Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Bùi Ngọc Tấn - Lạc đội hình
Bùi Ngọc Tấn

Tôi với anh là người cùng huyện, hai làng cách nhau hơn chục ki lô mét, nhưng gặp nhau ở chốn này nên gọi nhau là đồng hương. Gọi đồng hương. Xưng cũng đồng hương. Thực ra từ đây về quê chúng tôi chỉ hai chục ki lô mét, kích rích là cách một con sông, phải luỵ một cái phà nhưng cứ bảo nhau là tha phương cầu thực cho có vẻ lâm li. Tôi, gia đình vợ con ở cả thành phố, mỗi năm chỉ về quê có vài lần giỗ chạp tết nhất, còn anh chiều thứ bẩy nào cũng làm nước mã hồi, mắt thứ hai, tai thứ bẩy, guồng. Tốt nghiệp trung cấp hàng hải, anh vào bộ đội hải quân, đánh nhau với máy bay Mỹ mươi trận, rồi do cấp trên phát hiện anh văn hay chữ tốt, cho đi học trường Đảng, về làm trợ lý chính trị trung đoàn.



Anh được chuyển về xí nghiệp tôi, một xí nghiệp đánh cá đang trong thời kỳ thoi thóp, hay nói đúng hơn đang tìm mọi cách để không đánh cá mà chuyển hướng sản xuất kinh doanh, làm mọi công việc chẳng liên quan gì tới đánh cá. Chúng tôi bảo nhau, hẳn anh phải có ô dù mạnh lắm, bởi vì đến bất kỳ một phòng ban phân xưởng nào, trong bất kỳ cuộc họp giao ban nào ở xí nghiệp tôi cũng đều nghe thấy hai tiếng "dôi dư".

Đầu tiên anh về văn phòng Đảng uỷ, một đơn vị được tất cả xí nghiệp vì nể, đúng hơn đều giữ một thái độ kính trọng, khiêm tốn và vui vẻ. Anh tích cực ngồi bàn nghiên cứu tài liệu, đọc báo, đi cơ sở, xuống tàu.
Dưới tàu, anh phát hiện ra bao điều mới lạ, bao điều bất hợp lý vẫn âm thầm tồn tại và không biết còn tồn tại đến bao giờ. Anh em dưới tàu được dịp xả ra bao nhiêu chuyện. Anh lắng nghe từng vấn đề, từng thắc mắc. Biết bao điều anh em dưới nước phản ảnh mà không được giải quyết. Phản ảnh đây cũng là vì công việc chung thôi. Các bố sửa chữa thế thì chết người ta. Có phải chuyến này về mới đặt hàng đâu. Đặt hàng từ cuối chuyến trước cơ. Khoán thế là khoán trên mây. Cứ để mấy ông kế hoạch, mấy ông tài vụ đi thử một chuyến xem sao. ối giời ơi. Một dầu ba cá. Một dầu hai cá cũng còn chết sặc gạch ra kia kìa. Máy bây giờ có còn ra máy đâu. Uống dầu hơn voi uống nước. Thì séc măng trục láp chạy thêm tám nghìn giờ rồi vẫn còn bắt nó chạy. Khói đen như mồ hóng. Người cố được, chứ máy cố làm sao được. Anh xem có tàu nào đi một chuyến biển được tám tấn cá ăn tươi không? Lại còn tỷ lệ xuất khẩu nữa. Hai tấn. Đào đâu ra hai tấn. Không. Cái hồi mới thành lập xí nghiệp cách đây ba mươi nhăm năm thì được hai tấn đấy. Hai tấn chứ năm tấn cũng có. Nhưng đấy là năm năm tám. Một nghìn chín trăm năm tám. Chúng tôi ở dưới tàu có dám ăn một con song, con tráp nào đâu. Mới lại anh chưa đi biển anh không biết. Đi biển là không thích ăn cá to bao giờ. Thịt nó xác xạc. Chỉ nhặt con cua, con ghẹ, nướng cái lòng cá. Mỗi chuyến biển lỗ vài triệu. Ghi nợ tài vụ. Bố ai dám đi. Cứ bảo khuyến khích sản xuất. Khoán thế làm sao khuyến khích được người đi biển. Chúng tôi đi là vì nhiệm vụ thôi. Đi để có công ăn việc làm. Nhàn cư vi bất thiện. Đi thì còn giữ được con tàu...
Toàn những lý lẽ đanh thép không thể nào bác bỏ được. Anh nghe. Chăm chú. Ghi. Hỏi thêm. Anh hứa sẽ phản ảnh với lãnh đạo xí nghiệp tình hình trên. Anh em dưới tàu thấy anh hoàn toàn bị thuyết phục, càng nói càng hăng với biết bao nhiêu dẫn chứng, bao nhiêu nhiệt huyết.

