Vũ Cao Đàm
Vừa qua, Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã ra một nghị quyết về khoa học và công nghệ (KH&CN).Quan hệ giữa khoa học và chính trị là một chủ đề đã tiêu tốn rất nhiều giấy mực qua bao thế hệ của cả giới khoa học gia và giới chính trị gia, không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Tôi thử vào mạng, tra cụm từ “The relationship between science and politics”, thì chỉ trong 30 giây đã hiện lên 228 triệu mục từ có nội dung liên quan.
Có thể ghi nhận, trên lời lẽ thì đó là một chỉ dấu tốt.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế mà nói, qua kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trong hệ thống XHCN, ngoài việc sử dụng các thành tựu KH&CN để chế tạo vũ khí, chưa có một quốc gia nào có nền KH&CN phát triển theo đúng nghĩa. Ở Việt Nam, một cái kim cũng không làm được; các nguyên liệu quan trọng như thép đều phải đi nhập; và trong đời sống khoa học thì một kẻ có chút bằng gọi là “Viện sĩ nước ngoài” (cầm chắc mười mươi là dỏm) lại đứng ra cổ vũ hết lời cho một tên bịp làm cái trò “biến nước thành xăng”. Nguyên nhân nào dẫn đến bức tranh bi hài thê thảm kia?
Tác giả Vũ Cao Đàm, trong những năm làm Viện trưởng một viện nghiên cứu về chính sách KH&CN thuộc Bộ KH&CN, có nhiều cơ hội được tiếp xúc với các nhà làm chính sách KH&CN ở các nước thuộc cả khối XHCN và ngoài XHCN, đã mạnh dạn nêu lên một số ý nghĩ trong bài viết này với hy vọng góp phần gỡ những “nút cổ chai” thắt nghẹt trong bao nhiêu năm để dần dần hiện thực hóa mong muốn phát triển KH&CN vốn rất quen thuộc trên ngôn từ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Bauxite Việt Nam
Trong các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), chủ đề này không chỉ được bàn trong giới học thuật, mà còn được thể hiện trong các văn kiện của các đảng cộng sản cầm quyền.
Các sách giáo khoa triết học marxist có cả một chương về “Hình thái ý thức xã hội” đề bàn về mối quan hệ này. Tra mục từ “Hình thái ý thức xã hội” trong Từ điển triết học Liên Xô (Bản tiếng Nga năm 1975, Bản tiếng Việt năm 1986), chúng ta suy ra được những điều thú vị. Tôi xin tóm tắt mấy ý sau:
- Thứ nhất, khoa học và ý thức hệ chính trị, là 2 trong một số hình thái ý thức xã hội.
- Thứ hai, mỗi hình thái ý thức xã hội có một chức năng xã hội và một hình thức biểu hiện riêng biệt
- Thứ ba, các hình thái ý thức xã hội thì tương tác, nhưng độc lập tương đối, chứ không lệ thuộc lẫn nhau.
Tôi không phải nhà nghiên cứu marxist, nên tôi không có ý định tra cứu xem Marx đã nói câu đó ở đâu, nhưng cứ theo như Từ điển triết học Liên Xô, thì chắc chắn điều này họ không thể nói trái với ý ông tổ ý thức hệ Karl Marx của họ.
Tuy nhiên, các chính trị gia và một số khoa học gia ở các nước XHCN, miệng thì nói là theo học thuyết của Marx, nhưng thật ra có việc họ đã không làm theo những gì mà sách triết học marxist đã viết. Một trong những việc đó là xử lý mối quan hệ giữa khoa học và chính trị không theo những gì mà triết học Marx viết ra, như tôi vừa trích dẫn từ cuốn Từ điển triết học Liên Xô.
Cái sự bi hài đáng được bàn đến có hai mặt: Một mặt, giới khoa học và giới chính trị kỳ thị nhau, bài xích lẫn nhau, trong đó, giới chính trị nắm đầy quyền lực đàn áp giới khoa học, nếu thấy những điều họ nói đụng chạm đến quyền lực của giới chính trị. Một mặt khác, giới khoa học và giới chính trị lợi dụng nhau. Hai mối quan hệ này không tách bạch ra một cách rạch ròi, mà nó xen lẫn vào nhau, khiến người đời không dễ gì nhận ra như ranh giới giữa hai màu đen và trắng.
