Đó là quãng thời tôi ở báo Công an Quảng Nam- Đà Nẵng (giờ là báo Công an Đà Nẵng).
Từ khi tòa soạn đóng ở 14 Ba Đình đến
khi chuyển về 62 Phan Chu Trinh, tôi là phóng viên đặc biệt khi được Ban
biên tập ưu tiên cho trú ngụ ngay tại tòa soạn. Chẳng giường chiếu gì,
tối đến cứ nằm ngay trên bàn hoặc lăn giữa sàn nhà. Hình như hơn 5 năm
như vậy. Ăn ngủ đấy, làm việc đấy. Giữa khuya hứng dậy lụi cụi ôm bàn
máy đánh chữ gõ lộc cộc đến sáng.
25 năm xây dựng và trưởng thành. Để có được
một thương hiệu, khuôn diện và vóc dáng như hôm nay là công lao của
nhiều thế hệ những người làm báo Công an. Tôi vinh hạnh được gắn với báo
trong chặng 8 năm đầu. Lớp như tôi giờ chuyển công tác nhiều, một số
anh chị đã hưu, còn lại ít trong số đó như Nguyễn Đức Nam giờ là Phó
Tổng biên tập.
Có lẽ, quãng thời sôi động và hồ hởi nhất
là 8 năm tôi ở báo Công an. 8 năm khởi nghiệp cho tôi sự nhiệt huyết,
năng nổ và tấm lòng sục sôi của người làm báo. Đó là những năm tháng cho
tôi cháy hết mình, hừng hực sục sôi. Đó là giai đoạn khởi đầu tạo đà
cho những quãng thời làm báo sau này của tôi. Nó giúp tôi vừa biết nuôi
lửa, lại lắng đọng, trầm tĩnh hơn trong những chặng đường sau này mãi
đến hôm nay.
Trong lớp lãnh đạo của Công an tỉnh khi đó,
tôi ấn tượng và thích ông Lê Thế Tiệm. Ông là vị giám đốc Công an biết
dựa và tin vào thế mạnh của đội quân cầm bút. Tôi vẫn còn giữ một tấm
ảnh cả ông và chúng tôi ai nấy đều cười hết cỡ, chung vui trong một cuộc
tiệc thân mật tại nhà ăn Công an tỉnh những năm tháng khởi đầu của báo.
Biết chúng tôi vất vả, có bận giữa khuya ông hứng khởi lôi tôi, anh Lê
Minh Hùng, Đỗ Cảnh Thìn và Hoàng Ngọc Phước ra chiêu đãi mỗi người một
chai bia và bát cháo gà ở cái quán nhỏ bên đường Nguyễn Thị Minh Khai,
gần sát tòa soạn 14 Ba Đình.
Những động thái đó như tiếp thêm sức, động viên những người làm báo chúng tôi vững vàng hơn.
8 năm trong chặng khởi đầu đầy gian khó và
thăng trầm. Có những lúc tưởng không trụ nổi. Có những bận gay cấn đến
mức cứ lo tòa soạn phải đóng cửa. Nhưng tờ báo đã vượt qua, vững vàng
không chỉ bởi nhiệt huyết, tài năng, sự cố gắng của những người cầm bút,
mà còn bởi sự quan tâm chí tình của những người đứng đầu như ông Tiệm,
và những thế hệ giám đốc sau này.
Tôi nhớ mãi khi chia tay tập thể cán bộ
phóng viên của báo tại tòa soạn 62 Phan Chu Trinh để ra Hà Nội theo lệnh
điều động của Bộ Công an, ông Tiệm đã nói một câu rất gan ruột: Báo
Công an không chỉ là tờ báo của các anh chị, mà là của cả lực lượng. Ai
đó, vì bất cứ điều gì để tờ báo sa sút hoặc không trụ vững thì người đó
có tội với lực lượng, với ngành!
Câu đó, không chỉ là lời nhắc đối với các
thế hệ lãnh đạo kế tục ông, mà còn là lời nhắn chân tình dành cho chính
những người làm báo Công an.
25 năm, một phần tư thế kỷ. Nghiệp làm báo
của tôi cũng đã qua ngần ấy năm. Tôi vui mừng khi thấy tờ báo phát
triển, vững vàng và khẳng định được trong thời buổi thông tin cạnh tranh
dữ dội và quyết liệt như bây giờ. Dù đã rời xa báo rất lâu, nhưng vẫn
luôn dõi theo và vui cùng những niềm vui phát triển của báo. Tôi coi đó
là niềm vui của chính mình, là tờ báo của mình.
Trước nhà tôi ở Duy Xuyên, Quảng Nam năm
1988 (từ trái qua: Hoàng Kim Dung, Trương Duy Nhất, Lê Minh Hùng, Việt
em tôi, Đỗ Cảnh Thìn, Nguyễn Chánh Tri, Đoàn Văn Quang, Nguyễn Ngọc Hải)
Từ trái qua: Phạm Hồng Pha (Phó TBT),
Hoàng Trà (TBT báo Quảng Nam- Đà Nẵng), Lê Thế Tiệm (giám đốc CA QN-ĐN).
Hàng đứng: Quang, Lê Minh Hùng, Hoàng Kim Dung, Trương Duy Nhất, Nguyễn
Ngọc Hải
————————-
- Bản đăng báo Công an Đà Nẵng
nguồn:http://truongduynhat.vn/tu-14-ba-dnh-den-62-phan-chu-trinh/
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001