ở miền Nam, các ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu mong muốn xây dựng một chế độ xã hội dân chủ, phú cường, độc lập với các trào lưu chính trị đương thời. Năm 1963, sau một cuộc đảo chính, anh em ông Diệm-Nhu bị sát hại, chấm dứt thời kỳ mà ngày nay nhiều người gọi là Đệ nhất cộng hòa. Đến nay, sau nửa thế kỷ, nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho thời kỳ chấp chính của anh em ông Diệm-Nhu, tất nhiên, cũng không ít người cho rằng cái chết của các ông là điều tất nhiên, không tránh khỏi.
Vậy thời kỳ ấy đáng tiếc đến đâu, hay nói khác, từ giai đoạn 1954-1963 có thể rút ra điều gì cho hôm nay?
Năm 1954, ông Ngô Đình Diệm là thủ tướng chính phủ, một năm sau ông dùng cuộc “trưng cầu dân ý” phế truất Quốc trưởng Bảo Đại để lên làm tổng thống chính phủ Việt Nam cộng hòa. Ông bắt đầu xây dựng miền Nam thành một quốc gia độc lập theo kiểu của ông. Có thể tóm tắt chính sách của ông trong ba điểm lớn: Thuyết Cần lao nhân vị, Đảng Cần lao nhân vị và quốc sách ấp chiến lược.
Trước hết nói qua thuyết Cần lao nhân vị (CLNV). Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là thời kỳ nở rộ các học thuyết, lý luận trên thế giới. Rất nhiều đảng phái ra đời với “học thuyết” kèm theo để định hướng hoạt động. Năm 1954, hai miền Nam –Bắc Việt Nam đi theo hai hướng khác nhau, trong đó miền Bắc chọn chủ nghĩa Mác-Lênin làm hệ tư tưởng. Cần phải nói rằng, ở thời điểm này chủ nghĩa Mác-Lênin đang ở thời kỳ phát triển, có cơ sở quần chúng rộng rãi. Các nước XHCN đều có đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo và xây dựng chính quyền. Tại Việt Nam, đảng cộng sản đã lãnh đạo thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống Pháp, qua đó xây dựng lực lượng vũ trang mạnh, trang bị tương đối tốt. Trong khi đó, ở miền Nam ông Diệm kế thừa một đội quân quốc gia khá yếu kém và nhiều phe phái. Đây là lúc cần một “học thuyết” vừa để tập hợp lực lượng, vừa để vạch đường lối xây dựng đất nước. Đáp ứng yêu cầu đó, ông Ngô Đình Nhu để ra thuyết CLNV, đối chọi với chủ nghĩa Mác-Lênin ở miền Bắc. Do những hạn chế lịch sử, thuyết CLNV không đáp ứng được yêu cầu thời đại, so với chủ nghĩa Mác-Lênin thì thì thuyết CLNV chỉ là quả trứng mỏng mảnh so với một núi đá lớn. Ông Lê Xuân Nhuận cho biết: Theo ông Nguyễn Trân, cựu cộng sự viên thân tín của Tổng thống Ngô Đình Diệm thì một trung tâm Nhân vị được thành lập tại Vĩnh Long để huấn luyện lý thuyết Nhân vị cho quân nhân và công chức cao cấp như một lò đúc tư tưởng, trong lúc lý tưởng Nhân vị không thấy được áp dụng ra sao. Ông Ngô Đình Nhụ, người chủ xướng thuyết Nhân vị không khi nào giải thích thuyết ấy. Ký giả Lê Mộng Hùng nhận xét: Cho đến nay không mấy người hiểu về thuyết nhân vị, mà chính ông Nhu cũng giải thích mỗi lần mỗi khác và mâu thuẫn nhau. Ký giả Tú Gàn (tức Lữ Giang, bút danh của ông Nguyễn Cần) thì nói: Lúc đó (1954) ở Pháp mới có khái niệm triết học về thuyết nhân vị, chưa được xây dựng thành chủ thuyết chứ đừng nói thành một chủ nghĩa khoa học như Leninism, Stalinism hay Maoism, làm sao đem ra áp dụng được? Nhưng mặc kệ, cứ thành lập một cái đảng mang tên Cần lao nhân vị cách mạng đảng để kết hợp anh em lại, còn đường lối và phương pháp hành động sẽ bàn sau. Ông Lê Xuân Nhuận đã tổng kết khá nhiều quan niệm khác nhau về thuyết Nhân vị ở miền Nam lúc đó, tựu trung lại có thể thấy thuyết Nhân vị mới chỉ đưa ra các quan niệm về con người và thế giới, chưa tạo thành hệ thống lý luận hoàn chỉnh. Bất kỳ một “học thuyết” nào muốn tồn tại và phát triển thì phải giải quyết 2 câu hỏi: Học thuyết này giải quyết vấn đề gì (mục tiêu của học thuyết)? Phương pháp luận để giải quyết mục tiêu đề ra? Thuyết CLNV không giải đáp thấu đáo cả hai câu hỏi này, tất nhiên sẽ phải chết yểu. Ngày nay, ở hải ngoại nhiều người tìm lại thuyết Nhân vị, có người để cao hết lời, nhưng chắc chắn thuyết nhân vị không thể hồi sinh. Thuyết CLNV èo uột, Cần lao nhân vị cách mạng đảng thì thiếu sức sống nội tại, mặc dù dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, đây là đảng phát triển nhanh, trở thành chính đảng lớn nhất thời Đệ nhất cộng hoà. Đảng thành lập tháng 8/1954, đến năm 1955 có 10.000 đảng viên và đến 1959 có 1,5 triệu đảng viên. Theo các chuyên gia, Đảng Cần lao nhân vị giống như Đảng Cộng sản Việt Nam và được hậu thuẫn bởi tổ chức Phong trào cách mạng quốc gia với vai trò như Mặt trận Tổ quốc ở miền Bắc. Sau đảo chính tháng 11/1963, đảng này tự tan rã. Đây cũng là chỉ dấu cho thấy thuyết CLNV và đảng CLNV thiếu nội lực và không liên hệ mật thiết với nhân dân. Có thể tham chiếu với một số đảng khác ở Việt Nam để nhận rõ sự việc. Quốc dân đảng vào năm 1930 bị đàn áp, đảng trưởng là ông Nguyễn Thái Học và các lãnh đạo cao cấp bị xử bắn nhưng đảng vẫn tồn tại, tiếp tục hoạt động. Ngay đảng cộng sản nhiều thời kỳ bị đàn áp khốc liệt nhưng vẫn phát triển, việc thay đổi người đứng đầu tổ chức đảng không thể làm cho đảng tan rã, nếu đảng đó có lý tưởng và tổ chức đủ sức tập hợp quần chúng.
Nói đến thời kỳ chấp chính của Tổng thống Ngô Đình Diệm thì phải nhắc đến quốc sách ấp chiến lược, một chương trình đầy tham vọng của cố vấn Ngô Đình Nhu. Theo từ điển Wikipedia, "Ban đầu, Quốc sách Ấp chiến lược thực hiện hiệu quả, hoạt động của du kích quân Giải phóng bị ngưng trệ. Tuy nhiên, trong khi thi hành thì nhiều viên chức lấy ngân sách Ấp chiến lược rồi bắt dân phải gánh chịu khoản này như phải nộp tiền, công sức và tre để làm hàng rào cho ấp. Trong trường hợp ở Vị Thanh thì 20.000 dân công được huy động để xây một ấp cho 6.500 người nên người bỏ ra công sức không hẳn là người được hưởng lợi. Trong khi đó việc đồng áng bị trễ nải vì dân phải xung công xây ấp. Cũng có trường hợp dân địa phương bị cưỡng bách dời vào ấp. Hậu quả là dân quê bị gom vào một nơi nhất định, họ phải rời quê cha đất tổ và mảnh đất đã gắn bó nhiều năm, làm xáo trộn nếp sống thường nhật và gây tâm lý bất bình của dân chúng ở nông thôn.