*
Một lần tôi đọc được ở đâu đó, câu nói rất hay của nhà nghiên cứu
Trần Bạch Đằng, rằng không được xem khoa học là một thứ “nàng hầu” của
chính trị. Ông Trần Bạch Đằng dung từ “nàng hầu” là một từ Việt rất cổ,
với nghĩa là những cô gái nuôi trong nhà để hầu hạ và phục vụ việc chăn
gối cho ông chủ.Tôi nhớ, hồi 1978, khi được mời đến dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập một viện nghiên cứu về khoa học xã hội rất lớn ở Việt Nam, tôi được tặng một cuốn sổ kỷ niệm của viện này, với một câu viết rất trang trọng ở trang đầu tiên: “Khoa học xã hội Việt Nam phải có nhiệm vụ giải thích đường lối của Đảng CSVN”. Mấy vị ngồi quanh tôi thầm thì to nhỏ: “Vậy nhỡ đường lối của Đảng sai thì khoa học xã hội Việt Nam giải thích thế nào nhỉ?” Tôi nghe người kia hích ông ta: “Suỵt, chớ có nói dại. Đường lối của Đảng chỉ có từ đúng trở lên”.
Điều đó sau này được giải thích là do “chúng ta” còn ấu trĩ. Không biết cái “chúng ta” ở đây là ai? Là giới nghiên cứu lý luận Mác-Lê, hay là các nhà khoa học xã hội nói chung, hay là ai đó… ngồi ở vị trí “cao hơn” những người ấy?
Cho đến khi ông Đỗ Mười lên làm Tổng bí thư (1991), thì trong cuộc gặp gỡ các nhà khoa học tại Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đầu xuân 1992, ông nói một câu gây chấn động dư luận: “Khoa học phải có nhiệm vụ phản biện đường lối của Đảng và, hơn nữa, phải góp phần xây dựng luận cứ cho đường lối của Đảng”. Có lẽ ông là nhà lãnh đạo đầu tiên (ở cấp bậc của ông) nói đến khái niệm “phản biện”.
Tôi nghe nhiều người chê trách ông Đỗ Mười về một số việc nọ việc kia… Thôi thì đấy là việc của họ, nhưng riêng cái cách nhìn nhận vai trò khoa học như thế này của ông Đỗ Mười thì đáng đánh giá ông cao lắm. Bởi vì, ngay giờ phút này đây, có nhà khoa học nào phê phán cái gì đó nghe nghịch nhĩ một chút thì vẫn dễ dàng bị quy chụp là “mắc mưu thế lực thù địch”. Cái người viết bài để quy chụp ấy có khi còn ký tên là “Giáo sư”, “Tiến sỹ” gì gì nghe oai phong về khoa học lắm.
Tôi muốn nói cần phải đánh giá ông Đỗ Mười rất cao về quan điểm này, vì ngay đến tận hôm nay, hai mươi năm sau ông Đỗ Mười nói được một câu hay như tôi vừa trích dẫn trong quan hệ giữa khoa học và chính trị, vẫn không có được mấy người trong giới chính trị nói được như ông đâu. Họ vẫn quan niệm rằng khoa học phải có nhiệm vụ minh họa đường lối chính trị, rất sợ bọn khoa học nghiên cứu những điều “trái” với đường lối của Đảng. Điều này thậm chí còn được viết trong một số văn kiện chính thức, rằng “Không được lợi dụng công việc nghiên cứu khoa học để xuyên tạc đường lối của Đảng”.
Tôi nhớ lại có hồi tôi được Vụ tổ chức của Bộ cử đi học lớp chính trị cao cấp, được nghe một vị giảng viên tên là Trần N… giảng một bài rất thú vị như sau: “Vì sao giai cấp công nhân kiên định cách mạng, còn bọn trí thức thì bấp bênh dao động và sợ địch?… ” Rồi ông giảng giải: “… Là … là tại vì bọn trí thức nó lắm ngoại ngữ, nó đọc ghê lắm, nó đọc nhiều lắm, nó đọc suốt ngày, vì thế nó biết hết bọn đế quốc sài lang, vì thế mà nó sợ”. Ông Trần N. có lẽ chỉ hơn tôi dăm ba tuổi gì đó, cho nên chắc hiện nay ông vẫn còn mạnh khỏe và chắc sẽ đọc được những điều tôi vừa viết.
