Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - “Giá các ông ấy cứ ăn nhưng đừng giảng dạy đạo đức cho mình thì dễ chịu hơn.” - Bùi Ngọc Tấn.
Tôi không rành ngoại ngữ nên chỉ đoán non, đoán già rằng nhân loại
(chắc) không mấy ai “đam mê” chuyện ăn uống như là dân Việt: ăn tết, ăn
giỗ, ăn khao, ăn cưới, ăn đám, ăn mừng... Ngoài ăn trưa, ăn tối, ăn
chiều và (thỉnh thoảng) ăn dặm, ăn chơi, ăn hàng – như đa phần thiên hạ –
người Việt còn ăn chực, ăn ké, ăn quà, hay ăn vặt... suốt ngày.
Và cách ăn của chúng ta, xem ra, lại (thường) không được thanh nhã hay
tử tế gì cho lắm: ăn bẩn, ăn vụng, ăn hớt, ăn bớt, ăn xén, ăn chận, ăn
lường, ăn quỵt, ăn theo, ăn mảnh, ăn lẻ, ăn gian, ăn tham, ăn không, ăn
vạ... Đó là chưa kể đến chuyện ăn mày, ăn xin, ăn nhặt... hoặc ăn cắp,
ăn trộm, ăn cướp, và tệ nhất là ăn tiền, ăn hối lộ hay còn gọi một cách
bóng bẩy là tham nhũng!
Trong giới hạn cho phép của một bài báo ngắn, câu chuyện hôm nay chỉ xin
giới hạn vào hai chuyện (nhỏ) có liên quan đến miếng ăn: ăn học và ăn
nói.
Vi nạn tham nhũng nên dù sống trong một quốc gia có con số xuất khẩu lúa
gạo cao nhất thế giới, nhiều người dân Việt vẫn không đủ cơm ăn – theo
như tường trình của báo Dân Trí, đọc được vào hôm 5 tháng 09 vừa qua:
“Ở Huổi Chát, ở Mường Tè, ở vùng cao, việc đầu tiên của những cô giáo
trước ngày khai trường, không phải là nghĩ ra các khoản thu, nghĩ ra
cách thu tiền mà là ‘dân vận’ để cha mẹ học sinh đồng ý đưa con đến
trường. Không thể có giáo dục nếu như không có những ngôi trường. Nhưng
cũng không thể có những ngôi trường nếu như không có học trò. Chỉ buồn
là giáo dục ở vùng cao không thể tách rời chuyện miếng cơm manh áo. Huổi
Chát tất nhiên không phải ngoại lệ...
Miếng cơm manh áo thúc vào sườn họ đau và bức bối đến mức ước mơ đôi
khi chỉ là bát cơm có miếng thịt. Và cái chữ, vì thế cũng là thứ gì đó
xa xỉ, thậm chí xa lạ. Chúng tôi đi từ Văn Chấn, Mù Cang Chải của tỉnh
Yên Bái, ngược lên Phong Thổ, Mường Tè, qua 9 điểm bản và nhận ra một
điều rằng, ở bất cứ trường học vùng cao nào cái khó nhất của thầy trò
nơi đây chính là bữa ăn...”
Cái đói, tất nhiên, không chỉ giới hạn ở những vùng thượng du miền Bắc
mà hiển hiện khắp mọi nơi. Tại một phiên chợ sớm, họp lúc nửa khuya và
tan lúc trời vừa hừng sáng – tại thị trấn A Lưới, Thừa Thiên, Huế –
phóng viên Như Ý và Văn Long đã ghi lại được nhiều hình ảnh mưu sinh (nhọc nhằn) của những bé thơ miền núi:
“Em Hồ Thị Nhơn, 5 tuổi (thôn Pơ Nghi 1, xã A Ngo) thức dậy từ 2h đêm
với mớ rau má mang đi. Em Hồ Thị Hiền, học sinh THCS Hồng Quảng đang
ngồi bên chậu hến. Hồ Thị Hiền tâm sự: ‘Buổi chiều, khi cô giáo cho lớp
nghỉ là em lên cái suối xa để mò con hến, rồi chờ đến sáng sớm mai để
đem xuống chợ.’ Mỗi lon hến tươi của Hiền có giá 1.000 đồng. Em vẫn đi
mò thường xuyên, và sau mỗi buổi chợ em có được 10 đến 15 ngàn để giúp
mẹ cải thiện bữa ăn gia đình và mua thêm sách vở.”
