Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Thụy Khuê - Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) Tiểu thuyết Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm (1)


Thụy Khuê

Nguyễn Mạnh Tường

I- Cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản
Trong buổi nói chuyện trên RFI tháng 9/1995, trả lời câu hỏi: Từ sự đoàn kết dân tộc thời toàn quốc kháng chiến 1946, đến thời kỳ phân hoá chia rẽ dân tộc chỉ có 10 năm. Tại sao? Nguyễn Hữu Đang giải thích:
"Có thể hiểu việc đó như thế này: Ngay trong cương lĩnh của đảng Cộng sản Đông Dương cũng ghi rõ là làm Cách mạng để tiến tới Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cho nên 10 năm sau, nhất định nước Việt Nam phải tiến lên Chủ nghĩa xã hội và muốn tiến lên Chủ nghĩa xã hội thì phải tiến hành Đấu tranh giai cấp, phải xóa bỏ địa vị, quyền lợi của hai giai cấp bóc lột là giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản. Trước kia đoàn kết Mặt trận giải phóng dân tộc, giờ đây phải Đấu tranh giai cấp để tiến tới Chủ nghĩa xã hội. Trong Đấu tranh giai cấp như thế thì quyết liệt lắm, có ảnh hưởng chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao Trạch Đông là quá tả, rất ác liệt, (...) Chúng tôi chống, là chống- cái chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao Trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng -nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm. Nó gay gắt ghê lắm! Ðảng Cộng Sản đã phạm sai lầm trong Cải cách ruộng đất, rồi thì Chỉnh huấn, Chấn chỉnh tổ chức, Ðăng ký hộ khẩu v.v... Tất cả những cái đó đều do những cái quá tả, từ phương Bắc nó xâm nhập vào, chứ không phải chờ đến bây giờ nó mới đem cái tả khuynh hữu trí vào nước Việt Nam. Cái thời mà cụ Hồ chưa về nước và ông Trần Phú làm Tổng bí thư, thì làm cái cuộc gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, đưa ra cái khẩu hiện rất quái gở tức là "Trí, phú, địa, hào đánh tận gốc, trốc tận rễ". Nó quá tả như thế thì còn làm sao giành được độc lập! Như thế là chia rẽ dân tộc".
Heinz Schutte, trong bài Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua đua nở ở Việt Nam 1954-1960 tóm tắt rất sát tình hình miền Bắc thập niên 1950 như sau:
"Tháng 1/1950, Đại Hội III Đảng Cộng sản, tuyên bố Việt Nam chính thức đi theo đường lối Trung Quốc và đẩy mạnh chủ trương đấu tranh giai cấp trong cả nước. Điều này dẫn tới việc thủ tiêu những người bị cho là những "phần tử phản cách mạng". Sách vở Trung Quốc, đặc biệt những tác phẩm của Mao được dịch ra tiếng Việt -vài tác phẩm do chính Hồ Chí Minh dịch- để truyền bá những phương pháp của Trung Quốc trong việc vận dụng chủ nghiã Mác-Lê-Mao, trong việc tiến hành cách mạng và cải tạo tư tưởng ở Việt Nam. Tại chiến khu Việt Bắc, từ những năm 1951 đã có các khoá chỉnh huấn tư tưởng dành cho trí thức(Trích bản dịch từ tiếng Đức của Talawas).
Hầu như tất cả những nhà trí thức đối lập hàng đầu như Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang đều chống Đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp nẩy sinh Chỉnh huấn. Chỉnh huấn chuẩn bị cho Giảm tô. Sau Giảm tô đến Cải cách ruộng đất, Cải tạo tư sản, và sau cùng là Thanh trừng trí thức. Các chính sách này nối tiếp nhau trong 10 năm, từ 1950 đến 1960, để hoàn thành cuộc Cách mạng xã hội chủ nghiã.
Cho đến nay, hai tác giả viết về tiến trình "xây dựng xã hội chủ nghiã" một cách rõ rệt nhất là Hoàng Văn Chí trong Từ thực dân đến Cộng sản và Nguyễn Mạnh Tường trong Une voix dans la nuit-Tiếng vọng trong đêm. Sách của Hoàng Văn Chí, dưới dạng nghiên cứu, ra đời từ 1962, nguyên tác tiếng Anh, đã được dịch sang nhiều tiếng: Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng Việt do chính tác giả dịch, đã được phổ biến rộng rãi và được Pham Thị Hoài đưa lên Talawas những năm gần đây. Tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tường, trong khi chờ đợi được đánh máy, kèm với bản chụp ảnh và bản dịch sẽ đưa dần lên Internet, hôm nay, chúng tôi dịch và giới thiệu những phần chính trên RFI, giống như việc Boudarel đã làm khi ông giới thiệu bài Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo" của Nguyễn Mạnh Tường ra tiếng Pháp cách đây hơn 20 năm.

