Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Phan Chu Trinh - Pháp - Việt Liên Hiệp Hậu Chi Tân Việt Nam (1)

Phan Chu Trinh - Pháp - Việt Liên Hiệp Hậu Chi Tân Việt Nam (1) 



Dân Luận: "Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam" (hay Nước Việt Nam Mới sau khi Pháp - Việt liên hiệp) là tác phẩm của Phan Chu Trinh còn ở dạng bản thảo chưa hoàn chỉnh, được viết vào khoảng 1913-1914. Trong tác phẩm này người ta có thể thấy Phan Chu Trinh phê phán con đường bạo động của Phan Bội Châu rất dữ dội.
Những phê phán của ông nếu suy rộng ra có thể áp dụng được cho cả con đường cách mạng của Hồ Chí Minh. Và giờ đây, khi Việt Nam tiếp tục đi tìm con đường tiến tới văn minh và dân chủ, phải lựa chọn giữa bạo động và bất bạo động, những quan điểm của Phan Chu Trinh vẫn tiếp tục còn giá trị. Chúng ta nghe văng vẳng đâu đây lời của ông, như thể ông đang bàn về thời sự Việt Nam năm 2013 vậy!
Dân Luận xin gõ lại tác phẩm này từ Tuyển Tập Phan Chu Trinh (tập III), do Nhà Xuất Bản Đà Nẵng xuất bản năm 2005 để giới thiệu tới độc giả.

1. Lịch sử giao thiệp của dân tộc Việt Nam[1] với Trung Quốc

Nước Việt Nam ta ở hơi về phía nam của Á Đông. Địa hình một dải hơi dài. Lấy toàn hình thế của Á Đông mà nói thì Trung Quốc là nửa trên của thân người, còn Việt Nam thì như tay mặt buông xuống. Dân tộc ta, vài ngàn năm trước, tự sinh tự nảy nở ở lưu vực hai bên Tản Viên Nhĩ Hà [2], như người trong nguồn đào [3], không biết có đời Hạ đời Thương, không kể tới nước Đường, nước Lỗ[4,5]
Từ khi Tần Thủy Hoàng [6] lấy cái chí bao quát vũ trụ, cái dư oai thống nhất sáu nước, cuộc chiến mở rộng, trời long đất lở, mới đem đất đai, nhân dân xưa gọi là Giao Chỉ [7], nay gọi là năm tỉnh Bắc Kỳ do tổ tiên xa xưa của dân tộc ta đã tất bật lam lũ, gian nan cùng quẫn để xây dựng, mở mang, lấy làm căn cứ, mà đặt dưới quyền lực thống trị của Trung Quốc. Từ đó, đã được hơn một ngàn năm trăm năm.
Cảm tình, thủ đoạn của dân tộc ta đối với thời bấy giờ thì như thế nào? Tuy từ lúc bấy giờ dân tộc ta vừa thoát khỏi trình độ dã man, mới dựng hình thức sơ khai của quốc gia, chẳng biết cái chủ nghĩa dân tộc mà ngay nay châu Âu nói nhiều, nhưng cái chủ nghĩa dân tộc vốn có gốc ở tính Trời, không kể là dã man, là bán khai, là văn minh, nói chung đều có đặc tính ấy. Tổ tiên ta, không biết mấy ngàn, trăm năm năm nay đã tất bật lam lũ gian nan cùng quẫn để xây dựng, mở mang, lấy làm căn cứ cho có nơi trú ẩn. Cũng là muốn ta tự sinh tự nẩy nở cho tới con tới cháu, rồi con cháu cũng làm như vậy; rồi từ nay về sau con cháu ta được ca ở đó, khóc ở đó, tụ tập ở đó, sinh trưởng ở đó. Nhưng do ý nào, từ hai bên lưu vực sông Hoàng Hà, Dương Tử [8] Trung Quốc đã lấy không biết bao dân tộc nào mà cậy mạnh hiếp yếu, tham lam không chán, vô cớ mà xâm chiếm đất nước người ta, vô cớ mà tàn sát sinh mạng người ta, vô cớ mà trói buộc nhân dân người ta, vô cớ mà bóc lột máu mỡ người ta [9]. Ví như trong một nhà, bọn người tham lam cậy sức mạnh đoạt bát canh chén cơm của người nghèo yếu, ăn tươi nuốt sống, nhậu nhẹt no nê, ngất ngưởng cao ngồi, hát ca phè phỡn; mà con em trong nhà thì ru rú ở một góc, đặt giấu ở trong ngôi nhà tối, roi vọt không đoái, hát khóc không nghe, đói lạnh không hỏi. Than ôi! Con người không phải là gỗ đá, tính ấy làm sao chịu nổi? [10]
Dân đời trước của Tổ quốc ta lúc bấy giờ cũng quật cường vĩ đại, trăm lần bẻ không cong, chẳng như một động vật ngu si không xương, không máu, không não, khí, gân. Cho nên các thủ đoạn đối đãi cũng rất kịch liệt: Hoạc khi nó lành thì ta phục tùng, khoặc khi nó dữ thì ta phản đối, khi ta thua thì nó ra tay chém giết chẳng chịu buông tha, khi ta thắng thì máu sông xương núi lấy đó báo phục. Tuy nó từ cao xuống thấp như thế vạc ba chân, lấy lớn hiếp nhỏ như hình đá chọi trứng, khiến ta không thể thoát ngay sự ràng buộc, và nó lấy cớ lớn mạnh trị ta quá dữ, kềm ta quá gắt, cách mệnh nổi lên luôn, giết hại quá nhiều, mà cảm tình oán hận được nung đúc trong não quốc dân không thể phá được, càng truyền càng lớn, càng thịnh. Nhưng dân tộc ta cũng càng lấy đó mà khuyến khích đặc tính, nuôi dưỡng tinh thần, ngầm dựng thế lực, không chịu khuất phục, càng thêm gắng gổ, thề lấy mạng sống lấp nơi đồng ruộng, lấy máu đỏ bôi cả núi sông, để bày ra cái cảnh đau buồn sống động rất thảm rất mạnh, với dân tộc Trung Quốc ngàn trăm lần to lớn không thể sánh, cùng nhau xung đột đua tranh trong cảnh thiên diễn ưu thắng liệt bại này. Nó chết ta sống; nó tiến ta lùi. Kể từ sau trước được trên ngàn năm, nó cũng không làm gì được ta là vì sao? Rốt cuộc do cái loạn thời Ngũ quý [11], lúc giao thời của Chu Tống [12], binh lực không sửa sang, roi dài chẳng với tới, mà quân cách mệnh của Đinh Tiên Hoàng, với trống tự do, cờ độc lập, bỗng nhiên xuất hiện ở động Hoa Lư. Và cùng với đặc tính và giá trị dân tộc của Nam Việt ta, vào lúc ấy đã xuất hiện khẩu hiệu ngàn năm trước đây.
