Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Thảo Trường - Trong Bếp
Thảo Trường



Ông nhà tôi rất dốt tiếng Anh. Học thì không chịu học cho nên sang Mỹ đã mấy năm mà mỗi khi nói chuyện với đứa cháu nội ông cứ ấp a ấp úng khiến con bé cứ phải sửa, bắt ông nội phải nói đi nói lại, nói tới nói lui, mãi cho đến khi nội nói đúng nó mới chịu tha. Ông nội thấy bà cháu tôi líu lo cái thứ tiếng không phải là tiếng quê hương của ông thì quay ra bắt bẻ:
– Bà nội phải tập cho cháu nó nói tiếng Việt cho quen. Suốt ngày ở trường học nó đã phải nói tiếng Anh, về nhà bà cũng lại nói tiếng Anh với nó suốt, con bé sẽ quên hết tiếng mẹ đẻ mất thôi.

Rồi ông cằn nhằn:
– Miết rồi “lai căng” hết, sẽ chẳng còn đứa nào giữ được… truyền thống.

Tôi thì… tiện đâu làm đó, cái gì thuận tiện tôi làm, cái gì dễ dàng tôi làm trước, nói tiếng Anh với con cháu thấy chúng nó hiểu ngay và làm nhanh theo ý mình hơn tiếng Việt thì tôi nói tiếng Anh với chúng nó cho được việc nhà bếp. Cũng như với ông cụ, nói tiếng Việt ông cụ tiếp thu nhanh hơn và dễ hơn thì tôi dùng tiếng Việt với cụ “Bố làm cho em cái này cái nọ à nhe…” Ông cụ chấp hành ngay tức thì không cần mất thời giờ sắp xếp ý tưởng và chữ nghĩa, cũng khỏi chia động từ hoặc uốn cái lưỡi cứng đơ để cất giọng cho duyên dáng điệu nghệ như ông cụ vẫn nghe thấy trên TV, Radio Mỹ… Ông cụ phát ngay ra lời tuyên bố ngọt ngào trong nhấp nháy “Xong ngay. Má yên tâm”. Sướng không? Hỏi có sướng không? Có tiện lợi không? Có dễ dàng không? Cũng in như với con trẻ, chúng “Hi Grandma” là dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi lắm.

Mấy mẹ con tôi ở bên Mỹ mấy chục năm qua, học hành và làm việc quần quật bằng tiếng Mỹ, may mà thời gian nghỉ ngơi ở nhà vẫn nói tiếng Việt với nhau cho nên cũng còn nhớ nguồn nhớ gốc nhưng lâu quá rồi cũng phải theo sinh họat chung quanh nói tiếng Anh cho nó nhanh hóa ra thành thói quen. Cũng chỉ vì tiện việc nhà bếp. Nhưng đến thế hệ thứ ba, những đứa cháu nội cháu ngoại của ông thì sự thể lại càng phức tạp hơn nữa. Ở nhà bố, mẹ, ông, bà… có tập cho chúng nói tiếng Việt đấy, nhưng ưu thế của trường học, bạn bè, môi trường sống… đã lôi kéo chúng theo cái dòng chính của xã hội nơi đây. Mới chỉ ba thế hệ nhưng ông bà nói một thứ tiếng, các cháu nội ngoại lại có một ngôn ngữ khác. Giòng giống này đến đây có một khúc quẹo, người già bị bỏ lại nơi ngã ba đường đó, giới trẻ thì chúng phải tiến lên, chúng vẫn phải tiến lên, không có cách nào khác, không thể cưỡng lại dòng chảy.  

Ông nhà tôi có phản ứng cũng chỉ là dể phản ứng, có trách cứ thì cũng chỉ là để trách cứ, tôi có sức lực nào ngăn cản hay điều khiển nổi dòng chảy. Tôi cũng chỉ bơi theo, nhưng cũng may là tôi bơi mà còn tụt lại níu được ông theo, đồng thời tôi cũng còn vẫy vẫy tay ngoắc đàn con lũ cháu đang hào hứng bơi ở phía trước.
Ông nhà tôi sinh ra lớn lên và trưởng thành suốt một đời được rèn luyện trong nền văn hóa nước Việt, dĩ nhiên nay và bao giờ nữa ông cũng vẫn chỉ yêu nền văn hóa ấy. Nay và bao giờ nữa ông cũng chỉ còn nền văn hóa ấy trong tâm hồn ông. Làm sao ông có thể khác được nữa. Và khác thế nào nữa cơ chứ. Cho nên tôi thông cảm với người. Tôi tụt lại nơi ngã ba đường với ông. Để cho có cùng mồ mả ở một chốn.

Tôi còn làm trung gian hòa giải cho ông và các cháu. Tôi là gạch nối cho hai thế hệ bớt cách biệt nhau. Tôi giúp ông cháu họ hợp quần với nhau được phần nào. Cũng chỉ tại ông dốt. Cũng chỉ tại ông giỏi. Ông giỏi một vài cái gì đó cho nên ông phải dốt một vài cái gì đó khác. Ông thích nghi với nền văn hóa quê hương ông đến độ đông đặc rồi thì cũng khó cho ông phải làm quen với một thứ văn hóa xa lạ khác.

Bà cháu tôi rủ ông đi xem phim, ông lắc đầu từ chối. Ông nói cuốn phim gây ồn ào mấy tháng nay làm cho ông không muốn ngó đến nó. Ông nói, ở đây người ta làm phim xong còn tính được sẽ có bao nhiêu triệu lượt người xem có nghĩa là sẽ bán được bao nhiêu vé, tính được sẽ thu về bao nhiêu tiền có nghĩa là sẽ lời lãi bao nhiêu của cải. Ông nói đi xem tức là đứng sắp hàng cho họ điều khiển. Mà có gì mới lạ đâu. Cũng vẫn là câu chuyện cũ, một cái tàu chở khách du lịch chúi mũi gãy đôi chìm xuống đáy biển, một vụ đắm tàu vĩ đại, một tai nạn vĩ đại, lồng trong đó một mối tình được chế ra rất khéo léo. Thế là khán giả kéo nhau đi xem, có người còn khoe đã đi xem nhiều lần mà vẫn còn muốn đi xem nữa. Quả thật các nhà chế tạo rất tài tình.
Bà cháu dắt nhau đi xem. Khi đã ngồi trong rạp rồi, con bé rút trong xách tay ra những tờ tissue đưa cho bà nội. Bà nội cầm lấy những tờ giấy lau, nhìn con cháu mới 12 tuổi như dò hỏi. Nó dẫn giải cho bà, dĩ nhiên bà cháu nói với nhau bằng tiếng Anh, thứ tiếng mà nếu có ông ở đây ông sẽ gọi là tiếng nước ngoài, còn cháu gái thì nó bảo là tiếng nước nó. Con bé nói với bà nội:
– Không phải là chuyện thật đâu, Bà. Chỉ là chuyện phim bịa mà thôi.

