Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Hồi hộp chờ màn hạ cánh của tàu thám hiểm sao Hỏa

(TNO) Với sự tự tin xen lẫn không khí căng thẳng, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bắt đầu đếm ngược thời điểm hạ cánh của con tàu tự hành lớn nhất từ trước đến nay trên sao Hỏa, nơi nó sẽ lần tìm dấu vết của sự sống có thể từng tồn tại nơi đây.

Thiết bị thăm dò trị giá 2,5 tỉ USD có tên Curiosity dự kiến sẽ hạ cánh xuống hành tinh Đỏ vào lúc 5 giờ 31 phút, giờ GMT ngày 6.8 (12 giờ 31 phút, giờ Việt Nam).
Curiosity đã chu du khoảng 566 triệu km kể từ khi được phóng đi vào tháng 11 năm ngoái song giai đoạn khó khăn nhất của cuộc hành trình vẫn ở phía trước.
Các quan chức NASA nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo vào hôm 5.8 rằng con tàu hoạt động đúng chức năng khi hướng đến mục tiêu.
Hồi hộp chờ màn hạ cánh của tàu thám hiểm sao Hỏa
 Ảnh mô phỏng tàu thăm dò Curiosity - Ảnh: NASA/AFP
Trong những khoảnh khắc cuối cùng, con tàu sẽ tăng tốc nhờ lực hấp dẫn khi nó đến gần sao Hỏa, xâm nhập tầng khí quyển với tốc độ 21.240 km/giờ và giảm tốc độ nhờ sự giúp đỡ của một chiếc dù và động cơ phản lực.
Thông báo về số phận của Curiosity sẽ được đưa ra 14 phút sau khi quá trình hạ cánh xảy ra bởi cần phải có thời gian để tín hiệu từ sao Hỏa được chuyển về Trái Đất.
NASA cho biết cơ quan này sẽ phát sóng chương trình bình luận trực tiếp về vụ hạ cánh trên kênh truyền hình của họ vào lúc 4 giờ, giờ GMT (11 giờ, giờ Việt Nam).
Kỹ sư Brian Portock, người quản lý chương trình, phát biểu: “Sự phấn khích đang gia tăng trong quá trình theo dõi con tàu. Việc hồi hộp trước một sự kiện lớn là lẽ thường song chúng tôi tin chúng tôi đã chuẩn bị tốt”.
Hồi hộp chờ màn hạ cánh của tàu thám hiểm sao Hỏa2
 Các nhà khoa học của NASA hồi hộp chờ đợi màn hạ cánh - Ảnh: AFP
Các nhà khoa học không trông chờ Curiosity sẽ tìm ra người ngoài hành tinh hoặc sinh vật sống. Thay vào đó, họ hy vọng nó sẽ phân tích các mẫu đất đá để tìm ra dấu hiệu của sự sống trong hiện tại hoặc quá khứ.
Giám đốc chương trình sao Hỏa của NASA Doug McCuistion nhận xét sứ mệnh là “tuyệt đối quan trọng” với việc tìm hiểu xem nhân loại có đơn độc trong vũ trụ hay không.
“Nếu chúng tôi thành công, đây sẽ là một trong những kỳ công vĩ đại nhất từ trước đến nay trong việc khám phá hành tinh”, ông McCuistion phát biểu.
Tuy nhiên, McCuistion thận trọng nói rằng sứ mệnh rất khó khăn và thừa nhận “chúng tôi có thể không thành công”.
TIẾP TỤC CẬP NHẬT
Sơn Duân
>> NASA từng hủy diệt sự sống trên sao Hỏa?
>> Truy tìm dấu vết sự sống trên sao Hỏa
>> Phát hiện mới về nước trên sao Hỏa
>> Tồn tại vật chất sống cơ bản trên sao Hỏa
>> Khí quyển sao Hỏa cổ đại tương đồng với Trái đất
>> Tìm thấy carbonat trên sao Hỏa
>> Nỗ lực đưa người lên sao Hỏa
>> Sao Hỏa “siêu khô hạn” hơn 600 triệu năm
>> Máy tự hành kiểm tra vỏ sao Hỏa
>> Chuẩn bị “hạ cánh” xuống sao Hỏa


nguồn:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120806/hoi-hop-cho-man-ha-canh-cua-tau-tham-hiem-sao-hoa.aspx
--------------------------------------------------------------------------------
Tàu Curiosity hạ cánh thành công xuống Sao Hỏa
Thứ Hai, 06/08/2012 16:49

(NLĐO)- Sau hành trình kéo dài hơn 8 tháng, trải qua 567 triệu km trong vũ trụ, tàu thăm dò Curiosity của NASA đã hạ cánh xuống một hố sâu gần xích đạo của sao Hỏa vào khoảng 5 giờ 32, giờ GMT (tức 12 giờ 32 giờ Việt Nam).

