Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

KHI MỘT ÔNG CÙN GIỞ DÓI LÝ SỰ...  
Ls Nguyễn Trọng Quyết

“Lúc họp bàn thì không đưa ra ý kiến, không nói, không góp ý thẳng. Giờ quyết định xong đâu vào đấy rồi, đưa vào thực hiện thì bàn tán ỳ xèo này nọ. Đúng là cái loại “thông minh dưới gầm cầu thang”.
Đó là câu kết trong bài viết “thưa ông cục trưởng, xin mời ông xuống đường” (trích nguyên văn) đăng trên www.petrotimes.vn ngày 18/11/2012 nhằm phản bác lại nội dung trả lời phỏng vấn của ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp trên báo điện tử vnexpress.net ngày 16/11/2012.
Để phản bác quan điểm của ông Sơn và so sánh trí thông minh của ông Cục trưởng thuộc dạng “thông minh dưới gầm cầu thang”, tác giả bài báo đã đưa ra một xảo lý lẽ để biện hộ cho quy định xử phạt xe “không chính chủ” của Nghị định 71 vừa được ban hành và áp dụng. Nào là ví dụ về một thằng trộm vừa “thó” một cái xe máy, nào là kẻ gây tai nạn quẳng xe ở lại, nào là nếu theo ý kiến của ông Sơn thì hóa ra quy định công dân ra đường phải mang theo giấy tờ tùy thân, điều khiển phương tiện phải có đăng ký đều sai. Còn việc cảnh sát giao thông kiểm tra giấy đăng ký phương tiện cũng là sai nốt… Khẳng định chắc nịch phát ngôn của ông Cục trưởng là thiếu chuẩn mực và chưa xứng tầm, tác giả bài viết còn khuyên nhủ ông Sơn nên xuống đường “vi hành” để thấy sự đúng đắn của những lý lẽ trên đây, “được trải nghiệm nắng mưa và muôn vàn những tình huống cần phải xử lý trong quá trình đảm bảo trật tự của một chiến sỹ cảnh sát”…
Đúng vậy! Hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả bài viết khi cho rằng “mỗi một quy định được đưa vào cuộc sống, không đơn giản người ta chỉ ngồi “cân đong đo đếm” câu chữ trong văn bản mà phải mang ra, “ném vào thực tế” để chứng thực”.
Thế nhưng, những lý lẽ mà phóng viên đưa ra trong bài viết để phản bác lại quan điểm của ông Cục trưởng lại hoàn toàn mâu thuẫn với quan điểm trên đây. Xin hỏi: mỗi năm, ngành cảnh sát giao thông trên cả nước đã phát hiện ra bao nhiêu vụ trộm cắp thông qua việc kiểm tra giấy tờ chứng minh quyền sở hữu phương tiện? mỗi năm, đã xảy ra bao nhiêu vụ mà người vi phạm hay tai nạn giao thông “quẳng lại xe của mình và đi mất tích”? Tất cả đều không có. Như vậy, cả hai lý lẽ căn bản nhất đưa ra nhằm phản biện quan điểm của người khác lại thuần túy là những lý lẽ suông theo kiểu ngồi bàn giấy cân, đong, đo, đếm và ném lên mặt báo – cái cách mà tác giả bài viết vừa xỉ vả.  
Một quy định được banh hành và áp dụng nhiều năm không có nghĩa đó là một quy định đúng. Đã có thời, khẩu hiệu “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật” được giăng lên khắp nơi. Nhưng mãi tới sau này, người ta mới vỡ lẽ ra một sự thật hiển nhiên và hết sức đơn giản là: hiến pháp thực ra cũng chỉ là một văn bản quy phạm pháp luật và nằm gọn trong khái niệm “pháp luật”.


