Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Việt Nam: "Lãnh tụ" và "Đội ngũ chính trị" - thiếu vắng yếu tố nào?

Việt Nam: "Lãnh tụ" và "Đội ngũ chính trị" - thiếu vắng yếu tố nào? 


Nguyễn Gia Kiểng
Dân Luận: Nhân việc trang Ba Sàm News đăng bài "Việt Nam thiếu vắng lãnh tụ?" của Phạm Dzũng, Ban biên tập Dân luận đăng lại bài viết "Một bài học từ biến cố 30-4-1975" của ông Nguyễn Gia Kiểng viết từ tháng 4/2008 như là một ý kiến để tranh luận.
Bài học mà ông Kiểng nhắc đến trong bài là bài học về sự thiếu vắng một đội ngũ chính trị của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Sự thiếu vắng này là một trong những lí do khiến lực lượng cộng sản, dù bị càn quét quyết liệt và chịu đựng những tổn thất ghê gớm về cả nhân lực và cơ sở, vẫn bám trụ được thành công, phát triển và giành thắng lợi. Ông Kiểng cho rằng, bản thân lực lượng cộng sản tuyên truyền thì dở và tổ chức thì "luộm thuộm", nhưng họ vẫn là "một đội ngũ chính trị" và trước mặt họ "không có một đội ngũ chính trị nào". Kết quả là họ thắng! Một điều quan trọng nữa mà ông Nguyễn Gia Kiểng cũng khẳng định, lãnh đạo tài giỏi - những lãnh tụ - "chỉ có thể đào tạo được trong sinh hoạt tổ chức". Tên bài viết được Dân luận đặt lại với mục đích nêu bật nhận định trên như một ý kiến để tranh luận.


Một bài học từ biến cố 30-4-1975


Ông chủ nhiệm báo Việt Luận hỏi tôi chúng ta có thể rút bài học nào từ biến cố 30-4-1975? Câu hỏi thực là khó. Có rất nhiều bài học lịch sử mà chúng ta có thể rút từ cuộc chiến tranh kết thúc ngày 30 tháng 4-1975. Tất cả đều là những bài học lớn cho cuộc vận động dân chủ hiện nay.
Nhưng trước hết xin có vài lời về những bài học lịch sử: phải rất thận trọng và khiêm tốn vì chúng thường sai. Tại sao ? Lịch sử rất quan trọng bởi vì cuộc sống của một quốc gia, cũng như cuộc sống của một người, chủ yếu là thực nghiệm. Tuy vậy chúng ta lại không thể thí nghiệm. Chúng ta không thể thử nghiệm sự sụp đổ hay sự phá sản của một quốc gia. Chúng ta không thể thử nghiệm trên đời sống của một dân tộc để xem cái gì sẽ xảy ra nếu thực hiện chủ nghĩa này hay chính sách nọ, như thế là vô trách nhiệm và cũng có thể là tội ác. Đó là sai lầm to lớn của các chế độ cộng sản. Họ đã đem số phận của các dân tộc để thử nghiệm một chủ nghĩa mà sau này thực tế chứng minh là rất sai. Lịch sử giúp chúng ta bù lại phần nào sự kiện không thể làm thí nghiệm, một thiếu sót nghiệt ngã trong cố gắng rút ra những kết luận cho tương lai. Cần nhấn mạnh là một phần nào thôi vì các biến cố lịch sử chỉ xảy ra một lần trong khi chúng ta không thể kết luận sau chỉ một lần quan sát. Vả lại các biến cố lịch sử cũng được nhìn và cảm nhận một cách khác nhau ở từng con người tùy góc độ quan sát và kinh nghiệm cá nhân. Như vậy muốn rút ra một bài học lịch sử thì phải cố gắng vượt ra khỏi chính mình để nhìn các biến cố lịch sử dưới nhiều góc khác nhau, so sánh với những biến cố tương tự đã xảy ra trong những điều kiện tương tự tại các nước khác. Và cũng phải phối hợp với những kiến thức mà sự chính xác đã được chứng minh qua thời gian. Rút ra những bài học lịch sử là điều không giản dị chút nào.