Anh đã phản ảnh với Đảng uỷ xí nghiệp tất cả những lời kêu ca của khối dưới nước. Và anh bị một trận tơi bời khói lửa. Ông chẳng hiểu cái gì sốt cả. Thằng tàu thế nào nó cũng kêu. Khoán thế chứ khoán thấp nữa nó cũng kêu. Có thằng tàu nào không bán cá ở ngoài biển. Tôi bảo đảm với ông rằng một chuyến biển chín ngày đánh cá thì bốn ngày đầu nó bán cá. Năm ngày sau nó mới đem cá về. Đấy là chưa kể những khoản phụ thu, những sản phẩm phụ mà xí nghiệp chưa quản lý. Như khoản mực khô chẳng hạn. Ông tưởng ít đấy hẳn. Mỗi chuyến vài tạ. Cứ nói mười tươi một khô thôi. Mà mùa này ít nhất mỗi tàu cũng phải hai ba tấn mực một chuyến...

Kết quả anh không được bầu là lao động tiên tiến. Trời ơi. Cán bộ có cỡ thuộc văn phòng Đảng uỷ mà không được bầu là lao động tiên tiến có đau không. Anh không hiểu ra làm sao nữa. Tàu nào cũng nói vậy. Mà thực tế sờ sờ ra đấy, có tàu nào sửa chữa đúng kỳ hạn đâu. Cánh tàu có tiền biết ngay. Căng tin lúc nào cũng đông rầm rập. Nếu họ không muốn ngồi căng tin, giữ ý giữ tứ, thì cũng phải ra ngã ba, cái ngã ba được gọi là Ngã ba Đông Dương bao giờ cũng đủ mọi thứ từ bia rượu, thịt chó đến lòng lợn tiết canh.

Bây giờ anh nghe anh em dưới tàu kêu nhưng chỉ nghe để đấy thôi, chứ không phản ảnh lại với lãnh đạo nữa. Chả biết đúng sai đâu nhưng đã bị mang tiếng theo đuôi quần chúng, chưa kể một nhận xét nguy hiểm không ai nói ra là anh có tư tưởng cho rằng lãnh đạo quan liêu.

Anh vẫn ngồi bàn đọc tài liệu. Anh vẫn xuống tàu. Chúng tôi xuống tàu bao giờ cũng có hẹn hò, có mục tiêu cụ thể. Khi vác lên chục cân gạo miền Nam anh em thuyền viên để cho với giá vốn. Khi một cặp dừa già một anh thợ máy cho đem về kho mặn ăn dè. Khi dăm cân bún khô của một chiến hữu. Và quan trọng nhất là cái khoản cá. Một gói cá ướp lạnh đủ để nở nang khuôn mặt. Bởi vì chúng tôi ở xí nghiệp hàng chục năm rồi. Chúng tôi có dây mơ rễ má. Có chiều dầy tình cảm. Có người quen thuộc từ ngày xửa ngày xưa. Có thể nói cả xí nghiệp đều được hưởng cái lộc ấy. Nhưng anh thì không. Vì anh là lính mới. Anh lại là cốp (anh em dưới tàu nói vậy).

