Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Trung Quốc – bão Hải Yến và quyền lực mềm

Trung Quốc – bão Hải Yến và quyền lực mềm 


Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-11-22
Một binh sĩ quân đội Mỹ cùng một người dân địa phương khiêng hàng viện trợ từ một máy bay của Thủy quân lục chiến Mỹ tại Balangiga, Samar, Philippines ngày 16 tháng 11 năm 2013.
Một binh sĩ quân đội Mỹ cùng một người dân địa phương khiêng hàng viện trợ từ một máy bay của Thủy quân lục chiến Mỹ tại Balangiga, Samar, Philippines ngày 16 tháng 11 năm 2013.
AFP Hành động cứu trợ nhân đạo của Trung Quốc dành cho Philippines sau cơn siêu bão Hải Yến lại dựa trên những xích mích chính trị giữa hai quốc gia, đã làm xói mòn cố gắng của cường quốc thứ hai thế giới này trong việc chinh phục trái tim các dân tộc khác ngoài Trung Quốc.

Hành động khó hiểu

Sự kiện lớn nhất trên hành tinh Trái đất trong mùa lễ Tạ ơn năm nay có lẽ không gì khác hơn là cơn bão khủng khiếp Hải Yến tàn phá nặng nề nước Philippines, lấy đi sinh mạng hàng ngàn người. Thế giới chứng kiến hàng loạt nỗ lực cứu trợ khổng lồ đến với người dân Philippines đang hoạn nạn, có lẽ hình ảnh đó là cái chứng minh rõ nhất rằng con người đang sống trong một thế giới duy nhất, một thế giới mà mọi người phải Tạ ơn với nhau.
Đáng buồn thay, giữa những hoạt động cứu trợ nhân đạo ấy thiên hạ lại đàm tiếu đến gói viện trợ quá khiêm tốn, vỏn vẹn có 100.000 đô la Mỹ, không xứng đáng tí nào với vị trí siêu cường thứ hai thế giới là Trung Quốc. Nguyên nhân được cho là do những xích mích về lãnh hải giữa hai quốc gia trong một năm qua. Lẽ nào đất nước của Khổng tử với nền văn minh rực rỡ 5.000 năm, và hiện đang điều hành hàng trăm học viện Khổng tử trên thế giới lại ứng xử như vậy giữa mùa lễ Tạ ơn?
Trong khi đó với tiềm lực không nhiều như một siêu cường, những người Việt trong và ngoài nước kêu gọi đóng góp cho Philippines. Đối với cộng đồng Việt Nam hải ngoại thì đây là lúc để Tạ ơn người dân đảo quốc này. Một thính giả của đài RFA là Thu Thủy ở Virginia nói với chúng tôi rằng:
“Tại vì có rất nhiều người Việt Nam của mình trước đây đến Philippines qua diện tị nạn hay thuyền nhân. Đây là đất nước đã giúp những người từng vượt biển. Trong tâm tình Lễ Tạ Ơn mình vẫn mong muốn chia sẻ với những nạn nhân đói khổ, màn trời chiếu đất. Xin một phút bình an cho họ”.

tacloban-305
Thành phố Tacloban, Philippines bị san bằng bởi siêu bão Haiyan, ảnh chụp ngày 10 tháng 11 năm 2013. AFP.

Những người Việt trẻ tuổi trong nước lớn lên sau những thảm kịch thuyền nhân, cũng kêu gọi trợ giúp cho nạn nhân người Philippines, anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội, đã từng sống ở Manila kêu gọi nhóm NO-U từ thiện của anh góp tiền cứu trợ:
“Khi biết được các bạn Philippines đang chịu cái điều kinh khủng của cơn bão này, chúng tôi muốn làm điều gì đó để chia sẻ với các bạn.”
Đó là cái tình nhân loại bình thường của con người.
Trở lại với cách cư xử của Trung Quốc, nay có tin là người Philippines đã từ chối các chuyến hàng cứu trợ của Trung Quốc. Tai ương thiên nhiên đáng lẽ làm các dân tộc xích lại gần nhau, nay thì Trung Quốc lại làm cho nó xa ra với 100.000 đô la.
Trong những năm gần đây, khi Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc, họ đã mang tiền đi mua bán và viện trợ khắp nơi gọi là để tăng cường sức mạnh mềm của quốc gia, thu phục con tim của nhân loại. Nay hành động này của Trung Quốc sau cơn bão Hải Yến quả là khó hiểu.
Nhưng có lẽ người Việt thì không ngạc nhiên. Cách đây vài tuần khi biết được học viện Khổng tử sẽ được xây dựng tại Việt nam, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những người thành lập trang mạng Bauxite phản biện những vấn đề chính trị xã hội tại Việt nam nói:
“Nếu như Khổng tử học viện có thể làm những việc như L’Espace của Pháp, hay Viện Goeth của Đức, nơi hội tụ những vấn đề về Văn hóa thì rất là tốt. Nhưng tất cả những gì người Tàu làm từ trước đến giờ tôi thấy không tốt.”
Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, người đồng sáng lập trang Bauxite cũng nói rằng Trung Quốc thường xuyên nói một đàng làm một nẻo khi ông được mời phát biểu về quan hệ Việt Nam Trung Quốc sau chuyến thăm Hà nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa qua.
Không thể phủ nhận rằng tâm trạng nghi ngại đó của nhiều người Việt như Giáo sư Huệ Chi, giáo sư Thế Hùng là xuất phát từ quan hệ đầy gai góc của hai quốc gia qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhưng nay cái nhìn ấy chắc chắn là còn xấu hơn nữa trước động thái 100.000 đô la của Trung Quốc sau bão Hải Yến, giữa mùa lễ Tạ ơn.
Thế giới đã trở nên nhỏ hẹp hơn, dân tộc này phụ thuộc vào dân tộc kia, sự phát triển của Trung Quốc chẳng lẽ lại không dựa vào nguồn vốn của phương Tây và Nhật Bản, vào nguồn nguyên liệu dồi dào của châu Phi?
Từ khi cảm thấy mình đang lớn mạnh, và thường xuyên có sự cạnh tranh với Hoa Kỳ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ nên hành xử có trách nhiệm hơn. Sau khi sự việc 100.000 đô la xảy ra, nhà báo Fareed Zakaria của kênh truyền hình CNN tự hỏi rằng việc gì chứng tỏ trách nhiệm trước Thế giới hơn là cứu trợ nhân đạo?
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cn-hayen-n-softpower-kh-11222013143218.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001