Con tàu công nghệ cao nặng 1 tấn, trị giá 2,5 tỉ USD được phóng đi từ mũi Canaveral, bang Florida hồi tháng 11 năm ngoái, với tốc độ gần 21.000 km/h trước khi đáp nhẹ nhàng xuống gần chân một ngọn núi cao ở vùng hố Gale thuộc nam bán cầu của sao Hỏa.
Sự kiện này là dấu mốc đánh dấu sự mở đầu của sứ mệnh kéo dài ít nhất 2 năm để tìm kiếm các bằng chứng sự sống của “hành tinh đỏ”.

Sau giây phút hồi hộp chờ con tàu hạ cánh tới khi nhận được tín hiệu xác nhận tàu Curiosity đáp xuống bề mặt sao Hỏa an toàn được gửi về trái đất thông qua vệ tinh Odyssey của NASA, vốn đang hoạt động trên quỹ đạo quanh sao Hỏa, các kỹ sư và các nhà khoa học làm việc trong dự án Curiosity 10 năm qua tại Phòng thí nghiệm chuyển động phản lực của NASA (JPL) ở Pasadena, bang California, đã không giấu nổi niềm vui. Họ cùng bắt tay, ôm hôn nhau và không kìm được nước mắt!



Niềm vui của các nhà khoa học. Ảnh: Reuters

“Xác nhận hạ cánh. Chúng tôi đã hạ cánh an toàn trên sao Hỏa. Ôi, Chúa ơi”, đó là những thông tin  các kỹ sư và các nhà khoa học làm việc trong dự án Curiosity mong mỏi suốt bao nhiêu năm qua. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chia sẻ niềm vui này với các nhà khoa học. Ông nói: "Việc hạ cánh thành công của Curiosity, phòng thí nghiệm tự hành tinh vi nhất từng đáp xuống một hành tinh khác, đánh dấu một kỳ công công nghệ chưa từng có vốn sẽ tồn tại như là cột mốc tự hào quốc gia trong tương lai xa”.
Những hình ảnh đầu tiên của con tàu đã được gửi về trái đất. Ảnh: Reuters
Quá trình Curiosity hạ cánh xuống sao hỏa được mô tả là “7 phút kinh hoàng”, khoảng thời gian con tàu thực hiện hàng loạt các thao tác tự động và đầy rủi ro để dừng lại từ vận tốc 20.000km/h.

Những hình ảnh đầu tiên của con tàu đã được gửi về trái đất,  trong đó có một bức chụp bánh xe của Curiosity và bóng con tàu.

Đỗ Quyên (Theo Daily Mail)
nguồn:http://nld.com.vn/2012080604495568p0c1006/tau-curiosity-ha-canh-thanh-cong-xuong-sao-hoa.htm
------------------------------------------------------------------------------
NASA ăn mừng phi thuyền Curiosity đáp xuống Sao Hỏa
Published on August 6, 2012   ·   No Comments
Các khoa học gia và kỹ sư tại Phòng thí nghiệm Không gian Hỗn hợp gần thành phố Los Angeles ăn mừng tàu thám hiểm Curiosity đáp xuống Sao Hỏa, ngày 5/8/2012
Cơ quan Không gian Hoa Kỳ cho hay Phòng thí nghiệm Khoa học trên Sao Hỏa đã hạ cánh thành công xuống hành tinh đỏ này. Từ Washington, thông tín viên VOA Penny Dixon ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Còn phải mất nhiều tuần lễ thử nghiệm trước khi Cơ quan Không gian Hoa Kỳ NASA để cho con tàu thám hiểm Curiosity tự do đi lại trên bề mặt sao Hỏa, để đi tìm các dấu hiệu cho thấy hành tinh nay có thể đã có lúc ở trong tình trạng thích hợp cho sinh hoạt.
Nhưng trước hết các khoa học gia và kỹ sư tại Phòng thí nghiệm Không gian Hỗn hợp gần thành phố Los Angeles đã tổ chức một lễ mừng nhỏ.
NASA mô tả sự kiện tàu Curiosity đi xuyên qua khí quyển Sao Hỏa là “7 phút kinh hoàng,” nhưng việc hạ cánh, mà các kỹ sư cho là một chuyến đáp phức tạp nhất đã từng thử nghiệm, đã xúc tiến một cách hoàn hảo.
Ít lâu sau khi đáp xuống, phi thuyền đã gửi một hình ảnh trở về trái đất, cho thấy một trong 6 bánh xe chạm xuống bề mặt hành tinh đỏ.
Tổng thống Barack Obama ca ngợi các nỗ lực đưa tàu Curiosity lên Sao Hỏa.
Trong một phát biểu hôm nay, Tổng thống Obama nói việc đáp xuống hành tinh này là một sự kiện lịch sử. Ông gọi đây là một thành tích kỹ thuật chưa từng có từ trước đến nay.
Cố vấn Khoa học của Tòa Bạch Ốc John Holdren cho hay chính quyền của Tổng thống Obama cam kết tiếp tục sự lãnh đạo của nước Mỹ trên trái đất và trong suốt Thái Dương Hệ.
Ông Holdren nói: “Việc tàu thám hiểm Curiosity hạ cánh xuống bề mặt Hành tinh Ðỏ quả thực là một phi vụ mang tính thách thức nhất trong lịch sử thám hiểm hành tinh bằng tàu robot. Và nếu có ai hoài nghi về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lãnh vực không gian, thì nay đã có một bằng chứng thực sự cỡ một chiếc xe hơi cả tấn nằm trên bề mặt Sao Hỏa ngay lúc này, và điều đó chắc hẳn sẽ khiến không còn điều gì để nghi ngờ nữa.”
Tàu thám hiểm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ dành 2 năm để đào bới các tảng đá và xúc đất lên để phân tích. Các khoa học gia hy vọng sẽ xác định được liêu môi trường Hỏa Tinh có thể hỗ trợ cho sự sống dưới hình thức của các sinh vật cực nhỏ hay không.
Theo VOA
nguồn:http://www.ttxva.org/nasa-an-mung-phi-thuyen-curiosity-dap-xuong-sao-hoa/
-------------------------------------------------------------------------------
Hành trình chế tạo ‘kẻ săn sự sống’ trên bề mặt sao Hỏa
Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng đi hơn 8 tháng trước, vừa hạ cánh thành công xuống Hỏa Tinh.

