Nguyễn Văn Thạnh - Vì sao xã hội dân sự Việt Nam yếu? (1)
Nguyễn Văn Thạnh
Bài 1: Câu chuyện của tôi
“Xã hội dân sự mạnh là nền tảng vững chắc cho một nền dân chủ”, hẳn nhận định này sẽ nhận được sự đồng ý của nhiều người. Ở các nước có nền dân chủ mạnh như Mỹ, Tây Âu, Úc,… thì xã hội dân sự cực kỳ mạnh và năng động. Người dân dễ dàng thành lập hội, đoàn, nhóm,… để tranh đấu cho một điều gì đó mà họ quan tâm.Có học giả đã nhận định “nước Mỹ vĩ đại, nền dân chủ trường tồn là nhờ xã hội dân sự của nó phát triển”. Ngay từ thời lập quốc, người dân đã dễ dàng và nhanh chóng lập ra nhóm để cùng nhau làm đường, xây dựng trường học, dựng nhà thờ, chống tội phạm,… người dân tự làm tất tần tật nhiều việc trước khi nghĩ đến chuyện nhờ vả chính quyền (chi tiết này các bạn có thể xem từ cuốn Nền Dân Trị Mỹ của dịch giả Phạm Toàn, dịch từ cuốn “Du système pénitentiaire aux États-Unis” của tác giả Alexis de Tocqueville).
Nhân đây xin nhắc lại một định nghĩa về xã hội dân sự cho các bạn dễ theo dõi: xã hội dân sự là “diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung”. (Có nhiều định nghĩa khác nhau, góc nhìn khác nhau về xã hội dân sự, ở đây tôi xin tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn, định nghĩa này).
Nói cho gọn, các bạn có thể hiểu thế này “xã hội dân sự là xã hội có rất nhiều tổ chức dân sự. Tổ chức dân sự là tổ chức do người dân tự nguyện kết đoàn với nhau lập ra, không có sự nhúng tay của chính quyền, để cùng nhau tranh đấu cho một quyền lợi chung, một mối quan tâm chung nào đó.
Để có thể kiến giải vì sao xã hội dân sự ở Việt Nam không phát triển, trước tiên, tôi xin kể câu chuyện của tôi.
Tôi sinh ra với món quà đặc biệt của Thượng Đế là căn bệnh máu khó đông (Hemophilia), một căn bệnh cực kỳ hiếm gặp (dân gian gọi là bệnh ma xó cắn vì thân thể người bị bệnh hay có vết bầm bất chợt). Ngay từ 6 tháng tuổi, tôi đã bị căn bệnh này hành hạ. Từ nhỏ không biết bao nhiêu lần khốn khổ, thậm chí suýt chết vì bệnh này. Nguyên nhân gây ra bệnh là do thiếu một yếu tố đông máu nên máu người mắc bệnh này khó đông (còn gọi là máu loãng). Chính điều này dẫn đến người bệnh hay bị “xuất huyết trong” (còn gọi là xuất huyết nội) khi bị té ngã, vận động mạnh,… làm cho nhiều vị trí, nhất là cơ khớp sưng vù, rất đau đớn.
Một bệnh nhân máu khó đông bị xuất huyết trong, khi bị như thế này rất đau đớn.
Người bệnh có tuổi thọ ngắn (tầm trên dưới 20 tuổi) vì có rất nhiều nguyên nhân làm họ chết như: té ngã, thay răng, đau ruột thừa, tai nạn giao thông,… làm mất nhiều máu. (Nay tôi 31 tuổi, so ra như vậy thuộc loại thượng thọ).
Vì là một loại bệnh hiếm gặp (trong một tỉnh có chừng vài chục người bị), trong khi nền y tế nước nhà còn nhiều thiếu thốn, yếu kém, lại phải cáng đáng nhiều vấn đề nan giải như sốt xuất huyết, tiêu chảy, bệnh gan, tiểu đường, ung thư, tay chân miệng,… nên trong một thời gian dài mỗi khi đi bệnh viện là nỗi kinh hoàng của tôi. Lý do là rất ít bác sĩ biết đây là bệnh gì và chữa nhầm. Nếu muốn gặp bác sĩ hiểu bệnh thì phải đi Hà Nội hoặc Tp HCM (mỗi nơi đều xa nhà tôi cả nghìn km). Tuy nhiên bác sĩ ở đó cũng bất lực vì rất nhiều qui định của bộ y tế và bên bảo hiểm lại không hỗ trợ bệnh này.
Tôi bị căn bệnh này hành hạ suốt hơn 20 năm mà phải chấp nhận sống chung với nó. Mỗi khi đau đớn, tôi có một niềm ao ước học thật giỏi để sau này có cơ hội lên thành phố và đổi đời. Đó là động lực đưa tôi đến cổng trường Đại học bách khoa Đà Nẵng sau hơn 12 năm vật lộn ở trường phổ thông. Xin nói thêm các bạn biết là rất nhiều người bị bệnh này chấp nhận nghỉ học từ nhỏ vì không chịu nổi các cơn đau khi theo học và không chịu được mặc cảm bệnh tật.
Dù ban cho căn bệnh quái ác, nhưng trời không lấy của ai hết bao giờ nên ơn trời, tôi có trí tuệ khá thông minh (đây là lời nhận xét của nhiều người, tôi xin chép lại). Tất cả các môn tôi học xuất sắc và điểm số rất đẹp.
Thời sinh viên là một cực hình với tôi, dù bị bệnh này nhưng tôi cũng phải tham gia huấn luyện quân sự trong 1 tháng vì không làm đơn xin miễn được, nhiều khi mình đau ê ẩm do xuất huyết trong các cơ khớp sau các buổi tập luyện lăn lê, bò toài,… Rồi tôi cũng có chứng chỉ giáo dục quốc phòng. Nghĩ lại thật kinh khủng.
Giảng đường đại học không tươi đẹp như tôi mơ tưởng. Lớp học nhiều khi bố trí tận tầng 3, tầng 4, trong khi chân bị đau , tôi cũng phải cố leo lên. Điều may mắn là có rất nhiều người bạn đã giúp tôi trong những bậc thang đó.
Phải nói là nền hành chính Việt Nam rất quan liêu nên người yếu thế, khuyết tật là lãnh đủ. Hành trình làm các giấy chứng nhận bệnh để được hưởng ưu tiên gần như là một cuộc chiến bất tận tôi từng trải qua, mệt mỏi vô cùng.
Những năm tháng đó, tôi đi như con thoi giữa giảng đường và bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Rất nhiều rào cản phi lý đã ngăn bác sĩ có thể chữa trị nhanh chóng dù vị bác sĩ điều trị tôi rất am hiểu về bệnh này. Ví dụ khi tôi bị sưng khớp do xuất huyết trong, đơn giản là truyền máu tươi/plasma để có chất đông máu làm cầm vết xuất huyết nhưng theo qui định tôi phải qua khám, nhận diện lâm sàn để loại trừ các bệnh về khớp, quá trình đó với hàng chục lần xét nghiệm, chụp phim X-quang, thời gian kéo dài tầm 4 ngày, đủ để khớp chân tôi sưng vù và đau dữ dội. Chưa nói là bảo hiểm không chi trả bệnh này (họ lý luận là bệnh di truyền, có trước khi mua bảo hiểm) nên người nghèo chấp nhận nằm ở nhà chứ không dám đi viện. Đó là lý do vì sao những người bệnh như tôi bị tàn phế rất nhiều-nguyên nhân là máu xuất huyết vào cơ khớp làm hỏng cơ khớp- hoặc chết sớm.
Rào cản để có thể chữa trị nhanh chóng rất là lớn. Tuy nhiên nếu biết cách, bạn vẫn có thể luồn lách-cũng như bao vấn đề khác ở Việt Nam, luôn luôn có cách-nói thế chắc các bạn hiểu.
Bằng trí khôn của mình và hoàn cảnh là một sinh viên, tôi luôn tiếp cận được người cần nhờ vả để tiến đến mục tiêu là điều trị nhanh chóng cho kịp thời gian lên giảng đường, thậm chí là luồn lách để có thể hưởng bảo hiểm y tế (nếu không có điều này, hẳn tôi đã chết vì không đủ tiền điều trị).
Bằng cách ấy, tôi chiến đấu với căn bệnh đến năm thứ 4 đại học. Gần như kỳ thi nào tôi cũng thi được tầm 2/3 số môn trong đợt đầu vì phải hoãn lại để đi bệnh viện, và gần như đợt thi nào bạn tôi cũng phải cõng tôi lên phòng thi vì chân sưng vù không đi được. Cũng như vậy, kỳ thi nào tôi cũng phải dùng thuốc giảm đau để hạ hỏa cơn đau, để làm bài kiểm tra mà mồ hôi toát ra như tắm vì kiềm nén cơn đau.
Rồi một sự kiện xảy ra, hè năm học thứ 4, tôi về quê và bị đụng xe, một cú va chạm nhẹ vào chân. Ngay khi đó, tôi không hề hấn gì, tôi vẫn đi lại được dù hơi khó khăn nhưng hôm sau toàn chân trái tôi sưng vù, đau nhức kinh khủng. Tôi không thể xuống bệnh viện tỉnh Bình Định điều trị được vì gần như bác sĩ không biết bệnh này, và cũng gần như tôi không thể luồn lách để hưởng bảo hiểm như ở Đà Nẵng. Một trận đau kinh khủng hành hạ tôi trong 12 ngày đêm liền không ngủ được. Liên tục rên la, cả nhà khổ sở vì tiếng khóc của tôi. Sau đó tôi ngã vật ra giường ngủ không hay biết vì kiệt sức. Khi cơn đau thiên giảm, tôi ra Đà Nẵng nhập viện điều trị nhưng quá muộn, lượng máu xuất huyết vào cơ đã làm hỏng bó cơ và chân tôi không thể co duỗi được. Tôi bị tàn phế một chân. Bao mộng ước tương lai đổ sụp. Trước sự cố này, dù thường xuyên đau nhưng tôi chỉ chú tâm vào học-chỉ lo học-với hy vọng giành được một suất học bổng đi du học, tôi biết rằng ở nước ngoài, bệnh của tôi sẽ được điều trị tốt hơn.
