Thụy Khuê - Nguyễn Tất Thành (1)
Thụy Khuê
Tiểu sử Hồ Chí Minh là một bí mật.
Chỗ nào ông muốn viết hoặc chỉ thị cho viết, chỗ nào giấu đi hoặc thêm
thắt vào, đều có chủ đích rõ ràng. Và ông không hề ngần ngại nhận mình
là tác giả những công trình không phải của ông. Trong phạm vi khảo luận
này, chúng tôi chỉ chú ý đến thời kỳ Nguyễn Tất Thành ở Pháp, từ 1919
đến 1923. Thời gian này, ông tự nhận là Nguyễn Ái Quốc và chính những
bài báo ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc đã xây dựng nên tên tuổi và huyền
thoại Hồ Chí Minh.
Thật vậy, về Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tường Bách, em Nhất Linh Nguyễn
Tường Tam viết: "Ngày 2/9 chính phủ Hồ Chí Minh làm lễ tuyên thệ độc lập
ở Quảng trường Ba Đình. Tôi đã biết từ lâu Hồ Chí Minh ngày nay là
Nguyễn Ái Quốc mà chúng tôi vẫn khâm phục như một nhân vật thần kỳ thời
thiếu niên. Éo le là vận mệnh đã làm cho tôi đứng vào hàng ngũ đối lập"
(1).
Đặng Thai Mai cũng viết tương tự: "Chúng tôi được đọc báo Nhân Đạo và
những tờ báo Bác Hồ viết ở Pháp như tờ Le Paria. Chúng tôi nhận những
sách báo đó qua cụ Ngô Đức Kế, lúc đó đang làm báo Hữu Thanh (...) Kể từ
những năm 1925 trở đi, chúng tôi hiểu được Liên Xô hơn vì được đọc các
báo Việt Nam Hồn, Le Paria, L'Humanité, do Thủy thủ Pháp, đảng viên đảng
Cộng Sản đưa vào Sài Gòn" (2).
● Một tiểu sử đầy nghi vấn
Cuối lá thư đề Marseille ngày 15/9/1911, gửi Tổng thống Pháp, xin học
trường Thuộc địa, ghi sinh năm 1892 ở Vinh. Một mật báo ghi Nguyễn sinh
ngày 24/1/1892. Một mật báo khác ghi 15/1/1894. Hộ chiếu vào Nga năm
1923, theo Hồng Hà, ghi 15/1/1895. Còn ngày sinh chính thức 19/5/1890,
có từ năm 1946, theo Nguyễn Thế Anh, có thể là ngày kỷ niệm thành lập
Mặt Trận Việt Minh, 19/5/1941 (3). Daniel Hémery cho rằng chọn năm sinh
chính thức 1890 -thay vì 1895 hay 1898- chỉ có mục đích phục vụ huyền
thoại: 1890 tính đến 1945 là đã ngoại ngũ tuần, đáng được gọi bằng Bác.
Năm Nguyễn Tất Thành từ Anh sang Pháp cũng thế, theo Hémery, Thành đến
Pháp năm 1919, nhưng lại chọn năm 1917, vì năm này có những mốc lịch sử
gắn liền: những cuộc binh biến trong quân đội Pháp và cuộc cách mạng
tháng 10 của Nga (4).
Tiểu sử chính thức của Hồ Chí Minh được rút ra từ ba cuốn hồi ký Những
mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch của Trần Dân Tiên, được coi
là chính Hồ Chí Minh viết. Cuối sách này đề (viết xong) Mùa xuân năm
1948. Bản gốc, chữ Hán được in ở Thượng Hải năm 1949, dịch ra quốc ngữ
và in ở Hà Nội lần đầu năm 1958. Cuốn thứ nhì: Vừa đi đường vừa kể
chuyện của T. Lan (5) một bút hiệu khác của Hồ Chí Minh, in năm 1963. Và
Cuốn thứ ba: Thời thanh niên của Bác Hồ, của Hồng Hà, nhà xuất bản
Thanh Niên in năm 1976.
Viết về thời gian ở Pháp, cuốn Trần Dân Tiên có một số đoạn tương đối
thành thực hơn cả. Cuốn Hồng Hà sửa lại, đầy đủ và hợp lý hơn, nhưng
nhiều đoạn thêm bớt khá lộ liễu.
Lữ Phương nhận xét: "Cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ
Tịch" của Trần Dân Tiên, viết từ năm 1948, đến nay đã in đi in lại đã có
cả chục lần rồi. Cuốn sách này đã đóng vai trò hết sức đặc biệt đối với
giới nghiên cứu, giảng dạy về Hồ Chí Minh trong chế độ cộng sản Việt
Nam từ đó đến nay: nó được mọi người coi như là tác phẩm do chính Hồ Chí
Minh viết về mình dưới bút danh Trần Dân Tiên, một tài liệu được tác
giả giới thiệu như một "tiểu sử trung thành, đúng đắn, sinh động, không
thêu dệt, không bày đặt". Cuốn sách vì thế đã thành một nguồn tham khảo
căn bản, quan trọng nhất cho tất cả những công trình biên khảo về Hồ Chí
Minh: các sự kiện về cuộc đời hoạt động của ông đã được đương nhiên coi
là chính xác, không thể nói khác, nói ngược lại" (6).
Dựa vào sự kiện bà Lê Thị Kinh đã gặp ông Vũ Kỳ và kể lại rằng: "Chiều
ngày 2 tháng 3 năm 1993, tôi đã được gặp ông Vũ Kỳ là thư ký riêng của
Bác từ Cách Mạng Tháng Tám đến ngày Bác qua đời và đã cùng một số người
quanh Bác là đồng tác giả cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ
Chủ tịch" với bút danh Trần Dân Tiên", Lữ Phương đưa ra lập luận sau
đây: "Không có gì ngăn cản người ta tin rằng cái "tiểu sử" dưới hình
thức "truyện" ấy được chính Vũ Kỳ và những người cộng sự viết ra và ký
là Trần Dân Tiên. Nhưng như vậy thì lại gặp điều khó khăn phải giải
thích tại sao cuốn sách tầm thường của một tác giả vô danh là Trần Dân
Tiên ấy lại có thể trở thành một thứ tài liệu tham khảo vào bậc nhất về
Hồ Chí Minh như đã xẩy ra, đặc biệt trong giới nghiên cứu, giảng dạy? Sự
quan trọng ấy không thể nào có được nếu những gì đã viết về ông Hồ
trong cuốn sách ấy không được chính ông xét duyệt (Vũ Kỳ là thư ký riêng
của ông) và một cách nào đó đã làm cho người ta hiểu rằng chính ông đã
muốn phổ biến cái "tiểu sử" có nội dung như vậy. Cuốn sách, do đó, dù có
do Vũ Kỳ lấy tài liệu từ Hồ Chí Minh để viết hoặc do chính Hồ Chí Minh
trực tiếp viết (hay đọc cho Vũ Kỳ viết), thiết tưởng ý nghiã cũng đều
như nhau: Sự xuất hiện của nó là "cái cần thiết" cho nhu cầu cách mạng
của bản thân Hồ Chí Minh sau 1945" (7).
