Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy
SGTT – Nếu ai đã từng xem Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, và mới đây nhất là Mạn đàm về người man di hiện đại, sẽ hiểu Trần Văn Thuỷ quay quắt như thế nào với từng số phận con người, với đời sống thực của những người cùng khổ, với những giá trị thực đang dần mất đi… Trong ánh chiều le lói, trước bàn thờ tổ tiên, anh kể về nỗi gian truân sau mỗi thước phim, nghe ly kỳ như chuyện cổ tích…
Điều gì đã ám ảnh anh khi chọn học giả Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút đầu tiên của báo chữ Quốc ngữ ở Bắc kỳ, một dịch giả xuất sắc, một nhà văn hóa mang nặng tinh thần dân tộc là nhân vật chính của Mạn đàm về người man di hiện đại?
Đầu tiên nên nói rõ ràng rằng ý tưởng và khởi xướng việc làm bộ phim này là của gia tộc cụ Nguyễn Văn Vĩnh, mà cụ thể là anh Nguyễn Lân Bình, cháu nội cụ, người lo toan mọi bề, tôi chỉ là một trong những người thực hiện. Thứ nữa là bản thân tôi luôn bị ám ảnh một điều: chúng ta phải nhận thức lại những giá trị đích thực của dân tộc, nếu không sẽ rất có lỗi với tiền nhân. Tôi nghĩ một dân tộc lớn phải có một nền văn hóa xứng đáng với những danh nhân văn hóa lớn.
Các cụ ngày xưa giỏi lắm, chuyện xưa còn biết bao điều chúng ta phải học. Đụng đến Nguyễn Văn Vĩnh và những người cùng thế hệ với cụ ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ấy, là đụng đến một vấn đề lịch sử rất trọng đại, để thấy được tấm lòng của những người yêu nước, nhưng nhiều người trong thế hệ ấy đã bị hiểu sai, bị xuyên tạc và bôi nhọ. Đọc lại những tài liệu xưa cũ trong và ngoài nước, sang Pháp tìm lại hồ sơ lưu trữ các nước thuộc địa Pháp, hồ sơ của các sử gia, nhà nghiên cứu, chúng tôi thật sự choáng váng. Cuộc đời đầy nghịch cảnh của cụ Nguyễn Văn Vĩnh làm tôi bị ám ảnh. Là người rất tâm huyết với sự thịnh suy của đất nước, là một nhân vật thần đồng, kiệt xuất trên mọi phương diện, vậy mà liên tục trong nhiều thập kỷ, ông đã từng bị cho là tay sai, bồi bút, phản động, liên luỵ đến mấy đời con cháu sau này. Tôi thường tâm niệm đất nước ta có không biết cơ man những người có tấm lòng ái quốc, hãy vì hậu thế mà đối xử tử tế với họ, cho dù họ ái quốc theo cái cách của họ. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã nói trong phim: “Đánh giá về Nguyễn Văn Vĩnh mà chỉ dừng lại ở việc cụ là thủy tổ của làng báo tiếng Việt, là người có công phát triển chữ Quốc ngữ và là nhà dịch thuật xuất sắc thì chưa đầy đủ và chưa thỏa đáng. Điều xứng đáng hơn, phải nói rằng đóng góp lớn nhất của cụ chính là về tư tưởng. Đó là một trong những nhà tư tưởng dân chủ đầu tiên của ViệtNam mang tính khai sáng”.
Gần bốn giờ với bốn tập phim tài liệu, người xem vẫn chăm chú từ đầu tới cuối, và không khỏi bàng hoàng khi hình ảnh cuối cùng chấm dứt. Bí quyết nào giúp anh tạo nên sự hấp dẫn của bộ phim?
Đất nước ta có không biết cơ man những người có tấm lòng ái quốc, hãy vì hậu thế mà đối xử tử tế với họ, cho dù họ ái quốc theo cái cách của họ |
Có một nghịch lý đang diễn ra: sự giàu có về vật chất đang hủy hoại mối quan hệ giữa con người, anh nghĩ gì về điều này?