Đương nhiên, giới chính trị không biết đến các chuẩn mực của khoa học: Năm 1942, nhà xã hội học (về) khoa học của Mỹ, Robert K. Merton đưa ra bốn chuẩn mực cho cộng đồng khoa học, viết tắt là CUDO, và được giải thích như sau: (1) Tính cộng đồng (Communalism); (2) Tính phổ biến (Universalism); (3) Tính không vị lợi (Disinterestedness) và (4)Tính hoài nghi (Organised Skepticism). Vào khoảng thập niên 1970, cộng đồng khoa học bổ sung thêm một chuẩn mực nữa: (5) Tính độc đáo (Originality), và cụm từ viết tắt được kéo dài thành CUDOS. Chữ O trước đây là viết tắt của “Organized Skepticism”, thì nay dùng đại diện cho “Originality”
Trong 5 chuẩn mực này, có một chuẩn mực khiến các chính trị gia rất ghét bọn khoa học. Đó là “tính hoài nghi”. Nhưng các thế hệ khoa học thì luôn nhắc nhở nhau, phải biết hoài nghi mọi kết quả nghiên cứu.
Tuy ghét giới khoa học, nhưng giới chính trị hiện đại rất sính các loại mác khoa học, chưa có bằng Cử nhân thì phải kiếm cho được cái bằng Cử nhân, chưa có bằng Tiến sỹ thì phải kiếm cho được cái bằng Tiến sỹ, có bằng Tiến sỹ rồi thì chạy cho được cái hàm Giáo sư. Theo họ, hình như cái mác khoa học này sẽ làm cho tiếng nói của họ được tin cậy hơn… Chúng ta có thể thấy nhan nhản những bài viết đủ mác nọ mác kia, nhưng sặc mùi chính trị lỗi thời.
Chưa hết, các phe phái chính trị đánh nhau cũng rất thích dùng một số “nhà” khoa học làm cái mà ngôn từ đường phố Hà Nội hiện đại gọi là “chân gỗ”, là thứ chân chắp cho những anh què. Cái loa của các “giáo sư” và “tiến sỹ” này được phát đi rất to, đánh vào cái yếu mà phe kia cần khai thác…, trong khi nói như cụ bà Lê Hiền Đức, là “Mặt ông nào cũng nhọ cả”… Cái ông ăn cơm Tàu thì đánh cái ông ăn cơm Tây hoặc ăn hớt của dân. Ăn cơm Tàu thì dân không thấy được, còn ăn hớt của dân thì dân nào cũng trông thấy… Vì thế bắc loa chửi cái thằng ăn hớt của dân dễ được lòng dân.
Trong cơn bão lốc tấn công bọn tham nhũng, tôi đọc được trên blog của nhạc sỹ Tô Hải một bài “Phấn Đấu Ký” (đã lâu tôi không tra cứu lại được, bạn nào tra cứu được xin mách giùm) rất thú vị. Cụ Tô Hải nói ý là: Cái thằng bị chửi kia (ý nói đồng chí X) chỉ là hạng ăn cắp vặt trong nhà so với cái bọn đang to mồm chửi. Cụ Tô Hải nói rõ thêm: Các vị to mồm chửi kia mới chính là những kẻ đang vác bom đặt trên nóc nhà mình”, Ý của cụ nói về những vị đang ôm bom của các đồng chí 4 tốt và 16 chữ vàng đặt trên nóc căn nhà của Tổ quốc chúng ta..