Sau sự dè dặt đó và trở lại với câu hỏi được đặt ra, bài học mà tôi chọn để rút ra là một bài học mà đáng lẽ ra chúng ta phải biết mà không cần có biến cố 30 tháng 4-1975 bởi vì nó là một kết luận của tất cả mọi khảo cứu chính trị học, xã hội học và tâm lý học và cũng đã được kinh nghiệm của mọi dân tộc chứng minh. Chúng ta chỉ đã không biết một điều bắt buộc phải biết. Một lý do khác khiến tôi chọn bài học lịch sử này trong rất nhiều bài học lịch sử quan trọng khác là vì, theo nhận xét của tôi, đó là bài học lịch sử mà sau 33 năm chúng ta vẫn chưa hiểu. Đó là đấu tranh chính trị bắt buộc phải có một tư tưởng chính trị và một đội ngũ chính trị. Cuộc chiến vừa qua trước hết là một cuộc đấu tranh chính trị. Nó cũng là lần đầu tiên mà người Việt Nam tàn sát nhau không phải chỉ để tranh giành quyền lực mà còn vì ý thức hệ. Tuyên truyền đã quan trọng hơn các trận đánh, lời nói đã có tác dụng hơn súng đạn.
*
Những năm cuối cùng của tôi ở Paris trước khi về nước cũng là những năm diễn ra hội đàm Paris để giải quyết chiến tranh Việt Nam. Lúc đó tôi lãnh đạo phong trào sinh viên và trí thức Việt Nam ủng hộ chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Ở cương vị này tôi đã được tiếp xúc thường xuyên và một cách thân mật với các yếu nhân VNCH sang tham gia hoặc quan sát hòa đàm Paris. Nói chung họ là những người hiểu biết nhất về chính trị của chế độ này. Khi về Việt Nam phục vụ, ít lâu sau hiệp định Paris, tôi cũng có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc và tìm hiểu môi trường chính trị VNCH. Nhận xét rất rõ rệt của tôi là những người cầm vận mệnh miền Nam lúc đó không biết ngay cả những kiến thức cơ bản nhất của đấu tranh chính trị và cũng không thấy cần phải học hỏi gì cả. Họ không phải là một đội ngũ và trong tuyệt đại đa số không phải là những người đấu tranh chính trị dù họ có thể giữ những vai trò chính trị rất quan trọng. Họ sống co cụm trong một môi trường nhỏ hẹp cách biệt với quần chúng, đa số chỉ có một hiểu biết rất sơ sài về lịch sử và văn hóa Việt Nam, thậm chí ngôn ngữ Việt Nam. (Điều này không có nghĩa là họ nắm vững văn hóa và ngôn ngữ Pháp hoặc Mỹ). Tất cả đều là những người mà sự may mắn hoặc hoàn cảnh tình cờ đặt vào địa vị lãnh đạo trong một thời gian ngắn, tương tự như những nhân viên tạm thời, và không ý thức được rằng mình không thể là một người lãnh đạo. Làm chính trị đối với họ chỉ là quen biết và giao tế. Họ hãnh diện, có khi huênh hoang, tuyên bố là không thuộc đảng nào và không làm chính trị. Kiến thức chính trị của họ, khi có, chỉ là những kiến thức rất đại cương và một vài bài báo. Không một ai có suy tư chiến lược về sự sống còn của chế độ. Tôi cũng không gặp một người nào thực sự tin tưởng vào dân chủ. Chính quyền VNCH là một chính quyền không có nhân sự chính trị, trong khi đó là lý do hiện hữu và điều kiện tồn tại của mọi quốc gia. Tình trạng này đưa tới những yếu kém khó tưởng tượng.