Được phóng đi ngày 26/11/2011 tại trung tâm phóng tàu vũ trụ Cape Canaveral, Florida, “kẻ săn lùng sự sống” Curiosity mang trong mình những công nghệ hiện đại nhất cùng với tham vọng phát hiện những yếu tố cần thiết cho sự sống nguyên thủy như nước hay hợp chất carbon trên bề mặt Hành tinh Đỏ.
Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity khi đang được hoàn tất tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA nằm tại Pasadena, California ngày 26/5/2011.
Vượt qua quãng đường dài hàng trăm triệu km cùng với “7 phút kinh hoàng” khi lao qua tầng khí quyển mỏng của Sao Hỏa với vận tốc hơn 20.000km/h, Curiosity vừa tiếp đất an toàn và bắt đầu gửi về địa cầu những hình ảnh và dữ liệu đầu tiên trên Hành tinh Đỏ. Với kích cỡ và trọng lượng của một chiếc xe hơi loại nhỏ, quá trình hạ cánh của Curiosity thực sự là điều vô cùng khó khăn. Chính vì lẽ đó, thiết bị hạ cánh đặc biệt với sự chính xác gần như tuyệt đối được các chuyên gia hàng không vũ trụ nghiên cứu kĩ lưỡng.
Curiosity là tàu thăm dò sao Hỏa đặc biệt và tốn kém nhất với trọng lượng 1 tấn, duy trì hoạt động bằng hệ thống máy phát sử dụng năng lượng hạt nhân plutonium-238. “Kẻ săn sự sống” dài hơn 3m, cao 2,1m, được trang bị máy ảnh với độ phân giải cao cùng hệ phống phân tích quang phổ sử dụng tia laser cực mạnh, đủ sức làm bốc hơi lượng nhỏ khoáng chất và tự phân tích chúng.
Nơi Curiosity đáp xuống là miệng núi lửa được đặt tên là Gale, nơi được đánh giá là thuận lợi nhất nếu có tồn tại sự sống của vi sinh vật, đồng thời cũng là nơi lưu giữ tốt nhất các mẫu sinh vật nếu chúng từng tồn tại trên bề mặt Hành tinh Đỏ. Với 6 bánh xe di chuyển độc lập, Curiosity có thể đến những khu vực khác nhau tại Gale để thu thập những dữ liệu chính xác nhất.
Một trong những thiết bị của Curiosity đang được kiểm tra tại phòng thí nghiệm.
Dù hạ cánh được kiểm tra độ bền tại đường hầm tạo gió lớn nhất thế giới. Chiếc dù được thiết kế để giữ cho bộ phận hạ cánh cùng tàu thăm dò giảm tốc khi bay vào bầu khí quyển sao Hỏa với tốc độ Mach 2.2.
Các chuyên gia đang tiến hành thử nghiệm bộ phận phát ra chùm tia laser cực mạnh để bay hơi vật chất trên bề mặt sao Hỏa nhằm phục vụ nghiên cứu.
Dựa vào những chất bị bay hơi, bộ phận cảm biến trên Curiosity có thể xác định được các nguyên tố hóa học vừa bị chùm tia laser đốt cháy, nhằm nghiên cứu cấu tạo bề mặt Hành tinh Đỏ.
Máy bay chuyên dụng được dùng để kiểm tra khả năng hoạt động của hệ thống radar trang bị trên Curiosity tại một sa mạc của Mỹ.
NASA xác định vị trí mà Curiosity sẽ đáp xuống. Nó nằm trên miệng núi lửa Gale, nơi được đánh giá tiềm năng tồn tại sự sống.
Phần hỗ trợ được thiết kế để đưa tàu thăm dò cùng hệ thống hạ cánh tiếp đất.
Phần “đỉnh đầu” của Curiosity với hệ thống quan sát và cảm biến được sử dụng để giúp xe thăm dò định hướng mục tiêu.
Một trong những chi tiết của Curiosity khi còn nằm trong phòng thí nghiệm.
Cánh tay của Curiosity giúp nó thực hiện các thao tác thu thập mẫu vật cần thiết.
Chiếc xe khi công đoạn lắp ráp sắp sửa hoàn tất.
Tên lửa đẩy Atlas V được NASA sử dụng để đưa tàu thăm dò lên quỹ đạo đã định.
Khi công đoạn lắp đặt chuẩn bị hoàn tất, máy phát điện năng lượng hạt nhân với trọng lượng 43kg, công suất 125w được lắp vào xe thăm dò. Nó được nạp lượng plutonium đủ để hoạt động liên tiếp trong vòng 14 năm, bất kể ngày đêm và điều kiện thời tiết.

Những phần cuối cùng của Curiosity được lắp ráp.
Hệ thống hạ cánh cũng được các chuyên gia nghiên cứu kĩ lưỡng.
Với 8 động cơ được bố trí thành 4 cụm nằm đều xung quanh giúp Curiosity dễ dàng thăng bằng hơn trong quá trình tiếp đất.
Phần hạ cánh và xe thăm dò Curiosity sau khi được lắp với nhau.

Phần hỗ trợ chờ ráp nối với các bộ phận còn lại.

Nó sẽ bọc toàn bộ thiết bị hạ cánh và tàu thăm dò Curiosity khi lao qua bầu khí quyển Hành tinh Đỏ.


Phần vỏ bọc ngoài cùng bảo vệ các thiết bị đổ bộ trong quá trình rời khí quyển trái đất và bay tới sao Hỏa.
Xe kéo đặc biệt đưa Curiosity cùng các thiết bị hỗ trợ ra điểm phóng.
Tên lửa phụ được lắp vào tên lửa đẩy Atlas V tại bệ phóng.



Tàu vũ trụ khởi hành, đưa xe thăm dò sao Hỏa Curiosity tới đích.
Hồng Duy
Theo Infonet.vn

Tin tức gần đây



nguồn:http://www.zing.vn/news/kham-pha/hanh-trinh-che-tao-ke-san-su-song-tren-be-mat-sao-hoa/a265991.html#home_noibat1
------------------------------------------------------------------------------
Hà Tường Cát - Thành công lớn nhất của loài người trên Hỏa Tinh

 Thành công lớn nhất của loài người trên Hỏa Tinh


Hà Tường Cát/Người Việt

10:32 giờ tối Chủ Nhật 5 tháng 8, 2012, người ta chờ đợi tiếng nói ngắn gọn của kỹ sư Al Chen tại trung tâm JPL của NASA ở Pasadena, California: “Ðã đáp xuống” (Touchdown confirmed).



 Lược đồ đáp xuống Hỏa Tinh của Curiosity. (Hình: Biểu đồ vẽ lại từ hình của NASA)  

Tương tự như sự chờ đợi của cả thế giới 43 năm trước, ngày 21 tháng 7 năm 1969, khi phi hành gia Neil Armstrong từ Mặt Trăng báo tin về: “Ðại bàng đã đáp xuống” (The Eagle has landed), sự kiện xe lăn Curiosity vừa hạ xuống Hỏa Tinh cũng đầy tính cách hồi hộp dù rằng đây chỉ là một “robot” hoạt động bằng sự điều khiển từ xa hàng trăm triệu dặm.

Kỹ sư Al Chen không lên Hỏa Tinh với Curiosity mà chỉ ngồi theo dõi trong đài điều khiển tại JPL. Hơn nữa tới những phút cuối cùng trong giai đoạn Curiosity đáp xuống, người ta cũng không thể điều khiển trực tiếp vì liên lạc vô tuyến phải mất khoảng 14 phút mới đến và do đó phi thuyền hoàn toàn tự hoạt động theo từng chi tiết đã được định sẵn trong chương trình.

Curiosity là một phòng thí nghiệm lớn nhất, nặng nhất và tân tiến nhất mà loại người chưa từng bao giờ đưa tới một hành tinh. Chiếc xe 6 bánh nặng 1 tấn này theo kế hoạch sẽ hoạt động trong hai năm trên mặt Hỏa Tinh với sứ mạng tìm ra nước hay những dấu vết có nước trong quá khứ nghĩa là biểu hiện sự sống đã từng có trên hành tinh mà đêm đêm chúng ta có thể dễ dàng phân biệt với các thiên thể khác nhờ ánh sáng màu đỏ đặc biệt.

Hơn 5,000 người ở 37 tiểu bang Hoa Kỳ đã làm việc cho dự án tốn kém $2.5 tỷ của NASA gần 10 năm và nếu cuối cùng bất cứ một phần bộ nào trong kế hoạch này gặp trục trặc thì toàn thể công của sẽ thành nước lã đổ ra sông. Thực tế đáng lo ngại hơn nữa là nếu kế hoạch thất bại thì với điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, chưa biết đến bao giờ NASA mới có thể làm lại và giấc mộng thám hiểm vũ trụ chắc chắn sẽ chậm lại rất nhiều năm.

