Hồi ký của nhà thơ Yến Lan (Lâm Bích Thủy sưu tầm, giới thiệu)
Dường như tất cả những cuộc gặp gỡ trên
thế gian đều do trời sắp đặt? Có cuộc gặp lảng mạn, sau đó trở thành
một nửa của nhau, và có những cuộc gặp thú vị để rồi thành băng, nhóm
v.v…. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà thơ Yến Lan về buổi
gặp mặt đầu tiên với Hàn Mặc Tử, và những liên quan giữa họ sau này..:
Vào khoảng giữa những năm 1930, tôi sống
với cha tôi trong lòng thị trấn Bình Định. cha tôi là người có lưng vốn
chữ nho kha khá, nguyên do một thời xa trước đó, Bình Định có trường
thi hương, cha đã theo nghiệp sách đèn, nhưng ông đã không gặp vận may,
hoài công tập tễnh công danh giữa lúc tàn cuộc bút nghiên.
Từ khi lấy mẹ tôi, cha theo học nghề của
mẹ, làm thợ may. Ông thuê một cửa hàng nhỏ ở một góc ngã ba thị trấn,
ngày ngày còng lưng dệt từng đường chỉ mủi kim. Rồi đến một thời, giữa
thị trấn vang lên tiếng cạch cạch rè rè của đôi cổ máy may mang nhản
hiệu Sin-ger thì nghề cầm kim của cha tôi bị chết hẳn. Cha trả cửa hàng
lại cho chủ và xin vào làm từ thừa ngôi đền thờ Quan Thánh. Ông chăm
bón, sửa sang các mảnh sân và vườn đền thành một nơi có vườn cảnh tốt
tươi, không ngờ dần về sau thu hút được nhiều du khách.
Bình Định ngày đó không đông đúc như
bây giờ. Tỉnh lỵ đã dời xuống Qui Nhơn, việc buôn bán giao lưu cơ hồ
như co thắc lại, không khí buồn tênh, sinh hoạt chìm sâu trong im lặng.
Phố chính nằm dọc theo quốc lộ, gồm hai dãy nhà lợp tranh, thỉnh thoảng
nổi lên vài mái ngói trệt và lêu nghêu mấy căn nhà gác như ngẩn ngơ nhớ
tiếc những gì. Phía Tây là thành Bình Định rộng lớn, trầm mặc với bốn
dải tường đá ong rêu phong., tĩnh mịch, lác đác những ngôi nhà nhỏ
thường ngày hé mở cửa ra, không biết tìm đâu một chân trời để ngóng.
Những trưa im ắng vọng lên tiếng chim rời rạc trên những cành gòn…
Chùa Ông-nơi cha con tôi cư ngụ – là một
ngôi đền lớn bị ngăn cách quốc lộ một bờ thành cao. Mặt tiền đền bên
hai góc là cây đa, cây bàng cổ thụ tỏa bóng rợp một khoảng sân, lũ chim
thường về làm tổ mỗi sớm, mỗi chiều. Vườn đền không rộng nhưng kín đáo.
Ông cụ cất một ngôi nhà nhỏ riêng trong một góc vườn. Bên cạnh ngôi nhà
tranh của gia đình tôi là dãy nhà lợp ngói âm dương, gọi là nhà nghĩa tự
thuộc cơ ngơi của đền, làm nơi hội họp của các chức sắc mỗi khi có việc
lễ bái. Trong phòng có một bộ ván gõ kê ở một góc. Ngay chính giữa
phòng đặt bộ tràng kỷ: hai chiếc ghế đặt hai bên chếc bàn. Đó chính là
nơi tôi được phép hàng ngày mở cửa tự do ra vào sinh hoạt theo sở thích
riêng của một thời tuổi trẻ. Hằng ngày ghi chép, tiếp bạn trao đổi tâm
tình, và có khi ngã lưng xuống tràng kỷ ngủ những giấc ngon lành trong
cái im ắng dạt dào đầy nắng trưa và hương hoa phảng phất.