Năm 1992, khi làm phim Có một làng quê với đài truyền hình NHK, mô tả đời sống tinh thần thanh bạch, ấm cúng, đầy tình làng nghĩa xóm của một làng quê nghèo Việt Nam sống bằng nghề đào đất nặn thành chum vại, tiểu sành, tôi cứ thắc mắc tại sao người Nhật lại bỏ tiền cho tôi thực hiện bộ phim nói về “cái tôi”, về một làng nghèo như thế, lại còn cho tôi thuê cả trực thăng để quay. Khi cùng xem phim ở Tokyo, những người Nhật Bản đã nói rằng: “Đây là chuyện cổ tích đời nay!” Lúc ấy tôi mới hiểu, người Nhật Bản đã từng nghèo như thế, đã từng tốt với nhau như thế và họ biết hơn ai hết sự giàu lên có khi làm quan hệ con người xấu đi, họ muốn cho con cháu họ thấu hiểu điều đó. Đó là điều mà Việt Nam của chúng ta hình như chưa giác ngộ được.
Chúng ta đang mải chạy theo sự tăng trưởng về kinh tế, sao nhãng quan tâm đến tình người, đến đạo đức, đến sự tử tế. Trong thẳm sâu của mình, khi đặt niềm vui, nỗi buồn vào cái chung, thấy đau đớn lắm. Vào đầu thế kỷ, cụ Phan Châu Trinh đã chủ trương nâng cao dân trí. Điều đó bây giờ vẫn còn rất thời sự. Dân trí hiểu theo nghĩa của riêng tôi là sự hiểu biết rộng lớn, trong đó có sự hiếu hòa, tin cậy, để con người cảm thấy biết sống và đáng sống, chứ không phải ngổn ngang, bê bối như bây giờ. Nguyên nhân sâu xa của sự bê bối là sự xuống cấp về nhân cách. Suy cho cùng thì vấn đề của xã hội ViệtNam bây giờ chính là vấn đề nhân cách. Từ tham nhũng, mua quan chạy chức, băng đảng… đến chuyện nói một đằng, nghĩ một nẻo… Tôi nghĩ loài người từ khi sinh ra đã được dạy rằng hãy nói điều mình nghĩ. Nhưng có lẽ chưa bao giờ nói dối trở thành bình thường như bây giờ. Chống sự suy thoái của đời sống chính là chống sự xói mòn của nhân tính.
Mỗi bộ phim của anh đều gây chấn động dư luận bởi tính phản biện dữ dội về những vấn đề nhân sinh, và cũng gây sóng gió không ít cho chính anh. Điều gì giúp anh giữ được bản lĩnh và sự độc lập một cách bền bỉ như thế?
Tôi nghĩ loài người từ khi sinh ra đã được dạy rằng hãy nói điều mình nghĩ. Nhưng có lẽ chưa bao giờ nói dối trở thành bình thường như bây giờ |
Trong cuốn sách mang tên Nếu đi hết biển, bằng những cuộc đối thoại thẳng thắn, chân thành, anh đã đụng chạm đến phần sâu xa nhất của tâm tình người Việt ở Mỹ, những đổ vỡ, ly tán và đau thương của lịch sử dân tộc?
Thực ra tôi chưa có điều kiện làm được việc cần làm như chị nói là “đụng chạm đến phần sâu xa nhất của tâm tình người Việt ở Mỹ”. Tiếp xúc nhiều với cộng đồng người Việt ở Mỹ, tôi không khỏi băn khoăn về cái điều tôi đã nói trong Có một làng quê: “… Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình…”. Bởi không ít người Việt xa xứ “qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi” mà cuối cùng không thể “trở về quê mình, làng mình” được. Đây gần như là một điều tra xã hội học chân thực và trực tiếp về cộng đồng người Việt tại Mỹ. Tôi may mắn được đi nhiều, với tâm thế của một người nhà quê ra tỉnh, tôi thích quan sát đời sống dân chúng, gần gũi chuyện trò, tìm hiểu những va đập của đời sống bà con hải ngoại ở Pháp, Đức, Anh, Ý, Bỉ, Úc, Nhật, Mỹ… khám phá những xung đột ý thức hệ trong thế kỷ qua, để có thể khôi phục lại một mảng tinh thần hầu như đã vỡ nát vì chiến tranh và những năm tháng khó khăn nối tiếp, giúp cho con người từ nhiều phía hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn.
Nhìn lại đời mình, anh nghiệm ra điều gì?
Nhà văn Nguyên Ngọc: “Có thể nói không ngần ngại rằng anh là người làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta. Trần Văn Thuỷ có một cái gì hơi giống Trịnh Công Sơn, bởi sự hòa quyện tuyệt vời giữa hình ảnh và lời bình, nâng giá trị của tư liệu lên rất nhiều. Một nhà văn chính luận sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh” Biên kịch Trịnh Thanh Nhã: “Cái được nhất, và cũng mang lại cho anh nhiều trắc trở nhất, là anh thẳng quá. Sự thẳng thắn là điều đáng trọng nhất của nhân cách người nghệ sĩ. Bao giờ anh cũng đi thẳng vào tâm điểm rất nóng của thời cuộc, với sự nhạy cảm và trách nhiệm công dân rất đáng trân trọng” |
Làm thế nào để anh có thể nuôi dưỡng niềm tin trong tâm trạng lúc nào cũng sống trên bờ vực như thế?
