Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Assange có cách nào để rời khỏi sứ quán Ecuador ?

Ông Julian Assange, tại sứ quán Ecuador (REUTERS /Chris Helgren)
Ông Julian Assange, tại sứ quán Ecuador (REUTERS /Chris Helgren)

Mai Vân
Trốn vào sứ quán Ecuador ở Luân Đôn từ ngày 19 tháng Sáu, đồng sáng lập viên WikiLeaks Julian Assange đã được quốc gia Nam Mỹ cấp cho quy chế tỵ nạn ngoại giao kể từ ngày 16 tháng Tám vừa qua. Tuy vậy, ông Assange vẫn không thể rời khỏi nơi đang trú ẩn – một cơ sở ngoại giao vốn được hưởng quyền bất khả xâm phạm – do việc cảnh sát Anh bao vây bên ngoài đã được lệnh bắt ông nếu ông ra ngoài khuôn viên sứ quán Ecuador.

Cách thức công khai hay kín đáo để giúp chủ nhân WikiLeaks thoát khỏi cảnh bị giam lỏng hiện nay không thiếu, nhưng không có biện pháp nào hoàn hảo. Kịch bản đầu tiên từng được chính quyền Anh Quốc tung ra, để rồi sau đó phải lẹo lưỡi cải chính : Đó là tung cảnh sát đột nhập vào Đại sứ quán Ecuador để bắt ông Assange.
Một đạo luật năm 1987 - Diplomatic and Consular Premises Act – cho phép Ngoại trưởng Anh, « trong một số trường hợp đặc biệt », bãi bỏ quyền bất khả xâm phạm của các đại sứ quán quy định trong Công ước Vienna năm 1961. 
Vương quốc Anh đã từng sử dụng đạo luật này một lần để trục xuất một số người chiếm ngụ Đại sứ quán Cam Bốt trái phép. Thế nhưng trong trường hợp chủ nhân WikiLeaks, Luân Đôn đã được chính giới chức ngoại giao của họ lưu ý là không nên lạm dụng quyền bãi bỏ tính chất bất khả xâm phạm của các cơ sở ngoại giao trên đất Anh, nếu không muốn là Đại sứ quán hay Lãnh sựu quán Anh Quốc ở các nước khác bị tước bỏ quy chế này. 
Trả lời nhật báo Pháp Le Monde, Sir Tony Brenton, cựu Đại sứ Anh tại Mátxcơva giải thích : « Nếu các chính phủ tùy tiện có thể bãi bỏ một cách tùy tiện quyền miễn trừ ngoại giao và đột nhập vào một đại sứ quán của nước khác, thì các nhà ngoại giao sẽ không tài nào làm việc được nữa ». 
Quyền miễn trừ ngoại giao  
Nếu cảnh sát Anh không thể tiến vào sứ quán Ecuador để bắt giữ ông Assange, thì bản thân nhân vật này cũng khó mà ra khỏi nơi tỵ nạn một cách an toàn cho dù các kế sách không thiếu. 
Có người đề nghị chính quyền Quito cấp quốc tịch Ecuador cho ông Assange, vốn là một công dân Úc, và cử ông làm nhà ngoại giao phục vụ tại Sứ quán ở Luân Đôn. Như vậy ông sẽ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Có điều là quy chế ngoại giao này phải được nước chủ nhà chấp nhận, và trong hoàn cảnh hiện nay, việc Anh Quốc chấp thuận là điều không tưởng. Hơn nữa, cho đến nay, đã có nhiều trường hợp nhà ngoại giao nước ngoài bị bắt tại Anh Quốc, chẳng hạn như về tội lái xe khi say rượu. 
Cũng trong chiều hướng đó, ông Carl Gardner, một luật gia người Anh còn có một đề nghi táo bạo hơn nữa, và không tưởng hơn nữa : Quito có thể bổ nhiệm ông Assange làm đại diện cho Ecuador tại Liên Hiệp Quốc, qua đó giúp ông có quyền bất khả xâm phạm về mặt ngoại giao trên đường đi dự các hội nghị Liên Hiệp Quốc khắp nơi trên thế giới. Assange có thể bị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cách chức, nhưng thủ tục này sẽ kéo dài một thời gian và từ nay đến đó, chủ nhân WikiLeaks có đủ thì giờ để ra khỏi Anh Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu Ecuador có dám lạm dụng Liên Hiệp Quốc như vậy hay không. 
Công xa Ngoại giao 
Nêu căn cứ vào Công ước Viênna 1961, Julian Assange cũng có thể rời Đại sứu quán Ecuador trong một chiếc xe hơi của sứ quán, cũng được hưởng quy chế bất khả xâm phạm tương tự như trụ sở của phái bộ ngoại giao. Điều 22-3 bản Công ước nói rõ : « Các phương tiện vận tải của phái bộ [ ngoại giao] không thể bị khám soát, trưng dụng, tịch thu hoặc chịu biện pháp cưỡng hành ». Do đó, cảnh sát Anh có quyền chận xe lại, nhưng không được quyền lục soát xe để thấy và bắt Assange. 
Vấn đề là cảnh sát Anh Scotland Yard đã bố trí nhân viên ngay trong tòa nhà có căn hộ được Ecuador thuê là Đại sứ quán. Trong tòa nhà này, chỉ có khu vực do sứ quán sử dụng làm trụ sở là được hưởng quyền đặc miễn ngoại giao, trong lúc phần còn lại có quy chế thông thường. Từ khu vực tiền sảnh, cho đến cầu thang và cửa ra vào thang máy, cảnh sát Anh đều chực sẵn, khiến cho Assange không có đường an toàn để ra xa, thậm chí không dám bước ra ngoài căn hộ được dùng làm cơ sở của sứ quán. 
Kể cả khi nhờ một mánh lới nào đó mà chủ nhân WikiLeaks ra được phi trường, ông hoàn toàn có thể bị bắt ngay khi bước ra khỏi chiếc xe của phái bộ ngoại giao, trước khi leo được lên máy bay. 
Kỷ lục thế giới : 15 năm bị cô lập trong cơ sở ngoại giao 
Các phương cách có thể giúp Assange thoát khỏi vòng vây của cảnh sát Anh còn nhiều nữa, từ việc chui vào một cái rương lớn, thậm chí một cái container đóng dấu « hành lý ngoại giao », hay cải trang lén lút ra khỏi sứ quán Ecuador, thế nhưng tất cả các biện pháp này đều có vẻ phiêu lưu. 
Trong tình hình bế tắc đó, câu hỏi đặt ra là chủ nhân WikiLeaks có thể cầm cự bao lâu ? Kỷ lục trên bình diện này là trường hợp Đức Hồng Y Hungary Jozsef Mindszenty, đã phải sống 15 năm trong sứ quán Mỹ tại Budapest, sau khi chính quyền Cộng sản Hung dập tắt cuộc nổi dậy năm 1956. Mãi đến năm 1971, ông mới được chinh quyền Budapest cho phép qua Áo. 
Còn chính quyền Anh có thể làm gì để buộc Ecuador « giao nộp » Assange ? Một tiền lệ đã được Hoa Kỳ thực hiện tại Panama năm 1989. Vào năm ấy, sau khi quân đội Mỹ tấn công vào chiếm đóng quốc gia Nam Mỹ này để bắt nhà độc tài Manuel Noriega, nhân vật này đã chạy vào trú ẩn trong đại sứ quán Vatican. Quân đội Mỹ đã lập tức bao vây tòa nhà, đặt loa chung quanh và cho phát nhạc inh ỏi ngày đêm. Sau mười ngày, Noriega phải ra đầu thú. Ông bị đưa qua Mỹ và sau đó bị kết án về tội buôn bán ma túy.