Anh xuống tàu chỉ để chuyện trò, tìm hiểu, xây dựng một quan hệ vững chắc cho môi trường công tác lâu dài và cũng để giết thời gian. Anh chỉ xuống tàu khi tàu đã hết hàng, hết mùi tanh của cá, như một người hoàn toàn vì công việc.

Tàu cá về, bốc cá xong, tấp nập những cán bộ công nhân xách những gói, những túi. Mà lắm loại túi thật. Túi vải, túi ni lông, túi cước, túi giả da, túi lưới, túi có nắp, túi không có nắp, túi phec-mơ-tuya. Cả những "túi" bằng sắt: ống bơ, thùng đựng sơn, xô xách nước.

Anh cứ đi đi lại lại trên cầu tàu, muốn xuống tàu lắm mà không dám. Bởi vì phải mặt dầy mày dạn lắm mới dám trèo qua lan can xuống tàu lúc bốc cá xong. Bởi vì có thuyền trưởng đã phát biểu trong hội nghị công nhân viên chức: Tàu cá về người xuống như dòi. Gió mùa đông bắc thông thốc mà chỉ một sơ mi trắng cho vào trong quần, anh đứng tím tái trên cầu tàu và chợt nhìn thấy tôi nét mặt rạng rỡ mang gói cá chiến lợi phẩm, gói cá chiến công nhẩy thoắt qua be tàu xuống cầu cảng. Anh khoác vai tôi, cười ngượng nghịu:
- Đồng hương xuống tàu mà chẳng gọi đồng hương gì cả.

Chính tôi ngượng với anh như mắc lỗi cùng anh, và lỉnh nhanh về phòng làm việc, đút vội túi cá vào gầm tủ. Anh trách, tôi chịu. Vì ai cũng biết rằng mình vác cái mặt mình xuống tàu kiếm chác cũng đã khổ cho người ta rồi, lại còn kéo bạn xuống! ốc hãy mang cho được mình ốc đã.

Hình như anh là duy nhất không mang được túi cá nào về nhà, lập công dâng vợ như chúng tôi vẫn bảo nhau. Tiêu chuẩn mua cá hàng tháng cũng đã chấm dứt, ngày hội ca múa (mua cá) không còn nữa khi anh về xí nghiệp vì thời bao cấp qua rồi.

Anh là một mẫu người dây. Anh chỉ cao bằng tôi nghĩa là trên mét sáu chút ít, nhưng do gầy, do cái áo nhét vào trong quần và cái thắt lưng da thít chặt eo, trông anh lướt đi. Cả lũ phòng ban chúng tôi nhìn anh vừa ái ngại lại vừa muốn trêu chòng anh cho đời vui lên một tí. Anh hay kể chuyện quê anh, cái nghèo đói hợp tác xã của vợ anh, cái bọn chủ nhiệm thư ký đội cùng với những vận hạn của gia đình anh. Ai cũng biết năm đứa con anh, hai đứa đã phải bỏ học, vào mỏ đào than thổ phỉ với chú, ba đứa bé quanh năm không được ăn no và chỉ có thịt ăn ngày tết. Ai cũng biết cái tay thú y xã anh không biết thụ tinh nhân tạo cho lợn nên con lợn cái nhà anh sinh đẻ có kế hoạch, chỉ đẻ có hai con, thụ tinh một liều đẻ bốn con, thụ tinh liều rưỡi lại chỉ đẻ có hai con, người ta sáu nghìn, anh phải trả những chín nghìn.

Một sáng thứ hai vừa từ quê ra, bước vào phòng, anh than thở:
- Tiếc quá! Mối xông hết!

Chúng tôi giật mình, nhìn cả vào anh:
- Chết! Xông cái gì? Mất nhiều không?

- Một hòm!

Ai cũng nghĩ rằng thế là anh lại phải lo khoản quần áo cho vợ con, một khoản lo đột xuất mà không biết bấu víu vào đâu.