Trong bóng tối của rạp hát, bà lau nước mắt, liếc sang cháu gái thấy nó cũng lấy tissue chấm chấm nơi khoé mắt. Lát sau cả bà lẫn cháu đều nghe như nhau có tiếng khẽ sụt sùi. Cháu đưa thêm giấy cho bà. Về nhà bà khoe với ông con cháu gái còn bé thế mà rất chu đáo, nó biết lo trước cả giấy lau nước mắt cho bà. Hỏi ra thì ở trường lớp chúng bạn nó đã thường bình luận về cuốn phim rất nhiều rồi. Nghe kể ông nội chỉ biết lắc đầu thở dài. Ông nói với bà:
– Thảo nào trong Đoạn Trường Tân Thanh cụ Nguyễn Du đã tả cô Thuý Kiều chảy nước mắt khóc trước mả Đạm Tiên.  

Bà cự:
– Là con người thì cũng phải biết xúc động tình cảm trước những uẩn khúc của cuộc đời chứ.

Ông nội than:
– Đến khổ!

Ông nhà tôi nói thế chứ chính ông cũng đã nhiều lần chảy nước mắt. Do ông kể lại cho tôi biết cũng như do chính tôi thấy tận mắt, bắt quả tang tại trận người đang khóc thương cho cuộc đời. Năm 1975 sau khi đưa mẹ con tôi di tản khỏi Sài Gòn, ông trở về đơn vị quân đội cho đến ngày lệnh trên bảo “bàn giao” thì ông lái xe trở về nhà lấy một ít vật tùy thân tính đường chạy xuống Vùng 4, chẳng ngờ hai con chó con phóng từ trong nhà ra nhảy phóc lên xe ông, chúng kêu áu áu, lăn xả vào chân ông, lăn xả vào lòng ông, ông gỡ chúng ra bỏ xuống vườn thì cả hai con lại nhảy phóc lên xe lần nữa, lại áu áu kêu, lại lăn xả vào ông, như là “đi đâu cho con đi với”, như là “chạy đâu cho con chạy với”, như là “trốn đâu cho con trốn với”, như là “đừng bỏ rơi con”… ông kể “tự nhiên nước mắt ông trào ra ràn rụa”. Hình như cho đến lúc đó tất cả bao nhiêu cay đắng xót xa uất ức bị dồn nén suốt những ngày chiến trường tan vỡ, chế độ tự do suy sụp và Miền Nam bị rơi vào tay cộng sản, thì những tiếng kêu than của những con vật thân yêu trong nhà đã làm tràn ra nỗi khổ đau trong ông. Hôm mấy mẹ con tôi lên xe vào phi trường, thằng cu Tửng đã ôm theo hai con chó trong lòng đòi mang theo nhưng bị Bố cản lại bắt phải thả xuống, thằng cu không chịu, ông Bố phải dỗ dành “Chuyến bay này bằng Boeing 747 người ta không cho đem theo chó”. Thằng cu vẫn không chịu nhượng bộ, ông Bố lại phải hứa cuội “Bố sẽ mang hai con chó chuyến sau với bố bằng C130 cho con”. Vừa dỗ vừa áp lực mới gỡ được hai con vật nhỏ bé khỏi tay đứa con. Hai con cún này của anh Vọng cho, anh nói đó là hai con đẹp nhất đàn chó bảy con mới đẻ. Một con lông trắng muốt có đốm đen ở chân, một con lông vàng ươm thạch sùng bám bụng. Cu Tửng dành phần chơi với hai con chó cũng như anh ta đã từng dành phần chơi với Bố. Trong gia đình cu Tửng nay ốm mai yếu cho nên anh em đều phải nhường nhịn cu ta. Nghe tiếng máy xe Bố về có ai chạy ra trước thì cũng hãy đứng chờ đó để anh ta ra mở cổng, vào trong nhà Bố phải ngồi lên chiếc ghế dựa duỗi chân ra cho cu ta cởi giày vớ cất đi, lấy đôi dép xỏ vào chân bố, lỡ có đứa nào tranh cái phần hầu hạ ấy thì cũng phải trả lại chỗ cũ để cho êm cửa êm nhà. Ông Bố có dịp ngồi cười hưởng thụ, bà mẹ lại có dịp than “đến khổ”. Khổ cũng phải chịu, bởi vì nó ốm yếu tội nghiệp nhất nhà. Chó với người quấn quít nhau, anh ta đi học về cất sách vở xong là chơi với chó. Tối đòi cho chó chui vào chăn ngủ chung, bố phải giải quyết bằng cách lấy một cái thùng giấy lót khăn bông đặt dưới giường cu ta làm chỗ cho hai con chó ngủ, giống như giường tầng, người trên chó dưới, nhưng vẫn có những đêm bắt gặp chó với người ngủ chung trong chăn. Anh ta còn có trò chơi đánh răng cho chó, cũng chẳng hiểu nó tập cách nào mà cả hai con chó con đều ngoan ngoãn ngồi ngửa mặt nhe răng cho cu Tửng đánh răng cho. Cả nhà cười ngất. Em gái lớn chê thằng anh bẩn dùng chung bàn chải răng với chó, cu ta nói “Kệ tao nghe mày!” Em gái bé sửa “Anh em không được mày tao. Bố biểu thế.” Cu ta vẫn cãi “Em không được cãi anh nghe mày.” Có thêm hai con cún mỗi chiều cuộc tiếp đón Bố lại thêm đông vui, Tửng chạy ra cổng reo “Bố về”, hai con chó theo sau kêu “áu áu”, bà mẹ đứng trong bếp nhìn ra than “Nhức cả đầu”. Ấy thế mà phải chia ly.