Thám sát Hỏa Tinh là một việc rất nhiều rủi ro, từ thập niên 1960 đến nay trong số hơn 30 phi thuyền, của Liên Xô, Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản đưa tới đây, hơn phân nửa kết thúc bằng thất bại hoàn toàn. Thành công quan trọng duy nhất trước đây của NASA là hai phi vụ năm 2004 cho hạ xuống Hỏa Tinh hai xe thám hiểm (MER = Mars Exploration Rover) mỗi chiếc nặng gần 200 kg: Opportunity (MER-B) và Spirit (MER-A). Hai xe này sau đó mắc kẹt trong cát không di chuyển được nữa và MER-A mất liên lạc từ 2009 nhưng MER-B đến nay vẫn còn chuyển được tín hiệu về.

Nhưng MERs tương đối nhỏ và nhẹ, đã hạ êm ái xuống Hỏa Tinh nhờ những đệm hơi. Còn Curiosity nặng hơn gấp 5 lần (900 kg) và lớn bằng một chiếc xe du lịch nhỏ (kích thước 2.9 x 2.7 x 2.2 mét), không thể theo cách ấy, cho nên lần đầu tiên NASA phải dùng một phương pháp hoàn toàn sáng tạo chưa bao giờ có kinh nghiệm để ước lượng khả năng thành công.

Một cách tổng quát, phi thuyền MSL (Mars Science Laboratory) phóng đi từ mũi Canaveral, Florida, ngày 26 tháng 1 năm ngoái. Sau 8 tháng, phi thuyền đã bay qua 350 triệu dặm để đến Hỏa Tinh và đi vào bầu khí quyển với vận tốc 12,000 dặm/giờ. Ở vận tốc này, sự ma sát với khí quyển làm nhiệt độ lên rất cao và phải có một lá chắn nhiệt để phi thuyền không cháy tiêu. Khi xuống đến cao độ 6.2 dặm, vận tốc đã giảm xuống còn 1,300 dặm giờ, chiếc dù hãm bung ra để tới cao độ 1.1 dặm vận tốc chỉ còn 220 dặm/giờ. Lúc đó bộ phận đổ bộ mang Curiosity sẽ tách ra và hoạt động như một cần trục bay nhờ những hỏa tiễn nhỏ thổi ngược rồi dùng giây hạ Curiosity xuống đất. Trong vòng 2 giây khi biết chắc là điểm đáp xuống đủ cứng để Curiosity không bị lún, các khối nổ giống pháo nhỏ cắt giây và cần trục sẽ bay đi xa 150 mét rồi rớt xuống, tránh không đụng tới Curiosity. Toàn bộ quy trình đáp xuống Hỏa Tinh chỉ kéo dài 7 phút, được gọi là “7 phút kinh hoàng” đối với các khoa học gia vì quyết định thành công hay thất bại nếu chỉ một trục trặc nhỏ xảy ra.

Ông John Holdren, cố vấn khoa học kỹ thuật của Tổng Thống Obama, ca ngợi thành công phi thường “trong quy trình chưa từng có này”. Tất cả mọi việc đều diễn ra đúng như dự tính không có sai sót nào và 6 bánh xe đứng vững vàng trên mặt đất có nghĩa là Curiosity sẽ vận hành được như kế hoạch. Hình đầu tiên do Curiosity tự chụp và từ xa 184 triệu dặm gởi về tới trung tâm điều khiển Pasadena ít phút sau đó, đã xác định sự thành công hoàn toàn và được các nhân viên ở đây đón mừng trong sự hân hoan tột độ.

Nơi Curiosity đáp xuống ở trong một hố tròn, Gale Crater đường kính 96 dặm do một thiên thạch đụng vào Hỏa Tinh cách nay 3 triệu năm. Theo dự án, Curiosity sẽ qua một giai đoạn kiểm tra lại các dụng cụ khoa học trước khi bắt đầu công tác nghiên cứu trong thời gian ít nhất là 1 năm Hỏa Tinh nghĩa là 687 ngày của Trái Ðất chúng ta. Hố tròn Gale Crater được chọn vì nhiều lý do. Trước hết nơi Curiosity đáp xuống, một hố trũng 4 x 12 dặm là nơi sâu nhất trên Hỏa Tinh nên nếu như có nước dưới mặt đất thì sẽ là chỗ gần nhất để Curiosity phát hiện và nghiên cứu bằng những dụng cụ khoa học. Thứ hai, qua hàng triệu năm, những vật chất từ miệng hố trôi xuống do gió hay nước - nếu đã có - vẫn còn tích tụ ở đáy nên đây là nơi thuận lợi nhất để tìm hiểu về lịch sử của Hỏa Tinh.

Trong thời gian không lâu nữa, người ta sẽ được xem những hình ảnh do Curiosity chụp cũng như có thể biết rõ rất nhiều điều mới lạ về hành tinh này, dù rằng chắc chắn sẽ không thấy những “người Hỏa Tinh” trong các truyện giả tưởng như đã mơ ước từ lâu.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/08/ha-tuong-cat-thanh-cong-lon-nhat-cua.html?utm_source=BP_recent
------------------------------------------------------------------------------
NASA công bố video tàu thăm dò hạ cánh trên sao Hỏa

(TNO) Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào hôm nay đã công bố đoạn video quay lại cảnh tàu thăm dò Curiosity đáp xuống sao Hỏa vào hôm qua, 6.8.

