Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Nghịch lý cảm xúc của người Việt 


Lê Thành 
Có báo nhận xét, “chiếc xô” cảm xúc của người Việt có một nửa dạt dào, nửa kia vô cảm. Theo cách nhìn của người viết, trong “xô”cảm xúc này có khi gồm: Em Chã, cụ cố Hồng (biết rồi, khổ lắm, nói mãi), và một… long trọng viên!

Đa cảm Á Đông

Trong thư gửi Quốc tế cộng sản 20/5/1924, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đề cập tâm thái Á - Đông: “Người phương Đông nói chung đa cảm (sentimental), với họ một mẫu mực trong đời thực quý hơn ngàn vạn bài vở lý luận tuyên truyền”.

Như vậy, theo bức thư trên, tính đa cảm Á - Đông không viển vông. Đồng thời, chắc do thiếu vắng phương pháp luận triết học, họ cần tấm gương, thần tượng.

Sách nước ngoài và Việt Nam còn dùng chữ emotional để nói về tâm thái người Việt. Cũng gần với sentimental, nhưng còn có nghĩa bốc đồng, dễ bị kích động (excitable), hoặc có xu hướng tự thêm “dấm ớt” để nhấn các cảm xúc của mình (sensational), đến mức ngụy tạo các chuyện như “bố chồng dính nàng dâu”… phải đến bệnh viện tháo gỡ.

Thiếu biện chứng pháp dẫn tới thiếu lý trí trong xét đoán, biểu hiện thành phản xạ hùa theo xu thế của số đông.

An ủi

Năm 2011, Đại học Royal Holloway và Đại học Bristol (Anh) làm một thực nghiệm về ảnh hưởng xu thế quan điểm của cộng đồng lên cá thể. Đã chọn ngẫu nhiên 150 người chưa quyết bầu cho ai, tách thành hai nhóm, ngồi xem các ứng cử viên vào ghế Thủ tướng Anh tranh luận trên truyền hình. Đồng thời, hai nhóm trên được xem các biểu đồ thăm dò ý kiến của cử tri toàn Anh quốc về năng lực hùng biện của các ứng viên. Tuy nhiên, các biểu đồ này các học giả cố tính làm sai lệch, nhấn mạnh khả năng của những người yếu thế hơn trong khẩu chiến, đồng thời làm nhòe năng lực diễn thuyết của người thực sự được người dân Anh đánh giá là thắng cuộc trong tranh luận.

Thực nghiệm cho thấy “chính kiến” cả hai nhóm cử tri đều phụ thuộc khá nặng vào các biểu đồ thể hiện (sai) ý kiến của cử tri Anh. Họ không cố rút ra kết luận “từ cái đầu mình”, dù được thực mục sở thị cuộc khẩu chiến của các ứng viên thủ tướng Anh. Đa số trong những người này đã ngả theo xu hướng của các biểu đồ (cung cấp thông tin sai lệch).

Vậy hiệu ứng “hùa theo đám đông” không hẳn là “đặc sản” của một dân tộc nào. Nhưng còn tâm lý ỷ vào tập thể? (Viện Gallup từng kết luận: giới trẻ Việt có xu hướng “makeno” những vấn đề thời sự của đất nước…).

“Thủ phạm” đây: Sau nhiều năm hợp tác hóa, tập thể hóa tràn lan, mọi việc đều được kế hoạch hóa, mọi người luôn chờ chỉ thị, báo AiF Nga ra tháng 5/2010 cho rằng đã nảy sinh “bản sắc dân tộc”, là không muốn nhận trách nhiệm về mình, không muốn đứng ra đảm đương chuyện gì hóc búa...


“Không phải cháu”

Thiếu cảm giác trách nhiệm cá nhân trong kinh tế thị trường dẫn đến tình trạng: hàng cho người nhà thì tốt, hàng chợ thì “khuất mắt trông coi”. Bước vào kinh tế hàng hóa đã nhiều năm nhưng vắng teo chữ tín, chẳng xây được mấy thương hiệu, sản xuất gần đây như giật lùi về tự cấp tự túc, do hàng nhái, rau bẩn, “gia cầm phương Bắc”, hoa trái “trường sanh bất tử”...

