Le Nguyen (Danlambao)
- Không nhớ tôi nghiện chữ từ bao giờ hễ thấy chữ là đọc, đọc ngấu
nghiến đọc quên ăn quên ngủ những áng văn chuyên chở tư tưởng khó nuốt,
đọc cả tin tức xe cán chó, chó cán xe ngay đến quảng cáo, rao vặt, tìm
bạn bốn phương... tôi cũng không tha. Nói tóm lại, tôi nghiện chữ đến độ
hễ thấy chữ là đọc, đọc bất cứ thứ gì, bất luận đề tài gì từ văn chương
cung đình đến văn chương đường phố?
Đó chỉ là nói về mặt đọc chữ. Về phần thích đọc thể loại gì, xin thành
thật trả lời rằng tôi rất thích đọc các bài viết phản ảnh con người và
xã hội của hiện thực xã hội, xã hội chủ nghĩa. Tôi say mê đọc mọi bài
viết của các tác giả đã thành danh chưa thành danh lẫn cả vô danh, từ
văn xuôi dài vằng vặc như cách chơi chữ kiểu thơ bút tre diễn tả: “Anh đi chiến dịch bờ lây... Cu dài vằng vặc biết ngày nào vê”(1) cho đến các câu ca dao dễ gây ấn tượng mạnh: “Chiều chiều ra bến Ninh Kiều... Dưới chân tượng bác đĩ nhiều hơn dân.”(2)
Có thể nói trong số văn chương bác học hay bình dân, văn xuôi hay văn
vần phản ảnh hiện thực xã hội, xã hội chủ nghĩa mà tôi đã có cơ hội đọc,
có rất nhiều bài hay đọc rất thích và kể đến các bài viết hay, xuất sắc
không thể không nhắc đến bài thơ vè xoay quanh hai từ ngữ “to” và “nhỏ”
thật thông minh, dí dỏm nhưng không thiếu chiều sâu tư tưởng làm cay
rát cả lòng người.
Chỉ cần cặp đôi từ ngữ “To Nhỏ” đối lập, đối nghĩa nhau, tác giả đã mở
ra bước đột phá hoàn hảo cho thơ văn hiện thực xã hội, xã hội chủ nghĩa,
điều mới này đã nói lên tác giả bài thơ vè sở hữu trí tuệ lẫn trình độ
nhận thức không tầm thường. Hiện nay có nhiều bài thơ “To Nhỏ” không dài
vằng vặc...được tung lên các trang báo mạng có khác biệt về từ ngữ,
hình thức nhưng tất cả đều không làm sai lệch ý nghĩa độc đáo của bài
thơ, nhất là khai triển được cặp đôi từ ngữ “To Nhỏ” rất thông mimh và
các bài thơ “To Nhỏ” nguyên tác hay chế tác đều lột tả được sự thật
khách quan về hiện thực xã hội, chính xác là hình tượng “mẫu” của các
quan chức, của chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đọc thơ “To Nhỏ” chúng ta sẽ nhận ra tài sử dụng chữ nghĩa điêu luyện
thuộc bậc thầy của tác giả bài thơ, với giọng điệu chất thơ vừa cay đắng
vừa hóm hỉnh, tác giả “to nhỏ” lần lượt giới thiệu đến bạn đọc những
nghịch lý sâu lắng không cuồng nộ như những con sóng thần, nó hiền hoà
như những con sóng lăn tăn gờn gợn nhè nhẹ, từng đợt rồi từng đợt chạm
vào ý tưởng, đi vào con tim qua những con chữ bình dị gần gủi với cuộc
sống đời thường:
“Trong đất nước nho nhỏ
Có thủ đô thật to
Trong thủ đô thật to
Có những con đường rất nhỏ.”
