Trần Vinh Dự - Quốc hội cần được kỹ trị hóa
Trần Vinh Dự
Tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa qua, thực trạng yếu kém của nền kinh tế hiện nay lại được các thành viên đem ra mổ xẻ.Tại phiên họp này, không khí cấp bách của thời cuộc có thể được cảm nhận rõ qua các phát biểu quan trọng.
“Bức tranh vô cùng ảm đạm. Chỉ cần nhìn số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản và 65% số còn lại báo lỗ thì biết khả năng phục hồi kinh tế khó khăn đến mức nào” là nhận định của Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường. “Tình hình doanh nghiệp bi đát, tôi nghĩ có tới 100.000 doanh nghiệp chết chứ không phải chỉ mấy chục nghìn, tỉ lệ doanh nghiệp lỗ có thể còn hơn 65%” và “lạm phát quá tốt chính do điều hành dở” là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Tính cấp bách của thời cuộc đã được các đại biểu cảm nhận rất rõ. Tuy nhiên, kết thúc phiên họp thứ 18, UBTVQH không đưa ra được bất cứ giải pháp nào. Các ý kiến chỉ dừng lại ở mức “nên chăng”.
Quốc hội và nền kinh tế
Quốc hội có 3 chức năng chính: chức năng lập pháp, chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, và chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.Liên quan đến nền kinh tế, Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp bằng cách soạn thảo, sửa đổi và thông qua hiến pháp, luật, và các nghị quyết. Với chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà nước, phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Nhà nước, và quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế. Với chức năng giám sát, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Với chức năng quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, Quốc hội thực hiện việc này bằng nhiều cách, trong đó quan trọng nhất là hàng năm Quốc hội thống nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giao các chỉ tiêu này cho Chính phủ thực hiện. Các chỉ tiêu này được xây dựng ít nhiều dựa trên các báo cáo của Chính phủ. Các chỉ tiêu này thường cũng không mang tính bắt buộc và chỉ có giá trị tham chiếu. Chính phủ không được “thưởng” khi thực hiện tốt các chỉ tiêu này và cũng không bị “phạt” nếu không đạt.
Các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra cho Chính phủ thực hiện nhiều khi cũng không đi sát với thực tế. Thí dụ trong 03 năm trở lại đây, các chỉ tiêu bản lề của Quốc hội đề ra như tăng trưởng GDP hàng năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng, nhập siêu tính bằng % của xuất khẩu, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu, và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đều bị trệch khá xa so với thực tế đạt được.
Có những thời điểm, các chỉ số đề ra ở “trên trời” so với thực tế (xem bảng). Thí dụ tăng GDP theo chỉ tiêu của năm 2011 là từ 7% đến 7,5% nhưng thực tế đạt được chỉ có 5,89%. Chỉ tiêu lạm phát của năm này là 7% nhưng thực tế lên tới 18,58%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội được đặt chỉ tiêu là 40% nhưng thực tế chỉ có 34,6%.
Cũng có những thời điểm và hạng mục, chỉ tiêu của Quốc hội lại quá khiêm tốn. Thí dụ tăng trưởng xuất khẩu theo chỉ tiêu của năm 2010 và 2011 là 6% và 10% trong khi thực tế đạt được là 25,5% và 33%. Tương tự, nhập siêu theo chỉ tiêu đề ra cho năm 2011 và 2012 là 18% và 11%-12% nhưng thực tế đạt được lại tốt hơn rất nhiều (chỉ có 9,9% năm 2011 và thậm chí không có thâm hụt trong năm 2012).
2010 | 2011 | 2012 | |||||||
Chỉ tiêu | Thực tế | Chỉ tiêu | Thực tế | Chỉ tiêu | Thực tế | ||||
Tăng trưởng GDP của năm | 6.50% | 6,78% | 7%-7,5% | 5,89% | 6%-6.5% | 5.03% | |||
CPI | 7% | 11,75% | 7% | 18,58% | 10% | 6,81% | |||
Bội chi ngân sách | 6,2% | 5,6% | 5,3% | 4,9% | 4,8% | 4,8% | |||
Nhập siêu (% của xuất khẩu) | 17,3% | 18% | 9,9% | 11% - 12% | - | ||||
Tăng trưởng xuất khẩu | 6% | 25,5% | 10% | 33% | 13% | 18,3% | |||
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (% GDP) | 41% | 41,9% | 40% | 34,6% | 33,5% | 33,5% |
Thế nhưng nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, khi phần lớn các chỉ số kinh tế bản lề mà Quốc hội đề ra bị lệch so với thực tế, và lệch liên tục trong nhiều năm, thì nó cũng phản ánh việc Quốc hội có thực sự hiểu nền kinh tế của đất nước hay không. Thí dụ, chỉ tiêu tăng GDP của Quốc hội trong hai năm 2011 và 2012 đều ở “trên trời”.
Chỉ tiêu lạm phát cho hai năm 2010 và 2011 cũng lãng mạn hơn nhiều so với thực tế đạt được.
Khó có thể phân định rạch ròi lý do dẫn đến việc chỉ tiêu và thực tế đạt được vênh nhau một cách dữ dội là do lỗi điều hành của Chính phủ hay do Quốc hội không thực sự bám sát thực trạng kinh tế đất nước. Nếu thực sự Quốc hội không hiểu biết đủ sâu sắc về thực trạng kinh tế đất nước, thì Quốc hội khó có thể thực hiện tốt chức năng giám sát của mình.