VNCH: điểm khai sinh
Hãy thử lấy một thí dụ. Tất cả mọi cấp lãnh đạo, dân sự cũng như quân sự, mà tôi có dịp trao đổi đều phục sát đất phe cộng sản là tổ chức tiếp vận giỏi. Họ nói Mỹ dội bom B52 như thế mà "nó" vẫn vận chuyển được đầy đủ vũ khí và lương thực từ hàng ngàn cây số cho một đạo quân đông tới mấy trăm ngàn người. Sự thực thì đảng cộng sản chỉ tiếp vận vũ khí cho lực lượng của họ ở phía Nam mà thôi; còn lương thực, khó vận chuyển gấp nhiều lần so với vũ khí, thì họ mua ngay tại chỗ và bằng vàng. Miền Nam không có mỏ vàng, cũng không ai đem vàng vào Việt Nam mà chỉ có những người đem vàng ra nước ngoài. Vậy mà miền Nam vẫn có rất nhiều vàng và giá vàng thấp hẳn so với thế giới. Vậy ai đem vàng vào Việt Nam nếu không phải lực lượng cộng sản? Đó là một cách tiếp liệu rất thoải mái. Một kilô vàng có thể nuôi một tiểu đoàn đầy đủ quân số trong một tháng. Liên Xô, nước đỡ đầu cho quân đội cộng sản cũng là nước sản xuất vàng số 1 trên thế giới vượt rất xa các nước khác. Khi tôi lý luận như vậy thì mọi người, hành chính cũng như quân sự, đều thấy là rất có lý. Nhưng họ nghe để biết rồi thôi. Đó không phải là việc của họ, dù họ có thể là tướng lãnh hay bộ trưởng. Họ chỉ như những công chức và chỉ lo công việc của họ. Nếu các chính quyền miền Nam ý thức được điều này và có biện pháp đối phó thì chắc chắn quân đội cộng sản đã rất khốn khổ.
Một thí dụ khác là cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Quân cộng sản đồng loạt tấn công trên khắp lãnh thổ nhưng chính quyền Sài Gòn bị bất ngờ hoàn toàn, tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng, các bộ trưởng và các tướng tá đang vui tết. Thế giới có lý do để khinh thường chế độ VNCH. Chính tôi lúc đó chỉ là một du học sinh tại Paris mà cũng thấy rất xấu hổ.
Đó chỉ là hai thí dụ trong hàng ngàn thí dụ khác. Sở dĩ có những sơ hở kinh khủng như vậy là vì những kết luận chiến lược, và những biện pháp cụ thể để thực hiện chúng, chỉ có thể có được nếu có một đội ngũ lãnh đạo ổn định, gắn bó và quyết tâm để cùng nhau theo dõi các chuyển động, thu thập và phân tích những dữ kiện và rút ra những kết luận. Nhưng VNCH đã chỉ có một lãnh đạo ô hợp không được sàng lọc, không thành đội ngũ, không gắn bó với nhau và do đó không có quyết tâm chung. Trái với một huyền thoại, phe cộng sản tuyên truyền rất dở và tổ chức rất luộm thuộm, tình báo của họ cũng rất kém. Nhưng họ là một đội ngũ chính trị và trước mặt họ không có một đội ngũ chính trị nào.
Không phải là những người lãnh đạo VNCH kém. Nếu xét từng cá nhân thì có rất nhiều người giỏi. Trình độ văn hóa nói chung của họ cao hơn hẳn các cấp lãnh đạo cộng sản. Đại đa số trong đời thường cũng là những người lương thiện. Vấn đề là họ chỉ là những cá nhân, không gắn bó trong một tổ chức. Hậu quả là mỗi người lo lấy mình, là chủ nghĩa luồn lách trong đó mỗi người, hay mỗi nhóm bè bạn nhỏ, cố gắng để khôn hơn những người khác, mỗi người chống tất cả, tất cả chống mỗi người. Trong trò chơi không ai có thể tin ai này người tốt cũng thành gian. Và thực tế đã như thế. Nếu miền Nam có một đảng cầm quyền thì tình thế sẽ rất khác. Những người "không làm chính trị" sẽ chỉ có những trách nhiệm chuyên môn, quyền lực chính trị sẽ ở trong tay một đội ngũ của những người gắn bó với nhau trong một số phận và một quyết tâm chung, lấy dân tộc và đất nước làm lý tưởng, coi sự sống còn của VNCH như cuộc chiến đấu của đời mình. Và họ sẽ có bản lĩnh chính trị cao. Tổ chức là môi trường hội nhập và là sức mạnh, nhưng cũng là một môi trường học hỏi và đào tạo, là nơi sản xuất và sàng lọc ý kiến. Nó cũng tạo điều kiện cho những quyết định và hành động mạnh bạo. Miền Nam không thiếu những người có thể và muốn là thành phần của một đội ngũ như thế, trong đó có những người đã có thể trở thành những cấp lãnh đạo xuất chúng, nhưng họ không có điều kiện để kết hợp với nhau. Kết quả là mặc dù có một khối lượng khổng lồ những người có tiềm năng, kể cả vô số bằng cấp đại học, với những kinh nghiệm để học hỏi hằng ngày, miền Nam vẫn thiếu nhân tài. Các cấp lãnh đạo tài giỏi chỉ có thể đào tạo được trong sinh hoạt tổ chức.