Tại sao lại cần thiết cho nhu cầu cách mạng của bản thân Hồ Chí Minh, Lữ
Phương giải thích: "Sau 1945, Khi Nguyễn Tất Thành đã trở thành chủ
tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà với cái tên mới là Hồ Chí Minh (dân
chúng chưa biết rõ lắm về lai lịch của cái tên này), 1948, đang ở chiến
khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp: phải tạo cho mình hình ảnh một
"đấng bậc trưởng thượng" kiểu Châu Á có uy tín vượt trội (...) một con
người trong sạch, giản dị, hoà mình vào quần chúng, được bạn bè khắp
hoàn vũ mến yêu giúp đỡ còn đồng bào trong nước thì đặt hình lãnh tụ lên
bàn thờ và tôn xưng là "Cha già của dân tộc" v.v... Cuốn "tiểu sử" viết
về Hồ Chí Minh của Trần Dân Tiên đã biểu lộ rất rõ cái nhu cầu năm 1948
mà Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng của ông đang muốn tạo ra cho phong
trào yêu nước cộng sản trước tình hình mới - một lãnh tụ tuyệt vời và
chỉ có lãnh tụ đó mới là tuyệt vời thôi!" (8).
Lập luận của Lữ Phương rất sắc bén. Duy có một điểm: bản gốc cuốn "tiểu
sử" là chữ Hán, in năm 1949, tại Thượng Hải, chắc chắn phải do Hồ Chí
Minh viết - trừ khi Vũ Kỳ biết chữ Hán, nhưng điều này khó mường tượng:
ông Hồ đọc cho Vũ Kỳ bằng tiếng Việt rồi Vũ Kỳ dịch sang tiếng Tàu! Ông
Hồ viết chữ Hán vì ông giỏi chữ Hán hơn quốc ngữ. Nhưng bản dịch quốc
ngữ in năm 1958 tại Hà Nội, chắc phải do Vũ Kỳ và những người "quanh
Bác" thực hiện, vì trình độ quốc ngữ của "Bác" không cao -xin xem bài
Việt Nam Yêu Cầu Ca- không thể viết được cuốn "Những mẩu chuyện..." Lữ
Phương có lý khi ông cho rằng Vũ Kỳ và những người "quanh Bác" đã góp
phần trong bản quốc ngữ. So với bản chính Hán văn, sự khác biệt ra sao?
Phải hỏi những nhà Hán học. Nhưng chắc bản Hán văn gần với lời ông Hồ
hơn cả.
Vậy cuộc đời "thật" của Nguyễn Tất Thành từ ngày rời nước năm 1911 đến năm 1923, đi Nga, như thế nào?
Từ 1911 đến 1923, cuộc đời Nguyễn Tất Thành, có thể đã diễn ra như sau:
Ngày 4/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn trên tàu L'Amiral
Latouche-Tréville, thuộc Compagnies des Chargeurs Réunis - Công ty vận
tải liên kết, chạy đường Hải Phòng - Dunkerque, làm phụ bếp, lấy tên Văn
Ba. Trên tàu gặp ông Bùi Quang Chiêu và được 2 người lính trẻ, giải
ngũ, hồi hương, dạy đọc và viết tiếng Pháp. Ông Chiêu nói với Tất Thành:
"Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên
chọn một nghề khác, danh giá hơn..." (9).
Sổ hành trình ghi: Ngày 5/6/1911 rời Sài Gòn; 6/7 đến Marseille; 15/7
tới Le Havre; 26/8/1911 đến Dunkerque (10). Theo Trần Dân Tiên, tàu đến
Le Havre để sửa chữa. Nhân viên được chuyển sang một chiếc tàu khác để
trở về Đông Dương, nhưng anh Ba không muốn về, anh ở lại Le Havre, làm
vườn cho ông chủ tàu tại Sainte-Adresse, ngoại ô Le Havre, trong khoảng
một tháng, rồi lại tiếp tục lên tàu đi Phi Châu. Tại nhà ông chủ, anh Ba
học tiếng Pháp với cô sen (11).
Lê Thị Kinh viết: "Từ Dunkerque, tàu quay lại Sài Gòn và trên sổ lương
của tàu có ghi: "Văn Ba đã lĩnh lương tại Sài Gòn ngày 16/10/1911". Ngày
31/10/1911 Tất Thành đã gửi một thư cho cha. Thư lọt vài tay mật thám
và được chuyển cho khâm sứ Trung Kỳ" (12).
Vậy Trần Dân Tiên giấu việc trở lại Việt Nam, bịa ra chuyện đi vòng
châu Phi để làm gì? Nếu không phải là để chứng minh muốn "đi xem các
nước" để tính chuyện "giúp đồng bào" ngay từ 1911? Tất Thành lúc đó chưa
thể bị "mật thám" theo dõi, vì chưa có thành tích gì. Thành viết thư
thẳng đến Tòa Khâm, nhờ khâm sứ chuyển tiền cho cha, đồng thời viết thư
cho anh là ông cả Đạt, đang làm việc tại Tòa Khâm - Sẽ nói rõ hơn ở
dưới. Trong các thư Tất Thành gửi cho cha hay cho toàn quyền, năm
1911-1912, còn ký cả tên Tây: Paul Tatthanh hay Paul Thành... nữa, vậy
khó có thể nói đến việc đi Tây "tìm đường cứu nước".
