Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

TRÀM CHIM – “HOA HẬU” VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI 

KHÁNH TRÂM
khanhtramchim
Hồi mới vô Nam, tôi đọc được cuốn “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” của học giả Nguyễn Hiến Lê. Đó là tập du ký và biên khảo dầy khoảng 150 trang.Tôi say mê đọc một mạch vì cách viết ký rất khoa học của ông. Cuốn sách không chỉ đọc để thư giãn mà nó cứ ám ảnh tôi bởi nhiều câu hỏi. Trước nữa, tôi cứ nghĩ Đồng Tháp Mười chắc ở xa, xa lắm và hoang vu lắm nhưng thực ra nó cũng khá gần Sài Gòn. Đó là 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp với diện tích 697.000 ha ( là vùng ngập nước của ĐBSCL) và còn kéo dài đến tỉnh Sveyrieng của campuchia về phía bắc. Đồng Tháp Mười hôm nay cũng rất khác xa ngày xưa. Thời kháng chiến chống Pháp, ông Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) thủ lĩnh nghĩa quân của thế kỷ 19, đóng quân ở Đồng Tháp Mười, hay những năm 30 của thế kỷ trước lúc người kỹ sư trẻ Nguyễn Hiến Lê đi kinh lý, ngày ấy vùng này hoang vu thật. Những trang ký của ông là đây: “Năm 1937, sau khi đi đo khắp các tỉnh ở Hậu Giang, tôi lại được đo ngay trong Đồng Tháp Mười. Nằm trong một chiếc ghe bầu, tôi đã lênh đênh trên khắp các kinh,rạch từ Hồng Ngự tới Thủ Thừa, từ Cái Thia lên Mộc Hóa; có khi đi bộ trọn một tuần giữa một vùng bát ngát toàn lau, sậy, bàng, năng, hai ba chục cây số không một nóc nhà, một bóng người”.
Gia đình KT và...
Gia đình KT và…
Ngày nay Đồng Tháp Mười đã được khai phá “triệt để” (đặc biệt là từ những năm 1980)nên diện mạo đã khác rất xa thời xưa, cái thời mà người Pháp gọi là “Đồng cỏ lát” (Plaine des joncs). Do vùng này có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khá đặc biệt nên khi chưa khai phá chủ yếu có các loại cây mọc được ở đây như tràm, cỏ năng, lát/lác, bàng và đưng (tên một loại cỏ, cao và dài cả mét). Lát và bàng dùng để dệt chiếu, đan/đươn đệm, đan nóp còn đưng và năng chỉ để lợp nhà (như rạ ở ngoài Bắc). Có lẽ thời xưa thiếu “nóp” thì làm sao mà sống được ở cái vùng “trên trời muỗi kêu như sáo thổi/dưới nước đỉa lội như bánh canh” nên chiếc “nóp” là vật dụng bất ly thân của người dân quê. Nó dài 2m, rộng 70 cm vừa làm màn/mùng vừa làm chăn/mền. Về động vật, mảnh đất này là giang sơn của các loài động vật hoang dại như: rắn, rùa, chuột, ếch, chim muông, cá sấu….Tài nguyên của Đồng Tháp Mười là những sân chim thiên nhiên, trong đó Tràm chim Tam Nông thuộc tỉnh Đồng Tháp là một “nàng hoa hậu”.
Năm nay được nghỉ lễ 30-4 và 1-5 dài ngày, tôi quyết định lên đường. Hành trình đi khá thuận lợi, theo hướng quốc lộ 62 từ Sài Gòn đến thị trấn Tân Thạnh (Long An) rồi đi tỉnh lộ 825. Đến địa phận Trường Xuân có bảng chỉ dẫn: rẽ phải đi chợ Trường Xuân, rẽ trái đi Gò Tháp, đi thẳng là đến Tam Nông. Từ đây cứ theo tỉnh lộ 844 là đến Tràm chim.
