Tâm Nguyễn (Danlambao)
- Sáng thứ bảy 24/11/2012 đọc báo mới biết Quốc Hội đã họp xong, tự
nhiên thấy tiên tiếc. Thật ra, dạo sau này mình cũng chẳng quan tâm gì
nhiều vào những cuộc họp vô bổ, kéo dài, và mục đích chỉ nhằm thông qua
những đạo luật do Nhà nước đề ra (tất nhiên, nhằm phục vụ mục đích lợi
ích của các cơ quan nhà nước là chính, mà sau này được lan truyền bằng
một từ mỹ miều là "lợi ích nhóm"). Những cuộc chất vấn dạo sau này tuy
vắng bóng những Nguyễn Minh Thuyết... nhưng vẫn còn những Trần Du Lịch,
Dương Trung Quốc... cũng tạo thêm sắc thái vui vui cho các buổi chất vấn
đó. Nhưng tuyệt nhất là qua chính những buổi này mình mới hiểu được
trình độ các quan lớn của mình ra sao.
Nhiều khi thật buồn cười và không hiểu nỗi, tại sao các vị ấy đâu phải
là trẻ con đâu, đâu phải loại đơ dèm cùi bắp như mình đâu, toàn là có
học vị, học hàm cao cả lắm đấy, mà sao cách họ trả lời mình thấy làm sao
ấy. Bảo rằng dốt thì không phải, mà bảo rằng thông thái thì lại không
hề. Mình nhớ gương mặt phụng phịu giận dỗi của ông cựu thống đốc NHNN
Nguyễn Văn Giàu, ông cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Khắc Triệu, rồi bây
giờ thái độ câng câng của Đinh La Thăng, nói bậy của Nguyễn Văn Bình, hề
kiểu Trịnh Đình Dũng, Vương Đình Huệ, nói cho lấy được của Nguyễn Thiện
Nhân, Nguyễn Thị Kim Tiến, hoặc trân tráo hết mực như Thủ Dũng khi trả
lời câu hỏi của Đb. Dương Trung Quốc là: có xem nặng trách nhiệm trước Đảng mà nhẹ trách nhiệm trước dân,
rằng đại ý anh ta chỉ biết có đảng mà thôi qua việc kể lễ dài dòng về
51 năm theo đảng... Quả thực cũng có đôi phút giải trí thư giản trong
gần một tháng trời…
Nhìn cái Quốc Hội này chợt nhớ cái Quốc Hội của Chính phủ VNCH, cái
chính phủ tay sai của Tư bản đế quốc Mỹ, đại diện cho đủ mọi thành phần
giai cấp và đủ mọi đảng phái, cái QH gồm 2 Viện: Thương viện và Hạ viện,
mà các thành viên của nó được gọi nôm na là Dân biểu, được bầu ra do
liên danh (hay cá nhân gì đó lâu quá quên rồi), và những người này tự
thân họ phải ra ứng cử (chứ không phải chờ một ông Mặt Trận nào
giới thiệu), tự vận động và nếu đắc cử, họ sẽ từ bỏ các công việc khác
đương nhiệm trong bộ máy nhà nước. Thí dụ đang là Quận trưởng quận gì đó
thì phải từ chức ngay để toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ dân biểu của
mình, vị này có văn phòng riêng để tiếp dân bất cứ lúc nào và có đủ thẩm
quyền để can thiệp vào bất cứ các vấn đề mà công dân phản ánh, không
một cơ quan chính quyền nào không trả lời nếu có văn bản của dân biểu
yêu cầu...
Nói chung cái "tự do dân chủ đang giãy chết của bọn ăn bả phương Tây" ít
ra cũng chấp nhận được trong bối cảnh miền Nam lúc bấy giờ. Trong thành
phần các dân biểu đó vẫn thường nỗi lên một số vấn đề mà các báo chí
đối lập thời đó thường phân loại rất rạch ròi là: những dân biểu "gia
nô" là những vị được chính quyền đưa ra ứng cử, vận động để đắc cử nên
có nhiệm vụ nâng bi chính quyền, hò reo tở mở gật đầu trước các đề xuất
của chính quyền khi thông qua QH, (họ đều được hưởng nhiều lợi lộc từ
phía chính quyền), còn có các vị trung lập, giả đối lập và đối lập thực
sự... Tệ nhất là thành phần gia nô, thành phần giả đối lập, đó là những
con sâu đục khoét làm ung mủ nền chính trị quốc gia...
Thực ra cũng không cần nói nhiều, chúng ta cũng thấy khác biệt nhiều về
thể chế dân cử của hai chế độ. Bây giờ không phải ai muốn ra ứng cử cũng
được, mặc dù vài năm gần đây cũng có chút gỡ trói bằng cách cho người
dân được quyền nộp đơn tự ứng cử. Nhưng ứng cử được hay không lại chính
là một vấn đề khác. Đã có cổng chắn là Mặt trận Tổ quốc tổ chức cái gọi
là Hội nghị hiệp thương làm cái nhiệm vụ giới thiệu người ra ứng cử, mà
người ứng cử thì cũng đã được cơ cấu sẵn, trái cơ cấu theo ý đảng là bị
cho ra liền. Và bầu cử thì ai đã từng làm trong các tổ bầu cử đều biết,
người đắc cử cũng đã được cơ cấu sẵn. Khôi hài hơn là những vị đại biểu
này chỉ là kiêm nhiệm, thí dụ ở QH, khoảng 90% là công chức nhà nước,
sau khi đắc cử vẫn là đại biểu kiêm nhiệm, không có văn phòng tiếp dân
riêng, dân muốn gặp thì không bao giờ được, ngoại trừ lúc nào họ muốn,
chỉ có hai lần trước và sau phiên họp toàn thể của QH. Thí dụ, chưa nói
ông TBT, CTN, TT, các Bộ trưởng… chỉ riêng gặp một ông Phó Giám đốc một
sở nào đó (là ĐBQH) đã là chuyện không tưởng rồi. Thử hỏi, một người vừa
đa đoan công việc chính quyền, thì làm sao có tâm lực đâu lo cho chuyện
dân, chuyện cử?...
Ở một đất nước mà do đảng lãnh đạo, QH thì đa phần là công chức, là đảng
viên, luật thì do nhà nước biên soạn xuất phát từ lợi ích của nhà nước,
các phát biểu, chất vấn làm cho có... thì làm sao đại diện cho dân? Hồi
trước thì có dân biểu gia nô, còn bây giờ thì nên gọi là gì? Chợt nghĩ
một ông Thủ tướng nhất mực theo đảng tới cùng (không có dân), các Bộ
trưởng ấm ớ hội tề, thậm chí có một ông sư là đại biểu QH, thay vì chăm
lo cho Phật tử của mình thì lại băn khoăn chăm lo cho nhà nước bị cái
bọn bố láo trên mạng tuyên truyền phản động, nói xấu nhà nước... Và chợt
nghĩ, có một chuyện ai cũng cho là tiến bộ khi thông qua nghị quyết có
chuyện bỏ phiếu tín nhiệm, mình chợt tủm tỉm cười, khà khà, không có ý
kiến chỉ đạo của Đảng, đố anh nào gom được 20% ý kiến đề nghị? Rồi chợt
thấy đắng lòng cho nền dân chủ gấp ngàn lần dân chủ tư bản...
27/11/12
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/chut-suy-nghi-ve-quoc-hoi.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận
xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001