Bây giờ tôi xin bàn một chút về cái gọi là giới khoa học trong xã hội cộng sản. Có thể nói, người đầu tiên viết về khoa học trong xã hội cộng sản là một nhà vật lý chất rắn người Ireland, John Desmond Bernal (1901-1971), trong cuốn sách rất nổi tiếng “The Social Function of Science”, là cuốn sách đã khởi xướng một lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ của thế giới, là “Khoa học về Khoa học” (Science of Science, ngày nay gọi là Science and Technology Studies) , trong đó ông đưa ra một cách hiểu mới về khái niệm “worker”, bao gồm các worker “cổ trắng” (giới trí thức), và worker cổ xanh (công nhân), ông cũng đưa khái niệm mới về thất nghiệp, gọi là thất nghiệp do công nghệ (technological unemployement), chứ không chỉ do tư bản bóc lột như quan niệm của Marx, và từ đó, khái niệm working class sẽ không còn chỉ được hiểu là giai cấp của giới thợ nữa, mà là của tất cả những ai là worker (cổ trắng và cổ xanh)
Ông là đảng viên cộng sản Anh, nhưng cuốn sách của ông bị giới triết học Liên Xô đả kích rất dữ dội ở Liên Xô và các nước XHCN, cho là những khái niệm mà ông đưa ra nhằm xóa nhòa ranh giới giai cấp và đấu tranh giai cấp.
Điều này cho thấy, là giới chính trị Marxist luôn chống lại những gì mới mẻ trong khoa học. Công bằng nhìn lại, suốt gần trăm năm tồn tại các quốc gia XHCN, chưa có một ngành khoa học mới nào được khai sinh từ các quốc gia này. Không những vậy, tất cả cái mới trong khoa học đều bị giới chính trị Marxist đả kích, thậm chí những lĩnh vực khoa học chẳng dính gì đến chính trị như Toán Kinh tế còn bị đả kích ở Liên Xô suốt gần một thập niên.
Nhắc lại những sự kiện này, tôi muốn lắc một hồi chuông cảnh tỉnh các nhà chính trị hãy đối xử với khoa học phù hợp những chuẩn mực của nó do Merton khởi xướng và được cộng đồng khoa học thế giới thừa nhận và tuân thủ, xem như các thiết chế xã hội nhằm điều chỉnh hành vi của nhà khoa học và của xã hội đối xử với khoa học.
Công bằng mà nói, tôi biết nhiều nhà lãnh đạo cộng sản thành tâm nghĩ đến việc sử dụng khoa học như một công cụ phát triển quốc gia của mình, nhưng các thiết chế chính trị cộng sản đã ngăn cản họ. Có lẽ chưa có một đảng cộng sản nào ra một nghị quyết hay của ban chấp hành trung ương đảng về khoa học như Nghị quyết về phát triển khoa học của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Hungary sau sự biến Hungary năm 1956, trong đó có đoạn viết rằng “Phải tránh các rủi ro chính trị cho các nhà nghiên cứu khoa học xã hội”.
Tuy nhiên cái mà một mình Đảng Cộng sản của Hungary hay một đảng cộng sản nào đó muốn tránh, thì cái gậy chỉ huy từ Moscow cũng không buông tha. Những tư tưởng khoa học về cải cách kinh tế theo hướng chủ nghĩa xã hội tự quản ở Nam Tư, hoặc chủ nghĩa xã hội thị trường ở Tiệp Khắc đã bị Liên Xô dẹp tan từ trong trứng nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra một nghị quyết trung ương về KH&CN. Xã hội Việt Nam ngày nay có những mặt cởi mở hơn nhiều so với Hungary và Tiệp Khắc trước đây. Đó là một chỉ dấu tích cực. Tuy nhiên, không phải là thừa khi chúng ta nhắc lại tiếng chuông cảnh báo rằng: các thiết chế xã hội của chủ nghĩa cộng sản vẫn là một yếu tố cản trở khoa học phát triển. Thiết chế ấy là cái mũ kim cô ý thức hệ luôn có xu hướng chống lại cái mới từ trong trứng nước, và ngày nay được trang bị thêm một cái mũ kim cô mới hơn nữa, gọi tên là “thế lực thù địch”, mà anh bạn “4 tốt”và “16 chữ vàng” đã lên tiếng cảnh báo “các đồng chí trong cộng đồng ý thức hệ” với họ [sự mách nước của bè lũ khốn này vô cùng thâm hiểm và kéo dài từ 1952 đến tận hôm nay đã khiến nhiều lúc người cầm chịch đất nước rơi vào những cái bẫy chết người, gây ra bao cảnh người Việt tàn sát người Việt không nương tay, nhưng khốn nỗi đó là lời phỉnh đường mật nên bao giờ ruồi cũng bâu lấy – Chú thêm của BVN].
