Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Trung Quốc: Dâng cao phong trào phụ nữ đấu tranh bằng cách thoát y 

Lê Phước


Dòng chữ trên ngực giáo sư Ngải Hiểu Minh: "Hãy thuê phòng ngủ với tôi và để yên cho cô Diệp Hắc Yên"
Cũng giống như các nước đã trải qua Mùa xuân Ả Rập, Internet đóng vai trò hết sức quan trọng trong các phong trào đấu tranh chống tiêu cực của người dân Trung Quốc. Giống như phong trào Femen khởi nguồn ở Ukraina, chị em phụ nữ tại Trung Quốc cũng đã bắt đầu đấu tranh bằng cách cởi trần. Làn sóng này hiện đang nổi lên mạnh mẽ ở Trung Quốc. Phụ trang cuối tuần báo Le Monde cung cấp thêm một số chi tiết đáng chú ý của làn sóng nói trên qua bài viết: «Khỏa thân, vũ khí phản kháng có tầm cỡ».
Tờ báo đăng hình bán thân một phụ nữ tuổi độ 60, ngực cởi trần, tay phải cầm kéo trong tư thế tấn công, trên bộ ngực trần có ghi hàng chữ bằng tiếng Hoa với nghĩa là: «Hãy ngủ với tôi và để yên cho cô Diệp Hắc Yên ».
Người phụ nữ để ngực trần này là một giáo sư đã nghỉ hưu ở Quảng Đông. Bà tên là Ngải Hiểu Minh, sinh năm 1953, được tặng Giải đấu tranh vì quyền phụ nữ Beauvoir 2010. Bà đã tung bức ảnh này lên mạng, và giải thích là muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với cô Diệp Hắc Yên, một nhà đấu tranh chống lạm dụng tình dục trẻ em nổi tiếng tại Trung Quốc.
Số là hồi đầu tháng Năm vừa qua, ở tỉnh Hải Nam, có 6 bé gái tuổi từ 12 đến 14 bị cưỡng dâm bởi một quan chức địa phương và chính thầy hiệu trưởng của trường mà các bé theo học. Khi sự việc bị phát giác, chính quyền xử lý quá chậm trễ, khiến cho cô Diệp Hắc Yên tức giận. Cô đã đến đứng trước ngôi trường của các bé với băng rôn có đề chữ: « Bớ ông hiệu trưởng, hãy thuê phòng ngủ với tôi ».
Thế là sau đó, hàng trăm người đã tung lên mạng ảnh riêng của mình kèm theo dòng chữ nêu trên để bày tỏ sự ủng hộ. Tiếp theo, sự việc trở nên phức tạp khi mà cô Diệp liên tiếp bị các đối tượng lạ mặt tấn công, mà theo cô đó là do chính quyền địa phương sai khiến. Hiện tại cô đang ẩn trốn để tránh bị truy đuổi.
Trở lại trường hợp của giáo sư Ngải Hiểu Minh, bà cho biết, chọn cách đấu tranh bằng việc khỏa thân là muốn theo gương của nhà đấu tranh Ngải Vị Vị. Bà giải thích: Ông Ngải Vị Vị đã gửi một thông điệp mạnh bằng một cơ thể « tầm thường như tất cả các cơ thể không hoàn hảo khác », còn bà để ngực trần là muốn nói rằng « cơ thể phụ nữ không phải là miếng thịt để ăn, mà đó là một thực thể cần được tôn trọng, bởi tất cả mọi người đều ra đời từ cơ thể phụ nữ ».
Nhìn rộng ra xã hội Trung Quốc, Le Monde cho biết thêm, phụ nữ Trung Quốc ngày càng tỏ ra can đảm. Tờ báo nhắc lại, hồi tháng Giêng rồi, có 3 nữ sinh viên đã đệ trình lên Quốc hội một đơn thỉnh nguyện bao gồm 12 000 chữ ký, yêu cầu xây dựng luật chống bạo hành gia đình. Nhiều người ký đơn còn tung lên mạng ảnh để ngực trần của mình kèm theo những dòng khẩu hiệu hay thậm chí là in trên cơ thể những bàn tay dính đầy máu. Còn hồi cuối năm 2011, có đến mấy ngàn phụ nữ và thanh niên tung ảnh riêng lên mạng, những bức ảnh trần truồng theo kiểu của nhà đấu tranh Ngải Vị Vị để bày tỏ ủng hộ đối với người này.