- Một sáng chủ nhật, khoảng giữa năm
1930, tôi đang chép lại bài thơ mới làm hôm qua, thì nghe tiếng gọi
ngoài cổng chính. Tôi nghĩ: chắc là có khách lạ muốn đến thăm đền (vì
người quen tất phải biết ngõ phụ luôn mở rộng ở phía Bắc của góc tường
thành)
Tôi bước ra, nghe tiếng của hai trang
nam tử. Biết là người xa đến vãn cảnh, tôi chào, rồi chỉ hướng cho họ
vào đền. Khách mặc âu phục sang trọng: Một, hơi lớn tuổi, nói giọng Bắc,
rất chỉnh tề trong bộ Tropical, một là thanh niên mặc nguyên bộ tơ
De-ligaon, đội mũ Panama. Đang đi, người trẻ tuổi bỗng ngoặc sang phải,
lối hàng rào chè, rẽ sang một góc sân. Ở đó có cây lựu lớn đang nở hoa
đỏ rực. Anh níu bẻ một nụ rồi tặng cho người bạn đồng hành, miệng đọc
câu Kiều:
Ngoài hiên quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lè đơm bông
Đầu tường lửa lựu lập lè đơm bông
Rõ ràng là những vị khách thuộc loại hào
hoa, ít gặp ở đây. Vừa lúc ấy cha tôi bước ra, hướng dẫn họ đến bên tấm
bia đá và mở cửa mời vào chính điện. Tôi trở lại tràng kỷ, làm tiếp
công việc bỏ dở. Được một chốc hai người đi xuống. Cha tôi đưa họ vào
nghĩa tự, mời ngồi trên tràng kỷ và đưa mắt bảo tôi xuống nhà lấy bộ
bình trà bằng sứ chuyên dùng tiếp khách quí. Có lẽ tờ giấy mà tôi còn bỏ
ngỏ trên bàn có những dòng chữ và cách trình bày giống dạng một bài thơ
đã làm cho người trẻ tuổi chú ý. Anh hỏi tôi:
- Cậu đang chép thơ à? Tôi bẽn lẽn gật đầu:
- Dạ, vâng.
- Thơ của bác hay thơ của cậu đấy?
- Dạ thơ của tôi. Im lặng một chốc, anh lại hỏi:
- Cậu làm thơ lâu chưa? Đã đăng ở đâu chưa?
- Tôi mới võ vẽ, cũng có bài được đăng báo.
- Cậu lấy bút danh là gì?
- Tôi ký Xuân Khai. Người trẻ tuổi vui
hẳn lên, anh cười: – Vậy tôi với cậu là đồng nghiệp với nhau. Xin tự
giới thiệu, tôi là Phong Trần, là Hàn Mặc Tử. Anh quay sang người trung
niên, vẻ quí trọng:
- Vị này là nhà văn, tác giả “Kép Tư
Bền”, tập truyện ngắn vừa mới xuất bản đang được cả nước hoan nghênh.
Tôi thốt lên một tiếng “À” vui vẻ:
- Hóa ra ông là nhà văn Nguyễn Công
Hoan. Tôi đã đọc và đã biết nhiều về ông, nhất là trong cuộc bút chiến
với báo Phong Hóa, Ngày Nay về tập chuyện dài “Lá ngọc cành vàng» của
ông
Lúc ấy nhà văn Nguyễn Công Hoan như tự
nhiên có thêm những cảm xúc không ngờ. Ông nhìn tôi một cách trìu mến.
Hàn Mặc Tử thì gật đầu thích thú, anh tiếp lời:
- Trong cuộc bút chiến ây, nhà văn thắng
lợi. Nhân đây ông làm một cuộc viễn du từ Bắc vào Nam để tạ lòng ủng hộ
của tác giả mà mình hâm mộ. Hôm nay tôi đưa ông lên thăm một vài cảnh
đẹp ở đây, rồi sẽ lên Phú Phong, mảnh đất lịch sử của quê ta. Nhân dịp
này ta làm quen với nhau vậy. Tôi đang sống với gia đình tại 20 đường
Khải Định-Qui Nhơn. Có đi Qui Nhơn mời cậu ghé chơi, chúng ta là đồng
nghiệp với nhau mà.
Chúng tôi gắn bó với nhau từ buổi ấy.
Tôi kể chuyện này với Chế. Chế cho biết đã quen với Tử rồi và cũng muốn
có dịp nào đó sẽ giới thiệu tôi với anh.
Thỉnh thoảng có dịp đi Qui NHơn, tôi và
Chế Lan Viên thường ghé thăm anh. Tử ở trong một ngôi nhà gạch-kiểu nhà
của công chức, có gia đình bề thế cũ, thường là có bỗng lộc. Buồng, chái
bố trí kín đáo và có ngăn nắp. Mặt tiền mở ra một cánh cổng nhỏ để vào
mảnh sân con thoáng rộng , có tường hoa ngăn với bên hàng xóm.
Mỗi khi chúng tôi đến, Tử từ căn phòng
con ở sau phòng khách đi ra đón, vẻ vui mừng. Tử đưa hai đứa tôi vào
nhà, mời ngồi vào bộ Salon đan bằng mây, lòng ghế to bè được quét qua
một lớp sơn màu ngọc thạch đã cũ. Chúng tôi trò chuyện đủ thứ rồi đọc
thơ cho nhau nghe. Riêng tôi chưa được anh kể cho nghe đầy đủ về một
chuyện tình nào của riêng anh. Mỗi khi cao hứng, Tử thường ngồi xếp
bằng theo kiểu kiết già , người lọt thỏm vào lòng ghế, hai tay chống
trên hai gối, đôi mắt lim dim vời vợi, xa xăm, rồi đọc thơ. Giọng anh
ngâm nga như người lên đồng.