● Đơn xin học trường Thuộc Địa
Lá thư đề Marseille ngày 15/9/1911, gửi Tổng Thống Pháp xin vào nội trú
trường Thuộc Địa được Henri de Turenne (13) phát hiện và công bố trên
đài truyền hình Pháp trong chương trình về Hồ Chí Minh, tháng 1/1982. Vũ
Ngự Chiêu và Nguyễn Thế Anh chụp được hai bức thư viết tay giống hệt
nhau: một gửi Tổng Thống Pháp và một gửi Bộ Trưởng Thuộc Địa (14) cùng
về việc xin học.
Daniel Hémery, cho rằng sự lựa chọn này là do Phan Châu Trinh dẫn dắt.
Lê Thị Kinh, có lẽ do ảnh hưởng Hémery, đưa ra giả thuyết: Khi ở
Sainte-Adresse: "Chắc chắn Người đã tranh thủ đến Paris gặp bác Phan,
làm quen với những người quanh bác, và đặc biệt để bàn bạc với bác về
hướng sống và học tập... Và có thể không phải chỉ đến một lần". Và bà
tiếp tục cho rằng nhân dịp này "Người" gặp Bùi Kỷ, đang học trường Thuộc
Địa và Bùi Kỷ đã gợi ý và viết đơn giùm (15).
Lập luận này không vững vì nhiều lẽ: Tất Thành chỉ ở Le Havre từ
15/7/1911 đến 26/8 đã theo tầu lên Dunkerque. Phan Châu Trinh tới Paris
ngày 27/4/1911, lúc đó chưa quen Phan Văn Trường -chỉ gặp ông Trường
tháng 1/1912- và chưa chắc đã biết Bùi Kỷ ở đâu. Việc thông tin thời ấy
không dễ dàng, Tất Thành vừa từ Sài Gòn sang, tiếng Pháp chưa biết, lạ
nước lạ cái, mà cũng chỉ ở Le Havre hơn một tháng, làm sao đã tìm được
địa chỉ của Phan Châu Trinh? Mà dù có địa chỉ cũng chưa chắc đã dám xin
chủ nghỉ việc để về Paris nhiều lần thăm bác, vì thời ấy di chuyển không
dễ dàng như bây giờ. Hơn nữa, cả Trần Dân Tiên, Bùi Kỷ và Phan Châu
Trinh đều không nói đến những cuộc gặp gỡ này. Vậy giả thiết "Bác" đã
gặp Bùi Kỷ và Phan Văn Trường tại nhà Phan Châu Trinh không thể đứng
vững.
Ngoài ra, hầu hết các tư liệu đều chứng minh: Năm 1911 Tất Thành chưa
có ý đồ hoạt động chính trị, chỉ muốn giúp cha và tiến thân. Sau cùng,
nếu Bùi Kỷ viết đơn giùm Tất Thành, thì cũng không gửi đơn xin học cho
tổng thống và bộ trưởng, mà viết thẳng cho hiệu trưởng. Vậy người viết
đơn giùm Tất Thành phải là người không có trình độ cao lắm, làm việc
cùng với Tất Thành ở Công Ty Vận Tải tại Marseille, Le Havre hay
Dunkerque, hoặc một sự quen biết nào khác. Ngày 21/10/1911, ông hiệu
trưởng trường Thuộc Địa viết thư trả lời từ chối, chỉ nhận những người
đã học và được toàn quyền tuyển chọn tại Đông Dương (16).
Lữ Phương dựa theo tài liệu của Hémery, thuật lại những sự kiện: khi tàu
ghé Sài Gòn giữa tháng 10/1911, ngày 31/10/1911, Tất Thành viết thư gửi
khâm sứ Trung Kỳ nhờ chuyển cho cha mandat 15 đồng Đông Dương và viết
thư cho anh là ông cả Khiêm -Nguyễn Sinh Khâm hoặc Nguyễn Tất Đạt- đang
giúp việc vặt tại Toà Khâm Sứ Trung Kỳ, nhờ vận động xin vào Ecole
Coloniale. Việc này cũng thất bại.
Theo lời khai của ông Bùi Quang Chiêu với mật thám Sài Gòn ngày
21/9/1922, thì khi gặp trên tàu, Tất Thành nói với ông mục đích sang
Pháp là để xin khiếu nại cho cha vừa bị bãi chức, và muốn đến ở nhà
thuyền trưởng Do Huu Chan đang làm việc ở Marseille để nhờ ông giúp đỡ
trong việc khiếu nại đó (17).
Xin nhắc lại: "Nguyễn Sinh Huy đậu phó bảng năm 1901; năm 1906 vào Huế
nhậm chức thừa biện Bộ Lễ; 1909 được cử làm tri huyện Bình Khê (tỉnh
Bình Định), nhưng chỉ 7 tháng sau, tháng 1/1910, thì bị bãi chức và bị
triệu về Huế. Lý do: theo sở mật thám ông đã uống rượu say và đánh chết
người" (18).
Vậy việc khuyên Tất Thành xin vào trường Thuộc Địa và viết đơn giùm có
thể là thuyền trưởng Đỗ Hữu Chân -hay Chấn- làm. Cũng không loại trừ khả
năng chính ông Bùi Quang Chiêu đã nghĩ ra, vì thương Tất Thành là con
quan -ông Chiêu đã dạy ông Nguyễn Sinh Huy về nông nghiệp- phải làm việc
trên tàu cực khổ, nên đã giới thiệu Thành với ông Đỗ Hữu Chấn và nhờ
ông Chấn giúp đỡ, vì ông Chấn ở cùng công ty hàng hải. Đơn xin học đề
ngày 15/9/1911 ở Marseille, đúng là thời gian tàu ghé Marseille trên
đường về Sài Gòn. Ngày 16/10/1911, Văn Ba lĩnh lương tại Sài Gòn. Tất cả
ăn khớp vì đường Thủy Marseille - Sài Gòn là một tháng. Tại Sài Gòn,
Tất Thành lại nhờ anh, ông Đạt, viết thư gửi khâm sứ và toàn quyền, xin
vào trường Thuộc Địa một lần nữa, nhưng vẫn bị từ chối. Từ đây, Tất
Thành phải chấp nhận nghề thủy thủ.
Theo Hémery, từ 1912 tới mùa hè 1914, Tất Thành vẫn dùng tên Ba, tiếp
tục làm bồi, phụ bếp, hoặc phu khuân vác trên những tàu xuyên Đại Tây
Dương, chạy đường Le Havre - Londres - New York, hoặc Châu Phi - Châu
Mỹ.