*
Trái với một huyền thoại, phe cộng sản tuyên truyền rất dở và tổ chức rất luộm thuộm, tình báo của họ cũng rất kém. Nhưng họ là một đội ngũ chính trị và trước mặt họ không có một đội ngũ chính trị nào.
» Nguyễn Gia Kiểng
Một đặc điểm của các chính quyền quốc gia là không có đảng cầm quyền. Tình trạng này rất không bình thường vì phản ứng tự nhiên trong sinh hoạt chính trị là phải có chính đảng. Ngay trong những thập niên đầu thế kỷ 20 việc đầu tiên của những người muốn đấu tranh giành độc lập là thành lập các đảng. Tại sao lại có tình trạng này? Đó là do một đặc tính bẩm sinh của chính quyền Quốc Gia Việt Nam, sau đổi thành Việt Nam Cộng Hòa. Chính quyền này không do đấu tranh mà có mà chỉ là một bộ máy thuộc địa do người Pháp để lại, và khi để lại họ chuyển giao quyền hành cho những cộng sự viên thân tín và đắc lực nhất của họ, nghĩa là những người không những không quan tâm tới chính trị mà còn thiếu cả ý thức quốc gia dân tộc. Họ không hề biết đến những vấn đề đặt ra cho một quốc gia và cứ tiếp tục làm việc như thường lệ, kể cả coi những người yêu nước như kẻ thù hay ít nhất như những phần tử phải phòng ngừa. Kết quả là họ ngăn cản sự ra đời và phát triển của các chính đảng. Mẫu người tốt trong các chính quyền quốc gia là mẫu người không có đảng phái và không quan tâm tới chính trị, có bằng cấp cao là tốt, có cha ông làm quan thời Pháp thuộc lại càng đáng tin cậy hơn. Dần dần hình thành một văn hóa chính quyền kỳ lạ trong đó lớp người cầm quyền không bận tâm tới đất nước. Họ cầm quyền như những quan chức ngoại quốc. Một thí dụ: tất cả các bộ trưởng giáo dục đều cho con cái đi học các trường tiểu học và trung học Pháp thay vì trường Việt mà không hề thấy ngượng. Ngô Đình Diệm không hề thay đổi tình trạng này. Ông là người do Pháp đưa lên cầm quyền để tiếp tục một chính quyền do Pháp để lại. Thái độ chống Pháp bề ngoài của ông chỉ là một sự dàn cảnh. Việc đầu tiên ông làm là truy lùng các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt. Sau khi người Mỹ lật đổ ông Diệm, họ đưa lên chính quyền những tướng tá chẳng có một văn hóa nào, chưa nói văn hóa chính trị, phần lớn xuất phát từ quân đội Pháp. Trong một chế độ dân chủ, sinh hoạt chính đảng là cốt lõi. VNCH được tổ chức như một nước dân chủ nhưng lại không có sinh hoạt chính đảng.
Không phải là miền Nam không có đảng phái, ít ra trong mười năm cuối hoạt động đảng phái không bị cấm, nhưng mười năm là một thời gian quá ngắn và bối cảnh cũng không thuận lợi. Hơn nữa các đảng phái cũ đều đã quá suy yếu và lỗi thời vì không đổi mới tư tưởng chính trị, trong khi các chính đảng mới cũng không phát triển được vì cùng một lý do: không có tư tưởng chính trị. Một ngộ nhận vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay trong phe đối lập là người ta cứ đinh ninh rằng có thể thành lập được một chính đảng mà không cần phải có một chủ thuyết chính trị, nghĩa là những định hướng lớn cho đất nước và các chiến lược để thực hiện chúng trong bối cảnh văn hóa, xã hội và lịch sử của mỗi quốc gia. Một chủ thuyết như vậy chỉ có thể là thành quả của một công trình nghiên cứu và suy tư tập thể lâu dài và nhức nhối. Người ta thấy chỉ cần một "chương trình hành động", và trong hầu hết mọi trường hợp chương trình hành động không khác bao nhiêu so với một bản danh mục rao hàng.
