Lê Mạnh Hùng - Hai cách nhìn của Châu Âu về chương trình do thám của Mỹ
at 11/22/2013 01:14:00 PM
Lê Mạnh Hùng -
Bà Vera
Lengsfeld đầu tiên nhận thức được rằng nhà nước Ðông Ðức đang theo dõi
bà là khi đột nhiên thấy xe hơi xuất hiện đằng trước nhà mình. Năm đó là
năm 1982 và xe hơi còn hiếm đủ ở thủ đô Ðông Berlin để người ta phải để
ý, nhất là khi chúng xuất hiện thành từ nhóm ba chiếc một.
Chẳng bao
lâu thì lại thấy có những chàng thanh niên đứng lảng vảng tại cầu thang
dẫn đến căn apartment của bà. Ðiện thoại bà bị nghe lén. Thành ra khi
hai vợ chồng bà Lengsfeld muốn nói chuyện gì riêng tư thì họ dẫn nhau đi
ra ngoài đường nói chuyện. Chỉ có điều là, sau khi bức tường Berlin sụp
đổ và các hồ sơ của cơ quan mật vụ Ðông Ðức Stasi được bạch hóa, bà mới
biết rằng chính chồng bà là một trong 49 tên điểm chỉ báo cáo với cơ
quan Stasi về bà. Thành ra khi nói đến việc bảo vệ đời tư cá nhân, bà
Lengsfeld, một nhà văn và một thành viên của đảng Dân Chủ Thiên Chúa
Giáo của Thủ Tướng Angela Merkel có một lập trường rất rõ ràng, “Tôi có
những quan ngại rất lớn về những cơ quan mật vụ dù loại gì chăng nữa, kể
cả những cơ quan của một nước dân chủ.”
Tại một quốc
gia mà đã nảy sinh ra những cơ quan khủng khiếp như Gestapo và Stasi,
những danh từ mà nay đã trở thành biểu tượng cho sự tàn bạo của công an
nhà nước đối với dân chúng, chương trình do thám điện tử của cơ quan An
Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (National Security Agency - NSA) đã tạo ra những
phản ứng gay gắt. Và điều đó gợi cho ta một câu hỏi, phải chăng đây là
một phản ứng đặc biệt của người Ðức hay là nó báo hiệu một sự chuyển
biến tại Châu Âu về thái độ đối với Mỹ?
Tuần qua,
tuần báo Ðức Der Spiegel đăng một loạt bài đòi cho Edward Snowden, tên
làm hợp đồng cho NSA vốn đào thoát và tiết lộ tất cả các chương trình do
thám của cơ quan này, được tỵ nạn chính trị tại Ðức. Lời kêu gọi này
của báo Der Spiegel đã được 51 nhà chính trị, lãnh đạo nghiệp đoàn và
chủ doanh nghiệp ủng hộ. Và hiện nay chính phủ của bà Angela Merkel đang
nghiên cứu làm sao để cho Snowden có thể ra điều trần trước một ủy ban
Quốc Hội Ðức đang điều tra về vụ Mỹ nghe lén điện thoại cầm tay của bà
thủ tướng cũng như thực hiện các hoạt động gián điệp tại ngay khuôn viên
tòa Ðại Sứ Mỹ tại Berlin.
Nhưng nếu
Ðức với một quá khứ lịch sử đặc biệt nằm tại một đầu của quang phổ chính
trị phản ứng với việc các hoạt động do thám điện tử của Mỹ tại Châu Âu
thì Anh với một quá trình quan hệ đặc biệt với Mỹ lại nằm ở đầu kia của
quang phổ.
Thủ Tướng
David Cameron của Anh đã bác bỏ những tố cáo của những người chỉ trích
là “dớ dẩn.” Nhật báo The Guardian, tờ báo đầu tiên phổ biến các tài
liệu của ông Snowden, đã bị một phụ tá của ông Cameron đến “thăm hỏi” và
đòi nhật báo phải phá hủy trước mặt ông một máy điện toán có chứa những
tài liệu mật bị tiết lộ. Khi người cầm đầu cơ quan MI 5, cơ quan an
ninh nội địa của Anh tố cáo rằng những người phổ biến các tài liệu đó là
đã “cho đám khủng bố một món quà,” một số báo chí đã đăng những bài xã
luận hưởng ứng.
Với tư cách
là đồng minh chính của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, người Anh cảm thấy họ
bị đe dọa bởi khủng bố hơn là hầu hết những người Âu khác. Vụ tấn công
vào hệ thống xe điện ngầm của Luân Ðôn ngày 7 tháng 7 năm 2005 đã ảnh
hưởng mạnh đến quan điểm của người ta về một sự cân đối giữa an ninh tập
thể và tự do cá nhân.
Người dân
Anh cũng chưa bao giờ phải sống dưới một xã hội toàn trị do công an chi
phối. Trái lại các cơ quan tình báo của Anh từ lâu vẫn được sùng kính về
những đóng góp của họ trong việc bảo vệ an toàn và độc lập cho tổ quốc.
Họ phá vỡ được mật mã Enigma của Ðức Quốc Xã, mở đường cho chiến thắng
trong Thế Chiến Thứ Hai. Ðiều này đã giúp các cơ quan này một vị trí đặc
biệt trong lòng một xã hội mà niềm tự hào sau khi giải thể đế quốc chỉ
còn là việc chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Hitler. Sử gia
Timothy Garton Ash của trường Ðại Học Oxford nhận xét, “Người Anh kính
trọng các cơ quan mật vụ của họ ở một mức mà nhiều nước không có.”
Ông Ash hiểu
rất rõ những khác biệt giữa Anh và Ðức. Sau khi sống tại Ðông Berlin
trong những năm 1980, ông cuối cùng cũng được biết rằng cơ quan Stasi có
một hồ sơ về ông. Trong cuốn sách “The File,” một cuốn mà ông kể lại
kinh nghiệm này, ông nói sau khi chế độ Ðông Ðức sụp đổ, ông tìm đến
viên chức cao cấp nhất lo về hồ sơ theo dõi ông, tướng công an Gunther
Kratsch và hỏi tại sao một thanh niên mới ra trường như ông lại đáng có
được một hồ sơ theo dõi dầy đến 325 trang. Tướng Kratsch trả lời rằng
ngay từ những ngày đầu học tại trường gián điệp ông đã được dạy về cơ
quan tình báo đầy huyền thoại của Anh. Thành ra “mỗi khi mà có một người
Anh nào chỉ hơi có vẻ khả nghi mà thôi” xuất hiện là họ phải điều tra
ngay.
Sự kính
trọng này nay có thể đã bị xói mòn khi cơ quan GCHQ , cơ quan phụ trách
tình báo điện tử của Anh bị tố cáo là hợp tác với NSA, ít nhất là ở nước
ngoài. Ðại sứ Anh tại Ðức đã bị Bộ Ngoại Giao Ðức gọi đến chất vấn về
các hoạt động tình báo của Anh tại Ðức, một biểu tượng của sự phân hóa
trong vấn đề này giữa các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu.
Người ta
hiện còn chưa biết liệu phần còn lại của Châu Âu có nghiêng về phía Ðức,
nước có nền kinh tế số một trong vùng, hay là nghiêng về phía Anh, nhịp
cầu nối liền Châu Âu với Mỹ và liệu sự hợp tác xuyên Ðại Tây Dương, nền
tảng của sự ổn định từ nhiều thập niên nay của thế giới, có bị xói mòn
một cách vĩnh viễn hay không.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/11/le-manh-hung-hai-cach-nhin-cua-chau-au.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001