nguồn:http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120823-chu-nhan-wikileaks-co-the-roi-khoi-su-quan-ecuador-cach-nao
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Anh rút lại đe dọa xông vào đại sứ quán Ecuador
Anh rút lại đe dọa xông vào đại sứ quán Ecuador
Cảnh sát Anh đứng gác bên ngoài tòa đại sứ Ecuador - Ảnh: Reuters

(TNO) Chính phủ Anh đã rút lại lời đe dọa xông vào đại sứ quán Ecuador để bắt nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, Reuters dẫn lời Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho biết hôm 25.8.

Phát biểu với báo chí trong nước, Tổng thống Correa nói ông đã nhận được thông báo chính thức từ Bộ Ngoại giao Anh cho biết chính phủ Anh đã chính thức rút lại lời đe dọa xông vào tòa đại sứ Ecuador ở London để bắt "chủ xị" WikiLeaks.
Tổng thống Correa tuyên bố chính phủ Anh đã mắc một sai lầm ngoại giao nghiêm trọng khi đe dọa xông vào đại sứ quán Ecuador, nhưng khẳng định “mọi việc giờ đã qua”.
Sau khi được chính phủ Ecuador cho phép tị nạn, hiện ông Julian Assange vẫn ẩn náu bên trong tòa đại sứ Ecuador, trong khi cảnh sát Anh đứng gác ngày đêm bên ngoài.
London đã tuyên bố quyết tâm thực thi nghĩa vụ pháp lý là dẫn độ Assange sang Thụy Điển, nơi ông này sẽ bị thẩm tra để làm rõ cáo buộc xâm phạm tình dục.
Tổng thống Ecuador Correa cho biết ông đồng cảm với nỗi lo sợ bị dẫn độ của ông Assange vì điều này có thể khiến nhà sáng lập WikiLeaks bị đẩy sang Mỹ và sẽ bị chính phủ nước này trừng phạt vì đã cho công bố các thông tin nhạy cảm.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ vừa lên tiếng khẳng định nước này chưa hề đưa ra bất kỳ truy cứu hình sự nào đối với ông Assange.
Hoàng U
nguồn:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120826/anh-rut-lai-de-doa-xong-vao-dai-su-quan-ecuador.aspx
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001