Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Muôn thuở “Vợ chồng A Phủ” 


Tháng 6 4, 2013
Phạm Thị Hoài
Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam vừa kết thúc. Đề thi môn Ngữ văn, phần chính, yêu cầu thí sinh “phân tích diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm ‘Vợ chồng A Phủ’ của Tô Hoài“. Năm ngoái, đề thi tuyển sinh vào đại học môn Ngữ văn khối D đặt câu hỏi: “Việc Mị nhìn thấy ‘dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã đen xám lại’ của A Phủ diễn ra trong hoàn cảnh nào? Sự việc ấy có ý nghĩa gì đối với tâm lí của nhân vật Mị?
Việc “Vợ chồng A Phủ”, một tác phẩm thuộc dòng văn học “Hiện thực Đoán trước”, trung bình về mọi phương diện dù đã được chiếu cố mầu sắc miền ngược [i], thường xuyên được chọn làm cửa ải để học sinh Việt Nam vượt qua bậc tú tài và thậm chí để vào đại học cũng đáng chú ý như các yêu cầu đặt ra cho thí sinh. Muôn thuở là phân tích giá trị (nhân đạo, hiện thực) của tác phẩm, phân tích nhân vật Mị (hành động, tâm lí), phân tích Mị trong đêm tình mùa xuân, phân tích Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ, phân tích Mị mặt buồn rười rượi, phân tích Mị sức sống tiềm tàng, phân tích hình tượng nắm lá ngón Mị ném xuống đất, phân tích hình tượng tiếng sáo Mị nghe, so sánh hình tượng Mị bị trói đứng và A Phủ bị trói đứng…
Khổ quá, đó là một tác phẩm hoàn toàn đơn giản, bố cục phẳng, tình tiết dễ hiểu, các nhân vật được đặt đúng những chỗ đã đánh dấu, tốc độ kể thong thả, ngôn ngữ không có gì đặc biệt, thủ pháp không có gì đặc sắc. Có gì mà phân tích ở đó? Đào sâu một tác phẩm như thế chỉ chọc rách mặt giấy, vì vậy tiêu chuẩn khả dĩ duy nhất là thuộc bài và phát biểu cảm tưởng trong khuôn khổ và theo định hướng. Thuộc bài ở đây là thuộc làu làu. Chẳng hạn thí sinh phải nhớ đúng tình tiết Mị đã nhìn thấy A Phủ khóc trong hoàn cảnh nào. Không phải khóc chung chung. Phải là khóc chính xác với “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã đen xám lại”.
Vì thế mà có quy định “thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.”
*
Sau đây là yêu cầu đặt ra với thí sinh Đức trong một đề thi tốt nghiệp trung học, môn Ngữ văn:
Trích đoạn Vladimir Nabokov nói về tác phẩm “Hóa thân” của Franz Kafka:
Bây giờ trước khi nói về “Hóa thân”, tôi muốn xác định rõ là tôi phản đối hai quan điểm mà một số người đại diện. Tôi hoàn toàn bác bỏ khẳng định của Max Brod rằng chỉ có thể dùng phạm trù thiêng liêng (nhưng không phải sự thiêng liêng của văn học) để nhìn nhận sự nghiệp của Kafka. Kafka trước hết là một nghệ sĩ, nhưng dù cho rằng nghệ sĩ nào cũng có chút thiêng liêng (một nhận định khá trùng với quan niệm của tôi) thì tôi vẫn không tin rằng có thể đọc ra tính tôn giáo trong thiên tài của Kafka. Tiếp theo, tôi bác bỏ quan điểm của phái Freud. Thí dụ, những người dùng học thuyết của Freud để diễn giải Kafka (như Charles Neider trong “The Frozen Sea” [1948]) cho rằng “Hóa thân” dựa trên mặc cảm Oedipus của Kafka và cảm giác cả đời có lỗi với người cha. Phái này còn lí giải rằng trong ngôn ngữ biểu tượng thần bí, trẻ con xuất hiện dưới hình hài của sâu bọ – tôi hoài nghi điều đó -, và biểu tượng con bọ trong “Hóa thân” của Kafka là để diễn tả nhân vật người con, theo tinh thần của học thuyết Freud. Cũng theo phái này, biểu tượng con bọ đó khắc họa chính xác cảm giác thua kém và vô giá trị của người con đối với người cha. Tôi bác bỏ cái mớ vớ vẩn này, vì điều tôi quan tâm là con bọ của Kafka chứ không phải mấy con dế trong đầu các nhà diễn giải đó. Kafka giữ thái độ hết sức phê phán với học thuyết Freud, vì ông thấy các lí thuyết của Freud hiện lên như những hình ảnh mơ hồ, sơ lược, không thấu được những góc độ riêng biệt, và điều quan trọng hơn là không thấu được bản chất của vấn đề. Ông coi phân tâm học (xin trích) là một “nhầm lẫn bất lực”. Đó là lí do tiếp theo khiến tôi bác bỏ cách nhìn theo phái Freud và muốn tập trung vào khoảnh khắc thao tác nghệ thuật. (…)