Từ Chỉnh huấn đến Cải cách ruộng đất

Theo Hoàng Văn Chí, ở Khu Tư, Nguyễn Sơn có viết mấy cuốn sách nhỏ về Chỉnh quân, Chỉnh phong, và Chỉnh Đảng.Chỉnh là chỉnh đốn tư tưởng và tác phong. Chỉnh quân cho quân đội, Chỉnh Đảng cho đảng viên, và Chỉnh phong cho người ngoài đảng. Vì không ưa Nguyễn Sơn nên Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp không dùng, chỉ chép lại những nét đại cương, lập nên phong trào Rèn cán chỉnh cơ (Rèn luyện cán bộ và chỉnh đốn cơ quan). Mãi sau này, khi Nguyễn Sơn đã trở lại Tàu năm 1950, và cố vấn Trung Quốc đã sang Bắc Việt để huấn luyện, thì Đảng mới áp dụng phương pháp "cải tạo tư tưởng" hoàn toàn theo kiểu Mao, gồmChỉnh phongChỉnh Đảng hợp lại gọi là Chỉnh huấnChỉnh huấnchia làm nhiều đợt để mọi người thay phiên nhau nghỉ việc, đi học. Mỗi khoá chỉnh huấn dài ba tháng, thêm một tháng sắp xếp ăn ở. Vì vậy, mỗi chiến dịch chỉnh huấn kéo dài từ 1 năm đến 18 tháng, cán bộ cao cấp đi học trước, rồi về dạy học viên khoá đầu.
Các bài học, trên nguyên tắc, do Trường Chinh soạn, nhưng một phần được in lại từ cuốn sách Sửa đổi lề lối làm việc của XYZ (XYZ là một biệt hiệu của Hồ Chí Minh), do nhà xuất bản Sự Thật in và chính ông Hồ viết năm 1946. Như vậy, Cải cách ruộng đất là công trình soạn thảo chung của Hồ Chí Minh và Trường Chinh. Vẫn theo Hoàng Văn Chí, khi học viên có thắc mắc mà giáo viên đả thông không nổi, thì ông Trường Chinh, Tổng Bí Thư Đảng sẽ đến. Nếu ông Trường Chinh cũng không thuyết phục được, thì ông Hồ sẽ thân hành đến. Chưa có thắc mắc nào mà ông Hồ không đả thông nổi. Khoá chỉnh huấn 1953-1954, mà ông Hoàng Văn Chí tham dự, gồm 5 bài học:
1- Thái độ học tập. 2- Lịch sử cách mạng Việt Nam. 3- Tình hình mới, nhiệm vụ mới.
4- Tác phong cán bộ và đảng viên. 5- Cải cách ruộng đất.
Bài học thứ 5, về Cải cách ruộng đất, nhắm vào năm điểm chính:
1/ Bản chất nông dân rất thực tế (tức là hám lợi). 2/ Vậy để họ phấn khởi, nên cấp phát cho họ đủ ruộng đất cầy cấy, thành chủ nhân ông ruộng đất của mình. 3/ Địa chủ là thành phần bóc lột. Là kẻ thù số một của nhân dân. 3/ Nhưng chỉ có nhân dân mới biết rõ, ai là địa chủ phản động gian ác. 5/ Vậy phải để cho nhân dân lãnh đạo đấu tố. Đảng đứng sau hướng dẫn.
Tài liệu chính trong bài học thứ 5 này là bản báo cáo của Trường Chinh đọc tại Đại hội I của Đảng Lao Động, họp tại Việt Bắc từ 14 đến 23/11/1953, chính thức đưa chính sách Đấu tranh giai cấp vào Việt Nam. Trường Chinh lập luận:
Chế độ cũ là chế độ bóc lột. Việt Nam có 5% dân số là địa chủ, chiếm 70% diện tích ruộng đất trong nước. Nếu lấy lại ruộng đất ấy, chia đều cho mọi người thì mỗi gia đình sẽ được 1 héc-ta. Địa chủ luôn luôn cấu kết với đế quốc Pháp. Địa chủ và đế quốc đều là kẻ thù. Phải tiêu diệt cả hai: Phản đế là tiêu diệt đế quốc(Pháp). Phản phong là chống phong kiến, tức là tiêu diệt giai cấp địa chủ.
Vì trí thức không dễ dàng chấp nhận chính sách Cải cách ruộng đất theo kiểu Mao, nên Đảng phải tổ chức các chiến dịchChỉnh huấn để đả thông tư tưởng. Những người tham dự chỉnh huấn xuất thân trung lưu hoặc khá giả, họ đã chấp nhận lập luận của Đảng, với hy vọng, nếu có bị ghép vào thành phần địa chủ, thì cũng là địa chủ tiến bộ, đã theo kháng chiến, đã theo Đảng.
Cuộc Cải cách ruộng đất được thực hiện qua hai chiến dịch: Giảm tô (1953-54) và Cải cách ruộng đất đích thực (1954-56) đều có đấu tố và xử bắn địa chủ. Hai chiến dịch này không thực hiện cùng một lúc trên toàn quốc, mà làm từng đợt ở những vùng mà đảng cộng sản nắm vững, thành một vết dầu loang. Mỗi chiến dịch có 5 đợt. Cả hai chiến dịch đều nhắm mục đích tiêu diệt toàn bộ địa chủ để thành lập chế độ vô sản chuyên chính ở nông thôn.
Vài tháng sau cuộc "Đấu tranh chính trị", là cuộc khủng bố chính trị từ tối 23/12 năm Nhâm Thìn (7/2/1953) nhằm ngày lễ ông Táo chầu trời, kéo dài trong nửa tháng, tiêu diệt tất cả thành phần phản động, chính quyền mới bắt đầu thực hiện chiến dịch Giảm tô.
