Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Lê Diễn Đức - Từ Thiên An Môn tới Việt Nam 


Lê Diễn Đức

Ðêm ngày 3 rạng ngày 4 tháng 6, 1989, đã diễn ra cuộc biểu tình đòi cải cách chính trị, thực thi dân chủ của khoảng một trăm ngàn sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn và đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc nghiền nát bằng súng đạn và xe tăng, làm chấn động dư luận toàn thế giới.


Vì quyền lợi kinh tế, thảm kịch Thiên An Môn dù khó làm mờ nhạt, những chính khách quan trọng của các quốc gia khác thường tránh né hoặc làm ngơ trong các đối thoại với Bắc Kinh.

Thiên An Môn 1989 vẫn là đề tài cấm kỵ tại Trung Quốc. Tất cả các trang web nói về vụ thảm sát Thiên An Môn đều bị phong toả, còn ý định nhắc tới nó có thể ngồi tù.

Cho đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều sinh viên nằm tù. Con số người chết vẫn chưa được xác định cụ thể và có lẽ chẳng bao giờ chúng ta biết được. Theo nhiều nguồn tin thì khoảng 5 ngàn người chết, gấp đôi từng ấy bị thương và 2.5 ngàn án tử hình. Những người mẹ mất con vẫn bị cấm tụ họp, dù chỉ để làm lễ cầu nguyện chung. Nơi duy nhất trên Hoa lục hàng năm dân chúng được đốt nến tưởng niệm là Hong Kong.

Nhà nước Trung Nam Hải vẫn chưa đưa ra đánh giá chính thức về sự kiện Mùa Xuân 1989. Tân Hoa Xã lúc bấy giờ viết rằng, đây là một cuộc bạo loạn của những phần tử phản cách mạng nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thảm sát Thiên An Môn

Lần đầu tiên sinh viên đổ ra quảng trường Thiên An Môn chính là để tưởng niệm cái chết của một người Cộng Sản. Ðó là Hồ Diệu Bang, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Hồ Diệu Bang đã từng phải chịu tủi nhục, bị khủng bố, thậm chí suýt chết bởi chính tay những đồng chí của mình. Trong giai đoạn 1952-1966, Hồ Diệu Bang làm bí thư trung ương đoàn thanh niên Cộng Sản. Ông giữ khoảng cách với Mao và ngả theo Ðặng, người dám phê phán “Người Cầm Lái Vĩ Ðại” về kế hoạch “Ðại Nhảy Vọt”, để rồi cả hai bị Mao trù dập, làm nhục trong cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” vào năm 1966.

Sau khi Mao chết, năm 1979 ông ủng hộ Ðặng tiến hành cải cách. Năm 1980, trong cương vị tổng bí thư, ông phục hồi danh dự cho hàng ngàn nạn nhân của Mao trong “Cách Mạng Văn Hóa”. Ông cũng hạn chế vai trò ý thức hệ Cộng Sản trong đời sống hàng ngày và nới lỏng tự do. Ông đã phê phán chính sách về Tây Tạng bấy giờ và mời Dalai-lama trở về, nhưng Ðức Dalai-lama đã không tận dụng cơ hội ấy.

Trong năm 1984, ông nói rằng “Chủ nghĩa Marx-Lenin không giải quyết được các vấn đề của Trung Quốc”. Ông ngợi khen chủ nghĩa tư bản và cho rằng, trong viễn cảnh, không có nó Trung Quốc sẽ không tiến bộ được.

Chính nhờ Hồ Diệu Bang mà Trung Quốc đã gặt hái những thành quả đầu tiên từ các vùng đặc khu kinh tế, những nơi cuốn hút đầu tư nước ngoài.

Ðến năm 1986, những cuộc biểu tình đầu tiên của sinh viên nổ ra, phe bảo thủ khuyến cáo cuộc cải cách đi quá xa. Ðặng lập tức biến Hồ Diệu Bang thành vật tế thần. Từ 1987 ông bị loại khỏi các chức vụ cao cấp.