Đoạn video dài hơn 1 phút được một máy quay đặt trên tàu thăm dò quay lại, mô tả quá trình hạ cánh của thiết bị trị giá 2,5 tỉ USD với mục đích săn tìm dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa.
Sau khi hạ cánh, Curiosity đã chụp một số bức ảnh có độ phân giải thấp và chuyển về Trái Đất. Thiết bị thăm dò tự hành này dự kiến sẽ chụp các bức ảnh có độ phân giải cao hơn trong những tuần tới.
Trước đó, NASA cũng đã công bố những đoạn video minh họa cảnh hạ cánh của tàu Curiosity cũng như cảnh các nhà khoa học nín thở chờ giây phút con tàu đáp xuống hành tinh Đỏ.
Xem các video clip của NASA dưới đây:


Sơn Duân
nguồn:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120807/nasa-cong-bo-video-tau-tham-do-ha-canh-tren-sao-hoa.aspx
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tàu Curiosity bắn vỡ đá sao Hoả

(Dân trí) - Tàu Curiosity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã lần đầu tiên triển khai thiết bị laser để bắn vỡ một viên đá trên sao Hoả, sử dụng 30 tia sáng ngắn nhưng cường độ mạnh.
 >>  Tàu thăm dò NASA chuẩn bị bắn laser phá đá sao Hoả
 >>  40 năm hành trình khám phá “hành tinh Đỏ”

Viên đá mang số hiệu N165 đã bị bắn thủng bề mặt.
Viên đá mang số hiệu N165 đã bị bắn thủng bề mặt.
Trong một tuyên bố từ trung tâm kiểm soát sứ mệnh tại Phòng thí nghiệm động cơ phản lực (JPL) gần Los Angeles, NASA cho biết thiết bị mang tên ChemCam ngày 19/8 đã bắn laser vào một viên đá kích thước tương đương một quả bóng tennis tên gọi Coronation (trước đó được gọi là N165) nằm cách tàu Curiosity khoảng 2,5m.
Trong thời gian 10 giây, ChemCam đã bắn vào viên đá 30 tia laser. Các chùm tia sáng ngắn nhưng mạnh từ thiết bị đã bắn thủng bề mặt của viên đá.
Mục đích chính của công đoạn hôm qua thử nghiệm thiết bị ChemCam để xem nó có sẵn sàng nhằm bắt đầu một nhiệm vụ quan trọng là tìm hiểu kết cấu địa chất của "hành tinh Đỏ" hay không. Nhưng các nhà khoa học sẽ sử dụng các dữ liệu mà họ nhận được để phân tích thành phần hoá học của đá trên sao Hỏa.
Các nhà khoa học của NASA tuyên bố cuộc thử nghiệm ban đầu của họ đã thành công.
“Chúng tôi nhận được nhiều quang phổ của Coronation - nhiều tín hiệu”, Roger Wiens, từ Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos tại bang New Mexico, nơi thiết bị được phát triển, cho biết. “Sau 8 năm chế tạo thiết bị, chúng tôi đã không uổng công”.
Mô phỏng thiết bị ChemCam bắn tia laser.
Mô phỏng thiết bị ChemCam bắn tia laser.
ChemCam là một trong hàng loạt thiết bị mà xe tự hành Curiosty nặng 1 tấn của NASA, vốn hạ cánh xuống sao Hoả tại một địa điểm tên gọi Hố Gale 2 tuần trước. Trong 2 năm, tàu sẽ cố gắng xác định xem liệu các mối trường trong quá khứ tại địa điểm hạ cánh có từng hỗ trợ sự sống hay không.
Thiết bị ChemCam do Pháp và Mỹ hợp tác chế tạo sẽ là một phần quan trọng của sứ mệnh đó, giúp lựa chọn các mục tiêu đáng chú ý nhất để nghiên cứu.
Kỹ thuật mà ChemCam sử dụng đã được dùng để tìm hiểu cấu trúc của các khoáng chất trong các môi trường đặc biệt khác, như bên trong lò phản ứng hạt nhân hay dưới đáy biển.
Công nghệ cũng có các ứng dụng thí nghiệm trong việc giám sát môi trường và phát hiện ung thư. Nhưng hôm qua, lần đầu tiên nó được sử dụng trong việc thăm dò liên hành tinh, NASA cho hay.
Trần HảiTheo BBC, AFP
nguồn:http://dantri.com.vn/c36/s36-632152/tau-curiosity-ban-vo-da-sao-hoa.htm
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
NASA hé lộ robot mới thám hiểm lõi sao Hỏa

Sau khi đã đưa được 4 xe thám hiểm tự hành lăn bánh trên bề mặt sao Hỏa, trong đó mới nhất là sứ mệnh của tàu Curiosity, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) muốn tìm hiểu sâu hơn vào lõi hành tinh đỏ.