Giảm tô ( là địa tô viết tắt, địa tô là tiền hay hiện vật người thuê đất (tá điền) phải giả cho người chủ đất (địa chủ). Vài năm trước, chính quyền đã ra luật bắt địa chủ phải giảm thu địa tô 30%, giống chính sách Giảm tô thuần tuý đã thực hiện ở Trung Quốc trước 1949, trong vùng Mao chiếm đóng. Chiến dịch Giảm tô của Trường Chinh, năm 1953, là phần đầu của chính sách Cải cách ruộng đất, có đấu tố và xử bắn địa chủ; chỉ khác Cải cách ruộng đất ở điểm: Giảm Tô giới hạn trong số ít người, còn Cải cách ruộng đất, số người bị quy là địa chủ tăng gấp năm lần so vớiGiảm tô. Thực chất Giảm tô như sau:
Một đoàn cán bộ đã được huấn luyện ở Trung quốc giả dạng làm nông dân bí mật về làng. Họ thực hành chính sách gọi là ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với chủ nhà) trong ba tháng, làm giúp mà không lấy công, góp phần ăn với chủ nhà. Họ có nhiệm vụ điều tra và "giác ngộ" người nông dân về sự tàn ác của địa chủ. Người nông dân được "giác ngộ" gọi là "rễ", và công tác kể trên gọi là "bắt rễ". Từ đó, cán bộ chỉ hành động qua cái "rễ", và rễ A sẽ kết nạp B, B kết nạp C... việc này gọi là "xâu chuỗi"; B, C, D... được gọi là cốt cán. Sau vài tháng hoạt động như vậycán bộ có đầy đủ thông tin về cả làng và sẽ báo cáo bí mật với Đoàn Cải cách ruộng đất đóng ở tỉnh. Cán bộ quy định tất cả các thành phần trong làng, đặc biệt thành phần địa chủ và gán cho người nào những tội gì.
Tới lúc đó Đội Cải cách ruộng đất mới ra mắt công khai, đứng lên điều khiển mọi việc trong làng. Chiến dịch có 6 bước liên tiếp: 1/ Định thành phần. 2/ Phân loại địa chủ. 3/ Tống tiền: Địa chủ bị bắt rồi, vợ con sẽ phải trả ngay một số tiền gọi là "thoái tô"hoặc "nợ nông dân" tức là phải trả lại số tô đã thu "quá mức" trong 4, 5 năm vừa qua. 4/ Tố khổ: Nông dân được học tập cách tố khổ, lập danh sách tội ác của địa chủ. 5/ Đấu địa chủ: Địa chủ được mang ra đấu trường. 6/ Xử án địa chủ: Vài ngày sau cuộc đấu, một toà án nhân dân đặc biệt tới xã, xử những người bị tố, toà án toàn là bần cố nông không ai có kiến thức về luật pháp.
Chiến dịch Giảm tô, đánh vào thành phần địa chủ "đầu sỏ" phản động, bóc lột. Khoảng một năm sau chiến dịch Giảm tô, Đảng thi hành chiến dịch Cải cách ruộng đất đích thực.
Cải cách ruộng đất đích thực là cuộc thanh trừng quy mô, trong toàn quốc, thực hiện ngay trong hàng ngũ Đảng. Các đảng viên cũng bị thanh trừng như quần chúng ngoài đảng. Lần này Đảng ấn định cho mỗi xã một con số tối thiểu địa chủ gấp năm lần chiến dịch Giảm tô. Và như vậy, không đủ con số địa chủ để đánh, phải đánh tới các thành phần dưới là phú nông, có nơi tới cả bần nông. Khi Cải cách ruộng đất đợt 5, tức là đợt cuối cùng, chấm dứt, Đảng mới tuyên bố Sửa sai. (Theo Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, nxb Chân Trời Mới, 1962, từ trang 181 đến 263).
Từ 1953 đến 1956, với Chiến dịch Giảm tô và Cải cách ruộng đất, chính quyền đã tiêu diệt xong thành phần địa chủ ở nông thôn. Từ 1956 đến 1960, là cuộc thanh trừng trí thức, trong một quy mô rộng lớn mà NVGP là hệ quả. Cùng thời điểm ấy là cuộc Cải tạo tư sản ở thành thị. Ba giai đoạn: Cải cách ruộng đất, Cải tạo tư sản và Thanh trừng trí thức được Nguyễn Mạnh Tường phản ánh trong Une voix dans la nuit (Tiếng vọng trong đêm).

Une voix dans la nuit (Tiếng vọng trong đêm)
Une voix dans la nuit (Tiếng vọng trong đêm), có tiểu tựa:Tiểu thuyết viết về Việt Nam từ 1950 đến 1990. Trang cuối ghi: Viết xong ngày 19/3/1993, giữa tuổi 84 và 85.
Bản thảo đánh máy khổ A4, có 109 trang, nhưng thiếu 16 trang đầu. Mục lục đề rõ bốn phần: I- Cải cách ruộng đất. II- Cải tạo tư sản. III- Vấn đề trí thức. IV- Độc quyền đảng trị.
Và thêm phần cuối: Đối thoại giữa một người trí thức và một người cộng sản.
Vậy có thể hiểu: 16 trang đầu do tác giả tự ý bỏ đi. Đây là cuốn tiểu thuyết chính trị, mô tả và phân tích những giai đoạn chính trong đời sống miền Bắc thập niên 50.