Tôi chán nản, tìm trên mạng đọc các bài viết về bệnh mình, các bài viết bằng tiếng Việt rất ít, tôi phải mò mẫn dịch tài liệu từ tiếng Anh. Tôi bàng hoàng, vỡ lẽ ra bệnh của mình, lâu nay mình chỉ hiểu biết hết sức chung chung, các bác sĩ điều trị mình gần như không biết nhiều về nó để có thể tư vấn mình có một cuộc sống tốt.
Tôi vỡ lẽ và suy nghĩ rất nhiều sau khi tiếp xúc kiến thức về bệnh này một cách chuyên sâu. Tôi biết bệnh này không đến nỗi nguy hiểm, đau đớn, tuyệt vọng như tôi từng trải qua. Tôi biết bệnh này nếu bệnh nhân hiểu bệnh tốt, biết cách sống cho phù hợp, bác sĩ hiểu bệnh, bệnh viện có vài cải tiến để điều trị bệnh nhân nhanh chóng thì sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân, có khi cứu sống rất nhiều bệnh nhân lẽ ra họ không phải chết. Tôi biết rằng trên thế giới có rất nhiều người bị bệnh giống tôi. Căn bệnh này còn được gọi là căn bệnh Hoàng Gia vì Nữ hoàng Anh-Victoria có nhiều cháu ngoại bị bệnh này. Điều này làm tôi bất ngờ vì lâu nay tôi chưa gặp ai-trừ em trai tôi và các anh em con dì (bệnh này di truyền do gen bên ngoại nên các dì tôi cũng có con bị, dòng họ tôi có 4 người chết nhỏ vì bệnh này). Tôi chỉ nghe phong phanh có người bị bệnh này giống mình. Vì bận bịu việc học và đi viện nên chưa bao giờ tôi tìm hiểu và đi gặp những người này.
Qua mạng internet, tôi còn biết ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Anh, Pháp,… thậm chí các nước gần Việt Nam như Thái Lan, Inđo, Malaysia,…có hội cho bệnh nhân máu khó đông. Các hội này có nhiều hoạt động như tuyên truyền kiến thức đến người bệnh, thân nhân người bệnh, đến bác sĩ (ở các nước tiên tiến, bác sĩ cũng rất ít biết bệnh này vì đây là bệnh có tỷ lệ người mắc phải trên 1 triệu dân rất nhỏ),…Ở các website của họ có cực kỳ nhiều thông tin về bệnh, cũng như tràn ngập các hoạt động giúp ích cho cộng đồng bệnh nhân. Các bệnh nhân ở đây gần như có cuộc sống bình thường: họ học hành, họ vui chơi, họ yêu đời, họ được điều trị nhanh chóng,…
Một suy nghĩ mông lung, một niềm khao khát, một ước mơ lớn dần trong tôi.
Admin gửi hôm Thứ Ba, 10/09/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130910/nguyen-van-thanh-vi-sao-xa-hoi-dan-su-viet-nam-yeu-1
=======================================================================
Nguyễn Văn Thạnh - Vì sao xã hội dân sự Việt Nam yếu? (2)
Nguyễn Văn Thạnh
Bài 2: Câu lạc bộ Bệnh nhân Máu khó đông Tp Đà Nẵng, một trải nghiệm xã hội dân sự.
Ông Nguyễn Gia Kiểng từng nói về chủ nghĩa luồn lách ở Việt Nam, đại ý ông nói rằng, “người Việt Nam rất khôn, rất giỏi luồn lách để giải quyết vấn đề của bản thân mình thay vì cùng nhau thúc đẩy giải pháp chung và đó chính là nguyên nhân của bi kịch xã hội”. Càng ngẫm, tôi càng thấy đúng.Hồi đó (thời sinh viên), tôi đã khôn và đã luồn lách thành công để mình có thể điều trị nhanh chóng cho mình nhưng có lẽ những người khác không hưởng lợi ích điều trị như tôi. Giá trị luồn lách tôi chỉ tạo ra ở bệnh viện Đà Nẵng. Khi về Bình Định thì giá trị này không còn. Lợi ích từ luồn lách cũng không bền, mỗi khi bác sĩ điều trị thay đổi thì gần như tôi lại đầu tư lại để tạo mối quan hệ. Nói chung là mệt mỏi vô cùng. Nhưng đó là điều tôi có thể làm được trong điều kiện tôi là một sinh viên với việc học là trên hết. Tôi phải luồn lách để giải quyết nhanh chóng việc điều trị để còn thời gian học. Tất nhiên ngày đó tôi chưa đọc các bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng nên tôi cũng chưa có ý niệm về chủ nghĩa luồn lách. Vấn đề của tôi lúc đó là làm sao để cốt được việc mình trong các mớ bòng bong đủ loại qui định, nhiều khi rất vô lý của bệnh viện và bảo hiểm y tế.
Đầu tư cho luồn lách và nhờ luồn lách, tôi vừa học vừa chiến đấu với bệnh trong 4 năm trời.
Sau khi bị nạn và đọc các tài liệu về bệnh này, trong tôi có một suy nghĩ khác. Tôi nghĩ đến những người bệnh như tôi, tôi biết họ không có khả năng để luồn lách như tôi. Khi đau họ sẽ chấp nhận đau đớn vật vã như tôi vừa trải qua. Hình ảnh những bệnh nhân bị tàn phế, bị chết trẻ trên các trang mạng xoáy sâu vào đầu tôi. Hình ảnh các bệnh nhân nước ngoài sống gần như bình thường, vui vẻ làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Các hoạt động, các kinh nghiệm vận động của các hội máu khó đông các nước cũng gợi lên trong tôi nhiều ý tưởng. Tôi muốn đưa kiến thức bệnh đến những người như tôi. Tôi muốn làm cho họ có kiến thức bệnh cặn kẽ để khỏi phải tàn phế giống tôi.
Tôi phải làm gì đây? Tôi nghĩ bước đầu nên làm một trang web để đưa hết các thông tin mình biết lên mạng. Có một điều may mắn là những ngày tôi đau nằm điều trị tuyệt vọng ở bệnh viện, có một nhà báo - anh Đình Phú - đến viết bài về tôi đăng trên báo thanh niên và bạn đọc khắp nơi ủng hộ tôi tầm 30 triệu. Một số tiền cực kỳ quí giá với tôi và gia đình lúc đó. Số tiền đó giúp tôi chi trả cho các khoản điều trị nằm viện dài lơ thơ khi đó và còn dư chút đỉnh. Tôi quyết định bỏ ra 2,5 triệu để mua tên miền và làm một trang web, tất nhiên số tiền đó không đủ để làm trang web nếu không có sự giúp đỡ của một thầy giáo dạy khoa CNTT trường ĐHBK Đà Nẵng.
Giao diện đầu tiên của trang web Câu lạc bộ bệnh nhân máu khó đông TP Đà Nẵng
Sau khi trang web chạy ổn định với lượng bài khá nhiều, tôi muốn đưa kiến thức này đến nhiều người bị bệnh giống mình. Làm sao tìm ra họ trong biển người mênh mông?
Suy nghĩ mông lung và tôi có giải pháp: liên lạc với những vị bác sĩ, y tá mà tôi hay điều trị, thế nào cũng có người bị bệnh đến đó điều trị giống tôi. Qua kênh thông tin này, tôi có thêm hai người bạn: một người tên là V.H.T ở Đà Nẵng, một người tên là N.V.D ở Qui Nhơn. Tôi liên lạc hai người trên làm quen, chia sẻ và nói chuyện với họ về dự định của tôi. Hai người bạn mới quen biết đồng ý. Chúng tôi lập ra một cái gọi là Câu lạc bộ bệnh nhân máu khó đông TP Đà Nẵng. Đưa thông tin CLB này lên website. Tôi phụ trách dịch thuật, đưa bài; một bạn phụ trách tìm kiếm thêm người; một bạn còn lại có trách nhiệm quảng bá cho nhiều người biết, bao gồm trên mạng và ngoài đời.
Nhiều người thường kêu ca ở Việt Nam, chính quyền ngăn cấm, cản trở thành lập hội nên rất khó khăn để phát triển xã hội dân sự. Khi chúng tôi thành lập CLB bộ bệnh nhân máu khó đông TP Đà Nẵng, chúng tôi chỉ nghĩ là nên có một danh xưng tổ chức để dễ quảng bá còn mục tiêu của chúng tôi là làm sao liên kết càng nhiều bệnh nhân máu khó đông càng tốt, quảng bá thật rộng cho cộng đồng và đưa kiến thức bệnh đi càng xa càng tốt. Chúng tôi gần như không quan tâm là phải đăng ký thành lập hội, nhóm.
Không có một con dấu, không có một giấy xin phép nhưng bằng cách làm thông minh như viết thư giới thiệu CLB đến các vị bác sĩ, các cô y tá,… chúng tôi nhanh chóng có rất nhiều thông tin người bệnh. Chúng tôi tập hợp thành viên rất nhanh. Bằng cách viết thư cho báo chí, nhiều nhà báo biết chúng tôi và viết bài về chúng tôi.
Một người thầy ở trường ĐHBK, thông qua một người bạn ở Hà Nội, đã giới thiệu tôi cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam năm 2006, do World Bank tổ chức, năm đó có chủ đề “Sáng tạo vì trẻ em và thanh thiếu niên thiệt thòi”. Tôi cùng các bạn làm hồ sơ dự thi và loạt vào vòng chung kết. Ba chúng tôi khăn gói ra Hà Nội để bảo vệ đề án của mình. Tất cả đều thuyết phục nhưng có trở ngại là chúng tôi không có tư cách pháp nhân. Khi vị giám khảo hỏi điều này, tôi trả lời là chúng tôi đều là người bệnh, chúng tôi vô cùng khổ sở như các vị biết trong hồ sơ, chúng tôi có động cơ làm tốt việc đã hứa thay vì biển thủ số tiền trên.
Tôi đại diện CLB nhận giải thưởng ngày sáng tại Việt Nam 2006
Không biết có phải vì lý do trên thuyết phục mà dự án chúng tôi được chấm, với số tiền hỗ trợ là 133 triệu đồng, số tiền trên được tiêu trong một năm. Năm đó tôi phải xin bảo lưu việc học một năm để làm dự án này.
Với số tiền trên, chúng tôi thành lập một văn phòng, tăng cường công tác truyền thông, liên kết bệnh nhân, rất nhiều báo chí đã viết về chúng tôi. Các bạn tham gia đăng ký thành viên lên đến hàng nghìn. Một con số làm tôi bất ngờ. Rất nhiều bệnh nhân và người nhà từ những vùng xa xôi như Cà Mau hay Hà Giang đều gọi điện đến nhờ chúng tôi thông tin bệnh. Ngoài trao đổi qua điện thoại, chúng tôi còn in và gửi tài liệu cho họ.