Những người cầm quyền trong phe quốc gia là những người được đưa lên cầm quyền chứ không phải đã giành được chính quyền. Họ đều không có tổ chức. Sau khi đã cầm quyền họ mới khám phá ra sự cần thiết của một đảng cầm quyền. Ông Nhu lập ra đảng Cần Lao, ông Thiệu lập ra đảng Dân Chủ, nhưng đều thất bại. Các chính đảng đúng nghĩa chỉ có thể thành lập được trong đấu tranh khó khăn cho một lý tưởng. Không ai có thể thành lập được một chính đảng đúng nghĩa sau khi đã có chính quyền. Cả ông Nhu lẫn ông Thiệu đã bỏ rơi các đảng vô tích sự mà họ lập ra - để cầm quyền với anh em, họ hàng và bè bạn - trước khi bị đánh đổ. Trước sau các chính quyền quốc gia vẫn có chung một đặc điểm ít được nhấn mạnh dù có thể là độc nhất trên thế giới: đó là những chính quyền không có đảng cầm quyền.
*
Sự kiện những người không thuộc một chính đảng nào được đưa lên cầm quyền và chọn những người không đảng phái làm bộ trưởng là một một điều quái đản xuất phát từ một tật nguyền bẩm sinh của các chính quyền quốc gia. Nó gây tại họa cho đất nước mà họ cai trị và đem lại thất bại cho chính họ, có khi thất bại bi thảm như trường hợp hai ông Diệm và Nhu. Nhưng với thời gian nó đã tạo ra cả một triết lý và một tập quán hoạt động chính trị: chủ nghĩa nhân sĩ. Đó là cách làm chính trị mà không tham gia một chính đảng nào, chỉ cố tạo uy tín cho mình để được biết đến, kể cả cầu cạnh các thế lực ngoại bang, và hy vọng sẽ có lúc thời vận đưa mình lên nắm chính quyền hoặc sẽ có ngày được mời tham chính. Các nhân sĩ cũng có thể không có bất cứ một hoạt động chính trị và một kiến thức chính trị nào nhưng vẫn mong có ngày được làm bộ trưởng, dân biểu, nghị sĩ. Nếu có một di sản của chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà ta phải vứt bỏ một cách không nể nang thì chính là cái chủ nghĩa nhân sĩ này. Tiếc rằng chủ nghĩa nhân sĩ đã ăn rễ quá sâu. Có những người theo chủ nghĩa nhân sĩ mà không ý thức được. Rất nhiều người, trong cũng như ngoài nước, có học thức, có lòng với đất nước, có thiện chí, suy nghĩ lành mạnh và cũng rất muốn dấn thân nhưng không hề thấy nhu cầu phải tham gia một tổ chức chính trị nào cả.


VNCH: điểm kết thúc
Chủ nghĩa nhân sĩ vẫn còn tiếp tục cho đến nay trong môi trường Việt Nam hải ngoại và là lý do chính giải thích tại sao sau 33 năm chúng ta vẫn chưa có được một tổ chức dân chủ mạnh. Ngoài di sản VNCH cũng còn một lý do quan trọng khác. Đó là sự thiếu văn hóa tổ chức mà những người dân chủ trong nước cũng chia sẻ do hậu quả của một chế độ chuyên chính trong đó mọi kết hợp bị cấm đoán. Nhiều người cũng đã cố gắng thành lập tổ chức (đã có lúc người ta than phiền là có quá nhiều tổ chức chính trị) nhưng rồi đều khám phá ra những khó khăn không ngờ nên hầu như tất cả đều bỏ cuộc và triệt thoái trở lại tập quán nhân sĩ. Thực ra những khó khăn này chỉ không ngờ bởi vì chúng ta thiếu văn hóa chính trị và văn hóa tổ chức mà thôi, chúng chỉ là những vấn đề cổ điển của mọi tổ chức chính trị, hay chính đảng, đã được nghiên cứu kỹ và được trình bày trong nhiều tác phẩm. Thành lập một tổ chức chính trị có bao giờ dễ dàng đâu !
Phân tích các chính đảng không phải là mục đích của bài này. Chỉ xin tóm lược: đấu tranh chính trị bắt buộc phải có một tổ chức mạnh mới có hy vọng thành công; một chính đảng bắt buộc phải được xây dựng trên một tư tưởng chính trị và phải bắt đầu bằng một đội ngũ nòng cốt gắn bó và có bản lĩnh; trong những điều kiện lý tưởng nhất xây dựng một chính đảng cũng đòi hỏi ít nhất một hai thập niên. Xây dựng một chính đảng rất khó nhưng là điều kiện bắt buộc, nếu không thì hoạt động chính trị chỉ là vô ích, có thể còn có hại.