Ôi! Xứ Giao Chỉ con con, một vùng đất nhỏ không bằng một huyện lớn, mà xem nó ngang hàng, muốn đuổi nó đi. Mấy vạn của dân tộc hùm sói Trung Quốc, không đoái hoài đến văn minh hay dã man, không kể mạnh yếu, liều chết mà giành, không chịu lùi một chút, cuối cùng có thể thắng được, giành giật sinh tồn cho đến ngày nay, ngang nhiên là một nước lớn ở phương nam! Than ôi! Trời thương chăng? Thần giúp cho chăng? Không thể bàn bạc được, không thể quy công cho ai. Thì lớn lời nói: Đó chỉ là đặc tính trầm nghị kiên nhẫn, độc lập bất khuất của dân tộc đời trước của Tổ quốc ta mà thôi! [13]
Dân tộc ta, ngàn năm trước đây đã có cái đặc tính vĩ đại kia, như lấy học thuyết hoạt bát ngày nay của Châu Âu phê bình khuyến khích làm cho lớn mạnh, mở mang tìm tòi làm cho rạng rỡ, thì tiền đồ dân tộc ta tốt lắm thay! Chẳng ngờ từ đó càng về sau lại càng quá lắm, càng diễn ra lại càng sai. Đã lầm ở thuật cai trị, lại lầm về văn học, về ngoại giao, chìm chìm đắm đắm cho đến ngày nay rơi xuống vực, không thể tự kéo lên. Ôi! Đó là lỗi của ai? Lỗi của ai?
Đinh Tiên Hoàng đã sáng lập sự nghiệp vĩ đại muôn đời nghìn thuở kia, bên trong chỉ trông vào thế lực nước mình làm chính. Như bọn nó cuốn đất mà lại, thế của ta không có gì mà chống, do đó mới có thủ đoạn ngoại giao để làm phương châm đối phó: giáo mác vừa yên, ngọc lụa lại tới. Một là để gỡ mối nhục của kẻ kia mất đất, hai là để giấu cái oai đắc thắng của ta, khiến cho cảm tình được mất của dân tộc hai nước đều tiêu tan trong cảnh vuông tròn của nơi hội họp thề bồi; khiến cho ta có thể thung dung ngày tháng kết hợp đoàn thể, sửa sang binh bị, thi hành thuật trị dân, sắp đặt chính phủ để xác định cơ sở dựng nước. Than ôi! Dân đời trước của Tổ quốc ta có bàn tay khéo léo, nhãn quan sâu sắc, quy mô xa rộng, thật là đáng ca, đáng thán, đángk ính, đáng yêu, đáng sùng bái, chẳng còn gì hơn thế nữa. Những điều ấy thật là nhà bát cổ [14] đời sau đi đứng theo phép tắc, giá áo túi cơm, khó mà mơ thấy được. Thế thì phải chăng dân đời trước lấy đó làm công tích mà đời sau lại lấy đó làm bại vọng, thì thật buồn lắm thay [15]...
Từ đó mà Tiền Lê, mà Lý, Trần, Lê cho tới triều ta [16], đều lấy chính sách đó để đối phó với Trung Quốc, tức là kế viễn giao cận công [17]. Cho nên không có mối lo ngóng về phương Bắc, nhân đó lấy binh lực làm việc ở phương Nam và diệt Chiêm Thành [18], lấy Chân Lạp [19]. Dân tộc ta lấy sức bên trong mà bành trướng, mới sinh sôi nảy nở ở một vùng duyên hải phía Nam, mà Cao Miên, Ai Lao [20] đều ở dưới thế lực của dân tộc ta, đến nay chiếm được một mảnh quốc thổ trên bản đồ địa cầu, đều nhờ vào chính sách ngoại giao ấy [21].