Để kết thúc bài này, tôi muốn một lần nữa nhắc lại những ý quan trọng mà tôi ghi nhận được trong lời phát biểu của ông cựu Tổng bí thư Đỗ Mười: “Hãy sử dụng khoa học làm công cụ phản biện đường lối chính trị và xây dựng luận cứ cho việc hoạch định đường lối chính trị của Đảng”.
V.C.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/42954
======================================================================
VÀI Ý KIẾN VỀ BÀI ‘LẠI BÀN VỀ QUAN HỆ GIỮA KHOA HỌC VÀ CHÍNH TRỊ’
Lê Anh Hùng
Hà Nội, 12/12/2012
LTS.
Bài viết này đã nhận
được sự tán đồng của ông Vũ Cao Đàm. Ông chỉ lo ngại là tôi sẽ gặp phải phiền
toái nếu đăng bài viết mà ông nhận xét là “rất hay và rất thẳng thắn” này thôi.
Tuy nhiên, như tôi đã gửi thư cho ông và BVN: “Theo tôi, vì bài viết của ông Vũ Cao Đàm có ảnh hưởng lớn (có tác dụng
định hướng dư luận), trong khi quan điểm ngộ nhận của ông lại được lồng vào
trong một bài viết rất công phu và sâu sắc, đăng ở ngay trang đầu của một trang
mạng được cho là của giới trí thức nên sự ngộ nhận đó lại càng tai hại. Việc
phản biện lại quan điểm đó rõ ràng là rất cần thiết vì lợi ích chung của cộng
đồng và xã hội. Tôi cũng rất vui mừng là ông Vũ Cao Đàm đã chia sẻ quan điểm
của tôi”, tôi vẫn quyết định đăng bài viết này.
Lê Anh Hùng
Ngày 6/11/2012, trang Bauxite Việt Nam đăng bài “Khoa học và chính trị” của tôi.
Sau đó vài hôm, tôi nhận được thư góp ý của ông Vũ Cao Đàm cho cả tôi và GS
Nguyễn Huệ Chi.
Mở đầu bức thư, ông Vũ Cao Đàm viết:
Tôi rất tâm đắc khi đọc bài viết “Khoa học và Chính
trị” của ông Lê Anh Hùng trên Bauxite Việt Nam (BVN). Bài viết rất hay và chỉ
ra cái chỗ yếu rất đúng trong mối quan hệ giữa khoa học và chính trị.
Tôi cũng có ý định viết một bài hưởng ứng với ông, vì
ở Việt Nam hiện nay, quá nhiều người xử lý nhập nhằng mối quan hệ này, trong đó
có một số vị trong giới khoa học chạy theo con đường cơ hội chính trị và một số
vị trong giới chính trị lại nhân danh khoa học để đánh bóng các quan điểm chính
trị một cách vô căn cứ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt rất hay đó, bài viết của
ông vẫn có đôi chỗ mà tôi muốn được tham góp một vài ý kiến, rất mong ông lượng
thứ, nếu có điều gì đó làm ông không vui.
Những chỗ mà ông Vũ Cao Đàm muốn góp ý cho bài viết
của tôi là (i) thông tin “GS Tạ Quang Bửu là người quyết định việc thi đại học”
mà tôi đưa trong bài viết không hoàn toàn đúng, và (ii) ông không nhất trí với
việc tôi “xếp và tôn vinh” một trong số các nhà khoa học mà tôi nêu tên trong
bài viết ngang hàng với những người còn lại. Cuối bức thư, ông nhận xét: “Đất nước này đang khủng hoảng các giá trị
và niềm tin. Một tờ báo gọi là của trí thức như BVN, không nên để xen vào những
giá trị và niềm tin sai lệch.”
Ban đầu, tôi dự định đăng bức thư phản hồi được viết rất
sâu sắc và chân thành của ông Vũ Cao Đàm để độc giả phán xét. Tuy nhiên sau đó,
ông Vũ Cao Đàm hồi âm rằng đấy là thư riêng, không nên đăng vào thời điểm
này, bởi nếu đăng thì mọi chuyện sẽ bị phanh phui ra, không chỉ nhân vật kia mà
cả giới trí thức sẽ mang tiếng.