Từ 1914 đến 1919, bỏ việc trên tàu, sống tại Luân Đôn với tên Nguyễn
Tất Thành, ở số 8 Tottenham Road. Hémery cho rằng trong thế chiến, Tất
Thành không sang Pháp vì sợ có thể bị gọi đi quân dịch. Làm việc tại
khách sạn Carlton, rửa bát, rồi phụ bếp. Học tiếng Anh và hình như buổi
tối có học thêm Máy móc (Mécanique) và Điện. Trao đổi thư từ với Phan
Châu Trinh bằng Hán văn. Giữa tháng 6/1919, sang Paris. Hoạt động trong
nhóm An Nam Yêu Nước. Ngày 27/12/1920, khai mạc hội nghị Tours của đảng
Xã Hội (SFIO), Nguyễn Tất Thành xuất hiện công khai với tên Nguyễn Ái
Quốc. Ngày13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật đi Nga, tới Moscou ngày
30/6/1923. Tháng 2/1925, Lý Thụy xuất hiện ở Quảng Đông, tình báo Trung
Hoa nhận diện là Nguyễn Ái Quốc. Thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh
Đồng Chí Hội.
● Trình độ học vấn
Theo năm sinh chính thức 1890, thì khi xuống tàu đi Pháp năm 1911, Tất Thành 21 tuổi.
Từ điển Văn học và các tiểu sử chính thức khác đều ghi: thủa nhỏ học chữ
Hán rồi quốc ngữ, sau vào Quốc Học Huế. Đầu năm 1911, bỏ học vào Phan
Thiết dạy trường Dục Thanh, ít lâu sau vào Sài Gòn, rồi từ Sàigòn "xuất
dương tìm đường cứu nước".
Daniel Hémery viết: "Theo lời khai của Đạt (anh cả của Thành) với Sở Mật
thám năm 1920, thì Thành học trường bảo hộ (franco-indigène), dường như
Đông Ba, đậu bằng Tiểu học (Certificat d'études primaires). Cả hai ghi
tên vào trường Quốc học (...) nhưng Thành học dở dang, bỏ đi làm (khoảng
1909?), làm trợ giáo, lương 8 đồng một tháng, ở trường Dục Thanh tại
Phan Thiết" (19).
Hémery ghi rõ học trường Pháp-Việt, còn đậu cả bằng Certificat d'études
primaires. Nếu chi tiết này đúng, tức là Nguyễn Tất Thành đi học đến năm
19 hoặc 21 tuổi, và nếu có Certificat d'études primaires, tất phải biết
tiếng Pháp.
Nhưng Trần Dân Tiên viết ngược lại: Ở tàu Latouche-Tréville "mỗi ngày
anh Ba phải làm từ 4 giờ sáng", "công việc kéo dài suốt ngày", "suốt
ngày anh Ba đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than", buổi tối có hai
người lính giải ngũ về Pháp, tốt bụng, "dạy cho anh đọc và viết". Và
khi làm vườn cho ông chủ tàu ở Sainte-Adresse, "anh học tiếng Pháp với
cô sen" (20). Một người đã có bằng Certificat d'études primaires không
thể không biết đọc và viết tiếng Pháp, mà phải học tiếng Pháp với cô
sen.
Nhưng cũng không có lý gì mà Hồ Chí Minh viết sai về chuyện này, nhất là
ông lập lại nhiều lần rằng khi đến Pháp ông không rành tiếng Pháp,
không viết được tiếng Pháp, phải nhờ Phan Văn Trường viết hộ.
Tại sao có nghịch lý này? Xin tạm giải thích như sau: Trong lá thư từ
chối đơn xin học của Nguyễn Tất Thành (21), ông hiệu trưởng trường Thuộc
Địa nói rõ lý do: Trường chỉ nhận những học sinh đã học ở Đông Dương và
do toàn quyền Đông Dương quyết định. Vì vậy, khi về qua Sài Gòn, Tất
Thành mới viết thư cho ông cả Đạt, nhờ ông viết thư cho khâm sứ và toàn
quyền, để xin cho em mình vào học trường Thuộc Địa. Trong hai lá thư
này, để có trọng lượng, chắc ông Đạt khai là em mình đã học các trường
Pháp Việt Đông Ba và Quốc Học... Vì vậy, năm 1920, khi Nguyễn Tất Thành
đã "nổi danh" là Nguyễn Ái Quốc, sở Mật Thám gọi ông Đạt lên hỏi cung,
ông giữ nguyên lời khai cũ.
Tóm lại, vấn đề học vấn của Nguyễn Tất Thành, phần chữ Hán là chắc chắn,
vì cha là phó bảng Nguyễn Sinh Huy, bạn của Trần Quý Cáp, Phan Châu
Trinh... Còn việc học ở các trường Đông Ba, Quốc Học, dường như không
lấy gì làm chắc lắm.
(Còn tiếp)
1. Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Tủ sách nghiên cứu, Montréal, 1981, trang 70.
2. Đặng Thai Mai, Hồi ký, Tác phẩm mới, 1985, trang 355.
3. Nguyễn Thế Anh, L'itinéraire politique de Ho Chi Minh, in trong cuốn Ho Chi Minh, L'homme et son héritage, Đường Mới, Paris, 1990.
4. P. Brocheux dẫn Hémery, Ho Chi Minh, Presses Sciences Po, 2000, trg15.
5. T. Lan là một trong những bút hiệu của Hồ Chí Minh sau 1951, theo Bùi Tín, ông Hồ rút ngắn bí danh Trần Thái Lan của Nguyễn Thị Minh Khai khi hoạt động ở Hương Cảng và Quảng Đông.
6. Lữ Phương, Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, Thư Nhà, Melbourne, Australia, 2002, trang 5.
7. Lữ Phương, sđd, trang 26-27).
8. Lữ Phương, sđd, trang 25.
9. Trần Dân Tiên, trang 17.
10. Chép theo sổ hành trình của tàu, Hồng Hà, trang 27-28-29. Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 187.
11. Trần Dân Tiên, trang 18-19-20.
12. Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 187-188.
13. Nhà báo Pháp, cánh tả, nổi tiếng làm phim thời sự về Việt Nam.
14. Vũ Ngự Chiêu &Nguyễn Thế Anh, Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành, Tủ sách Văn Hoá, Paris, 1983, trang 117- 118.
