Viên Linh - Võ Đình, cơm với cá
Viên Linh
(Để tưởng nhớ nhà Văn/Họa sĩ Võ Đình, nhân ngày giỗ thứ 4 của Ông)
Trong giới nghệ sĩ tạo hình, họa sĩ Võ Ðình (1933-2009) là người có cuộc
sống cách biệt với giới văn nghệ Việt Nam hơn cả, song lại là người đi
vào nhiều ngành hơn cả trong sinh hoạt văn nghệ: ông vẽ và triển lãm
nhiều đã đành, ông dịch thuật mấy tác phẩm từ tiếng Pháp qua Việt ngữ,
ông dịch thơ các thiền sư Việt Nam ra quốc âm, là tác giả của mấy tập
truyện ngắn, tùy bút, v.v... Và trong cuộc sống tình cảm, nét bút, câu
văn của ông cho thấy một sinh lực tàn phá muốn vỡ bờ, một xung uất khó
kìm hãm, một hụt hẫng nào đó phải chiêm nghiệm lâu mới có thể hiểu. Ông
và tôi có lần đã chưng hửng cùng nhau, quanh một bữa rượu, trong dăm ba
lần gặp nhau ba bốn mươi năm trước.
Tên thật ông là Võ Ðình Mai, song người ta biết đến ông qua bút hiệu Võ
Ðình, tên ký trên các tấm tranh trong hơn 40 cuộc triển lãm từ Âu về Á,
và trên khoảng ba chục bìa sách hay bốn chục ấn phẩm (vì có nhiều ấn
phẩm viết chung với nhiều người), từ quốc nội tới hải ngoại.
Sau này khi đã nổi tiếng từ ngoài trở vào tới trong nước, dường như ông
có ý định ghép tên Mai vào tên hiệu Võ Ðình cho đủ bộ như lúc vào đời,
song độc giả không chấp nhận, nên tên Mai lại bị loại ra, Võ Ðình lại là
Võ Ðình một mình mà thôi. Ông sinh năm Quí Dậu 1933 ở Huế, chánh quán
huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Những năm '50 ông du học ở Lyon và
Paris nước Pháp, song cuộc triển lãm tranh đầu tiên của ông được tổ chức
ở New York. Một nghệ sĩ sinh hoạt trong nhiều ngành nghề như thế, hẳn
có nhiều nguyên do? Có thể ta sẽ tìm được câu trả lời qua những dòng chữ
do chính ông viết: “Phần tôi, có những điều tôi nói ra không được, viết
ra không được, mà lại vẽ ra được. Ngược lại, có những điều tôi vẽ ra
không được, cho nên tôi cần nói ra, viết ra. Không vẽ ra được, tôi khổ
sở như bị đui mù. Không nói ra, viết ra được, tôi đau đớn như bị câm
điếc.” (Võ Ðình, Lời Tác Giả, Sao Có Tiếng Sóng..., Văn Nghệ xuất bản,
1991).
Nếu chỉ căn cứ vào câu này, ta có thể hiểu, theo ngành nào, viết gì vẽ
gì, ngay cả lúc không viết không vẽ, ông cũng chỉ “thực hiện” con người
ông. Con người ông ra sao? Du học ở Pháp thuở thiếu thời, triển lãm ở Âu
Châu và Mỹ, ông dịch và viết tiếng ngoại quốc, hai lần lập gia đình với
phụ nữ ngoại quốc, và những bài viết đầu tiên của Võ Ðình là truyện
dịch. Năm 1971 Sáng Tạo ở Sài Gòn đã in “The Stranded Fish” của ông. Võ
Ðình dịch thơ Nhất Hạnh ra “Zen Poems” năm 1976. Danh sách các dịch phẩm
của ông dài gần hai trang sách. Tuy thế, như ông đã trả lời một cuộc
phỏng vấn của báo chí, tâm hồn ông rất Việt Nam:
Ðến một lúc nào đó trong đời, người ta trút bỏ nhiều thứ vẫn trân quí
lâu năm, và chỉ giữ lại những gì cần thiết nhất. Tôi có dịp đọc đâu đó
rằng, trong chiến tranh Cao Ly (Triều Tiên), nhiều lính Mỹ trước khi
chết thường chỉ thều thào hai tiếng: Mom! (Mẹ ơi!), và Milk! [cho tôi tí
(Sữa!)]. Cho nên, có thể nói rằng “Cuốn sách đã ảnh hưởng tới tôi” là
cuốn “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” và “Luân Lý Giáo Khoa Thư.” Những cuốn
sách được học (chứ không phải đọc) những năm còn là một chú bé chưa được
phép mặc quần tây dài, đi giày (chỉ được mặc quần “sọt” (shorts), đi
dép, hay đi... chân đất! Những bài trong sách đó, tôi còn nhớ lai rai.