Phong trào Femen lan đến Tunisia
Cũng đề cập đến làn sóng phụ nữ đấu tranh bằng cách để ngực trần, tuần san Le Nouvel Observateur nhìn sang quốc gia Hồi Giáo Tunisia với bài chạy tựa: «Những người đấu tranh cho bình đẳng giới ở Tunis ».
Tờ báo cho biết, tòa án Tunisia vừa tuyên phạt 4 tháng tù giam đối với ba phụ nữ là thành viên của phong trào Femen, bao gồm 2 người Pháp và 1 người Đức. Hôm 29/05, ba người này, theo đúng phương cách đấu tranh bất ngờ của Femen, đã xuất hiện trước trụ sở tòa án ở Tunis với bộ ngực trần, và hô to đòi trả tự do cho một cô gái Tunisia 18 tuổi tên là Amina.
Nói về Amina, cô này đã đăng trên trang facebook cá nhân một bức ảnh của cô với bộ ngực trần có ghi dòng chữa bằng tiếng Ả Rập đại khái là: « Cơ thể tôi là thuộc về tôi, chứ không phải là nguồn cảm hứng của ai cả ». Trên tay cô khi ấy còn cầm một điếu thuốc. Sau đó, Amina bắt đầu nhuộm tóc vàng. Cô nhận mình là người theo phong trào Femen. Thế là Amina bị kết án 2 năm tù giam.
Trở lại trường hợp của ba cô gái Châu Âu nói trên, ba cô bị tòa án Tunisia buộc tội xâm hại đến thuần phong mỹ tục của người Hồi Giáo.
Le Nouvel Obervateur nhận định, dù Tunisia đã trải qua cái gọi là « cách mạng » để lật đổ người được cho là nhà độc tài Ben Ali, thế nhưng các luật lệ hà khắc được thiết lập dưới thời ông này vẫn còn được giữ nguyên trong chế độ mới, một chế độ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Hồi Giáo cực đoan Ennada.
Nhìn rộng ra thế giới, Le Nouvel Observateur cho biết, phong trào phụ nữ đấu tranh bằng ngực trần tên là Femen ra đời ở Ukraina hồi năm 2008, hiện đã lan rộng đến nhiều nước trên thế giới.
Trung Quốc: Nguy cơ bạo động xã hội dâng cao
Courrier International cũng nhìn về Trung Quốc, nhưng với một góc độ khác qua bài chạy tựa: «Nguy cơ ».
Tờ báo nhắc lại việc hồi chiều tối ngày 07/06, một người đàn ông tuổi độ 60 tên là Trần Thủy Chung đã phóng hỏa đốt cháy chiếc xe buýt mà ông đang đi với mọi người. Hậu quả là 47 người thiệt mạng trong đó có ông. Nguyên nhân của hành động quá khích nói trên là do ông Trần quá chán nản bởi cuộc sống khó khăn, bởi việc chính quyền không chịu giải quyết những khiếu nại về tiền trợ cấp của ông.
Courrier International nhắc lại, từ mấy năm nay, bạo lực bắt đầu leo thang trong xã hội Trung Quốc. Xã hội ngày càng trở nên căng thẳng, liên tiếp xảy ra xung đột giữa người dân với chính quyền do việc cưỡng chế đất đai hoặc việc xây dựng những nhà máy gây ô nhiễm cho địa phương.
Courrier International cảnh báo: Một chính sách thuần túy đàn áp chỉ làm tăng nguy cơ xung đột xã hội mà thôi.
Brazil: World Cup sẽ dẫn đến cách mạng?
Nhìn về làn sóng xuống đường rầm rộ diễn ra mấy ngày qua tại Brazil, Courrier International trích dẫn tờ báo Brazil de Fato với hàng tựa: «Người thành thị nổi giận ».
Bài viết cung cấp thêm một góc nhìn về làn sóng xuống đường nói trên. Lúc đầu, người dân xuống đường để phản đối việc tăng giá vé các phương tiện giao thông công cộng. Dù nhà cầm quyền đã rút lại quyết định tăng vé, nhưng biểu tình vẫn tiếp diễn.
Vì sao thế ? Ngoài nguyên giá bề mặt là giá vé, còn có nguyên nhân sâu xa là việc người dân phản đối nạn quan liêu, tham nhũng.