Chúng tôi còn hợp tác với chương trình tư vấn sức khỏe của đài DVTV (Trung tâm truyền hình Việt Nam ở Đà Nẵng) để thực hiện buổi tư vấn sức khỏe trên truyền hình. Buổi tư vấn có mời các chuyên gia đầu ngành về huyết học đến từ Hà Nội, Huế và Đà Nẵng đến giao lưu. Tất cả những khó khăn, vướng mắt về bệnh chúng tôi được phát biểu và được truyền lên sóng truyền hình. Ngoài chương trình này, đài VTV có phát hai bản tin về chúng tôi.
Rất nhiều tiến bộ về điều trị, về chính sách đã được tháo gỡ và thúc đẩy sau đó. Một năm sau, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của PGS-TS Nguyễn Anh Trí, Hội rối loạn đông máu di truyền Việt Nam được thành lập. Tôi vinh dự là một thành viên trong ban sáng lập. Với hội này, rất nhiều hoạt động đã thúc đẩy quyền lợi người bệnh máu khó đông mang tầm quốc gia như công nhận bảo hiểm chi trả, làm thẻ cho bệnh nhân để người bệnh được điều trị nhanh chóng, kiến nghị cho nhập thuốc đặc trị bệnh vô Việt Nam.
Về thuốc đặc trị, tôi xin kể các bạn nghe thêm câu chuyện bi hài về nền hành chính chậm cải tiến của nước ta. Từ khi lên mạng tôi biết thế giới đã chế ra thuốc đặc trị bệnh này bằng cách cô đặc chất đông máu rồi đóng vào lọ, khi cần bệnh nhân hòa nước rồi tiêm vào cơ thể tương tự như thuốc kháng sinh. Qua một số bạn bè đang du học ở Mỹ, họ tìm kiếm và mang về một số lọ để tặng tôi nhưng khi mang vào sân bay liền bị tịch thu vì không có trong danh mục thuốc được bộ y tế công nhận. Thế là công cốc. Câu chuyện này cũng xảy ra rất nhiều thân nhân ở nước ngoài có người thân bị bệnh này ở Việt Nam. Các câu chuyện luồn lách, hối lộ làm sao để mang thuốc vào được rỉ tai nhau. Tất nhiên, bằng cách đó, các bạn cũng mang được một ít cho tôi. Có thuốc rồi, khi cần đến, bác sĩ cũng không thể dùng để điều trị vì không có trong danh mục thuốc. Thật là nan giải. Chỉ còn một cách là bệnh nhân tự tiêm theo tài liệu nước ngoài và tự chịu trách nhiệm.
Với hội rối loạn đông máu di truyền Việt Nam, tôi làm thành viên tích cực trong một năm với rất nhiều cuộc họp hành vận động,….tôi đều có mặt, dù tôi ở Đà Nẵng cách Hà Nội gần 1.000km. Sau đó thì tôi tham gia ít dần và đến đại hội nhiệm kỳ hai, tôi có ra dự và rút khỏi ban điều hành.
Phải nói là, nhờ có hội rối loạn đông máu di truyền Việt Nam, với người đứng đầu là GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng viện huyết học truyền máu TW, hội đã thúc đẩy rất nhiều cải tiến và quyền lợi cho bệnh nhân Hemophilia ở Việt Nam.
Có một điều hết sức buồn cười ở chỗ: nước Việt Nam là một, pháp luật là một nhưng nhiều qui định lại được áp dụng ở Hà Nội trước hàng vài năm trời còn ở nơi khác thì không. Rất nhiều qui định từ các tuyến bệnh viện địa phương đưa ra vô cùng chồng chéo nhau, mỗi nơi mỗi kiểu làm cho bệnh nhân không biết đâu mà lần. Rất nhiều bệnh nhân tôi biết họ đã tìm cách hối lộ, bôi trơn cho được việc.
Vì xa xôi, tôi không tham gia hội trung ương, nhưng với CLB máu khó đông Đà Nẵng, anh em chúng tôi thỉnh thoảng vẫn sinh hoạt để truyền bá hiểu biết bệnh cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm sống, nhất là chia sẻ về mặt tinh thần. Từ khi sinh hoạt trong CLB mà nhiều bạn không những có sức khỏe tốt hơn mà còn giải quyết nỗi niềm u uất về mặt tinh thần. Điều cực kỳ vui là rất nhiều bạn tham gia CLB đã có gia đình, có con cái. Mọi người không còn xem căn bệnh máu khó đông là một căn bệnh đáng sợ mà họ thấy nó như một khiếm khuyết như bao khiếm khuyết khác. Hoàn toàn có thể chung sống với nó được. Mở đầu cho làn sóng yêu đời có vợ là một anh lớn tuổi hơn tôi và tiếp theo là tôi.
Tuy danh xưng là CLB nhưng chúng tôi hoàn toàn không có tính pháp nhân. Cũng có nhiều lần chúng tôi cố gắng đăng ký pháp nhân cho CLB để có thể nhận được tiền, thuốc tài trợ của các tổ chức từ thiện nhưng khi liên hệ sở nội vụ Tp Đà Nẵng, hồ sơ và thủ tục đưa ra vô cùng rắc rối nên chúng tôi thôi. Lâu lâu chúng tôi lại gặp nhau café, thăm nhau lúc ốm đau. Thỉnh thoảng chúng tôi lại cùng nhau mở chiến dịch vận động quyền lợi cho hội viên như chiến dịch kêu gọi áp dụng bảo hiểm thuốc đặc trị bệnh máu khó đông ở bệnh viện Đà nẵng. (Như đã nói trên, chính sách bảo hiểm công nhận bảo hiểm cho thuốc này trước đó gần hai năm, đã áp dụng ở Hà Nội, nhưng Đà nẵng thì chưa có thuốc đó). Hẳn có bạn sẽ hỏi tại sao chúng tôi không vận động để hưởng bảo hiểm thuốc nhanh chóng mà để trễ nãi vậy? Đây là một câu chuyện dài, nếu bạn quan tâm, tôi sẽ kể cho các bạn nghe trong một dịp khác.
Admin gửi hôm Thứ Ba, 10/09/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130910/nguyen-van-thanh-vi-sao-xa-hoi-dan-su-viet-nam-yeu-2
=======================================================================
Nguyễn Văn Thạnh - Vì sao xã hội dân sự Việt Nam yếu? (3)
Nguyễn Văn Thạnh
Bài 3: Những cảm nhận của cá nhân tôi về xã hội dân sự ở Việt Nam
Khi nói đến xã hội dân sự, nhiều người thường hình dung đó là những tổ chức mang tính thiện nguyện: những tổ chức từ thiện, những tổ chức NGO,… nơi có những con người dấn thân vì tình thương bác ái cho cộng đồng. Họ là những người gần như không có lòng tham cho mình, họ có tấm lòng trong sạch, nhất tâm hành động vì người nghèo, người thiệt thòi. Họ là những người khả kính, sống dũng cảm, chiến đấu cho công lý, lẽ phải. Họ không thuộc nhóm người bị cám dỗ bỡi đồng tiền, không thuộc nhóm người luồn cúi, họ không sợ cường quyền,…Đó là những cảm nhận khi nói chuyện về xã hội dân sự với nhiều bạn bè của tôi, rất nhiều người trong số họ là đang dấn thân tranh đấu cho nền dân chủ Việt Nam.
Riêng tôi có một cảm nhận về xã hội dân sự khác. Với tôi, tổ chức xã hội dân sự rộng lớn hơn những tổ chức từ thiện, thiện nguyện, NGO,…
Theo tôi, bất cứ một tổ chức nào do người dân tự nguyện kết đoàn lập ra, dù có tính pháp nhân, hay chỉ là một hội nhóm liên kết tự nhiên để đấu tranh cho một lợi ích, một mối quan tâm nào đó mà không có bàn tay đạo diễn của chính quyền đều là tổ chức xã hội dân sự. Tôi có thể nêu ra các tổ chức xã hội dân sự như hiệp hội nghề nghiệp (hội nhà báo, hội luật sư, hội doanh nhân,….), công đoàn, các câu lạc bộ,… tất nhiên là phải bảo đảm nguyên tắc không do chính quyền lập ra. Tức là góc nhìn về xã hội dân sự của tôi vượt qua câu chuyện lòng nhân ái, thiện nguyện mà nó bao hàm cả câu chuyện lợi ích và những mối quan tâm chung.
Một nhóm dân oan tập hợp lại với nhau để cùng đi khiếu kiện đòi quyền lợi là một tổ chức xã hội dân sự; các bạn blogger liên kết với nhau để cùng đưa ra tuyến bố phản đối điều luật 258, đó là một tổ chức xã hội dân sự,….
Câu lạc bộ bệnh nhân máu khó đông TP Đà Nẵng của chúng tôi là một tổ chức xã hội dân sự. Dù hoàn toàn không thể đăng ký thành lập để có tính pháp nhân nhưng vì chúng tôi có lợi ích chung là cùng chung tay thúc đẩy những thay đổi có lợi cho cộng đồng những người bệnh giống mình. Theo thời gian và bằng nhiều cách, Clb chúng tôi làm được rất nhiều việc.
Gần hai năm nay, tôi quan tâm đến phong trào dân chủ, tôi ủng hộ phong trào Con Đường Việt Nam với chủ trương bảo vệ quyền con người của nó. Tôi tham gia viết rất nhiều bài, được đăng lại trên các diễn đàn khác nhau. Tôi hoàn toàn ý thức được những việc tôi làm là hợp pháp, có lợi cho dân cho nước. Đó vừa là một quyền và một nghĩa vụ của người công dân đối với đất nước nên tôi không phải lén lút để dùng tên giả. Các bài viết của tôi đều ký tên thật của mình: Nguyễn Văn Thạnh.
Cơ quan an ninh cũng tìm ra tác giả các bài viết là ai, họ mời tôi làm việc (Tôi có viết bài về quá trình này công bố trên mạng). Trong các lần mời đầu, tôi vui vẻ hợp tác nhưng ở các lần sau tôi từ chối vì cho rằng mình không vi phạm pháp luật và cơ quan an ninh gây ảnh hưởng đến tự do cá nhân.