Nguyễn Mạnh Tường soi ống kính vào chiến dịch Cải cách ruộng đất, tìm hiểu bộ não vận hành như thế nào để biến những người dân quê hiền lành chất phác thành những kẻ tàn ác trong đấu tố. Ông mô tả bộ máy bào chế căm thù đã được kiến trúc như thế nào, với con mắt quan sát tinh vi của một chứng nhân sống từ bên trong.
Tác phẩm có giá trị như một tư liệu lịch sử. Nếu cuốn Un excommunié (Kẻ bị khai trừ), (Quê Mẹ, Paris, 1992) mô tả phương pháp thanh trừng các trí thức tham gia NVGP, thì Une voix dans la nuit (Tiếng vọng trong đêm) mở địa bàn rộng hơn, truy nguyên đến nguồn cội, tìm hiểu lý do vận hành và mục đích của ba chính sách tiêu diệt: địa chủ, sở hữu chủ, và trí thức, để thiết lập chế độ vô sản chuyên chính ở Việt Nam.

Bi kịch cải cách ruộng đất
Nguyễn Mạnh Tường chú ý đến những gì xẩy ra trong hậu trường cải cách ruộng đất. Ông mô tả quá trình rèn luyện chính trị, học tập căm thù, tập dượt đấu tố, trước ngày vở kịch mở màn thực thụ trên đấu trường.
Địa điểm là một làng nghèo trong phủ Nho Quan. Lan, con gái út một công chức về hưu, nhà ở số 13, phố Hàng Giấy, Hà Nội, đang học năm thứ nhất trường Cao đẳng sư phạm sinh ngữ, môn Pháp văn, và Hiên, một bộ đội, cả hai được gửi đi học tập cải cách ruộng đất. Tình cờ gặp nhau, một mối tình chớm nở giữa hai người. Một cặp thanh niên khác, sau cũng trở thành vợ chồng, đó là Năng, ủy viên chính trị, đội phó đội cải cách, và Thủy, thành viên đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Năng và Thủy sẽ trở thành giai cấp lãnh đạo.
Người đọc dễ dàng nhận ra: gia đình Lan chính là gia đình Nguyễn Mạnh Tường mà ông Cát, công chức thời Pháp thuộc về hưu, vai chính trong bi kịch cải tạo tư sản, là cụ Nguyễn Căn Cát, cha của tác giả. Những nhân vật này cùng nhau xuyên qua ba thời kỳ: Cải cách ruộng đất, Cải tạo tư sản và Thanh trừng trí thức, trong vị trí đối lập: một bên là trí thức, một bên là cộng sản, trong cuộc chiến một mất một còn.
Vào truyện bằng những dòng lãng mạn pha lẫn kinh hoàng, Nguyễn Mạnh Tường viết:
"Mặt trời chiều tan loãng trong ao vàng, quét những tia sáng xiên lên bầu trời phía tây tới tận thiên đỉnh. Theo đúng mệnh lệnh, Nho Quan, chôn vùi trong im lặng chết chóc, không động tĩnh, không bóng người vật, chó mèo không dám phóng qua đường! Không biểu hiệu sống nào chứng tỏ những cơn cuồng nộ, tàn ác của phi công địch sẵn sàng thả bom hay nã liên thanh từng loạt.
Trong cảnh ngày tàn, giữa lúc nhá nhem ma quỷ hiện, Nho Quan biến thành nơi tụ họp của những đoàn người buôn bán, ban ngày ẩn núp trong các làng mạc xung quanh, cách trung tâm thị trấn năm cây số: có người, vì khôn ngoan hay cẩn thận, đào cả hầm sâu ngoài đồng. Nhưng giờ thì bà tiên hoàng hôn đã cầm cây đũa thần đánh thức mọi người ra khỏi trạng thái hôn mê.(...)
"Trên không, nền trời xanh thẫm làm nổi bật ánh sáng rực rỡ từ các vì sao ganh đua nhấp nháy, rung động. Dưới đất, bóng tối âm u dâng ngọn triều, bao trùm lên cảnh vật mênh mông, hàng đoàn bạn hàng đi về phía chợ, vai gánh hai thúng đầy nông sản; những ngọn đèn nhỏ, móc trên đòn gánh, theo nhịp chân rảo bước, ngời lên ấn tượng nên thơ của những ngọn lửa vàng dắt nhau nhẩy múa" (Trích dịch trang 16-17).
 Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng những dòng thơ mộng đầy bí mật, nhưng rồi tác giả rời dần bút pháp văn chương, để đi thẳng vào bút pháp chính trị.