15. Lê Thị Kinh, sđd, trang 188-190.
16. Vũ Ngự Chiêu & Nguyễn Thế Anh, trang 121.
17. Hémery, sđd, trang 36-37. Lữ Phương, sđd, trang 19-20.
18. Trích theo Lữ Phương, sđd, trang 16, LP trích lại Hémery, Jeunesse d'un colonisé, genèse d'un exil. Ho Chi Minh jusqu'en 1911, Approche Asie, No 11, 1992.
19. Daniel Hémery, Ho Chi Minh De L'Indochine au Viet Nam, Gallimard 1990, trang 32-33.
20. Trần Dân Tiên các trang 15-16-17 và 20.
21. Vũ Ngự Chiêu & Nguyễn Thế Anh, sđd, trang 121.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/thuy-khue-nguyen-tat-thanh.html
======================================================================
Thụy Khuê - Nguyễn Tất Thành (2)
Thụy Khuê
(Tiếp theo)
● Nguyễn Tất Thành đến Paris
1/ Trong thời gian ở Anh, Nguyễn Tất
Thành có trao đổi thư từ với Phan Châu Trinh, gọi cụ Phan là Hy Mã nghi
bá đại nhơn - Hy Mã là tên hiệu của Phan Châu Trinh, nghi bá là bác
kính- tự xưng là cuồng điệt Nguyễn Tất Thành -cuồng điệt là người cháu
hăng say. Vì Phan Châu Trinh bị theo dõi rất kỹ, loạt thư này không qua
mắt được mật thám, đó cũng là một trong những lý do xác định khoảng
1914-1918, Nguyễn Tất Thành sống ở Luân Đôn.
2- Theo Thu Trang, mật thám tìm thấy
thẻ thư viện mang tên Nguyễn Ái Quốc, ghi năm 1919 (1). Chứng này không
đáng tin, vì thẻ thư viện, cũng như thẻ sinh viên, phải đề đầy đủ họ và
tên thật Nguyễn Tất Thành, hoặc chỉ đề họ Nguyễn, chứ không thể đề tên
hiệu Nguyễn Ái Quốc. Việc này có thể do mật thám nhìn thấy thẻ có tên
Nguyễn, rồi bịa thêm thành Nguyễn Ái Quốc để lấy điểm.
3- Về thời điểm sang Pháp, Trần Dân Tiên viết:
Thế giới đại chiến bùng nổ. (....) Anh Ba đến nói với tôi: "Xin từ biệt anh Nam".
- Anh đi đâu?
Tôi đi Pháp (...)
Sau khi rời Luân Đôn, anh Ba viết thư cho tôi. Đại ý thế này:
"Tôi đã gặp nhà ái quốc Phan Châu
Trinh. (...) Tôi cũng gặp luật sư Phan Văn Trường và những người khác.
Tôi nói với họ: Trong khi vua Duy Tân nổi dậy ở Huế, nhân dân Thái
Nguyên và nhiều nơi khác khởi nghiã, thì chúng ta phải làm gì chứ?"(2)
Trích đoạn trên đây cho thấy, "lần
sang Pháp vào lúc đại chiến bùng nổ" Tất Thành mới gặp Phan Châu Trinh
và Phan Văn Trường. Nhưng lại có mâu thuẫn: Đại chiến thứ nhất bùng nổ
năm 1914. Vua Duy Tân nổi dậy, 1916 và khởi nghiã Thái Nguyên, 1917. Vậy
nếu Tất Thành sang Paris khi đại chiến bùng nổ vào năm 1914, thì làm
sao biết được những biến cố xẩy ra năm 1916 và 1917?
Tại sao phải nói bừa như vậy?
Đọc đoạn Trần Dân Tiên viết về Hội Nghị Hoà Bình Versailles 1919, chúng ta có thể hiểu lý do:
"Họ đến để yêu cầu độc lập và tự do.
Trong số đó, người ta thấy có ông Nguyễn Ái Quốc (tức là anh Ba). (...)
Ông Nguyễn tổ chức nhóm người Việt Nam Yêu Nước ở Pa-ri và ở các tỉnh
Pháp. Với danh nghiã của tổ chức này, ông đã đưa những yêu cầu ra trước
hội nghị Véc-Xây (...) Cũng nên nhắc lại ý kiến đưa yêu cầu do ông
Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ
ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Cũng nên nhắc lại là ông Phan Châu
Trinh và ông Phan Văn Trường không tán thành hoạt động của nhóm Việt
Nam Yêu Nước, vì các ông ấy cho nhóm thanh niên là trẻ con"(3).
Trần Dân Tiên nhận mình đã "tổ chức
nhóm người Việt Nam Yêu Nước ở Paris và ở các tỉnh", là nói bậy. Về bản
Thỉnh Nguyện Thư thì viết đúng: luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy
giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Còn câu: "các ông ấy cho nhóm
thanh niên là trẻ con" nên hiểu: hai ông Phan thuộc lớp già, chê lớp
trẻ: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành là trẻ con.
Tóm lại, đoạn "anh Ba đi Pháp khi
đại chiến thế giới bùng nổ" sở dĩ có nhiều chỗ vô lý, vì nó được viết ra
với hậu ý chứng minh rằng:
- Chính Nguyễn Tất Thành đã dựng nên nhóm Người An Nam Yêu Nước.
- Chính Nguyễn Tất Thành là tác giả những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc.
- Chính Nguyễn Tất Thành chủ động đưa ra ý kiến về bản Thỉnh Nguyện Thư ở Hội nghị Hoà Bình Versailles 1919.
- Và Nguyễn Tất Thành viết được
những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc là do đã ở Pháp từ 1914 và đã hết
sức cố gắng học tiếng Pháp.
Xin nhắc lại: Khi Nguyễn Tất Thành
đến Pháp -sẽ được xác định vào tháng 6/1919- Hội Nghị Hoà Bình Thế Giới
đã khai mạc từ 18/1/1919 ở Versailles, tức là nửa năm trước, và nhóm An
Nam Yêu Nước đã hoạt động từ khoảng 1916. Vậy Nguyễn Tất Thành không thể
"tổ chức" nhóm An Nam Yêu Nước và cũng không "đề ra những yêu cầu" ở
Versailles. Tất Thành chỉ là người được nhóm An Nam Yêu Nước chỉ định
đem bản Thỉnh Nguyện Thư Của Người An Nam đến Hội Nghị Hoà Bình
Versaillles.