Tại Tp Đà Nẵng, vì có “công” trong việc thúc đẩy những lợi ích cho bệnh nhân máu khó đông trên toàn quốc nói chung và Tp Đà Nẵng, khu vực lân cận nói riêng nên tôi có chút tiếng tăm. Tôi được rất nhiều báo viết đến như một tấm gương tốt, nhiều lần được lên sóng VTV và DVTV. Tôi được trao tặng các giải thưởng như: Thanh niên sống đẹp của TW đoàn, Giấy khen của UBND Tp Đà Nẵng, Hiệp sĩ công nghệ thông tin của tạp chí Echip, Giải khuyến khích của chương trình ICT-Light The Hope,… Tất nhiên những giải thưởng đó làm tôi rất vinh dự nhưng tôi chưa bao giờ dựa vào nó để xin các chế độ chính sách như: vốn cho người khuyết tật, chung cư,… như rất nhiều người từng khuyên tôi. Điều tôi vui nhất là cải thiện cuộc sống cho mình, cho em trai mình và những người có số phận bệnh máu khó đông giống mình.
Lại nói về CLB, thời gian gần đây, do các chính sách về bệnh cũng đạt được, các bạn cũng thông hiểu bệnh, bác sĩ, y tá ở bệnh viện Đà nẵng đã có thông tin bệnh nên quá trình điều trị cho chúng tôi khá tốt. Do hiểu biết về bệnh nên hai năm rồi tôi không phải đi viện mà tự xử lý ở nhà được mỗi khi bị xuất huyết (với bệnh này, nếu xuất huyết nhẹ, bệnh nhân có thể xử lý ở nhà sau thời gian bệnh sẽ ổn mà không cần đi viện, chỉ cần đi viện khi bị xuất huyết nặng). Nhiều anh em trong CLB chúng tôi có gia đình, có cuộc sống ổn định với công việc nên chúng tôi cũng ít hoạt động như hồi mới sáng lập. Chúng tôi duy trì một trang tin tại web www.maukhodong.org (trước đây trang tin là www.maukhodong.net nhưng một lần tôi chậm gia hạn tên miền, liền bị một tổ chức mua đứt và chúng đòi đến 5.000USD). Các hoạt động chính gần đây là thỉnh thoảng anh em chúng tôi gặp nhau café chia sẻ kinh nghiệm sống, quyên góp tiền cho người bị đau nặng, tổ chức tặng hoa cho Y, Bác sĩ nhân ngày thầy thuốc,… Vì không có pháp nhân nên chúng tôi cũng không nhận tài trợ của ai, tiền anh em chúng tôi tự chi ra trong một số việc.
Khi biết tôi viết bài cho phong trào dân chủ, rất nhiều nhân viên an ninh hỏi trực tiếp tôi về hoạt động CLB, về nguồn tiền của CLB, tôi đều trả lời trung thực như những gì CLB có. CLB chỉ là nơi kết hợp chúng tôi khi có việc chung, tự huy động tiền ở các thành viên, xong việc thì xem như xong.
Họ có vẻ nghi ngờ tôi lợi dụng CLB để huy động tiền từ thiện bất hợp pháp, rồi chi cho bản thân và hoạt động chống phá chính quyền. Họ cho người mặc thường phục gặp nhiều người trong CLB để hỏi, điều tra nhưng kết quả thì giống như lời tôi nói.
Rõ ràng tôi có uy tín lớn nhờ hoạt động xã hội dân sự trong CLB BN máu khó đông TP Đà Nẵng. Dù rằng chuyện này là quá khứ rồi, nhưng như truyền thống hoạt động trong bao năm qua, thỉnh thoảng tôi có thể huy động anh em gặp mặt nhau để làm một số việc như cùng nhau đi đưa kiến nghị bảo hiểm chấp nhận chi trả thuốc đặc trị. Điều này có lẽ làm các nhân viên an ninh không hài lòng chút nào, tôi nghĩ vậy. Làm sao để có thể tách tôi ra khỏi cái nôi hoạt động xã hội dân sự tạo nên kinh nghiệm và uy tín cho tôi?
Cách đây tầm 10 ngày, tôi nhận được giấy mời tham gia thành lập CLB Hemophilia tại Tp Đà Nẵng. Tất nhiên người phụ trách có liên lạc với tôi trước đó để thông qua tôi có thêm danh sách thành viên, tôi vui vẻ cung cấp cho họ và mời hết những người tôi biết đi dự.
Như các bạn thấy trong hình, CLB này do cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền là Sở Y Tế mà thừa hành là Bệnh viện Đà nẵng lập ra. Tất nhiên với uy tín của tôi, họ sẽ mời tôi là một thành viên trong ban chủ nhiệm của CLB.
Rõ ràng với bước đi đó, một tổ chức dân sự như CLB BN máu khó đông TP Đà Nẵng do chúng tôi tự nguyện lập ra, hoàn toàn không có bàn tay đạo diễn của chính quyền sẽ tự chết. Có một điều đặc biệt là website của CLB chúng tôi tại www.maukhodong.org cũng bị hack và xóa sạch dữ liệu, hình ảnh về hoạt động của chúng tôi trong bao năm qua.
Theo suy đoán của tôi, có lẽ có một thế lực muốn xóa sạch các thông tin này để sang bằng uy tín tôi có. Ai muốn đọc thông tin về CLB, về tôi sẽ không còn.
Có thể có rất nhiều lý lẽ được đưa ra để thuyết phục cho việc cơ quan thuộc nhà nước đứng ra thành lập CLB Hemophilia như: chúng tôi làm tự phát, không có tính pháp lý nên không thể lớn mạnh, chuyên nghiệp để giúp đỡ bệnh nhân được nhiều hơn; với CLB mới, được sự quan tâm của chính quyền, ngành chuyên môn, BS sẽ có điều kiện chăm sóc cho bệnh nhân máu khó đông tốt hơn,… Tôi đồng ý với những ý kiến đó và tôi rất mừng. Thật ra tôi cũng không thiết tha tranh giành chức vụ hay công trạng gì ở đây. Từ đây, những bệnh nhân chúng tôi sẽ hưởng lợi nhiều hơn, sự điều trị và chăm sóc sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ chính quyền họ có tiềm lực và động cơ để làm cho nó tốt nhất có thể, nhiều bệnh nhân sẽ được hưởng lợi mà không cần bỏ công sức như thời sân chơi hoàn toàn dân sự trước đây.
Điều tôi muốn ở đây là qua câu chuyện này, tôi nghiền ngẫm một vấn đề rất lớn ở Việt Nam. Đó là kết cấu, nền móng và động lực cho sự phát triển của hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam. Không có điều này, không bao giờ có nền dân chủ.
Ở các nước văn minh, người ta khuyến khích xã hội dân sự phát triển vì nó là nền tảng của nền dân chủ. Trong khi ở Việt Nam chúng ta xem nó như một thế lực thù địch như một bài báo chính thống viết: "Xã hội dân sự" - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình.
Đó là lý do vì sao, chính quyền ra sức nắm hết các hoạt động xã hội dân sự như chúng ta đã thấy và khi cần họ hoàn toàn có thể bóp chết một xã hội dân sự tự phát không nằm trong quĩ đạo chi phối của họ.
Admin gửi hôm Thứ Tư, 11/09/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130910/nguyen-van-thanh-vi-sao-xa-hoi-dan-su-viet-nam-yeu-3
======================================================================
Nguyễn Văn Thạnh - Vì sao xã hội dân sự Việt Nam yếu? (4)
Nguyễn Văn Thạnh
Bài 4: Vì sao chính quyền VN có thể khống chế được xã hội dân sự
Có một học giả nghiên cứu về các chế độ toàn trị do độc đảng cộng sản lãnh đạo trên toàn thế giới kết luận rằng “ở các nước toàn trị, không một tổ chức dân sự nào có thể hoạt công khai mà không do người cộng sản lập lên hoặc đứng phía sau điều khiển”.
Đối chiếu với thực tế xã hội Việt Nam, chúng ta thấy đúng như vậy. Từ các tổ chức xã hội dân sự to lớn như: mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, hội liên hợp phụ nữ, hội nông dân, công đoàn, đến các nhóm hạng trung như: hội doanh nhân, liên hiệp hội khoa học kỹ thuật, hội luật gia, hội nhà báo,… đến ti tỉ các hội đoàn cóc ké như: hội chữ thập đỏ, hội từ thiện các tỉnh thành, hội văn thơ,…tất tần tật đều do bàn tay đạo diễn của chính quyền. Mà chính quyền thì chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của ĐCS. Tức ĐCS nắm trọn trong tay chính quyền và các tổ chức xã hội dân sự. ĐCS vô địch và không có đối thủ dù nó đã quá già nua là vì lẽ đó.
Câu hỏi đặt ra là vì sao có hiện tượng như vậy? Chúng ta thử kiến giải hiện tượng trên ở các góc nhìn sau:
Kiểm soát là nhu cầu sinh tồn của chính quyền CS:
Trong xã hội dân chủ, chính quyền được xây nên từ sự đồng thuận lớn nhất của người dân và các nhóm xã hội dân sự. Cứ 4-6 năm các chính phủ được lập nên thông qua phiếu bầu của dân chúng. Do vậy chính quyền không thuộc độc quyền của đảng phái nào và các đảng phái bị thất cử thì cũng không lo sợ bị lật đổ và bị chiếm mất chính quyền. Đơn giản là họ luôn có cơ hội nắm chính quyền trong đợt bầu cử tiếp theo, miễn phương án quản trị quốc gia của họ được đông đảo nhân dân chấp nhận.Trong một xã hội có thiết chế như vậy thì không một tổ chức nào có thể nhân danh điều nào đó để đứng trên các tổ chức còn lại. Các nhóm xã hội dân sự mọc lên như nấm sau mưa để thúc đẩy các quyền lợi mà những hội viên của nhóm quan tâm. Chính quyền chỉ lo công việc chung là lập phá, hành pháp và tư pháp. Đảng cầm quyền chỉ có quyền trong phạm vi của chính quyền tức là công việc chung, họ không thể và không có quyền tham gia khống chế, giật dây ở các nhóm lợi ích khác. Điều họ có thể làm là thỏa thuận và thỏa hiệp để bảo đảm các chính sách đưa ra cân bằng tương đối lợi ích cho các nhóm khác nhau.