Không ngờ đời sau hiểu lầm điều quan sát ấy, chỉ cậy bên ngoài, binh bị không giảng, nội chính không sửa sang, cho ngọc lụa quý hơn thành trì, lấy ỷ lại làm điều phải của nước; còn Trung Quốc nhân đó mà tới, mang bộ mặt giả dối để thầm lén làm điều âm hiểm. Cho nên bọn Minh lúc đầu thì lấy tiếng khôi phục nhà Trần để biến nước ta thành một huyện, cuối cùng thì giúp nhà Mạc làm loạn, ủng hộ bề tôi giặc của người; Thanh thì giả đò giúp vua Lê mà thầm làm việc chiếm cứ, binh thua xấu hổ, bắt giam vua tôi ép buộc cắt tóc, chẳng có lương tâm gì. Trên dưới một ngàn năm, khiến người nổi giận khôn cùng. Đến thời cuối triều ta, nhìn kỹ chẳng thấy, còn theo vết xe đổ, không nghĩ đến tự lập, gặp gỡ Bắc Triều, kêu gào chạy vạy, cậy vào như non Thái; bỗng gặp giặc Pháp mạnh, phải vứt khí giới mà trở về. Không như vậy, lại sợ hùm nịnh sói, bị người chà đạp còn dâng thịt cho ăn, nói mà đau lòng.
Ngày nay, có kẻ danh sĩ trong nước, tự phụ yêu nước, chẳng biết đem hết sức ở trong mà đề xướng quốc dân, không có phương châm gì, chạy bậy ra nước ngoài, như sư tử ngủ mê không có sức, tô vẽ non sông để theo kẻ quyền mạnh, nói năng bậy bạ, không để ý tới lợi hại, kíp muốn mời một nước thứ ba miệng Phật lòng rắn, chẳng có đạo người, đem cả tính mệnh mà giao kết cho thì sau mới thấy làm thích [22]. Chẳng biết rằng nước kia đã không có sức thì để đó không hỏi, còn nếu nó đã có sức thì đợi gì ta cầu. Thử xem Triều Tiên, liên Nga liên Nhật, đảng phái rộn rịp, rốt đến ngay nay giết hoàng hậu cầm ngục vua, tù tội liên miên, chém giết không thôi [23]. Cầu đã được đó, lợi thì ở đâu? Lại không như dân trí nước ta chưa mở mang, ỷ lại thành tính, anh chột xướng lên, anh mù hưởng ứng như sấm, khác nào những con ngài bay vòa lửa, vứt bỏ cả tính mạng, thành cháy vạ lây, người trong nước vì tội gì mà chịu sự thảm độc ấy?
Than ôi! Tính căn ỷ lại mấy trăm năm chưa phá bỏ, thì tính mạng của hai mươi triệu người ngu dại làm sao còn đến ngày nay? Thế mà còn chẳng xác định đem hết sức mưu sự sống còn, còn phân vân chưa quyết, thúc giục mà không đi tới. Tôi sợ vài chục năm sau, ắt có kẻ bát cổ biến tướng [24] tự gọi là yêu nước, nắm lấy cái thuyết Trung Quốc từng bảo hộ nước ta dựng nên bức tường thành, lấy làm tiền đề để kêu gọi quốc dân. Mà quốc dân ta chìm đắm đã sâu, mê mộng chưa tỉnh, nghe thuyết ấy thì liều chết khôi phục. Nhưng hai kẻ thua đều bị thương, chỉ khiến cho người khác ngồi hưởng cái lợi của ngư ông. Ngoài nhìn về sau vời vợi, sống chết như treo trên sợi tóc. Cơ hội một khi đã qua đi, thì không trở lại.
Hỡi người nước Đại Pháp, là dân tộc lớn tiên tiến của châu Âu! Thương ghét không chừng, dễ như trở bàn tay, các người có thể suy tấm lòng nghĩa hiệp bác ái kia mà cho người Nam chúng tôi một nẻo đường sống hay không? Hỡi người Nam ta, cần phải bỏ cái tính ỷ lại Trung Quốc mới có thể sống còn trên thế giới của thế kỷ hai mươi. Trầm ngâm thẫn thờ, râu tóc thưa dần. Than ôi! Tuy không muốn nối nhưng không nói làm sao được? [25]

2. Lịch sử giao thiệp giữa nước Nam và nước Pháp

Nước Pháp từ khi bắt đầu giao thiệp với nước Nam cho đến hiện nay đã trên 60 năm. Tựu trung chia làm hai thời kỳ: Một là thời kỳ thế lực phạm vi, hai là thời kỳ thế lực xác định [26]... Và chính sách, phương châm cũng tùy lúc mà thay đổi.
Thời kỳ trước thì dùng chính sách nâng đỡ mở mang; thời kỳ sau thì dùng chính sách thống trị chuyên chế... [27]

3. Đặc tính tự tôn và tự ti, đặc tính ỷ ngoại và bài ngoại

Có người hỏi tôi rằng: "Cuộc dân biến ở Trung Kỳ năm Mậu Thân [28] và binh biến ở Bắc Kỳ do đâu mà có?".
Xin nói: Nước Pháp từ khi đến nước Nam tới nay đã hơn sáu mươi năm. Trước khi thế lực của họ chưa xác định, trên thì có sự chống đối của triều đình, giữa thì sau khi thế lực cần vương của các tỉnh đã xác định, ngoài thì Thiên-binh của Bắc Kỳ, trong thì nổi dậy ở Quảng Nghĩa, giặc Liêm ở Bình Định, Nguyễn Trứ ở Phú Yên, tuy danh có chính và bất chính, việc có lớn nhỏ, người phát khởi có phân biệt học thức và ngu xuẩn, kết cuộc có phân biệt kéo dài hay mau định, nhưng nói tóm lại việc lợi hại không liên quan đến đại cuộc, không đủ để bàn sâu.