Với đoạn thơ dẫn nhập, tác giả “To Nhỏ”chỉ ra cái hài hước và phản ảnh
hình ảnh một đất nước nhỏ, có một thủ đô to với những con đường nhỏ thật
đối nghịch, không bình thường không cân đối trong quy luật phát triển
đất nước, nó chỉ ra cảnh tượng bát nháo của một đất nước nhỏ có những kẻ
có trách nhiệm lại vô trách nhiệm, cố dựng lên một thủ đô to thật to,
để rồi phải gồng mình gánh chịu những con đường rất nhỏ không xứng tầm
với một đất nước có chiều dài lịch sử hơn bốn nghìn năm.
Phải công nhận, cái hay của tác giả bài thơ không “nói xấu, chống phá”
những nghịch lý của một đất nước hơi nhỏ có cái thủ đô hơi bị to kia.
Tác giả “To Nhỏ” khéo léo dẫn dắt bạn đọc đi vào thế giới hiện thực xã
hội, xã hội chủ nghĩa khá thú vị khiến người đọc đi từ ngạc nhiên này
đến ngạc nhiên khác đầy bất ngờ bởi những sự việc cụ thể sống động xảy
ra trên những con đường nho nhỏ khắp mọi ngả đường đất nước bị xem là
còn rất nhỏ, còn vị thành niên kia:
“Trên con đường nho nhỏ
Có những biệt thự thật to
Trong biệt thự thật to
Có những cô vợ bé nhỏ.”
Thật ra, nếu trên những con đường nhỏ nhỏ, có những dinh thự thật to là
chuyện bình thường của phát triển, không việc chi phải bàn cãi, phải chú
ý đến. Điều làm cho bạn đọc chú ý lẫn khêu gợi thắc mắc dẫn đến tâm lý
tò mò muốn biết những căn biệt thự to, những cô vợ nhỏ, là của ai, ai là
chủ nhân đích thực của mặt hàng quá đổi nhạy cảm này? Cái xuất sắc của
tác giả “To Nhỏ” là không ởm ờ như các “bác” trên trung ương chỉ dám len
lén to nhỏ phê và tự phê nhưng với tác giả “To Nhỏ” không thậm thò thậm
thụt như thế, ông thẳng thắn nói huỵch tẹt ra cho mọi người cùng biết:
“Những cô vợ bé nhỏ
Là của các ông quan to
Những ông quan thật to
Có những cái cặp nho nhỏ.”
Chúng ta thấy, sau vài câu ngập ngừng dẫn nhập đã khơi dậy hồn thơ lai
láng phóng trào trên đầu ngọn bút, có thể là trên bàn phiếm không chừng?
Tác giả “To Nhỏ” nói thẳng ra các cô vợ nhỏ là của các ông quan to và
các cô vợ nhỏ lượn lờ trong các căn biệt thự to, không cần phải nói ai
cũng biết sở hữu chủ của các căn biệt thự đó là của ai, chắc chắn không
phải là sở hữu toàn dân? Chỉ ra như thế, tác giả “To Nhỏ” đã gián tiếp
phơi bày sự thật trần trụi của cái được gọi là sở hữu toàn dân và chỉ
cần nguệch ngoạc một vài câu tác giả đã lột trần được bộ mặt đạo đức lối
sống của các quan to của cái đảng lãnh đạo độc quyền.
Rồi dường như tác giả “To Nhỏ” không muốn cho bạn đọc xa rời cảm giác
thích thú với ngạc nhiên và bất ngờ. Ông đưa thêm hình ảnh chiếc cặp nho
nhỏ, ông xoáy sâu vào các chiếc cặp kè kè bên mình của các ông quan to,
dẫn đưa trí tưởng tượng của bạn đọc đến một dấu hỏi khác. Chiếc cặp của
các quan to dùng để làm gì, chứa cái gì bên trong?
“Trong cái cặp nho nhỏ
Chứa những dự án thật to
Những dự án thật to
Hiệu quả lại rất nhỏ.”