Hai cô bé bán rau. Nguồn: thitruongvietnam.com
Không cần phải là thầy bói, người ta cũng đoán được rằng trên bàn tay
của các em Hồ Thị Nhơn và Hồ Thị Hiền không có đường học vấn; hoặc, lỡ
có, chắc cũng ngắn thôi. Không đứa bé nào có thể tiếp tục thức dậy lúc
hai giờ sáng để em hến đem rau ra chợ bán, xong vội vã đến trường, rồi
tan trường lại lật đật đi hái rau mò hến.... cho buổi chợ hôm sau mãi
mãi.
Đời sống có những nhu cầu ưu tiên sắp sẵn: ăn – học. Cơm chưa có đủ ăn,
áo chưa có đủ mặc. Nói chi đến chuyện học hành làm chi cho nó thêm
phiền.
Miếng ăn ở miền xuôi, về cơ bản, coi như tạm ổn. Chuyện ăn/học không còn
là một vấn nạn lớn cho phần đông dân chúng. Tuy nhiên, người dân lại
phải đôi diện với một vấn nạn khác: ăn/nói.
“Sếp ăn dữ quá... Một chuyến đi Hồng Kông về được là bao. Sếp xuống
gặp thuyền trưởng nói thẳng: Chuyến này lo cho hai trăm triệu nhé... Hai
trăm triệu chứ ba ba trăm triệu cũng phải nôn ra. Thế là anh em lại
phải đóng góp. Đây chỉ là khoản đóng góp đột xuất thôi. Các chuyến khác
thấp hơn nhưng vẫn phải bảo đảm chỉ tiêu... những buổi họp cán bộ chủ
chốt, đến hội nghị công nhân viên chức, sếp lên nói chuyện. Sếp toàn nói
về những điều to lớn hệ trọng, về toàn tâm toàn ý xây dựng xí nghiệp,
xây dựng chủ nghĩa xã hội, về năng động sáng tạo, và chống lãng phí tham
ô, về vấn đề phát huy tinh thần làm chủ, đấu tranh xây dựng con người
mới xã hội chủ nghĩa. Nói mà không hề ngượng nghịu, không hề vấp váp.
Giá các ông ấy cứ ăn nhưng đừng giảng đạo đức cho mình thì dễ chịu hơn.
Cái tài của các sếp chính là ở chỗ ấy. Có thế mới làm sếp được...”
(Bùi Ngọc Tấn. Biển Và Chim Bói Cá. Hội Nhà Văn. Hà Nội: 2008,197).
Theo Khánh Phương
tác phẩm Biển Và Chim Bói Cá “nói bằng ngôn ngữ trực quan của mồ hôi,
nước mắt, máu, và cả tiếng thở dài” về “những góc khuất của đời sống và
con người” trong một công ty đánh cá quốc doanh, khi Việt Nam vừa bước
vào Thời Kỳ Đổi Mới.
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, “các sếp” mỗi lúc một “ăn dữ” hơn và
“nói” cũng nhiều hơn mà chả hề “ngượng nghịu” hay vấp váp” gì ráo trọi.
Về chuyện ăn, gần đây, blogger Đào Tuấn ghi nhận:
“Ngày 5-6-2006, tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XI, Báo cáo kiến nghị cử
tri của Mặt trận đã đề cập tới nhiều vấn đề ‘chưa được giải quyết’,
‘chưa chuyển biến rõ’, thậm chí ‘ngày càng nghiêm trọng hơn trước. Điểm
tên cụ thể một số vụ án tham nhũng điển hình: vụ xây dựng khu du lịch ở
Khánh Hòa; dự án nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn 2; mua sắm thiết bị ở
38 bưu điện các tỉnh; vụ Cảng Thị Vải trong ngành dầu khí và tất nhiên,
vụ tham nhũng, tiêu cực tại Ban quản lý các dự án PMU 18, báo cáo đánh
giá: Tham nhũng lãng phí ‘ngày càng nghiêm trọng hơn trước’... Điều này
không khó hiểu khi mức độ thiệt hại chỉ của riêng một tập đoàn đã gây
lãng phí bằng tất cả các vụ từ năm 2006 đến nay cộng lại.”