Chẳng hạn, chuyện “một người đã đi du lịch” nhiều nơi,” về đến quê nhà
lại nói rằng “chốn quê hương đẹp hơn cả.” Chẳng hạn bài ca dao: “Ðêm đêm
ra đứng bờ ao / Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ / Buồn trông con
nhện giăng tơ, v.v...” Thú vị vô cùng là cái con cò “đậu phải cành mềm
lộn cổ xuống ao,” bị bắt được, có thể bị đem đi xáo măng, mà còn đòi cho
được “Có xáo thì xáo nước trong / Chớ xáo nước đục đau lòng cò con.” Có
một số bài nữa. Văn xưa cũ, ước lệ, nhưng hay. Chẳng hạn, chuyện người
nọ đi trên đường lúc chạng vạng, thấy cục đá lớn, bèn hì hục khuân nó
qua một bên, có người hỏi sao lại nhọc nhằn, trả lời là sợ có người trời
tối đi vấp phải! Chẳng hạn, chuyện người nọ giấu vàng trong mấy hộp
trà, đem biếu xén quan lớn. Quan cầm thấy nặng, không chịu lấy, người ấy
nói: “Không ai biết đâu!” Quan bảo: “Trời biết, Ðất biết, ông biết, tôi
biết, sao lại nói là không ai biết?” Chẳng hạn chuyện người thợ may
(gặp khách hàng hạng người luồn cúi), ông may áo tà sau dài hơn tà
trước...” (Võ Ðình trả lời Viên Linh, đăng trên Khởi Hành số 67, tháng
5.2002)
Sau khi kể như thế, Võ Ðình kết luận:
Sách hay như thức ăn ngon. Ăn ngon thì khoái, thì sướng. Cũng có thức ăn
thực đơn sơ, đạm bạc, nhưng tiêu hóa đã lâu, món ăn đã thành máu trong
người. Sách như Quốc Văn Giáo Khoa Thư, như Luân Lý Giáo Khoa Thư, là
thức ăn đạm bạc đó. Ở quê tôi, Thừa Thiên, có thành ngữ: “Cơm với cá như
Mạ với con.” Tiếng Huế, Mạ là Mẹ. Với tôi, và tôi nghĩ, với những người
cùng lứa tuổi, QVGKT và LLGKT là “cơm với cá” vậy. (Sđd)
Ðó là ý kiến Võ Ðình về những cuốn sách hay đã đăng báo.
-Trong thư riêng với nhau, anh viết lác đác đây đó với tôi. Năm 2001
thấy tờ báo mình làm, là báo văn nghệ, cần những minh họa hay những nét
phác họa nho nhỏ, tôi gửi qua Royal Palm Beach Florida cho anh chỉ một
tấm danh tiếp ghi hai câu “lẩy Kiều”: “Mai sau dù có bao giờ / Vẽ dăm ba
nét cũng nhờ được nhau.” Khoảng một tuần sau một cái phong bì khổ lớn,
lộm cộm nhiều mảnh giấy bên trong, đã nằm trong Hộp Thư Lưu Trữ của tờ
báo. Mở ra, có tới 10 bức vẽ nho nhỏ “từ dăm ba nét tới cả vài trăm
nét,” và một bản photocopy cái thiếp nhỏ của tôi có hai câu lẩy Kiều nói
trên, tiếp bằng hai câu “lẩy Kiều” Võ Ðình gửi trả lại: “Trăm năm một
cuộc bể dâu / Nét thì nét bấc mà đau đớn lòng.” Mấy chữ đau đớn lòng,
nghĩ thế nào cũng được; có thể hiểu là nội dung những nét vẽ, có thể
hiểu là vẽ cho bạn ta thì chẳng có nhuận bút gì hết mà vẫn phải vẽ!