Không đợi cho người đọc thắc mắc trong cặp của các quan to có gì, súng
ngắn...phong bao phong bì chăng? Có thể lắm chứ! Nhưng không ông vội
đính chính sợ bạn đọc nghĩ sai “nói xấu” các quan to bởi trong cặp của
các quan chứa dự án, các dự án thật to. Ngẫm các dữ kiện, chất liệu có
được từ trong bài thơ và trong thực tế khách quan của quan trường Việt
nam, hẳn các quan to này phải ở tầm thứ, bộ trưởng có chân trong trung
“qủy” thì phải? Ở đoạn thơ này tác giả “To Nhỏ” giới thiệu “tài” lãnh
đạo của các quan to, ông khẳng định tất cả các dự án của các quan đều
thật to, chỉ có hiệu quả là nhỏ thôi và tác giả tiếp tục “giới thiệu”
hiệu quả nhỏ của các dự án rất to ra làm sao, như thế nào?
“Hiệu quả rất là nhỏ
Nhưng thất thoát thì thật to
Thất thoát thật là to
Trách nhiệm lại rất là nhỏ...”
Hiệu quả nhỏ của các dự án to của các quan là nó đã gây ra thất thoát,
thiệt hại cho ngân sách nhà nước, đúng ra là tiền thuế của dân thật to
và thực tế khách quan của chủ nghĩa xã hội chỉ cho chúng ta thấy, dù
thất thoát to như thế nào các quan cũng không hề hấn gì, các quan không
chịu trách nhiệm với ai cả, chỉ cần các quan chịu làm mặt lì ra trước
đảng, trước quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất nước tuyên bố khơi khơi:
“ tôi không quyết định gì sai trái trong vụ việc này nhưng tôi nhận
trách nhiệm về mặt chính trị” là mọi việc đều yên ổn và chuyện trách
nhiệm kể như xong phim..!
Có thể do các quan to nhận trách nhiệm khá đơn giản, không có trách
nhiệm gì là cụ thể, nếu không nói là khá hài hước như các tên hề trên
sân khấu kịch nói, nên trong một phút cao hứng trên đỉnh phẫn nộ bởi
các ý tưởng cuồn cuộn chảy lên đến cao trào, tác giả “To Nhỏ” không nhẫn
nhục chịu đựng như lúc nguệch ngoạc vài câu mở đầu, ông chỉ thẳng mặt
lãnh đạo to mà rằng:
“Trong đất nước nho nhỏ
Có lãnh đạo thật to
Những lãnh đạo thật to
Có cái đầu rất nhỏ
Những cái đầu rất nhỏ
Có túi tham thật to
Trong túi tham thật to
Chứa hiểu biết rất nhỏ
Những hiểu biết rất nhỏ
Gây hậu quả thật to...”
Qua bài thơ đã dẫn cho chúng ta thấy, có nhiều ưu điểm ẩn chứa trong bài
thơ vè “To Nhỏ”. Theo thông tin bài thơ có nguồn gốc từ một du học sinh
và bỗng dưng nổi tiếng trong một thời gian rất ngắn, nó đã trở thành
sản phẩm đặc biệt dành cho mọi người cùng đọc, cùng làm mới, cùng hoàn
thiện cặp đôi từ ngữ “To Nhỏ”. Có lẽ, bài thơ sớm được biết đến, được
yêu thích nhờ vào nội dung giản dị dễ hiểu, rất thoáng không giới hạn ý
tưởng, không giới hạn số câu, thể hiện tinh thần tự do rất rõ, không gò
bó trong khung niêm, luật, vận ngay cả không sử dụng, không trau chuốt
chọn lọc những con chữ đẹp để chuyển tải tư, ý, từ...
Với bài thơ “To Nhỏ” có thể thêm ý tưởng viết dài ra, dài ra mãi trên
nền tảng của cặp đôi từ ngữ đối lập, phản nghĩa “To Nhỏ” và mọi người từ
kinh nghiệm xương máu bản thân với đảng nhà nước cộng sản, ai cũng có
thể thêm ý làm mới nội dung bài thơ, miễn sao không đi ngược lại chủ
đích từ đầu của “To Nhỏ” là phản ảnh hiện thực xã hội, xã hội chủ
nghĩa.