Miền tây Nam Bộ nổi tiếng là vùng văn minh sông nước. Mức độ chằng chịt của kênh rạch ở đây chỉ nhìn ở góc độ các cây cầu là biết ngay. Chặng đường từ Tân An đến thị trấn Tràm chim dài khoảng trên dưới 80 km nhưng có đến vài chục cây cầu:  Rạch Chanh, Bến Kê, Tân Thạnh, Tân Lập, Bằng Lăng, Nhà Thờ, Bùi mới, Bùi cũ… Ven các bờ kênh người dân trồng bạch đàn. Dưới chân cầu Bến Kê là cái chợ nhỏ, người ta đem bán khoai mỡ, thứ khoai này to, vỏ sần sùi nấu canh với xương ăn tuyệt ngon. Kế bên là những bó củi, lấy từ những cành bạch đàn, chúng được chặt đều đến nỗi trông xa cứ tưởng bó mía vì thấy đều chằn chặn. Vùng đất Long An này còn nhiều cỏ bàng, loại này hình ống trong rỗng ruột, người dân thu hoạch, đem phơi khô rồi dùng để  đan/đươn đệm.Thứ đệm này cho đến nay vẫn được ưa chuộng.
Tỉnh lộ 844 đã làm xong, đường khá tốt. Con đường đến Tràm chim, một cảnh thiên nhiên mênh mông với những “cánh đồng bất tận”. Những ruộng lúa xanh mơn mởn xen kẽ những thửa ruộng lúa đã chín vàng nhìn từ xa đã thích mắt. Cảnh ở đây không chỉ có lúa. Ngay sát đường lộ là những đầm sen lớn hoa màu hồng phấn (sen Đồng Tháp rất nổi tiếng) với hàng trăm, hàng ngàn bông đang khoa sắc. Không mấy khi tôi được chiêm ngưỡng cảnh đầm sen lớn như thế này với đầy đủ cảnh nụ, hoa, bông nở, bông tàn, bông to, bông bé…chưa kể hương sen cứ đong đưa khi tôi dừng lại chụp hình. Đang giấc trưa, gần 11 h mà vẫn có người lội đi hái đài sen (to gần bằng cái chén ăn cơm nhỏ), hái rồi chị buộc thành túm rồi bầy bán ngay bên đường. Phía bên trái nhìn dòng sông có đám lục bình trôi, tôi liên tưởng đến những câu thơ: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ nước xanh trong soi bóng những hàng tre” còn ở đây là những hàng bạch đàn, mùa này có bông vàng li ti, hương bạch đàn cũng thơm và là thức ăn của ong thiên nhiên. Đây là đoạn đường đẹp nhất của cuộc hành trình và chẳng bao lâu tôi đã đến thị trấn Tràm chim kết thúc chặng đường dài 125 km.
Hơn 3h chiều, chuyến tham quan ở Vườn Quốc gia (VQG) bắt đầu. Cái tên VQG Tràm chim có từ năm 1998, trước đó là Khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia (1994) hay Trung tâm bảo vệ sếu và môi trường thiên nhiên (1991). Từ 2003, VQG mở cửa cho tham quan du lịch. Đây là vùng lõi, Tràm chim không có vùng đệm, chỉ cách vài trăm mét là đã thấy nhà dân .Chương trình đi thăm khu rừng thiên nhiên nổi tiếng có sếu đầu đỏ và đang được bảo tồn này chia làm 5 tuyến. Đi bằng thuyền có hướng dẫn đi cùng. Tôi chọn tuyến số 3 dài 25 km. Hướng dẫn tên Nhật khá trẻ, bạn cho biết hành trình cả đi và về khoảng 2h. Chiếc thuyền máy chở được 12 người, đi 40 phút là đến đài quan sát chim. Đi trên con kênh mới đào từ năm 2003 đến 2006 dài 40 km. Ngồi trên thuyền tôi nhìn ra xung quanh và bắt đầu cảm nhận được chút ít hoang dã nơi đây. Nhật cho biết khu này nhiều cỏ năng, có củ to bằng ngón tay. Mùa khô cạn nước chim sếu về ăn loại củ này, năng ống sếu ít ăn vì củ sâu khó bới, nó ăn năng kim vì củ nhỏ và nông. Đến tháng 6 là mùa mưa rồi đến mùa nước nổi, sếu bay đi. Sếu là loại chim to, cao từ 1.55 đến 1.70m tính từ chân đến mỏ. Càng nghe tôi càng háo hức bởi từ trước đến giờ tôi chỉ xem ảnh chứ chưa một lần thấy loài sếu này trong thiên nhiên.