Bài học thứ nhất về sự bóc lột và sự căm thù
Trên đường đêm từ Nho Quan về làng cách phố phủ hai cây số, Lan và Hiên tình cờ gặp nhau, họ theo Đội cải cách về đây để sống ba cùng. Đội trưởng là một nhà cách mạng lão thành và đội phó, Năng, một uỷ viên chính trị. Tám thành viên khác đều là cán bộ làm việc trong những cơ quan kháng chiến, tuổi không quá 20. Đêm đầu trước khi vào làng họ được nhận bài học khai tâm của ông Đội trưởng:
"Thưa các đồng chí, qua những lớp học chính trị, chắc các đồng chí đã biết rằng Đảng ta, sau khi đánh đuổi bọn thực dân hút máu mủ đồng bào, giải phóng Việt Nam khỏi ách nô lệ ngoại bang, trả lại cho người dân phẩm giá và danh dự của họ, đã tự lãnh nhiệm vụ tạo hạnh phúc cho dân. Một mai khi người lính thực dân cuối cùng rời bỏ xứ này, khi chúng ta trở lại làm chủ những tài nguyên thiên nhiên của chúng ta, thì ta phải xây dựng lại tổ quốc và sản xuất. Kẻ thù bên ngoài không còn dầy xéo lãnh thổ, nhưng chúng ta vẫn còn vướng mắc kẻ thù bên trong, cũng nguy hiểm không kém, vì tiềm lực của nó rất phức tạp, đa diện, mờ ám, vô hình, bí mật, và ẩn sâu trong nội tạng của chúng ta! Đó là sự ham thích bóc lột. Nó đẩy ta tới chỗ chiếm hữu của cải không do ta làm ra bằng mồ hôi nước mắt. Nhưng chúng ta không thể sống như ký sinh trùng trong xã hội, bằng sức lao động của kẻ khác.
Bản thân tôi chưa dám nghĩ chế độ cộng sản sẽ cố chấp đến độ tuyên bố rằng tất cả mọi hạt gạo kiếm được không do sức lao động, đều là sản phẩm của sự bóc lột con người. Nếu như thế, thì tất cả các sở hữu chủ, cho thuê động sản hay bất động sản để kiếm lời, đều là bóc lột. Ở thôn quê, mọi địa chủ không cầy cấy đất đai của mình mà cho cấy rẽ, đều là bóc lột. Trong làng này, chỉ có khoảng 15 héc-ta đất trồng cấy. Người giầu nhất có 7 héc-ta. Ba người kia chia nhau chỗ còn lại." (Trang 20)
Đến đây, diễn giả ngừng một chút để đợi phản ứng của cử toạ. Không một lời nào cất lên phàn nàn vì chiến lợi phẩm nhỏ nhoi mà ngưòi săn sẽ thu lượm được. Biết rõ những gì xẩy ra cho những kẻ hay phản đối, hoặc bướng bỉnh muốn tỏ mình hay ho, ra cái điều "ta đây gì cũng biết", tất cả ê-kíp ẩn trong im lặng, một sự ngậm tăm đầy ý nghiã. Diễn giả tiếp tục:
"Trong các đồng chí có người sẽ nghĩ rằng, con thú mà chúng ta lùng bắt không xứng với công săn. Tôi xin trả lời: ta không săn một con thú mà săn con trùng của một căn bệnh mà ta phải trừ tuyệt nọc, bằng mọi giá, để nó khỏi nhiễm độc xứ sở, lây lan dân tộc. Xã hội chủ nghiã chỉ có thể chiến thắng sau khi đã tiêu diệt sự bóc lột và những kẻ bóc lột tàn nhẫn và ác độc nhất. Vậy các đồng chí đã hiểu rõ ý nghiã của cuộc cải cách ruộng đất.
Những ai góp phần vào công cuộc cải cách ruộng đất, là góp sức củng cố vững bền niềm tin vào chủ nghiã cộng sản và cũng tự dọn cho mình một chỗ đứng vinh dự trên Thành đài mới mà chúng ta đang xây dựng". Diễn giả lại ngừng một lát để cho những kiến thức mới, nhập vào óc người nghe, thấm thật sâu, rồi mới tiếp tục:
"Thưa các đồng chí, tôi vừa nhắc các đồng chí thế nào là chiến lược cộng sản. Bây giờ tôi sẽ nói tới cái mưu lược phải dùng ở nơi hẻo lánh này, mặc dù nghèo khổ cùng cực, cũng không ngăn được sự bóc lột lan vào tàn phá. Chúng ta sẽ dành những đòn thâm độc nhất cho tên đại địa chủ làng này. Việc quan trọng nhất không phải là kết án tử hình nó, mà trước hết phải hủy hoại thanh danh nó, giết chết lòng tự hào của nó, cắt tuyệt những hoài nghi cho rằng nó vô tội, đập vỡ lòng tự tin của nó về bản thân, về của cải mà nó đã chiếm đoạt bằng tội ác trên lưng người nông dân nghèo mà cuộc sống hàng ngày tưới đẫm mồ hôi và nước mắt, phải hạ nhục nó, kéo nó xuống địa vị con giun bò dưới đất mà ta nghiền nát dưới gót giầy! Những đãi ngộ mà ta dành riêng cho nó, không chỉ nhắm đưa đến cái chết đáng đời của nó mà hơn nữa, ta phải giật cái vòng hoa trên đầu nó xuống, cái vòng nguyệt quế cho phép nó đứng ngang hàng với thánh thần trong đầu óc người dân quê, họ đã quỳ mọp và hiến dâng lòng sùng kính của họ. Đó là phương tiện hữu hiệu nhất để đem lại cho những kẻ thanh bần này lòng tự tin và phẩm giá con người. Nhưng kết án và trừng phạt kẻ bóc lột, hãy còn là nhẹ. Ta còn phải bôi đen nó hơn nữa, không chỉ phơi bầy ra ánh sáng những hành vi ghê tởm trái với luật pháp và đạo lý của nó, mà còn nên chế thêm vào đó những hành động nhơ nhuốc bị luật pháp và đạo đức kết án. Kẻ bóc lột, có thể không làm những việc này, nhưng vì bị bản năng kích thích, nó vẫn vi phạm trong đầu. Những người nghiêm khắc, quan tâm đến sự công bằng, sẽ phản đối phương pháp này, nhưng tôi sẽ trả lời là tôi đứng trên bình diện chính trị chứ không phải trên khoa pháp lý, và nói theo ý thức quần chúng, ai muốn cứu cánh thì phải dùng đến phương tiện.