Trong chiều hướng làm mới bài thơ “To Nhỏ” của nhiều đồng tác giả khuyết
danh, ẩn danh, vô danh chúng ta thấy có nhiều phó bản khác bài thơ gốc
nhưng vẫn không đánh mất tính chất độc đáo hay đáo để của bài thơ. Dưới
đây là trích đoạn được chế ý thêm lời cho bài thơ có cặp đôi từ ngữ “To
Nhỏ” thêm phong phú, có những câu như sau:
“...Các biệt thự thật to
Là của các ông quan nhỏ
Các ông quan chức nhỏ
Tổ chức tiệc tùng thật to
Trong các tiệc tùng to
Có rất nhiều cô gái nhỏ
Các cô gái bé nhỏ
Là của các ông quan to
Các ông quan thật to
Có chiếc xe hơi hơi nhỏ
Chiếc xe hơi tuy nhỏ
Nhưng giá trị thì thật to
Giá trị chiếc xe to
Là quà của các quan nhỏ...”
Đoạn thơ vừa dẫn, tiếp sức diễn giải thêm những sự kiện có thật “...một bộ phận không nhỏ suy thoái đạo đức, lối sống....”
đang đú đởn... đang xảy ra trong các căn biệt thự to nằm trên các con
đường nhỏ của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dù ý tưởng đoạn
thơ vừa kể vẫn còn chịu ảnh hưởng cũng như xoay quanh phạm vi của nguyên
tác bài thơ “To Nhỏ” nhưng vẫn tạo được nét tinh tế, độc đáo với cái
cười ý nhị của riêng nó.
Ngoài ra cũng đã có một số bài thơ lấy cảm hứng từ cặp đôi từ ngữ “To
Nhỏ” khai triển, phản ảnh hiện thực xã hội, xã hôi chủ nghĩa đi xa hơn
nguyên bản bài thơ “To Nhỏ” chuyên chở đã khẳng định được giá trị tư
tưởng của bài thơ “To Nhỏ”:
“Việt Nam là một nước nhỏ.
Phía trên có nước thật to
Chúng ưa ăn hiếp nước nhỏ.
Tranh cướp nhiều miếng đất to.
Đảng bảo đất là chuyện nhỏ.
Răng môi mới là chuyện to.
Nhân dân kề tai nói nhỏ.
Trời ơi...biển đảo rất to.
Đảng cãi cho là chuyện nhỏ.
Mười sáu chữ vàng mới to...”
Có thể nhờ nghiện chữ nên tôi có cơ hội và may mắn đọc được bài thơ “To
Nhỏ,” xin hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc để chúng ta cùng nhau thưởng
lãm, cùng nhau làm cho bài thơ “To Nhỏ” trở thành tác phẩm vĩ đại chung
của mọi người. Tôi biết bài thơ “To Nhỏ” còn hạn chế, chưa phải là siêu
phẩm hay kiệt tác nhưng tôi tin “To Nhỏ” sẽ vĩ đại hơn “bác Hồ vĩ đại”
nhờ vào đặc tính trung thực của nó. Tôi cũng tin rằng bài thơ “To Nhỏ”
sẽ bất tử bởi nó phản ảnh đúng thật thời kỳ đen tối của lịch sử Việt Nam
trong thời đại xã hội chủ nghĩa và nhất định “To Nhỏ” sẽ đi vào văn học
sử như là chọn lựa khách quan tình cờ của lịch sử. Nào chúng ta cùng
nhập cuộc chơi, cùng sáng tác thơ vè “To Nhỏ” của riêng mình làm thành
bài học thực tiễn cho muôn người, muôn đời...
(TTYN - TO nhỏ nhỏ TO - Việt Oan)
______________________________________
* Chú thích:
- Thơ bút tre: Bờ lây...Cu, có nguồn gốc từ chữ Pleiku, tên của một thành phố trên cao nguyên trung phần Việt Nam.
- Ca dao thời xã hội chủ nghĩa.
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/cam-tac-tu-to-nho.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001