Hội Nghị Hoà Bình khai mạc ngày
18/1/1919, với tham vọng xây dựng những quốc gia Âu châu mới sau thế
chiến. Trong chiến tranh, Pháp đã tập trung 900 ngàn người ở các thuộc
địa đến Pháp để đánh giúp, trong đó có 92 ngàn người Việt Nam (4). Số
lính thợ di dân tạo nên những phong trào yêu nước chống Pháp của người
dân các thuộc địa như Tunisie, Algérie... và Việt Nam với nhóm An Nam
Yêu Nước của Phan Văn Trường. Trong bối cảnh tổng thống Wilson tuyên bố
chống lại chính sách thuộc địa, Hội Nghị Hoà Bình Thế Giới là cơ hội
hiếm có để tiếng nói của các nước bị đô hộ vùng lên, và nhóm Yêu Nước đã
nhắm đúng thời cơ để công bố bản Thỉnh Nguyện Thư tám điểm, ký tên
Nguyễn Ái Quấc.
● Xác định ngày Nguyễn Tất Thành đến Paris
1/ Việc Tất Thành sang Pháp năm
1914, quá khó tin; cho nên trong cuốn Thời thanh niên của bác Hồ (5),
Hồng Hà (được lệnh) sửa lại như sau:
"Anh bỏ nghề phụ bếp ở Luân Đôn, sang Pháp, đấy là vào cuối năm 1917" (6).
"Vừa tới Pa-ri, anh Nguyễn Ái Quốc
đến ở nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh(7) một phố yên tĩnh của quận 13.
Đây là nhà của luật sư Phan Văn Trường. Cùng ở có cụ Phan Châu Trinh mà
anh Nguyễn Ái Quốc có thư từ thăm hỏi luôn khi anh còn ở Luân Đôn. Ông
Trường nhường cho anh một buồng con trên gác ba, vừa đủ kê một cái bàn,
một cái giường và một cái tủ con. Dạo ấy, nhà số 6 phố Vi-la đề
Gô-bơ-lanh là một trung tâm gặp gỡ của nhiều Việt kiều ở Pa-ri. Có khi
bà con đến chơi ăn ở liền mấy ngày (...) Cụ [Phan Châu Trinh] làm nghề
ảnh tư ngay tại nhà số 6. Để sống, anh Nguyễn - cả người Việt lẫn người
Pháp quen gọi anh Nguyễn Ái Quốc như thế - cùng với một kiều bào khác là
Tuyết giúp việc cho cụ Phan đồng thời học nghề rửa ảnh và phóng đại
ảnh. Cụ Phan là một nhà yêu nước chân thành, nổi tiếng ở Việt Nam và
nước ngoài. Cụ hơn anh Nguyễn 19 tuổi, còn ông Trường vốn là thông ngôn,
học đến tiến sĩ luật học, làm nghề luật sư ở Pa-ri. Ông giỏi tiếng
Pháp, vào quốc tịch Pháp, có nghiên cứu chủ nghiã Mác, quen biết nhiều
trí thức và nhà chính trị Pháp. Điều mà anh Nguyễn băn khoăn hỏi hai
người lúc đó làm gì cho đất nước trong khi đồng bào khao khát cách mạng
thì không được trả lời thoả đáng, rõ ràng. Anh Nguyễn vừa làm nghề rửa
ảnh vừa chăm chỉ học thêm tiếng Pháp với ông Trường" (8).
Trích đoạn này cho ta một số thông
tin rất đáng lưu ý. Đặc biệt câu: "Vừa tới Pa-ri, anh Nguyễn Ái Quốc đến
ở nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh". Chính câu này đã xác định, một lần
nữa, ngày tháng Nguyễn Tất Thành đến Paris: Bởi vì căn nhà số 6, ngõ
cụt Gobelins, Phan Văn Trường chỉ ở sau giải ngũ, tức là từ tháng
4/1919, khi ông về sống tại Paris (9).
Tóm lại, nếu Nguyễn Tất Thành đến
Paris ở ngay nhà Phan Văn Trường, 6 Villa des Gobelins, thì chỉ có thể
là sau tháng 4/1919, thời điểm Phan Văn Trường đã giải ngũ, lên Paris và
trước khi Nguyễn Tất Thành đem bản Thỉnh Nguyện đến Versailles, giữa
tháng 6/1919.
2/ Một mật báo của Pierre Guesde -
tổng thanh tra quân đội Đông Dương và người Đông Dương- Contrôleur
général des troupes indochinois et des Indochinois chắc là chức vụ tình
báo cao nhất về vấn đề Đông Dương, thời đó - không đề ngày, nhưng chắc
là cuối năm 1919, ghi như sau:
"Người có tên gọi là Nguyễn Ái Quốc,
27 tuổi, quê ở Đông Dương. Anh ta đã từ Luân Đôn (Anh) đến Paris hồi
tháng 6 vừa qua, ở một mình từ ngày 7 đến ngày 11/6/ tại số nhà 10 phố
Stockholm, rồi từ ngày 12/6 đến ngày 13/7 vừa qua tại 56 Monsieur Le
Prince. Sau đó, anh ta cư trú tại 6 Villa des Gobelins, ở với người đồng
hương có tên là Phan Văn Trường sinh năm 1878 ở Hà Nội (Bắc Kỳ), luật
sư toà Phúc Thẩm Paris" (10).
Mật báo này có lẽ là nguồn mà Sophie
Quinn-Judge trích dẫn trong bài viết của bà, để xác định Tất Thành từ
London đến Paris ngày 7/6/1919.
Tóm lại, theo tổng thanh tra
Guesde: Tất Thành đến Pháp ngày 7/6/1919. Ở số 10 Stockholm từ 7/6 đến
11/6. Ở 56 Monsieur Le Prince từ 12/6 đến 13/7. Và từ 14/7/1919 đến ở 6
Villa des Gobelins. Được ông Khánh Ký dạy cho nghề rửa ảnh.
Vậy có thể xác định chắc chắn rằng:
Nguyễn Tất Thành đến Pháp ngày 7/6/1919. Kết hợp mật báo của Pierre
Guesde và các sự kiện khác, tất cả đều ăn khớp.
Nguyễn Tất Thành ở nhà số 6 Villa
des Gobelins của Phan Văn Trường trong hai năm, từ tháng 6/1919 đến ngày
14/7/1921 mới dọn tới số 9, Impasse Compoint, khu 17.
