Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

RSF lên tiếng về ông Phạm Chí Dũng 

Cập nhật: 15:16 GMT - thứ sáu, 17 tháng 8, 2012
Tạp chí Phía Trước
RSF nói ông Phạm Chí Dũng viết nhiều bài trên Tạp chí Phía Trước
Tổ chức Phóng viên không Biên giới (Reporters sans Frontieres - RSF) vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc ông Phạm Chí Dũng, một cây bút ở TP Hồ Chí Minh, bị chính quyền bắt.
Ông Dũng, 46 tuổi, người cũng là một cán bộ nhà nước, bị bắt khẩn cấp hôm 17/7 vì nghi biên soạn tài liệu 'nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'.
Tổ chức bảo vệ các nhà báo trụ sở tại Paris viết trong một thông cáo hôm thứ Sáu 17/8: "Chúng tôi muốn tái khẳng định sự bất bình của chúng tôi trước đợt trấn áp mới hiện nay đối với những người dám cất tiếng chỉ trích".
"Chính quyền Việt Nam một lần nữa cho thấy sự không khoan nhượng và thiếu hiểu biết cực độ đối với sự chỉ trích, mà họ tự động cho là vũ khí dùng để lật đổ chế độ.
RSF yêu cầu: "Ông Dũng phải được thả ngay lập tức và được mang ra xét xử một cách công bằng".
Theo tổ chức này, ông Dũng từng là cán bộ an ninh được điều sang làm việc cho chính quyền TP HCM và nhiều năm làm việc cùng ông Trương Tấn Sang, người nay đã trở thành chủ tịch nước Việt Nam.
RSF nói ông Dũng theo đuổi văn chương từ 1986 và trong những năm gần đây viết nhiều bài dưới các bút danh khác nhau cho tạp chí Phía Trước, bàn về một số chủ đề bị cho là tế nhị ở Việt Nam như tự do báo chí, tham nhũng, nhóm lợi ích cũng như kiểm soát của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nền kinh tế.

Cây bút sắc sảo

BBCVietnamese cũng đã từng đăng một bài viết của ông Phạm Chí Dũng dưới bút danh Thường Sơn, mang tựa đề Bấm 'Nhóm lợi ích: cần một cuộc đại phẫu'.
Vụ bắt giữ ông Phạm Chí Dũng gây chấn động dư luận, nhất là khi nó diễn ra khi trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện chiến dịch phê bình và tự phê bình.
Vụ này cũng đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt khi trong các kênh chính thống chỉ có một tờ báo Tuổi Trẻ TP HCM đưa tin và bản tin cũng bị thay đổi.
Bản tin đăng hôm 20/7 và sau đó nhanh chóng bị gỡ xuống dẫn nguồn tin riêng của tờ báo này nói ông Dũng, một cán bộ nhà nước tại TP Hồ Chí Minh, "đã bị Cơ quan Công an bắt giam với cáo buộc làm lộ bí mật”.
"Ông Phạm Chí Dũng bị điều tra về hành vi móc nối, cung cấp tài liệu cho tổ chức phản động tại nước ngoài."
Thay thế vào các chi tiết nói trên, Tuổi Trẻ sau đó đăng tin khác hôm 21/7 cũng về việc bắt ông Phạm Chí Dũng, nhưng bỏ các chi tiết liên quan vụ án Lê Công Định.
Bản tin 21/7 dẫn nguồn cơ quan an ninh điều tra Công an TP HCM nói cơ quan này vừa "bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc đối với Phạm Chí Dũng về hành vi câu kết với một số tổ chức phản động lưu vong ở Mỹ, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, phá hoại nội bộ nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
So với bản tin đầu, nghi vấn đối với ông Phạm Chí Dũng đã chuyển từ "lộ bí mật" sang "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân".
Một blogger có quan hệ thân cận với cơ quan an ninh trong nước sau đó còn đưa ra chi tiết chưa thể kiểm chứng là ông Phạm Chí Dũng đứng đằng sau blog Quan làm báo đăng nhiều thông tin đả phá chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Cán bộ Thành ủy