Đến như việc ngày nay, tuy tư tưởng rất đơn giản, kiến thức rất non nớt, thủ đoạn rất dã man, trạng thái rất đáng giận, mà nguyên do được mất ly hợp của Pháp, Việt chỉ do đó mà ra. Lặng nhớ cái đã qua, xét kỹ cái sắp tới, ngoài thì trông xu thế của Á Đông, trong thì xét tiền đồ của dân tộc, hang kiến làm vỡ đê, góp lông làm gãy trục xem cái nhò mà biết cái lớn, nắm cái một mà quán xuyến tất cả, đó là vấn đề rất thú vị, rất có giá trị để nghiên cứu [29]. Chớ có thấy nhỏ nhặt mà khinh, chớ có thấy không đủ khinh trọng mà coi làm dễ. Khách có thích nghe lời tôi, thì mời ngồi.
Phát khởi việc này, có nguyên nhân xâu xa, nguyên nhân gần, nguyên nhân chung, nguyên nhân riêng, nội dung rất phức tạp, hiện tượng rất mờ ảo, nếu không lấy cái thân hiếu sự, cái tính mạo hiểm, không kể sống chết đem thân vào đó mà xét rõ bên trong, thì cũng không biết được. Nếu không lấy con mắt sắc bén, cái lòng công bình, xa thì xem lịch sử của dân tộc, gần thì xét thời cuộc hiện nay, cũng không biết được. Nếu chỉ xem hiện tượng, không xét nội dng, nhận nguyên nhân gần thành nguyên nhân xa, lầm nguyên nhân riêng thành nguyên nhân chung, nắm cái nhỏ bỏ cái lớn, nhận hình thức không cầu cái tinh thần để rồi thung dung nói là biết; lấy đó mà xét việc biến, thì không những dối người mà lại là tự dối mình; lấy đó mà đối phó, không những vô ích mà hại rất nhiều.
Tục ngữ nói: "Cởi chuông lại là người buộc chuông" [30]. Tôi là người trong cuộc, xin nói về việc trong cuộc.
Nguyên nhân xa, nguyên nhân chung: Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đắc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó có sẵn ở quốc dân, trong não mọi người. Mỗi cái nhân thời thế, địa vị của nó mà phát hiện, rồi trong khi phát hiện lại đều đi tới cực đoan, lại khi đã tới cực đoan, mỗi cái đều giữ lý do, chuyên cậy vào tập quán, lợi hại đều bị che lấp không thấy.
Lịch sử của việc này, thật là lịch sử nguy hiểm gian nan của một đời tôi, cũng là cái công án về công hay tội, thành hay bại của đời tôi. Tự chạm vào kỵ húy, chẳng ngại hiềm nghi nhiều. Được người trong nước hoan nghênh cùng thóa mạ cũng rất gắt. Tự tin rất sâu, tự gắng sức rất nhiều. Nhưng tự đưa thân vào lưới bẫy cũng rất dữ. Bởi vì tôi thật là người có quan hệ nhất với đầu đuôi việc ấy. Nhưng nói tóm lại, những người yêu tôi, ghét tôi, nghi tôi, tin tồi, muốn tôi chết, cho tôi sống đều là không biết tôi. Than ôi! Tuy chẳng nói, nhưng làm sao không nói được!
Quan lớn hai nước thẩm xét nguyên nhân việc này và cách xử trí: Việc dân vừa mới nổi lên. Việc xảy ra, thì hoảng hốt vội vàng không kịp lo toan. Nước bảo hộ một mặt lấy binh lực đàn áp, một mặt hễ người nào bị nghi có thuộc vào án đó, thì đều đem xử tử hoặc đi đầy, không sót một ai. Đó cũng là xử trí trong khi nguy cấp, là biện pháp bất đắc dĩ. Sau khi việc đã yên, quan lớn hai nước hội nghị, xét nguyên nhân gây nên việc biến ấy, đại lược nói: Dân nước Nam là dân rất thuần phục, rất dễ trị; cũng là kẻ yêu nước Pháp. Người gây ra, chẳng qua là một vài thân sĩ bất đắc chí khiêu khích mà nên. Còn về thủ đoạn bố trí, thì như trong sách Việt sử giám Hoàng tướng công [31] gọi là bố trí bên ngoài và bố trí bên trong. Do điều quan sát đó, cho nên phương pháp đối đãi đều dựa vào đó mà lấy phương châm xử trí.
Chính sách của đảng xử trí ở nước ngoài: Người đại biểu cho sự bố trí đảng nước ngoài là Phan Bội Châu. Ông ấy ôm lấy chủ nghĩa phục thù cực đoan, to gan lớn mật đứng ở địa vị phản đối nước Pháp [32]...

4. So sánh chỗ mạnh yếu, được mất, đồng dị giữa dân tộc ta và dân tộc Trung Quốc

Chỗ đồng dị, được mất về ngoại hoạn [33] của Việt Nam và Trung Quốc cùng chính sách đối phó. Trung Quốc ở vào phía giữa Á Đông. Bọc quanh phía nam đều là các nước nhỏ. Tuy có sự nổi loạn, nhưng không đủ là mối lo; ngoại hoạn thường nổi lên ở phía bắc. Ấy là Hiểm Doãn đời Chu, Hung Nô đời Tần Hán, Đột Quyết đời Đường, Khiết Doãn đời Ngũ quý, Liêu, Kim, Nguyên đời Lưỡng Tống, tiên Mông Cổ đời Minh. Cho nên từ đầu cho đến cuối dân tộc Trung Quốc đều lấy việc đối phó với kẻ địch phương bắc làm vấn đề lớn nhất xưa nay.