Ngược lại, trong một xã hội toàn trị, theo chủ nghĩa Mac Lenin thì ĐCS là Đảng cầm quyền duy nhất, là lực lượng duy nhất lãnh đạo xã hội. Dưới góc nhìn khoa học: chủ quyền thuộc về nhân dân và nhân dân trao quyền qua bầu cử thì hành vi này là việc tiếm quyền phi pháp. Cái gì chiếm lấy phi pháp thì phải giữ chặt lấy trong thái độ nơm nớp sợ người khác cướp mất. Đây chính là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân có tính nguyên lý cho ta biết vì sao người cộng sản cần nắm lấy hầu hết, bao trọn các tổ chức từ chính quyền đến các tổ chức xã hội dân sự từ to, nhỏ đến cóc ké. Họ luôn cản trở (bằng những điều luật cấm hoặc bằng một rừng luật pháp đầy chồng chéo), canh chừng và khi cần có thể hủy diệt những tổ chức xã hội dân sự nào mà họ thấy ảnh hưởng đến họ.
Người dân chưa trưởng thành về mặt xã hội dân sự
Ngoài chuyện bị chính quyền khống chế, chi phối như trên, một nguyên nhân rất lớn đưa đến sự yếu ớt của xã hội dân sự ở Việt Nam là người dân chưa trưởng thành về mặt xã hội dân sự.Một xã hội cũng như một con người, khi nào con người ta “trưởng thành” - ý thức hết vai trò trách nhiệm, có tri thức hiểu biết cuộc đời - thì con người đó có sức mạnh, có tự do. Một xã hội dân sự chỉ mạnh khi các công dân của nó phải là “người trưởng thành”.
Người Mỹ luôn luôn tự kết đoàn làm lấy mọi việc của họ trước khi nghĩ đến nhờ đỡ chính quyền. Người dân Mỹ luôn luôn nghi ngờ và cảnh giác với người cầm quyền, họ luôn xây dựng một xã hội với quyền hạn nhà nước là tối thiểu.
Người dân Việt Nam chúng ta luôn trông chờ vào chính quyền làm điều gì đó giúp đỡ họ. Tôi thấy tâm lý trông chờ ỷ lại là một rào cản rất lớn cho sự phát triển của xã hội dân sự. Người dân không biết rằng để chính quyền làm thì mãi mãi họ mất tự do. Họ chỉ là những “đứa trẻ” được “người lớn” là chính quyền cho ăn. Họ có thể bị bỏ đói bất kỳ lúc nào.
Người dân chưa ý thức được trách nhiệm cùng nhau xây dựng tổ chức xã hội dân sự, thúc đẩy lợi ích chung là cứu cánh lâu dài, trông chờ vào chính quyền chỉ biến người dân trở nên phụ thuộc, tương lai vô cùng bấp bênh.
Khi có vấn đề, người Mỹ sẽ kết đoàn, lập hội nhóm, đề ra kế hoạch, cử người lãnh đạo để giải quyết vấn đề chung còn người Việt Nam theo tôi quan sát sẽ theo chủ nghĩa luồn lách, tức là làm cách nào giải quyết được việc cá nhân mình. Điều này tôi cảm nhận rõ nét trong quá trình hoạt động cho CLB BN máu khó đông Tp Đà Nẵng. Tham gia thúc đẩy CLB tôi rất ít người giàu có, nhà có điều kiện vì họ luôn có cách và có nguồn lực để đạt được mục đích của mình bằng con đường riêng. Khi thành quả do nhóm nhỏ nai lưng ra chiến đấu đạt được thì nhóm có điều kiện cũng hưởng lợi, nhiều khi còn nhiều hơn. Tôi cảm nhận sự bất công vô cùng trong các sân chơi xã hội dân sự ở Việt Nam.
Nền kinh tế tư nhân kém phát triển là gốc rễ làm cho xã hội dân sự kém phát triển:
Tôi tin vào câu châm ngôn, “con người ta mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Trong một nền kinh tế mà nhà nước tiêu đến trên 50% dòng tiền và doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì không bao giờ có xã hội dân sự ra hồn. Không có động lực lợi ích, không chiến đấu vì lợi ích thì xã hội dân sự như cái vỏ rỗng ruột mà thôi.Đó là tôi chưa nói, trong một nền kinh tế quốc doanh chiếm chủ đạo thì nền kinh tế đó tất yếu sẽ ốm yếu, òi ộp, dân sẽ đói nghèo. Một phường đói nghèo, khố rách áo ôm thì gặp nhau cũng chỉ là bàn cho vui rồi để đó. Không việc gì mà không cần đến tiền, trong xã hội đói nghèo thì xã hội dân sự sẽ không thể phát triển.
Admin gửi hôm Thứ Tư, 11/09/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130910/nguyen-van-thanh-vi-sao-xa-hoi-dan-su-viet-nam-yeu-4
=======================================================================
Nguyễn Văn Thạnh - Vì sao xã hội dân sự Việt Nam yếu? (5)
Nguyễn Văn Thạnh
Bài 5: Xã Hội Dân Sự - Cao điểm A1 giữa dân chủ và độc tài
Nhà tư tưởng quân sự kiệt xuất: Tôn Tẫn, trong cuốn Tôn Tử Binh Pháp đã chỉ ra những “cao điểm” - những ưu thế - mà một đội quân phải giành cho được nếu muốn chiến thắng và tránh bị đại bại. Người chỉ huy giỏi phải biết những vị trí quyết định đó để tập trung hết sức mạnh giành cho bằng được để chiến thắng. Người chỉ huy tồi là người không biết những điểm cao ở đâu, những cái gì nên giành những cái gì nên bỏ và cuối cùng thì thua cuộc.
Đó là mặt trận quân sự, trên mặt trận chính trị cũng tương tự như vậy. Sự vận động và tranh đấu giữa hai lực lượng độc tài và dân chủ cũng tương tự như sự vận động của quân Pháp và quân ta trên chiến trường. Trong vô vàn mục tiêu, giữa tên gầm đạn réo, lực lượng tinh khôn là lực lượng phải biết đâu là nhưng điểm cao chiến lược cần phải giữ. Một khi đã giữ chắc điểm cao đó thì vấn cờ đã ở trong tay mình.
Tôi nhìn trận chiến kiểm soát xã hội dân sự (XHDS) ở VN dưới góc nhìn này và chia sẻ với các bạn.
Trong thời đại bình đẳng, bình quyền, khi quyền lực được chia đều cho toàn dân thì quyền lực một cá nhân là vô cùng yếu (khác với thời đại quí tộc trị, quyền hành một nhà quí tộc: vương công, hoàng tử,… rất lớn và có một cách tự nhiên). Kinh nghiệm cho thấy, tiếng nói một người ít khi được chính quyền lắng nghe. Tuy nhiên nếu nhiều người nhỏ bé đó biết kết đoàn lại với nhau thì sẽ rất mạnh: mạnh về nguồn lực: con người & tiền bạc; mạnh về chính trị. Sự kết đoàn đó chính là Xã Hội Dân Sự. Nhà chính trị Alexis de Tocqueville đã nhận xét (trong cuốn Nền dân trị Mỹ) XHDS chính là vũ khí mạnh nhất mà người dân Mỹ dùng để kiểm soát chính quyền.
Như vậy nếu người dân kiểm soát, chiếm lĩnh được XHDS thì sẽ xây dựng được nền dân chủ, ngược lại nếu nhà cầm quyền kiểm soát được XHDS thì sẽ giữ vững được vị thế độc tài. Rất dễ hiểu nếu tất cả các tổ chức XHDS như: hội thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, mặt trận tổ quốc đến các hội tép riu như các câu lạc bộ từ thiện đều là người của chính quyền (của đảng) thì đảng sẽ thái bình thịnh trị.
Làm cách nào để chính quyền chiếm lĩnh đỉnh cao này?
Thứ nhất: tự tổ chức ra các XHDS do mình chỉ huy: mặt trận tổ quốc, hội thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn,... Nhiều người nói không ngoa là ở Việt Nam Đảng chăm lo hầu hết nhu cầu của nhân dân, có thể đến hội cây cảnh, hội chơi chim, chơi cá, chơi chó cảnh,… cũng do người của Đảng thành lập và điều hành.
Tìm cách vô hiệu hóa những quyền cơ bản của công dân: quyền hội họp, lập hội (dù được ghi vào điều 69 hiến pháp hẳn hôi). Ai ở VN thì cảm nhận việc lập một cái hội nó khó thế nào. Hiến pháp thì qui định công dân có quyền hội họp, lập hội nhưng lại theo qui định của pháp luật mà pháp luật còn phải theo qui định của nghị định, thông tư và cuối cùng nghị định, thông tư còn phải theo sự gật đầu của người thừa hành. Bơi trong biển hiến pháp, luật, nghị định, thông tư và sự đỏng đảnh của tình cảm con người, dù là người nhiệt tình, năng nổ mấy, bạn cũng sẽ chết trước khi đến được bến bờ.
Nếu ai đó đủ sức mạnh để bơi trong các biển luật pháp đó thì nhà cầm quyền dễ dàng vô hiệu hóa họ bằng các thủ thuật hăm dọa, gây khó khăn cho những người ủng hộ họ như ta thường thấy. Sự hăm dọa, gây khó khăn, làm liên lụy đến gia đình, vợ con rất có tác dụng. Cuối cùng là người có tâm huyết thành lập một tổ chức XHDS sẽ thấy bơ vơ, bất lực và rã đám.
Trong vài trường hợp vì họ mất cảnh giác hay không để ý mà một XHDS đã hình thành, hoạt động mà họ không tấn công hủy diệt được thì họ sẽ thành lập một tổ chức như vậy. Tất nhiên với ưu thế nguồn lực về nhân sự, tiền bạc và quyền lực chính trị thì những người tham gia sẽ gia nhập tổ chức họ lập ra. Tổ chức XHDS kia sẽ tự chết.
Nhận thức sự quan trọng của XHDS trong quá trình nâng cao quyền lực cho nhân dân và công cuộc dân chủ hóa, nhiều nhà đấu tranh cho dân chủ đã tìm cách thành lập nó dưới nhiều hình thức như: hội chống tham nhũng, câu lạc bộ những người kháng chiến cũ,… nhưng nhà cầm quyền rất khôn, họ hủy diệt ngay. Một vài cụ già gặp gỡ nhau là bị công an theo dõi, làm khó, mời làm việc, bắt bớ,… cuối cùng là giải tán (Câu chuyện bác Nguyễn Thanh Giang, Trung tướng Trần Độ).