Sau 17 năm lay lất qua các trại tù binh, trở về Sài Gòn thì căn nhà xưa không còn là của mình và dĩ nhiên hai con chó con au áu thuở đó cũng không còn nữa.

Những ngày chờ có chuyến bay xuất cảnh đoàn tụ với vợ con, ông lang thang phố chợ, mỗi khi ngang qua một tiệm bán thịt chó ông thường nhìn chăm chăm những con cầy thui treo dưới móc sắt như kiếm tìm một dáng quen quen, mặc dù ông biết rằng chúng chẳng thể còn tồn tại trên cõi đời này. Hồi xưa khi tới thăm trường huấn luyện quân khuyển của lục quân Mỹ trên đảo Okinawa, ông có được nghe thuyết trình rằng con chó “thọ” nhất chỉ không đầy mười hai tuổi. Thế mà thời cuộc Miền Nam nhố nhăng đã hơn mười bảy năm, lại thêm cao trào của món ăn thịt cầy được Miền Bắc chiếu cố vào càng thêm phát triển mạnh thì đời sống của loài gia cầm này khó mà trường thọ. Nhìn những quán ăn có tấm bảng hiệu “Đặc Biệt Bún Chó” hoặc “Chuyên Trị Xáo Chó”, trong khu nhà cán bộ thuộc Sở Chỉ Huy Quân Khu 7, có những con “chó leo dây” nhe hàm răng trắng ởn sủa đời, ông bâng khuâng nghĩ tới những khẩu hiệu chiến lược thời chiến tranh cộng sản xâm lấn Miền Nam như “Công Kích Kết Hợp Khởi Nghĩa Từng Phần – tiến tới – Tổng Công Kích Kết Hợp Tổng Khởi Nghĩa Toàn Phần”, hoặc là “Tiến Công Nổi Dậy – Nổi Dậy Tiến Công”, khẩu khí nào cũng rất là vang dội. Cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến những kẻ lẻo mép thớ lợ thủ lợi, anh nào ngây ngô chính nghĩa thì chỉ có bị bán đứng. Nhưng ở cả hai phía, thì tất cả những ai nghiêm chỉnh tuân lệnh đều bị thiệt thòi như nhau. Và hình như, bao giờ, ở đâu, cũng đều thế cả.

Năm sau sang Mỹ, thằng Tửng đã thành người lớn tên là Tony, công dân Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, bố con bắt tay nhau, hỏi có nhớ hai con chó con ngày xưa đòi bế theo cuộc di tản không, anh ta suy nghĩ hồi lâu rồi đành cười, lắc đầu, nói với Bố “ Sorry, con không nhớ ra nó như cái gì!” Ông nhà tôi nói với tôi “Bố thì không quên được những tiếng kêu au áu của hai con chó con và cũng còn nhớ mãi rằng mình đã chảy nước mắt.” Tôi nghĩ như thế ông có “khéo dư nước mắt không?”

Chưa hết, một lần vợ chồng già ngồi xem TV, đội banh nữ Mỹ thắng đoạt giải vô địch thế giới, những thiếu nữ khỏe mạnh tươi tắn sung sướng reo hò ôm lấy nhau khóc ròng trên sân cỏ, thì tôi thấy ông chồng già của tôi cũng lén lau nước mắt. Rõ “mít ướt”, tôi nghĩ thế nhưng không dám nói ra đành quay đi vờ không thấy. Phải chi có con cháu nội ở nhà lúc đó để nó đưa tissue cho ông nội.

Vẫn chưa hết, lại cũng một lần vợ chồng già ngồi coi TV, xem tường trình Papal thăm nước Mexico, khi tiễn đưa Người ở sân bay, ống kính truyền hình chiếu live những thanh niên thiếu nữ xứ Mễ khóc ròng ròng vẫy khăn từ biệt Papal lên phi cơ, tôi lại bắt gặp ông cụ cũng khóc theo những tín đồ Thiên Chúa Giáo ấy. Không nhớ lúc đó tôi có lẩm bẩm hai tiếng “Đến khổ!” để vỗ về ông nhà tôi không.

Tôi hỏi:
– Thế ở nhà ông làm gì?

– Online, vào Internet đọc “Ken Starr Report”.

Tôi cười:
– Ghê nhỉ? Ông thấy thế nào?

– Kinh khủng.

– Như?

– Tả chân đến thế là tận cùng. Các tay viết “dâm thư” chuyên nghiệp từ nay giải nghệ thôi, xin chừa thôi. Ông công tố viết, quốc hội chính thức phổ biến, công khai tất cả. Không còn gì. Không còn gì để mô tả thêm nữa. Không còn gì nữa để “luân lý giáo khoa thư lớp đồng ấu”!

– Ai biểu bố đọc làm chi?

– Đọc để hiểu biết về lịch sử nước Mỹ.

– Thế còn ông tổng thống?

– Người đàn ông đó không đi kể chuyện người con gái mà anh ta đã dan díu. Trên đời này ít anh đàn ông nào giữ được cái miệng ưa khoe khoang, tô vẽ, có khi còn biạ đặt thêm vào những tình tiết ly kỳ của những mối tình vụn vặt. Ít ra người tổng thống này cũng đã đáng mặt đàn ông. Có khi người đời rồi ra sẽ phải chế tạo một chủ nghĩa mới mang tên ông ta. Chủ nghĩa của những người “Ai cho thì xài, không khoe khoang để giữ gìn cho kẻ tặng.”

– Bố có vẻ bênh kẻ ngoại tình ngậm miệng ăn tiền.

– Bà ấy tha thứ rồi, vẫn bằng lòng làm kẻ đứng bên cạnh cuộc đời. Má dịch sang tiếng Mỹ câu thành ngữ “ngậm miệng ăn tiền” giùm Bố.

– Chịu.

Ông nhà tôi nói:
– Má thấy chưa, Ta có những câu những chữ không nước nào dịch được.

