Ninh Sơn (Kienthuc.net) - Chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi Nghị định 71
có hiệu lực, CSGT CA Hà Nội vẫn không thể tiến hành xử phạt những xe
không sang tên đổi chủ. Và giờ đây không chỉ người dân mà chính CSGT –
người thực thi Nghị định 71 phải… "kêu trời". Hầu hết cho rằng Nghị định
71 không thể thực hiện nếu không sửa đổi cho phù hợp.
“Nghị định 71 không sai nhưng… không phù hợp”
Thượng tá Lê Đức Đoàn: "Cái gì hợp với lòng dân thì làm, cái gì không hợp với lòng dân thì không làm".
Trái hẳn với vẻ nghiêm nghị khi làm nhiệm vụ, Thượng tá Lê Đức Đoàn,
công dân ưu tú Thủ đô (Đội CSGT số 1, thuộc Phòng CSGT CA Hà Nội) đã
dành cho PV buổi trò chuyện cởi mở, thẳng thắn bày tỏ những “cái khó”
của mình cũng như của đồng đội khi thực thi Nghị định 71, mà như ông nói
là “có quá nhiều bất cập” và gần như đặt CSGT vào hoàn cảnh “trên đe dưới búa”.
Theo Thượng tá Lê Đức Đoàn, khi bất kì một bộ luật hay nghị định nào đó
được ban ra thì người dân phải có nghĩa vụ chấp hành và công an (trong
đó có lực lượng CSGT) phải có nghĩa vụ thực thi. Đó là nguyên tắc chung
và cơ bản nhất đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật đối
với mỗi công dân trong xã hội.
Xét về bản chất, Nghị định 71 không sai, quy định về việc các phương
tiện giao thông khi tham gia giao thông hoặc trong quá trình mua bán
trao đổi phải làm thủ tục đăng ký sang tên chủ sở hữu là cần thiết. Quy
định này không chỉ giúp lực lượng CSGT dễ dàng hơn trong khi thực thi
nhiệm vụ của mình (như giải quyết các vụ tai nạn giao thông, xử lý vi
phạm, điều tra tội phạm,…) mà quan trọng hơn là nó thể hiện được ý thức,
trách nhiệm của công dân đối với tài sản mình sở hữu, tránh những
trường hợp tranh chấp tài sản có thể xảy ra.
Tuy nhiên, giữa việc “không sai” và việc “phù hợp để có thể thực hiện
trong thực tế” lại là một chuyện khác. Một việc “không sai” nhưng mà khi
thực hiện gặp phải vướng mắc, bất cập thì đó là “chưa phù hợp”, phải
“sửa đổi”.
Thượng tá Lê Đức Đoàn thẳng thắn bày tỏ: “Nghị định không sai nhưng
quan trọng là phải hợp lòng dân. Bất kể một đạo luật, một nghị định, quy
định nào cũng phải thông qua ý kiến người dân, phải đặt lợi ích chung
của nhân dân lên đầu, phải phù hợp với nhân dân. Không hợp lòng dân thì
không làm. Tôi nghĩ những bất cập mà CSGT vấp phải khi thực thi Nghị
định 71 hiện nay đó chính là nghị định này không phù hợp với thực tế, nó
không hợp với lòng dân”.
“Đúng nguyên tắc thì khi soạn thảo một văn bản luật hay nghị định nào
đó cần phải thông qua ý kiến người dân, trên cơ sở đó để sửa đổi, ban
hành các điều khoản có nội dung sao cho phù hợp. Ngoài ra, luật hay nghị
định sau khi đã được ban hành thì cần phải tuyên truyền, phổ biến rộng
rãi trong xã hội cho mọi người ai ai cũng biết để thực hiện. Đằng này
Nghị định 34, sau đó sửa đổi lại thành Nghị định 71 đã “bỏ qua” mất
những khâu này. Nói thật là ngay cả CSGT chúng tôi nhiều người còn chưa
biết là có Nghị định 34, nếu như không có Nghị định 71 sửa đổi và áp
dụng như vừa rồi”, thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết.
Nên sửa đổi Nghị định 71
Về những bất cập trong Nghị định 71, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng có
những điều khoản đang “làm khó” cho cả CSGT lẫn người tham gia giao
thông.
Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết: “Cho đến thời điểm này, CSGT CA Hà
Nội vẫn chưa áp dụng kiểm tra và xử phạt xe không chính chủ. Riêng tôi
cũng quán triệt anh em trong đơn vị là không kiểm tra vấn đề xe có chính
chủ hay không. Ai vi phạm luật giao thông thì xử phạt đúng theo luật
giao thông, không đề cập đến vấn đề chính chủ. Khổ nhất là những người
dân ở quê ra, khi kiểm tra giấy tờ xe có những trường hợp chúng tôi phải
dở khóc, dở cười.