Nước Nam ở vào phía nam Á Đông. Bọc quanh phía Nam đều là các nước nhỏ. Tuy có sự nổi loạn nhưng không đủ là mối lo; ngoại hoạn thường nổi lên ở phía bắc. Như từ Đinh Tiên Hoàng về trước đều bị Trung Quốc chinh phục; và Ô Mã Nhi của quân Nguyên vào cuối Trần, Tôn Sĩ Nghị của quân Thanh vào cuối Lê. Cho nên dân tộc nước ta từ đầu đến cuối lấy việc đối phó các nước phương bắc làm vấn đề lớn nhất xưa nay. Đó là chỗ giống nhau.
Riêng Trung Quốc đánh nhau với các rợ phương Bắc thì từ đời Đường về trước, Trung Quốc thường thắng mà các rợ phương Bắc thường bại; còn từ đời Ngũ quý về sau, Trung Quốc thường bại mà các rợ phương bắc thường thắng; Bắc Kinh bị tàn phá trên một ngàn năm là vốn như vậy đó [34]. Rồi trước thì bị Nguyên chinh phục trên 100 năm, nay thì bị Thanh chinh phục trên 200 năm, ấy là chỗ yếu của họ.
Nước ta, thì từ Ngũ quý về trước [35], nam thường bại mà bắc thường thắng; từ Tống về sau, bắc thường bại mà nam thường thắng; Đinh Tiên Hoàng chỉ một đạo quân mà giành độc lập, Lý Thường Kiệt sang lấy châu Khâm, châu Liêm là vốn như vậy đó. Rồi trận đánh ở sông Bạch Đằng của Trần Quốc Tuấn, quân ở Chi Lăng của Lê Thái Tổ, thắng trận của Nguyễn Quang Trung ở Đống Đa, ấy là chỗ mạnh của ta. Đó lại là chỗ khác nhau.
Trung Quốc trên dưới 3000 năm, đã lấy việc ngoái về phía bắc làm một vấn đề lớn, cho nên chính sách đối phó của họ, từ Hán, Đường về sau đều lấy sự hòa thuận kết thân, lấy vàng lụa làm biện pháp chính của ngoại giao [36]. Rồi họ Thạch đời Tấn cắt đất xưng làm con. Nam Tống cắt đất thờ người Kim. Xưng làm tôi, làm con, ấy là chỗ yếu của họ.
Nước ta cũng lấy việc ngoái về phía Bắc làm một vấn đề lớn, cho nên chính sách đối phó từ Đinh, Lê về sau là lấy việc nạp cống, thụ phong làm biện pháp chính của ngoại giao [37]. Như Trung Quốc xưa gọi ta là phiên thuộc [38], là bề tôi nước ngoài là vậy. Tuy nhiên vua của các triều đều không lấy việc Trung Quốc sách phong làm vẻ vang, chỉ vào thời suy vong mới coi làm trọng, ấy là chỗ mạnh của ta [39].
Riêng Trung Quốc là nuớc lớn thường khổ vì các rợ phương bắc, không biết tự cường, yếu hèn không sửa sang lại được, lấy hòa thân, vàng lụa làm biện pháp chính, hàng năm phí tổn hơn một tỉ [lạng], mà Trung Quốc đến nay rốt cuộc vẫn chìm đắm, đó là chỗ mất của họ.
Nước ta vốn là một nước nhỏ thường khổ vì phương bắc. Khổ thì phải tự cường, gắng gổ độc lập. Tuy nạp cống thụ phong, là biện pháp chính, nhưng chưa từng xưng cháu xưng con với Trung Quốc, sở phí hàng năm không quá trên dưới vài vạn. Quăng đi số ít ấy, để làm kế viễn giao cận công, được đem hết sức ở phía nam mà diệt Chiêm Thành, lấy Chân Lạp, mở đất mấy ngàn dặm, đến nay ngang nhiên là một nước lớn ở phương nam, đó là chỗ được của ta, đồng thời cũng là chỗ khác nhau.
Xét thêm: Những điểm giống nhau giữa nước ta và Trung Quốc khá nhiều. Nhưng trong chỗ giống có chỗ khác, trong chỗ khác có chỗ giống, nếu không lấy lòng tinh tế mà tìm thì không thấy. Như ở Trung Quốc, sự nghiệp thống nhất của các đế vương đều nổi lên ở bắc, không có ai nổi lên ở nam. Riêng Hạng Vũ đem 3000 đệ tử nổi lên ở Cối Kê [40], hoành hành ở Trung Quốc, thống nhất chư hầu, chưa đến một đời mà đã thua. Minh Thái Tổ nổi lên ở nam, thống nhất Trung Quốc, làm nên nghiệp đế, chưa được hai trăm năm mà Trung Quốc đã mất vào tay nhà Thanh. Nước ta, xưa nay sự nghiệp thống nhất của các đế vương đều nổi lên ở bắc không ai nổi lên ở nam. Riêng vua Quang Trung lấy áo vải nổi lên ở Quảng Ngãi [41], thống nhất nước ta, chưa đến 2 đời thì mất. Đến vua Thế Tổ triều ta nổi lên ở Nam, thống nhất nước ta, làm nên nghiệp đến chưa đến 100 năm, thì nước ta bị Pháp lấy. Đó là nhìn chung. Xét nước ta học văn học của Trung Quốc cho nên sùng bái quá sâu, bắt chướng quá nhiều có khi mất cả chân tướng của mình. Như triều Thanh nổi lên ở các rợ phía bắc, mà có sự phân biệt trọng khinh giữa người Mãn với người Hán; triều ta nổi lên ở phía nam, mà có điều lầm là xem nam bắc khác nhau. Đó là cái ngu quá sức của kẻ bắt chước Tây tử nhăn mày [42].
