Dân chủ trong giáo dục
Cách đây 30 năm, vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT, ấn định ngày 20/11 hằng năm là “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Cũng có người vẫn gọi nó theo cái tên có xuất xứ từ trước đó, là “Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”, được xác lập từ năm 1958 tại một cuộc họp của Liên hiệp Quốc tế Các Công đoàn giáo dục.
Cho dù gọi bằng tên nào, thì 20/11 vẫn được xem như một ngày lễ dành riêng cho các giáo viên Việt Nam, một ngày để học sinh-sinh viên, các bậc cha mẹ, tất cả những người đi học nói chung, bày tỏ lòng biết ơn và tinh thần tôn sư trọng đạo đến những thầy cô giáo mến thương của mình.
Như vậy, có lẽ sẽ là một điều hơi lạ khi nhân ngày 20/11, chúng ta lại đặt ra vấn đề “dân chủ trong giáo dục”. Khái niệm dân chủ trong giáo dục không bao gồm “bầu cử tự do”, “đa nguyên”, “tam quyền phân lập”… như trong chính trị, nhưng chắc chắn nó cũng có những hàm ý liên quan đến “quyền”, đến sự tự do, bình đẳng của người học trong quan hệ với người dạy. Liệu dân chủ trong giáo dục có đi ngược với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam không?
Để có câu trả lời, trước hết phải xác định dân chủ trong giáo dục nghĩa là gì. Nó nghĩa là “tự trị”, “tự quyết”: Bất kỳ khi nào có thể, người học phải được hướng dẫn để học hoặc tự học vì mục đích của mình, vì những mục tiêu do chính mình đặt ra. Nó nghĩa là “đa nguyên”, “đa dạng tinh thần”: Chương trình, nội dung đào tạo không nhằm tạo ra hàng trăm, hàng nghìn con người cùng một phương pháp suy nghĩ và làm việc, mà trái lại, phải kích thích sự sáng tạo và năng lực đặc thù của mỗi người. Nó nghĩa là “công khai, minh bạch”: Mọi người đều có thể tự do tham gia hoặc ra khỏi hệ thống giáo dục – như thể đó là một thị trường cạnh tranh hoàn hảo vậy – và mọi thông tin trong cái thị trường này đều phải được công khai, hay nói cách khác: không nhạy cảm.
Dân chủ trong giáo dục còn có nghĩa là “tương tác”, tức tương tác giữa trường học với chính quyền, doanh nghiệp, xã hội dân sự, tóm lại là với cả cộng đồng. Điều đó khiến cho kiến thức của người học luôn luôn được cập nhật và mở rộng, theo kịp với thực tiễn cuộc sống.
Với những đặc điểm ấy, một nền giáo dục dân chủ không hề triệt tiêu tinh thần tôn sư trọng đạo. Trên bình diện cá nhân, một người thầy có khuynh hướng yêu chuộng dân chủ sẽ tạo điều kiện cho các học trò mình thực hiện được bốn nguyên tắc trên để trở thành một con người sáng tạo, năng động, gắn kết với cộng đồng.
Internet – người thầy vĩ đại
Căn cứ vào các tiêu chí “dân chủ trong giáo dục” nêu trên, thì chúng ta có thể thấy rằng đang có một “người thầy” dân chủ như thế góp mặt trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Đó là… mạng Internet.
Với Internet, 24 triệu người sử dụng mạng ở Việt Nam (trong đó một tỷ lệ rất cao là thanh niên) có thể tự do tiếp cận bất kỳ nội dung nào mình quan tâm. Họ được toàn quyền quyết định vào mạng để chơi game, xem phim online, hay để tự học, tự nghiên cứu, bổ sung kiến thức cho mình và chia sẻ với bạn bè. Họ cũng có thể truy cập cả những nội dung mà vì những lý do khác nhau, chưa hoặc không xuất hiện công khai trong chương trình học ở nhà trường. Với ý nghĩa đó, Internet kích thích sự tìm tòi và phản biện trong bản thân mỗi học sinh-sinh viên, và thậm chí quay trở lại tạo sức ép với chính người đi dạy: Người viết bài này từng nghe kể chuyện một giáo viên trẻ, dạy sử ở cấp phổ thông trung học, nói rằng lâu nay cô phải duy trì cập nhật giáo án thường xuyên và chuẩn bị kỹ bài giảng trước khi lên lớp, vì đã có những học sinh vào mạng tìm hiểu thêm thông tin ngoài phần cô dạy, chưa kể các em còn có xu hướng “kiểm tra” xem cô dạy có gì… khác Internet không.
Internet là như thế: rộng mở, công khai, thúc đẩy dân chủ và đương nhiên, tạo ra cả những sức ép khiến người ta phải cảm thấy ức chế, phải nỗ lực mà vươn lên không ngừng. Ngày 20/11, giữ truyền thống tôn sư trọng đạo và biết ơn các thế hệ thầy cô, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên đặt thêm một bông hoa hồng bên bàn phím chiếc máy tính của ta, và nghĩ đến những gì chúng ta đã và đang được hưởng từ Internet – người thầy cổ súy dân chủ.
(Bài đã đăng trên tạp chí Tia Sáng nhân dịp 20/11/2011)
Blog Đoan Trang
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/69159
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001