Những điều khoản quy định trong Nghị định 71 còn nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế.
Có bà mẹ ở quê ra thăm con là sinh viên, nghe nói CSGT Hà Nội đang
phạt xe không chính chủ, xe lại đứng tên của chồng, thế là bác ấy cầm cả
giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu đi theo để chứng minh xe là của chồng,
người trong gia đình. Chúng tôi phải bảo: “Thôi, bác cất giấy tờ đó vào
đi, chúng tôi chỉ kiểm tra giấy tờ xe, bằng lái với bảo hiểm thôi,
không kiểm tra chính chủ đâu”. Khổ thế đấy. Vô hình trung quy định như
vậy là đã làm khó và gây rắc rối cho người dân rồi.
Không chỉ người dân, mà ngay cả CSGT chúng tôi, nếu buộc phải thực
thi Nghị định 71 hẳn cũng sẽ gặp bất cập không thể tránh khỏi. Nếu gặp
một xe không chứng minh được người điều khiển xe là chủ sở hữu của chiếc
xe ấy, CSGT xử phạt. Nhưng khi xử phạt xong rồi, người nhà mới cầm giấy
tờ đến để “chứng minh thân nhân” thì CSGT biết làm thế nào. Còn nhiều
bất cập khác nữa…”.
Thượng tá Lê Đức Đoàn kiến nghị: “Để phù hợp với thực tế thì Nghị
định 71 cần được sửa đổi một số điều khoản. Không phù hợp thì sửa đổi
cho phù hợp, đó là điều bình thường. Nhưng qua đây cho thấy vấn đề ban
hành văn bản pháp luật của ta nhiều khi chưa được chặt chẽ. Ở một số
nước, luật pháp của họ ban hành rất chặt chẽ, khi đã ban hành ra rồi rất
ít khi phải sửa.
Tôi lấy ví dụ như Bộ Luật hình sự của Liên bang Xô-viết ban hành năm
1977, ngay cả khi thể chế chính trị thay đổi vào năm 1991 thì Bộ Luật
hình sự này đến nay vẫn giữ nguyên, họ chỉ bổ sung thêm một số điều
khoản để áp dụng đối với một số loại hình tội phạm công nghệ cao mới
xuất hiện mà thôi”.
Nên giảm phí đăng ký xe và có cơ chế quản lý các kiểu “giao dịch ngầm” Thượng tá Lê Đức Đoàn: Một trong những nguyên nhân khiến người dân ngại làm thủ tục đăng ký sang tên hiện nay là do thủ tục rườm rà và phí đăng ký cao. Nên giảm mức phí đăng ký thủ tục chủ sở hữu phương tiện xuống mức thấp hơn để tạo thuận lợi cho người dân. Ngoài ra, trong việc mua bán, trao đổi xe hiện nay vẫn còn những bất cập, nhà nước không kiểm soát được giá trị thực của hợp đồng mua bán xe để có mức thu phí tương xứng với giá trị đó. Ví dụ như xe bán với giá cao nhưng người bán (lẫn người mua) lại khai với giá thấp để “lách” phí. Tình trạng “giao dịch ngầm” như trên hiện nay rất phổ biến mà không có cơ chế để kiểm soát. |
http://www.baomoi.com/Home/PhapLuat/kienthuc.net.vn/Ha-Noi-CSGT-keu-troi-voi-Nghi-dinh-71/9816103.epi
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/ha-noi-csgt-keu-troi-voi-nghi-inh-71.html#more
======================================================================
Nghị định 71/CP về xe "chính chủ": Sai luật, không khả thi
NLĐ
- Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhận định
như vậy và cho rằng mức phạt quá cao đã làm cho người dân phản ứng cực
đoan với chính sách của Nhà nước
* Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng các nghị định có quy định
về xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện, nhất là Nghị
định 71/CP đã trái thẩm quyền hoặc vi hiến khi cản trở quyền sở hữu tài
sản của công dân, bà nhận định như thế nào?
- Bà Lê Thị Nga: Việc xử phạt chủ phương tiện (ô tô, xe máy...)
không chuyển quyền sở hữu không phải là vấn đề mới mà đã được quy định
trong các nghị định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ như: Nghị
định số 15/2003, Nghị định số 152/2005, Nghị định số 146/2007, Nghị định
số 34/2010 và mới nhất là Nghị định số 71/2012.
