Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Vết keo trám chằng chịt trong hầm dìm Thủ Thiêm

(TNO) Theo phản ánh của bạn đọc, chúng tôi đã ghi lại được những hiện tượng bất thường trong hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn (TP.HCM), trong khi đó, phía quản lý nói sẽ sớm trả lời.

Sáng ngày 6.8, chúng tôi ghi nhận có nhiều vết ố đen, nước đọng thành giọt ở một số vị trí trong hầm Thủ Thiêm. Ngoài ra, còn có nhiều vết keo còn mới và một số miếng nhựa (giống như nút nhựa) được gắn vào đốt hầm.
Để làm rõ những phản ánh của bạn đọc và thực tế ghi nhận được, chiều cùng ngày, chúng tôi liên hệ với ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM. Ông Phúc nói sẽ sớm có phản hồi về hiện tượng trên.
hầm dìm Thủ Thiêm;hầm Thủ Thiêm;hầm vượt sông Sài Gòn;Thủ Thiêm;hầm đường bộ
Những vết nứt và nút trám chằng chịt tại một số vị trí trong đường hầm Thủ Thiêm (Ảnh chụp vào sáng 6.8)
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cơ quan này đã hạn chế lưu thông qua hầm dìm Thủ Thiêm để thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Công việc này, dự kiến kéo dài đến cuối tháng 8.2012. Trong thời gian hạn chế lưu thông qua hầm Thủ Thiêm, từ 21 giờ tối đến 6 giờ sáng mỗi ngày, các loại ô tô qua đường hầm phải giảm tốc độ và chạy theo hướng dẫn của biển báo và lực lượng điều tiết, cảnh sát giao thông.
Hầm dìm vượt sông Sài Gòn (nối Q.1 và Q.2) thuộc dự án đại lộ Đông - Tây TP.HCM. Công trình dài khoảng 1,5 km, rộng 33 m gồm 6 làn xe lưu thông. Hầm được đưa vào sử dụng vào tháng 11.2011.  
Tin, ảnh: Minh Anh
nguồn:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120806/vet-keo-tram-chang-chit-trong-ham-dim-thu-thiem.aspx
--------------------------------------------------------------------------------
Vừa sử dụng, hầm vượt sông Sài Gòn đã thấm, nứt?
(VTC News) – Hầm Thủ Thiêm (TPHCM), một trong những hầm vượt sông lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á đã xuất hiện những vết trám trét và có dấu hiệu bị thấm nước.

Ghi nhận của phóng viên VTC News vào sáng 7/8 tại đường hầm sông Sài Gòn, ngay tại đốt hầm giữa và cuối cùng (đường từ Q.1 về Q.2 và ngược lại) có rất nhiều dấu hiệu bị sửa chữa.


Các vết trám này chạy ngang dọc trần hầm vượt sông. Mỗi vết trám thường chỉ dài khoảng vài chục centimet hoặc hơn 1m. Quan sát bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy, trên trần của hầm vượt sông này còn có những dấu hiệu bị thấm nước.

Vừa sử dụng, hầm vượt sông Sài Gòn đã thấm, nứt?
Một số vết trám bằng keo trên trần hầm vượt sông Sài Gòn. 


Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy còn xuất hiện một số vật thể màu vàng “mọc” lên những đám tơ màu trắng, mịn như bông gòn. Khi cho phóng to hình, có thể thấy rất rõ các vết keo hoặc hình dạng giống giọt nước.


Các chuyên gia về giao thông nhận định, rất có thể đây là những vết trám do xử lý các vết nứt trên trần bằng hình thức chống thấm bằng keo.

Theo đúng quy định, hầm vượt sông Sài Gòn vẫn được thực hiện công tác bảo trì thường xuyên. Gần đây nhất, hầm này cũng đã phải đóng cửa 5 tiếng vào đêm ngày 4/8 để làm công tác vệ sinh. Nguyên nhân là do 1 chiếc xe ben chở bùn đất làm rơi vãi đầy bên trong hầm.

Vừa sử dụng, hầm vượt sông Sài Gòn đã thấm, nứt?
Theo một chuyên gia, những vết trám trét trên có thể là những vết nứt trên nóc hầm và đã được xử lý chống thấm bằng keo. (Ảnh NLĐ)


Trưa 7/8, chúng tôi liên hệ qua điện thoại với Trưởng ban Đầu tư xây dựng công trình đô thị TP.HCM Lương Minh Phúc nhưng không có thông tin phản hồi.

Hầm vượt sông Sài Gòn được chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng vào ngày 20/11/2011. Hầm được thi công trong vòng 6 năm, và đây là 1 trong những công trình quan trọng nhất của dự án Đại lộ Đông Tây.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự việc này khi có ý kiến trả lời chính thức của các cơ quan quản lý hầm vượt sông Sài Gòn.

V.Dũng
nguồn:http://vtc.vn/2-343683/xa-hoi/vua-su-dung-ham-vuot-song-sai-gon-da-tham-nut.htm
--------------------------------------------------------------------------------
“Thấm trong giới hạn cho phép” chỉ là cách nói trấn an dư luận
Tùng Nguyên (Dân trí) – Về đánh giá “thấm nước ở hầm Thủ Thiêm nằm trong giới hạn cho phép” của chủ đầu tư, Thạc sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng: “Theo tôi thì phát biểu ấy chỉ mang tính trấn an dư luận xã hội, chứ về mặt chuyên môn kỹ thuật là không nghiêm túc”.