Khu vực dành cho 5 tuyến tham quan (có 6 đài quan sát) thuộc khu A 1. Đây là khu vực rộng nhất ( có diện tích 500 ha trong tổng số 7313 ha đất bảo tồn của ĐTM). Tôi nhìn thì thấy chủ yếu là cây tràm, ngoài ra có cả cà na, gáo, nhưng ít. Riêng lúa ma thì còn khoảng 1000ha mọc xen lẫn cỏ năng ở đây, trông xa cũng hơi khó phân biệt. Đoạn đường này ít gặp chim vì cách đây khoảng 200 m về phía tay mặt là khu dân cư ở nên chỉ thấy cò xanh bay. Thuyền chạy được 2,5 km là thấy đài quan sát đầu tiên. Chốt này thấy có 5-7 bảo vệ. Đây là ngã ba, rẽ trái vô trung tâm rừng. Lúc này trời âm u, chỉ sợ mưa. Nhật bảo: Đi sáng hay gặp chim nước, chiều gặp cò…Đây cũng là một gợi ý để tôi quyết định làm thêm một chuyến tham quan nữa vào sáng mai.
Người đẹp tràm chim...
Người đẹp tràm chim…
 Trên đường đi có nhiều thân tràm cháy đen nhưng vẫn không chết, thì ra đây là chứng tích còn lại của trận hỏa hoạn năm 2010, cháy lớn cả tuần liền nhưng cây tràm có vỏ dày, chỉ cháy bên ngoài thôi. Khi mùa mưa đến cây nẩy lộc đâm chồi trở lại. Có nhiều gốc tràm lớn (50-60 năm), còn trung bình là cây 20-25 năm do mới trồng sau này. Đi khá sâu bắt đầu gặp chim. Có đôi chim điên điển khá to, dân địa phương gọi là chim cổ rắn, có cả bìm bịp, diều trắng (thuộc họ diều hâu), trích cồ lông hơi xanh xanh. Mùa này là mùa sinh sản của trích cồ. Loại này không to lắm, chỉ khoảng 200-300 gram một con. Đang mải ngắm chim thì thấy tiếng quẫy nước thật mạnh. Một chú cá lóc nhẩy lên thuyền, va vào Nhật. Bạn bảo cá cũng nhiều lắm, có lóc, rô, trê…(tôi nghĩ ngay bữa tối sẽ gọi món “cá lóc nướng cuốn bánh tráng”, một đặc sản của vùng này).
Hơn 4h đến đài quan sát số 3. Đoạn này có nhiều sen, cũng loại sen hồng nhưng lác đác chỉ còn vài bông , chỉ thấy lá sen to, phủ kín mặt nước (che nắng cho những đàn cá, tôi đoán thế). Dừng lại 20 phút để lên tháp. Vừa bước khỏi thuyền là thấy cây cà na. Mùa này có nhiều sâu róm, chúng bò lổm ngổm trên mặt đất, trên bàn nước…không ai dám ngồi. Chờ cho đoàn khách trước xuống hết, tôi leo lên đài quan sát cao 18 m, nhìn sang cánh đồng sen mênh mông, lọt giữa rừng tràm bao la. Lúc này gió nhẹ, trời không mưa. Nhật cho biết đến tháng 7 sen sẽ đồng loạt trổ bông, chỉ mới hình dung mà tôi đã sướng mê. Mùa này sen đang phục hồi.
