Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

TS Đinh Xuân Quân - TỪ SHANGRILA QUA CSIS ĐẾN PALM SPRINGS HAY CHÍNH SÁCH CỦA MỸ TẠI BIỂN ĐÔNG 


TS Đinh Xuân Quân

Những động thái của Trung Quốc (TQ) tại Biển Đông (BĐ) và Biển Hoa Đông  (cấm đánh cá, đâm tàu, bắt giữ ngư dân, đòi đảo Senkaku, vv) đã gây nhiều bực mình tại Á Châu về sự “Trỗi dậy trong Hòa Bình của TQ.” Tại Diễn đàn đối thoại an ninh khu vực Á châu gọi là Shangri-La được tổ chức hàng năm tại Singapore để cho các bộ trưởng quốc phòng trao đổi lập trường về các vấn đề quốc phòng tại Á châu, năm nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (NTD) đã được mời đọc bài tham luận chính (key note speaker) trong ngày khai mạc 31/05/2013. Tại đây tướng Thích Kiến Quốc, phó tham mưu trưởng quân đội TQ cũng lên tiếng về BĐ và BT Hagel cũng lên tiếng. Vậy lập trường quốc phòng của các bên ra sao?


Tại Hội thảo “Kiềm Chế căng thẳng BĐ” ngày 5-6/6 tại Washington DC, quy tụ gần 200 người tham dự. Trong hội thảo này các nhà nghiên cứu của TQ, VN, Mỹ và các nước khác đã tranh luận về vấn đề BĐ. Ta có thể rút được những bài học nào?

Gần đây nhất đã có cuộc gặp Trung-Mỹ mà ông Tập Cận Bình (TCB) chủ tịch TQ đã gặp TT Obama để “xây dựng lòng tin,” duyệt qua tất cả các vấn đề giữa hai quốc gia. Hai bên phải tìm hiểu quan điểm của nhau trên những vấn đề lớn kể cả vấn đề “chiến tranh trên mạng” (cyberwar), vấn đề Bắc Hàn, Biển Đông và Biển Hoa Đông v.v... mỗi bên cho bên kia biết họ muốn gì.

Vậy qua ba cuộc gặp gỡ của phía quốc phòng, phía các nhà nghiên cứu BĐ và thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo trên ván cờ Mỹ-Trung, ta có thể rút những bài học gì cho VN?

Diễn đàn quốc phòng Shangri La

Tại Singapore, Thủ tướng NTD nói đến việc “Cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta.” Lần đầu tiên một giới chức cao cấp VN phát biểu quan điểm về BĐ.  Ông NTD nhìn nhận rằng: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.” Qua tuyên bố như thế, coi như VN có một chính sách đối ngoại mới đối với TQ. (1) /

Về phía TQ, qua phát biểu của Tướng Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân TQ cho là “Các tàu chiến TQ sẽ tiếp tục tuần tra tại các vùng biển mà TQ tuyên bố thuộc chủ quyền của họ (2) /và các cuộc tuần tra như thế là ‘hợp pháp’ và rằng chủ quyền của nước ông đối với những vùng biển này là ‘không thể tranh cãi’. Đây chính là ngôn ngữ ngoại giao của kẻ tự coi Biển Đông như cái ao nhà.

Bộ Trưởng QP Hagel (3) / của Mỹ nêu lên quan điểm của họ.  Ông Hagel trình bày chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama đối với khu vực và “chủ yếu là một chiến lược kinh tế và văn hóa, ngoại giao" và cũng đã học được tầm quan trọng của việc nước Mỹ phải làm thế nào "để tham dự một cách khôn ngoan ở châu Á."

Ông Hagel trình bày chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama đối với khu vực và “chủ yếu là một chiến lược kinh tế và văn hóa, ngoại giao" và nhất là quân sự để trấn an các nước Á châu nhất là các đồng minh.

Hội thảo CSIS tại Washington DC về BĐ

Từ ngày 05 và 06/06/2013, Trung tâm Nghên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) (4) / đã tổ chức hội nghị về những căng thẳng trên Biển Đông, với sự tham gia của Mỹ, cũng như của đại diện từ các nước Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Đài Loan. Trọng tâm là những đề xuất để giải quyết bất đồng giữa sáu quốc gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Họ có bàn về việc Philipines kiện TQ ra trước tòa án quốc tế, việc áp dụng công pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp, cũng như những đề xuất về việc tạm gác các tranh chấp sang một bên để cùng khai thác các tài nguyên Biển Đông.

Nhiều học giả như ông G. Poling của CSIS, ông P. Cronin thuộc trung tâm An ninh Hoa kỳ, ông W. Shicun của TQ, ông Yann Huei Song của Đài Loan, ông Castro của Phi và ông T.T Thụy của VN.  Sau khi các bên trình bầy thì các học giả cho là TQ cần theo luật pháp quốc tế.