Xử lý nửa vời

Theo Th.S Phạm Sanh thì đơn vị tư vấn giám sát phải công bố cụ thể lưu lượng thấm đo ở đâu? Đo trong từng lỗ thấm cụ thể hay trong toàn bộ diện tích hầm? Lưu lượng thấm tính theo quy chuẩn nào? Phải có những số liệu cụ thể chứ không thể nói chung chung như vậy?

Ông cho biết: “Tôi cũng chưa được nắm các số liệu này nên không biết “thấm trong giới hạn cho phép” theo hợp đồng kỹ thuật như cách nói của họ là thế nào. Nhưng trong các tiêu chuẩn của Việt Nam thì không có cái này”.

Theo các chuyên gia ngành xây dựng, dù được xử lý tốt đến đâu thì vết thấm cũng sẽ tái trở lại
Theo Th.S Phạm Sanh thì nguy cơ thấm đã tiềm ẩn ngay từ khi phát sinh các vết rạn nứt ở 4 đốt hầm dìm lúc vừa đúc xong. Bởi các vết rạn nứt khi các hầm dìm vừa được đúc xong vượt mức cho phép đến 10 lần. Nếu chúng ta xử lý tốt ngay từ ban đầu, khi các đốt hầm dìm còn trên bờ thì hiện nay đã đỡ hơn, nhưng thực tế là hiện nay hầm Thủ Thiêm đang tiếp tục thấm.

Theo chủ đầu tư hầm Thủ Thiêm thì hiện các vị trí thấm này đang được xử lý chống thấm bằng biện pháp khoan lỗ, lắp các đầu bơm (nút nhựa màu cam) và bơm chất chống thấm tốt nhất vào. Sau khi chất chống thấm đã ổn định và không còn thấm nữa, đơn vị thi công sẽ tháo các đầu bơm ra và vệ sinh khu vực xử lý chống thấm.

Về phương án xử lý thấm này, Th.S Phạm Sanh cho rằng: “Về nguyên tắc, biện pháp xử lý thấm của nhà thầu là phù hợp với công nghệ xử lý thấm ở các công trình ngầm khác trên thế giới. Nhưng đó là ở các công trình quy mô nhỏ, còn ở đây là 1 công trình lớn rất phức tạp. Nếu chúng ta bơm nhựa vào các khe thấm thì làm sao mà chèn chặt hết các kẽ hở nhỏ được. Qua thời gian dưới các tác động bên ngoài, các khe hở nhỏ này sẽ tiếp tục mở rộng và thấm trở lại là điều tất yếu!”.

Ngoài ra, keo chống thấm loại tốt nhất hiện nay cũng chỉ có tuổi thọ tối đa là 20 năm, trong khi hầm có tuổi thọ thiết kế đến 100 năm. Như vậy, dù xử lý chống thấm bằng keo tốt cỡ nào đi nữa thì vết thấm vẫn cứ sẽ tái đi tái lại nhiều lần.

Hầm Thủ Thiêm sẽ ra sao nếu phải chịu tác động lớn

Một điều khác khiến Th.S Phạm Sanh băn khoăn là trong thời gian hoạt động 9 tháng qua, lưu lượng xe qua hầm Thủ Thiêm còn rất thấp, hầm cũngchỉ chịu những tác động bình thường, chưa phải là tác động lớn nhất mà đã nhanh chóng xuất hiện rạn nứt, thấm nước như thế thì nếu xảy ra tác động bất thường thì sao?

Ông nói: “Hầm Thủ Thiêm có thể chịu những tác động lớn nhất như có động đất, lưu lượng xe tăng đột biến bất thường, lực tác động đột ngột lên bề mặt hầm khi có tàu thuyền từ trên chìm xuống, sông Sài Gòn rơi vào đỉnh lũ cao nhất… Khi đó, tác động đến các vết nứt sẽ thế nào?”.

PGS.TS Đặng Hữu Diệp, Giám đốc Liên hiệp địa chất công trình xây dựng và môi trường, Ủy viên Tổng hội Địa chất Việt Nam cũng lo ngại là phần hầm phía quận 2 nằm trên khu vực nền đất yếu. Hiện những vết rạn nứt, thấm nước được trám trét cũng chủ yếu thuộc về phầm hầm phía quận 2 nên yếu tố đất nền tại đây cũng cần được xem xét đến khi tìm biện pháp khắc phục sự cố này.

Theo Th.S Phạm Sanh thì cách xử lý thấm hiện nay của nhà thầu chỉ là cách xử lý tình thế, hư đâu sửa đó, rất có khả năng trong tương lai gần sẽ xuất hiện thấm trở lại với mức độ nhanh hơn và rộng hơn. Ông nói: “Bê tông nứt là chuyện bình thường, nhưng vấn đề là chúng ta xử lý thế nào cho nó không bất thường”.

Một vấn đề khác mà dư luận đang quan tâm là thời hạn bảo hành hầm Thủ Thiêm sẽ hết vào cuối năm 2012. Nếu chủ đầu tư cứ đồng ý với cách khắc phục nửa vời như thế này của nhà thầu và tư vấn giám sát thì khả năng hầm Thủ Thiêm bị thấm trở lại là rất cao. Khi thời hạn bảo hành đã hết (từ năm 2013), chi phí khắc phục những sự cố như thế này sẽ phải lấy từ ngân sách nhà nước, đó là tiền của dân!

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/08/tham-trong-gioi-han-cho-phep-chi-la.html#.UCSDnaBMeSo
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001