Chỗ dị đồng, được mất giữa bài ngoại và ỷ ngoại của Trung Quốc cùng nước ta. Trung Quốc có đất nước muôn dặm, có mấy trăm triệu dân, khổ vì các rợ ở phương Bắc, không biết làm sao, đến nỗi phải đem gả công chúa cho chúng [43]. Mỗi năm đem cống cho người phương Bắc, tốn hàng năm về vàng lụa tới hơn một tỉ lạng [44], sau rốt cuộc cũng bị Kim, Nguyên, Thanh lấy. Triều Tống bị rợ bắt áp bức: Khấu Chuẩn tại Thiền Uyển, Khánh Nguyên tại Thái Thạch, Nhạc Phi say mèm ở Hoàng Long... xem với sự thắng trận ở Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo Vương, với chiến công ở Chi Lăng của vua Lê Thái Tổ, với chiến tích ở Đống Đa của vua Nguyễn Quang Trung, thì như thế nào? Phú Bật vốn là sứ giả nước lớn, không biết thừa cái oai của chiến thắng lại để bị chịu thua, đến nỗi mất vàng lụa hàng vạn, chỉ biết giành hai chữ hiến nạp mà về, cái ngu của ngoại giao thật là quá lắm. Xem với Mạc Đĩnh Chi của ta phá màn để đáp lại, làm nhục người Tàu, thì như thế nào?
Xem vào đó, thì dân tộc nước ta với dân tộc Trung Quốc ai hơn ai kém, ai thắng ai bại cũng rõ lắm vậy.
Không như nước ta, từ khi hấp thụ văn minh Trung Quốc không phân biệt tốt xấu, cái gì cũng thâu vào, lựa chọn không tinh, được không bù mất. Thậm chí trong phép lấy kẻ sĩ, về nghề riêng của kinh truyện thì không nói, ngay về văn sách [45], cả một bài lớn đều hỏi những việc trong sử Trung Quốc, đến như sử nước ta, chẳng qua chỉ hỏi sơ vài câu mà thôi. Cho nên sĩ phu đua nhau học sử Tàu, đến nỗi khiến cho sĩ phu của nước, đối với những việc, những người không đáng gì trong sử Tàu, cho đến tên người, tên đất, núi sông, làng xóm, đều sao chép nhớ đọc, lượm lặt không sót; còn hỏi đến tên tuổi vĩ nhân, núi cao sông rộng của nước nhà, thì trương mắt mà ngó, không thể đối đáp, rốt cuộc mất hẳn tướng mạo xưa nay, có khi tự coi là người Trung Quốc, là người văn minh, lừa đội lốt hổ, hiêu hiêu tự cho là lớn, vàng thau lẫn lộn, bơ vơ không chỗ mà nương.
(còn tiếp)
__________________________________
[1] Việt Nam: Trong di cảo, tác giả dùng từ Việt Nam, không dùng từ An Nam. Có nơi dùng từ Nam Quốc (thay cho Việt Nam), thì chúng tôi dịch là "nước Nam" hoặc dùng từ Nam Việt để chỉ Việt Nam thời cổ đại (Triệu Đà hoặc sau đó).
[2] Tản Viên Nhĩ Hà: "Tản Viên": Ngọn núi cao ở Bắc Bộ, thuộc tỉnh Sơn Tây, tục gọi là núi Ba Vì. "Nhĩ Hà": Cũng gọi là Nhị Hà, tức sông Hồng, con sông lớn nhất Bắc Bộ.
[3] "Nguồn đào": Đời Tấn, tại huyện Vũ Lăng, có ông chài chèo thuyền dọc theo khe, thấy có hoa đào trôi trên mặt nước, nghĩ thầm chắc ở đây có dân cư. Thuyền đi mãi, qua đến một nơi có người ở khá đông, ăn mặc theo lối đời nhà Tần. Hỏi thì họ bảo lánh nạn hà khắc của Tần Thủy Hoàng di cư đến đây đã được mấy đời rồi. Ngư phủ chèo thuyền về thuật chuyện lại với mội người, nhưng sau trở vào tìm lại chốn cũ không được nữa. Người ta ngỡ ông chài ấy đã lạc vào cảnh tiên.
[4] Nc: "Xét người nước ta, tuy cùng là giống da vàng, nhưng tự sinh tự phát triển riêng ở phía nam Á Đông, giao thiệp gần gũi với Trung Quốc, thật từ đời Tần, Hán. Từ đó hai giống giao dịch, mới trở thành dân tộc hiện nay nhưng nói rút lại thành một thứ tình đặc biệt phát hiện trên lịch sử không thể tiêu diệt.Riêng với các sử gia hàng ngàn năm sùng bái Trung Quốc vàng thau lẫn lộn, phụ hội vá víu mà phát biểu đặc tính của dân ta, gây ra tính căn ỷ lại, thì nước ta không thể làm được. Xem Trung Quốc là cha, cam chịu làm con, đọc lên khiến người chìm đắm tính linh, nuôi thành thói quen ỷ lại. Nếu không lấy con mắt sáng suốt mà xem, thì không thấy từ nay về sau phải đem những sự vẽ vời vô vị ấy mà xóa sạch đi." (Chú thích của tác giả - Phan Chu Trinh - trước có đề chữ NC và đặt ở tầng trên).