Về hành vi vi phạm, đối tượng bị phạt, thẩm quyền xử phạt, Nghị định 71
không có gì thay đổi so với các nghị định cũ. Thay đổi lớn nhất là tăng
mức phạt (ô tô từ 1 - 2 triệu đồng lên 6 - 10 triệu đồng, xe máy từ
50.000 đồng - 100.000 đồng lên từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng).
*Vì sao một quy định được Chính phủ đưa ra từ năm 2003 mà nay lại bị dư luận phản ứng như vậy?
- Thông tin về kết quả cuộc họp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an ngày 19-11
vừa qua vẫn khẳng định các quy định này là đúng pháp luật.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đưa ra một quy trình khá
chặt chẽ tại chương V để bảo đảm các nghị định có chất lượng tốt, thực
sự là sản phẩm trí tuệ của tập thể Chính phủ. Trong đó, khâu thẩm định
của Bộ Tư pháp có thể coi là người gác cổng của Chính phủ đối với việc
ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, phân tích kỹ về mặt
pháp lý, có thể thấy Nghị định 71/CP đã không bảo đảm được yêu cầu của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tính khả thi trong nội dung
phạt hành chính hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Xử phạt một trường hợp vi phạm giao thông tại Hà Nội . Ảnh: ĐỖ DU
* Nghị định này không bảo đảm yêu cầu ở điểm gì, thưa bà?
- Thứ nhất, việc giao CSGT có thẩm quyền xử phạt là không đáp ứng được
yêu cầu bảo đảm “sự phù hợp giữa quy định dự thảo với điều kiện thực
hiện”. Các nghị định trên đều giao CSGT có thẩm quyền xử phạt hành vi
không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông. Muốn phạt được thì
trong hàng triệu trường hợp vi phạm giao thông mỗi ngày, CSGT phải xác
định ai là người chủ đích thực của phương tiện chưa chuyển quyền. Việc
giao CSGT nhiệm vụ “truy tìm” chủ xe thông qua việc giữ người điều khiển
vi phạm vừa không đúng với chức năng là lực lượng tuần tra, kiểm soát
nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa không khả thi.
Thứ hai, không thể yêu cầu công dân khi sử dụng phương tiện giao thông
phải mang theo giấy tờ chứng minh việc mình mượn, thuê phương tiện đó vì
không hợp pháp và không phù hợp với tập quán, văn hóa ứng xử của người
Việt.
Thứ ba, quyền sở hữu của chủ phương tiện giao thông có thể bị điều chỉnh
bởi luật dân sự và luật hành chính. Dưới góc độ dân sự, nghĩa vụ chứng
minh thuộc về đương sự và sự kiện pháp lý xuất hiện nghĩa vụ chứng minh
là khi có tranh chấp quyền sở hữu. Còn dưới góc độ hành chính, nếu xử
phạt hành chính vì lý do không chuyển quyền thì nghĩa vụ chứng minh
thuộc người có thẩm quyền xử phạt. Như vậy, việc bắt công dân chứng minh
chiếc xe đang đi là mượn hay mua nhưng chưa làm thủ tục vào thời điểm
họ vi phạm luật về giao thông nhằm làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính
là không đúng pháp luật.
* Bà nhìn nhận thế nào về mức phạt xe không “chính chủ” theo Nghị định 71/CP?
- Số tiền 1,2 triệu đồng/xe máy, đối với người khá giả là không lớn
nhưng đối với người nghèo, người dân nông thôn, sinh viên... là không
nhỏ; còn 10 triệu đồng/ô tô thì kể cả người khá giả cũng là một vấn đề.
Mức phạt quá cao đã làm cho nhiều người dân có phản ứng cực đoan với
chính sách của Nhà nước và người trực tiếp thực thi hoặc tìm cách lách
luật, trong đó không loại trừ việc chung chi cho CSGT.
Cần xem xét lại
Bà Lê Thị Nga cho rằng phương án do một vài chuyên gia của Bộ Tư pháp và
Bộ Công an đưa ra là tạm hoãn thi hành việc xử phạt chủ phương tiện
giao thông không chuyển quyền sở hữu là giải pháp “hoãn binh” chứ không
phải là sự thừa nhận tính thiếu khả thi của Nghị định 71/CP. “Chính phủ
cần sớm xem lại Nghị định 71/CP. Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và
An ninh của Quốc hội nên phối hợp giám sát và tổ chức một phiên giải
trình về việc tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật trong việc ban hành nghị định trên” - bà Nga kiến nghị.
THẾ DŨNG thực hiện
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/nghi-inh-71cp-ve-xe-chinh-chu-sai-luat.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001