Bây giờ là tháng 10, 2005... Mấy tháng nay tôi lấn bấn với chuyện sức
khỏe, không lái xe, không đọc sách báo được! Mổ 2 lần, làm lại cầu răng 1
lần. Ðang chờ bão Wilma. Tôi đồng ý với anh về chuyện dịch thơ. Tôi
không bao giờ dịch thơ cả. Những bài thơ-kệ trong “Hương Thiền” và “Một
Cành Mai” là những bài chú trọng về ý hơn là về lời thơ. Ý, có thể dịch
ra một ngôn ngữ khác, thơ, không được.
Hơn một năm sau, anh gửi cho tôi một số “vài nét” khác, và một mảnh “post-it” trên có viết:
VL: Tôi gửi ông vài nét. Tùy theo nhu cầu, xin ông cắt xén tự do.
Tôi gửi chậm vì mắt (phải mổ). Tôi thích mấy cái “collages-cắt dán” của
ông trong KH mới nhất. Thân (VÐ 6.13.2006)
Khi đụng tới văn học nghệ thuật, Võ Ðình không nể nang. Ðây là điểm đáng
quí nhất nơi người nghệ sĩ tự trọng. Ấy là tránh tối đa những viết
lách, hay lời nói thù tạc, những khen ngợi chỉ cốt làm vừa lòng người
khác, nhưng thật sự là giả dối. Võ Ðình đã nhiều lần bị than phiền vì
những phát biểu về nghệ thuật - người có công tâm sẽ thấy, nếu những
phát biểu ấy là đúng, và phải thấy như thế - thì người phát biểu chính
là người nghệ sĩ chân chính.
Một trong những phát biểu ấy là câu họa sĩ trả lời nhà văn Phạm Thị
Hoài, chủ bút Talawas năm 2002, khi cô hỏi ông câu hỏi sau đây:
“...nhiều khi anh viết trực tiếp về việc vẽ. Chỉ có một số rất ít họa sĩ
Việt Nam làm như vậy. Phần lớn thường từ chối phát biểu bằng lời. Phát
biểu duy nhất của họ là: tác phẩm đã đủ nói lên tất cả. Ðây có phải là
một thái độ riêng của giới sáng tác hội họa Việt Nam không? Nó có tất
yếu không? Có nên giữ như vậy không?”
Võ Ðình:
Tôi thông cảm với những họa sĩ (Việt Nam) “từ chối phát biểu bằng lời.”
Không, đây không phải là “một thái độ riêng của giới sáng tác hội họa
Việt Nam.” Từng cư ngụ nhiều năm ở Pháp rồi ở Hoa Kỳ, tôi nhận thấy giới
sáng tác hội họa ở đó cũng thường giữ im lặng lắm. Theo tôi hiện tượng
ấy có mấy nguyên do.
1. Hội họa là một nghệ thuật câm nín. Người họa sĩ không có thói quen
phát biểu bằng lời trong cuộc sống, trong công việc. Ngày xưa, Paul
Cézanne, cha đẻ của hội họa hiện đại từng nói: “Người họa sĩ suy tưởng
với cây cọ trong tay.” (Un peintre pense avec les pinceaux dans les
mains.)
2. Ngôn ngữ hội họa là một ngôn ngữ dị biệt. “Nói” về hội họa thường chỉ
đi vòng quanh hội họa, khó đi sâu vào bên trong. Câu 3 và câu 4 đã gây
xúc động, bài này sẽ không nhắc lại hết, tuy nhiên khi Võ Ðình nói “hiếm
có những tác phẩm đã đủ nói lên tất cả, hiếm lắm,” thì điều ấy không
sai. Ông nói rõ rằng không chỉ giới họa sĩ, mà “nói chung, ở người Việt
Nam,” người ta ngại phát biểu bằng lời vì “e ngại ‘bút sa gà chết’, đụng
chạm tự ái kẻ khác.”