Thưa các đồng chí, tôi đã cho các đồng chí biết những thông tin cần thiết để thi hành bổn phận của các đồng chí. Tôi không nói quá khi tuyên bố rằng sự bóc lột và kẻ bóc lột là tử thù của chủ nghiã xã hội. Các đồng chí là những cán bộ có kinh nghiệm, là những chiến sĩ xung phong của Đảng. Vận mệnh của Đảng, hạnh phúc và tương lai của dân tộc tùy thuộc vào chiến thắng của chủ nghiã cộng sản mà các đồng chí là những người thợ thủ công. Ngay từ ngày mai, chúng ta bắt tay vào việc. Đảng muôn năm! Chủ nghiã Cộng sản muôn năm!" (Trang 20- 21)
Sau bài học thứ nhất của ông Đội trưởng, cả đội lên đường vào làng, mỗi người được phái ở một mái tranh, tập sống ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với chủ nhà, trong cùng một điều kiện sống.

(Còn tiếp)
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/08/thuy-khue-nguyen-manh-tuong-1909-1997.html?utm_source=BP_recent-------------------------------------------------------------------------------------
Thụy Khuê - Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) Tiểu thuyết Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm (2)

Hiện tượng vắng bặt căm thù trong đầu óc người dân quê
Lan và Hiên được phân phối ở hai nhà cạnh nhau, đầu làng. Hai thanh niên tiểu tư sản thành thị lần đầu tiên tiếp xúc với cảnh khốn cùng, cuộc đời tăm tối, rách rưới, đói khát, bệnh tật của dân quê. Lan không tin trên thế gian này lại có những người cùng khổ như thế.

“Cả Hiên lẫn Lan đều không khỏi rùng mình khi bước qua ngưỡng cửa ngỏ gió lùa tứ phiá, một tấm phên tre khép hờ rách mướp đầy những lỗ hở há miệng cho gió bấc ùa vào trong những đêm đông. Mái tranh, nhiều chỗ rơm đã bị bầy chuột ngự trị ở đấy cắp đi hay chọc thủng, lộ những mảnh trời. Vách đất tróc từng mảng vì mưa gió và loài gặm nhấm tàn phá: ruồi chui đầy nhà qua những vết nứt dọc, kêu ầu ầu rất khó chịu”
 (Trang 22).
Sau một đêm thức trắng dưới mái tranh lộ thiên, sáng tinh mơ hôm sau Lan và Hiên gặp lại nhau, Lan se sẽ lên tiếng bình luận phương pháp “ba cùng” của Đảng, nhưng Hiên chặn lại ngay và giảng cho Lan biết những kinh nghiệm đầu tiên về cách ứng xử trong môi trường cộng sản mà anh đã học được trong quân đội: Im lặng. Không phê bình. Tránh phát biểu. Và họ bắt đầu áp dụng bài học đầu tiên của ông Đội trưởng, về sự bóc lột và sự căm thù ở ngay gia đình mà họ tá túc. Lan tìm cách trò chuyện với người chủ nhà để kích động lòng căm thù của họ đối với những kẻ bóc lột:
Nàng nói nhỏ với người chủ nhà:
- Có thể nào trên thế gian này, trong thời đại chúng ta đang sống lại có những khổ đau nhường này? Tôi thật không tin được những điều mắt thấy tai nghe. Còn bác, bác có ý thức được cái khổ của bác không?
- Cô chỉ hỏi lẩn thẩn. Nhà tôi từ ba đời nay vẫn vậy, có biết cái gì khác đâu. Riết rồi quen, chẳng còn tơ tưởng gì nữa. Muốn có miếng cơm vào miệng thì phải vã mồ hôi. Mà đau ốm hay xấu giời không ra đồng được thì phải nhịn đói. Các cụ vẫn bảo tay làm hàm nhai mà.
- Nhưng khi bụng đói, gạo hết, thì có ai giúp bác không?
- Cùng khổ như nhau cả. Chẳng ai giúp được ai. Ấy cái số nó vậy.
- Bác có xin được người giầu tí gì không?
- Xóm này làm gì có người giàu? Ngay địa chủ cũng chỉ có vài mẫu ruộng, được thừa kế, hay người ta đem cầm rồi bỏ, mà họ cũng chẳng giàu có gì, chỉ đủ ăn ngày hai ba bữa.
Lan hỏi:
- Thế bác không thù họ à?
- Sao lại thù? Giời thương ai thì người ấy được. Ông giời có cái lý của ông ấy. Mình cãi làm sao được với giời mà thù hận những người được giời thương?” (Trang 25- 26).