Nếu là năm, mười năm trước thì tôi không dám trả lời câu hỏi này. Nhưng bây giờ, tôi có đủ tự tin để nói rằng tất cả những việc tôi làm đều xuất phát từ người xem. Làm phim trong hoàn cảnh thiếu thốn về mọi nỗi, giữa thời kỳ cấm đoán như thế, nhưng tôi chỉ nghĩ đến người xem, chứ không nghĩ đến cấp trên, đến kiểm duyệt. Khi bắt đầu mỗi bộ phim, tôi cũng không bao giờ lo mình có đủ tiền không, có đoạt giải gì không… Người đời thường nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Trong đời thường, anh còn là ân nhân của nhiều học sinh nghèo, những em bé tật nguyền, và đã chắt chiu từng đồng tiền kiếm được để xây bảy cây cầu nhỏ và xây trường học cho làng mình?
Tôi đã làm được nhiều hơn thế, chị ạ. Mười bảy năm nay, tám cây cầu to, rộng, đẹp, bền chắc, xây trường tiểu học, trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, khu văn hoá, gần một trăm giếng bơm nước sạch, nhiều ngàn mét vuông bêtông đường làng, trợ cấp cho người nghèo và các cháu bị hậu quả chất độc da cam, xây dựng lăng mộ tổ, lập ấp, và nhiều việc khác nữa. Từ một làng quê nghèo khổ, cảnh trí tiêu điều, khó khăn vô cùng mà bây giờ làng tôi đẹp lắm. Tôi không nghĩ đó là việc từ thiện, vì hai chữ từ thiện tôi có cảm giác đó là sự ban ơn. Việc tôi làm chỉ là việc hiếu nghĩa. Làm việc hiếu nghĩa, tôi cũng luôn nghĩ đến thầy tôi (tôi gọi bố bằng “thầy”). Khi sống, ông chỉ lo cưu mang, giúp đỡ những người cơ nhỡ, khó khăn, lo cứu đói cho bà con năm Ất Dậu 1945… Tôi làm như vậy, cũng là một cách để báo hiếu thầy tôi, theo đuổi những việc sinh thời ông từng tâm huyết. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, tôi không phải là người giàu có đến mức làm được nhiều việc lớn như vậy. Tôi may mắn có nhiều bạn bè trong và ngoài nước, các tổ chức nhân đạo, từ thiện quốc tế. Họ quý mến tôi, thương tôi và nhiệt tình hỗ trợ những việc tôi muốn làm.
Anh nhắc nhiều đến sự tử tế, dường như đó cũng là điều anh day dứt, đau đáu nhất trong các bộ phim?
Chắc chị cũng còn nhớ mở đầu phim Chuyện tử tế, năm 1985, tôi đã viết: “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm…”. Tết năm nay, tôi được một ông bạn già cho mấy chữ trong bức thư họa: “Con người hoà thuận với nhau thì mãi mãi là mùa xuân”. Người xưa nói chí phải.
Cảm ơn anh.
thực hiện Kim Yếnchân dung hội hoạ Hoàng Tường
Những giải thưởng đã đạt được– Những người dân quê tôi, phim đầu tay, quay ở chiến trường khu Năm, đoạt giải Bồ câu bạc tại LHP Quốc tế Leipzig (1970). – Phản bội, về chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979, giải vàng LHP ViệtNam 1980, giải Đạo diễn xuất sắc. – Hà Nội trong mắt ai (bị cấm từ 1982 – 1987), giải vàng LHP Việt Nam 1988, giải Biên kịch xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất. – Chuyện tử tế (1985), giải Bồ câu bạc LHP quốc tế Leipzig, được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam”, được hơn 10 đài truyền hình lớn trên thế giới mua bản quyền và được chiếu rộng rãi ở châu Âu, Nhật Bản, Úc và Mỹ… – Chuyện từ góc công viên, Giải vàng LHP hội Điện ảnh năm 1996. – Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (1999), giải vàng LHP châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 43, danh hiệu Chứng nhân của thế giới (Witnessing The World) của hội thảo Điện ảnh quốc tế tại New York 2003, Mỹ. |
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/42485
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001