Những dòng này được viết ra nhân ngày giỗ thứ tư của họa sĩ (mất vào 6
giờ Chủ Nhật, giờ Florida, ngày 31 tháng 5, 2009). Như một tưởng nhớ
người nghệ sĩ bộc bạch hiếm có.
(Ngày 29 tháng 5, 2013)
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/vien-linh-vo-inh-com-voi-ca.html
======================================================================
Tưởng niệm Võ Đình
* Thơ Phạm Thiên Thư : Vết Chim Bay
Tưởng niệm Võ Đình
Chỉ Còn Tiếng Sóng
Trần thị LaiHồng
ngày nào
chưa phải ngày xưa …
cát từng ghi dấu chân
thật gần
chim từng bay song đôi
người ơi ! người ơi !
mà ngày nay
người đã xa, đã về, đã tới
cát cũng còn in dấu chân
một mình
một mình lẻ bước
bên trời mây nước
và trăng
nhưng chim thì gãy cánh
mà vẫn còn bay bổng…
bốn năm
bốn năm
một ngàn bốn trăm sáu mươi ngày trôi
bốn năm rồi …
tôi một mình gọi nhỏ
chim ơi ! biết đâu tìm *
nghe âm vang lời chuông vọng
ngân nga
ngân nga
lắng lòng nghe chuông gióng
hòa tiếng sóng đồng vọng …
còn chi
còn chi
chỉ còn tiếng sóng
chỉ còn tiếng sóng trong lòng...
Hoa bang, Phật Đản 2557, Giỗ VõĐình năm thứ tư
* Thơ Phạm Thiên Thư : Vết Chim Bay
Đoạn ghi thắp cây hương cho ngày giỗ Võ Đình
ĐINH CƯỜNG
Cuối tháng năm rồi, năm nay là năm thứ tư [1]
ngày anh Võ Đình mất, nhớ mới buổi trưa nào
chúng tôi cùng ngồi tụng mấy tràng kinh Phật
bên chiếc giường cao, có cô y tá người Mỹ da đen rất tốt
kiểm soát từng hơi thở cuối của một họa sĩ, một nhà văn
làm rơi nước mắt, đừng khóc
( nhưng Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã khóc )
căn phòng sau anh nằm có ngọn đèn vàng
căn nhà vườn rộng có nhiều cây như ở Huế
phía sân trước có cây mai anh đặt tên Thanh Tuệ,
chị Lai Hồng sắp thêm mấy hòn đá, vỏ sò vỏ hến
căn nhà ở West Palm Beach bây giờ một mình chị ở
căn nhà có cánh cửa chính vào là tấm tranh anh
còn nhớ câu viết anh dán bên tường
đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi …
của Nguyễn Bá Học anh dịch ra tiếng Anh
nhớ mấy bức tranh màu nước cũ, mấy kệ sách cũ
đẹp làm sao, thời gian không làm nhòa đi dấu tích
như trưa nay ngồi trong tịch mịch
lục lại mấy câu thơ Thầy Nhất Hạnh
với nét chữ anh chép lại trên giấy sổ tay :
cửa tùng đôi cánh khép
một mũi tên sáng loáng lìa giây cung
lao vút tới
mặt trời nổ tung
đầy sân hoa cam rụng
phảng phất
bóng vô cùng [2]
nhớ tiếng chuông đồng ngân vang rất thanh
chiếc chuông đồng rất nhỏ trên bàn thờ Ôn Mệ
hương thơm một nén bay nghi ngút
chuông đồng ba tiếng gióng thênh thang [3]
thênh thang như bóng anh hay bóng Vô Cùng …
Virginia, May 29, 2013
Đinh Cường
[1] Võ Đình mất ngày 31 tháng 5, 2009 tại West Palm Beach, Florida, 76 tuổi
[2] Đại Trượng Phu – thơ Nhất Hạnh
[3] Chuông đồng ba tiếng gióng thênh thang – thơ Võ Đình
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/tuong-niem-vo-inh.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001