Hãng thông tấn AP đưa tin, NASA hôm 20/8 đã quyết định sẽ đưa một robot với giá thành tương đối rẻ lên sao Hỏa vào năm 2016 để nghiên cứu xem điều gì đã khiến lõi của hành tinh đỏ quá khác biệt với lõi của Trái đất.
Theo kế hoạch cụ thể, tàu đổ bộ mới có tên InSight dự kiến sẽ được phóng lên sao Hoả vào khoảng tháng 3/2016 và hạ cánh xuống hành tinh đỏ vào tháng 9 cùng năm. Thời gian hoạt động của tàu này trên sao Hoả là khoảng 2 năm.
Sứ mệnh mới gắn với tàu InSight chỉ có chi phí được dự kiến vào khoảng 425 triệu USD (không bao gồm phí sản xuất tên lửa đẩy), thấp hơn nhiều so với con số 2,5 tỷ USD dành cho sứ mệnh của tàu Curiosity.
Thông báo của NASA cho hay, Phòng thí nghiệm động cơ phản lực (JPL) tại Pasadena, California (Mỹ) sẽ đứng đầu nhóm phát triển InSight.
Hình mô phỏng mẫu tàu đổ bộ InSight với sứ mệnh thám hiểm lõi sao Hỏa. Ảnh: AP

Kiểu dáng của robot thám hiểm tự hành này được thiết kế tương tự tàu thăm dò Phoenix vốn được phóng lên sao Hỏa trong một sứ mệnh thành công vào năm 2008. Tuy nhiên, tàu đổ bộ InSight sẽ chở theo các thiết bị rất khác, có khả năng nghiên cứu vật chất bên dưới bề mặt hành tinh đỏ.
NASA đã lựa chọn dự án InSight sau khi xem xét kỹ lưỡng và loại bỏ 2 ý tưởng thám hiểm vũ trụ với chi phí thấp khác (một dự án hướng đến thăm dò một vệ tinh của sao Thổ và dự án còn lại dành để tìm hiểu về một sao chổi).
Hãng AP dẫn lời John Grunsfeld – lãnh đạo mảng khoa học của NASA lý giải rằng, cả 3 dự án đề xuất đều tốt nhưng sứ mệnh gắn với sao Hỏa tỏ ra khả thi nhất để thực hiện trong phạm vi ngân sách hạn hẹp và thời gian định trước.
Tuấn Anh (Tổng hợp)
nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/85410/nasa-he-lo-robot-moi-tham-hiem-loi-sao-hoa.html 
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ảnh siêu nét đầu tiên về sao Hỏa



Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa cho công bố những bức ảnh siêu nét đầu tiên về sao Hỏa do tàu thám hiểm tự hành Curiosity chụp và truyền về Trái đất.




Các bức ảnh vừa công bố đã hé lộ chi tiết về một ngọn núi cao khoảng 4,8km trên bề mặt sao Hỏa – nơi NASA lên kế hoạch tập trung nghiên cứu tìm bằng chứng về các thành phần hóa học tạo nên sự sống của hành tinh này.

Nhìn vào các bức ảnh, ta có thể thấy rõ các lớp riêng biệt gần chân của núi Sharp một vách tường của hố Gale – nơi tàu Curiosity đã chọn đáp xuống hôm 6/8, bắt đầu sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa kéo dài 2 năm.
Các nhà khoa học ước tính, cỗ xe tự hành 6 bánh, chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ mất 1 năm mới có thể tiếp cận các lớp quan trọng ở chân núi Sharp, cách nơi hạ cánh của nó gần 10km.

Những hình ảnh siêu nét đầu tiên cho thấy, các lớp ở chân núi Sharp dường như bao gồm đất sét và các khoáng chất thủy hợp khác.

Việc các lớp phía trên xếp dốc đứng có thể là dấu hiệu ám chỉ những thay đổi mạnh mẽ ở hố Gale – vùng lòng chảo tọa lạc ở bán cầu nam, gần xích đạo của sao Hỏa. Núi Sharp vẫn được cho là phần còn lại của những trầm tích từng phủ kín hoàn toàn vùng lòng chảo rộng hơn 15km này.
Trong khi các sứ mệnh thăm dò sao Hỏa trước đây đã khám phá những bằng chứng mạnh mẽ về sự lưu thông của rất nhiều nước trên bề mặt sao Hỏa trong quá khứ, tàu thám hiểm “triệu đô” Curiosity được phái tới hành tinh này để săn tìm các vật liệu hữu cơ và những thần phần hóa học cần thiết khác cho sự tiến hóa của sự sống vi khuẩn.
Dự án Curiosity tiêu tốn 2,5 tỷ USD này là sứ mệnh nghiên cứu sinh vật học vũ trụ đầu tiên của NASA kể từ các cuộc thám hiểm sao Hỏa hồi những năm 1970. Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đưa mọi thiết bị thí nghiệm địa hóa học tân tiến nhất tới bề mặt của một hành tinh xa xôi.
Tuấn Anh
nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/86369/anh-sieu-net-dau-tien-ve-sao-hoa.html
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tiếng loài người lần đầu vang lên trên sao Hỏa