– Nước nào chẳng có những cái mà nước khác không có. Hỏi trên thế gian này có nước nào có ông tổng thống, ông quốc hội, ông toà… như nước Mỹ đang có. Bố thấy chưa?

Ông nhà tôi ngồi thừ ra, lát sau nói:
– Má đừng khủng bố. Bố sợ.

Ghê thật, sau khi bị cộng sản nó giam cầm khủng bố, thoát được sang đây, hễ nói động tới là in như rằng kêu ầm lên “Bố sợ”!

Chiều hôm đó ông nội rủ tôi cùng đi đón con bé ở cổng trường. Trên đường về nhà, một tay ông xách túi học cho cháu, một tay ông ôm ngang lưng tôi dìu đi, hỏi tôi làm thế có “tình tứ” như tây với đầm không. Tôi chỉ con cháu gái đang tung tăng chạy nhảy phía trước bảo coi chừng con Mỹ con nó cười ông nội nó nhà quê bây giờ.

Ông nhà tôi bảo:
– Tội nghiệp con bé. Ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại, rồi bố mẹ nó đều là người Việt, sinh ra nó cũng là người Việt, nhưng ở đây dù ăn mặc đi đứng sinh sống cách nào thì nó vẫn mũi tẹt da vàng không giống người bản xứ, bây giờ có trở về Việt Nam nó lại không biết đọc biết viết chữ quốc ngữ như những người đồng hương xung quanh. Hoá cho nên thế hệ thứ ba đâm ra là những kẻ “non xanh nước biếc song không có lấy một chốn gọi là quê hương”!

Tôi nói ông nhà tôi:
– Lại bị khủng bố nữa rồi.


*

Đã lười không chịu đi học, lại càng lười không chịu đi làm một cách thực tế. Tôi bắt ông cụ phải bỏ cái nghề nhặt ve chai rong chơi và cái nghề cắt cỏ bêu riếu xong thì ở nhà lại xâm nhập vào hệ thống Internet, suốt ngày ngồi trong phòng với cái computer, mò mẫm theo các mạch điện tử khiến các con tôi phải kêu lên “Má coi chừng bố mình lạc đường vào hư vô sẽ mụ người đi”. Tôi còn sợ ông ấy bắt kịp sao chổi trên thiên hà. Cuối cùng thì hội đồng gia đình, tôi và các con tôi, giao ông cụ cho anh chàng Tony quản lý. Tony nhận ngay:
– Dễ thôi. Để tôi đưa Bố đi làm giám đốc Công Ty Rửa Xe của tôi.

Từ đó anh ta bắt bố mỗi ngày phải đi theo anh ta đến hãng rửa xe. Từ sáng sớm tinh sương đến tối mịt mới về. Tuần lễ sáu ngày. Tôi thở phào nói với các con tôi:
– Thoát nợ. Má thoát nợ.

Nhưng ông cụ lại có vẻ thích thú, thường hay khoe khoang với các bác các chú trong họ:
– Đầu tắt mặt tối. Ngày mười giờ liên tục. Không nghỉ trưa.

Bị hỏi:
– Làm cái “thống chế” gì mà “đầu tắt mặt tối”?

Bèn trả lời:
– Nó chỉ bắt làm mỗi một việc là “Bố… không được làm cái gì cả!”

Mọi người thở hắt ra:
– Tưởng gì chứ thế thì còn nói “con khỉ” gì nữa.

Bà lão bình luận:
– Chẳng qua các con tôi chúng lãnh “của nợ” thay cho tôi.

Ông nhà tôi hăng hái:
– Tôi đâu có muốn ở không. Tôi là người “yêu lao động”, hóa cho nên cứ phải lén chúng nó mà làm, khi nào vắng thằng chủ là tôi nhào vô lau xe với những người thợ Mễ, họ khoái grandpa lắm.

Bà lão lại phải làm cho rõ:
– Đụng đâu hư đó cho nên thằng con nó sợ, nó nói Bố đi tới đi lui kiểm soát là tốt rồi, Bố là chủ.

Một bác nói:
– Làm chủ thì không có lương, làm thợ mới được lãnh lương.

Ông nhà tôi phản ứng:
– Tôi đâu có đòi lương. Free.

– Thế chúng nó… cứ trả lương bao nhiêu?

– Thằng chủ nó bảo “Bố phải lấy”, tôi bèn ra giá “5 đồng”, thằng chủ lại nói “Không được, phải theo đúng luật lao động Mỹ, 5. 75 đồng/giờ là mức lương tối thiểu, nhưng phải làm đúng công việc mình nghĩa là Bố không được làm cái gì cả”. Mẹ nó can dự vào: “Ông chỉ đáng 1 đồng/giờ như mấy bác đồng cảnh với ông đi cắt chỉ khoán ở các shop may.”

Ông lão thở dài:
– Thấy là “đầu tắt mặt tối chưa”?

Ông nhà tôi tìm ra một tiệm cơm gần sở làm, giá rất rẻ, một tô cơm to go chỉ có 2.59, ông lão khoái lắm, trưa nào cũng sang mua hai tô mang về, bố một tô, con một tô, nhưng anh con trai sang Mỹ từ hồi nhỏ nên ăn đồ Mỹ quen rồi, lâu lâu bắt nó ăn tô cơm với rau xào thì được, nếu ngày nào Bố cũng săn sóc “thằng chủ” ngắc ngư nuốt không vô, nhưng vì thương Bố không dám nói. Bố thì luôn luôn suýt soa:
– Tiết kiệm, tiết kiệm thế này tốt lắm, ở ngoài Bắc đói “rã họng” không có khoai sắn mà ăn.

Ông còn khoe với cô bán cơm:
– Từ hôm tìm ra tiệm ăn này bác mới không bị đói, nhờ cô biết nói tiếng ta, trước có tiền nhưng không nói được tiếng tây nên nhịn đói hoài à. Bác làm nhiều tiền lắm…

– Bác làm lương bao nhiêu?

– Mỗi ngày bác làm được 10 đồng.

– Những mười đồng/ngày cơ à, nhiều thế?

Ông cụ hào hứng:
– Hai tô cơm 5.18 còn dư ra hơn 4 đồng, tha hồ để dành.

Cô gái hỏi:
– Bác mua làm gì những hai tô?