Cuộc gặp Thượng đỉnh Palm Springs – Rancho Mirage
Đối với truyền thông TQ cuộc gặp thượng đỉnh tại Palm Springs được cho đó sẽ là khung làm việc giữa hai nước trong thập niên tới.  Tại đây ông TCB gặp Obama để hai bên duyệt qua và tìm hiểu quan điểm của nhau về  những vấn đề như Triều Tiên, khó khăn tại Hoa Đông, tại Biển Đông, những quyền lợi “cốt lõi” của TQ, về khí thải v.v... để biết mỗi bên muốn gì và có thể nhượng bộ tới đâu. Hình ảnh gặp gỡ tay đôi trong chỗ thân mật không cần nghi lễ như thế cho cảm tưởng TQ nay đã lên chỗ ngang hàng với Hoa Kỳ, hai bên chia sẻ để hiểu ý nhau như là hai người khổng lồ của thế giới, cần hiểu nhau để tránh những xung đột không cần thiết.

Theo cố vấn T. Donilon, hai bên (5) / đã bàn về bán đảo Triều Tiên, về quyết định “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên, về kinh tế, về cyberwar, về vấn đề quốc phòng tái cân bằng lực lượng, về khí hậu, vv.  Thượng đỉnh Mỹ-Trung đã đi tới việc hứa phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trao đổi để giải quyết các vấn để sở hữu trí tuệ - chống xâm nhập dò thám bằng mạng internet, và về vấn đề hâm nóng địa cầu qua việc bỏ việc sử dụng khí CHF (làm nóng địa cầu).

Cuộc đàm phán trực diện tại Palm Springs đã giúp hai bên Mỹ - Trung hiểu lập trường của nhau. Ý nghĩa của thượng đỉnh là khi Tập Cận Bình còn cầm đầu TQ thì hai bên sẽ cố gắng tìm các giải pháp tránh né các xung đột (ví dụ về Senkaku thì Obama có nhắc cho TCB là Mỹ có ký thoả ước quân sự với Nhật cho nên tại Shangri La tướng TQ Thích Kiến Quốc đã dịu giọng). Tất cả các vụ bất đồng ý kiến về quyền lợi sẽ phải được giải quyết dựa trên căn bản đó. Như vậy cuộc gặp gỡ TCB và Obama tại Palm Springs dựa trên quyền lợi của hai nước lớn nhưng họ cũng còn rất nhiều vấn đề còn phải làm việc thêm vì chưa giải quyết xong.

Các tin khác

Hai ngày sau cuộc họp thượng đỉnh, tin tức (6)/ cho biết cả ngàn quân Nhật đến Mỹ tập trận tại Pendleton California. Nhật đưa ba chiến hạm, khoảng 1.000 binh sỹ và bốn máy bay chiến đấu vượt TBD đến tham gia cuộc tập trận dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 11/6. New Zealand và Canada cũng gửi lực lượng đến tham dự. Cuộc tập trận này sẽ giúp lực lượng Nhật phản ứng tốt hơn và diễn ra ngay sau khi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hội đàm với TT Obama.

Về phía Quốc hội thì một dự thảo nghị quyết được trình Ủy ban Đối ngoại Thượng viện (7) /. Ngày 10/06/2013, ba Thượng nghị sĩ đã tố cáo một loạt hành động của TQ trong thời gian gần đây nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền của TQ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Dự thảo nghị quyết (S. Res. 167) mang tựa đề “Tái khẳng định hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ cho việc giải quyết một cách hòa bình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán trong vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương” không ngần ngại lên án đích danh TQ là tác giả của một loạt hành động hù dọa hay dùng võ lực nhắm vào các nước từ Philippines, Việt Nam cho đến Nhật Bản.  Dự thảo cũng yêu cầu các nước có tranh chấp thông qua một bộ quy tắc ứng xử để tránh không cho xung đột bùng lên.

Phân tích

Diễn đàn quốc phòng Shagri La tại Singapore đã giúp các phe đưa ra lập trường của họ về BĐ.  Phía VN lần đầu tiên công kích TQ “cường quyền” trong khi phía Mỹ trấn an các đồng minh. Hội thảo CSIS tại Washington DC cho thấy lập trường của TQ là hành động theo ý muốn một cách đơn phương. Quan niệm của các học giả là TQ phải tuân theo luật quốc tế.

Thượng đỉnh Palm Springs chỉ đưa ra lời “hứa phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” và việc hai bên chấp thuận về môi trường bớt dùng khí CFH làm nóng môi trường. Trong khi đó sẽ tiếp tục làm việc về vấn đề Mỹ tố TQ đánh cắp dữ liệu tin học.