Kẻ săn sự sống trên bề mặt Hành tinh Đỏ Curiosity vừa phát đi thông điệp đầu tiên bằng âm thanh, khẳng định chuyến viếng thăm người láng giềng của Trái đất sẽ được con người tiến hành “trong tương lai không quá xa”.
Lời thông điệp chính là giọng nói của người đứng đầu Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Charles Bolden: “Một bước nhỏ khác đã được thực hiện để sự hiện diện của con người tiến xa hơn trong khoảng không vũ trụ”. Thông điệp của loài người vang lên trên bề mặt Hành tinh Đỏ, phỏng theo những gì mà phi hành gia Neil Armstrong đã nói khi đặt chân xuống Mặt trăng năm 1969.
Tiếng loài người lần đầu vang lên trên sao Hỏa
Lần hạ cánh thành công của tàu thăm dò Curiosity được so sánh với bước chân của phi hành gia Neil Armstrong trên bề Mặt mặt trăng.
Dù không nói trực tiếp nhưng đoạn thông điệp ghi âm của ông Bolden được đưa thẳng tới tàu thăm dò Curiosity và phát trên hệ thống loa được thiết kế sẵn trên siêu xe thăm dò hiện đại nhất của Mỹ. “Kể từ khi bắt đầu chinh phục không gian, sự tò mò của loài người dẫn chúng tôi khám phá cuộc sống bên ngoài khoảng không vũ trụ. Loài người cũng đang chuẩn bị cho những chuyến đổ bộ ra các hành tinh xa hơn bên ngoài không gian trong tương lai không xa”, ông Bolden cho biết.
Trong khi đó, bức ảnh chụp toàn cảnh bề mặt sao Hỏa của siêu xe thăm dò trị giá 2,5 tỷ USD cũng được NASA phát hành. Hình ảnh sắc nét được máy chụp hình độ phân giải cao ghi lại cho các nhà khoa học cái nhìn toàn cảnh nhất về miệng núi lửa Gale, nơi Curiosity hạ cánh. Đặc biệt, vết bánh xe do tàu thăm dò Curiosity để lại cũng được máy chụp hình độ nét cao gắn trên đỉnh tàu thăm dò chụp lại. Nó được so sánh với bước chân của phi hành gia Neil Armstrong in dấu trên Mặt trăng trong chuyến đổ bộ lịch sử của tàu vũ trụ Apolo 11.
HỒNG DUY
nguồn:http://www.infonet.vn/Cong-nghe/tieng-loai-nguoi-lan-dau-vang-len-tren-sao-hoa/a27504.html
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
How to Get to Mars. Very Cool! HD



==========================================
Phát hiện nhiều dấu vết của nước trên sao Hỏa

(Dân trí) – Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity của NASA vừa gửi về Trái đất những hình ảnh cho thấy trên bề mặt hành tinh này từng có nhiều dòng nước chảy.

Những bức ảnh mới nhất được gửi về cho thấy có sự xuất hiện của những khối cuội kết cổ. Đây là loại đá được tạo thành từ sỏi và cát. Các nhà khoa học cho rằng với kích cỡ và hình dạng tròn của đá cuội trong khối đá này cho thấy chúng đã bị nước cuốn đi và bào mòn. Và rất có thể Curiosity đã tìm được một mạng lưới các dòng suối cổ.
Hình ảnh cho thấy sao Hỏa có thể từng có nước
Hình ảnh cho thấy sao Hỏa có thể từng có nước


Theo miêu tả của NASA trong buổi công bố thông tin tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion, California, những tảng đá này có thể đã được tạo thành từ “vài tỷ năm trước”. Nhưng các dòng suối thực sự có thể đã chảy qua bề mặt của các tảng đá trong một thời gian dài. “Chúng tôi dự đoán rằng hiện tượng này có thể diễn ra trong vài ngàn tới vài triệu năm”, nhà khoa học Bill Dietrich của đại học California, Berkeley nhận định. 

Các vệ tinh tại sao Hỏa từ lâu đã chụp được hình ảnh các rãnh trên bề mặt “hành tinh đỏ” bị cắt ngang bởi một dạng dòng chảy, được cho là nước. Phát hiện của Curiosity tại địa điểm hạ cánh trên miệng núi lửa Gale gần xích đạo đã đem đến bằng chứng thực sự đầu tiên cho những giả thuyết này. 

Rất may mắn robot thăm dò của NASA đã tình cờ di chuyển qua một khối cuội kết tuyệt vời. Đó là một phiến đá lớn, dày từ 10 – 15 cm và nằm nhô ra khỏi mặt đất. “Chúng tôi đặt tên nó là Hottah”, nhà khoa học John Grotzinger của dự án thăm dò sao Hỏa cho biết. 

“Với chúng tôi nó như thể đã có ai đó đi khắp bề mặt sao Hỏa và dùng một chiếc búa chèn cậy hết vỉa hè lên, giống như bạn từng thấy ở các công trường xây dựng ở trung tâm Los Angles”, ông Grotzinger đùa vui. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu các bức ảnh về sỏi cuội trong phiến đá này. Kích thước và hình dạng của chúng có thể gợi mở về tốc độ và khoảng cách của các dòng nước cổ. 

Thanh Tùng
Theo BBC
nguồn:http://dantri.com.vn/c36/s36-645647/phat-hien-nhieu-dau-vet-cua-nuoc-tren-sao-hoa.htm
====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001