Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

KHAI MẠC HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ 4 VỀ BIỂN ĐÔNG 
Tái thiết và củng cố lòng tin

Biển Đông căng thẳng đã làm xói mòn lòng tin. Lòng tin suy giảm tạo nên mảnh đất màu mỡ để nghi kỵ phát triển. Điều này không có lợi cho bất cứ bên nào. 

Sáng 19-11, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 về biển Đông do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc tại TP.HCM với sự tham gia của gần 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang kỷ niệm 30 năm ngày Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1982) được ký kết, 10 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan tại biển Đông (DOC - 2002) và tiến trình hướng tới việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) được đẩy mạnh thêm một bước tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 đang diễn ra ở Campuchia. Trong bối cảnh ấy, hội thảo tập trung luận bàn nhiều vấn đề, đưa ra nhiều giải pháp để kiến nghị các bên liên quan đến tranh chấp củng cố lại lòng tin, hướng tới một biển Đông an ninh hơn, hòa bình và thịnh vượng hơn. 

Lòng tin đã ít còn bị xói mòn 

Nhìn lại những diễn biến xảy ra trên biển Đông trong một năm qua, nhiều người không thể không lo ngại việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan trên biển Đông đang lâm vào thế kẹt. Nhất là khi Trung Quốc không tôn trọng chính những cam kết của mình về việc thúc đẩy các biện pháp hợp tác, tăng cường lòng tin, không làm phức tạp thêm tình hình được ghi nhận trong DOC. Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý, trong bài phát biểu khai mạc, đánh giá biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới. “Tình hình biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp. Chúng ta đã vài lần “nín thở” trước tình hình leo thang, căng thẳng, xung đột nóng chỉ còn trong gang tấc” - ông Quý nói và cho rằng “tình hình càng diễn biến phức tạp, chúng ta cần phải có nỗ lực hơn, đồng thời cần phải tìm ra các phương cách hiệu quả hơn để đưa các kết quả nghiên cứu, các khuyến nghị chính sách đi vào cuộc sống”.
Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 4, khai mạc tại TP.HCM sáng 19-11. Ảnh: MC

Điểm lại những điểm nóng liên quan đến các bên tranh chấp trên biển Đông trong năm qua, nhất là sự kiện bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines; sự kiện Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, bà Stephanie Kleine - Ahlbrandt (Mỹ), Giám đốc Đông Bắc Á và Cố vấn Trung Quốc, Nhóm khủng hoảng Quốc tế (ICG), nhìn nhận: “Sức mạnh bùng nổ và thái độ cứng rắn hơn của Trung Quốc, cùng với sự đối chọi ngày càng tăng của các bên yêu sách khác đã đẩy căng thẳng trên biển Đông lên cấp độ cao hơn”. 


Trước tình hình đó, ông Quý đặt ra trước các học giả quốc tế (trong đó có học giả Trung Quốc) nhiều câu hỏi: “Liệu có tồn tại nghịch lý rằng khi nỗ lực của tất cả các bên, nỗ lực của tất cả các giới gia tăng thì tình hình biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng? Hay là nỗ lực của tất cả chúng ta chưa đủ lớn, chưa ngang tầm với tính chất phức tạp của tranh chấp, tính chất phức tạp của những biến động chính trị chiến lược ở khu vực thời gian gần đây?”. Theo ông Quý, (tình hình) biển Đông căng thẳng đã làm xói mòn lòng tin, cái vốn rất ít ỏi nhưng các bên liên quan đã mất hàng thập niên xây dựng mới có được. “Lòng tin suy giảm tạo nên mảnh đất màu mỡ để nghi kỵ phát triển. Điều này không có lợi cho bất cứ bên nào” - ông Quý nói. 

Ông Hasjim Djalal, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Indonesia, cũng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có những ký kết được xây dựng từ lòng tin với nhau và chúng ta hy vọng rằng những điều ấy được thực hiện như đã cam kết. Để được như vậy, chúng ta nhất thiết phải xây dựng lòng tin và tất nhiên là cần rất nhiều thời gian để thực hiện điều đó. Tôi mong rằng những hội thảo như thế này sẽ gắn kết cảm xúc, niềm tin và gây được sự chú ý về vấn đề này”. 

