Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

‘Tôi không chủ trương làm để tạo dấu ấn’

"Thực sự tôi không nghĩ rằng, mình làm điều gì với mục đích tạo dấu ấn, để đánh bóng mình', tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp báo ra mắt sáng nay.

Trong 30 phút, hơn 10 câu hỏi của 6 nhà báo trong nước và quốc tế được đặt ra cho tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không có văn bản chuẩn bị sẵn, tân Tổng bí thư: "sẵn sàng trả lời trực tiếp mọi câu hỏi". Cùng tham gia trả lời với người đứng đầu Đảng có đại diện của Ngoại Giao, Ban tổ chức, Văn phòng TƯ Đảng.
- Với kinh nghiệm của Chủ tịch Quốc hội đã điều hành một nhiệm kỳ thành công, ông sẽ triển khai áp dụng chất vấn trong Đảng thế nào?
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hoạt động chất vấn là một trong những hình thức để đảm bảo dân chủ. Cho đến nhiệm kỳ đại hội X vừa rồi đã có chủ trương chất vấn trong các Đại hội Trung ương. Mỗi kỳ họp của Trung ương ai có vấn đề gì cứ nêu. Nhưng vừa rồi, chất vấn trong Đảng còn hơi ít vì chất vấn trong Đảng khác với chất vấn trong Quốc hội.
Tại Quốc hội là bàn những vấn đề sâu rộng, hàng ngày, nóng bỏng, liên quan đến đời sống của nhân dân và nhiều nội dung của xã hội. Còn khi bàn tại Trung ương là bàn những quyết sách lớn, chủ trương chiến lược.
Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi họp báo
Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tôi không có mục đích đánh bóng cá nhân". Ảnh: Lê Hà.
Thật ra hỏi cũng khó, hiện nay chưa có chất vấn nhiều. Tôi tin rằng sắp tới theo sự phát triển chung cần phải có chất vấn. Vấn đề là chúng ta phải tạo môi trường thế nào để mọi người cùng dân chủ, trao đi đổi lại thẳng thắn. Tôi từng nói nhiều trước Quốc hội, chất vấn là để cùng hiểu nhau, tạo cho nhau trách nhiệm.

- Tổng bí thư quan tâm tạo dấu ấn của mình trong lĩnh vực nào?
- Thực sự, tôi làm cái gì không nghĩ với mục đích để tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng mình. Trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ là thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng, cứ làm cho tốt nghị quyết của Đảng là đã tốt rồi. Đương nhiên trong khi phát triển toàn diện, triển khai thực hiện toàn diện các văn kiện thì phải có trọng tâm. Vấn đề xây dựng Đảng đang được dư luận và nhân dân rất quan tâm. Một trong những bài học rút ra từ ngày có Đảng là xây dựng khối đoàn kết. Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết là vấn đề chiến lược.
Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới có nghĩa là không chỉ kinh tế mà tất cả vấn đề khác. Giờ không chỉ hội nhập kinh tế quốc tế nữa mà nói là tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Quan trọng là phấn đấu để từ nay đến năm 2015 có một số nền tảng để năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Có ba bước đột phá, trọng tâm trọng điểm là hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và thể chế. Đến giữa thế kỷ này, Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN và xa hơn nữa thì sẽ tính sau, bây giờ nói sớm thì sẽ không đủ căn cứ.
- Ông là nhà lý luận, là người tham gia soạn thảo Cương lĩnh 91. Đại hội biểu quyết vấn đề quan trọng nhất là công hữu về tư liệu sản xuất, ông nghĩ việc này sẽ tác động thế nào tới chính sách tới đây?
- Hôm qua có trao đổi tại hội trường, tôi đã trình bày. Quyền của đại hội, biểu quyết thế nào phải chấp hành. Đó là ý kiến của toàn Đảng phải nghiêm túc chấp hành, nhưng dù thế nào cũng không ảnh hưởng đến tính nhất quán của toàn Đảng, của Việt Nam.