Như vậy, XHDS là một cao điểm khốc liệt giữa lực lượng dân chủ và độc tài. Phe nào khống chế, kiểm soát được XHDS thì phe đó thành công.
Hiện nay ưu thế tuyệt đối đang nằm trong tay nhà cầm quyền nhưng tương lai phe dân chủ đang trỗi dậy với sự trợ giúp của siêu vũ khí: internet.
Nhưng như chúng ta thấy trong trận chiến Điện Biên Phủ, vũ khí dù hiện đại đến đâu vẫn chưa phải là yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định vẫn là con người.
Câu hỏi đặt ra là người Việt Nam (số đông) đã muốn, đã khao khát dân chủ chưa và họ đã biết con đường nào đưa họ đến dân chủ?
Nguyễn Văn Thạnh
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 13/09/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130911/nguyen-van-thanh-vi-sao-xa-hoi-dan-su-viet-nam-yeu-5
=======================================================================
Nguyễn Văn Thạnh - Vì sao xã hội dân sự Việt Nam yếu? (6)
Nguyễn Văn Thạnh
Bài 6: Chủ nghĩa luồn lách-một cản trở lớn cho XHDS
Ngày nay, với sự phát triển bùng nổ của mạng internet và điện thoại Smartphone đã cung cấp một siêu vũ khí cho những người bị áp bức cùng nhau kết đoàn xây dựng XHDS. Điều mà cách đây vài chục năm không thể làm được trong thể chế toàn trị ở nước ta.
Luồn lách trong giao thông Việt Nam
Trong bài viết trước, tôi đã chỉ ra nguyên nhân XHDS Việt Nam yếu là do sự quá khôn ngoan của tầng lớp cầm quyền: họ luôn tìm mọi cách để cản trở, lũng đoạn nó, làm nó suy yếu từ trong trứng nước,…. Trong bài viết này và các bài kế tiếp, tôi cố gắng chỉ ra và phân tích các nguyên nhân đến từ tầng lớp dưới-tầng lớp dân chúng.
Trong một bài viết trước, tôi có nhắc đến sự cảm nhận chủ nghĩa luồn lách đã gây khó khăn trong việc hình thành và lớn mạnh của CLB máu khó đông. Trong bài viết này, tôi sẽ đi sâu, làm rõ ảnh hưởng của chủ nghĩa này đối với sự phát triển XHDS.
Theo tôi, chủ nghĩa luồn lách là từ chỉ hiện tượng hối lộ, bôi trơn, lo lót, thỏa hiệp với người công vụ để luồn lách qua các qui định hiện tại nhằm đạt được công việc của riêng mình.
Những người luồn lách là những người có điều kiện: tiền bạc, quan hệ và hiểu biết. Quá trình luồn lách tạo ra sự bất công vì chỉ có một số nhỏ vượt qua rào chắn, và vì chỉ có số nhỏ nên mức độ hưởng lợi rất lớn.
Chủ nghĩa luồn lách đưa đến đói nghèo, lạc hậu. Như chúng ta thấy, ở VN hiện nay có hàng trăm, hàng ngàn thứ qui định vô lý từ y tế, xây dựng đến giáo dục, môi trường,…. ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Tất cả những bất cập này đưa đến xã hội thiếu hiệu quả, người dân mệt mỏi, sức lao động bị lãng phí.
Theo lẽ tự nhiên, cái gì không hợp lý sẽ bị đào thải theo thời gian, vấn đề là tốc độ đào thải. Trong khi thiên hạ tiến bộ hàng ngày, hợp lý hóa ngày một còn ta thì 10 năm vẫn như cũ thì chắc chắn chúng ta sẽ thua cuộc trong sân chơi toàn cầu này.
Tại sao người VN chúng ta có tư tưởng luồn lách? Theo quan sát cá nhân tôi có các nguyên nhân sau:
1. Trong một thời gian dài, chúng ta đã “kêu gào” sự hy sinh lợi ích cá nhân cho tập thể, cộng đồng, đất nước để rồi chỉ có một bộ phận khôn lanh không làm theo điều đó và chúng trở nên thành công, giàu có. Việc này diễn ra trong thời gian dài nên người dân trở nên khôn ngoan, nghi ngờ tất cả những ai kêu gọi đứng chung thuyền để tranh đấu cho một lợi ích chung. Mạnh ai người đó toan tính, lo việc của mình có vẻ là giải pháp ổn nhất. Người dân mất niềm tin vào người cầm đầu.
2. Chế độ toàn trị với truyền thông bị bóp ngẹt cùng với chiến lược ngăn cản xã hội dân sự phát triển nên để cùng nhau đứng vào một đội ngũ để thúc đẩy một giải pháp chung là vô cùng khó khăn. Điều này làm cho tiến trình tranh đấu cho một cải thiện chung thường rất chậm trễ, do vậy những người có điều kiện sẵn sàng chi tiền để tìm kiếm giải pháp riêng cho mình.
Trong xã hội mà niềm tin vào thủ lĩnh không còn, người có điều kiện tách rời để đi lối riêng thì phần đông còn lại chỉ còn là một đám ngơ ngác.
3. Còn một nguyên nhân nữa thúc đẩy chủ nghĩa luồn lách là cách cửa luồn lách luôn rộng mở cho ai có điều kiện: luật pháp không nghiêm, tình trạng bao che, hối lộ, nhận hối lộ tràn lan ở mọi nơi là một mảnh đất tốt cho hạt giống của chủ nghĩa luồn lách sinh sôi nảy nở. Có thể nói kết cấu của hệ thống chính trị hiện nay khuyến khích cho chủ nghĩa luồn lách phát triển.
4. Thêm một nguyên nhân rất lớn nữa là người Việt chúng ta chưa thấy sự liên đới lẫn nhau giữa các công dân trong một đất nước. Triết lý “lợi ích riêng được nhận thức đúng” chưa đến được đại bộ phận dân chúng. Rất ít người khi tranh đấu cho lợi ích cá nhân của mình suy nghĩ đến việc gắn bó lợi ích đó trong một tập thể, một cộng đồng lớn hơn. Điều này, được các chuyên gia xã hội xác định là người VN ta chưa trưởng thành về mặt xã hội dân sự. Một cá nhân chỉ thấy lợi riêng của mình mà không thấy trách nhiệm trong cộng đồng thì chưa gọi là trưởng thành. Một xã hội có quá nhiều người như thế thì xã hội đó chưa trưởng thành (lấy ý từ một bài viết mà tôi đã đọc).
Ban đầu tôi cũng là người theo chủ nghĩa luồn lách để giải quyết các vấn đề bệnh máu khó đông mình mắc phải nhưng rồi tôi thấy chi phí, công sức như vậy là rất lớn và không bền vững. Bằng cách tranh đấu cho câu lạc bộ máu khó đông TP Đà Nẵng, tôi đã được những kết quả cho cá nhân tôi và những tiến bộ đó được cả cộng đồng hưởng lợi. May mắn là một số người đã đồng quan điểm này. Họ đứng vào hãng ngũ CLB: người bỏ công, người bỏ của; tôi thật sự cảm ơn những người giàu có đã chọn giải pháp ủng hộ hoạt động CLB thay vì chi tiền để luồn lách.
Có thể những điều tôi nêu ra bài viết này không mới, nhưng tôi nghĩ nó cần thiết cho chúng ta trong việc nhìn nhận nguyên nhân vì sao xã hội dân sự ở VN yếu, ngõ hầu tìm kiếm giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề.
Như một tất yếu, điều gì diễn ra lâu dài, có khả năng trở thành niềm tin, lối tư duy, thói quen của đại bộ phân dân chúng tức trở thành văn hóa và khi đó sẽ rất khó sửa. Chủ nghĩa luồn lách hiện nay đã thành nét “văn hóa” trong cộng đồng người Việt Nam chúng ta. Đây thực sự là một vấn đề nan giải.
Có thể nói rằng, chủ nghĩa luồn lách đã ăn sâu với máu, vào não của người VN và chính điều này góp phần làm cho XHDS ở VN yếu.
Theo ý kiến cá nhân tôi, để giải quyết vấn nạn chủ nghĩa luồn lách, chúng ta nên truyền thông để cộng đồng biết rằng nhiều vấn đề không thể giải quyết riêng rẽ được. Chúng ta chung nhau một tương lai.
Để kết bài này, tôi xin dẫn lại một câu nói của một danh nhân “một dân tộc có nhiều người khôn ngoan[*] là một dân tộc thất bại”.
Nguyễn Văn Thạnh.
[*] Khôn ngoan ở đây được hiểu theo nghĩa ma lanh.
Bài 7: Giải quyết chủ nghĩa Mackeno để thúc đẩy XHDS.
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 27/09/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130927/nguyen-van-thanh-vi-sao-xa-hoi-dan-su-viet-nam-yeu
=======================================================================
Nguyễn Văn Thạnh - Vì sao XHDS Việt Nam yếu? (7)
Nguyễn Văn Thạnh
Bài 7: Giải quyết chủ nghĩa Mackeno để thúc đẩy XHDS
Nhiều người quan tâm đến tình hình đất nước đều cảm thấy bất lực, bởi lẽ xã hội đang trên đà thối nát, rất nhiều vấn đề cần chung tay, chung sức nhiều người mới giải quyết được, trong khi xung quanh giới trẻ thì cắm đầu vào việc cá nhân: học hành, chơi game, café, trung niên thì vội vàng kiếm tiền mưu sinh, già cả thì thu mình trong nhà cùng con cháu. Căn bệnh vô cảm còn gọi là Mackeno (mặc kệ nó) như một bệnh mãn tính ở xã hội Việt Nam.Dưới góc nhìn của tôi, căn bệnh Mackeno có ba nguyên nhân: một là con người muốn an toàn, không muốn dính vào điều rắc rối, nguy hiểm; hai là người ta thấy không có lợi lộc gì cho bản thân khi làm việc đó; ba là người ta nhìn thấy vấn đề quá lớn, quá phức tạp, không thể làm được nên không tham gia.
Chúng ta thử phân tích, tìm hiểu căn bệnh Mackeno dưới góc nhìn này.