- Mà mình đã cẩn thận. Đặt hòm trên bốn cái cọc tre.

- Nó lại không xông bên ngoài. Nếu thế mình đã biết. Nó xông giữa ống tre xông lên. Nát hết! Tiếc quá! Một hòm sách! Mà toàn sách lý luận kinh điển!

Chúng tôi thở phào. Cứ tưởng quần áo. Quần áo mối xông thì quả là gay. Còn sách thì từ từ. Kiếm dần cũng được. Lũ dung tục chúng tôi nghĩ vậy, bởi vì hết gạo chạy rông mà.

Khi anh được chuyển về làm cảng phó, chúng tôi mừng cho anh. Có người đã ghen tị với anh về cái suất thơm ấy.

- Thằng cha Đẩu kỳ này trúng quả. Chuột sa chĩnh gạo.

Người ta nói thẳng với anh như vậy. Anh cười, má hóp, mặt vàng xạm quắt queo, cái lưng ong thắt lại một chét trong xanh tuya.

- Nới thắt lưng rộng ra là vừa ông ạ.

- Không nên để vòng bụng to quá. Vòng bụng càng to thì vòng đời càng bé. Sách đã dạy.

- Đừng. Cứ để to. Toàn thằng vòng hai(1) to sống lâu chứ có thằng nào bụng nhỏ sống lâu đâu.

Anh vẫn chỉ cười. Và nói nghiêm túc:
- Chưa biết ra sao đây. Trên bảo làm thì làm thôi.

Chúng tôi biết anh phấn khởi và hi vọng. Tay Tuất đấy. Cho làm phó giám đốc không làm. Chỉ làm cảng trưởng. Xây nhà ngay. Xe máy ngay. Thay ti vi ngay. Cảng bây giờ có đơn thuần chỉ là cảng cá cho các tàu của xí nghiệp đâu. Cảng hàng. Cho thuê. Bên thanh tra đã mấy lần làm um lên về hợp đồng cho thuê cầu cảng của Cảng vụ. Hợp đồng nó thuê ba ngày sao hôm nay nó còn chưa ra. Quá hơn ngày rồi. Tại bốc dỡ hay tại gì thì cũng phải gia hạn chứ. Làm bổ sung đi. Không, nó ra ngay bây giờ đây mà. Tuất mặt mũi tỉnh bơ bước ra cầu cảng quát tháo đuổi cái tàu quá hạn hợp đồng phải rời cầu ngay tức khắc. Ra ngay. Các ông có ra ngay không...

Chúng tôi cùng cười thầm về vở diễn của cảng trưởng. Ai cũng biết thời gian quá hạn hợp đồng ấy là được định trước trong kế hoạch. Nó được tính thành tiền. Chia đôi. Chặt đôi. Đó là chưa kể rút ngắn chiều ngang, rút ngắn chiều dài của tàu, tiền thuê cầu cảng sẽ còn giảm nữa. Chỗ dôi ra ấy cũng vẫn theo một công thức: Chặt. Chặt đẹp. Lại còn một đội bốc xếp. Một đội bốc xếp hợp đồng toàn người ngoài xí nghiệp, cực kỳ hùng mạnh. Thu nhập hàng trăm triệu. Tất nhiên không chỉ một cảng trưởng được nuôi. Có ai lại ngu, đi ăn cả một mình bao giờ. Bởi vậy dù thanh tra có dòm ngó, xía vô, Tuất vẫn vững như bàn thạch.

Đồng hương của tôi được về làm cảng phó. Trúng số độc đắc rồi còn gì. Phòng Cảng vụ xe máy đỗ kín khoảng sân trước cửa. Thuyền trưởng, giám đốc các công ty có tàu, có hàng. Ba số mù mịt. Bã chè một xô. Có lịch thuỷ triều. Có sơ đồ cầu cảng. Có máy bộ đàm oang oang. Có hải quan. Có công an biên phòng. Có cảnh sát kinh tế. Tất cả đều mặc sắc phục.