Đang tâm dùng các chất bảo quản có hại cho người tiêu dùng là sự vô cảm đáng căm giận, nhưng đang được “bình thường hóa”?

Những lắt léo của thời thế dẫn đến duy trì “dĩ bất biến”, ngại tỏ thái độ trước những vấn đề nào trên chưa kết luận. Xã hội đen ngày càng lộng hành, dám trả thù các “hiệp sĩ”, khiến con người càng thu vào vỏ ốc, ra đường thấy việc bất bằng… bỏ qua.

Các báo than lớp trẻ nay thiếu niềm tin. Nhưng chắc 9X (dù rất tinh vi) thiếu nhất là niềm tin vào chính mình – cái nền của trách nhiệm cá nhân.

Một đặc sản 8, 9X: Đám trẻ đang nô đùa, nếu có vật gì rơi vỡ, đổ gãy, người lớn chỉ mới nhìn thôi, thì đứa nào cũng “lạnh như kem”: Không phải cháu!

“Sành điệu”

Trong các phức cảm tạo nên nghịch lý “hai nửa xô” cảm xúc của người Việt hiện tại, còn có tính chuộng ngoại vô điều kiện.

Như đã nói, nghiên cứu tâm lý học phương Tây chỉ ra bản tính “thích giống đám đông” của nhân loại. Các chuyên gia quảng cáo chia xã hội thành các nhóm, các thành viên từng nhóm một có vẻ mặt/thân hình giống nhau. Tiếp theo, họ dựng ảnh mẫu cho từng nhóm, chú trọng các nhóm đông người hơn. Kết, là tuyển những ngôi sao quảng cáo là những người có vẻ mặt, thân hình càng giống với các ảnh mẫu, càng tốt…

Nhưng làm quảng cáo ở Việt Nam hơi bị dễ. Lao động của người dựng quảng cáo hẳn được giảm nhẹ, khi nhân vật trên quảng cáo không đại diện cho nhóm diện mạo nào của dân Việt, mà là hình anh John X., hoặc chị Jane Y., người Tây…

Mít-tơ Oai

Truyền thông cho thấy nửa “xô cảm xúc” sục sôi của người Việt thường vỡ òa, chẳng hạn, trong các cuộc đưa đón các “thần tượng” ngoại bang.

Học giả Paul Mus nghiên cứu sâu về Việt Nam thời thuộc Pháp, cho rằng dân Việt rất hưởng ứng các hoạt động thánh lễ (các tôn giáo Việt hầu hết có nguồn gốc nước ngoài). Ông viết: “Người Việt làm gì cũng như hành lễ” (nguyên văn: il ne travaille pas, il officie – họ không làm việc, họ thờ phụng/thực thi công việc với vẻ trịnh trọng)!

Nhưng sự ưa long trọng kiểu Việt thường được triển khai ào ào, theo kiểu phép vua thua lệ làng. Trong “sự kiện Nick Vujicic”, tiền hô hậu ủng “thượng khách” là đội xe phân khối lớn, tự ban cho mình quyền “ưu đãi miễn trừ” về giao thông.

Ngoài ra, các lễ hội tôn giáo ồn ào, hoành tráng gần đây lại chưa làm cho con người trở nên trắc ẩn hơn (nhờ “lòng vị tha tôn giáo”). Người già, trẻ em xin ấn Đức Thánh không khéo bị chen bẹp ruột.

Từ vô cảm đến… vô cảm

Sự bất thường cứ xoáy trôn ốc mãi: bệnh thành tích “trẻ mãi không già”; thi môn sử điểm “0” đại trà, có VIP bảo vậy là “bình thường”… Người dân, nhà báo phản ứng mãi cũng phát mệt, chán. Kết cục, điều bất thường hóa chuyện thường ở huyện.

Không khéo, “xô”cảm xúc gồm 3 trong 1: Em Chã, cụ cố Hồng (biết rồi, khổ lắm, nói mãi), và một… long trọng viên.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
nguồn:http://bolapquechoa.blogspot.com/2013/06/nghich-ly-cam-xuc-cua-nguoi-viet.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001