Tổ chức là môi trường hội nhập và là sức mạnh, nhưng cũng là một môi trường học hỏi và đào tạo, là nơi sản xuất và sàng lọc ý kiến. Nó cũng tạo điều kiện cho những quyết định và hành động mạnh bạo. ... Các cấp lãnh đạo tài giỏi chỉ có thể đào tạo được trong sinh hoạt tổ chức.
» Nguyễn Gia Kiểng
Theo tôi đó là bài học quan trọng nhất cần được rút ra từ biến cố 30 tháng 4-1975, một bài học mà đáng lẽ chúng ta đã phải biết mà không cần có biến cố này vì đó chỉ là một kiến thức cơ bản phải có ngay trong phản xạ của những người hoạt động chính trị. Ngày 30 tháng 4 đã chỉ nhắc lại sự thực hiển nhiên này, một cách rất tàn nhẫn. Những nạn nhân oan ức nhất chính là những quân nhân, công chức và cán bộ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Trong đại đa số họ là những người yêu nước, dũng cảm và đầy khả năng, một số đông đảo có tiềm năng lớn. Nỗi oan nghiệt của họ là đã không có được một lãnh đạo đúng nghĩa. Họ không đáng phải chịu số phận mà ngày 30-4-1975 đã dành cho họ.
*
Cũng xin được chia sẻ một bài học cá nhân bởi vì nó cũng là một bài học nhỏ trong bài học lớn này. Cho tới ngày 30-4-1975 tôi là một viên chức khá cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã chứng kiến đoàn quân cộng sản chiến thắng tràn vào Sài Gòn. Sự hân hoan và hãnh diện của họ chỉ có thể so sánh được với thất vọng và tủi nhục của tôi. Tôi nghe như có tiếng nói từ trong lòng mình: "thà làm lính trong một đạo quân chiến thắng còn hơn làm tướng trong một đạo quân chiến bại". Tôi vẫn hiểu và hành động như thế, nhưng lúc đó tôi hiểu một cách thấm thía lạ lùng. Hình như vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu như thế, thậm chí còn nghĩ ngược lại.
*
Chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nếu kể cả tiền thân của nó là Quốc Gia Việt Nam của Bảo Đại, cũng đã chỉ tồn tại được 27 năm và đã sụp đổ từ 33 năm rồi. Trong suốt cuộc sống ngắn ngủi đó, dù đã có rất nhiều người yêu nước và dũng cảm bỏ mình dưới lá cờ của nó, nó chưa bao giờ là một nhà nước Việt Nam đúng nghĩa. Nó do Pháp lập ra và cáo chung khi bị Mỹ bỏ rơi. Nó chưa bao giờ kiểm soát được cả lãnh thổ Việt Nam và cũng chưa bao giờ có được một lãnh đạo đúng nghĩa. Nó cũng là một chế độ rất tham nhũng, dù không tham nhũng bằng chế độ cộng sản hiện nay. Những người dân chủ và yêu nước không có lý do gì để thương tiếc chế độ này, càng không có lý do để lấy nó làm biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ. Trong một giai đoạn, từ 1948 đến 1975, nó đã là một chọn lựa bất đắc dĩ để ngăn chặn sự thiết lập một chế độ cộng sản tại Việt Nam. Đó là một hợp đồng. Hợp đồng đó là tạm thời chịu đựng cái tồi dở để ngăn chặn cái độc hại. Nhưng cái tồi dở đã quá tồi dở và chúng ta đã không ngăn chặn được cái độc hại. Như vậy hợp đồng VNCH đã hoàn toàn chấm dứt. Cuộc vận động dân chủ hiện này là một cuộc đấu tranh hoàn toàn khác. Rút ra những bài học từ kinh nghiệm VNCH chỉ có ý nghĩa nếu có ích cho cuộc đấu tranh mới này. Bài học mà tôi đã chọn vẫn còn rất thời sự. Đáng buồn.
Nguyễn Gia Kiểng
(30-4-2008)

nguyen_y_van gửi hôm Thứ Tư, 03/07/2013          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130703/viet-nam-lanh-tu-va-doi-ngu-chinh-tri-thieu-vang-yeu-to-nao-0
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001