Tuy nhiên, có một nguyên nhân khác mà tờ báo tại Sao Paulo nhấn mạnh, đó là việc Brazil đăng cai những sự kiện thể thao lớn đã để lại hậu quả tiêu cực cho người dân. Để đón chào World Cup 2014 được tổ chức tại Brazil, nhà cầm quyền nước này đã cho «quét dọn » các thành phố, trục xuất nhiều người ra khỏi thành phố, chặt đi nhiều cây cối…Theo tờ báo, người dân xuống đường cơ bản là để đấu tranh giành quyền « được sống ở thành phố ».
Thế nhưng, bên cạnh đó còn có một nguyên nhân cốt tử khác, đó là việc thế hệ trẻ bắt đầu « phẫn nộ » và chán ngán một « nền chính trị truyền thống » ở Brazil, một nền chính trị mà theo tờ báo là « đã trở thành công cụ để bảo vệ lợi ích cá nhân, và không còn khả năng đáp ứng được nhu cầu của người dân ».
Cuối cùng, Brasil de Fato cảnh báo: Một làn gió xuân đang nổi lên ở Brazil, và từ đây cho đến khi World Cup 2014, làn gió này sẽ càng thổi mạnh hơn nữa.
Trung Đông dưới bóng ma xung đột tôn giáo
Nhìn sang điểm nóng Trung Đông, tuần san Le Nouvel Observateur có bài thời luận cảnh báo: «Irak trong vòng xoáy Syria ? ».
18 tháng sau khi quân đội Mỹ rút khỏi chiến trường Irak, nước này hiện đang lâm vào cảnh xung đột đẫm máu giữa hai nhánh Sunni và Shia của Hồi Giáo. Các cuộc tấn đánh bom với động cơ chính trị-tôn giáo đã làm thiệt mạng 460 người ở nước này hồi tháng Tư. Còn trong tháng Năm, con số này đã leo lên đến 1000 người. Đến mức mà đại diện Liên Hiệp Quốc tại Irak phải thốt lên rằng: « Irak sắp nổ tung ».
Bàn về nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên, tờ báo nhìn sang điểm nóng Syria. Phe ông Assad thuộc về nhánh Hồi Giáo Shia. Ông được Iran và nhóm Hezbollah trợ chiến bởi vì Iran cũng do dòng Shia thống trị, còn nhóm Hezbollah cũng là nhóm Hồi Giáo Shia.
Trong khi đó, phe nổi dậy tại Syria lại thuộc dòng Hồi Giáo Sunni. Phe này được ủng hộ bởi hai nước có dòng Sunni thống trị là Ả Rập Xê Út và Qatar. Phe nổi dậy còn tuyển mộ nhiều chiến binh theo dòng thánh chiến Sunni, và có cả chiến binh nước ngoài có liên hệ với Al-Qaida.
Trở lại trường hợp của Irak, nước này có đa số người thuộc dòng Shia và hiện dòng này đang nắm quyền. Irak tham gia cuộc chiến tại Syria một cách khá đặt biệt: Nhà cầm quyền Chiite của Irak mở rộng không phận cho máy bay Iran đi tiếp tế quân đội Assad, trong khi đó các chiến binh thuộc dòng Sunni tại Irak lại chiến đấu trong hàng ngũ phe nổi dậy ở Syria.
Như vậy cuộc chiến mang màu sắc tôn giáo ở Syria đã vượt ranh giới nước này. Tờ báo kết luận: Bóng ma xung đột tôn giáo đang rình rập Trung Đông.
Syria và chiến binh 8 tuổi
Cũng liên quan đến Syria, tuần san Le Nouvel Observateur có bài: «Cuộc thánh chiến của trẻ em », cho biết thực trạng trẻ em tham chiến tại Syria.
Tờ báo cho biết, các lực lượng Hồi Giáo cực đoan trong hàng ngũ phe nổi dậy tại Syria đã sử dụng trẻ em để phục vụ cho công tác tuyên truyền. Họ cho quay nhiều video clip trong đó có các trẻ em tay cầm súng và băng rôn, miệng thì ca vang các bài ca thánh chiến.
Trên thực địa, thì trẻ em cũng đã bị đẩy ra mặt trận. Việc sử dụng trẻ em làm chiến binh ngày càng tăng, công tác huấn luyện các « chiến binh nhí » đang được tăng cường. Có chiến binh tuổi mới lên tám mà phải khệ nệ cầm khẩu súng tương đương với trọng lượng của mình.