Một nguồn khả tín nói với BBC rằng ông Phạm Chí Dũng trước khi bị bắt là cán bộ Thành ủy TP HCM.
Ông là người viết báo và viết văn nhiều năm nay, với nhiều bút danh khác nhau như Việt Thắng, Viết Lê Quân, Trường Sơn.
Trên các báo và diễn đàn mạng ngay lập tức cũng đã xuất hiện nhiều thông tin về ông Dũng.
Một website trong lĩnh vực văn nghệ cho hay ông Dũng, sinh năm 1966, là hội viên Hội Nhà văn TP HCM, tác giả các tập truyện ngắn “Những bông hoa hoang dã” (1993), “Tự thú” (1994), “Những chiếc bồn tắm định mệnh” (2005); các tiểu thuyết “Cuộc phiêu lưu của linh hồn cầm cố” (2005) và “Ngài nghị sĩ” (2006)...
Website Lê Thiếu Nhơn còn nói sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, ông Phạm Chí Dũng về công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP HCM.
Một nguồn tin khác nói ông Phạm Chí Dũng là con trai ông Phạm Văn Hùng, cựu Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM.
nguồn:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/08/120817_rsf_phamchidung.shtml
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thêm một nhà báo bị bắt và biệt giam trong tháng qua tại Việt Nam

Đặng Khương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Khi các nhà chức trách Việt Nam tiếp tục bắt giữ và kết án các blogger thì Tổ chức Phóng viên Không Biên giới cũng vừa được biết rằng họ đã bắt giam thêm một nhà báo đồng thời cũng là nhà bình luận chính trị Phạm Chí Dũng trong tháng vừa qua.
“Biệt giam một công dân cả tháng trước khi công bố là dấu hiệu của một chế độ chuyên quyền”, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói. “Chúng tôi lặp lại sự bất bình của chúng tôi trong cuộc đàn áp mới hiện nay đối với tất cả những người dám lên tiếng chỉ trích”.
“Chính quyền Việt Nam một lần nữa thể hiển sự không khoan nhượng và thiếu hiểu biết đối với những lời chỉ trích mà họ tự xem như là vũ khí dùng để lật đổ chế độ. Ông Phạm Chí Dũng phải được trả tự do ngay lập tức và có phiên toà xét xử một cách công bằng”.
Ông Phạm Chí Dũng, năm nay 46 tuổi, bị bắt vào ngày 17 tháng Bảy, với cáo buộc lật đổ chính quyền. Các nhà chức trách cho rằng ông đã “kết nối với một số tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài” và “biên soạn nhiều tài liệu có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, phá hoại nội bộ nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ông Dũng trước đây công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Ông cũng đã có thời gian làm việc với ông Trương Tấn Sang, người hiện đang giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam.
Ông đã theo đuổi sự nghiệp văn chương từ năm 1986 và trong năm gần đây đã viết bài cộng tác với tạp chí trực tuyến Phía Trước, với các chủ đề nhạy cảm như tham nhũng, thiếu tự do báo chí, môi trường, ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong nền chính trị Việt Nam và vấn đề kiểm soát kinh tế chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của thủ tướng chính phủ.
Việt Nam đứng hạng thứ 172 trong 179 quốc gia về chỉ số tự do báo chí trong bản báo cáo năm 2011/2012 do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới thực hiện, và ít nhất có 5 nhà báo và 19 cư dân mạng hiện đang bị giam giữ. Vịêt Nam là nơi giam giữ các blogger và những người bất đồng chính kiến lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Iran.
Việt Nam cũng là một trong 12 quốc gia mà Tổ chức Phóng viên Không Biên giới liệt kê vào danh sách “Kẻ thù của Internet” vì chính quyền tại đây kiểm duyệt mạng trực tuyến một cách có hệ thống.
Nguồn: Reporters Without Borders
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC
Admin gửi hôm Thứ Bảy, 18/08/2012
nguồn:http://danluan.org/node/13869
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001