- Một số đại biểu nói, quá trình chuẩn bị nhân sự công phu nhưng đại đa số người trúng cử là do Trung ương đề cử. Một số người được đề cử bổ sung cho rằng, họ không trúng vì cơ hội ít quá. Ông có thể nói điều gì để giải tỏa suy nghĩ này?- Nhân sự do Trung ương chuẩn bị là cả quá trình công phu. Các cơ quan tổ chức phải nghiên cứu, đề xuất, thẩm tra và đánh giá toàn diện. Ví dụ có những người được giới thiệu tại đại hội nhưng nhiều đại biểu còn chưa biết rõ quá trình công tác ra làm sao, thậm chí chưa biết mặt. Trong khi số khác là qua bao nhiêu vòng giới thiệu. Đó là lý do số trúng cử phần nhiều do Trung ương đề cử. Nhưng cũng có 7 trường hợp Trung ương giới thiệu nhưng Đại hội không bầu, không trúng cử mặc dù quá bán.
Điều này cho thấy việc bầu cử vừa qua không phải là dân chủ hình thức. Từng dự với tư cách đại biểu chính thức đã 5 khóa, nhưng chưa khóa nào tôi thấy giới thiệu nhiều như lần này.

- Trong thời gian vừa qua nhiều nhà phân tích cho thấy Việt Nam đã có chủ động, tức thời để ứng phó với thách thức kinh tế như là lạm phát cao, chính sách tiền tệ. Theo Tổng bí thư, chính phủ của VN thời gian tới sẽ có quyết sách gì?
- Phó Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Thạo: Đúng là năm vừa qua lạm phát cao, nợ nước ngoài còn lớn. Nhưng tất cả đều trong tầm kiểm soát. Ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới của chúng tôi là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, để tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng. Biện pháp lớn của chúng tôi là sẽ đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ hai là tiếp tục hoàn thiện thể chế.

- Báo cáo của Ủy ban kiểm tra nói chống tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Đảng sẽ có chủ trương và biện pháp gì để đẩy lùi tham nhũng?
- Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Đảng và Nhà nước luôn đặt ra mục tiêu chống tất cả việc tham nhũng và có biện pháp để đảm bảo mọi hành vi tham nhũng đều bị xử lý nghiêm minh. Đó cũng là chính sách trong thời gian tới.

- Có thông tin rằng, Việt Nam trấn áp các nhóm dân chủ. Như Tổng bí thư vừa nói, trong đại hội này, các ý kiến trao đổi rất thẳng thắn dân chủ. Vậy, Việt Nam sẽ có những quyết định gì để nâng cao chương trình nhân quyền ở VN?

- Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Vấn đề quyền con người là mục tiêu, động lực, chính sách của Đảng nhà nước Việt Nam. Nhà nước chúng tôi luôn đưa ra các chính sách đảm bảo để người dân được hưởng thụ quyền tốt nhất và mọi chính sách đó đã được đảm bảo để thực hiện đầy đủ trên thực tế; đồng thời Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với tất cả các nước liên quan đến quyền con người.
Liên quan đến quyền con người, cách tiếp cận của các quốc gia có sự khác biệt. Để giải quyết sự khác biệt đó, Chính phủ VN sẵn sàng đối thoại. Đó luôn là chính sách nhất quán của chúng tôi.
Hoàng Khuê ghi

VnExpress

P/s của Thùy Linh:

Bây giờ mới biết đến câu nói này nhưng có lẻ bình luận cũng chưa muộn.

Câu hỏi đặt ra là nếu câu nói này được nói ra trước khi bầu cử thì không biết các vị ở Trung ương Đảng có dám giao trọng trách cao nhất của một đất nước cho một người đã nói trước là không muốn tạo dấu ấn gì không?

Còn thực tế, ngài đã thực hiện đúng lời nói đó chưa, thưa ngài Tổng Bí thư?! 

Chẳng lẻ ngài không hiểu được một điều đơn giản là muốn không tạo bất kỳ dấu ấn cá nhân nào thì chỉ có thể làm một người bình thường hoặc chỉ sống cô lập trong rừng một mình thôi sao? Chẳng lẻ ngài không hiểu hết tất cả các nghĩa của cụm từ "tạo dấu ấn" sao? Ngay cả một người hiền lành, ít tiếp xúc, ít va chạm với ai cũng để lại "dấu ấn" cho người khác là "hiền như Bụt" cơ mà!