Đây là khu phố nghèo dành cho thợ
thuyền, gần ngoại ô phía Bắc Paris, Tất Thành tiếp tục nghề ảnh ở một
cửa hiệu gần nhà. Ngày 14/3/1923, Tất Thành dọn về trụ sở báo Le Paria,
số 3 Marché des Patriaches (11), ở được ba tháng đến 13/6/1923, lên
đường đi Nga.
Khi đã xác định được đúng thời điểm
Nguyễn Tất Thành đến Pháp, ta có thể đi sâu hơn nữa vào các tổ chức Việt
kiều, vào sự phát sinh cái tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc và những công trình
Hồ Chí Minh nhận là của ông nhưng lúc đó ông chưa có mặt tại Paris.
● Căn nhà số 6 Villa des Gobelins và ông Khánh Ký
Căn nhà số 6 Villa des Gobelins,
được coi là "trụ sở" của Hội Người An Nam Yêu Nước, nhiều nơi ghi là địa
chỉ của Phan Văn Trường từ 1912, đặc biệt trong bản báo cáo của dự thẩm
quan ba Caron, ngày 23/6/1915, với câu: "Sở Mật Thám khám nhà hai ông:
không bắt được gì tại nhà ông Trường ở 6 Villa des Gobelins. Tại nhà ông
Trinh ở 16 Cujas có bắt được một số tư liệu chữ Hán và quốc ngữ" (12).
Trong hồi ký, Phan Văn Trường cho
biết: Từ khi sang Pháp cuối năm 1908 đến 1913, cuộc đời ông chia đôi
giữa trường Sinh Ngữ Đông Phương, nơi ông dạy học và trường Luật, nơi
ông học.
Bắt đầu từ tháng 4/1913, ông nói đến
địa chỉ rue Bertholet (PVT, trang 99). Và đến tháng 2/1916, đóng ở
Toulouse, khi được nghỉ phép về Paris, ông vẫn ở cái appartement ấy
(PVT, trang 168).
1914-1915, đi tù. Ra tù, bị đổi
xuống Toulouse, nhưng không ở trong trại lính mà thuê nhà ở riêng, đổi
nhà 2 lần, đều ở Phố Taur - Rue du Taur.
Appartement phố Bertholet có lúc cho
cháu ở, bị an ninh khám 2 lần, đều giả ăn trộm, lần thứ nhất khi ông
vừa nhập ngũ, lần thứ nhì khi ông đã bị tù trong ngục Cherche-Midi, và
mật thám đã lấy đi tất cả tài liệu (PVT, trang 112), cả bài diễn văn Les
revendications indigènes - Những thỉnh nguyện của người bản xứ, đọc ở
trường Cao Đẳng Xã Hội ngày 13/3/1914, cũng bị tịch thu trong 2 buổi
khám nhà này.
Sự nhầm lẫn của Caron có thể giải
thích như sau: số 6 Villa des Gobelins là một nhà lầu (immeuble) có
nhiều phòng. Khoảng 1914-1915, có thể ông Khánh Ký đã thuê cho những
người đồng hương lỡ bước ở nhờ.
Ông Khánh Ký tên thật là Nguyễn Văn
Xuân, là một nhà ái quốc, thợ ảnh và doanh nhân, một trong ba cột trụ
của Hội Đồng Bào Thân Ái, là người kinh tài cho tổ chức Yêu Nước ngay từ
những ngày đầu, bạn thân của Phan Văn Trường, không hề rời ông Phan, dù
ở Paris, Toulouse hay sang Mayence, Đức. Chính ông Khánh Ký đã dạy cho
Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành nghề ảnh để kiếm sống tại Pháp. Và
Nguyễn Như Chuyên -có nhiệm vụ theo dõi Phan Châu Trinh từ trên tàu rời
Việt Nam- cũng đã ở số 6 Villa des Gobelins trong thời điểm đó.
Vì vậy mới có sự lầm lẫn trong phúc
trình Caron và trong báo cáo của một số chỉ điểm khác. Mà cũng chưa hẳn
là nhầm: có thể chính Nguyễn Như Chuyên đã dẫn mật thám đến khám nhà
này năm 1914 và bảo đó là nhà của Phan Văn Trường.
Một mật báo của Deveze ngày
29/4/1921 cho biết thêm: "Hôm qua trong căn hộ của Phan Văn Trường ở 6
Villa des Gobelins đã xẩy ra một cuộc cãi cọ dữ dội giữa một bên là
Khánh Ký và bên kia là Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc và Tạ Văn Căn.
Khánh Ký đã nhân danh Phan Văn Trường cam kết với chủ ngôi nhà, ông
Richard, là sẽ trả dần tiền thuê nhà trong 5 năm chiến tranh, nay không
thể tiếp tục trả nữa và nói rằng những người ở nhà phải trả nợ đó (...)
Khánh Ký còn báo với Phan Châu Trinh là người cháu của Phan Văn Trường
là Phan Cao Lu (Lục?) làm cho một ngân hàng tư nhân ở Toulon sẽ đến ở
Paris cùng với vợ và một cháu bé và phải giành chỗ ở cho anh ta trong
căn hộ. Tình hình đó làm cho Phan Châu Trinh, Tạ Văn Hộ và Nguyễn Ái
Quốc rất lo lắng, họ không biết sẽ làm sao ở chung được với gia đình trẻ
có một cháu bé như vậy. Do đó họ đã tìm bà gác cổng để hỏi xem trong
nhà còn nơi nào chưa có người thuê không" (13).
Như vậy, ông Khánh Ký đã thuê căn
nhà Villa des Gobelins từ trong chiến tranh, và tới tháng 4/1921, ông
báo cho những ai ở đó phải lo trả tiền nhà. Bởi vì ông đang sửa soạn về
nước. Ông về Hà Nội ngày 25/7/1921 (14).
Đó là lý do khiến ngày 14/7/1921,
Tất Thành phải dọn tới 9 Impasse Compoint. Phan Châu Trinh ở lại đến
cuối năm 1921 mới dọn ra 21 Pernety. Có lẽ vì giận Tất Thành hay làm ẩu
nên ông Khánh Ký nói vậy -khi ở Mayence, ông Khánh Ký đã viết thư răn đe
Tất Thành nên ăn ở tử tế với ông Trường- chứ ông Trường viết thư cho
ông Trinh ngày 27/4/1921 còn dặn dò: "Tôi đã bảo cho Lục nếu nó cần ở
Paris mấy tháng thì có thể đến căn hộ của tôi nhưng phải để gia đình ở
Toulon. Nếu nó đem theo ai thì anh báo cho tôi. Roux đến Paris có việc
gì hay chỉ đến thăm anh" (15).