Đường về, tôi chụp bụi lúa ma để làm tư liệu vì đây là loại lúa chỉ có ở vùng ĐTM. Loại gạo này nấu cháo trắng ăn rất ngon, nhưng thu hoạch công phu, đi đập lúa phải dùng thuyền, rất cực mà sản lượng không được nhiều. Lúa ma tự mọc trong thiên nhiên (còn gọi là lúa trời) vì không phải gieo cấy. Những hạt lúa chín rụng xuống ruộng rồi tự đâm chồi và lớn dần theo con nước. Nước dâng cao đến đâu, lúa vươn cao tới đó. Thời khai hoang, lúa ma nuôi sống con người. Nhưng bây giờ không như xưa nữa. Đường về gặp nhiều chim quá, lúc này hoàng hôn xuống. Nhật vừa chỉ tay vừa nói: “ Có 2 con vịt trời ở dưới nước kia kìa”, nhìn theo thì nó vỗ cánh bay lên…và lại gặp chim cổ rắn đang ngâm mình trong nước, đúng lúc chúng ngóc cổ lên trông hệt như con rắn. Khu vực này là bãi kiếm ăn của chim điên điển và trước mặt tôi hiện ra một đầm sen trắng, thật thích thú khôn tả vì khu đầm này có rất nhiều bông. Sen trắng to và vỏ ngoài hơi xanh lợt, đung đưa trong ánh hoàng hôn. Đúng là cảnh thần tiên. Hàng ngàn bông cứ thách thức cái “thằng Lumix” của tôi. Ra khỏi cơn say hoa, mê hoa lại thấy cảnh cò trắng bay về tổ, đậu kín các ngọn tràm phía xa xa…Sau 5h chiều là về đến bến.
Sáng hôm sau, theo gợi ý của Nhật, tôi khởi hành sớm và là đoàn đầu tiên đến đây. Tôi chọn tuyến số 2, dài 29km. Hướng dẫn viên tên Tấn. Tôi hỏi chuyện bạn bảo “để bảo tồn nhà nước chi phí 1 triệu usd một năm”. Thuyền lại đi trong gió sớm. Lúc này là 7h 30. Sáng nay hoa súng nở kín phía mép trái con kênh, chiều qua nó “ngủ”. Mầu tím đỏ thật đẹp. Hướng dẫn viên còn cho biết “đây là cái rốn của ĐTM, nó kéo dài đến tỉnh Svayrieng của Campuchia, có rất nhiều đầm sen, diện tích còn khoảng 500 ha”. Thú vị nhất là bạn đọc câu ca: “ Có cỏ thì có cá, có cá thì có chim…” rồi giải thích: mùa nưới nổi côn trùng đậu trên ngọn cỏ, mỗi khi có gió hay mưa, chúng rớt xuống làm thức ăn cho cá. Bạn cũng cho biết thêm “cánh đồng hoang” này có 130 loài động vật, 231 loài chim…
Bạn Tấn có cái máy ảnh rất “khùng”, loại chuyên nghiệp. Bạn tâm sự “em làm việc ở đây và chuyên nghiên cứu về chim”. Mình gọi đùa là “nhà chim học”. Hôm nay đi trên một đoạn kênh tự nhiên, cũng khá rộng, sâu chỉ khoảng  gần 1 mét . Tràm ở đây là loại hoa trắng (còn thứ tràm khác có hoa màu vàng, nhưng không mọc ở ĐTM). Bạn Tấn chụp được hình con diệc trắng khá to đang đậu trên đỉnh cây tràm và “khoe” ngay các du khách. Đoạn này cứ tha hồ mà ngắm và xem chim. Con trích xanh (người Bắc gọi là con xít trong bài trống cơm) đậu khá gần nhưng tôi không kịp chụp, nó nhanh quá nên mình “thua”. Trước mặt là đài quan sát C 1. Ở đây cũng có cây cầu bắc qua cống C 1, thuyền rẽ trái vô kênh nhỏ hơn. Lại thấy chú cồng cộc đen (cóc đế). Hai bên bờ kênh có rất nhiều bụi tre già, thân tre cao tạo thành vòm rất mát  để che nắng và là nơi tụ hội của các gia đình chim. Chú cuốc nhỏ đứng sát bụi tre, khi nó lủi mất (đúng là cuốc lủi) thì lại thấy vài con khác hiện ra ở gốc tre bên cạnh. Chúng đi rất tự tại, thanh thản. Rồi một cảnh tượng bất ngờ ập đến, khi nghe thấy tiếng động của thuyền máy, cả trăm con vạc cùng lúc bay từ các ngọn tre ra. Rợp trời vạc là vạc. Loại này màu xám. “Như cánh vạc bay” là đây chứ đâu. Hôm nay tôi mới được ngắm chúng thỏa thuê. Đây là cảnh đẹp nhất của sáng hôm nay. Khi tôi còn đang ngỡ ngàng trước bầu trời chim, nước mênh mông thì bạn Tấn nói: “Đoàn đi sau ta sẽ không thấy cảnh này vì nó bay đi hết, phải sau 2-3 h may ra mới về lại bụi tre”. Bạn cũng cho biết khu bảo tồn cũng không cho khai thác bất kỳ sản phẩm gì ở đây, từ măng tre hay mật ong rừng… Điều này thật tuyệt!