Ông chết ngày 15 tháng 4, 1989 vì bệnh tim. Nhà cầm quyền Cộng Sản đã định làm ngơ không tổ chức tang lễ. Ngay trong hai ngày 17-18 tháng 4, đám đông ủng hộ ông đã xuống đường với những biểu ngữ: “Một con người lương thiện và trung thực đã chết, còn bọn đạo đức giả và phát xít vẫn sống”.

Ngày 19 tháng 4, khoảng 10 ngàn người, chủ yếu là sinh viên đã làm tê liệt ban chấp hành trung ương đảng. Họ hô vang khẩu hiệu: “Ðả đảo chế độ độc tài”, “Chính quyền pháp trị muôn năm!” Ðể làm dịu cơn phẫn nộ của quần chúng, nhà cầm quyền đành chấp nhận tổ chức tang lễ cấp nhà nước.

Ngày 21 tháng 4 năm 1989, gần 100 ngàn người đổ ra quang trường Thiên An Môn. Ðây là cuộc phản kháng chống lại chế độ, đòi cải cách và dân chủ lớn nhất kể từ ngày Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời.

Vào đúng ngày 4 tháng 6 năm 1989, khi ở Ba Lan tổ chức cuộc bầu cử tự do đầu tiên, khởi đầu cho sự phá sản hoàn toàn khối Cộng Sản tại Châu Âu, những tên phát xít ở Bắc Kinh, đúng như sinh viên Trung Quốc gọi, đã nghiền nát đồng bào mình dưới xích sắt xe tăng.

Bệnh mất trí nhớ

Ðã 24 năm trôi qua, sự kiện Thiên An Môn đang mờ nhạt dần khỏi trí nhớ trong các thế hệ Trung Quốc. Ở Trung Quốc bệnh mất trí nhớ được nhà nước tài trợ đang giành chiến thắng trong bộ nhớ của dân chúng. Những lỗ hổng lịch sử được lấp đầy những sự kiện tưởng tượng - nhà văn Trung Quốc Yan Lianke, hiện sống ở Bắc Kinh, viết trên “New York Times” tháng 5 năm 2013:

“Cả thế giới đều nhớ kết thúc bi thảm của cuộc biểu tình của sinh viên ủng hộ dân chủ, diễn ra vào ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn. Nhưng trong một đất nước mà người ta tắm máu này, nó đã chết đi trong sự cổ vũ nhiệt tình để vinh danh sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc và sự phát triển có ý nghĩa chính trị của đất nước chúng tôi”.

“Những gì khác người ta đã quên? Tất cả những gì đã xảy ra trong những năm gần đây: Dịch AIDS gây ra là do buôn bán máu, vô số các vụ nổ ở các mỏ than hoạt động bất hợp pháp, về chế độ nô lệ hiện đại trong các lò gạch bất hợp pháp tại Trung Quốc, sản xuất sữa bột nhiễm độc hàng loạt, trứng và hải sản độc hại, dầu ăn từ nước thải sản xuất, các chất gây ung thư nhiễm trái cây và rau quả, phá thai bắt buộc đối với phụ nữ, tái định cư bắt buộc và phá hủy các tòa nhà, cư xử tai tiếng với người nộp đơn khiếu kiện... Danh sách này có vẻ là vô tận”.

Vâng, người ta chỉ hướng dư luận tới một Trung Quốc hùng mạnh, về kinh tế GDP có khả năng đuổi và vượt Hoa Kỳ trong vài năm tới, đầu tư ngân sách cho quốc phòng đứng thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ, một anh cả đỏ hung hăng gây hấn trên biển Ðông và tham vọng bành trướng trên toàn cầu.

Chủ nghĩa tiêu thụ và mamonism (tiền là tất cả) bất chấp mọi tiêu chuẩn đạo đức đang hoành hành trên khắp lục địa này.