Gần đây chức năng giám sát của Quốc hội được đẩy mạnh với việc tổ chức các phiên chất vấn công khai và sắp tới là bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu ra hoặc phê chuẩn. Công bằng mà nói, việc chất vấn và trả lời chất vấn đang ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, dù nhiều quan sát viên cho rằng các chất vấn “ngô nghê, dài dòng, “mớm bóng” hay những câu chất vấn thì ít mà xin xỏ thì nhiều” của các đại biểu Quốc hội đã ít đi đáng kể, không phải đại biểu nào cũng thực sự có hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế.
Đối với chức năng lập pháp cũng vậy. Dù Hiến pháp đã quy định Quốc hội có nhiệm vụ làm luật, nhưng việc soạn thảo các dự luật đều do các cơ quan khác, chủ yếu trong ngành hành pháp, thực hiện. Dù sau đó đại biểu Quốc hội có đóng góp, sửa đổi và biểu quyết các dự luật, trong đa số các trường hợp, luật được áp dụng vẫn giữ phần lớn tinh thần cơ bản của dự thảo ban đầu. Do đó, cho đến nay nhiệm vụ thực tế của các nhà lập pháp Việt Nam chủ yếu vẫn là thông qua các dự luật do người khác soạn thảo thay vì chính họ phải làm ra. Việc này dẫn đến thực trạng là các cơ quan hành pháp được giao nhiệm vụ soạn thảo dự thảo luật trở thành những người “vừa đá bóng vừa thổi còi” – dù muốn hay không.
Nên kỹ trị hóa Quốc hội
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, Quốc hội hiển nhiên là bộ máy tập trung sức mạnh trí tuệ và ý chí chính trị của toàn dân. Vì thế, việc Quốc hội chưa thể hiện hết được tầm vóc trong việc thực hiện các chức năng hiến định của mình rõ ràng là việc không thể chấp nhận được, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn có những bước ngoặt lịch sử.Và điều này có những lý do riêng. Trong số nhiều lý do, có hai lý do rất quan trọng. Thứ nhất là tỷ lệ các đại biểu kiêm nhiệm vẫn còn quá lớn. Các đại biểu kiêm nhiệm không thể thực hiện tốt chức năng của đại biểu Quốc hội trong khi vẫn là các quan chức cao cấp trong bộ máy hành pháp và phải dành chủ yếu thời gian của mình cho công tác điều hành hàng ngày.
Lý do thứ hai quan trọng không kém là cho dù các đại biểu Quốc hội không phải là đại biểu kiêm nhiệm thì họ cũng không có nguồn lực để thực hiện vai trò đại biểu Quốc hội. Theo thông tin chính thức từ website của Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử, thuộc Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay các đại biểu chỉ được hưởng một số chế độ đãi ngộ cơ bản như lương, phụ cấp. Ngoài ra, ngay cả thư ký giúp việc cho đại biểu cũng không có. Trang web này viết rõ rằng “phấn đấu trong tương lai mỗi đại biểu đều có 01 thư ký giúp việc riêng”.
Không có đội ngũ cố vấn, chuyên gia, chuyên viên phân tích, nhân viên văn phòng để giúp đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của mình, các đại biểu dù giỏi đến đâu cũng không thể thực hiện tốt chức năng đại biểu. Chưa nói đến những việc phức tạp như soạn thảo các dự luật – điều mà lẽ ra thuộc về chức năng của các đại biểu Quốc hội, mà chỉ đơn giản là việc nắm tình hình thực tế, nghiên cứu và tiêu hóa hết các thông tin về tình hình kinh tế xã hội để có những hiểu biết căn bản khi đi họp Quốc hội cũng là việc mà các đại biểu Quốc hội không thể làm được một mình.
Thế nên không lạ, và cũng không thể trách được, là các đại biểu Quốc hội Việt Nam không làm luật mà chỉ thông qua luật do các cơ quan của Chính phủ soạn thảo. Cũng không lạ và không thể trách được là Quốc hội vẫn đặt ra các chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhiều khi xa rời thực tế, và công tác giám sát – chất vấn nhiều khi vẫn lộ rõ vẻ “ngô nghê” – theo cách nói của một số nhà quan sát.
Đáng lẽ ra, các đại biểu phải có một ngân sách hoạt động đủ lớn để có một văn phòng riêng của mình, có thể thuê một đội ngũ chuyên gia, chuyên viên, và nhân viên hỗ trợ. Bộ máy này phải đủ hiệu quả để hỗ trợ đắc lực cho các đại biểu trong việc chủ động soạn thảo và đề xuất các luật mới hoặc sửa đổi các luật cũ, phải biến các đại biểu trở thành các nhà chính trị uyên bác và hiểu biết sâu sắc và sâu rộng về thực tế đất nước. Nó cũng phải biến các đại biểu trở thành những nhà phê bình sắc sảo, với các phân tích sắc bén để có thể thực hiện được chức năng giám sát.
Nói cách khác, bộ máy của Quốc hội cần phải được kỹ trị hóa. Bên cạnh việc giảm dần tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm, việc kỹ trị hóa này còn bắt đầu từ hai việc rất cụ thể. Thứ nhất là tăng ngân sách hoạt động cho các đại biểu một cách thực sự có ý nghĩa để mỗi đại biểu có thể có được một bộ máy giúp việc riêng cho mình thực sự mạnh. Thứ hai, tăng trách nhiệm báo cáo trước dân của các đại biểu để họ có trách nhiệm sử dụng ngân sách này một cách hiệu quả phục vụ công tác đại biểu Quốc hội một cách đúng nghĩa.
Admin gửi hôm Thứ Hai, 03/06/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130603/tran-vinh-du-quoc-hoi-can-duoc-ky-tri-hoa
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001