● Trình độ chính trị của Nguyễn Tất Thành
Trần Dân Tiên viết: "Lúc ấy, ông
Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì tổ quốc; nhưng
ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là công
hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng (...) Ông Nguyễn không
đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường
viết thay. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông
Nguyễn đã phải ký tên những bài báo" (16).
Đoạn này xác định thêm một lần nữa:
Nguyễn Tất Thành không biết tiếng Pháp và cũng không hiểu gì về chính
trị, nhưng những chi tiết này ở các bản tiểu sử chính thức về sau sẽ bị
xoá hẳn. Trần Dân Tiên viết tiếp về việc học viết báo tiếng Pháp: "Nhược
điểm về tri thức làm ông Nguyễn rất khó chịu. Nhất là ông Trường không
viết tất cả những điều ông Nguyễn muốn nói. Vì vậy, ông Nguyễn bắt tay
vào việc học làm báo. Thường lui tới toà báo "Dân Chúng", ông làm quen
với những người Pháp khác trong đó có chủ bút tờ "Đời sống thợ thuyền".
Cũng như ông Lông-ghê, người chủ bút này cũng rất đáng mến. Ông bảo ông
Nguyễn viết tin tức cho tờ báo của ông. Biết rằng không thể nhờ ông
Trường viết mãi, ông Nguyễn nói thật là mình cón kém tiếng Pháp. Người
chủ bút nói: "Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ
chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài, năm, sáu dòng
cũng được". Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin tức về Việt Nam,
ông Nguyễn không thiếu. Ông thiếu nhất là văn Pháp (...) Khi thấy viết
đã bớt sai lầm, ông chủ bút bảo ông Nguyễn: "Bây giờ anh viết dài hơn
một tý, viết độ bảy tám dòng". Ông Nguyễn viết bảy, tám dòng. Dần dần,
ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ
người chủ bút bạn thân của ông Nguyễn khẽ bảo:"Bây giờ anh viết ngắn
lại. Viết từng này hoặc từng này dòng. Không viết dài hơn" (17).
Việc học tiếng Pháp để viết báo
trong vài năm chỉ có thể đưa đến kết quả: Nguyễn Tất Thành có thể viết
được vài hàng tin tức. Còn viết được những bài xã luận ký tên Nguyễn Ái
Quốc là một chuyện khác. Nhất là Tất Thành chỉ ở Pháp có 4 năm.
Tóm lại, phần thành thật trong nhật
ký Trần Dân Tiên là nhìn nhận lúc ở Pháp, Tất Thành chưa biết gì về
chính trị, tiếng Pháp kém và muốn học để viết báo. Nhưng cũng có chỗ
không thành thật: vì ông đã nâng thời điểm Tất Thành đến Pháp từ 1919
lên 1914, để chứng tỏ những việc làm của Phan Văn Trường là Nguyễn Tất
Thành làm. Theo thông tin tình báo, ông chơi rất thân với Nguyễn Thế
Truyền, người bạn có lúc ở chung với ông, hoặc ngày nào cũng gặp, có lẽ
Nguyễn Thế Truyền mới là người đắc lực dạy ông tiếng Pháp.
Ở Hội Nghị Tours, khai mạc ngày
27/12/1920, Nguyễn Tất Thành xuất hiện công khai với cái tên Nguyễn Ái
Quốc. Hémery viết: "Nguyễn xoay sở để được mời đi dự Đại Hội đảng Xã Hội
ở Tours, nhân danh đại biểu khu 13 của nhóm Xã Hội Đông Dương ma
(fantomatique). Ngày 27/12 anh phát biểu ủng hộ kiến nghị
Cachin-Frossard, ủng hộ việc đảng Xã Hội gia nhập Quốc Tế Cộng Sản"
(18).
Về Hội Nghị Tours, Trần Dân Tiên
viết: "ông Nguyễn lắng nghe nhưng không hiểu rõ lắm, vì người ta thường
nhắc đi nhắc lại những tiếng, những câu: chủ nghiã tư bản, giai cấp vô
sản, bóc lột, chủ nghiã xã hội, cách mạng (...) Ông Nguyễn nhức đầu vì
khó hiểu" (19).
Tuy không hiểu rõ những bàn cãi
chính trị trong Hội Nghị Tours, nhưng Nguyễn vẫn bỏ phiếu cho Đệ Tam
Quốc Tế vì ông nghĩ: "Đệ Tam Quốc Tế nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp
bức giành lại tự do và độc lập của họ" (20).
Đoạn này Trần Dân Tiên cũng viết rất
thực, nhưng trong cuốn Hồng Hà và các tiểu sử chính thức về sau, những
đoạn thành thực như thế sẽ bị xoá hẳn, để thêm vào những đoạn dài mô tả
"Bác" đã "nghiên cứu" kỹ càng lý thuyết Mác-Lê trước khi dự Hội Nghị
Tours.
1. Thu Trang, Rapport ký tên Jean, in trong Phụ lục cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Đông Nam Á, Paris, 1983.
2. Trần Dân Tiên, trang 30-31.
3. Trần Dân Tiên, trang 32.
4. Hémery, sđd, trang 42.
5. Nxb Thanh Niên, 1976.
6. Hồng Hà, trang 38.
7. 6 villa des Gobelins. Villa ở đây nghiã là Ngõ cụt, không phải là Phố.
8. Hồng Hà, sđd, trang 38 và 19.
9. Phan Văn Trường, Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur L'Indochine - Chuyện những người An Nam âm mưu ở Paris hay Sự thật về Đông Dương, L'Insomniaque, 2003.
10. Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 64.
11. Hồng Hà, trang 187.
12. Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 14.
13. Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 188.
14. Lê Thị Kinh, tập 2, quyển 1, trang 211.
15. Lê Thị Kinh, sđd, t2, q1, trang 190.
16. Trần Dân Tiên, trang 34- 35.
17. Trần Dân Tiên, trang 35- 36.
18. Hémery, trang 46.
19. Trần Dân Tiên, trang 46-47.
20. Trần Dân Tiên, trang 49.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/thuy-khue-nguyen-tat-thanh_9.html
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001