Người ta bỏ qua đi sự bất ổn của xã hội, tình trạng hàng chục triệu dân mất việc làm do xuất khẩu đình đốn, nợ công của các địa phương ở mức báo động, tham nhũng trở thành vấn đề được thể chế hóa, tình trạng ô nhiễm môi sinh nghiêm trọng, người Tây Tạng tự thiêu hàng loạt phản đối chính sách Hán hóa của Bắc Kinh, các nhà đầu tư lớn bắt đầu thấy kém hiệu quả đang tìm cách rút khỏi khu vực... “Tầm ảnh hưởng bị hạn chế bởi một môi trường tự nhiên bị hủy hoại, mức dân số khổng lồ đang lão hóa, các nhu cầu xã hội đang tăng lên, bên cạnh một hệ thống chính trị ít năng động hơn so với nền kinh tế và xã hội mà nước này đang tìm cách kiểm soát” (Richard N. Haass, The Washington Post 24/04/2013).

Sự bất bình đẳng cao độ trong xã hội là nguyên do của nhiều cuộc bạo loạn lớn nhỏ trên địa bàn các địa phương.
Nhà cải cách Ðặng Tiểu Bình đã nói: “Mục đích của xã hội chủ nghĩa là đảm bảo sự thịnh vượng cho dân tộc chứ không phải phân rẽ xã hội dưới quan điểm vật chất (...) Nếu xuất hiện một giai cấp tư sản mới thì có nghĩa rằng chúng ta đã đi vào ngõ cụt”.

Vậy mà chưa bao giờ một bộ phận lớn người Trung Quốc giàu có như ngày nay. Chế độ “ta zidang” (thái tử đảng) tạo nên vô số tư bản đỏ trong nhiều ngành kinh tế. Theo thăm dò của tạp chí Fobers, 90% triệu phú của Trung Quốc thuộc giới “ta zidang”.

Kết luận

Việt Nam hôm nay dường như là một bản sao chép thu nhỏ của Trung Quốc. Tuy nhiên, rất khó có thể nổ ra một Thiên An Môn Việt Nam.

Hàng ngàn nông dân các xã Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Ðông Hưng, Thái Thụy trên 7 huyện và thị của tỉnh Thái Bình biểu tình khiếu kiện đất đai và đòi cải cách dân chủ đã bị dẹp một cách yên ắng và hiệu quả bởi lực lượng an ninh. Không tòa án, không xét xử, những cuộc săn bắt, thủ tiêu vào ban đêm nhắm vào những người nòng cốt, cùng với chiến dịch ra quân ồ ạt trấn an, mị dân để xoa dịu tình hình, thực sự đã dập tắt được một cuộc phản kháng được xem là lớn nhất kể từ khi có đảng CSVN.

Những cuộc bạo loạn tự phát như vụ công an đánh chết người ở Bắc Giang tháng 7, 2010 với hàng ngàn người tham gia, hay mang quan tài diễu phố phường đòi công lý như ở Vĩnh Phúc tháng 3 năm 2013, đều bị vô hiệu hóa, bằng các biện pháp nghiệp vụ tương tự.

Những cuộc tập hợp của dân oan hay thậm chí các cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc đều bị ngăn chặn, đàn áp ngay từ lúc chưa bắt đầu. Những thành viên tham gia bị sách nhiễu, theo dõi, không chế đến mức mệt mỏi, bất lực và ý chí tranh đấu bị rơi rụng.

Không có một phong trào xã hội có tổ chức, gắn nối, đoàn kết, mọi sự tự phát đều nhanh chóng bị triệt tiêu.

Nhưng nếu thực sự có một cuộc xuống đường to lớn như trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, sẽ không có chuyện tắm máu như ở Trung Quốc. Thời thế đã đổi thay. Và một cuộc xuống đường như thế rất có thể tạo cảm hứng cho quân đội chĩa súng vào tập đoàn thái thú Ba Ðình.

Tuy nhiên, chờ đợi một Thiên An Môn Việt Nam quả là vời xa. Ðất nước vẫn đắm chìm trong sự cai trị khắc nghiệt và những mưu tính lưu manh kéo dài sự tồn tại của đảng CSVN. Bất công và bất bình đẳng xã hội tìm thấy ở mọi góc cuộc sống. Quan chức có chức quyền và đồng đảng vẫn sống ngông nghênh, phè phỡn nhìn con cháu mình (thành phần “ta zidang”) hưởng thụ những thành quả mà bao người đi trước đã bỏ máu xương gây dựng.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/le-dien-uc-tu-thien-mon-toi-viet-nam.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001