Và vì không hiểu nên thực tế là ngài đã không làm được:

- Ngài đã tạo dấu ấn ngay chính khi ngài buông lời nói câu "không tạo dấu ấn". Bởi đó là một câu hoàn toàn trái quy luật tự nhiên, bởi trên đời này chẳng ai giống ai, ai cũng có cái riêng, cái "dấu ấn" dù lớn hay nhỏ, dù tốt hay xấu của mình. Không thể tồn tại một người hoàn toàn không có dấu ấn, nhất là người đó lại đảm nhận một trọng trách to lớn, vận mệnh của một Đảng, một đất nước với gần cả trăm triệu người như cái cương vị Tổng Bí thư của ngài. Chẳng lẻ ngài cho rằng tất cả các ứng cử viên tổng thống của các cường quốc châu Âu là không tốt khi họ phải mất hàng tháng, hàng năm trời để vận động tranh cử, để quảng bá một chủ trương mới, hứa hẹn sẽ tạo ra một "dấu ấn", một kỳ tích mới thiên về một lĩnh vực nào đó sao?

- Hay là ngài hiểu rằng, ngài không đề cao cá nhân mà thông qua tập thể, chỉ đạo gián tiếp cho người khác làm, để rồi người dân không cần biết đến công trạng của ngài mà chỉ biết đến một tập thể hay một cá nhân nào khác? Trong trường hợp đó cũng là "dấu ấn", thưa ngài. Dấu ấn về đức khiêm nhường, về tài đoàn kết tập thể, về thực thi đúng nguyên tắc quản lý hàng dọc, ngài chỉ đạo cấp dưới làm chứ không trực tiếp nên không cần dân phải biết đến.

- Trường hợp ngược lại, nếu vì ngài quá ngại tạo dấu ấn nên ít xuất hiện, ít thể hiện quan điểm và tính quyết đoán của cá nhân... hay nghiêm trọng hơn là gần như không làm gì cả ngoài cái danh nghĩa "biểu tượng tinh thần" tiêu biểu của đạo đức trong sáng, tư tưởng liêm chính, chí công vô tư. Đó cũng lại là "dấu ấn", thậm chí là dấu ấn rất sâu sắc. Dấu ấn về một vị lãnh đạo cao cấp, một người đảm nhận trọng trách lớn mà chẳng làm được gì cả, chỉ biết hết thuyết giảng thì lại đến than thở khi để cho cấp dưới tung hoành, xã hội bất ổn; để đến mức "một bộ phận không nhỏ" bất đồng, bất bình gọi ngài là lý thuyết, là.....!

Có lẻ chỉ vậy thôi, sẽ là bất nhã thêm nếu càng nói chi tiết, mong ngài suy nghĩ lại để "tự phê" ngay trong đợt này.

Mà thật cũng lạ, các vị lãnh đạo cao cấp hiện thời sao lại có những câu nói trái quy luật gần giống nhau. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với câu "Vụ Vinashin tôi không ra quyết định nào sai". Là một người đứng đầu nhà nước về công tác điều hành mà Thủ tướng cũng không hiểu về một nguyên tắc tối thiểu nhất của quản trị hay sao mà lại có thể phát ngôn sai cơ bản như thế. Đã là cấp trên thì trong mọi trường hợp đều phải chịu trách nhiệm liên đới cái sai của cấp dưới, vì thế, cái quyết định sai lớn nhất, nghiêm trọng nhất của Thủ tướng chính là KHÔNG RA MỘT ĐIỀU ĐỊNH NÀO ĐÚNG VÀ KỊP THỜI để quản lý thật tốt, để ngăn chặn hay giảm thiểu cái sai của cấp dưới. Chấp nhận lý do vì chưa tìm được người thay thế nên kéo dài tình trạng lãnh đạo tồi kéo theo Vinashin suy sụp? Điều chấp nhận đó, nếu đúng thực chất như thế, chính là cái quyết định sai lớn nhất của Thủ tướng!

Còn hàng loạt vấn đề có thể trích dẫn và phân tích liên quan đến góc độ này nữa, nhưng thôi, cũng chỉ là nói cho đỡ bức xúc thôi mà, có được gì đâu ngoài cái sự mang tiếng, thậm chí còn là phạm tội "phạm thượng, khi quân"!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001