– Bác gái một tô.

– Sao bác không lấy hai món thức ăn khác nhau để hai bác gắp qua gắp lại cho nhau đổi món?

Ông lão nổ:
– Bị bác gái hay giành ăn cho nên mua hai tô giống nhau là hết lựa!

Cô hàng cơm phì cười:
– Cháu thấy hai bác hạnh phúc lắm.

Ông nhà tôi gật đầu, nhanh nhẩu:
– Hạnh phước, vâng, rất hạnh phước!

Rồi ông hỏi:
– Cô có thấy là từ hôm tôi tìm được tiệm cơm này tôi béo ra… trông thấy không?

Ông cụ kể chuyện cho tôi nghe, tôi có cảm tưởng trước sau gì rồi “thằng chủ” nó cũng phải… đuổi “ông thợ” này thôi, bởi con tôi gầy tọp đi… trông thấy.


*

Đầu tắt mặt tối. Đánh đông dẹp bắc. Đầu tiên là dùng máy hút bụi, cầm cái vòi miệng dẹp như miệng cá trê hút hết rác rưởi bụi bặm trong xe xong thì đến cửa ngõ rửa bánh xe, mỗi thợ một bên, xịt hóa chất, dùng bàn chải chải khắp lượt, rồi xịt nước cực mạnh, tất cả phải nhanh như chớp. Xe chui qua cổng phun nước rửa và xà phòng. Rồi anh chỉ có nửa phút để lau chùi cho xong một nửa bên xe nếu không chiếc xe sẽ chui qua cổng phun dầu bóng. Chỗ này gay go nhất. Bắn chậm là chết. Hai tay hai miếng búi chùi ướt đẫm xà phòng quơ khắp lượt chiếc xe từ đầu đến cuối, từ trên xuống dưới, không để sót một chỗ nào. Chỗ nào không quơ tới là “địch” nó núp ở chỗ đó. Phía bên kia anh chàng thợ gốc Mễ trẻ tuổi mỉm cười với ông lão. Có lẽ chỉ khoảng mười tám, hai mươi. Hai tay nó vẫn quơ đều nhuần nhuyễn. Anh ta không biết nói tiếng Anh. Ông lão thì không nói được tiếng Spanish. Ông cháu chỉ ra dấu với nhau. Một lần thấy ông mặc chiếc T shirt có in hình bãi biển, anh ta chỉ vào mình rồi chỉ vào chữ Cancun trên ngực áo ông, cười, ông hiểu ngay rằng anh ta muốn nói quê anh ta ở vùng đó bên xứ Mexico. Miệng cười là cách ra dấu tuyệt vời nhất. Khi ăn Pizza hoặc Burritos với nhau cũng như những lúc mỗi người mỗi bên rửa xe thế này. Giới trẻ chúng làm việc gì cũng nhanh nhẹn và tốt đẹp. Người già thì bao giờ chẳng chậm chạp, lóng ngóng. Bà lão ở nhà lại còn phê là “đụng đâu hỏng đó”. “Không đáng tin cậy”. Gặp phải chiếc xe to tổ bố do đế quốc Mỹ sản xuất thì cả ông lẫn cháu đều kiễng chân với tay sang cũng không tới nhau, không giáp mí.


*              
          
Hai đơn vị hành quân chưa bắt tay nhau là chiến trường chưa bao vùng, chưa khắp lượt, chưa càn quét hết, chưa trải thảm xong. Lãnh thổ hãy còn xôi đậu, còn da beo. Tài liệu của Cục R nó chỉ ra cho cán bộ cơ sở hạ tầng phải lợi dụng những “lõm” ấy mà tránh né đụng độ, kiếm những chỗ bỏ trống đó mà núp. Ông già yếu sức với không tới, cháu trẻ ham vui chơi lơ là bỏ sót, thế là Việt Cộng nó “nín thở, nó núp kỹ, nó thoát vòng vây, nó tránh né, nó không bị tóm”, mình rút đi rồi “nó lại chui lên, nó lại bò ra, nó lại lẻo mép, nó lại múa may”. Lung Ngọc Hoàng ở xã Hương Mỹ, giáp mí Cần Thơ – Chương Thiện cách không xa Vị Thanh Hỏa Lựu, là một vùng sình lầy quanh năm ngập nước, lác đác đây đó vài gò đất nổi, cây cối um tùm, hành quân vào vất vả, thắng lợi chẳng bù lại tổn thất, miền đất khó “nhá”, bèn khoanh vùng làm nơi oanh kích tự do, pháo binh muốn thử súng thì đì đùng vài quả, phi cơ xong nhiệm vụ oanh kích lỡ còn dư bom tạt ngang vào thả xuống muốn trúng đâu thì trúng, nhưng bom đạn viện trợ của đâu mà vung vãi nhiều, hóa cho nên vùng oanh kích tự do thành nơi an toàn cho Việt Cộng. Thậm chí còn là nơi cho cậu thượng uý em trai cô Nga, vợ nhỏ của anh Bí Thư Thứ Nhất Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng, trốn tránh trong đó một thời gian để khỏi bị Trung Ương Cục Miền Nam kỷ luật về tội du đãng và đào ngũ. Miền giáp ranh bị bỏ sót trở thành khu an toàn, quốc gia chẳng buồn vô, mặt trận bèn dùng làm chỗ núp. Tôm, cua, cá, ếch, ba ba, rùa, rắn, cóc, nhái, chim muông, dã thú… tự do sinh sản, thoải mái sống trong những vũng hố bom hố đạn, chờ coi có đồng chí nào đến bắt làm món mưu sinh. Một hồi chánh viên kể lại rằng thuở còn làm Xứ Ủy Nam Bộ, vợ con ở ngoài Bắc xa xôi, nên đồng chí Bí Thư cặp với cô Nga cán bộ cho ấm lòng nhau trong hoàn cảnh cùng làm cách mạng. Thuở ấy hai kẻ yêu nhau cũng thường rút vô “Lung” nghỉ ngơi mỗi khi bị chính quyền Miền Nam bố ráp săn đuổi. Nằm chung trong chiếc “nóp” trên gò đất nổi giữa vùng hoang dã xôi đậu da beo, hai kẻ yêu nhau bàn chuyện sách lược đấu tranh. Những ý tưởng nảy sinh trong cơn giao hoan rừng rú ấy sau này còn được dùng làm cơ sở lý luận soạn thảo bản Báo Cáo Chính Trị đọc trước Đại Hội 3 họp tháng 9 năm 1960 tại Trường Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội. Người hồi chánh kể rằng khẩu hiệu “Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Miền Bắc, Chiếu Cố Miền Nam” nêu trong bản báo cáo biết đâu đã chẳng thai nghén từ cái lúc Cô Nga trẻ trung xinh đẹp và anh Xứ Ủy dày dạn sương gió, cùng nhau làm việc trong cái “nóp” chật chội, kẻ trước người sau, em trên anh dưới. Sau này khi ra Hà Nội thì đàn bà ai mà chẳng ghen, cho nên bà hai phải đi Liên Sô ở cho yên chuyện nhà bếp và được việc nhà nước. Nhưng cũng chỉ vì mấy chữ “Chiếu Cố Miền Nam” mà chiến tranh tương tàn diễn ra trên đất nước khiến hàng triệu thanh niên Miền Bắc bỏ mạng sa trường và Miền Nam thì khốn khổ cho đến ngày nay chưa hết.  