Những phút im lặng, nhìn nhau, chúng tôi
nghe rõ tiếng tích tắc thời gian của chiếc đồng hồ treo trên tường như
đã quên theo một nhịp hàng ngày cố hữu.
Cũng có khi tôi đến thăm anh một mình,
nhưng thường thì người nhà ra dấu anh đang mệt, tôi lẳng lặng ra về, lần
sau gặp lại anh, và xem như đã mất đi một dịp trút bớt đi nỗi cô quạnh
nặng nề đang đè xuống tâm tư
Có một lần, ấy là lần đầu tiên Qui Nhơn chiếu phim màu có quãng cáo tận trên Bình Định. Tôi còn nhớ đó là các phim «Vogue 38» (Thời thượng 38), Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Báo động ở Ấn Độ (Alerte aux Indes).
Phim chiếu hàng mấy tuần rồi mà vẫn đông khách. Tôi cũng cố gắng đi xem
một lần cho biết, và đã xuống Qui Nhơn. Vì đến sớm, rạp chưa chiếu, tôi
ghé nhà Hàn Mặc Tử chơi. Tử biết tâm tư tôi đang bận phim ảnh nên rất
tế nhị không gợi chuyện về thi ca. Anh chỉ giục tôi và cũng tự nhiên tỏ
ý: Cậu có công quá nhỉ? cậu thích cái thứ nghệ thuật đó à? Mình ở gần
rạp Morin mà chưa biết cái phim màu nó ra sao, ngay cả phim thường cũng
không ham lắm.
Qua giọng anh, tôi biết Tử ít hâm mộ
điện ảnh và dường như cái chính là sức khỏe đang hạn chế anh với các
cuộc tiếp xúc bên ngoài. Tử bắt đầu chớm bệnh và tất cả tháng ngày sau
đó, anh hòa nhịp tâm hồn vào thi ca để làm phương thuốc chữa dịu nỗi
đau thể xác.
Sống giữa lòng Bình Định, những chiều
hiu hiu nắng quái, tôi và Chế Lan Viên thường lên lầu cửa Đông mà hai
đứa tôi gọi là lầu tư tưởng, phóng tầm mắt nhìn bao quát thị trấn, rồi
vọng đến những chân trời xa tắp, lòng ngậm ngùi cho mảnh đất quê hương
đã trải qua lắm cuộc đổi thay. Có lúc chúng tôi nghĩ xa hơn đến các
triều đại của quá khứ, từng nối tiếp nhau đến sự thăng trầm biến thiên
của lịch sử, rồi bàn nhau cùng viết về cảnh điêu tàn, những cuộc đời dâu
bể. Hoan đi sâu vào sự đau thương, tàn tạ, thịnh vượng, làm sống lại
những lễ hội, sinh ca của các hệ tộc quyền quí, rồi binh biến máu lửa
thay cho một thuở thanh bình. Tập thơ của Chế, tên “Điêu tàn”.
Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở
Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
Tan dần trong im lặng của đồng quê..
Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
Tan dần trong im lặng của đồng quê..
Tập thơ của tôi là “Giếng loạn”. Nghe
tôi đôi lần đề cập đến “Giếng loạn” Tử rất muốn xem (lúc này anh đang
bệnh). Tôi mang xuống cho anh. Khoảng một tuần sau, Tử đưa trả bản thảo
và nói:
- Tôi đã xem hết tập thơ rồi. Có một số
xúc cảm nên cố làm một bài riêng tặng cậu. Anh lấy ở túi áo ra trao cho
tôi và trân trọng nói:
- Đây cứ coi như một bài bạt sơ khảo; mà tôi thấy cái nhan đề không ổn. Sao cậu không viết là “Giếng lạng” lại viết là “Giếng loạn”? Tôi đáp: “Có vấn đề về ngôn ngữ tôi muốn thảo luận với anh đấy”.
Rồi tôi và Tử bàn nhau hồi lâu, sau cùng thống nhất là “Giếng loạn”.
Loạn ở đây là loạn lạc, đầy đủ ý nghĩa hơn, lạng là bỏ hoang. Bài thơ
Tử tặng tôi chính là bài “Trăng tự tử” mang dáng dấp của một bài bạt cho
cả tập thơ. Tôi đã có chủ ý sẽ in nó vào tập “Giếng loạn” khi xuất
bản. Nhưng bản chép tay ấy với cả tập thơ bị thất lạc, lúc đi sơ tán,
ngày Pháp mở chiến dịch Át-lăng đánh vào Qui Nhơn. Bản in trên các sách
hiện nay là bản lưu từ trong xấp di cảo do anh Quách Tấn giữ.