Riêng trong năm 1963, quân Giải phóng và người dân miền Nam đã phá hoàn toàn 2.895 Ấp chiến lược trong số 6.164 ấp được lập, số còn lại đã bị phá đi phá lại 5.950 lần ấp. Quân Giải phóng giành quyền làm chủ ở 12.000 thôn trong tổng số 17.000 thôn toàn miền Nam, gồm hơn 5 triệu dân trong tổng số 14 triệu dân toàn miền Nam. Hơn 1,5 triệu ha trên tổng số 3,5 triệu ha ruộng đất đã về tay nông dân; hơn 23.000 thanh niên miền Nam đã gia nhập quân Giải phóng. Hàng nghìn ấp chiến lược đã biến thành làng chiến đấu, hệ thống Ấp chiến lược bị sụp đổ đến 4/5.
Nhận xét về thất bại của ấp chiến lược, một số điểm khác được nêu ra như ngân sách eo hẹp, tổ chức kém, thiếu nhân sự chuyên môn; thi hành vội vã. Bên cạnh đó phía quân Giải phóng phát động phong trào "phá ấp chiến lược", tập hợp những người dân nông thôn phản đối chính sách này quay ra phá ấp trở về quê cũ". Có thể thấy quốc sách ấp chiến lược thất bại trước hết là không được lòng dân, không được nhân dân ủng hộ. Trong tài liệu của ông Lê Xuân Nhuận viết về ấp chiến lược, ấp tân sinh, khu trù mật có trích đoạn ông Dương Hiếu Nghĩa, cựu đại tá khi diện kiến tổng thống vào đầu tháng 11/1960, trước khi đi nhận chức quận trưởng quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long kể: Tôi quyết định phải lợi dụng cơ hội duy nhất và hiếm có nầy để thẳng thắn và vắn tắt trình bày những nhận xét của cá nhân tôi về mặt chánh trị, kinh tế, và những điểm bất lợi cho cả chánh phủ lẫn nông dân ở địa phương, đang tạo hậu quả tai hại là sự thất nhơn tâm, vì người dân gặp quá nhiều phiền phức, mất niềm tin vào chánh quyền. Tôi nói: “Thưa Tổng Thống, các Khu Trù Mật thật sự không có trù mật chút nào. Về phương diện vật chất, người nông dân bị mất đất mất ruộng, đôi khi còn mất cả mùa màng vì phải phá đi sạch sẽ kể cả mồ mả của tổ tiên, cho công tác xây cất Khu Trù Mật, mà không bao giờ được bồi thường thiệt hại. Người dân địa phương còn phải đóng góp công sức và thì giờ vào công tác, mà không bao giờ được trả thù lao(coi như làm xâu). Có trù mật thiệt, nhưng chỉ có trù mật một buổi, vào ngày Tổng Thống xuống khánh thành mà thôi. Trước cả ngàn người dân quê từ các nơi trong tỉnh được huy động về để biến khu đất hoang thành Khu Trù Mật, bằng cách bứng đủ mọi loại cây ăn trái đem về trồng, trang trí, để Tổng Thống và phái đoàn thưởng thức..."
Tóm tắt lại, toàn bộ chính sách xây dựng nông thôn như ấp chiến lược, khu dinh điền, khu trù mật... đều thất bại. Mục tiêu của chính sách này là "giành lấy trái tim, khối óc của dân", nhưng việc thi hành chính sách không thành công, trái tim khối óc của dân không giành được nên thất bại là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong 9 năm, ông Diệm đã xây dựng ở miền Nam một chính quyền dân chủ dạng phôi thai. Chính quyền ông một mặt xây dựng, ban bố hiến pháp, thi hành nhiều chính sách phát triển kinh tế tự do, mà ngày nay quen gọi là kinh tế thị trường, mặt khác ông trấn áp các đảng phái khác. Như vậy, một bộ phận nhân dân, chủ yếu là ở các đô thị miền Nam và một số vùng nông thôn liên kết với đô thị về kinh tế được hưởng lợi qua các chính sách này. Những người đã được hưởng lợi chắc chắn sẽ nhớ mãi một thời vàng son dưới "triều đại" ông. Nói như thế không ngoa, thực chất Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ là một ông quan phong kiến cũ, có điều kiện nắm chính quyền vào thời kỳ tranh chấp giữa chủ nghĩa tư bản hiện đại và chủ nghĩa cộng sản diễn ra trên toàn cầu. Chính quyền của ông chống cộng sản nên được đại biểu của chủ nghĩa tư bản hiện đại là nước Mỹ ủng hộ, nhưng chính quyền của ông vẫn không thuộc về chủ nghĩa tư bản hiện đại nên không có sức mạnh của chủ nghĩa tư bản hiên đại. Đấy chính là lý do giải thích vì sao chính sách ấp chiến lược thành công ở Phillipines và Malaysia nhưng thất bại ở Việt Nam.