1. Sợ hãi, tránh điều nguy hiểm là bản năng con người:
Chúng ta mạnh miệng lên án người thờ ơ, vô cảm nhưng có bao giờ ta tự hỏi tại sao họ vô cảm không? Suy ngẫm, ta dễ dàng thấy một nguyên nhân lớn chi phối là họ sợ gặp rắc rối, sợ liên lụy, sợ mất việc, sợ người thân khổ,…?Suy cho cùng, chúng ta là một sinh vật, chúng ta có nhu cầu bảo toàn sự sống như muôn loài. Ngoài bản năng bảo tồn sự sống, chúng ta là một sinh vật có tình cảm. Đến loài vô thức như chó, gà,… còn dũng mãnh bảo vệ con huống chi con người (ai bị gà mẹ đá khi đang nuôi con thì biết). Lẽ tự nhiên, tình yêu cộng đồng, tổ quốc, nhân dân không thể mạnh hơn tình yêu ruột thịt, tình yêu gia đình: con cái, bố mẹ, anh em, vợ chồng,… được. Đó là lẽ tự nhiên thuộc về bản chất của con người.
Bản năng sống tự nhiên, con người sẽ né tránh điều nguy hiểm cho mình và cho gia đình mình. Đặt tay lên tim, suy nghĩ thật lòng mình, hẳn chúng ta sẽ đồng ý với nhận định trên.
Để mọi người tích cực tham gia việc chung, chúng ta không thể chỉ kêu gào, lên gân tinh thần. Chúng ta cần thấu hiểu điều này ở mỗi con người, để có góc nhìn và giải quyết vấn đề một cách thấu đáo và khoa học.
Chúng ta lên án thờ ơ nhưng cộng đồng không làm gì khi một nhà báo trẻ lên tiếng vì lương tâm và điều đúng thì bị mất việc. Anh còn vợ trẻ, con thơ, ai nuôi, ai chăm lo cho họ khi anh mất việc? Những nhà báo còn lại, thấy gương thảm của anh sẽ biết thân mà im miệng.
Chúng ta lên án thờ ơ nhưng khi một cô giáo khuyên học trò nên lên mạng vào các trang diễn đàn để mở mang hiểu biết liền bị sa thải, đuổi dạy. Cuộc sống cô hiện nay thế nào? Gia đình cô sống ra sao? Không ai quan tâm, không ai biết?
Chúng ta lên án vô cảm nhưng khi một cô giáo dũng cảm làm luận án thạc sĩ về một nhóm xuất bản không chính thống (nhóm mở miệng) thì bị đuổi việc nhưng chúng ta lại thinh nín.
Chúng ta lên án vô cảm nhưng lại thờ ơ ngồi xem một chủ quán café “giải thiêng” (café Cộng) bị thanh tra, bị đánh tơi bời.
Tôi có thể kể ra vô vàng những ví dụ như thế. Tại sao chúng ta không làm gì bảo vệ người lên tiếng mà chỉ chăm chăm kêu gào vô cảm? Tôi thấy rất nhiều người giàu có luôn miệng kêu gào vô cảm nhưng không bao giờ cho đi một đồng để giúp người lên tiếng bị nạn. Thật là nghịch lý trong tư duy.
Thuốc đặc trị bệnh Mackeno là cộng đồng hãy chung tay bảo vệ người lên tiếng, người đi tiên phong đóng góp cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Người có của góp của, người có công góp công. Khi một người tiên phong an toàn trong vòng tay cộng đồng thì lớp lớp người sẽ dấn thân.
2. Người ta chưa thấy trách nhiệm, quyền lợi của mình trong công việc chung.
Mỗi ngày, dù trời mưa gió, dù nắng nóng, dù bụi khói tắt đường, ngập đường,… nhưng hàng triệu con người vẫn ùn ùn đi làm, trong số đó không biết bao nhiêu ông bố bà mẹ chịu đựng gian truân với niềm hy vọng cho con sau này có tương lai, sau này sung sướng đỡ khổ hơn. Họ chỉ nghĩ đơn giản là có tiền, có của cho con là con ấm thân sung sướng chứ nào có biết sự liên đới từng cá nhân đến vận mệnh đất nước. Chúng ta cần làm sao để những bậc bố mẹ khả kính này biết rằng dù cho con biệt thự nhưng trong một đất nước tan nát thì đời con cũng không yên ổn: không hiểm họa “Lê Văn Luyện” thì đường xá đầy rẫy ổ gà ổ voi, không đường ổ gà ổ voi thì thực phẩm ô nhiễm, không khí ô nhiễm cũng gây hại cho con.Chủ nghĩa Mackeno xuất phát từ tình yêu thương gia đình, lo sợ gia đình liên lụy, khổ sở thì chúng ta phải dùng chính tình thương yêu thương này để chữa trị căn bệnh đó. Hãy nói về tình yêu thương, nói về tương lai con cái, nói về tương lai chung để các bậc bố mẹ biết rằng quan tâm đến chính trị, chiến đấu chống cái ác, tranh đấu cho nền dân chủ là tranh đấu cho một tương lai bền vững cho con cháu. Không có dân chủ thì không có tương lai dù có của tiền nhiều như núi.
Hàng triệu sinh viên nếu biết rằng họ sẽ bị thất nghiệp, không có tương lai trong một đất nước nát bét vì chính trị tồi thì chúng sẽ quan tâm đến chính trị. Chúng ta phải làm sao cho giới trẻ biết tham gia, quan tâm chính trị cũng là xây dựng tương lai cho mình, nó quan trọng không kém gì việc cố gắng học tốt.
Khi con người ý thức được tương lai mình, quyền lợi mình gắn với những công việc chung thì chủ nghĩa Mackeno sẽ mất dần đất sống.
3. Người có lý trí sẽ biết viễn kiến công việc:
Trong cuộc sống, chúng ta thấy một điều, người có lý trí và thực dụng thường lượng định công việc ở tính hiệu quả. Nếu thấy công việc đầy rủi ra và không hiệu quả họ sẽ lượng định chi phí cơ hội quá cao và họ không làm. Rất nhiều phong trào, dự án dân chủ không được tổ chức tốt, sát với thực tế, khả thi, gần như chúng được phát động bỡi những người giàu đầu óc tưởng tượng, lý tưởng nên không thu hút được người thực dụng, có lý trí. Thay vì nghĩ lại công việc tổ chức và dự án chính trị được đưa ra thì chúng ta lại lên án sự thờ ơ, vô cảm.Dân chủ là một quá trình lâu dài, có rất nhiều việc phải làm, nó tương tự như việc xây dựng một tòa nhà cao tầng. Chúng ta cần một công trình sư với bản thiết kế rõ ràng, chỉ huy làm những việc cụ thể có khả năng làm được trong từng thời điểm cụ thể. Có như vậy mới huy động sức của đám đông của mọi thành phần tham gia vào công trình chung.
4. Lời kết
Chủ nghĩa Mackeno sinh ra từ bản chất con người là muốn sống an toàn cho mình và cho người thân thì phải đi từ bản chất con người mời giải quyết được. Chúng ta cần “khai dân trí” để người dân thấy được trách nhiệm cá nhân trong cộng đồng, thấy được tương lai mỗi cá nhân gắn với tương lai đất nước. Điều mà từ lâu người Mỹ xem như một tín điều là “lợi ích riêng được nhận thức đúng”. Và trên hết cộng đồng phải chung ta bảo vệ những người lên tiếng, đấu tranh cho bất công; bảo vệ, ủng hộ không chỉ bằng lời hay chót lưỡi đầu môi mà phải bằng hành động thực tế.XHDS ra đời, lớn mạnh trên cơ sở những cá nhân tự nguyện liên kết nhau để tranh đấu cho một điều tốt đẹp gì đó. Nó còn mãi là đứa trẻ sơ sinh nếu chủ nghĩa Mackeno còn thống trị dân tộc VN.
Để XHDS có thể lớn mạnh thành chàng trai cường tráng, gánh vác sứ mệnh kiến tạo nền dân chủ nặng nề sắp tới, việc đầu tiên phải làm là chúng ta hãy chung tay giải quyết chủ nghĩa Mackeno.
Nguyễn Văn Thạnh
Bài tiếp: Quyền con người đi trước lót nền cho XHDS.
Admin gửi hôm Thứ Ba, 01/10/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131001/nguyen-van-thanh-vi-sao-xhds-viet-nam-yeu
======================================================================
Nguyễn Văn Thạnh - Vì sao xã hội dân sự Việt Nam yếu? (8)
Nguyễn Văn Thạnh
Bài 8: QUYỀN CON NGƯỜI ĐI TRƯỚC LÓT ĐƯỜNG CHO XÃ HỘI DÂN SỰ
Sau khi lên nắm quyền năm 1961, Park Chung Hee tiến hành hiện đại hóa đất nước. Với một nguồn lực ít ỏi được Nhật bồi thường chiến tranh và một số tiền vay ưu đãi từ việc đưa quân tham chiến ở VN, làm thế nào để hiện đại hóa một đất nước đói nghèo, rệu rã sau chiến tranh? Đó là một bài toán vô cùng khó. Nếu không biết cách xử dụng đúng thì sẽ tiêu tan theo mây khói.
Cuộc thi viết Quyền Con Người và Tôi do Con Đường Việt Nam phát động năm 2012
Trong bức trướng gửi cho nhà máy, tổng thống Park viết rõ “thép là sức mạnh quốc gia”, ông quan niệm thép là gạo cho nền công nghiệp. Quả đúng như vậy. Đầu tư vào nhà máy thép POSCO là một đầu tư chiến lược. Từ nguyên liệu thép rẻ, chất lượng do POSCO sản xuất, các công ty công nghiệp nặng như Huyndai, Samsung, Doosan,… đã dùng nó để phát triển kỹ nghệ đóng tàu, ôtô, chế tạo máy,… với chất lượng tốt và giá cạnh tranh. Bám vào lõi thép POSCO, rất nhiều ngành công nghiệp ăn theo đã phát triển và đưa Hàn Quốc từ quốc gia đói nghèo lên giàu có, thịnh vượng như ta thấy. Tất nhiên có nhiều yếu tố đưa đến sự thành công của Hàn Quốc, nhưng ở đây tôi chỉ xin để cập chiến lược đầu tư các nguồn lực kinh tế.
Chúng ta có thể học hỏi quá trình hiện đại hóa của Hàn Quốc trong quá trình vận động dân chủ hiện nay. Với một nguồn lực ít ỏi, chúng ta phải tính làm sao hiệu quả nhất và có khả năng cộng hưởng cao nhất.