Buổi sáng hôm ấy, tôi nhớ dường như sáng
28 Tết âm lịch, năm 1938. Tôi và Chế Lan Viên đến thăm anh. Khi ấy bệnh
Tử đã nặng! Mới bước vào cổng nhà, tự dưng tôi có cảm giác căn nhà hiu
quạnh quá. Thấy chúng tôi, mẹ Tử bước ra thềm hè, rơm rớm nước mắt:
- Trí đi rồi các anh à! Cò bót không cho
nó ở nhà nữa, vì sợ lây bệnh, bắt phải đưa vào Qui Hòa, Tết nhất đến
nơi rồi, nếu đưa nó vào trong ấy thì tội lắm. Nhà cập rập quá, nên lén
gửi tạm nó vào trong xóm Động. Các anh có đi thăm thì em Hành đưa đi. Nó
vừa chạy đâu đó.
Đợi lâu không gặp Hành, hai đứa tôi hỏi
thăm vào xóm Động. Đấy là cái xóm nhỏ của những người lao động nghèo,
nằm trên một bãi cát rộng mênh mông, thuộc khu VI Qui Nhơn bây giờ. Nhà ở
chỉ là những túp lều dựng tạm bợ trên cát, không có nền. Đồ đạc,
giường, tủ, bàn, ghế cứ đặt nguyên trên cát. Đường đi vào cũng quanh
quất cơ hồ khó tìm ra.
Chúng tôi vào một cái chòi lợp tranh nhỏ
hơn một cái chái bếp. Nóc chòi được chống lên bằng hai cây cột tre. Một
tấm phên ngắn dọc theo chiều dài của nóc, ngăn chòi làm hai: nửa trước
sinh hoạt bình thường, nửa sau hình như có đặt một chiếc chõng tre với
lỉnh kỉnh những thúng mủng..
Trước tấm phên là cái bàn ọp ẹp, chỉ còn
lại một chân trước nối với một khúc củi đẽo từ chảng ba, hai chân sau
cột vào hai cọc tre chống mái nhà, Tử đang ở trong ấy (đây là nhà của
một phu kéo xe). Nghe tiếng chúng tôi, Tử chậm rãi bước ra, vẻ mệt nhọc:
- Hai cậu vào tới đây sao…?
Hoan và tôi ngồi trên ngạch cửa làm bằng
một khúc tre, xoay lưng ra ngoài, trò chuyện với anh. Tử gầy, trông hốc
hác lắm. Anh không vui như mọi khi.
Đang nói chuyện thì có bà cụ đem cho anh
hai quả keo chín, Tử nhìn hai đứa tôi: – Thứ này mình thích lắm. Mấy
năm còn khỏe, mình thường xách ná cao su đi bắn. Có khi đạn rớt vào nhà
Tây, mình ba chân bốn cẳng chạy nhanh như sóc. Thế mà bây giờ!… thở
dài.
Chúng tôi nói chuyện cho tới giờ tan
tầm, thì có một em bé trai xách làn cơm vào (chắc là em Hành) Khi cái
xách cơm đặt nghiêng nghiêng trên bàn, em bé lẩn ra phía sau. Tử vẫn giữ
cái vẻ thản nhiên, gợi thêm một vài ý nhỏ về thi ca sách vở. Sợ anh mệt
và cũng quá giờ chúng tôi đứng lên tạm biệt. Tử nhìn, đôi mắt anh buồn
vời vợi
Sau này, mới biết sau cái Tết ấy, gia đình còn cố giấu anh ở mấy nơi nữa rồi mới vào Qui Hòa.
Khi Tử mất, mỗi lần nhớ tới anh, tôi lại ngậm ngùi đọc “Những giọt lệ” của anh:
Trời hỡi! Bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?
Họ đã xa rồi khôn níu lạiBao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi, một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ xuống trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu!
Tôi không biết anh viết bài thơ này để
nói đến một tình huống nào. Có người bảo là anh viết để than thở về một
mối tình trong bao nhiêu mối tình dang dở của mình. Nhưng tôi cứ nghĩ
cảm xúc đó bắt nguồn từ buổi sáng hôm ấy, buổi sáng mà tôi và Hoan còn
ngồi bên Tử, trong túp lều đơn sơ ở xóm Động…
Quả thật tôi không ngờ, lần chia tay ấy là lần vĩnh biệt.
nguồn:http://nguyentrongtao.info/2012/11/08/han-m%E1%BA%B7c-t%E1%BB%AD-chuy%E1%BB%87n-bay-gi%E1%BB%9D-m%E1%BB%9Bi-k%E1%BB%83/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001