Anh Đẩu ngồi đó. Nhưng cảng trưởng cũng ngồi đó. Hai người hai cái bàn hộp, mặt bàn phủ kính năm ly. Và một bộ xa lông tiếp khách. Nhưng khách không làm việc với anh. Khách ngồi cả ở bàn Tuất. Làm việc xong ra xa lông ngồi uống nước. Tuất là một người rất am hiểu công việc, tháo vát, nhanh nhẹn, chịu khó và ngoại giao rộng. Không chỉ đối với các công ty mà còn là cánh hẩu của hải quan, công an. Tuy vậy Tuất vẫn tôn trọng anh Đẩu, luôn xưng em với anh, ngọt như mía lùi:
- Anh cầm cái lệnh này ra cầu bốn, bảo nó đảo cầu, đưa thằng 205 vào bốc hàng chiều nay. Hộ em anh Đẩu nhé.

- Anh giúp em nói thằng tàu lai đi lấy dầu ngay để kèm thằng Biển Đông xuống cuối cầu. Anh nhớ bảo nó phải làm xong trước 12 giờ trưa, không nước cạn là chết đấy.

Anh biến thành người sai vặt. Nhưng không hề gì. Dù sao ở đây cũng hơn. Cũng có công việc cụ thể. Cũng được quả dừa khô, được đong rẻ tạ gạo mang về quê cứu đói.

Anh biết anh không thể thâm nhập vào đội hình của Tuất được. Bởi vì những khi Tuất không có ở phòng làm việc, khách đến, người ta chỉ nhờ anh nói với Tuất bao giờ họ sẽ quay lại gặp Tuất. Rồi họ đi ngay. Ngồi xuống xa lông uống chén nước cũng chẳng chịu ngồi.

Còn chuông điện thoại thì luôn đổ hồi. Anh nghe:
- Vâng. Cảng vụ đây. Báo cáo anh, anh Tuất không có nhà. Vâng. Tôi cũng không biết bao giờ anh ấy về. Anh có nhắn gì anh Tuất không.

Không ai nhắn gì cả. Cúp máy rồi. Không có Tuất là cúp máy. Anh ngẩng lên phân bua với tôi cũng đang la cà ở đó:
- Đấy. Đồng hương thấy không. Bảo nó có nhắn gì Tuất không thì chẳng ai nói gì. Tất cả đều như vậy. Mình chỉ là thằng trực điện thoại.

Ngày tháng qua đi. Hình như cấp trên cũng biết điều ấy. Hình như lãnh đạo xí nghiệp cũng muốn sử dụng năng lực một người vừa hồng lại vừa chuyên như anh. Một người thật thà, hiền lành như anh, một người có quá trình cống hiến như anh.

Khi ông trợ lý giám đốc Trần Đăng Quang có quyết định chuyển đi làm giám đốc một công ty thì đồng hương của tôi được chuyển về thay thế. Đó mới thật là một chỗ ngồi lý tưởng. Đó là một cái ghế bình thường trong thứ hạng chức sắc, nhưng ai đã ngồi vào cái ghế ấy sẽ được tất cả xí nghiệp, kể cả các hàng chức sắc vì nể, nếu không nói là sợ hãi. Ai mà biết được ông giám đốc và ông trợ lý suốt ngày cặp kè, rủ rỉ với nhau kia nói với nhau những gì. Giám đốc ngồi phòng trong, trợ lý ngồi án ngữ ở phòng ngoài, có việc gặp giám đốc phải qua trợ lý. Công văn giấy tờ, đề nghị giám đốc đều phải qua trợ lý... Một câu tỉa của trợ lý trong lúc đang ngồi chụm đầu với giám đốc kia lợi hại gấp trăm lần những lời mình thanh minh hoặc đề nghị. Trợ lý giám đốc còn quan trọng hơn cả phó giám đốc, còn gặt hái nhiều hơn những phó giám đốc làng nhàng. Ai cũng biết. Bởi vì ông cựu trợ lý Trần Đăng Quang là vậy.