[5] Nước Đường, nước Lô: Di cảo chép "bất tri hữu Hạ Thương, vô luận Đường Lô", chúng tôi dịch như trên. "Đường" là tên một triều đại trong lịch sử Trung Quốc, những cũng chỉ nước Trung Quốc. "Lô": Chúng tôi chưa hiểu tác giả chỉ nước nào.
[6] Tần Thủy Hoàng: Ông vua nhà Tần (cuối thế kỷ thứ III trước công nguyên) đánh đổ sáu nước thời Chiến Quốc mà thống nhất Trung Hoa, bỏ chế độ phong kiến, xây dựng Vạn lý trường thành, làm ổng tổ chuyên chế ở phương Đông.
[7] Giao Chỉ: Tên cũ của nước Việt Nam, phần Bắc Bộ bây giờ.
[8] Sông Hoàng Hà, Dương Tử: Hai con sông lớn nhất ở Trung Quốc, Hoàng Hà ở miền Bắc và Dương Tử Giang ở miền Nam
[9] Nc: "Xét của cải mà lúc bấy giờ Trung Quốc lấy cuả nước ta, đều là đem về làm của riêng cho bọn quân chủ. Không như các nước văn minh châu Âu bấy giờ, lấy của cái nước ấy để sắp đặt việc nước ấy; nếu không đủ thì tăng tiền vay của cái nước mẹ để giúp thêm cho. Người đọc chớ lầm".
[10] Nc: "Xét Trung Quốc lấy nước ta, không như châu Âu bây giờ, nhân sự nghiệp thực dân mà dấy lên, chẳng qua là do dã tâm của bọn quân chủ".
[11] "Ngũ quý": Quý: cuối: năm đời cuối. Thời kỳ trong lịch sử TQ, ở vào tiền bán thể kỷ thứ X, tiếp sau triều đại nhà Đường. Gồm năm đời cuối là Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu.
[12] Lúc giao thời của Chu Tống: Lúc giao thời của nhà Hậu Chu và triều Đại Tống (960-1278)
[13] Nc: "Xét nước ta thời xưa cùng với Quảng Đông, Quảng Tây hợp làm một nước. Có tên Việt Nam là từ sau khi bị Trung Quốc chinh phục. Hai tỉnh kia mất vào tay Trung Quốc, dân tộc ta chỉ lấy một dải đất Giao Chỉ trước sau chống lại Trung Quốc, cuối cùng tự lập riêng thành một nước. Ta không thể bàn bạc được, tìm nguyên nhân độc lập thì rất nhiều".
[14] "Nhà bát cổ": "Bát cổ": tám vế, tám đoạn: là lối văn có tám đoạn đối nhau, dùng trong thời khoa cử, để làm các bài "kinh nghĩa". Ở đấy các nhà bát cổ chỉ các nhà nho hủ lậu, gò bó chỉ biết theo khuân phép xưa cũ.
[15] Nc: "Xét nước ta các đời thụ phong với Trung Quốc chỉ là chính sách ngoại giao, cho nên coi là trò chơi, không coi là vẻ vang. Kẻ lấy Trung Quốc làm ỷ lại, ắt là vào thời cuối: vua nhác, tôi nịnh, binh bị không sửa sang, coi như cha mà quên điều nanh ác. Thời cuối đời Trần, Lê đều có, mà triều ta lại càng nhiều. Cho nên sứ thần ngày xưa phần lớn lấy việc làm nhục người Trung Quốc làm vinh dự. Những kẻ đi việc sứ đời sau lấy việc làm được một bài thơ, bài văn, một lời than, tiếng cười của sĩ phu Trung Quốc trở về để khoe khoang với bạn bè làm vẻ vang. Mặt này lại là một điều suy sút của sĩ phu nước ta".
[16] Triều ta: Di cảo chép "bản triều", chỉ triều Nguyễn
[17] Viễn giao cận công: Xa thì giao thiệp, gần thì đánh.
[18] Chiêm Thành: một nước xưa ở suốt dọc các tỉnh miền Trung ngày nay, sau bị nước ta tiêu diệt, nay chỉ còn sót ít làng ở tình Bình Thuận mà thôi.
[19] Chân Lạp: Một nước xửa ở phía nam tỉnh Bình Thuận, phía giáp biển gọi là Thủy Chân Lạp, tức Nam Bộ bây giờ. Phía tiếp núi gọi là Lục Chân Lạp, tức Campuchia bây giờ.
[20] Cao Miên, Ai Lao: Tức Campuchia và Lào bây giờ.
[21] Đó là Phan Châu Trinh nhìn theo quan điểm bành trướng lãnh thổ của các vua chúa phong kiến thời trước. Quan điểm bành trướng lỗi thời này, hiệ nay chúng ta không chấp nhận.
[22] Tác giả ám chỉ việc Phan Bội Châu sang cầu viện Nhật Bản.