Trước những lập luận như vậy, Lan chịu thua. Không chỉ mình Lan mà nhiều người trong đoàn cùng có chung nhận xét: sự quái lạ của cái làng này. Mặc cán bộ chính trị tìm mọi cách kích động lòng căm thù giai cấp, họ vẫn trơ ra. Như thể những kẻ bị bóc lột, quá ngu muội không thể hiểu được cả một sách lược tân kỳ, nhờ ánh sáng chủ nghiã Mác-Lê mà Đảng đã tìm ra để cứu họ khỏi bàn tay độc ác của bọn địa chủ khát máu.
Buổi họp tối hôm đó, sau khi đội viên đã trình bày những điều mắt thấy tai nghe về các gia đình họ ở ba cùng, hầu như mọi người đều gặp nhau ở điểm: làng này không căm thù địa chủ! Hiện tượng “vắng bặt căm thù giai cấp” ở cái làng nghèo mạt rệp này, làm cho mọi người hoang mang, trầm ngâm suy nghĩ. Bỗng Thủy, một Thanh niên Cộng sản đứng lên xin phát biểu:
“Thưa các đồng chí, xin cho phép một thành viên của đoàn Thanh Niên Cộng Sản được phát biểu vài cảm tưởng. Tôi xin nhắc lại rằng Đảng ta đã bảo đảm sẽ thực hiện sự lãnh đạo của vô sản trên toàn đất nước. Đấu tranh giai cấp là khí giới lợi hại nhất để đạt tới mục đích này. Nếu ở thành thị, giai cấp thợ tranh đấu chống giai cấp chủ, là kẻ sở hữu những phương tiện sản xuất; thì ở thôn quê, người nông dân vô sản phải tranh đấu chống lại bọn địa chủ cường hào. Ở nước ta mức sản xuất kỹ nghệ chưa quan trọng, giới chủ còn èo uột, giới thợ còn yếu, sự tranh đấu cũng dễ.
Nếu cuộc đấu tranh giai cấp chưa giữ vai trò quyết định, ít nhất ở thành phố, thì nó cũng phải diễn ra trên hai bình diện khác nhau. Trước hết, trên bình diện quốc tế, trong sự đấu tranh chống thực dân giành độc lập cho xứ sở. Và trên bình diện quốc nội, người nông dân vô sản vùng lên chống lại bọn địa chủ cường hào. Kẻ bóc lột, dù nhỏ mọn thế nào, vẫn là kẻ thù của người nông dân lao động. Gia sản đất đai của nó dù chẳng đáng là bao, dù nó có đối xử tử tế với những người sắp chết đói đến ngửa tay xin ăn, và trở thành ân nhân của họ, gợi lên trong họ lòng biết ơn, ta vẫn phải chỉ đích danh nó ra để cho nông dân căm thù. Ta phải phát huy căm thù, nuôi dưỡng căm thù, bành trướng căm thù bằng tất cả mọi phương tiện, thậm chí, sáng chế những căm thù mới, bịa đặt những tổn thất nếu cần, để truy bức nó, để đánh qụy nó. Để chống kẻ thù giai cấp, tất cả mọi phương tiện đều tốt. Có quan hệ gì cách giết một con rắn độc, bằng hòn đá, bằng gậy gộc, hay bằng gót giầy!”
Trong khi Thủy thao thao bất tuyệt, cử tọa há hốc mồm nghe, và kinh hoàng tự hỏi không biết Thủy học ở đâu những điều này, mà dường như, Thuỷ cũng chẳng nói để trình bầy ý kiến riêng tư và thành thực của mình, mà chỉ nói cho những thành phần của Đảng nghe để lấy điểm. Toan tính rất đúng, bởi vì Ủy viên chính trị của đội cải cách tức khắc đứng lên khen ngợi” (Trang 27-28). 
Bài học thứ hai về sự bóc lột và căm thù
Lời khen ngợi Thủy của Năng, Ủy viên chính trị, Đội phó đội cải cách, là bài học thứ nhì về sự bóc lột và căm thù, lần này quyết liệt hơn bài học học thứ nhất của ông Đội Trưỏng đội cải cách. Uỷ viên chính trị nói thẳng đến những phương pháp phải dùng để đạt kết quả, đặc biệt đối với cái dân làng không tha thiết gì đến căm thù này:
“Thưa các đồng chí, tôi thật không ngờ trong Đội ta lại có một thiếu nữ như cô Thủy, đã trình bầy và bảo vệ một cách nhiệt tình và mãnh liệt quan điểm của Đảng đến thế. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh Thủy đã tìm thấy đường đi. Nếu kiên trì cố gắng, cô sẽ tiến bộ rất xa. Về phần tôi, tôi xin phép được nói thêm vài câu, nhất là được nhấn mạnh ý nghĩa cuộc đấu tranh giai cấp. Tất cả lý thuyết cộng sản nằm trong đó. Không có đấu tranh giai cấp thì không có cộng sản. Đấu tranh giai cấp và cộng sản là một, một khối duy nhất. Thật vậy, nếu không có đấu tranh giai cấp, thì không có cộng sản. Sự thể là như thế bởi vì trong xã hội phân chia giai cấp, sự bóc lột ngự trị và những kẻ bóc lột muốn bảo tồn vĩnh viễn xã hội giai cấp, kéo dài cuộc chiến giữa người bị bóc lột và kẻ bóc lột. Người lao động gánh trên vai gông cùm của sự bóc lột, bắt buộc phải đấu tranh quyết liệt chống lại những giai cấp áp bức, bắt chúng phải chết trong bần cùng, đói khát.