Điều anh Đẩu về làm trợ lý giám đốc, chúng tôi đều công nhận lãnh đạo xí nghiệp có con mắt nhìn sáng suốt. Khả năng viết báo cáo, xử lý công văn của anh là không thể ai hơn. Tất cả các giấy tờ của các đơn vị đều phải qua anh xem xét, sửa chữa lại chữ nghĩa câu cú, văn phạm, chính tả và phải có anh ký nháy mới được đánh máy. Anh có biệt tài ghi và nhớ, thâu tóm không chỉ nội dung mà cả cách diễn đạt của giám đốc. Chẳng hạn như tham luận của giám đốc trong hội nghị thành phố do anh viết, các cháu đánh máy chỉ thấy giám đốc chữa đúng một chữ, và trong ấy luôn có những thuật ngữ nên chăng, vấn đề đặt ra là, một áp lực rất lớn, một xí nghiệp của công nhân, do công nhân, vì công nhân…, những cụm từ giám đốc hay sử dụng.

Chúng tôi luôn hỏi anh đã gặt hái được nhiều chưa. Ông Quang ông ấy làm mấy năm nổi cơ đồ đấy. Lại có người nửa đùa nửa thật bảo anh cho thằng Tuất một chưởng đi, cái thằng húp nước húp cả cặn, cái thằng mặt mọc gai lên, nó vô hiệu hoá ông. Anh chỉ cười. Con cháu Liễu đánh máy và thằng Tiệp Cún thi đua thì bảo anh:
- Bá đi làm về nhà có để ý hai bên đường không? Chúng con cắm những cọc tiêu có mũi tên chỉ: nhà bá Đẩu 1200m, nhà bá Đẩu 500 m, nhà trợ lý giám đốc Đậu Văn Đẩu 100m. Cắm từ Ngã ba Đông Dương đến tận lối rẽ vào nhà A. Bá phải thưởng cho chúng con đấy.

Nhớ đến nhà ông Quang ở tận cuối thành phố mà lúc nào cũng khách, cũng xe máy, cũng những thùng quà, những bia, những rượu, tôi quát hai cháu Liễu, Tiệp:
- Người ta có chân người ta đến. Không phải nhờ hai đứa chúng mày vẽ đường hươu chạy.

Anh cười hiền lành chất phác. Rồi lắc đầu:
- Chẳng có cái gì đâu. Tớ nói thật đấy.

Có lẽ điều anh nói là đúng. Chẳng có cái gì thật. Ghế trợ lý giám đốc vào tay anh đâu có đẻ ra được cái gì. Nó chỉ là chiếc ghế.

Mấy tháng sau anh lại bị chuyển đi. Lần này về công đoàn, phụ trách tuyên giáo, một chức vụ tương đương, nghĩa là cũng được xếp vào đội ngũ cán bộ chủ chốt (mà điều phân biệt là được dự một số cuộc họp mở rộng của lãnh đạo xí nghiệp, và được phát hai chai nước mắm ngon vào những ngày Tết, ngày kỷ niệm...), chuyên lo đặt báo, tổ chức những buổi nói chuyện, mời thành phố xuống, viết báo cáo cho chủ tịch công đoàn..., một công việc thật nhàn nhã và cũng rất hợp với khả năng của anh. Chỉ mỗi tội công đoàn là một nơi meo. Chó ăn đá gà ăn sỏi.

Con cái Liễu hỏi:
- Lại lạc đội hình hở bá?

Còn thằng Tiệp Cún thì:
- Bá lại làm người lương thiện à?

Anh cười nhăn nhó:
- Bị buộc phải lương thiện thôi.