Trên bàn cờ Trung - Mỹ (và nhìn trên bản đồ Thái Bình Dương) thì Nhật, New Zealand và Úc đã gởi quân qua California tập trận. Trong vụ này, nếu nhìn toàn vùng châu Á như một bàn cờ tướng, thì ta thử hình dung đâu là xe, pháo, mã, hay tốt. Trong nhiều tháng qua sau khi Bắc Triều Tiên, một con “tốt” của TQ, đe dọa đánh cả Mỹ, thì nay tại Palm Springs Mỹ-Trung đã hứa “phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”, điều đó có nghĩa là con tốt Bắc Triều Tiên đã "bị thí" trên bàn cờ mới này.

Như vậy mặc dù là có đàm phán ở cấp cao Mỹ-Trung, tại TBD Mỹ vẫn tái phối trí lực lượng, dàn trận ủng hộ các nước TBD và ASEAN làm nhiệm vụ của họ là tăng sức mạnh kinh tế qua TPP và cũng tăng lực lượng quân sự với sự hỗ trợ của Mỹ.  Chiến lược của Mỹ là chuẩn bị vai trò ở nhiều cấp: Xe, Pháo, Mã và Tốt.  

Trong bàn cờ mới mà Mỹ chủ động, Nhật sẽ là con “xe”, điều này được thấy rõ sau khi Thủ tướng Nhật Abe nhậm chức.  Mỹ khuyến khích Nhật mạnh về quân sự và đầu tư thêm về quốc phòng.  Về chiến lược kinh tế, Nhật tham gia vào TPP và đầu tư chiến lược với Ân Độ và Miến Điện chưa kể tiếp tục hợp tác với VN và Phi.  Về quân sự Nhật hứa viện trợ 10 chiếc hải giám nhỏ cho Phi và không biết bao nhiêu chiếc khác cho VN. Nhật cũng đầu tư về quân sự và hải quân Nhật thao diễn quân sự với Mỹ, Úc, Ấn, Hàn. Từ vai trò con tốt Nam Hàn có thể trở nên con ngựa hay con pháo trong ván cờ này và các nước tại Á châu như Phi, Đài Loan, vv. vẫn giữ vai trò là những con tốt.

Còn Việt Nam sẽ đóng vai con cờ gì? Điều này tùy thuộc ở việc VN sẽ có giải pháp ra sao đối với nội bộ của mình: có dân chủ hóa được chút nào không hay vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói yêu nước, có tăng cường về quân sự hay không v.v... Tùy cách ứng xử của mình, Việt Nam sẽ thành hoặc con mã hay là một con tốt. Trong khi đó chưa biết vị trí của Nga là ở đâu, vì mặc dù Nga là nước đầu tiên Tập Cận Bình đến thăm sau khi nhậm chức, nhưng hai nước này rất nghi ngờ nhau, và Nga vẫn coi TQ là mối đe dọa sát nách.

Kết luận

Tại Shangri La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một bước đi mới về chính sách đối ngoại khác với quá khứ, và đã lên tiếng chỉ trích, dù là không trực tiếp, các hành động “cường quyền, phi lý, trái luật của TQ.”

Cuộc họp CSIS cho thấy TQ bị các học giả chỉ trích về “đường chín đoạn” và không được thế giới văn minh ủng hộ, các học giả còn yêu cầu TQ cần tuân theo luật quốc tế.

Cuộc gặp gỡ Palm Springs cho thấy hai nước lớn có thể ngồi với nhau. Việc nhận định đúng ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này sẽ giúp VN tìm ra chiến lược của mình tại Biển Đông.

Nếu nhanh chóng rút ra được các bài học, VN có thể tìm được nhiều giải pháp để chấn chỉnh lòng tin của dân chúng, như ngồi lại với nhóm kiến nghị 72, hay các nhóm dân chủ khác? Hay thả/ân xá Cù Huy Hà Vũ hay các người bất đồng ý kiến khác? Nó sẽ giúp VN từ một con cờ chỉ ở vị trí làm "quân thế" – sẽ có nhiều xác suất trở thành “con tốt sang sông”, hoặc sáng giá hơn, thành con mã hay hay một con xe cỡ nhỏ? Việc nhận thức đánh giá đúng bàn cờ chính trị Á châu và tình hình bài binh bố trận tại Thái Bình Dương giữa lúc này sẽ giúp VN có bước đi đúng trong chiến lược đối phó với Trung Quốc của mình.

TS ĐXQ
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/ts-inh-xuan-quan-tu-shangrila-qua-csis.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001