Đấu tranh giai cấp là định mệnh của lịch sử, là con đường duy nhất giải phóng quần chúng lao động, dìu dắt họ lấy lại phẩm cách của con người. Bình thường ra, những kẻ bị bóc lột phải cảm thấy sự căm thù không nén được đối với đao phủ của họ. Tuy nhiên, như các đồng chí cũng đã nhận thấy ở đây, qua các cuộc nói chuyện với nông dân nghèo bị chiếm đoạt đất đai tổ tiên để lại, là họ không nuôi lòng thù nghịch thâm căn cố đế đối với những kẻ đã dìm họ xuống hàng súc vật! Hẳn các đồng chí đã hiểu những lý do giải thích thái độ, thoạt nhìn, không thể hiểu được này: Mỗi nông dân sắp chết đói được chúng bố thí cho một bát cơm! Để thổi phồng trái tim đói khát, có gì hơn là lòng biết ơn đối với kẻ đã cứu họ khỏi cái chết cận kề.
Thưa các đồng chí, đến đây, chúng ta cần phải kết án bọn thực dân, không những, chúng đã cướp hết tài sản của nhân dân ta, mà chúng còn dìm sự bần cùng trong vũng bùn ngu dốt và mù chữ. Làm sao những người thất học và thiếu văn hoá có thể dùng được phương pháp phân tích phê bình thực tế để có một phán đoán lành mạnh? Nếu lương tri bẩm sinh của họ được nhận thêm một sự đào luyện tinh thần tối thiểu, họ đã có thể có một phán đoán sáng suốt về ý đồ của lòng “từ thiện” này, mà mục đích duy nhất chỉ là cứu vớt nhân công, mà thiếu nó, đất đai của chúng sẽ bị bỏ hoang, không ai cầy cấy!
Vì thế, sự căm thù của vô sản đối với những kẻ chiếm đoạt đất đai của họ, phải được nẩy nở, phải được đào luyện vun trồng, để sản xuất ra những thành quả mong muốn trong cải cách ruộng đất. Tôi để các đồng chí tìm tòi những phương pháp nẩy nở căm thù, cung cấp thức ăn cho nó, nuôi dưỡng nó, đưa nó lên đỉnh cao, làm nở rộ động lực và tiềm năng của nó. Tiếng chủ lệnh là căm thù. Và để có căm thù, đôi khi phải sáng chế ra những hành động tán tận lương tâm của địa chủ, để kích thích sự phẫn uất nơi những kẻ biết ơn chúng. Triết học Tây Phương đã minh định: Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Muốn có cứu cánh, phải dùng đến phương tiện!
Căm thù và dối trá đi đôi với nhau. Cứu cánh mà chúng ta mơ ước, vinh quang đến độ chúng ta không thể trì hoãn trong sự lựa chọn phương tiện. Để tận diệt những kẻ bóc lột, tất cả mọi hình thức dối trá, dù trắng trợn đến đâu, đều có thể và phải được áp dụng, ngõ hầu biến bọn chúng thành ghê tởm, không xứng đáng sống làm người!
Trên mặt đất đã tẩy sạch sự bóc lột và kẻ bóc lột, những dân tộc có thể xây dựng xã hội chủ nghĩa và hưởng thụ một thứ hạnh phúc không ai mường tượng được! Thế giới mà chúng ta để lại cho con cháu, rạng ngời ánh sáng xã hội chủ nghiã, sẽ trong sạch, không một vết nhơ, như ngày sáng thế, và con cháu chúng ta sẽ được thụ hưởng hạnh phúc khiến chúng đời đời nhớ ơn chúng ta!” (Trang 28-29).
Bài học chính trị thứ nhì chấm dứt. Mọi người ra về. Đêm ấy, Hiên và Lan gặp nhau thì thầm, nỗi sợ bắt đầu. Lan đã thấy lại ở Thủy hình ảnh những thành viên của đoàn “Thanh Niên Cộng sản” xuất thân tiểu tư sản, mà nàng đã gặp ở Hà Nội, luôn luôn năng nổ, không ngần ngại làm bất cứ công việc đê tiện nào để đẹp lòng thượng cấp, dưới lốt “chiến sĩ vô sản” vẫn còn nặc mùi tiểu tư sản: trước đó không lâu, còn chăm lo tô son trát phấn để hy vọng kiếm tấm chồng giầu, chỉ một thời gian sau đã xoay ngược 180 độ, xin vào đoàn Thanh Niên Cộng Sản, trở thành “chiến sĩ thi đua”, thậm chí còn chọn người bạn đường thuần tuý gốc vô sản để tiến thân. Hiên điềm tĩnh phân tích tình hình chung:
“Nếu ngày mai những mẫu người như Thủy và Năng sinh xôi nẩy nở, dân tộc ta sẽ có những ngày đen tối. Những kẻ khát máu này đã đẩy sự dã man của chúng tới mức bịa đặt những dối trá giết người, tra tấn, cực hình những người lương thiện vì lòng tham, để chiếm của cải của họ, tệ hơn nữa, vì cuồng tín chính trị, để bảo đảm sự thắng lợi của ý thức hệ của chúng. Nếu lên cầm quyền, chúng sẽ tiêu diệt tất cả đối lập để giữ vững chỗ ngồi.” (Trang 30). 
(Còn tiếp)
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001