Chúng ta thấy rằng, muốn có nền dân chủ thì phải có xã hội dân sự mạnh. Đó là lẽ đương nhiên. Mỗi phong trào, mỗi tổ chức XHDS như một một công ty, một tập đoàn cung ứng ra “thị trường dân chủ” một sản phẩm để thúc đẩy nền dân chủ phát triển.
Trong các bài viết trước, ta thấy có rất nhiều rào cản để phong trào XHDS ở Việt Nam có thể phát triển và lớn mạnh. Những rào cản đó không chỉ đến từ tầng lớp trên-người cầm quyền luôn muốn hủy diệt XHDS để khống chế xã hội-mà nó còn đến từ tầng lớp dưới-người dân thờ ơ và sợ hãi.
Để có thể hình thành và phát triển một tổ chức XHDS chúng ta cần ba nhân tố: sáng kiến, người lãnh đạo và người tham gia. Hiện nay, sáng kiến có rất nhiều nhưng cái thiếu là thiếu người thực hiện và người tham gia ủng hộ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao có ít người tham gia? Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân nhưng một nguyên nhân rất lớn là họ sợ. Chính nỗi sợ đã níu chân mọi người ở lại trong căn hầm trú ẩn của họ, mặt cho xã hội rệu rã, thối nát.
Đơn thuốc nào để trị được căn bệnh sợ? Kêu gọi, cổ vũ lòng ái quốc, tinh thần trách nhiệm? Đây là điều nhiều người nghĩ đến nhưng thực tế thì hiệu quả không như mong muốn: sợ vẫn hoàn sợ. Theo tôi nghĩ đơn thuốc hiệu quả nhất là làm cho người dân ý thức được quyền con người.
Quyền con người thì nhiều, nhưng chúng ta cần tập trung vào 3 quyền cơ bản sau:
1. Quyền tự do ngôn luận (Điều 19, tuyên ngôn quốc tế nhân quyền- TNQTNQ),
2. Quyền được bảo đảm cuộc sống không sợ hãi (Điều 3 TNQTNQ),
3. Quyền được bắt bớ, xét xử đúng luật (Điều 9, TNQTNQ).
Nếu cả xã hội tranh đấu ở 3 quyền trên luôn bảo đảm thì người dân sẽ bớt đi rất nhiều sự sợ hãi.
Các phong trào XHDS khác nhau, muốn phong trào mình phát triển lớn mạnh, trước tiên phải chung tay cổ võ cho quyền con người. Chỉ khi nào người dân ý thức được các quyền của mình thì họ mới không còn sợ hãi, họ sẽ chủ động tham gia ủng hộ các sáng kiến XHDS, khi đó tổ chức XHDS mới lớn mạnh. Lấy một hình ảnh trực quan để so sách cho dễ hiểu: việc xây nhà, chúng ta phải xây từ móng; việc vận động dân chủ, chúng ta phải bắt đầu từ quyền con người.
Nếu sắt thép là gạo trong công nghiệp thì quyền con người là gạo trong phong trào dân chủ.
Nguyễn Văn Thạnh
P.s. Các bạn có thể xem tác phẩm “Park Tae Joon-người đàn ông của thép” ở đây:
http://www.mediafire.com/download/cc5b9la0usv2wbb/NDO_CUA_THEP_I.pdf
http://www.mediafire.com/download/lpstgorumkxpt55/NDO_CUA_THEP_II.pdf
Admin gửi hôm Thứ Bảy, 26/10/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131026/nguyen-van-thanh-vi-sao-xa-hoi-dan-su-viet-nam-yeu-8
======================================================================
Nguyễn Văn Thạnh - Vì sao xã hội dân sự Việt Nam yếu (9): Thiếu tính chuyên nghiệp và sự hợp tác
Nguyễn Văn Thạnh
1. Một cơ hội bị bỏ lỡ:
Sau bài viết phản biện lời phát biểu của tổng bí thư hết sức sắc sảo, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đã tạo nên một làn sóng ủng hộ anh vượt mọi sự tưởng tượng. Làn sóng đó bùng nổ mạnh mẽ khi anh bị tòa báo sa thải vào ngày hôm sau. Hàng chục ngàn người ký tên ủng hộ anh, thậm chí trên mạng còn lập một fanpage “Những người bạn của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên” với hàng ngàn người Like và thành viên. Một cách nhanh chóng, anh có sự ủng hộ và “quyền lực mềm” mà một người dấn thân tranh đấu phải qua một thời gian dài mới có thế có. Nhưng rồi theo thời gian, vụ việc chìm xuống, tên tuổi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên cũng mất hút trên màn hình rada dân chủ. Vì sao vậy?Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi thấy một số nguyên nhân sau:
Anh Kiên chưa chuẩn bị tâm thế cho một người dấn thân tranh đấu cho dân chủ. Những lời anh viết phản biện có thể là sự nhận thức cá nhân về đúng sai khi nghe lời phát biểu của vị tổng bí thư. Sự tình cờ làm anh nổi tiếng trong khi anh chưa có chuẩn bị cho một sự dấn thân, không làm anh đi xa. (Có thể anh cũng ko muốn dấn thân?)
Anh Kiên chưa nắm được qui luật chuyên nghiệp, hợp tác trên mặt trận dân chủ. Một mảng rất quan trọng trên mặt trận dân chủ là tự do báo chí, tự do cho nhà báo. Lẽ ra anh Kiên nên tập trung vào việc này, nơi anh có thế mạnh nhất. Bản thân anh là một nhà báo có bản lĩnh, lại là một một nạn nhân của nền báo chí chính quyền nuôi. Cần có một người, một phong trào với sự mệnh phá bỏ (hoặc làm suy yếu) thứ báo chí quốc doanh này để mang lại tự do cho đệ tứ quyền lực. Khi nào đệ tứ quyền lực tự do thì dân chủ mới có.
Thay vì tập trung vào lĩnh vực mà mình có thế mạnh, anh Kiên lại mất thời gian vào những việc khác như: viết thơ để kêu gọi sự dấn thân, trăn trở của mọi người (tập thơ Những số không vòng trắng), hoặc viết kế hoạch “Một con đường cải tổ”. Thật sự, trên “thị trường dân chủ”, nhiều tổ chức làm việc này tốt hơn anh Kiên nhiều. Nếu anh Kiên tập trung và kiên trì trong lĩnh vực của mình, có lẽ càng ngày anh càng có sức mạnh.
Anh đã bỏ lỡ vì lạc mất mục tiêu mình nên theo đuổi, thật sự rất tiếc!
(Trên đây là những phân tích, nhận xét mang tính cá nhân của tôi với mục đích duy nhất là rút ra bài học kinh nghiệm cho phong trào dân chủ. Tất cả chí là phỏng đoán cá nhân. Xin lỗi anh Kiên nếu có những điều không phù hợp với những toan tính của anh).
2. Vấn đề các phong trào dân chủ mắc phải:
Có câu chuyện vui kể về người VN và người Nhật: “một người Nhật thua một người VN nhưng ba người VN thua một người Nhật”. Câu chuyện trên nói lên rằng, người VN làm việc nhóm, hợp tác nhau rất kém.Xã hội hiện đại, không ai có thể làm hết mọi việc, dù có tài giỏi đến đâu. Mỗi người chỉ có thể làm tốt một việc mà mình có khả năng nhất, điều mà kinh tế học gọi là lợi thế cạnh tranh.
Cũng như thị trường hành hóa, có lúc mặt hàng này được chuộng, có lúc mặt hàng khác lên ngôi, phong trào dân chủ cũng vậy. Có những giai đoạn thì vấn đề này nổi lên; ví dụ có giai đoạn quyền con người được đề cao, có giai đoạn thì xã hội bàn luận về hiến pháp, bàn về lập đảng,… Vấn đề là mỗi cá nhân, mỗi nhóm phải kiên trì làm tốt “sản phẩm” của mình thay vì chạy theo trào lưu và phong trào. Theo quan sát cá nhân tôi, rất ít người tranh đấu chuyên nghiệp trong lĩnh vực mình, phần lớn họ có xu hướng phát động nhiều phong trào mà nội dung lại na ná như nhau, chồng chéo nhau. Thậm chí là ganh tỵ đấu đá nhau,…
Một trong những nguyên nhân nữa là chúng ta thiếu những người dấn thân tranh đấu chuyên nghiệp, xem đó như một sự nghiệp đời mình. Tâm lý phần lớn người dân Việt nam cho rằng chính trị là bẩn thiểu là đấu đá, giành giật,…cho nên nhiều người giữ đạo đức bằng cách…. xa lánh chính trị. Đây là một suy nghĩ, một tìm thức ăn sâu vào cộng đồng, nó cản trở rất lớn cho sự lớn mạnh của XHDS.
3. Giải pháp:
Đấu tranh chính trị như hoạt động kinh tế, mỗi người, mỗi nhóm nên xác định một lĩnh vực mà mình có thế mạnh nhất, làm tốt nhất việc đó. Có những giai đoạn, xã hội ủng hộ phong trào này, ko ủng hộ phong trào kia, nhưng theo thời gian, tất cả phong trào đều cần thiết.Ví dụ: nhóm chuyên tấn công về mặt pháp lý của đảng cầm quyền (Nhóm 72), chuyên tập trung vào các vấn đề như hiến pháp, điều 4, vận động thành lập đảng mới.
Nhóm phản bác điều luật phi lý (Mạng lưới blogger) thì đi chuyên nghiệp về lĩnh vực này: tấn công, vận động bãi bỏ những điều luật phi lý. Quá trình vận động cả trong nước và quốc tế.
Nhóm cổ xúy quyền con người thì nên tập trung vào các ‘sản phẩm” về nhân quyền.
Tương tự như vậy đối với các nhóm còn lại như: nhóm lên tiếng cho dân oan, nhóm lên tiếng cho sự vẹn toàn lãnh thổ (NoU), nhóm kêu gọi quan chức từ chức,… Chúng ta cần rất nhiều mũi giáp công trên sân chơi dân chủ.
Bên cạnh tinh thần chuyên nghiệp trong giải pháp mà chúng ta theo đuổi, chúng ta cần có tinh thần hợp tác để thúc đẩy sự nghiệp chung.
Admin gửi hôm Thứ Tư, 13/11/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131112/nguyen-van-thanh-vi-sao-xa-hoi-dan-su-viet-nam-yeu-9-thieu-tinh-chuyen-nghiep-va-su
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001