Nhân vật chính của “Hóa thân” là Gregor Samsa, con trai một gia đình trung lưu ở Praha. Các thành viên gia đình này là những con người tẻ nhạt, đầu óc tầm thường, chỉ coi trọng những giá trị vật chất, như những nhân vật trong tác phẩm của Flaubert. Năm năm trước, người cha bị thiệt hại mất gần hết gia sản nên Gregor phải làm thuê cho một chủ nợ của cha, nghề rao mẫu hàng vải. Người cha hết việc, cô em gái Grete chưa đủ tuổi đi làm và bà mẹ mắc chứng hen phế quản, nên chàng trai trẻ Gregor là người nuôi cả gia đình. Chàng còn tìm được cho gia đình một căn hộ để sinh sống: trong một chung cư cho thuê, chính xác là tại phố Charlottenstraße, và căn hộ ấy được chia nhỏ, như sau này Gregor cũng bị chia nhỏ. Đó là năm 1912, câu chuyện diễn ra tại Praha, ở Châu Âu xưa. Lương giúp việc rẻ, nên gia đình Samsa có một cô người ở mười sáu tuổi (ít hơn Grete một tuổi) tên Anna và một bà nấu bếp. Gregor thường rong ruổi đi công việc, nhưng đêm mà sau đó câu chuyện bắt đầu thì chàng ngủ ở nhà, giữa hai chuyến công cán. Và đến đây, sự kinh hoàng xảy ra. (…)
Ta hãy xem xét kĩ hơn vụ biến dạng vừa xảy ra đó. Tuy sự thay đổi có khủng khiếp và đáng bàng hoàng thật, nhưng không hề lạ lùng như thoạt tiên ta tưởng. Một nhà phê bình có đầu óc (Paul L. Landsberg trong “The Kafka Problem” [1946], Angel Flores chủ biên) đã nhận định: “Ngủ trong một môi trường lạ, lúc tỉnh dậy ta hay bị một thoáng bàng hoàng, một cảm giác hoang đường bất chợt, và một người làm nghề đi rao mẫu hàng thì chắc phải thường xuyên gặp cảnh này, vì không thể có sự ổn định nào trong hoàn cảnh sống đó.” Cảm giác về hiện thực phụ thuộc vào sự ổn định, vào sự bền vững. Rốt cuộc thì tỉnh dậy thấy mình là Napoléon, là George Washington hay là một con bọ cũng không có gì khác nhau lắm. (Tôi từng quen một người lúc tỉnh dậy thấy mình là hoàng đế Brazil.) Mặt khác, sự cô đơn đi cùng với đặc thù lạ lùng của cái mà chúng ta gọi là hiện thực là điều xưa nay vẫn đặc trưng cho người nghệ sĩ, cho thiên tài, (…). Gia đình Samsa vây quanh con bọ hoang đường kia chẳng qua chỉ là biểu tượng của sự tầm thường vây quanh thiên tài.
Yêu cầu thí sinh:
1. Hãy tóm tắt và giải thích cách diễn giải của Nabokov
2. Bằng kiến thức của mình về các tác phẩm của Kafka và các cách diễn giải chúng, hãy bình luận và đánh giá quan điểm của Nabokov.
Thí sinh được phép sử dụng tài liệu tùy ý trong phòng thi.
*
So sánh trên đây cho thấy học sinh Đức không cần phải thuộc bài (không có bài nào để thuộc). Nhưng cần: Thứ nhất, khả năng đọc hiểu đối với một văn bản khá phức tạp cả về nội dung lẫn hình thức biểu đạt (đoạn tiểu luận của Nabokov); thứ hai, kiến thức đủ rộng (các tác phẩm của Kafka chứ không chỉ 5000 chữ như đoạn trích “Vợ chồng A Phủ” trong sách Ngữ văn 12); và thứ ba, khả năng cọ sát quan điểm của riêng mình (với quan điểm của Nabokov) về Kafka.
Môn Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông không có gì kì bí, vô tận hay phức tạp hơn các môn khác. Trong nhà trường ở Việt Nam, nó thất bại không phải vì quá khó, quá nặng, mà vì quá nhẹ và nông, với muôn thuở “Vợ chồng A Phủ”.
© 2013 pro&contra



[i]  Có lẽ tôi không ưa “Vợ chồng A Phủ” cũng vì trong phần lớn các tác phẩm có mầu sắc folklore miền ngược, viết từ hình dung của người miền xuôi, các nhân vật đều được gán cho những cách nghĩ, cách nói, đặc biệt là cách xưng hô, có phần ngồ ngộ, ngu ngơ, sơ đẳng, ít nhiều bán khai. Và người đọc, tất nhiên cũng là người miền xuôi, tự động thấy mình ở một vị thế khác.
nguồn:http://www.procontra.asia/?p=2539
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001