Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Báo Thanh Niên 'không PR cho Bầu Kiên'

Trong một động thái bất ngờ, báo Thanh Niên đăng bố cáo bác bỏ cáo buộc tờ báo này cùng một số phương tiện truyền thông khác đã đăng bài 'PR' cho ông Nguyễn Đức Kiên, còn được biết với cái tên Bầu Kiên.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho tới trước khi bị bắt vài tiếng còn trả lời phỏng vấn báo đài

Bố cáo đăng cuối giờ trưa thứ Tư 22/8 trên Thanh Niên ấn bản điện tử ghi: "Gần đây trên một số trang mạng cho rằng một số tờ báo trong đó có cả Thanh Niên, đã đăng tải các bài viết 'nhằm tô son, trát phấn' cho các ông Trầm Bê và Bầu Kiên".

"Thanh Niên xin thông báo cùng bạn đọc: những thông tin (liên quan đến Thanh Niên) này là hoàn toàn bịa đặt."

"Thanh Niên khẳng định trong suốt thời gian qua không đăng bất cứ một bài viết nào về các nhân vật được đề cập."

Nội dung thông báo ngắn gọn nhưng lập tức thu hút chú ý của độc giả vì nó liên quan tới vụ bắt giữ chấn động dư luận mấy ngày nay.

Đồng thời, người ta không khỏi đặt ra các câu hỏi, như "một số trang mạng" đăng cáo buộc trên là trang mạng nào; và tại sao lại xuất hiện tên một 'đại gia' khác - ông Trầm Bê, bên cạnh ông Bầu Kiên...

Trên một vài trang mạng tạm được gọi là 'lề trái', tức đăng thông tin không chính thống, điển hình là blog Quan làm báo bị chặn tường lửa ở Việt Nam, vừa rồi có bài viết cáo buộc một cựu tổng biên tập của báo Thanh Niên làm cố vấn cho ông Nguyễn Đức Kiên và báo này cùng một chục tờ báo khác tham gia 'đợt PR' cho Bầu Kiên.

Trước khi ông Kiên bị bắt chiều thứ Hai 20/8, với tư cách Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) và Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội ACB, ông còn trả lời phỏng vấn một số báo về các vấn đề phát triển bóng đá Việt Nam, đặc biệt là trong V-League.

Một số báo đã đăng phỏng vấn này, nhưng đã gỡ bỏ đường link tới bài tiếp khi có thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt.

Dường như, sau việc nhiều ngân hàng bác bỏ liên quan với Bầu Kiên, một số phương tiện thông tin đại chúng cũng tìm cách tách biệt khỏi nhân vật từng được cho là có thế lực nhất nhì lĩnh vực tài chính-ngân hàng trong nước.

Báo điện tử VnEconomy, mà năm ngoái đăng bài nói về ông Nguyễn Đức Kiên như một trong các "Doanh nhân của năm" cũng đã dỡ bỏ bài báo đó xuống.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc thường trực, được Hội đồng quản trị ủy quyền điều hành ngân hàng thay Tổng giám đốc Lý Xuân Hải.

Ông Hải được nói là vẫn đang trong quá trình hợp tác với cơ quan điều tra sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt.
Trầm Bê là ai?

Ông Trầm Bê được nhắc tới trong bố cáo của báo Thanh Niên
Hiện mới chỉ có Thanh Niên đưa ra phản hồi đối với cáo buộc đăng trên các website không chính thống nhưng lại nhiều người truy cập.

Cư dân mạng đang đổ đi tìm kiếm thêm thông tin về nhân vật Trầm Bê, người được nhắc tới bên cạnh ông Nguyễn Đức Kiên.

Thông tin chính thức cho hay ông Trầm Bê, sinh năm 1959, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank);
Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI); Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phẩn Thương mại vàng bạc đá quý Phương Nam và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An (TrieuAnHospital).

Trước khi nhậm chức tại Sacombank, ông đã phải từ chức Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank), nhưng vị trí thành viên HĐQT ngân hàng này nay thuộc về con trai của ông.

Ông Trầm Bê được cho là 'đại gia trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản', với lượng cổ phiếu mà ông và ba người con nắm trong tay ước tính có giá trị tới 1.700 tỷ đồng.

Với hai con trai Trầm Trọng Ngân và Trầm Khải Hòa, con gái Trầm Thuyết Kiều, gia đình Trầm Bê dễ dàng nằm trong danh sách 10 gia đình giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
nguồn:http://www.letrai.net/2012/08/bao-thanh-nien-khong-pr-cho-bau-kien.html
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Giấu đầu hở đuôi

Hôm nay báo Thanh niên có đăng một tin khá là lạ: "Thông tin bịa đặt" nhằm cải chính cáo buộc của trang Quanlambao về chuyện báo Thanh niên và một số báo khác "việt vị" trong chuyện dự định đăng bài "nhằm tô son trát phấn " cho bầu Kiên, người vừa bị bắt xôn xao truyền thông vừa qua. Tôi xác định lại thời gian đăng bài như sau:

1. Lúc 22:50 ngày 21/8/2012 trang Quanlambao đăng bài cáo buộc báo Thanh niên và một số báo khác. Trong đó có đoạn: "Thanh niên bị việt vị thấy rõ khi mới đăng bài phỏng vấn để lăng xê cho bố già Kiên lúc 03 giờ chiều thì đến tối hắn đã bị bắt. Bài phỏng vấn của Thanh Niên chỉ là 1 trong đợt PR dự kiến sẽ ‘đánh tổng lực’ trên toàn bộ hệ thống truyền thông Việt Nam nhằm to son, trát phấn cho hắn.".

2. Lúc 14:37 ngày 22/8/2012 báo Thanh niên đăng bài Thông tin bịa đặt.

3. Lúc 3:15 ngày 22/8/2012 báo Thanh niên đăng bài Bóng đá VN sốc quanh vụ bắt bầu Kiên. Trong bài báo này có đoạn: "4 tiếng trước khi bị bắt, ông Kiên có một cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên lúc 13 giờ ngày 20.8 và khẳng định sẽ đưa vấn đề trên ra tổng kết mùa giải 2012, thậm chí cả trường hợp đội Hà Nội cũng của bầu Hiển mới giành quyền thăng hạng, ông Kiên cũng khẳng định là chưa đủ điều kiện để lên chơi ở V-League 2013.".

Kết luận:

1. Trang Quanlambao đưa tin không đúng ở điểm không thấy báo Thanh niên đăng bài phỏng vấn bầu Kiên.
2. Trang Quanlambao về cơ bản là đưa tin đúng ở điểm báo Thanh niên có phỏng vấn bầu Kiên ngay trước khi bị bắt.
3. Trang Quanlambao nắm được thông tin báo Thanh niên có phỏng vấn bầu Kiên trước khi bị bắt. Quanlambao là ai, và tại sao lại nắm được thông tin này cũng là một vấn đề hấp dẫn. Nhưng từ điểm này có thể thấy trang Quanlambao có người hiện nay đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam. Đây cũng là lý do tại sao trang Quanlambao biết được thông tin bầu Kiên bị bắt trước khi truyền thông chính thức đưa tin.
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001