Cần vận động chính trị

Biển Đông có yên tĩnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào những hành động của các bên liên quan và nhất là của Trung Quốc. Trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM, GS Ngô Vĩnh Long, khoa Lịch sử ĐH Maine (Mỹ), nhìn nhận: Chẳng có gì lạ khi Trung Quốc tiếp tục khẳng định việc muốn trở thành một nước siêu cường về biển. Và như thế, nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo những tuyên bố về chủ quyền của mình trên biển Đông; tiếp tục có những hành động gây căng thẳng nhằm đạt được các mục tiêu tranh chấp của mình. 

GS Ngô Vĩnh Long (bìa phải) đang trao đổi với một đại biểu khác bên lề hội thảo. Ảnh: MC

Theo GS Ngô Vĩnh Long, Việt Nam và các nước có liên quan đến tranh chấp trên biển Đông cần tiến hành một cuộc vận động chính trị để thế giới, nhất là các quốc gia biển ủng hộ chính nghĩa của mình. Có như thế mới làm cho Trung Quốc cảm thấy “khó chơi” nếu còn thực hiện tham vọng của họ mà không căn cứ trên luật pháp quốc tế. 

Riêng với các nước ASEAN, thực tế cho thấy các nước không liên quan đến tranh chấp đã chọn lợi ích cho riêng mình trong mối quan hệ với Trung Quốc. Điều ấy đã ảnh hưởng không ít tới các nỗ lực cũng như tiến trình giải quyết tranh chấp mà các nước liên quan đang cố gắng đạt được và làm lu mờ hy vọng về việc ASEAN thể hiện một cách mạnh mẽ vai trò của mình trong giải quyết vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, theo GS Ngô Vĩnh Long, không nhất thiết phải vận động tất cả các nước ASEAN đồng ý hết về con đường giải quyết tranh chấp trên biển Đông mà chủ yếu là các nước liên quan, có cùng lợi ích đoàn kết lại và vận động các nước có vai trò xúc tiến, giải quyết như Indonesia ủng hộ mình.
Không thể dùng vũ lực 



Với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, trong ba ngày diễn ra (từ 19 đến 21-11), hội thảo sẽ tập trung thảo luận các chủ đề chính như biển Đông trong sự dịch chuyển địa chính trị; những diễn biến gần đây ở biển Đông; chính trị nội bộ và những chính sách đội ngoại ở biển Đông; quân sự hóa và những hệ lụy; biển Đông trong mối quan hệ giữa Mỹ - ASEAN - Trung Quốc. Hội thảo cũng dành những dung lượng thích đáng để thảo luận những khía cạnh pháp lý của vấn đề biển Đông; hợp tác ở biển Đông và việc giải quyết tranh chấp, quản lý xung đột và các phương thức hướng tới giải pháp. 



Trong ngày đầu tiên diễn ra hội thảo, một số đại biểu nhận định các biện pháp xây dựng lòng tin an ninh biển như việc thiết lập đường dây nóng, tổ chức tuần tra hải quân chung ít nhiều đã cải thiện được môi trường và quản lý vấn đề tranh chấp biển Đông dễ dàng hơn. Ngoài ra, cũng cần tận dụng các kênh ngoại giao và quốc phòng hiện đang kết nối các quốc gia trong khu vực, ví dụ như đối thoại chính phủ trực tiếp, tiếp tục các cơ chế đối thoại an ninh khu vực hiện có như ARF, EAS. 


Theo quan điểm của nhiều học giả, lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy không thể dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp như ở biển Đông. Các nước tham gia tranh chấp phải giữ cân bằng giữa bảo vệ quyền lợi của riêng mình và duy trì sự ổn định ở biển Đông. Tuy vậy, các học giả cũng cảnh báo thời gian vẫn còn nhưng ngày càng ít cho các bên tranh chấp ở biển Đông tìm kiếm giải pháp hòa bình để kiểm soát và giải quyết các tranh chấp. 
Hôm nay, hội thảo tiếp tục làm việc.
MINH CƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001