Đợi lúc chỉ có hai người, tôi hỏi lý do anh phải chuyển đi và được anh cho biết: Tự kiểm điểm thời gian làm trợ lý anh luôn hoàn thành nhiệm vụ, không có thiếu sót gì (điều ấy cả xí nghiệp đều công nhận). Chỉ có một lần phó giám đốc thứ nhất đến phòng anh nói: “Ngồi nhờ anh Đẩu một tí nhé”.

- Phòng ông ấy ngay bên, ông ấy lại sang đây ngồi, tôi cũng thấy lạ. Cũng định bắt chuyện, nhưng không biết nói chuyện gì. Ông ấy ngồi một lúc rồi đứng dậy đi.

Vẻ mặt anh nhăn nhó, rõ ràng anh đã tự lục vấn mình rất nhiều về chuyện này, về chuyện phó giám đốc thứ nhất tự nhiên sang ngồi ở phòng anh và anh cứ ngồi lỳ ra mà không nói được một lời. “Hỏng rồi”. Tôi nghĩ thầm tuy cũng chưa biết hỏng cái gì và hỏi anh:
- Anh có đến chơi nhà giám đốc lần nào không?

Anh nói như thể thanh minh.

- Có một lần. Gặp nhau suốt ngày rồi, tối còn đến làm gì. Chỉ tổ phiền người ta. Mà nhà ông ấy lúc nào cũng đông khách. Thằng Tuất vừa đến đã thò tay bật nhạc ầm ĩ, rồi lắc người, ngoáy mông tự nhiên như ở nhà.
 - Thế có ai đến nhà đồng hương không?

Vẻ mặt anh đau khổ thực sự:
- Mình ở tập thể, đứa nào nó đến. Có muốn đến nó cũng ngại.

Tôi đã đoán ra lý do anh phải chuyển đi. Chỉ phỏng đoán nên không viết ra đây. Nhưng tôi cả quyết rằng anh lúc nào cũng là người lương thiện. Lương thiện. Điều đó đồng hương của tôi đã quen rồi, chẳng lo.
Một buổi trưa, lúc gần tan tầm, tôi đi lang thang chờ kẻng thì gặp anh đang đứng ở phía sau xí nghiệp, nơi những cây phượng vĩ non tơ xoè tán lá, kết quả phong trào giồng cây của đoàn thanh niên ba năm nay. Từ gốc cây này sang gốc cây kia là những dây quần áo của cánh phụ nữ. Họ tranh thủ giặt giũ và phơi phóng ngay trong xí nghiệp. Váy ngắn, váy dài, quần bò áo phông, bộ đồ, sơ mi ngắn tay, dài tay, quần áo có tua và không có tua, quần áo ngủ. Và dây quần áo lót mới thật tưng bừng: Những phấn hồng, ngọc thạch, tím nhạt, tím Huế, đỏ tươi, hoa đào, xanh da trời, xanh dương, da cam, tím củ, gà con, nước biển, đen, lòng tôm, mỏng manh, thêu, ren và đăng ten... Anh đang đứng lặng im chiêm ngưỡng ngày hội của màu sắc bay bay trước gió, dán mắt vào những mảnh vải tí tẹo ấy và không biết có tôi đến bên.

- Ngắm cái gì đấy?

Tưởng anh sẽ mắc cỡ, nhưng không. Anh hất hàm về phía những dây quần áo:
- Chị em thành phố sướng thật.

Rồi quàng tay qua vai tôi rủ rỉ:
- Đồng hương ạ. Tuần trước đồng hương về nhà. Bà xã đi cấy đến trưa mới về. Bà ấy đứng ở cửa bếp, vận từ cạp quần ra được lưng một nồi cẫu (2).

Tôi bật cười. Cười chảy nước mắt. Anh cũng cười. Cũng chảy nước mắt. Nhưng hình như anh chảy nước mắt không chỉ vì cười.

Ngã Sáu 1/11/1997

(1)Vòng eo. Theo cách gọi trong các cuộc thi hoa hậu
(2)Tiếng địa phương gọi cua đồng
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/08/bui-ngoc-tan-lac-oi-hinh.html?utm_source=BP_recent
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001