Trong thư trả lời ông Vũ Cao Đàm, tôi đã thừa nhận đây
là một sơ sót và là một bài học sâu sắc mà tôi sẽ còn nhớ mãi, mặc dù sơ sót
này đáng được “châm chước” vì tôi không nắm được những thông tin về nhân vật
kia qua kênh báo chí, cả “lề phải” cũng như “lề trái”.
Ngày 26/11/2012, ông Vũ Cao Đàm đăng bài “Lại bàn về quan hệ giữa khoa học và
chính trị” trên trang Bauxite Việt Nam . Đây quả là một bài viết rất công
phu, thể hiện tầm trí tuệ vừa sâu vừa rộng của tác giả. Tuy nhiên, đáng tiếc là
tác giả lại đưa ra một vài nhận định quá chủ quan, và nó dường như thể hiện một
niềm tin sai lệch (điều mà trước đó chính tác giả đã phê phán tôi) về chính
trị. Đó chính là 2 đoạn mà ông viết:
Chưa hết, các phe phái chính trị đánh nhau cũng rất
thích dùng một số “nhà” khoa học làm cái mà ngôn từ đường phố Hà Nội hiện đại
gọi là “chân gỗ”, là thứ chân chắp cho những anh què. Cái loa của các “giáo sư”
và “tiến sỹ” này được phát đi rất to, đánh vào cái yếu mà phe kia cần khai
thác…, trong khi nói như cụ bà Lê Hiền Đức, là “Mặt ông nào cũng nhọ cả”… Cái
ông ăn cơm Tàu thì đánh cái ông ăn cơm Tây hoặc ăn hớt của dân. Ăn cơm Tàu thì
dân không thấy được, còn ăn hớt của dân thì dân nào cũng trông thấy… Vì thế bắc
loa chửi cái thằng ăn hớt của dân dễ được lòng dân.
…Cụ Tô Hải nói ý là: Cái thằng bị chửi kia (ý nói đồng
chí X) chỉ là hạng ăn cắp vặt trong nhà so với cái bọn đang to mồm chửi. Cụ Tô
Hải nói rõ thêm: Các vị to mồm chửi kia mới chính là những kẻ đang vác bom đặt
trên nóc nhà mình”. Ý của cụ nói về những vị đang ôm bom của các đồng chí 4 tốt
và 16 chữ vàng đặt trên nóc căn nhà của Tổ quốc chúng ta.
Rõ ràng, ý tác giả là trên chính trường Việt Nam
hiện nay đang có cuộc đấu đá giữa hai phe phái: phe thân phương Tây (phe tham
nhũng) do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu và phe thân Tàu của TBT Nguyễn Phú
Trọng. Đây quả là một sự ngộ nhận đáng tiếc.
Xin dẫn ra đây một số thông tin từ những nguồn khác
nhau để cho thấy quan điểm của ông Vũ Cao Đàm là một sự ngộ nhận:
- Kể từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là nắm nhiều quyền lực nhất ở Việt Nam suốt mấy năm qua, lên làm Thủ tướng năm 2006, nền kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, thể hiện qua giá trị nhập siêu gia tăng với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây, cũng như việc hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, kéo theo đó là sự hiện diện của hàng chục ngàn “công nhân” Trung Quốc trên khắp Việt Nam cũng như những hiểm hoạ khó lường về an ninh – quốc phòng. Về mặt kinh tế, điều này đã gây ra những thiệt hại không thể đong đếm cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai. Chắc chắn là bất kỳ một vị Thủ tướng “trung lập” nào cũng không thể thản nhiên đứng nhìn thực trạng đáng báo động đó kéo dài hết năm này sang năm khác, chứ đừng nói gì đến chuyện ông ta lại còn “thân phương Tây” hay “chống Tàu” nữa.