*

Ông cháu lau chùi mui xe, hai kẻ từ hai miền đất xa nhau vạn dặm tình cờ gặp nhau nơi đây mỗi người mỗi bên, mỗi người mỗi vị trí, mỗi người mỗi phần vụ, mỗi người mỗi tiểu khu, mỗi người mỗi cánh quân… và nhìn nhau trao đổi những liên lạc truyền tin bằng những dấu hiệu quốc tế, những miệng cười mỗi người mỗi vẻ, mỗi nỗi niềm ưu tư, cháu chỉ kiếm tiền, ông muốn phiêu lưu hay chạy trốn. Họ từ trong những cái “lung” ấy mò ra, họ từ trong những cái “nóp” ấy mưu đồ, còn các cánh quân thì cứ bỏ sót…ông cứ bỏ sót cho nên bây giờ ông đứng đây với cháu, ông “chơi” một cánh quân trận giả với cháu, rồi ông cũng lại bỏ sót, cháu bỏ sót thì hiểu được vì cháu ham chơi, ông bỏ sót bây giờ là tại ông già nhưng ngày xưa trẻ ông bỏ sót cũng vì ông ham chơi, còn họ thì họ mưu đồ được ăn cả thua cũng chẳng có gì để mất. Họ nói họ chỉ có cái “lai quần” cũng vẫn đánh.

Cái thằng em nó “chiếu cố” ông, nó muốn lấy hết gia tài ông không cho nó, giá ông chịu nhịn cho nó hết rồi ông dắt díu vợ con đi ăn mày thì đã không có chiến tranh. Nó chủ trương đấu tranh giai cấp có nghĩa là nó muốn hạ người ta xuống để nó trèo lên. Nó chủ trương ai thắng ai có nghĩa là nó nhất định thắng và ông bắt buộc nhất định phải thua. Như thế là nó chủ chiến, nếu ông yêu hòa bình thì ông phải nhường cho nó tất cả tiền bạc, nhà cửa, vườn ruộng, vợ con... Ông không nhường nhịn mà cứ khư khư ôm lấy là ông không có thiện chí hòa bình, tức là ông muốn chiến tranh, thì nó phải đánh ông thôi. Trong các cuộc cách mạng thế nào cũng phải có một đứa phải thua, phải có một đứa chịu làm kẻ phản cách mạng cho đứa kia thành công, lại là “cách mạng đấu tranh giai cấp” kiểu thằng em ông thì nhất định là nó phải giành cho bằng được. Cách mạng là giành ăn!

Ông không chịu nhịn thua cho nó chiếm hết để ông đi ăn mày, lại còn nhờ hàng xóm láng giềng vào giúp, thế là nó cào mặt xé váy lăn đùng ra kêu làng kêu nước rằng nó bị ông ăn hiếp. Thằng em nó đòi chia gia tài, chính nó đòi chia gia tài, được phần rồi nó lại nói tại sao chia mà không để ở chung, nó vào nó đòi ở chung với ông, nó đòi cái phần của ông, ông không nhường nhịn lại còn kêu hàng xóm vào hùa với ông đánh lại nó. Nó tham nhưng ông cũng có cái lỗi là không nhường nhịn, ông có cái lỗi là không chịu bỏ hết để đi ăn mày, thì phải đánh nhau thôi. Nó hiếu chiến nhưng ông cũng không có thiện chí hòa bình. Nó cởi trần, mặc quần sà lỏn, ăn củ sắn, đi chân đất đánh ông, còn ông phải mang giày vào chân cho văn minh như Mỹ rồi mới tác chiến được. Mỗi chiếc giày 16 lỗ, hai chiếc là 32 lỗ, mang đôi giày vào chân xỏ dây đủ 32 lỗ xong buộc lại thì nó đã thu dọn chiến trường. Cho nên có nhà văn đùa rằng “thua là tại đôi giày”.