Lúc này đi được 1h rồi. Tôi lại tìm hiểu cái tên “Tràm chim”. Nó là tên ghép của cây tràm (một loại cây sống được ở vùng ngập mặn này), nó có thể chịu được ngập nước trong 6 tháng mùa mưa, hiểu nôm na là cụm tràm có nhiều chim về sinh sống. Thuyền dừng ở trạm kênh Cùng. Nam bộ đặt tên nghe rất lạ, nhưng thực tiễn. Vừa ra khỏi thuyền, bạn hướng dẫn nghe báo qua điện thoại “có sếu, có sếu” thế là tất cả vội xuống thuyền trở lại để ra bãi cỏ năng nơi sếu hay về tìm thức ăn. Đến nơi không thấy sếu, mọi người đứng núp trong bóng tràm để chờ. Ai cũng dán mắt vào đồng cỏ, chỉ thấy đoàn cò ốc cả chục con thậm chí xa xa còn có đàn trâu hơn 20 chục con ( tôi lại nghĩ đến bộ phim “Mùa len trâu” năm xưa). Dân ở sát ngay đây mà. Đồng cỏ năng này lớn quá, cỏ chỉ sống được vào mùa nước nổi, phát triển rất nhanh nhưng chết vào mùa khô để sếu về ăn củ. Ai cũng mong sếu về. Tiếng con chim sít kêu nghe như con nít, khiến tôi hiểu hơn cảnh hoang dã của Tràm chim. Hơn 10-15  phút chẳng thấy sếu đâu đành phải lên thuyền. Tôi bắt gặp bụi lúa ma khá to nên chụp thêm kiểu ảnh nữa và thấy cả 3 loại cỏ năng (ống-kim-bợp). Năng bợp nằm mé nước, củ khá to.
Hôm nay đi một vòng tròn quanh kênh nên có đoạn chiều qua đã đi, gặp khá nhiều đoàn đang vào rừng. Đến hơn 9h, bạn Tấn lại cho thuyền dừng. Bạn bảo dừng để lên bờ rình sếu tiếp. Tay hướng dẫn này rất chuyên nghiệp, có cả ống nhòm. Bạn đưa máy lên lia rất xa, cố tìm xem có bóng dáng em sếu nào lảng vảng ở đây không. Hai bạn trong đoàn còn mang theo cả chân máy để chụp hình (cũng chuyên nghiệp không kém). Trời lúc này đã rất nắng, không khí bắt đầu nóng. Đứng trong bóng râm mà ai cũng vã mồ hôi. Kết quả là không có sếu. Ít phút sau lại lục tục trở lại thuyền. Gặp đoàn đi trở vào, tàu lớn chở tới 20 người. Đoàn tôi không ai tỏ ra thất vọng cả mà còn an ủi nhau “đêm nay cứ mơ là đã gặp sếu rồi”! Thiên nhiên là vậy, bất định mà. Đối với tôi, chuyến đi vẫn thật vui và nhiều thư giãn bởi Đồng Tháp Mười-Một nàng tiên thiên nhiên.
Sài Gòn, 5/2013
KT
nguồn:http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/06/01/tram-chim-hoa-hau-vung-dong-thap-muoi/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001