Obama-Putin: Đồng sàng dị mộng
Trong mục Ảnh trong tuần, phụ trang cuối tuần báo Le Monde chọn bức ảnh Tổng thống Mỹ Obama ngồi bàn đàm đạo với Tổng thống Nga Putin tại hội nghị Thượng đỉnh G8 vừa qua. Trên ảnh hai ông đang trong tư thế lạnh lùng và có vẻ khó nói. Tờ báo chọn dòng tựa đáng chú ý cho bức ảnh này: « Cuộc đàm đạo của những người điếc ».
Tờ báo muốn ám chỉ đến việc ông Obama và ông Putin dù ngồi chung bàn để đàm đạo, nhưng trong lòng thì không ai chịu nghe ai.
Theo Le Monde, trên hồ sơ Syria thì Tổng thống Putin vẫn bất đồng với Mỹ trong việc hỗ trợ vũ khí cho phe nổi dậy. Nói rộng ra, trên hồ sơ này, hai ông dường như không tìm được điểm đồng thuận. Còn đối với Tổng thống Obama, thì ở thượng đỉnh rồi, ông còn phải nhứt đầu trong việc giải thích với các đồng nhiệm về hồ sơ lén theo dõi các trang mạng ở các nước của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ-NSA.
Tự do mậu dịch Châu Âu - Mỹ và cái gai « ngoại lệ văn hóa »
Hôm 14/6 rồi, sau 13 giờ thảo luận gay go, 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã đạt đồng thuận để Ủy ban Châu Âu bắt đầu đàm phán với Mỹ về hiệp ước tự do mậu dịch song phương, và ngành truyền thanh, truyền hình không nằm trong danh mục các hồ sơ thương lượng. Pháp là nước đầu tàu hô hào cho lập trường này. Đây có phải là một thắng lợi của Pháp hay không ? Courrier International chạy tựa lớn trên trang nhất và trích dẫn nhận định báo chí của một số nước về chủ đề này.
Courrier International trích dẫn báo chí của Ý, Mỹ, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Điển với những ý kiến trái chiều.

Như tờ báo của Anh thì cho rằng, Pháp lo sợ nếu tự do mậu dịch ngành truyền thanh-truyền hình, thì phim ảnh Mỹ sẽ lan tràn trên các phương tiện truyền thông của Pháp, dẫn đến việc tiếng Anh sẽ lấn lướt tiếng Pháp nhiều hơn nữa, từ đó đe dọa đến bản sắc văn hóa Pháp. Thế nhưng tờ báo Ý thì ghi nhận, Pháp đang đơn thương độc mã đấu tranh bảo vệ sự đa dạng văn hóa, và các nước Châu Âu khác cần vào cuộc để tiếp tay chống lại « sự độc tôn » của văn hóa Mỹ.

Các tờ báo đồng cho biết, Pháp cho rằng, truyền thanh và truyền hình là trường hợp « ngoại lệ văn hóa», không phải là sản phẩm thương mại và do vậy, không nằm trong nội dung đàm phán tự do mậu dịch giữa Bruxelles và Washington. Paris nhất quyết không nhượng bộ trên hồ sơ này và thậm chí đe dọa dùng quyền phủ quyết trong trường hợp đòi hỏi của Pháp không được thỏa mãn.
Về phần mình, Courrier International đăng bài xã luận ủng hộ lập trường của Pháp trong việc thận trọng trước làn sóng toàn cầu hóa. Tờ báo cho rằng: Đôi khi phải biết thối lui vài bước thay vì chịu trói chân mà nhảy vào bể toàn cầu hóa.
Tờ báo cho biết thêm, trên bình diện kinh tế, chỉ trong vòng một thế kỷ, mà thị phần xuất khẩu của Pháp trên thế giới đã giảm từ 12% xuống còn có 3%, trong khi đó Trung Quốc đã tăng từ 3% lên 11%. Bởi vậy Pháp e ngại toàn cầu hóa. Một cuộc thăm dò đã chứng minh cho quan điểm này: Có đến 3 trên 5 người Pháp xem toàn cầu hóa là một mối đe dọa.
Admin gửi hôm Thứ Ba, 25/06/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130624/trung-quoc-dang-cao-phong-trao-phu-nu-dau-tranh-bang-cach-thoat-y
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001