Cái thằng em nó chơi trò “tội tổ tông”, chiếm phần xong nó hạch tội dân Miền Bắc đủ điều, lục lọi lý lịch từ tổ tiên tam đại ra tra vấn cho đến tận cái chổi cùn rế rách. Đấu tố xong, vào trong Nam, nó hỏi tội từ trên xuống dưới từ dưới lên trên “Tất cả mọi người đều có tội với cách mạng. Văn Vĩ cũng có tội!” Tiếng đàn não nùng của nhà nhạc sĩ dân gian Văn Vĩ mà rất nhiều người ở Miền Nam đã từng được thưởng lãm qua các buổi trình tấu cổ nhạc của ông cũng bị chúng liệt vào hàng “có tội” vì chưng nhà nhạc sĩ mù này đã “ru ngủ” nhân dân! Nó kết tội hết, bắt mọi người phải nhận tội, kể cả bố nó cũng phải nhận tội, xong rồi mới bày trò tha. Được tha rồi thì phải làm sao? Kẻ có tội thì trong lòng ra sao? Kẻ có tội mà được tha thì trong lòng ra sao? Thế cho nên trước hết là phải bắt tội cái đã. Hành hạ cho nhừ tử ra rồi sẽ khoan hồng tha ra. Từ từ cho đến lúc xuống lỗ thì đã “đá nát vàng phai” Thằng em nó láu cá thế mà ông phải chịu. Nó chống “thực dân cũ” xong nó bày kế chống “thực dân kiểu mới”. Thực dân “cũ” vơ vét cả chổi cùn rế rách, “thuế thân” là lột cả cái khố của người dân. Thực dân “kiểu mới” khôn hơn chừa ra chổi cùn rế rách và khố, chỉ vơ vét tài nguyên quốc gia đem về chế biến thành hàng hóa mang sang bán lại cho dân bản xứ. Thế còn “đảng chỉ đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” nghĩa là nó giữ cả quyền lẫn của thì là thực dân kiểu gì? Cho nên nó đích thị là một thứ “Siêu thực dân”, còn ghê gớm hơn cả “cũ” lẫn “mới” cộng lại. Ôi, thằng em, phải chi ông nhường cho nó chỉ đạo và quản lý ngay từ đầu, ông chỉ nên làm chủ, thì có lẽ sẽ không xảy ra chiến tranh. Ông chịu khó đi ăn mày ngay từ lúc nó đòi “chiếu cố” thì đã không đến nỗi tan nát. Bởi vì tất cả đều có tội, ngoại trừ nó. Siêu!

Anh em ông đánh nhau thì nhất định là xấu hổ rồi, xấu hổ cả hai, nhưng thằng em ông nó láu cá, nó biết che dấu, cho nên kẻ xúi bẩy nó cũng biết núp, đưa dao cho nó chém ông cũng biết cách đưa lén; còn ông, bạn nó đưa cái gì thì cũng ôn ào vỡ chợ, hàng xóm láng giềng đến giúp thì như chửi thuê chém mướn, chẳng ra làm sao cả, thế là lại mang tiếng.

Các ông hàng xóm láng giềng mỗi người giúp mỗi kiểu. Có ông thiệt tình hết lòng hết sức như ông có con Canguru, đánh kiểu du kích chiến, đánh kiểu biệt kích, xuất quỉ nhập thần. Cũng phục kích cũng nằm vùng, cũng giả dạng thường dân, anh sao tôi vậy, anh đi đêm tôi cũng đi đêm, anh nằm lì chờ tôi cũng nằm lì chờ, anh chịu gian khổ tôi cũng chịu được gian khổ. Coi ai thắng ai. Quả nhiên cả một vùng lãnh thổ trách nhiệm ở Bà Rịa êm ru, những thằng em ông bị lực lượng Canguru tóm hoặc tháo chạy đi nơi khác hết. Nhưng chỉ được một vùng ấy, người ta giúp cho một khu làm mẫu thôi.  

Hoặc như ông Nhân Sâm đem mấy sư đoàn thiện chiến sang, đi đến đâu yên đến đó, bao nhiêu đơn vị cộng quân bị họ quét sạch, gặp “chốt” nào cũng nhổ hết. Nhưng đồng minh Mỹ trả chiến phí mệt nghỉ.

Các ông Thái, ông Phi thì tham dự cho phải phép thôi. Ông Thái đem mãng sà sang cho nó cắn cộng sản. Ông Phi đem chuyên viên truyền tin và bác sĩ, y tá sang làm dân sự vụ, để cho dưới ngọn cờ quốc tế quân viện có đông đông nước một chút. Riêng ông Đài Loan vì đảo nhỏ, người không đông lắm, nên chỉ hiến kế. Dùng “tam dân chủ nghĩa” chống lại “cộng sản chủ nghĩa”. Về chiến lược thì dùng “lục đại chiến” chống lại “ba mũi giáp công”. Họ mang cẩm nang “chính trị tác chiến” sang huấn luyện cho quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa. Theo cuốn sách nếu vận dụng tốt sáu cái chiến: tâm lý chiến, tình báo chiến, du kích chiến, tổ chức chiến, mưu lược chiến và quần chúng chiến thì có thể thắng luôn được Trung Cộng, “quang phục đại lục” dễ dàng. Nghe đồng minh thuyết trình coi có vẻ ngon ăn, phe ta có nhà lập thuyết cũng hăng lên khoe:
– Nước chúng tôi cũng đã từng có “Quốc Sách Ấp Chiến Lược” với kế “tam túc-tam giác”. Mỗi ấp là một đơn vị hành chánh độc lập, tự túc về an ninh: được huấn luyện và cấp phát vũ khí lo phòng vệ giữ ấp, tự túc về tài chánh: ngân sách do dân trong ấp đóng góp, tự túc về hành chánh: gọi là tự quản.

Về chiến thuật chống cộng sản thì áp dụng du kích chiến, tình báo chiến và tâm lý chiến. Mỗi ấp còn có một “hương ước” riêng giống như là “hiến pháp” do các vị kỳ hào đại biểu soạn thảo ra tôn trọng các phong tục tập quán địa phương. Trị an cứ theo lệ làng mà áp dụng giống như dân chủ pháp trị. “Quốc sách” suýt nữa biến thành “quốc tế sách” với kế “tam tam giác” làm mẫu mực cho nhiều nước noi theo nếu không có biến cố…

Trong thảo luận các lý thuyết gia chiến tranh có đưa ra một viễn tượng chỉ cần “bẻ” đi một “chân” của phương châm “hai chân”, làm gẫy một “mũi” của cái kiềng “ba mũi” là lập tức “phương châm chiến lược hai chân ba mũi”… cùi luôn. Cộng sản sẽ tan rã lập tức. Các nhà nghiên cứu chiến lược ở trung ương tại Sài Gòn hì hục đề ra những phương pháp và kế hoạch vô hiệu hóa âm mưu địch.