Đọc lại lịch sử, lớp hậu sinh chúng tôi thấy thật là đáng tiếc. Năm 1954 ông Ngô Đình Diệm và đồng bào miền Nam đã có thời cơ bằng vàng để đưa Việt Nam vươn lên hàng ngũ những nước phát triển trên thế giới, nhưng thời cơ đã bị bỏ qua. Nếu ông Diệm có nhãn quan chính trị tỉnh táo hơn, biết bớt chất phong kiến đi và bớt chất gia đình trị đi một chút thì có thể lịch sử đã khác, đời sống nhân dân trên cả nước sẽ khác. 9 năm ông cầm quyền tình hình chính trị thế giới xáo trộn khá mạnh. Phong trào cộng sản từ thống nhất trên toàn cầu bắt đầu phân liệt với các xu hướng khác nhau. Ông Diệm không nắm lấy sự phân liệt này để tuyên dương chính sách độc lập dân tộc, tranh thủ dư luận quốc tế. Ông không biết tuyên bố ủng hộ đường lối "chung sống hoà bình" của N.X, Khrusov để phân hoá lực lượng cộng sản đang ủng hộ miền Bắc, cũng không biết tranh thủ phong trào dân tộc ở các nước thế giới thứ ba trong phong trào không liên kết. Ở trong nước, ông không tạo dựng phong trào dân chủ, phát triển học thuật kế thừa di sản dân tộc để xây dựng đất nước. Những tư tưởng kinh tế, xã hội của nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ không được ông tổ chức nghiên cứu áp dụng vào thời đại của ông. Đọc lại di sản của Nguyễn Trường Tộ lại càng thấy tiếc, vì tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ nếu được áp dụng một cách căn cơ vào điều kiện miền Nam lúc ấy thì rất có thể đã tạo cho miền Nam một không khí khác. Nói đi phải nói lại, trong điều kiện miền Nam thời ấy mà đòi hỏi ở ông Ngô Đình Diệm như vậy cũng hơi nhiều. Dù bên cạnh ông có một bộ óc kiệt xuất như Ngô Đình Nhu cũng không kham nổi công việc. Để có thể thực hiện toàn bộ công việc, cái cần thiết nhất là chế độ dân chủ, không phải là dân chủ phôi thai như chính quyền của ông, mà phải là dân chủ ở trình độ cao như các nước Anh, Mỹ. Không thể chỉ đơn giản là đa đảng, mà nhất định phải là cộng hoà đại nghị. Nhưng muốn được như thế thì ông phải vượt qua chính mình và vượt qua cái bóng của người em ruột thịt Ngô Đình Nhu. Ông không làm nồi điều ấy, bỏ lỡ một thời cơ vàng của anh em ông, cũng là của nhân dân Việt Nam. Ngày nay nhiều người công nhận thời kỳ "vàng son" mà ông Diệm đã tạo được ở miền Nam. Thời kỳ ấy mất đi thật đáng tiếc, nhưng thời kỳ ấy nhất định phải đi vào dĩ vãng vì những mâu thuẫn nội tại của nó. Chế độ ông Diệm dù có nhiều điểm hay cũng vẫn không phải là mục tiêu để nhân dân Việt Nam nên hướng tới. Nhân dân Việt Nam trải qua nhiều đau khổ cần phải hướng đến xây dựng một xã hội dân sự, văn minh như các nước Anh, Mỹ hoặc Bắc Âu. Con đường ấy có thể rất dài nhưng là hướng nên chọn, càng sớm càng hay.
Khách gửi hôm Thứ Ba, 11/06/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130611/nguyen-thanh-cong-thu-nhin-lai-thoi-ky-1954-1963-o-mien-nam-viet-nam
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001