Quay trở lại với quy định gây nhiều tranh cãi của Nghị định 71 về việc xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật, trước hết cần thiết phải nhìn nhận quy định này dưới góc độ pháp lý.
Về mặt khoa học, một quy phạm pháp luật được cấu tạo bởi 3 phần: phần giả định, phần quy định và phần chế tài. Quy định về xử phạt khi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông thực chất chỉ là phần “chế tài” của quy phạm. Như vậy, quy phạm pháp luật ở đây “đại khái” là:
“Khi chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông, bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, người vi phạm sẽ bị xử phạt …”.
Đây được coi là một quy phạm pháp luật hoàn chỉnh với đầy đủ các phần giải định, quy định, chế tài. Dễ dàng nhận thấy: nếu quy phạm này được ban hành thì có tới 02 chủ thể sẽ vi phạm pháp luật nếu chuyển quyền phương tiện mà không sang tên: một là bên chuyển quyền, hai là bên nhận chuyển quyền. Sự bình đẳng của pháp luật thể hiện ở chỗ, bất cứ ai vi phạm đều bị xử lý. Nhưng tại sao, Nghị định 71 chỉ xử phạt bên nhận chuyển quyền mà “ngó lơ” bên còn lại?
Chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông thực chất là giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản, được điều chỉnh cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2005 – văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn các loại nghị định do Chính phủ ban hành. Vậy, văn bản này quy định thế nào về trách nhiệm làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản?  
Tại khoản 2 Điều 439 Bộ luật Dân sự 2005 nêu:
“2. Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với những tài sản đó”.
Tiếp đến, khoản 2 Điều 440 của Bộ luật quy định về “thời điểm chịu rủi ro” như sau:
“Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản, nếu không có thoả thuận khác”.
Điều 466 của Bộ luật quy định về hiệu lực của hợp đồng tặng cho động sản:
“Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”.
Đây là những quy định rõ nhất của Bộ luật Dân sự hiện hành về chuyển quyền sở hữu tài sản (mua bán, tặng cho là những hình thức chuyển quyền phổ biến và điển hình). Nghiên cứu kỹ cho thấy, trong phần “quy định” của các quy phạm, Nhà nước không buộc các chủ thể tham gia giao dịch phải tiến hành làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với tài sản nói chung, tài sản là phương tiện giao thông nói riêng. Pháp luật chỉ quy định khi nào thì quyền sở hữu phát sinh đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu và thậm chí còn đưa ra quy định mang tính chất khuyến cáo: bên chuyển quyền vẫn phải chịu rủi ro nếu tài sản chuyển nhượng chưa đăng ký sang tên cho bên nhận chuyển quyền. Cần phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm: “tài sản phải đăng ký quyền sở hữu” và “phải đăng ký quyền sở hữu khi chuyển quyền sở hữu tài sản”.
Đó là chưa kể đến trường hợp: ông A là chủ sở hữu chiếc ô tô không may qua đời. Nếu áp dụng quy định của Nghị định 71 thì những người thừa kế của ông A phải phân chia di sản xong (theo di chúc hoặc theo pháp luật). Trên cơ sở kết quả phân chia, người được hưởng thừa kế chiếc xe phải làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu. Và trong suốt thời gian từ khi ông A chết cho đến khi đăng ký sở hữu cho người thừa kế xong, chiếc xe phải nằm gọn trong “gara”. Nhưng xin thưa: có những tranh chấp về thừa kế thậm chí 5 năm chưa giải quyết xong và có những trường hợp không giải quyết nổi. Vậy, chiếc xe ô tô không lẽ cứ phải nằm chờ?
777 điều luật của Bộ luật Dân sự 2005 – đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh các quan hệ pháp luật dân sự không có bất cứ quy phạm nào quy định rằng: đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì các bên tham gia giao dịch bắt buộc phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu khi xác lập giao dịch đó. Nói cách khác, không có “quy định” thì cơ sở nào để Chính phủ đưa ra “chế tài” thông qua việc ban hành Nghị định 71?
Ở góc độ khác, quy định xử phạt về hành vi không chuyển quyền sở hữu đã phản ánh sự “đối xử” bất công bằng của Chính phủ với các loại phương tiện. Xe đạp, xe bò kéo, xe ngựa kéo… cũng là những phương tiện giao thông và hoàn toàn có thể gây ra tai nạn. Nếu pháp luật bắt buộc người dân phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với ô tô, xe máy thì cũng phải bắt buộc họ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với xe đạp, xe bò kéo, xe ngựa kéo… Tức là khi tham gia giao thông, người điều khiển các loại phương tiện thô sơ này cũng phải xuất trình hợp đồng mua bán (vì đây là các tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu). Điều này quả là kỳ cục nhất trái đất, thậm chí là vi phạm pháp luật vì giao dịch dân sự hoàn toàn có thể được xác lập bằng “miệng”. Nhưng nói mua bán bằng “miệng” thì liệu có đồng chí cảnh sát giao thông nào tin?  
Hơn nữa, việc không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện hoàn toàn không có nghĩa là: nếu chuyển quyền sở hữu thì việc tham gia giao thông sẽ an toàn hơn, còn nếu không chuyển quyền sở hữu thì sẽ ít an toàn, dễ gây tai nạn hơn. Sự an toàn trong tham gia giao thông thể hiện trước hết ở tiêu chuẩn của người điều khiển (có hay không có bằng lái), chất lượng phương tiện (thể hiện trong giấy tờ kiểm định) và sự tuân thủ của người điều khiển đối với các quy tắc giao thông. Ông B có bằng lái, mua chiếc xe máy của ông A đảm bảo chất lượng thì đâu có nghĩa ông B sẽ điều khiển chiếc xe máy kém an toàn hơn nếu chiếc xe vẫn đứng tên ông A trong giấy đăng ký?!
Nghiên cứu vấn đề này, không thể không tham vấn về một số quy định của Bộ luật hình sự. Tại các Điều 202, 204, 205 Bộ luật hình sự 1999, Nhà nước chỉ quy định tội danh hoặc các tình tiết tăng nặng định khung đối với các trường hợp: gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi tham gia giao thông nhưng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ; không có giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe theo quy định; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; gây hậu quả rất nghiêm trọng…; đưa vào sử dụng phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn; điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ… Không có bất cứ tình tiết định tội, định khung hay tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nào liên quan đến hành vi không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Tác giải H.C không dưới đôi lần đưa ra trường hợp người điều khiển phương tiện gây tai nạn rồi bỏ chạy để bác bỏ quan điểm của ông Sơn. Xin thưa, tác giả đã không đọc quy định tại điểm b, khoản 6 Điều 8 của Nghị định 34, được sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định 71, cụ thể là:
“…6. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:
….
b) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường; bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.”.
Quy định này nói về điều gì? Liệu có phải là điều mà tác giả H.C kêu ca không? Và thậm chí, “ní nuận” này của tác giả H.C cũng được giải quyết theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999.
Về trường hợp thằng trộm “thó” xe mà tác giả H.C nói tới thì phải được giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự, tức là phải khởi tố vụ án, truy tìm và khởi tố bị can, buộc kẻ trộm cắp phải trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại…, mắc mớ chi đến Nghị định 71 của Chính phủ?
Tóm lại, tôi đã giành 4 tiếng đồng hồ để viết bài này chỉ muốn nói với tác giả H.C một điều: loại “thông minh dưới gầm cầu thang” chưa hẳn đã là ông Lê Hồng Sơn./.

                                                                * Nguồn liên quan:
- http://www.petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/thua-ong-cuc-truong-xin-moi-ong-xuong-duong.html
- http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2012/11/bat-chung-minh-xe-chinh-chu-la-vo-ly/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001