Một kế gọi là “tam giác chiến” đã được nói tới. “Cộng sản biết làm chiến tranh thì ta cũng biết cách chấm dứt chiến tranh!” Nhưng các ông chưa tìm ra cách chấm dứt chiến tranh thì bạn đồng minh Mỹ đã cùng với cộng sản chấm dứt bằng cái hiệp định ngưng bắn ở bên Tây. Các bạn đồng minh rút về nước của họ, ông bạn Đài Loan vẫn còn cay nên ở lại dưới danh nghĩa Phái Bộ Canh Nông đem sang giúp những giống ngô bắp lớn, giống khoai củ to, ý là “dân giàu nước mạnh” tất thắng “bọn cộng sản bần cùng hoá nhân dân”. Sau năm 1975, cộng sản chiếm sạch cả nước, các bạn đồng minh lần lượt lân la chơi với kẻ thù cũ, quên cả “nghĩa nhà binh tình nhà thổ”. Mà chơi thân nhất đem tiền vô làm ăn nhiều nhất với cộng sản lại là những ông Đại Hàn, Đài Loan, Mỹ…Nước Canguru còn gửi cả một đại tá sang giúp thằng em ông hiện đại hóa quân đội.

Các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà thì đi làm “tù binh vô thừa nhận”, xong trở thành các bác già lưu vong “vô tổ quốc” lang thang khắp thế giới.

Đồng minh Mỹ còn mời thằng em ông sang nhà chơi, ông mà biểu tình chống cộng thì cảnh sát họ quật ngã rồi còng tay ông đem “bỏ bót”.


*

Chiếc xe chui qua các cổng xịt dầu bóng rainbow wax, cổng hot wax, cổng nước phun từ dưới lên gầm xe, cổng phun nước từ trên xuống mui xe và cuối cùng là cổng phun hơi làm khô toàn bộ chiếc xe từ đầu đến cuối. Đến đây hai ông cháu sẽ sử dụng vòi xịt hơi để xịt đi hết những giọt nước đọng trong các khe của chiếc xe nhất là trong hai chiếc gương chiếu hậu và những chiếc đèn pha. Sau đó lái xe ra bãi đậu lau khô và lau kính. Anh thợ trẻ tuổi người Mễ chuyên nghiệp nên làm ăn ngon lành, những chiếc khăn màu sắc khác nhau gấp tư trên tay anh ta thoăn thoắt lướt qua từng vùng chiến thuật, anh ta chỉ hất nhẹ một cái là chiếc khăn trở mặt ngay trong khi ông lão thì lóng ngóng có khi còn làm rớt cả chiếc khăn xuống đất. Đã vậy lại còn phải trông chừng thằng chủ nó về bắt gặp ông không làm đúng chỗ đúng việc. Nhiều khi nhờ anh thợ trẻ nó tinh mắt thấy xe chủ, bèn nháy mắt ra dấu, thông tin cho nhau, ông lão vội buông khăn lau, chắp tay sau lưng vờ như đang “lao động kiểu chỉ trỏ”. Cái kiểu “lao động chỉ trỏ “ này ông học được trong các “trường” lao động cải tạo ở Miền Bắc xã hội chủ nghĩa khi đi tù ngoài ấy. Cái “khâu” chỉ trỏ này rất quan trọng vì nó có tính cách chỉ đạo, nó có tính cách hướng dẫn, nó có tính cách tham mưu, nó trí tuệ, nó chất xám, nó có tính đảng, nó làm nòng cốt của mọi thắng lợi. Chả thế mà ca dao mới có câu “Công làm là công bỏ, công chỉ trỏ là công ăn”. Ông lão đi tù về bèn đem ứng dụng những sáng tạo tài tình đó của các cán bộ đảng và nhà nước cộng sản vào trong công việc này khi cần. Anh thợ trẻ thấy bố già biết sợ chủ thì cũng khoái lắm, hai người lại… “cười” với nhau. Những anh thợ trẻ này còn sợ bị vạ lây “Bao nhiêu là thợ sao không làm để Bố tôi phải nhúng tay vào? “Ai biểu cụ làm hồi nào, ấy là do cụ tự ý giành việc của người khác chứ ai bắt buộc được cụ. Có cụ dính vào chỉ thêm “loạn cờ”, cụ lau rồi có khi chúng tôi phải lau lại, cụ làm theo cái kiểu tự giác xã hội chủ nghĩa, bôi bác, qua loa, lắm chỗ còn bẩn nguyên, khách hàng người ta cự nự cho. Chúng tôi là thợ chuyên nghiệp làm việc ăn tiền, đồng tiền đáng giá, “đáng đồng tiền bát gạo”, chứ đâu làm theo kiểu cách mạng như cụ làm. Chúng tôi đang làm có cụ đến bên chỉ tổ vướng chân vướng tay, mà nói cụ thì không dám vì cụ là... bố của chủ, cụ là cấp “chỉ trỏ”. Khổ lắm! Chúng tôi nghe nói ở cái nơi mà cụ mới rời bỏ ra đi, người ta cũng thường không chịu về vườn, người ta cứ yêu nghề mãi mãi. Già khú đế đi không vững mà vẫn ở lại làm cố vấn. Tổng bí thư rồi còn đặt thêm ban cố vấn cho vài ba ông già đẹp mặt. Một thủ tướng với năm bảy anh phó thủ tướng. Một bộ trưởng với cả chục anh thứ trưởng. Một cục trưởng với cả 108 anh cục phó... Chật cả chỗ và tốn ngân sách. Đông. Vui. Hao.


*

Một bà khách Mỹ gốc Việt rất đẹp và rất sang, cô con gái cũng rất đẹp và rất xinh, chiếc xe hơi cũng rất đẹp và rất mới... đứng xem hai nguời lau chùi xe, nói nhỏ với nhau:
– Nhìn hai bố con ông Mễ già lam lũ vất vả, lát nữa xong xe cho mỗi người một đồng “tip” kẻo tội nghiệp!

Ngôn ngữ khác nhau cho nên nghe mà không hiểu, không cảm động, vẫn cứ lầm lũi làm việc. Chuyện kể cho Kiều Chinh nghe, bà diễn viên điện ảnh nổi tiếng này bèn nói:
– Như thế là ông cụ đó đã thành công.

Có lẽ nhà chuyên môn muốn nói diễn xuất nhập vai. Nhưng chuyện kể cho bà lão ở nhà nghe thì bà trách:
– Lại bêu riếu. Từ ngày mai, đi làm, Bố phải mặc đồ vest.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/08/thao-truong-trong-bep.html?utm_source=BP_recent
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001