[23] Sau chiến thắng Nhật - Trung ở Triều Tiên (1896), Nhật Bản đặt Triều Tiên dưới quyền bảo hộ của mình. Sau chiến thắng Nhật - Nga ở Lữ Thuận (1905), Nhật Bản sát nhập Triều Tiên, coi như một nước thuộc địa. Đến năm 1945, Triều Tiên mới độc lập.
[24] Kẻ bát cổ biến tướng: Kẻ học khoa cử bị biến chất.
[25] Nc: "Xét đoạn này nên đưa thêm vào hai nghĩa về học thuyết chính thuật mới đủ. Nhưng vì điều đó người trong nước phần nhiều có thể hiểu cho nên không nói làm gì".
[26] Thế lực phạm vi, thế lực xác định: Ta có thể hiểu "thế lực phạm vi" là thế lực chưa xác định.
[27] Trong di cảo, phần này dừng ở đây. Nguyên văn chỉ có 3 dòng.
[28] Cuộc dân biến của Trung Kỳ năm Mậu Thân: Tức là vụ nhân dân 11 tỉnh Trung Kỳ nổi lên xin xâu kháng thuế năm 1908 được Phan Châu Trinh kêu oan trong tập Trung Kỳ dân biến tụng thủy mạt ký.
[29] "Đó là vấn đề thú vị, rất có giá trị để nghiên cứu": Di cảo chép "thử vi tối hữu thú vị chi vấn đề dã, tối hữu nghiên cứu chi giá trị dã". Nếu theo từng chữ, thì phải dịch là "đó là vấn đề rất có thú vị, là rất có giá trị nghiên cứu". Chúng tôi chọn cách hiểu như trên.
[30] "Cởi chuông lại là người buộc chuông": Ngày kia sư Pháp Nhẫn hỏi đồ đệ: "Ai có thể cởi cái chuông nơi có con cọp được?". Ai nấy đều làm thinh, không thể trả lời. Vừa thấy Thanh Lương đến, Pháp Nhẫn hỏi lại câu ấy, Thanh Lương đáp: "Chỉ có người buộc chuông cởi được". (Chí nguyệt lục).
[31] Hoàng tướng công: Tức Hoàng Cao Khải, tác giả cuốn Gương sử Nam bằng chữ Nôm mà Phan Châu Trinh dịch là "Việt sử giám" ở trên đây.
[32] Trong di cảo, đoạn này dừng ở đây. Nguyên văn chỉ có một dòng.
[33] Ngoại hoạn: Những nối lo về giặc ngoại xâm.
[34] "Bắc Kinh bị tàn phá trên một ngàn năm là vốn như vậy đó": Di cảo chép "U-Yên luôn một thiên dư niên cố dã". Theo Mathews Chinese-English Dictionary thì U Yên là tên cũ của Bắc Kinh.
[35] Từ Ngũ quý về trước: "Ngũ quý": thời kỳ vào tiền bán thế kỷ thứ X, tiếp sau đời Đường. Di cảo vốn chép: "thiên niên tiền" (một ngàn năm trước, sau ghi thêm bên cạnh "ngũ quý dĩ tiền": chúng tôi dịch bốn chữ sau.
[36] Nc: Trung Quốc tuy cũng có lấy binh đánh dẹp, nhưng đều là đương nhiên của thời thế, không phải là sự thường.
[37] Nc: Nước ta cũng có lấy binh đánh dẹp, nhưng đều là đương nhiên của thời thế, không phải là sự thường.
[38] Phiên thuộc: Nước chư hầu, nước bảo hộ hoặc thuộc địa của một nước lớn.
[39] Sau câu này, trong di cảo, Phan Chu Trinh có viết thêm một câu nhưng đặt trong dấu [] như muốn bỏ đi. Câu ấy dịch như sau: "Việc cắt các châu đất của gian thần Hồ Hán Thương, việc hối lộ mờ ám đề cầu phong của lộng thần họ Trịnh là chỗ không thường, vốn như vậy đó".
[40] Cối Kê: Tên huyện: từ đời Tần về sau cho đến nay thuộc vùng tỉnh Chiết Giang và Tô Giang là hai tỉnh ở đông nam Trung Quốc.
[41] Quảng Ngãi: Ở đây, Phan Châu Trinh có sự lầm lẫn, vì anh em nhà Tây Sơn nổi lên ở tỉnh Bình Định, chứ không phải ở Quảng Ngãi.
[42] Bắt chước Tây tử nhăn mày: Di cảo chép "hiệu tần Tây tử", chỉ sự bắt chước vô ý thức. Thiên "Thiên vận" sách Trang Tử kể rằng khi có điều phiền muộn thì Tây Thi (người con gái đẹp) nhăn mày lại, trông lại càng đẹp thêm. Có người đàn bà xấu xí bắt chước nhăn mày khi phiền muộn thì người cùng làng hoặc trốn trong nhà, hoặc kéo nhau bỏ chạy.
[43] Nc: "Xét nước ta triều Trần cũng đem công chúa gả cho chúa Chiêm Thành. Nhưng đó là muốn được đất, không phải là bất đắc dĩ."
[44] "Hơn một tỉ lạng": Di cảo chép "Thiên bách dư vạn lạng" (hơn một ngàn trăm vạn lạng): đoạn trước cũng dùng con số này, nhưng không có chữ "lạng".
[45] Văn sách: Tên một loại bài thi ngày xưa, theo những câu hỏi trong đầu bài mà trả lời, như bài văn nghị luận ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001