- Ngày 22/11/2012, tướng Đồng Sỹ Nguyên và tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã công bố bức thư chung “Mạo danh là hèn và phạm pháp”, trong đó hai vị tướng đã đưa ra nhận định thẳng thắn: “…chúng tôi còn nghi vấn cuộc gặp của Thủ tướng với Tập Cận Bình nhân Hội chợ Quảng Tây, mặc cả với nhau những gì?! Sau này chắc sẽ rõ.” Hai nhân vật nổi tiếng này vốn là những quan chức cao cấp của chế độ nên chắc chắn họ hiểu rõ bộ máy lãnh đạo hiện nay hơn những người bên ngoài; và dĩ nhiên, với uy tín của họ, đây không phải là nhận định vu vơ.
- Ngày 30/11/2012, trang Bauxite Việt Nam đăng bài “Toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn dân. Tại sao Đảng cứ tìm cách ém nhẹm?” trong đó tác giả nêu câu hỏi: “Lời tuyên bố của Chủ tịch nước về ai đó “cõng rắn cắn gà nhà” phải hiểu như thế nào? Là ai? Chắc chắn người đó phải quan trọng, phải ở bên cạnh Chủ tịch nước mới được quan tâm đến. Trong Bộ chính trị? Ai đang lãnh đạo đất nước chung với Trần Ích Tắc? Cùng hội cùng thuyền?” Đương nhiên, trong thời điểm mà ông Chủ tịch nước được cho là đang “liên minh” với ngài Tổng Bí thư để chống lại “phe tham nhũng” thì hẳn mọi người đều hiểu “đối tượng” bị lên án đó là ai rồi.
- Vụ “hộ chiếu đường lưỡi bò” mới đây lại là một bằng chứng hùng hồn nữa cho thấy Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là “thân phương Tây” hay “theo Tàu”. Mặc dù hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã ra đời từ tháng 5/2012, nhưng mãi đến cuối tháng 11/2012 vụ việc mới được hé lộ. Những gì diễn ra thời gian qua đã cho thấy một Chính phủ hoàn toàn bị động, không có một hành động kiên quyết và bài bản nào để đối phó với sự leo thang trắng trợn và nham hiểm của Trung Quốc, mà như trang Ba Sàm ngày 1/12/2012 nhận xét: “Hé lộ của báo An ninh Thủ đô về thực tế hoàn toàn bị động của cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Công an, phải để cho lực lượng Bộ đội Biên phòng ở một hai cửa khẩu thúc vào lưng như lũ lừa mà vẫn như đờ đẫn, đã càng chứng tỏ một chiến lược … ‘quy hàng’.”
- Khi cần thiết, “phe Nguyễn Tấn Dũng” và “phe Nguyễn Phú Trọng” vẫn sẵn sàng “bắt tay” nhau nếu họ cùng có chung lợi ích, chẳng hạn như thời điểm ngay trước và sau Đại hội XI của Đảng CSVN, khi họ hợp sức với nhau để chống lại phe nào đó muốn giành giật hoặc chiếc ghế Tổng Bí thư hoặc vị trí Thủ tướng. Điều này rất dễ đối với họ, bởi thực chất họ đều chung một lập trường bảo thủ, và chịu sự chi phối của Bắc Kinh.
Sự ngộ nhận của ông Vũ Cao Đàm thể hiện qua bài viết
của mình là rất tai hại.[i] Bởi
những bài viết của những bậc trí thức khả kính như ông, ở mức độ nào đó, luôn
có tác dụng định hướng và dẫn dắt dư luận. Nếu quả thực “phe Nguyễn Tấn Dũng”,
người được cho là nhiều quyền lực nhất Việt Nam mấy năm gần đây, là thân phương
Tây thì xem ra đất nước này vẫn còn “hồng phúc” lắm!
Sau những gì đã diễn ra thời gian qua, hẳn nhiều người
đã nhận ra được một thực tế phũ phàng: chưa bao giờ Trung Quốc, kẻ thù truyền
kiếp luôn lăm le “nuốt chửng” đất nước chúng ta, lại có được những lực lượng
“nội ứng” hùng hậu và “hiệu quả” như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ nguy cơ về
một cuộc “Hán hoá” đối với dân tộc Việt Nam lại hiện lên rõ ràng như hiện nay
cả./.
=====================
[i] Không riêng gì ông Vũ Cao Đàm mà thực ra trong giới
trí thức Việt Nam
hiện nay cũng không ít người nghĩ như vậy.
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001