Cái “tập đoàn” mà Đào Tuấn vừa đề cập đến đã được tác giả Nguyễn Trung chỉ tên và mô tả như sau:
“Ngày 15 tháng 5 năm 2006, Vinashin khởi hành chuyến đi đầu tiên từ
Văn phòng của Thủ tướng với quyết định 103/QĐ- TTg và cái đích đến là
10% thị phần đóng tàu biển của thế giới… Sau bốn năm hành trình và chưa
rời bến được bao xa thì Vinashin đã chìm xuống biển sâu... dù vụ đắm tàu
Vinashin không cướp đi những mạng người, nhưng cơn ác mộng của nó gây
ra không phải là nhỏ. Hàng chục ngàn người mất việc. Nhiều công ty bị
đẩy đến bờ vực phá sản hay chìm ngập trong nợ nần vì hùn hạp làm ăn với
Vinashin, vì nhận thầu của Vinashin. Nhiều gia đình, mà trong có nhiều
người về hưu, thương bệnh binh lâm vào sự khó khăn túng quẫn vì đã lỡ
cho Vinashin vay mà không đòi được tiền.”
Dư luận, trong cũng như ngoài nước – xem ra – đều có vẻ đồng thuận với nhận xét khắt khe, thượng dẫn. Theo phân tích của blogger Đào Tuấn, Vinashin chỉ là một cái bánh vẽ. Còn theo tuần báo Trẻ
– phát hành từ Dallas, Texas – cái gọi là Tổng công ty Công nghiệp tàu
thủy Việt Nam, thiệt ra, đúng là một “cái máy rửa tiền.”
Nó rửa đâu cỡ chừng... vài tỉ Mỹ Kim!
Xong, ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng nói tỉnh queo: “Quyết tâm năm 2015 sẽ có một Vinashin mới.”
Trong khi chờ đợi “cái mới” này thì nhà báo Ngô Nhân Dụng khám phá ra một “cái mới” khác:
“Hết cái lỗ hổng Vinashin lại đến cái lỗ ALC II! (Ban kiểm toán công
ty ALC cuối tháng 10, 2010 cho biết, năm 2009 ALC II lỗ tới 3,004 tỷ
đồng bạc Việt Nam (gấp 8.5 lần vốn điều lệ chỉ có 350 tỷ). Công ty ALC
II làm thất thoát số tiền của Nhà nước tới 4,617 tỷ đồng. Trong số các
món nợ có đến 60% là nợ xấu, tức là người vay không trả được đúng hạn!
Trong ba tháng cuối năm 2009, ALC II thiếu 1,763 tỷ đồng không có tiền
để trả ai hết; và đến cuối năm 2010 đã thất thoát 4,000 tỷ.)”
Rồi ổng than trời: “Đã bao năm khai thác tài sản của nước Việt Nam,
sức lực của người Việt Nam, không biết bao giờ đến lượt cái tập đoàn
Nguyễn Tấn Dũng mới về hưu?”
Bác Ngô Nhân Dụng nói chuyện về hưu khiến tôi nhớ đến một bài báo cũ (Công Chức Bị Buộc Thôi Việc Nếu Hai Năm Liền Làm Việc Kém) đọc được trên tờ Dân Trí vào ngày hai tháng 7 năm 2009:
“Có hai trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc, gồm: có đơn
tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền
đồng ý bằng văn bản; bị cơ quan, tổ chức, đơn vị cho thôi việc do 02 năm
liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ... Nghị định sẽ có hiệu lực kể từ
ngày một tháng giêng năm 2010.”
Bây giờ là tháng cuối năm 2012, tuyệt nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy “tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng sắp hay sẽ về hưu” hết trơn hết trọi. Đã thế, theo BBC: “tại
một buổi nói chuyện tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hôm Chủ
nhật ngày 21/10 vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu công chức nhà
nước phải có lòng tự trọng để khỏi rơi vào tình trạng tham nhũng.”
Ông Dũng lại khiến tôi nhớ đến đoạn văn thượng dẫn (trong cuốn Biển Và chim Bói Cá) của Bùi Ngọc Tấn:
“Sếp toàn nói về những điều to lớn hệ trọng, về... xây dựng chủ nghĩa
xã hội, về năng động sáng tạo, và chống lãng phí tham ô, về vấn đề phát
huy tinh thần làm chủ, đấu tranh xây dựng con người mới xã hội chủ
nghĩa. Nói mà không hề ngượng nghịu, không hề vấp váp.
Giá các ông ấy cứ ăn nhưng đừng giảng đạo đức cho mình thì dễ chịu hơn.
Cái tài của các sếp chính là ở chỗ ấy. Có thế mới làm sếp được...”
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/an-hoc-noi.html#more
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001